Để đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối với các tín hữu trong tình trạng hôn nhân bất hợp luật theo Amoris Laetitia - Lm. JB. Lê Ngọc Dũng

Chủ nhật - 03/03/2019 21:18  2005
Những người ly dị tái hôn hoặc kết hôn bất hợp luật đã bị cấm không được lãnh nhận Thánh Thể vì họ được coi là những người đã phạm tội trọng một cách khách quan, ngược lại giới răn của Chúa. Tuy nhiên Tông Huấn Familiaris Consortio của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (năm 1981), bản Tuyên Bố của Tòa Thánh năm 2000 và đặc biệt Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (năm 2016) lại cho thấy trong những phạm nhân đó có thể có tội nhẹ, theo sự phán xét của lương tâm chủ quan và ngay cả do hoàn cảnh khách quan khiến phạm nhân không thể làm khác đi “mà không phạm một tội mới” (Amoris Laetitia, 301). Vậy thì, những phạm nhân có tội nhẹ đó có được lãnh nhận Thánh Thể không?
Trong trách nhiệm của mình, các mục tử cần phải lưu tâm tìm hiểu để tìm ra giải pháp tốt hơn. Bài này như một góp phần vào sự tìm hiểu đó và cũng đề nghị những giải pháp mục vụ cụ thể trong bối cảnh Việt Nam.

ĐỂ ĐỒNG HÀNH, BIỆN PHÂN VÀ HỘI NHẬP SỰ YẾU ĐUỐI VỚI CÁC TÍN HỮU TRONG TÌNH TRẠNG HÔN NHÂN BẤT HỢP LUẬT THEO AMORIS LAETITIA

Lm. JB. Lê Ngọc Dũng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đối với mục vụ cho tín hữu ly dị tái hôn hoặc kết hôn bất hợp luật, đã kêu gọi các mục tử là hãy: «Đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối» (comitari, discernere et fragilitatem complere), như diễn tả của tiêu đề chương VIII Tông Huấn Amoris Laetitia.
Để có thể tích cực đón nhận và thực hiện lời kêu gọi của Tông Huấn, trước hết nên nhận ra những đường lối mục vụ cũ đã thiếu sự đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối và đang gây thiệt hại lớn lao, vượt quá những lợi ích mà chúng có thể mang lại. Khiếm khuyết chính yếu, thiết nghĩ, là những hành vi mục vụ được soi dẫn bởi cái nhìn quy tội duy ngoại, nghĩa là chỉ dựa theo tình trạng bên ngoài, bất kể tình trạng bên trong tâm hồn phạm nhân như thế nào.
Đường lối mục vụ nếu chỉ hành xử theo tòa ngoài, bỏ rơi chiều kích tòa trong của lương tâm là đi nghịch lại với bản chất của một tôn giáo, nhất là nghịch lại với Kitô giáo. Đương nhiên là nó sẽ gây ra những tai hại, và thực sự nó đã gây ra sự thiệt hại lớn lao là sự lìa bỏ Giáo Hội nơi đa số phạm nhân.


1. Tình trạng xa lìa Giáo Hội

Sự thăm dò ở các giáo xứ Việt Nam cho biết có khoảng 90-95% các tín hữu tín hữu đang sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp luật hoặc ly dị tái hôn không còn đi nhà thờ, sống như người ngoại đạo, hay bỏ đạo.
Thật ra, từ năm 1981, trong Tông Huấn Familiaris Consortio, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã lưu ý tình trạng ly dị tái hôn đang là một đại họa và kêu gọi toàn thể Giáo Hội là hãy cấp bách lo cứu chữa, «không thể bỏ mặc» họ:
Đây là một đại họa ngày càng lan rộng và tấn công cả các môi trường Công Giáo như những đại họa khác, nên cần phải cấp bách đối diện với vấn đề này với một sự quan tâm hết sức lớn lao… Hội Thánh không thể bỏ mặc những người, đã được kết hợp trong dây Bí tích Hôn Phối, nay lại muốn cưới người khác (Familiaris Consortio, 84).
Ngài kêu gọi kèm theo chỉ dẫn:
Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh (Familiaris Consortio, 84).
Đến nay, đại họa trên vẫn tiếp tục gia tăng do việc di lị tái hôn và lìa bỏ Giáo Hội gia tăng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong phần đầu Tự sắc Mitis Iudex, năm 2015, về cải tổ thủ tục tòa án hôn phối kêu gọi Giáo Hội như người mẹ phải gần gũi với những người con thấy mình bị tách biệt:
Việc cải tổ này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vì có rất đông các tín hữu, dù vẫn muốn làm theo lương tâm lại thường bị tách biệt với các cơ cấu pháp lý của Giáo Hội do sự xa cách về thể lý hay luân lý. Do đó, đức ái và lòng thương xót đòi hỏi chính Giáo Hội như người mẹ phải gần gũi với những người con thấy mình bị tách biệt như vậy (Mitis Iudex, phần mở đầu).
Trong Tông Huấn Amoris Laetitia, năm 2016, ngài tiếp tục cảnh giác một cách mạnh mẽ về mối đại họa lìa bỏ Giáo Hội vì các tín hữu «cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh». Các mục tử phải nổ lực làm sao để họ «thấy họ vẫn thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà còn để họ có được một cảm nghiệm hân hoan và sinh hoa trái trong Nhiệm Thể ấy» (Amoris Laetitia, 299).
 

2. Xa lìa Giáo Hội vì nguyên nhân nào?

 

2.1. Bị coi là ngoan cố trong tội trọng và mất ơn thánh hóa

Các tín hữu sống trong tình trạng lỗi luật hôn nhân không được nhận các bí tích: Hòa Giải, Thánh Thể... Các chế tài được áp đặt hoặc do chính luật hay bởi nhà chức trách có thẩm quyền địa phương.
- Không được lãnh nhận Thánh Thể, theo Tông Huấn Familiaris Consortio, 84; dựa theo Giáo Luật điều 1095.
- Không được lãnh nhận Bí Tích Giải Tội, theo Sách Giáo Lý HTCG số 1650. 
- Có khi cũng không được Xức Dầu bệnh nhân, theo Giáo Luật điều 1107; không được cử hành nghi thức và Thánh Lễ an táng theo điều 1184§1,30 và điều1185.
- Không được đảm nhận một số trách nhiệm, theo Sách Giáo Lý HTCG số 1650. Theo quy định này thì họ không được tham dự vào một số tác vụ trong phụng vụ hoặc mục vụ như đọc sách, dạy giáo lý…
Sự cấm lãnh nhận Bí Tích Giải Tội và Thánh Thể… đối với những tín hữu ly dị tái hôn hay đang sống trong hôn nhân bất hợp pháp đã tạo nên những giải thích hay hiểu biết lầm lạc, cho rằng tất cả họ đều là những người đang mắc tội trọng hay tội chết, tức là, bị mất mọi ơn thánh hóa.


2.2. Vì tội trọng nên mặc cảm, thất vọng và xa lìa Giáo Hội

Giáo lý về tội và hậu quả
Về tội nặng, hay tội chết, truyền thống giáo lý Công Giáo dạy:
- Tội nặng làm cho ta không được hiệp thông với Chúa, nên không được hạnh phúc vĩnh cửu. Sự mất mát này gọi là «hình phạt đời đời» (SGLHTCG 1472).
- Khi phạm tội nặng, con người đánh mất đức mến, tự tước bỏ ơn thánh hóa, tức là tình trạng ân sủng (SGLHTCG, 1861).

Thất vọng và xa lìa Giáo Hội
Phạm nhân khi nhận thức mình ở trong tội nặng hay tội chết, sẽ:
- thấy mình bị mất mọi ơn thánh hóa nên thấy việc dự Thánh Lễ, đọc kinh cầu nguyện, việc đi nhà thờ, phụng thờ yêu mến Thiên Chúa, việc bác ái… đều không sinh ơn ích gì cả.
- thấy mình là kẻ tội lỗi trầm trọng công khai nên mặc cảm, không đi nhà thờ nữa. Nếu ở giáo xứ toàn tòng, giáo dân biết rõ hoàn cảnh gia đình của nhau, dễ có sự phê bình chỉ trích, thì phạm nhân càng bị mặc cảm hơn.
[1]
Ngoài ra, nếu không nhận thức mình là đang trong tội trọng, không bị mặc cảm, thì nhiều khi lại vì thiếu đức tin hay thiếu sự hiểu biết về Thánh Lễ, nên họ cũng không đi tham dự Thánh Lễ nữa, vì cho rằng: Đi Lễ mà không được rước lễ thì được ích lợi gì![2]
Một số khác thấy bất mãn, vì những hành xử cấm cách, có ý nghĩa như sự kết án mãi mãi và sự loại bỏ họ ra khỏi cộng đoàn dân Chúa, đi ngược lại với điều họ vẫn nghe giảng huấn về sự thông cảm, yêu thương tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy 90-95% tín hữu ly dị tái hôn hay đang sống hôn nhân bất hợp luật xa lìa Giáo Hội, hoặc bỏ đạo hoặc không đi nhà thờ nữa.
Hậu quả lại càng nghiêm trọng hơn ta tưởng, vì cả thế hệ con cháu họ cũng có thể không biết đến Giáo Hội hay Chúa gì nữa.


3. Cái nhìn kết tội duy ngoại

Được coi là quy tội duy ngoại khi sự quy tội chỉ dựa theo tình trạng bên ngoài hay tình trạng khách quan của phạm nhân, bất kể tình trạng chủ quan của phạm nhân như thế nào, nghĩa là, bất kể phạm nhân có đầy đủ nhận thức về tội, bất kể họ có tự do hay bị áp lực gì khác hay không.

 

- Tình dục là xấu xa tội lỗi

Do chính cái nhìn tiêu cực về tình dục khiến ta nghĩ mọi tội liên quan đến tình dục đều được coi là tội nặng. Ngay từ thời các giáo phụ, Thánh Augustino đã cho rằng tình dục là xấu xa tội lỗi. Nó như là một rối loạn trật tự tự nhiên thường xuyên trong chính bản thân con người; do hậu quả của tội của Nguyên Tổ. Cũng như Nguyên Tổ bất tùng phục Thiên Chúa, sự ham muốn tình dục (conconpiscence, dâm dục, nhục dục), như là những mãnh lực thấp hèn, những xúc cảm và thúc đẩy thỏa mãn, bất tùng phục, chống lại lý trí tốt lành, đưa con người vào tình trạng tội lỗi.[3]

- Hôn nhân là thuốc chữa tình dục
Sự xấu xa tội lỗi của ham muốn tình dục chỉ được hợp luật hóa hay được biện minh, chửa khỏi nhờ nhiệm vụ sinh sản mà Thiên Chúa thiết định.  Vì vậy, theo truyền thống Augustino, hôn nhân được coi là thuốc chữa cho bệnh tình dục (remedium concupiscentiae). Tư tưởng này thống trị lâu dài trong lòng Giáo Hội, mãi đến 1917 Bộ Giáo Luật vẫn còn nêu ra ở điều 1013§1.
 
- Mọi tội tình dục đều là nặng
Hơn nữa, một trong những lý do chính của ý tưởng coi mọi tội liên quan đến tình dục đều là tội nặng có nguồn gốc từ xác tín của Thánh Toma Aquinô và của nhiều nhà luân lý khác về tinh trùng của đàn ông. Theo thánh nhân, nó là «một cái gì đó thánh thiêng vì nó mang tiềm năng của một con người». Vì thế, đối với họ, phạm tội dâm dục thì cũng giống như phạm tội giết người vậy. [4]  
Ví dụ như sắc lệnh của cha Claudius Aquavia, bề trên tổng quyền dòng Tên gởi cho các tu sĩ của mình năm 1612, chỉ thị cho các tu sĩ dòng Tên không được dạy hay tuyên bố rằng nói chung trong các tội về tình dục cũng có các tội nhẹ.
[5]

- Cái nhìn quy tội duy ngoại

Trong phạm vi tội tình dục cái nhìn kết tội duy ngoại rất phổ biến vì vẫn có lý do thuyết phục nào đó. Thử hỏi: hai người nam nữ kết hợp xác thịt với nhau, ngoài một hôn nhân hợp pháp, có phải là tội tà dâm, tội trọng nghịch điều răn thứ sáu hay không?
Hầu như đa số trả lời là «Có, đúng như vậy», với lý giải rằng, họ ăn ở xác thịt với nhau mà không có kết hôn hợp luật Giáo Hội, thì lại không phạm tội tà dâm sao được! Mà tội tà dâm nghịch điều răn thứ sáu lại là tội trọng!
Một sự kiện về sự quy tội duy ngoại một cách trầm trọng được thấy từ chính sự giải thích việc từ chối ban Bí Tích Giải Tội: «Ông/bà đang ngoan cố phạm tội trọng, chưa từ bỏ, nên không thể được tha được tội nặng đó hay tội nào khác».
Đây quả là một sự quy tội chỉ dựa vào hành vi bên ngoài, hay nói cách khác sự quy tội dựa vào hành vi khách quan, vì chỉ căn cứ theo tình trạng ly dị tái hôn một cách khách quan để khẳng quyết tội trọngngoan cố.


4. Giáo huấn chính thức của Giáo Hội


Một cách tổng quát, các Đức Giáo Hoàng, không bao giờ quy tội theo kiểu duy ngoại như vậy. Ngược lại, các ngài luôn cho thấy những người đang sống trong tình trạng tội trọng khách quan, vẫn có thể chỉ có tội nhẹ chủ quan, nghĩa là họ vẫn có thể có ơn thánh hóa, có thể không ở trong tình trạng tội trọng hay tội chết và hơn nữa họ có thể được tiến triển trong ân thánh.

    
4.1. Tông huấn Familiaris Consortio, số 84, của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, năm 1981

Trong Tông Huấn Familiaris Consortio, số 84, Đức Giáo Hoàng kêu gọi «Các mục tử, vì lòng yêu sự thật, buộc phải phân biệt rõ những hoàn cảnh khác nhau», nghĩa là, trong số những người ly dị tái hôn, mức độ tội của họ khác nhau:
- Người có thể là có tội nặng, tội chết:
 «người do tội nặng của mình đã phá huỷ cuộc hôn nhân thành sự».
- Người có tội khác không nặng như vậy, tức là không phải tội chết, là tội nhẹ:  
«người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công;
 người đã kết hôn lần thứ hai nhằm để giáo dục con cái;
người chủ quan trong lương tâm tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, đã bị phá huỷ không thể sửa chữa, không hề thành sự».

Khi phân biệt các trường hợp có lỗi khác nhau, ngài xác định cho chúng ta, là có những trường hợp tội nhẹ, tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng biệt mỗi người và vào nhận thức chủ quan của lương tâm phạm nhân. Trách nhiệm về tội của họ tùy thuộc vào đó, chứ không tùy thuộc hoàn toàn vào hành vi hay tình trạng bên ngoài.
Để hiểu rõ hơn nên nhắc lại giaó huấn ngài trong Tông Huấn về Hòa Giải và Sám Hối (Reconciliatio et Paenitentia), ban hành năm 1984. Trong số 17 của Tông Huấn, ngài đã đồng hóa tội nặng (grave sin) với tội chết (mortal sin), (x. Reconciliatio et Paenitentia, 17).
Vì vậy, có thể nhận ra rằng, có một số tín hữu cố tình và ngoan cố trong tội chết, những cũng có một số khác lại không ở trong tình trạng tội, tức là nhẹ. Ngài cho thấy các tội nhân đó, dù «đã lìa xa lệnh truyền của Chúa và đang tiếp tục sống trong tình trạng ấy» vẫn có thể được những ân phúc, ơn hoán cải và cứu rỗi, nghĩa là, họ vẫn có thể có ơn thánh hóa:
Hội Thánh tin rằng ngay cả những người đã lìa xa lệnh truyền của Chúa và đang tiếp tục sống trong tình trạng ấy, cũng có thể nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa, nếu họ kiên trì trong kinh nguyện, thống hối và bác ái (Familiaris Consortio, 84).
 

4.2. Đức Ratzinger trong thư gởi các Giám Mục, năm 1984

Sau Tông Huấn Familiaris Consortio, năm 1981, để giúp thực thi Tông Huấn, Đức Hồng Y Ratzinger, năm 1984, với chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, viết «Thư gởi các Giám Mục trên thế giới về vấn đề lãnh nhận Thánh Thể nơi người ly dị tái hôn», (Letter to the bishops of the catholic church concerning the reception of holy communion by the divorced and remarried members of the faithful) đã ra chỉ dẫn mục vụ một cách cụ thể hơn:
Các tín hữu (ly dị tái hôn) phải được giúp đở để hiểu thấu giá trị của sự chia sẻ hiến tế của Đức Kitô trong Thánh Lễ, của sự rước lễ thiêng liêng, của sự cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, của việc bác ái và công bằng (số 6).
Trong chỉ dẫn này, khi ngài nói các tín hữu ly dị tái hôn phải được giúp đở để có thể «rước lễ thiêng liêng» thì cũng có nghĩa là họ có thể không ở trong tình trạng tội trọng hay tội chết, nghĩa là, họ vẫn có thể có ơn thánh hóa. Những sự cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, của việc bác ái và công bằng của họ, vì vậy, đều có thể có giá trị đạo đức, thánh thiện.


4.3. Số 1650 của sách GLHTCG

Điều đáng tiếc là, số 1650 của SGLHTCG, năm 1997, đã nới rộng việc cấm lãnh nhận Thánh Thể sang cả việc cấm lãnh nhận Bí Tích Xá Giải. Sách Tóm Tắt (compendium) GLHTCG, năm 2005, đã viết như sau:
Họ không được nhận Bí Tích Xá Giải, cũng không được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, cũng không được đảm nhận một số trách nhiệm trong Giáo Hội, bởi vì ở mãi trong tình trạng nhưng vậy thì đi ngược cách khách quan với luật Thiên Chúa (số 349).
Số 1650 của SGLHTCG, năm 1997, quy định:
Vì thế, bao lâu còn sống trong tình trạng này, họ không được lãnh nhận Thánh Thể. Cũng vì lý do đó, họ không được đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh. Việc giao hòa trong Bí tích Thống hối chỉ có thể được ban cho những người ăn năn vì đã phạm đến dấu hiệu của Giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và buộc mình sống hoàn toàn tiết dục (SGLHTCG, 1650).
 

4.3.1. Không đúng với lời dạy của Tông Huấn Familiaris Consortio, số 84

Số 1650 Sách GLHTCG đã thêm lệnh cấm lãnh nhận Bí Tích Thống Hối vào Tông Huấn Familiaris Consortio. 
Để chứng tỏ, xin hãy đối chiếu với đoạn văn tương ứng của Tông Huấn Familiaris Consortio, số 84:
Việc giao hòa trong Bí tích Thống hối – (việc) mà mở đường cho bí tích Thánh Thể – có thể được ban cho chỉ những ai biết hối hận vì đã phạm đến dấu hiệu của Giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và thành thật sẵn lòng chấp nhận một hình thức sống không còn mâu thuẫn với sự bất khả phân ly của hôn nhân nữa. Nói như thế là mặc nhiên cho rằng, khi có những lý do hệ trọng – chẳng hạn để làm gương và giáo dục con cái – người nam và người nữ không thể xa lìa nhau như luật buộc, thì “họ có thể đảm nhận sống tiết dục hòan toàn, nghĩa là tránh hẳn những hành vi dành riêng cho vợ chồng”.
Chủ ý của đoạn văn là nói đến khả thể được lãnh nhận Thánh Thể với hai điều kiện, tóm gọn như sau:
- Ăn năn và lãnh nhận Bí Tích Thống Hối;
- Đảm nhận sống tiết dục hoàn toàn.
Số 1650 Sách GLHTCG, lại chuyển chủ ý đoạn văn, đổi sang một khả thể lãnh nhận Bí Tích Thống Hối, viết lời dạy của Tông Huấn thành 3 chỉ thị riêng biệt:
a- «bao lâu còn sống trong tình trạng này, họ không được lãnh nhận Thánh Thể»;
b- «họ không được đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh»;
c- «Việc giao hòa trong Bí tích Thống hối chỉ có thể được ban cho những người ăn năn vì đã phạm đến dấu hiệu của Giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và buộc mình sống hoàn toàn tiết dục».
Chỉ thị (a) hoàn toàn khép kín lệnh cấm nhận Thánh Thể, không mở ra con đường nào khác hoặc với điều kiện nào. Điều này có nghĩa là Sách GLHTCG số 1650 bỏ mất đi đoạn văn của Tông Huấn có ý mở ra cho việc lãnh nhận Thánh Thể với điều kiện thống hối lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải và cam kết sống hoàn toàn tiết dục.
Chỉ thị (c) cấm lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, trừ khi ăn năn thống hối và  tiết dục hoàn toàn.  
Số 1650, như vậy, đã chuyển đổi hai đòi hỏi để được lãnh nhận Thánh Thể - (1) ăn năn, lãnh nhận Bí Tích Thống Hối và, (2) đảm nhận sống tiết dục hoàn toàn - sang thành việc cấm lãnh nhận Bí Tích Thống Hối, nghĩa là, chỉ khi nào tiết dục hoàn toàn thì mới được lãnh nhận Bí Tích Thống Hối.
Mặt khác, một văn bản Giáo huấn chính thức khi đưa ra một lệnh cấm lãnh nhận Bí Tích, bao giờ cũng nêu ra những lý do hay tác hại của nó. Tông Huấn đã nêu những lý do và tác hại của việc lãnh nhận Thánh Thể nơi người ly dị tái hôn, nhưng chẳng có chỗ nào nói trực tiếp đến việc cấm lãnh nhận Bí Tích Thống hối và những lý do của việc cấm.
Một bằng chứng khác có thể thấy Tông Huấn Familiaris Consortio đã không hề cấm lãnh nhận Bí Tích Giải Tội như vậy. Đó là văn bản của Đức Hồng Y Ratzinger, Bộ trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin lúc bấy giờ, trong thư gởi các Giám Mục trên thế giới về vấn đề lãnh nhận Thánh Thể nơi người ly dị tái hôn nói trên, năm 1984:
Đối với những tín hữu vẫn cứ ở trong tình trạng hôn nhân như thế, con đường đến lãnh nhận Thánh Thể, chỉ được mở ra từ sự xá giải bí tích, có thể được ban cho «chỉ những ai biết hối hận vì đã phạm đến dấu hiệu của Giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và thành thật sẵn lòng chấp nhận một hình thức sống không còn mâu thuẫn với sự bất khả phân ly của hôn nhân nữa. Nói như thế là mặc nhiên cho rằng, khi có những lý do hệ trọng – chẳng hạn để làm gương và giáo dục con cái – người nam và người nữ không thể xa lìa nhau như luật buộc, thì «họ có thể đảm nhận sống tiết dục hòan toàn nghĩa là tránh hẳn những hành vi dành riêng cho vợ chồng» (Familiaris Consortio, 84).
Chủ ý của đoạn văn, được xác định rõ là «Con đường đến lãnh nhận Thánh Thể». Đoạn văn này có chủ ý nói đến khả thể lãnh nhận Thánh Thể với những điều kiện hay đòi hỏi nào, chứ không có ý nói đến khả thể lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. 

4.3.2. Làm sai lệch giáo huấn chính thức

Việc cấm lãnh nhận Bí Tích Thống Hối bao hàm ý nghĩa là, tội nhân bị tước bỏ mọi ơn thánh hóa, không thể được tha thứ.
Rõ ràng là việc cấm lãnh nhận Bí Tích Thống Hối làm sai lệch giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng về khả thể có ơn thánh hóa nơi các tín hữu ly dị tái hôn. Sự sai lệch càng rõ ràng nếu đặt dưới ánh sáng của tông huấn Amoris Laetitia về sự giảm khinh tội và có ơn thánh hóa.
Một quan điểm quy tội duy ngoại, đi trái với giáo huấn chính thức gây tác hại rất nghiêm trọng.
Xin lấy ví dụ rất cụ thể trong đời sống các tín hữu. Một phụ nữ bị chồng bỏ rơi lúc còn trẻ với một đứa con thơ dại đã tái hôn với một người chồng mới. Khi chị sinh thêm được hai người con khác thì người chồng đòi chị phá thai. Nếu không đồng ý phá thai, chị phải đối diện với nguy cơ bị chồng ruồng bỏ với các đứa con.  Vì lo sợ, chị đã phá thai. Sau đó chị hối hận và đi xưng tội, nhưng cha giải tội từ chối, giải thích rằng: «Con đang mắc tội tái hôn là tội trọng, không thể được tha bất cứ tội nào khác. Nếu muốn được xưng tội, con hãy về chia tay với người đàn ông đó, thì cha mới có thể giải tội cho con».
Người phụ nữ đó ra về, thất vọng về ơn tha thứ; hoặc mất đức tin; hoặc buông xuôi chẳng còn quan tâm đến việc đạo đức; hoặc không đến nhà thờ nữa.
Người phụ nữ đó cũng có thể cảm thấy quá ư là đau khổ, dằn vặt trước hai đòi hỏi: a- Phải chia tay hay sống tiết dục với chồng để sống đạo; b- Phải sống theo lương tâm của mình, vì chị thấy rằng không thể nào chia tay với người mình chung sống và đã có tình nghĩa sâu đậm với người này, hoặc chị không thể từ chối ăn nằm với chồng mà không bị chồng ngoại tình và bỏ rơi mình với những đứa con, hoặc vì chị thấy không thể để những đứa con mình sống trong thiếu thốn tình thương hay thiếu thốn chăm sóc hay giáo dục của cha mẹ.
Có thể nói, sự từ chối giải tội quả là một điều phi lý, vì chỉ dựa theo tình trạng khách quan bên ngoài, bất kể đến trách nhiệm chủ quan của tội nhân, lòng thống hối; bất kể đến những gánh nặng, sự đau khổ dằn vặt tâm hồn con người.
Hậu quả của sự kết tội phi lý gây hậu quả thất vọng và lìa xa Hội Thánh. Dễ thấy rằng khi dùng kỷ luật để ngăn ngừa scandal một cách thiếu biện phân và thiếu chiều kích nhân bản như vậy, ta lại tạo ra scandal nghiêm trọng hơn!

4.3.3. Cần có sự giải thích chính thức rõ hơn để tránh nguy hại


Hiện nay, việc áp dụng theo Tông Huấn Amoris Laetitia, còn rất hạn chế. Số 1650 của Sách GLHTCG vẫn còn là điểm tựa cho những Đấng Bản Quyền chủ trương ngăn cấm, một cách không phân biệt giữa việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể và lãnh nhận Bí Tích Giải Tội đối với người ly dị tái hôn, dựa theo Sách Tóm Tắt (compendium) GLHTCG, năm 2005:
Họ không được nhận Bí Tích Xá Giải, cũng không được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, cũng không được đảm nhận một số trách nhiệm trong Giáo Hội, bởi vì ở mãi trong tình trạng nhưng vậy thì đi ngược cách khách quan với luật Thiên Chúa (số 349).
Sự ngăn cấm này làm gia tăng thêm cảm thức tội trọng không thể được tha thứ nơi người ly dị tái hôn, gây ra sự thất vọng, mất niềm tin và xa lìa Giáo Hội.
Thiết nghĩ Tòa Thánh nên có giải thích chính thức để tránh sự lẫn lộn gây nguy hại này. Các Đấng Bản Quyền địa phương, nhờ những giải thích này, trong khi chưa thể cho phép lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể vì những nguy hại khách quan, như là gây scandal có thể xảy ra trong giáo hội địa phương, các ngài vẫn mở rộng cho tín hữu được lãnh nhận Bí Tích Thống Hối khi họ cần đến.
Hơn nữa, nhờ qua việc cho lãnh nhận Bí Tích Thống Hối thì tiến trình «Đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối» theo lời dạy của Tông Huấn Amoris Laetitia mới có thể thực hiện được. Nếu cấm lãnh nhận Bí Tích Thống Hối, thì tiến trình đó bị chặn lại ngay từ khởi đầu, vì sự cấm này có ý nghĩa như sự kết tội không thể tha thứ cho mọi tín hữu ly dị tái hôn, bất kể họ đang ở trong hoàn cảnh hay tình trạng nào. Như vậy, không còn gì gọi là biện phân, đồng hành và hội nhập sự yếu đuối.


4.4. Hội Đồng Giáo Hoàng về Những Văn Bản Lập Pháp, năm 2000

May thay, Hội Đồng Giáo Hoàng về Những Văn Bản Lập Pháp, ngày 24-6-2000, đã ra «Tuyên Bố về việc lãnh nhận Thánh Thể của người ly dị tái hôn», (Dichiarazione circa l’ammissibilità alla santa comunione dei divorziati risposati). Bản Tuyên Bố, với sự đồng thuận của Bộ Giáo Lý Đức Tin và Bộ Phụng tự Bí Tích, cho thấy tín hữu ly dị tái hôn có thể lãnh nhận Bí Tích Thống Hối khi có lòng thống hối chân thực, tuy nhiên họ vẫn không được lãnh nhận Thánh Thể.
Tiếc thay, bản Tuyên Bố năm 2000 này lại ít được biết đến, ít được áp dụng. Trong khi đó, số 1650 của sách GLHTCG, xuất bản năm 1997, lại được chấp nhận và áp dụng rất rộng rãi.
Càng đáng tiếc hơn nữa, mặc dù Bản Tuyên Bố năm 2000 có sự đồng thuận của Bộ Giáo Lý Đức Tin và Bộ Phụng tự Bí Tích, nhưng 5 năm sau, Sách Tóm Tắt (compendium) GLHTCG, năm 2005, vẫn giữ nguyên lệnh cấm: «Họ không được nhận Bí Tích Xá Giải, cũng không được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, cũng không được đảm nhận một số trách nhiệm trong Giáo Hội... » (số 349).


4.4.1. Có thể được xưng tội mà không buộc «thực hiện» tiết dục

Bản Tuyên Bố, đã định nghĩa khái niệm «ngoan cố», cho rằng, ngoài yếu tố thời gian còn phải có yếu tố là «không muốn nó chấm dứt», nghĩa là, không còn ngoan cố khi muốn nó chấm dứt. Vậy, ngoan cố còn được xác định bởi những yếu tố thuộc nội tâm, chủ quan của phạm nhân, chứ không được xác định chỉ bởi hành vi bên ngoài. Vì vậy, Bản Tuyên Bố đã xem việc Ban Tích Giải tội cho hối nhân là chuyện đương nhiên cho một tín hữu có lòng sám hối (muốn chấm dứt tội) để người này được thứ tha, mặc dù đã không thực hiện được việc chia tay hay tiết dục vì lý do nghiêm trọng:
Sau khi đã định nghĩa ngoan cố, Bản Tuyên Bố viết rõ như sau: «không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên»
a- «những người mà không thể (who would not be able), vì những lý do nghiêm trọng - như là giáo dục con cái – “hoàn thành (to satisfy) việc buộc phải chia tay, đảm nhận (assuming) nghĩa vụ sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh những hành vi dành riêng cho vợ chồng” (Familiaris Consortio, 84)».
b- «và dựa trên nền tảng của chủ tâm (proposito, intention) như vậy đã lãnh nhận Bí Tích Thống Hối».
[8]
Điểm (b) đã cho thấy tín hữu có thể lãnh nhận bí tích Thống Hối để được tha thứ, mà không phải «thực hiện» một cách thực tiễn việc tiết dục khi có lý do nghiêm trong ngăn cản (điểm a), mà chỉ cần dựa trên cơ sở của sự chủ tâm hay ý định (proposito, intention) là muốn chấm dứt tội.[9] Và nhờ lãnh nhận bí tích Thống Hối như vậy, họ không còn bị coi là «ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên».
Bản Tuyên Bố, do đó, đã coi việc lãnh nhận Bí Tích Thống Hối là điều bình thường hay điều đương nhiên dành cho người có lòng sám hối, không hề có sự cấm cản nào.
Bản Tuyên Bố, vì vậy, đã nghiêm túc cứu xét đến khía cạnh trách nhiệm chủ quan của hành vi phạm tội nặng và sự ngoan cố, không còn quy tội theo kiểu duy ngoại, duy khách quan hay chỉ theo vi phạm bên ngoài.


4.4.2. Nhưng vẫn không được lãnh nhận Thánh Thể

Tuy nhiên, dù không ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên người ly dị tái hôn vẫn không được rước lễ vì những tai hại khách quan mà họ gây ra: sự bất xứng công khai, hiểu lầm về giáo lý bất khả phân ly của hôn nhân và scandal (x. Tuyên Bố, số 1; Faminliaris Consortio, 84).
Bản Tuyên Bố giải thích rằng, việc họ có tiết dục đi chăng nữa thì cũng là chuyện kín đáo không ai biết. Bên ngoài vì họ vẫn sống như vợ chồng (more uxorio) khiến người ta vẫn nghĩ rằng họ vẫn có kết hợp tình dục vợ chồng, nghĩa là, vẫn trong tình trạng tội trọng hiểu theo khách quan. Vì vậy họ «chỉ có thể được nhận đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo», nghĩa là, chỉ có thể lãnh nhận Thánh Thể khi tránh được scandal.


4.5. Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tiếp nối và khai triển mạnh mẽ giáo huấn liên quan hoàn cảnh riêng biệt và tòa trong của phạm nhân. Với Tông Huấn Amoris Laetitia, ban hành năm 2016, ngài kêu gọi các mục tử hãy «biện phân», để hiểu thấu vấn đề nói chung và cho từng trường hợp để giúp các cá nhân tín hữu:
Những người ly dị đã bước vào một kết hợp mới, chẳng hạn, có thể rơi vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà ta không nên nhồi nhét vào những cách xếp loại quá cứng ngắc, không chừa chỗ nào cho việc biện phân thích đáng có tính bản thân và mục vụ (Amoris Laetitia, 298).
Ngài cảnh giác, như khiển trách, các mục tử nào khép kín cõi lòng, chỉ tuyên phán hời hợt, duy luật lệ:
Chỉ cần áp dụng các lề luật luân lý vào những người đang sống trong các hoàn cảnh «bất hợp lệ» là đã đủ, như thể các lề luật này là những viên đá dùng để ném vào cuộc sống người ta. Đó là trường hợp khép kín cõi lòng của những người quen nấp đàng sau các giáo huấn của Giáo Hội, «ngồi trên tòa Môsê và phán xét các vụ án khó khăn và các gia đình bị thương tích, đôi lúc một cách tự tôn và hời hợt» (Amoris Laetitia, 305).
Đồng thời ngài cũng kêu gọi các mục tử hãy «đồng hành» và «hội nhập sự yếu đuối», nghĩa là ngài mời gọi các mục tử hãy thông cảm, khoan dung vì tội nhân do yếu đuối mà phạm tội (x. Chương VIII Amoris Laetitia).
Đức Hồng Y Coccopalmerio, chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Bản Lập Pháp, tức là vị đứng đầu giáo triều Roma về giải thích các văn bản pháp lý, đã viết một cuốn sách nhỏ giúp hiểu Chương Tám Tông Huấn Amoris Laetitia (Il capitolo ottavo della esortazione apostolica post sinodale Amoris Laetitia), được Nhà Xuất Bản Vatican phát hành và giới thiệu vào ngày 14-2-2017 tại cuộc họp báo của Vatican.
[10]
Đức Hồng Y đã coi lời dạy của Tông Huấn sau đây về tình trạng tội là nền tảng cho các hướng dẫn khác:
Giáo Hội sở đắc cả một tổng hợp suy tư chắc chắn liên quan tới các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh. Do đó, không thể đơn giản nói rằng tất cả những người trong bất cứ hoàn cảnh «bất hợp luật» (irregolare) nào đều đang sống trong tình trạng tội trọng hay không có ơn thánh hóa. (Amoris Laetitia, 301).
Đức Hồng Y đã giải thích thêm:
Qua diễn tả «trong bất cứ hoàn cảnh “bất hợp luật” nào» đoạn văn trích dẫn được hiểu là chỉ cho tất cả những người mà chỉ kết hôn dân sự hoặc đang đơn thuần sống chung hoặc đang bị ràng buộc bởi hôn nhân trước theo Giáo luật. Tất cả những tín hữu này đều có thể không sống «trong tình trạng tội chết», họ có thể không bị “mất ơn thánh hóa” (Coccopalmerio, Mục 2.2).
Tông Huấn còn nói những tội nhân theo cái nhìn khách quan, bên ngoài là có tội, nhưng xét theo tâm tư chủ quan của họ thì họ có thể không có tội và hơn nữa họ có thể lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái:
Vì các hình thức của điều kiện hóa và các nhân tố giảm khinh, rất có thể, dù ở trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không bị qui tội về phương diện chủ quan, một ai đó vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội để tiến tới mục tiêu này (Amoris Laetitia, 305).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên các mục tử hãy tránh cái nhìn đơn giản tiêu cực, đóng kín, ngăn chặn, nhưng hãy có cái nhìn tích cực, để nhìn nhận giá trị thánh thiện của những tín hữu bị coi là tội lỗi nhưng đã vẫn cố gắng sống tốt:
Vì suy nghĩ mọi sự đều đen và trắng, nên đôi khi ta đóng kín đường ơn thánh và đường tăng trưởng, không khuyến khích các nẻo đường nên thánh nhằm đem vinh quang lại cho Thiên Chúa. Ta hãy nhớ điều này «giữa các giới hạn lớn lao của con người, một bước nhỏ cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn cả một đời bề ngoài có vẻ đàng hoàng, nhưng không ngày nào phải đối đầu với khó khăn lớn lao» (Amoris Laetitia, 305).
 

5. Giải thích của Amoris Laetitia về tình trạng tội

Trong giới hạn bài viết này, xin chỉ nêu ra một số điểm chính yếu khá thuyết phục mà Đức Hồng Y Coccopalmerio giải thích Tông Huấn Amoris Laetitia Chương tám.


5.1. Không thể hành động khác đi mà không phạm tội thêm một tội mới

Đức Hồng Y Coccopalmerio lưu tâm giải thích sự miễn giảm tội qua một đoạn văn khá quan trọng của Tông huấn:
Những sự giới hạn không đơn giản chỉ bởi sự không biết nào đó về luật. Một chủ thể rất có thể biết đầy đủ về luật, thế nhưng lại gặp khó khăn lớn trong việc hiểu rõ «các giá trị sâu xa của nó» (339) hoặc rơi vào một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm một tội mới (Amoris Laetitia, 301).
Ngài giải thích, Tông Huấn cho thấy có ba lý khác nhau khiến một tội nhân không ở trong tình trạng tội chết (x. Coccopalmerio, Mục 3.2):
a) Phạm nhân «không biết nào đó về luật», thì tất nhiên phạm nhân không có tội hoặc được miễn giãm khi vi phạm luật đó.
b) «chủ thể có thể gặp khó khăn lớn trong việc hiểu rõ các giá trị sâu xa của luật». Một người có thể biết khá rõ về một luật nhưng đồng thời lại không nhận biết được giá trị tốt của nó. Vì vậy người ấy không có lỗi nếu vi phạm luật đó. Đức Hồng Y giải thích thêm: «Và, trong thực tế, sự việc một người không biết một luật là tốt thì tương đồng một cách hiệu quả với sự không biết chính luật đó».
c) «hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm một tội mới». Người này có thể biết luật và biết điều tốt của luật nhưng vì hoàn cảnh cụ thể không thể làm khác đi. Nếu làm khác đi thì lại thấy mình phạm thêm một tội mới khác.
Chúng ta thử hỏi, tại sao nếu làm khác đi thì lại phạm thêm một tội mới?
«Làm khác đi» hay «quyết định khác đi» ở đây ý nói đến việc tín hữu từ bỏ tình trạng kết hôn «bất hợp lệ» mà mình đang sống, đang làm. Tuy nhiên khi bỏ đi một sự xấu như thế thì đồng thời lại xảy ra những điều xấu khác.
Điều xấu khác đó là gì? Đoạn Tông Huấn, số 298, giúp ta hiểu rõ:
Một chuyện là cuộc kết hợp thứ hai được củng cố với thời gian, có những đứa con mới, được chứng thực là trung thành, hiến thân quảng đại, có cam kết Kitô Giáo, ý thức tính bất hợp lệ của nó và cả sự khó khăn lớn lao này là nếu trở lại chắc chắn lương tâm sẽ cảm thấy có tội mới. Giáo Hội nhìn nhận các hoàn cảnh «trong đó, vì các lý do nghiêm túc, như việc dưỡng dục con cái chẳng hạn, người đàn ông và người đàn bà không thể thỏa mãn nghĩa vụ phải chia lìa nhau (329)».

Tuy không nói là họ có ý định hay đặt vấn đề thay đổi hay từ bỏ tình trạng trái luật lệ một cách rõ ràng, nhưng đoạn văn trên nói cách ẩn ý rằng, họ có ý định hay ít ra là ước muốn từ bỏ, qua những diễn đạt: «sự khó khăn lớn lao này là nếu trở lại chắc chắn lương tâm sẽ cảm thấy có tội mới».
Đức Hồng Y viết:
Để minh họa tốt hơn điều đã được nói, chúng ta hãy nại đến một trường hợp cụ thể, đó là trường hợp một phụ nữ đi chung sống với một người đàn ông đã kết hôn theo giáo luật và bị vợ bỏ với ba đứa con còn rất nhỏ dại. Nói một cách chính xác là người phụ nữ này đã cứu người đàn ông ra khỏi một tình trạng thất vọng tột cùng, có thể là khỏi ý định tự tử. Chị đã không kể gì hy sinh để nuôi nấng dạy dỗ ba đứa con chồng; và chị cũng đã sinh thêm một đứa con trai. Sự chung sống đã được khoảng mười năm và người phụ nữ này biết mình đang ở trong tình trạng bất hợp luật, thành thật muốn thay đổi cuộc sống. Nhưng, rõ ràng là chị không thể. Nếu, thực ra, chị từ bỏ sự chung sống, người đàn ông bị trở lại tình trạng cũ, những đứa con bị bỏ rơi không có mẹ. Sự từ bỏ chung sống, vì vậy, có nghĩa là không chu toàn nghĩa vụ đối với những đứa con vô tội. Và, do đó, rõ ràng là không thể làm «mà không có tội mới» (Coccopalmerio, Mục. 3.3).
Cũng xin giải thích thêm: khi thực hiện một hành vi mà «lương tâm chắc chắn sẽ cảm thấy có tội mới». thì buộc chủ thể hành vi phải tuân theo tiếng nói của lương tâm, nghĩa là không được thực hiện hành vi đó, theo như lời dạy của Gaudium Spes số 16 về lương tâm: «Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng phải tuân theo». 


5.2. Không buộc tiết dục khi có yếu tố khách quan nguy hại

Đức Hồng Y Coccopalmerio đặt vấn đề: «Như vậy, sẽ có phản biện hiện nay: những người sống chung nói trên phải thực sự sống “như anh trai em gái”, nói cách khác họ phải tiết dục hoàn toàn».
Tông huấn Amoris Laetitia, vẫn nhắc lại và tôn trọng đòi hỏi tiết dục đã được nêu ra ở Tông huấn Familiaris Consortio số 84. Tuy nhiên, Tông Huấn Amoris Laetitia nhận thấy, nếu khi tuân giữ «thì lòng chung thủy thường gặp nguy cơ và gây thiệt hại tới lợi ích con cái». Chú thích chân trang 329 của Tông Huấn ghi nguyên văn như sau:
Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22-11-1981), 84: AAS 74 (1982), 186. Trong những hoàn cảnh như thế, nhiều người, tuy biết và chấp nhận khả thể sống «như anh trai em gái» mà Giáo Hội đề xuất với họ, nhưng đã nhấn mạnh rằng nếu một số bày tỏ thân mật không có, «thì lòng chung thủy thường gặp nguy cơ và gây thiệt hại tới lợi ích con cái» (Gaudium et Spes, 51).
Đức Hồng Y Coccopalmerio cho thấy cụm từ «bày tỏ thân mật» tương ứng với nguyên bản Latin của Gaudium et Spes của Công Đồng Vaticano II là «intima vita coniugalis»,[11] nên được hiểu là hành vi kết hợp tình dục thân mật vợ chồng. Ngài đưa ra hướng dẫn (x. Coccopalmerio, Mục 3.4):
Khi đã xem xét những văn bản đã nói, tôi nghĩ là có thể nhận rằng:
a) Nếu cam kết sống «như anh trai em gái» mà thấy có thể được mà không có khó khăn cho mối liên hệ đôi bạn, thì lúc đó thì hai người chung sống đó có thể tự nguyện chấp nhận.
b) Tuy nhiên, nếu sự cam kết này (sống như anh trai em gái) tạo ra những khó khăn, đôi bạn chung sống dường như không bị buộc, bởi vì họ ở trong trường hợp của người được nói đến ở số 301, với diễn ý rõ ràng: «rơi vào một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm một tội mới».

 

5.3. Những yếu tố giảm khinh khác

Ngoài những yếu tố khách quan khiến người ta không thể từ bỏ hoàn cảnh tội, Đức Hồng Y Coccopalmerio chỉ ra rằng, Tông Huấn còn nói đến những yếu tố khác liên quan tới các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh: «Giáo Hội sở đắc cả một tổng hợp suy tư chắc chắn liên quan tới các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh» (Amoris Laetitia, 301).
Điều này được nói rõ hơn ở số 302 của Tông Huấn:
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc đến các nhân tố này một cách rõ ràng: «việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu vì do không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác» (343). Trong một đoạn khác, Sách Giáo Lý một lần nữa nhắc đến «sự thiếu chín chắn về cảm giới, sức mạnh của thói quen đã mắc phải, các tình trạng lo âu xao xuyến hay các nhân tố tâm lý hay xã hội khác làm giảm khinh hay thậm chí xóa hẳn tính quy trách luân lý» (344). Vì lý do này, một phán đoán tiêu cực về một hoàn cảnh khách quan không hàm nghĩa một phán đoán về việc quy trách hay qui tội người liên hệ (345). Dựa trên các xác tín này, tôi coi là thích đáng điều được nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng quả quyết: «Trong một số hoàn cảnh, người ta rất khó có thể hành động khác đi. Cho nên, dù vẫn duy trì qui luật tổng quát, nhưng cần phải thừa nhận rằng trách nhiệm đối với một hành động hay một quyết định nào đó không như nhau trong mọi trường hợp» (Amoris Laetitia, 302).
Đức Hồng Y Coccopalmerio giải thích sự giảm khinh tội không chỉ do những yếu tố khách quan, mà còn do những yếu tố chủ quan:
Trong những trường hợp đã nói trên, việc không thể hành động khác đi, nghĩa là chấm dứt tình trạng tiêu cực, được xác định không từ những lý do khách quan như những trường hợp trước, mà là từ những lý do chủ quan, nghĩa là từ những điều kiện của cung cách ăn ở cư xử (condizionamenti comportamentali). Do đó kết quả xem ra cũng như nhau (Coccopalmerio, Mục 3.5).
Để chứng tỏ mạnh mẽ hơn về tình trạng được giảm khinh, không ở trong tội chết và vẫn được ơn thánh hóa, Đức Hồng Y trích dẫn lời Tông Huấn:
Vì các hình thức của điều kiện hóa và các nhân tố giảm khinh, rất có thể, dù ở trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không bị qui tội về phương diện chủ quan, một ai đó vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội để tiến tới mục tiêu này (Amoris Laetitia, 305).
Đoạn văn trên gợi đến chú thích đáy trang số 351 về sự trợ giúp của các Bí Tích:
Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự trợ giúp của các bí tích. Do đó, «tôi muốn nhắc nhở các linh mục điều này: không được coi tòa giải tội như phòng tra tấn, mà đúng hơn là nơi gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa» (Tông Huấn Evangelii Gaudium [24-11-2013], 44: AAS 105 [2013], 1038). Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Phép Thánh Thể «không phải là một phần thưởng cho người hoàn hảo, nhưng là một món thuốc và món ăn mạnh mẽ cho người yếu đuối».
 

5.4. Khả thể nhận Bí Tích Giải Tội và Thánh Thể

Hồng Y Coccopalmerio, từ những phân tích Amoris Leatitia, cho rằng có thể chấp nhận một tín hữu ly dị tái hôn hoặc sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp luật lãnh nhận Bí Tích Thống Hối và Thánh Thể mà vẫn không đi sai thần học. Ngài đưa ra ba điểm giáo thuyết như sau (x. Coccopalmerio, Mục 3.7):
- Giáo thuyết về sự bất khả phân ly hôn nhân vẫn được tôn trọng, vì những tín hữu đó, được giả thiết là nhận biết tình trạng sống chung của mình là trái luật, là ở trong tình trạng tội nặng khách quan.
Đức Hồng Y đã cho thấy việc cho phạm nhân lãnh nhận các bí tích, không có nghĩa là phạm nhân và Giáo Hội chấp nhận hay bình thường hóa sự ly dị và tái hôn, hoặc coi thường luật bất khả phân ly, vì phạm nhân vẫn ý thức rằng mình đang còn đang trong tình trạng sai trái hay ở trong tình trạng tội nặng khách quan.
- Giáo thuyết về sự thành tâm hoán cải, nghĩa là với chủ tâm muốn (il proposito) thay đổi tình trạng tội khách quan của mình, như là đòi hỏi cần thiết để được nhận bí tích Thống Hối, vẫn được tôn trọng. Bởi vì tín hữu đó nhận biết mình đang ở trong tình trạng tội trọng khách quan và có chủ tâm thay đổi nhưng không thể thực hiện, ngay cả lúc đó không ở mức độ thực hiện chủ tâm đó.
- Giáo thuyết về ơn thánh hóa, như là đòi hỏi cần thiết để lãnh nhận Thánh Thể cũng được tôn trọng, vì tín hữu mà chúng ta nói đến, ngay cả vào lúc đó, không đạt đến một sự thay đổi cuộc sống và không thể thực hiện, mà chỉ có chủ tâm muốn thay đổi nó.
Đức Hồng Y nêu ra những điều cơ bản:
Chủ tâm như vậy (tale proposito) chính xác là yếu tố thần học mà cho phép được xá giải và nhận Thánh Thể, chúng ta nhắc lại rằng, luôn luôn có sự không thể thay đổi ngay lập tức tình trạng tội (Coccopalmerio, Mục 3.7).
Đức Hồng Y cũng nêu ra trường hợp tuyệt đối không được xưng tội và rước lễ:
Ai mà - như là một trường hợp trái ngược - Giáo Hội tuyệt đối không thể cho được nhận Bí Tích Xá Giải và Thánh Thể? Là tín hữu mà biết mình trong tình trạng tội nặng và có thể thay đổi, nhưng lại không có ý định chân thực nào để thực hiện chủ tâm đó (Coccopalmerio, Mục 3.7).
 

6. Áp dụng mục vụ như thế nào?

Sau khi đã khảo sát tình trạng, nguyên nhân lìa bỏ Giáo Hội của những tín hữu sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp luật, những lời dạy của Giáo Hội, cách riêng của Amoris Laetitia, chúng ta nên tìm ra những giải pháp mục vụ. Một số được đề nghị ở phần sau đây.


6.1. Thành sự hóa hôn nhân để hợp luật hóa tình trạng sống

Cha sở, như người mục tử tìm kiếm chiên lạc, tích cực khám phá những vụ hôn phối chỉ có kết hôn dân sự hay sống chung bất hợp luật để giúp họ hợp thức hóa hay thành sự hóa theo giáo luật. Nếu có thể được, với các phương thức sau:
- Thành sự hóa đơn thường (đ. 1156-1160): áp dụng cho những đôi vợ chồng không có ngăn trở mà đã chỉ có sống chung, chưa có kết hôn theo luật đạo; hoặc cho những đôi có ngăn trở tiêu hôn mà trước đây đã không được miễn chuẩn, nếu miễn chuẩn đó có thể được miễn chuẩn, ví dụ có ngăn trở khác đạo. 
- Điều trị tại căn (đ. 1161-1165): Ở Việt Nam có nhiều gia đình sống ngoại luật đạo, do bên lương nay không muốn gặp cha sở hay không muốn đến nhà thờ để cử hành nghi thức kết hôn. Điều trị tại căn không đòi phải cử hành nghi thức kết hôn, rất thuận tiện cho bên có đạo được hợp thức hóa và sống đạo, trong khi bên lương bất cộng tác tuy vẫn muốn duy trì hôn nhân chung thủy.
- Tuyên bố hôn nhân vô hiệu do tòa án giáo phận: Các Giám Mục Giáo phận, các cha trong ban tòa án và các cha sở tích cực giúp cho tòa án giáo phận được thành lập và xúc tiến mạnh mẽ. Một khi hôn nhân trước được công bố vô hiệu, tín hữu có thể thành sự hóa hôn nhân sau. Tông huấn Amoris Laetitia cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ này phải được thực hiện sao cho dễ dàng và hiệu quả hơn:
Một số lớn các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng «nhấn mạnh tới nhu cầu phải làm cho các thủ tục tuyên bố vô hiệu dễ với tới và đỡ mất thì giờ hơn, và nếu có thể, miễn phí… Việc này liên hệ đến việc chuẩn bị để có đủ nhân viên, gồm cả giáo sĩ lẫn giáo dân chủ yếu được đề cử cho dịch vụ Giáo Hội này.


6.2. Giảm chế tài đối với người ly dị dân sự mà chưa hay không tái hôn

Hầu hết các giáo phận tại Việt Nam hiện nay đều có quy định cấm lãnh nhận Bí Tích Giải Tội và Thánh Thể đối với người cố tình đưa đơn hay ký đơn ly dị ở tòa án dân sự. Trong khi đó, theo luật chung cho toàn Giáo Hội, không có áp đặt lệnh cấm này. Thiết nghĩ, nên lưu tâm để chỉnh sửa giải pháp mục vụ này.
Ly thân hay ly dị quả là một điều không ai muốn, ai đó chỉ làm khi rơi vào hoàn cảnh cùng cực không thể là khác được, ngoại trừ người cố tình ly dị để tái hôn hay có cuộc sống chung mới khác.
Có những người vợ phải gánh chịu đau khổ, bởi sự cờ bạc rượu chè, đánh đập của chồng… hàng chục năm, để rồi cuối cùng không thể chịu đựng được nữa đành phải đưa đơn ra tòa án dân sự để chấm dứt đời sống chung. Họ đành cam chịu bị phạt không được xưng tội rước lễ, hay bị kết trọng tội, chứ không còn sức để duy trì một tình trạng hôn nhân mà phải sống quá đau khổ.
Thật ra, Bộ Giáo Luật 1983 không áp đặt một hình phạt nào cho người ly dị dù họ có cố tình hay không. Chỉ khi họ ly dị và sau đó tái hôn thì họ mới bị cấm rước lễ (đ.915-916).
Điều này cũng được xác nhận bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Rio đến Roma năm 2013. Ngài nói:
Tôi nghĩ là thời đại của lòng thương xót đã đến, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị đã tiên đoán bằng việc thiết lập lễ Lòng Chúa Thương Xót. Những người ly dị được phép rước lễ, chính những người ly dị và tái hôn mới không được phép.
Sách Giáo Lý Công Giáo dạy, ngay cả trường hợp:
Nếu sự ly dị tòa đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho các con hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý. (GLCG 2383; xem Giáo Luật điều 1151-1155).
Tông huấn Amoris Laetitia, đòi mục tử phải có sự phân định đặc biệt, để đồng hành với người ly thân ly dị, bị bỏ rơi:
Cần phải đặc biệt tỏ lòng kính trọng trước sự đau khổ của những người phải ly thân, ly dị hay bị bỏ rơi một cách bất công hay những người, vì chồng hay vợ đối xử tệ bạc, mà buộc phải ngưng cuộc sống chung (Amoris Laetitia, 242).
Tông huấn khích lệ họ đến với Thánh Thể để được nâng đở:
Những người ly dị không tái hôn, và thường làm chứng cho lòng chung thủy vợ chồng, cần được khuyến khích biết tìm nơi Thánh Thể của nuôi dưỡng họ cần để nâng đỡ họ trong bậc sống hiện nay (Amoris Laetitia, 242).
Theo những giáo huấn trên, nếu luật riêng của giáo phận đang cấm người ly dị tái hôn không được lãnh nhận Bí Tích Giải Tội và Thánh Thể, thì cần xem xét lại sự áp dụng này. Nếu không gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm thì cũng cần có những xử lý tùy trường hợp với sự phân định đặc biệt.
Giải pháp sau, được đề nghị:
- Làm đơn xin tha thứ: Khi đã có tội cố tình hay bị đã ký đơn ly dị tòa án dân sự, mà vẫn không tái hôn, tín hữu có thể làm đơn xin Giám Mục Giáo Phận xin tha tội để được lãnh nhận các bí tích như tín hữu bình thường.
- Làm đơn xin phép được ly dị tòa án dân sự: Khi một bên có lý do hợp pháp để có quyền ly thân, như trường hợp người phối ngẫu kia gây nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho mình hoặc cho con cái (đ. 1153§1), bên đó có thể làm đơn xin Giám Mục Giáo Phận nên cho phép đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự (đ. 1692§2).  Toà án dân sự sẽ tuyên bố cắt đứt quan hệ vợ chồng và xét xử việc phân chia tài sản và nuôi dưỡng con cái.
Nhờ hiệu quả của luật dân về ly dị, bên tín hữu bị nạn được bảo vệ. Tuy nhiên, dây hôn phối công giáo giữa hai người vẫn tồn tại.
Đức Giám Mục giáo phận có thể trực tiếp duyệt xét và chấp thuận đơn xin hoặc ủy nhiệm cho tòa án giáo phận hoặc một vài linh mục phục trách.


6.3. Đẩy mạnh mục vụ phục hồi niềm tin để sống đạo tích cực

Đối với những tín hữu ly dị tái hôn hoặc sống trong hôn nhân bất hợp luật, nên tiến hành mục vụ nhằm phục hồi niềm tin để họ sống đạo và hiệp thông với Giáo Hội. Amoris Laetitia đòi phải chấm dứt ngay thái độ lên án, kết tội mà không tha thứ. Ngược lại, phải lưu ý thực hiện theo lời chỉ dạy:
Điều quan trọng là phải làm cho những người ly dị nay bước vào một cuộc kết hợp mới cảm nhận được rằng họ vẫn là thành phần của Giáo Hội. «Họ không bị tuyệt thông» và ta nên đối xử với họ như thế, vì quả họ vẫn là thành phần của cộng đồng Giáo Hội (Amoris Laetitia, 243).
Amoris Laetitia khuyên các mục tử hãy với lòng bác ái, đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối để giúp các phạm nhân:
- Nhận ra lỗi lầm nghiêm trọng của mình:
Họ có thể đã gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng khiến hôn nhân bị tan vỡ, đã không cố gắng hy sinh đủ để vun trồng bảo toàn tình yêu chung thủy, đã không đủ can đảm sống theo luật Chúa và luật Hội Thánh…
Điều hữu ích là việc xét lương tâm trong những giờ phút suy niệm và thống hối. Người ly dị và tái hôn nên tự vấn: mình đã hành xử ra sao với con cái khi kết hợp vợ chồng lâm khủng hoảng; mình có cố gắng hay không để hòa giải; điều gì đã xẩy ra cho bên bị bỏ rơi; mối liên hệ mới gây ra những hậu quả nào cho những người khác trong gia đình và cho cộng đồng tín hữu; và mình đã làm gương ra sao đối với những người trẻ đang chuẩn bị hôn nhân (Amoris Laetitia, 300).
- Nhận ra lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa:
Tội nặng cách mấy cũng được tha, miễn là có lòng ăn năn sám hối, với chủ tâm lìa bỏ tình trạng tội. Phải thực hiện cụ thể lòng ăn năn sám hối khi có thể được.
- Nhận ra giá trị vô song của Thánh Lễ:
Thánh lễ cũng chính là Hy Tế của Đức Giêsu Kitô. Thánh Lễ mang lại cho người ơn tha thứ và biết bao ân sủng khác. Nếu tín hữu không được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể thì cũng có thể rước Chúa thiêng liêng và nhận được nhiều ân sủng khác. Đức Ratzinger, trong gởi các Giám Mục trên thế giới năm 1984 đã viết:
Các tín hữu (ly dị tái hôn) phải được giúp đở để hiểu thấu giá trị của sự chia sẻ hiến tế của Đức Kitô trong Thánh Lễ, của sự rước lễ thiêng liêng, của sự cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, của việc bác ái và công bằng.
Cần có những giải thích để xua tan đi tư tưởng của giáo dân: «Đi Lễ mà không rước lễ thì lợi ích gì!»
- Nhận ra khả năng phát sinh hoa trái thánh thiện:
Do nhận ra tội lỗi của mình và lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa, nhận ra khả năng thông hiệp vào mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, tín hữu thấy mình có khả năng tăng tiến đời sống đạo đức, trong hoàn cảnh khó khăn của mình, theo như lời dạy:
Giữa các giới hạn lớn lao của con người, một bước nhỏ cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn cả một đời bề ngoài có vẻ đàng hoàng, nhưng không ngày nào phải đối đầu với khó khăn lớn lao (Evangelii Gaudium, 44; Amoris Laetitia, 305).
- Làm việc lành cho xứng với lòng thống hối (Mt3, 8):
Khuyến khích tín hữu chu toàn bổn phận cha mẹ đối với con cái, yêu thương giúp đở lẫn nhau và sống bác ái yêu thương phục vụ tha nhân, trong giáo xứ, trong xã hội.
Amoris Laetitia hướng dẫn:
Ta đừng quên những lời hứa hẹn của Sách Thánh: «hãy duy trì lòng yêu thương nhau liên lỉ, vì lòng yêu thương che phủ rất nhiều tội lỗi» (1Pr 4:8); «hãy đoái tội lập công, bằng cách làm việc nghĩa, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo, may ra thời thịnh vượng của ngài sẽ được kéo dài» (Đn 4:24); «Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi» (Hc 3:30), (Amoris Laetitia, 306).


6.4. Khích lệ sự hoán cải đời sống và lãnh nhận Bí Tích Giải Tội

Một khi tín hữu có lòng thống hối, với chủ tâm lìa bỏ tình trạng tội, nhưng chưa được giáo quyền cho phép lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, thì Bí Tích Hòa Giải là phương tiện rất tốt để giúp tín hữu đó hoán cải đời sống và đến với Chúa, lãnh nhận ơn tha thứ.
Việc lãnh nhận Bí Tích này biểu lộ sự tôn thờ và tin tưởng vào lòng nhân hậu tha thứ của Thiên Chúa, và do đó, hối nhân được hưởng nhiều ân sủng, thêm niềm tin yêu Thiên Chúa.
Bí Tích Thống Hối giúp họ cảm thấy được tha thứ những lỗi phạm nặng nề, phục hồi không những sự giao hòa với Chúa mà còn với Hội Thánh, làm cho sự hiệp thông của họ với Giáo Hội biểu lộ một cách tốt đẹp.
Nhờ những cảm nhận tích cực nêu trên, sẽ có niềm tin và hy vọng để được tăng tiến trong ân sủng. Ngược lại, nếu bị ngăn cấm lãnh nhận ơn tha thứ qua Bí Tích Giải Tội, như chúng ta đã phân tích, họ sẽ có nguy cơ thất vọng, mặc cảm và lìa bỏ Giáo Hội.


6.5. Có thể lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể miễn là không gây scandal

 

6.5.1. Gây cớ vấp phạm (scandal)

Việc cho lãnh nhận Thánh Thể có thể gây nguy hại là gây cớ vấp phạm (scandal), như Tông huấn Familiaris Consortio đã dạy:
Ngoài ra còn có một lý do mục vụ riêng biệt khác: nếu chấp nhận cho những người ấy được rước lễ, điều đó sẽ dẫn các tín hữu đi tới chỗ rối rắm và lầm lạc về giáo lý của Hội Thánh về sự bất khả phân ly của hôn nhân (Familiaris Consortio, 84).
Bản Tuyên Bố năm 2000 cũng cho biết:
Thực sự là, việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể của tín hữu ly dị tái hôn, sự vấp phạm (scandalo), được hiểu như là hành vi thúc đẩy người khác về điều xấu, ảnh hưởng đồng thời đến cả Bí Tích Thánh Thể cũng như đến sự bất khả phân ly của hôn nhân.[12]
- Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông Huấn Amoris Laetitia đồng ý với các nghị phụ là tránh gây cớ vấp phạm:
Tôi nhất trí với nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng khi nhận định rằng «Những người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự nên được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách có thể, tránh mọi dịp gây cớ vấp phạm» (Amoris Laetitia, 299).
 

6.5.2. Có thể lãnh nhận Thánh Thể miễn là tránh được cớ vấp phạm (scandal)

Khi tín hữu đã thành thực sám hối, không còn ngăn trở thần học để lãnh nhận Thánh Thể, họ có thể lãnh nhận miễn là tránh được việc gây cớ vấp phạm. Bản Tuyên Bố năm 2000 nói:
Trong khi tình trạng sống của những người ly dị tái hôn tự nó là biểu hiện, họ chỉ có thể được nhận đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo.
Dựa vào nguyên tắc tránh cớ vấp phạm, việc lãnh nhận Thánh Thể có thể chấp nhận được trong một số trường hợp sau:

a- Rước Lễ ở một nhà thờ, mà ít người biết đến.
Điều này có thể áp dụng đối với người đến cư ngụ ở nơi xa lạ hoặc ở một thành phối mà các tín hữu ít biết tình trạng gia đình của nhau. Nó cũng có thể áp dụng cho người kín đáo rước lễ ở giáo xứ khác.
Giải pháp cho rước lễ ở giáo xứ khác, thực ra, cũng đã được áp dụng một số nơi, trước khi ban hành Amoris Laetitia.

b- Rước lễ có hạn chế và với điều kiện thống hối
Đấng Bản Quyền địa phương có thể có những sáng kiến cho phép những tín hữu ly dị tái hôn hay sống hôn nhân bất hợp luật được rước lễ, một cách có hạn chế và với điều kiện thống hối. Nhờ có những giới hạn và với điều kiện đó, giáo dân khác vẫn thấy rằng những tín hữu đó vẫn là trong tình trạng đi ngược lại với huấn lệnh của Chúa, là có tội và Giáo Hội không hề chấp nhận ly dị tái hôn. Khi giáo dân hiểu được như vậy, giảm thiểu được sự hiểu lầm…, nghĩa là giảm thiểu được scandal.
Một số đề nghị xin đưa ra như sau:

- Cho phép tín hữu được rước lễ trong một số lễ quan trọng
Tín hữu được giải thích là phải có lòng thống hối chân thực mới được phép rước lễ và chỉ được phép rước lễ trong một số ngày lễ: Giáng Sinh, Phục Sinh, Đức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Thánh Giuse… Tết, Bổn Mạng Giáo Phận, Bổn Mạng Giáo xứ, Mạng hay Sinh Nhật cá nhân, ngày con cái được rước lễ lần đầu, Thêm Sức…
Việc cho phép này giới hạn ở bao nhiêu lễ thì tùy thẩm định của Đức Giám Mục Giáo phận; có thể thực hiện theo thể thức một sắc lệnh chung (decretum generale) của Đức Giám Mục giáo phận cho toàn giáo phận, hoặc chấp thuận cho riêng cho từng người làm đơn xin.
Vì những tín hữu đó đã lìa bỏ Giáo Hội hoặc không còn đi nhà thờ nữa, không biết được sự cho phép này, các cha sở phải thông báo rộng rãi và nhờ các hội đoàn như Legio Mariae để giúp đở họ tái hiệp thông với Giáo Hội.
Mặt khác, việc mục vụ của Giáo Hội cần phải làm sao cho phạm nhân «cảm thấy mình là đối tượng của lòng thương xót “không cần công trạng, vô điều kiện và nhưng không”» (Amoris Laetitia, 297).

- Cho phép một số tín hữu được công nhận có công đức và bác ái
Công đức ở đây được hiểu là lòng đạo đức biểu tỏ rõ rệt, được nhiều giáo dân trong giáo xứ biết đến về những việc lành và đóng góp công lao vào sự phát triển của Giáo xứ, giáo phận.  Tin hữu này đã sống và biểu hiện rõ theo lời dạy, mà Amoris Laetitia nhắc lại:
«hãy duy trì lòng yêu thương nhau liên lỉ, vì lòng yêu thương che phủ rất nhiều tội lỗi» (1Pr 4:8); «hãy đoái tội lập công, bằng cách làm việc nghĩa, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo, may ra thời thịnh vượng của ngài sẽ được kéo dài» (Đn 4:24); «Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi» (Hc 3:30), (Amoris Laetitia, 306).
Việc cho phép lãnh nhận Thánh Thể, khích lệ lòng đạo đức, làm cho họ «thấy họ vẫn thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà còn để họ có được một cảm nghiệm hân hoan và sinh hoa trái trong Nhiệm Thể ấy» (Amoris Laetitia, 299). Sự ban phép này không những khích lệ cho những phạm nhân mà còn cho cộng đoàn dân Chúa trong việc gia tăng lòng đạo đức.
Cha sở sau khi tham khảo ý kiến hội đồng mục vụ giáo xứ có thể đề nghị xin Đấng Bản Quyền địa phương cho phép những tín hữu đó được lãnh nhận Thánh Thể.

c- Cho đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy đối với lương dân có lòng ao ước
Hiện nay có một số người lương trong các hôn nhân bất hợp luật hay ly dị tái hôn, ước ao được theo đạo, sống đức tin và giáo dục con cái. Tuy nhiên, quy định của các Giáo phận ở Việt Nam thường không cho phép họ được Rửa Tội.
Xin đề nghị cho họ được Rửa Tội khi họ thật lòng ao ước. Đáng được cứu xét hơn khi họ đã có cuộc sống chung từ trước và đã sinh ra những người con. Nhờ việc gia nhập đạo, họ có thể giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo một cách tốt đẹp hơn. Họ có thể thực tập cho con cái sống đạo và dẫn dắt chúng tham dự Thánh Lễ, các buổi cử hành phụng vụ.
Xét về phương diện thần học, họ không có trở ngại để đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Tuy nhiên về phương diện mục vụ, nếu thấy việc này có thể gây scandal thì có thể cho họ lãnh nhận Thánh Thể một cách hạn chế và có điều kiện như đã nói ở trên.

d- Tổ chức ngày lễ cầu cho gia đình
Tổ chức ngày lễ cầu cho gia đình. Nhân dịp này, những tín hữu lìa xa Hội Thánh (bỏ đi nhà thờ đã lâu) được mời gọi có lòng thống hối và đến nhà thờ để tham dự Thánh Lễ, hiệp thông cầu nguyện. Họ được mời gọi lãnh nhận Bí Tích Xá Giải và được lãnh nhận Thánh Thể.
Đây cũng là cơ hội để giúp giảm scandal, vì nhờ tổ chức lễ này, các mục tử rao giảng giúp «Cộng đoàn tăng thêm hiểu biết và đón nhận, mà không gây ra sự lẫn lộn giáo huấn của Giáo Hội về sự bất khả phân ly của hôn nhân. Cộng đoàn là một khí cụ của lòng thương xót, mà “không cần công trạng, vô điều kiện và nhưng không”» (Các Giám Mục Argentina; Amoris Laetitia, 297).


6.6. Người mẹ chấp nhận bị vấy bẩn khi làm điều tốt cho con

Sẽ có phản biện cho rằng, các tín hữu ly dị tái hôn sẽ lạm dụng các giải pháp mục vụ. Ví dụ như một tín hữu, mà tuyệt đối không thể cho được nhận Bí Tích Xá Giải và Thánh Thể vì biết «mình trong tình trạng tội nặng và có thể thay đổi, nhưng lại không có ý định chân thực nào để thực hiện chủ tâm đó (Coccopalmerio, Mục 3.7), nhưng vẫn cố tình lãnh nhận các Bí Tích ấy thì sao?
Con số tín hữu này, được kể là trong tình trạng tội chết, dự kiến là rất ít. Nếu có người nào đó cố tình lạm dụng thì hãy để họ chịu trách nhiệm trước Chúa. Không vì họ mà không mở ra một giải pháp mục vụ tạo sự hiệp thông với Chúa và với Giáo Hội đối với biết bao tín hữu khác. Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn biết là khi mở ra cho đón nhận các bí tích, Giáo Hội có thể có những hệ lụy xấu đi kèm, nhưng ngài vẫn khuyên hết sức cố gắng làm điều tốt như bà mẹ làm cho con cái mình: 
Tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn có một Giáo Hội biết lưu ý tới điều tốt mà Chúa Thánh Thần vốn gieo vào giữa sự yếu đuối của con người, là một Bà Mẹ, dù lớn tiếng nói rõ giáo huấn khách quan của mình, «vẫn luôn làm bất cứ điều tốt nào có thể làm, cho dù trong khi làm thế, giầy dép của mình bị vấy bẩn bởi đất bùn trên con đường ấy» (Amoris Laetitia, 308).

 

Kết luận:

Lời cảnh giác của Chúa Kitô về thái độ duy luật bỏ rơi lòng nhân hậu luôn luôn kêu gọi chúng ta phải thức tỉnh. Giáo Hội, ý thức điều này, dưới tác động ân sủng của Chúa Thánh Thần, đòi luôn luôn phải thanh luyện và canh tân để trung thành với Tin Mừng của Ngài. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và đặc biệt Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thấy những tình trạng tiêu cực gây nên những nguy hại nghiêm trọng của sự lìa bỏ Giáo Hội nơi những người ly dị tái hôn mà mỗi ngày càng gia tăng. Ngài kêu gọi là hãy «Đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối» (Amoris Laetitia, chương VIII).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự đáp ứng của các mục tử có vẻ còn yếu ớt, thậm chí đôi khi còn đối nghịch. Cái não trạng cũ vẫn còn in sâu vào tâm trí chúng ta, khiến khó mà thay đổi. Cái não trạng cũ cứ nghĩ rằng biện pháp chế tài nào đó mang lại như sự ổn định, trật tự kỷ luật, không «mở đường cho hưu chạy»…, nhưng quên rằng một biện pháp xa lạ với tinh thần Tin Mừng sẽ gây ra hậu quả nguy hại nghiêm trọng. Lợi ích bên ngoài của biện pháp đó, thực sự được chứng tỏ là không bù lại được với sự thiệt hại mà nó gây ra.
Người ta sẽ xa lánh Giáo Hội khi thấy các mục tử chỉ rao giảng sự nhân từ tha thứ của Thiên Chúa mà trong thực tế lại kết án, lại đặt những gánh nặng không ai vác nỗi.
Có thể thấy rằng đôi khi đặt ra biện pháp để tránh scandal, ta lại vô tình gây ra scandal một cách nghiêm trọng hơn.
Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Tông Huấn Amoris Laetitia xuất hiện như lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, đòi các mục tử phải quan tâm đến chiều sâu của tâm hồn, của lương tâm tín hữu hơn, giúp cho vai trò của người Mẹ là Giáo Hội được thể hiện. Ước mong các nhà chức trách có thẩm quyền, quan tâm đến vấn đề này hơn.

 
 

[1] x. Amoris Laetitia, 243.
[2] Đức Hồng Y Ratzinger, trong gởi các Giám Mục trên thế giới năm 1984 đã lưu ý đến sự thiếu hiểu biết về Thánh lễ: «Các tín hữu (ly dị tái hôn) phải được giúp đở để hiểu thấu giá trị của sự chia sẻ hiến tế của Đức Kitô trong Thánh Lễ».
[3] X. AUGUSTINO, Contra Iulianum, V.3.8; 16.62.
[4] X. TOMA AQUINO, De malo, q.15, a.11; B. HÄRING, Free and Faithful in Christ, Vol. 1, St Paul, 1978, 407 (Xem bản dịch Việt ngữ do linh mục Dom. Nguyễn Đức Thông, B. HÄRING, Tự do và trung thành trong Đức Kitô, tập 1, tr. 422).
[5] X. B. HÄRING, Free and Faithful in Christ, Vol. 2, St Paul, 1979, 551 (Xem bản dịch Việt ngữ do linh mục Dom. Nguyễn Đức Thông, B. HÄRING, Tự do và trung thành trong Đức Kitô, tập 2, tr.1077).
[6] X. B. HÄRING, Free and Faithful in Christ, Vol. 1, St Paul, 1978, 408 (Xem bản dịch Việt ngữ do linh mục Dom. Nguyễn Đức Thông, B. HÄRING, Tự do và trung thành trong Đức Kitô, tập 1, tr 423).
[7] «È vero che nelle colpe di ordine sessuale, visto il loro genere e le loro cause, avviene più facilmente che non sia pienamente dato un libero consenso, e questo suggerisce di esser prudenti e cauti nel dare un giudizio circa la responsabilità del soggetto. Qui, in particolare, è il caso di richiamare le parole della Scrittura:  “L'uomo guarda l'apparenza, il Signore guarda il cuore” (1 Sam 16,7). Tuttavia, raccomandare una tale prudenza di giudizio circa la gravità soggettiva di un atto peccaminoso particolare non significa affatto che si debba ritenere che, nel campo sessuale, non si commettano peccati mortali». SACRA CONGREGAZIONE PER LA DOTTRINA DELLA FEDE Dichiarazione Persona Humana circa alcune questioni di etica sessuale, 29 dicembre 1975, 10.
[8] Nguyên bản tiếng Ý: «Non si trovano invece in situazione di peccato grave abituale i fedeli divorziati risposati che, non potendo per seri motivi -quali, ad esempio, l’educazione dei figli- “soddisfare l’obbligo della separazione, assumono l’impegno di vivere in piena continenza, cioè di astenersi dagli atti propri dei coniugi” (Familiaris consortio, n. 84), e che sulla base di tale proposito hanno ricevuto il sacramento della Penitenza».
Bản tiếng Anh: «Those faithful who are divorced and remarried would not be considered to be within the situation of serious habitual sin who would not be able, for serious motives - such as, for example, the upbringing of the children - "to satisfy the obligation of separation, assuming the task of living in full continence, that is, abstaining from the acts proper to spouses" (
Familiaris consortio, n. 84), and who on the basis of that intention have received the sacrament of Penance».
[9] Ý nghĩa câu này có thể bị hiểu lầm ngược lại, cho là họ phải «đảm nhận nghĩa vụ sống hoàn toàn tiết dục…. Nhưng rõ là việc thực hiện tiết dục này là một đòi hỏi của Tông huấn Familiaris Consortio, số 84, được trích nguyên văn trong ngoặc kép. Câu (a), vì vậy phải được hiểu là những người mà, vì lý do nghiêm trọng, không thể hoàn thành được đòi buộc chia tay hay đòi hỏi tiết dục mà Tông Huấn Familiaris Consortio nêu ra, được ghi trong ngoặc kép.
[10] X. COCOPALMERIO F., Il capitolo ottavo della esortazione apostolica post sinodale Amoris Laetitia, Librebria Editrice Vaticana, Roma 2017.
[11] Ubi autem intima vita coniugalis abrumpitur, bonum fidei non raro in discrimen vocari et bonum prolis pessumdari possunt: tunc enim educatio liberorum necnon fortis animus ad prolem ulteriorem suscipiendam periclitantur.
[12] Scandal cũng thường được dịch tiếng Việt là gương xấu. Tuy nhiên, nếu gương xấu được hiểu là việc làm xấu khiến người khác bắt chước theo thì đem dịch chữ scandal là không đúng. Scandal - cớ vấp phạm – là cái cớ hay cơ hội thúc đẩy cho những điều xấu, sự hiểu lầm… hay tội khác xảy ra.
[13] Đọc thêm bìa viết: Các giám mục Argentina: những tiêu chuẩn căn bản để áp dụng chương VIII Amoris Laetitia, tại: http://giaoluatconggiao.com/che-tai/cac-giam-muc-argentina-nhung-tieu-chuan-can-ban-de-ap-dung-chuong-viii-amoris-laetitia-jb-le-ngoc-dung-110.html
[14] Thư Đức Giáo Hoàng Gởi Đức Giám Mục Sergio Alfredo Fenoy, Đặc sứ của Giáo miền Buenos Aires, ngày 5-9-2016.
 

Nguồn: giaoluatconggiao.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay21,414
  • Tháng hiện tại675,928
  • Tổng lượt truy cập52,844,876

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây