Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
DẪN NHẬP
Ngày càng có nhiều người, nhất là các thẩm phán tòa án hôn phối Giáo Hội và các nhà giáo luật, lưu ý đến những nguyên nhân thuộc tâm lý và sự phân định khiến chủ thể thiếu khả năng ưng thuận kết hôn nói ở điều 1095. Đã có nhiều cuộc hội thảo và nghiên cứu chuyên đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau về khoản luật nầy.
Học lý và án lệ (iurisprudentia) trong những năm gần đây đã chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh tâm lý trong việc kết hôn. Nếu trước kia, người ta thường chú ý đến sự bất lực thể lý, thì bây giờ trong xã hội hiện đại, lại quan tâm nhiều hơn đến sự “bất lực tâm lý” (psychological impotence). Bất lực tâm lý không những vì do bệnh thần kinh mà có thể vì còn “ấu trĩ tâm lý”, làm người ta mất khả năng ý thức và đảm nhận các nghĩa vụ hôn nhân. Sự ấu trĩ về thể lý do tuổi tác sẽ qua đi với thời gian nhưng có những ấu trĩ về tâm lý có thể kéo dài suốt đời và có thể làm cho hôn nhân vô hiệu.
Hành vi ưng thuận trong kết hôn là hành vi nhân linh đặc thù và là một trong những điểm quan trọng nhất trong toàn bộ vấn đề về hôn nhân (xem đ. 1057). Nhờ những tiến bộ khoa học về tâm lý và thần kinh giúp ta hiểu tốt hơn về quá trình sâu xa của một hành vi nhân linh, đặc biệt là trong ưng thuận kết hôn.
Điều 1095 trong bộ luật 1983 là hoàn toàn mới. Không có một khoản luật nào có nội dung tương tự như vậy trong bộ luật 1917. Bộ luật 1917 không đề cập minh nhiên về năng cách tâm lý, sự trưởng thành hay sức khỏe tâm lý dù có nói về ngăn trở kết hôn đối với vị thành niên (đ. 1067) hay do vô tri (đ. 1082) của những người kết hôn. Dần dần trong xã hội quan niệm về hôn nhân trở nên sâu sắc hơn và đòi buộc mức độ cao hơn về năng cách tâm lý của những người kết hôn. Trước sự tiến triển đó và dựa vào các án lệ (iurisprudentia), trong thời gian tu chính bộ giáo luật, đặc biệt vào năm 1970 ủy ban tu chính giáo luật về bí tích hôn phối đã thấy là cần phải có một khoản luật nói về vấn đề nầy trong giáo luật.
Cấu trúc của điều 1095 như hiện nay về cơ bản đã xuất hiện từ rất sớm trong lược đồ của tiểu ban tu chính giáo luật về hôn nhân. Trong năm 1971, ủy ban tu chính đã thảo luận và đồng ý những điểm cơ bản về khoản luật mới. Theo đó, ủy ban muốn trong bộ luật mới phải dành riêng thích đáng một khoản luật diễn tả rành mạch và rõ ràng về năng cách tâm lý và sự phân định trong việc ưng thuận kết hôn Nội dung và cấu trúc của khoản luật mới đã được dự định như sau: Trước hết, đó là trường hợp hoàn toàn không có khả năng ưng thuận kết hôn vì lý do rối loạn tâm lý hoặc bối rối do bởi việc sử dụng trí khôn bị cản trở. Tiếp đến là việc không có khả năng ưng thuận kết hôn vì thiếu nghiêm trọng óc phán đoán (discretio iudicii) về quyền lợi và nghĩa vụ trong hôn nhân mà hai người trao ban cho nhau. Cuối cùng là trường hợp không có khả năng đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân vì lý do bất bình thường nghiêm trọng về tâm lý đối với tính dục (psychosexual).
Trong quá trình soạn thảo còn có nhiều thay đổi, nhưng nội dung khoản luật mới về cơ bản đã hình thành. Khoản luật mới được ban hành năm 1983 trong bộ giáo luật mới là điều 1095, thuộc quyển IV (nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội), phần I (các bí tích), tại đề mục VII (bí tích hôn nhân), nằm trong chương IV bàn về sự ưng thuận trong hôn nhân “De Consensu Matrimoniali”. Cụ thể, bản văn điều 1095 như sau.
Điều 1095. Không có khả năng kết hôn:
10 Những người không sử dụng đủ trí khôn;
20 Những người thiếu nghiêm trọng óc phán đoán về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân;
30 Những người không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân vì những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý.
Nhiều người nhận xét rằng về mặt hình thức thì ba trường hợp nêu ra trong điều 1095 nói trên khác biệt nhau, nhưng xét về bản chất thì chúng lệ thuộc và tương quan chặc chẽ lẫn nhau và có thể được diễn tả theo «sơ đồ biết - muốn - làm».
Hai trường hợp đầu liên quan đến yếu tố lý trí lẫn ý chí, trong đó đương sự không đạt tới một sự trưởng thành về nhận định và tự do lựa chọn (immaturitas iudicii và immaturtas voluntatis). Còn trong trường hợp 3, đương sự có thể đạt tới sự trưởng thành nói trên nhưng lại không đủ khả năng để thực hiện hay chu toàn điều mình hiểu và mình muốn. Học lý và án lệ gần đây thường đề cập hai trường hợp đầu liên quan chặt chẽ và thường không phân biệt rõ ràng cho lắm. Hơn nữa số 2 của đ. 1095, nói đến nghĩa vụ và quyền lợi thì số 3 chỉ nói tới nghĩa vụ thôi.
Những nhận xét trên cho thấy phần nào tầm quan trọng, tính thời sự và sự phức tạp của những vấn đề được đặt ra trong đ. 1095. Đây là khoản luật mới có ảnh hưởng sâu sắc với các nhà giáo luật, cách riêng trong lĩnh vực iurisprudentia và các thẩm phán tòa án hôn phối. Lawrence G. Wrenn đã nhận xét rằng «Các nhà giáo luật, đặc biệt các thẩm phán, vui mừng với điều luật nầy. Đó là một trong những điểm canh tân quan trọng trong bộ giáo luật mới». Có thể nói điều 1095 diễn tả luật tự nhiên đồng thời là kết quả của học lý và án lệ về vấn đề nầy.
Bài viết nầy chỉ cố gắng nêu lên những giải thích ba vấn đề chính của đ. 1095 nêu ra và vài áp dụng khoản luật nầy trong lĩnh vực tòa án hôn phối trong đó có dựa vào những án lệ.
(Carentia sufficientis rationis usus)
Trước hết, cần lưu ý rằng hạn từ khả năng (capacitas) được hiểu là khả năng cần phải có về mặt tự nhiên lẫn pháp lý của một người. Khả năng tự nhiên được xác định bởi điều kiện của chủ quan của người đó; khả năng (năng cách) pháp lý được xác định bởi luật và để được năng cách đó thì cần giữ những qui tắc luật định. Hạn từ “khả năng” trong đ. 1095 chỉ «khả năng tự nhiên thuộc lĩnh vực tâm lý» để có thể kết hôn thành sự.
Kiểu nói “sử dụng trí khôn” diễn tả khả năng suy tư độc lập, nhận định điều gì tốt điều gì xấu, phân biệt cái gì đúng cái gì sai hay điều thật điều giả. Đó là điều cần có theo luật thiên định tự nhiên bởi vì nếu khác đi có thể người ta không thể thực hiện được hành vi nhân linh, đặc biệt là trong việc kết hôn.
Luật yêu cầu việc sử dụng trí khôn phải đủ (sufficiente) là được, chứ không buộc phải sử dụng trí khôn vượt trội hơn mức bình thường mà luật giả định một người bình thường đều có để có thể kết hôn thành sự (x. đ. 1058).
Kiẻu nói “thiếu sử dụng trí khôn vừa đủ” cũng không có ý nói là thiếu trí khôn hoàn toàn (amentia). Giáo luật không chỉ sử dụng từ “amentia” (điên khùng, mất lý trí) mà còn du nhập những hạn từ diễn tả những nguyên nhân rộng hơn gây ra tình trạng thiếu sử dụng trí khôn. Chẳng hạn, những năm gần đây trong các án lệ của tòa án hôn phối đã dùng nhiều thuật ngữ mới ít nhiều rõ ràng hơn, như loạn thần kinh (schizophrenia) để áp dụng vào trường hợp đ. 1095,10 của giáo luật hiện hành.
Sau nữa, “không sử dụng đủ trí khôn” trong đ. 1095 không phải ám chỉ việc sử dụng trí khôn chung chung (luật giả định người ta có lúc 7 tuổi, đ. 97§2) mà đây là một đòi hỏi cụ thể trong kết hôn. Cách nói đó cũng không phải nói về sự sai lầm lý trí đối với hôn nhân, nhưng muốn nói là thiếu khả năng căn bản để nhận thức nó. Thật vậy, nếu một người không biết sử dụng trí khôn thì họ không biết hôn nhân là gì và cũng không hiểu những bổn phận kèm theo. Trong trường hợp nầy, luật muốn nói rằng để có khả năng kết hôn, một người phải đạt tới khả năng của lý trí đủ để hiểu rằng trong giao ước hôn nhân «một người nam và một người nữ hiến thân cho nhau và chấp nhận nhau qua một giao ước bất khả thu hồi» (đ. 1057§2) và hai người «tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái» (đ. 1055§1).
Dù bản văn đ. 1095 không nói rõ như trong thảo luận khi tu chính, nhưng truyền thống vẫn phân biệt tình trạng thiếu sử dụng trí khôn dưới hai hình thức và vẫn còn áp dụng trong lĩnh vực iurisprudentia ngày nay:
- Không sử dụng đủ trí khôn thường xuyên: chẳng hạn như tâm thần phân liệt (schizophrenia) hoặc chậm phát triển tâm lý nghiêm trọng (mental retardation)…
- Không sử dụng đủ trí khôn tạm thời: chẳng hạn như bối rối, hoang tưởng, giận dữ quá mức, mê sảng, động kinh, say rượu, nghiện ma túy và những chất kích thích tương tự hay trạng thái mơ màng giữa say thuốc và động kinh.
Những kết quả nghiên cứu của tâm thần học hiện đại cho thấy các hình thức điên loạn dù nặng nhất vẫn có những thời điểm đương sự tỉnh táo, sáng suốt và có khi kéo dài. Kinh nghiệm thực tế và trên nền tảng nghiên cứu đó, y khoa thực nghiệm chỉ ra rằng những người bị rối loạn tâm lý thường xuyên cũng có những thời điểm họ rất tỉnh táo, sáng suốt như không bị bệnh vậy. Điều nầy cũng đã được chấp nhận trong các án lệ của các tòa án Giáo Hội. Một vấn đề đặt ra là trường hợp một người thiếu sử dụng trí khôn thường xuyên, nhưng khi kết hôn lại ở trong tình trạng sáng suốt, tỉnh táo, tức là họ có khả năng ưng thuận kết hôn với ý thức về bổn phận thiết yếu của hôn nhân, kết hôn đó có thành sự không?
Theo học lý, một số tác giả thì cho rằng hôn phối đó thành sự. Tuy nhiên đa số lại cho là vô hiệu xét theo cả hai khía cạnh như sau. Trước hết theo cái nhìn y khoa thực nghiệm, việc kết hôn như thế không thành bởi xét vì dù công nhận đương sự có những thời điểm ở trong tình trạng sáng suốt đi nữa, nhưng chẳng qua đó là sự thuyên giảm tạm thời theo “từng cơn” của một căn bệnh kinh niên. Tiếp đến, theo cái nhìn pháp lý-giáo luật, vấn đề có thể được giải quyết theo quy định của đ. 1095 và đ. 99. Theo đó, người không sử dụng đủ trí khôn thường xuyên thì dù họ có lúc tỉnh táo và sáng suốt (“ngu si trường kỳ, thông minh đột xuất”), nhưng vì họ mắc bệnh kinh niên nên không thể đảm nhận những bổn phận chính yếu của hôn nhân, luật coi như không có khả năng kết hôn (x. đ. 1095,30) và «người nào thường xuyên không sử dụng đầy đủ trí khôn, thì được coi như là không làm chủ bản thân và được đồng hoá với nhi đồng» (đ. 99).
Một số tác giả khác cũng cho rằng hôn nhân trong trường hợp nói trên bất thành nhưng đưa ra cách giải thích khác. Đó là áp dụng tương tự theo nguyên tắc của giáo luật điều 1322 và 1323,60. Hai khoản luật nầy nói đến những người thường xuyên không sử dụng được trí khôn thì coi như là không có khả năng phạm tội dù họ vi phạm luật hay mệnh lệnh trong khi họ có vẻ sáng suốt, và do đó họ không phải chịu một hình phạt nào. Áp dụng tương tự, theo đó, người thiếu sử dụng trí khôn một cách thường xuyên sẽ không có khả năng thực hiện sự ưng thuận hôn nhân thành sự cho dù họ cử hành hôn phối trong lúc có vẻ sáng suốt.
Những người thiếu sử dụng trí khôn thường xuyên hay tạm thời có thể do trục trặc trong sự phát triển các cơ phận của người đó hoặc do khiếm khuyết chức năng não bộ của mình.
Trường hợp đầu thì giống như trẻ con trước lúc 7 tuổi không thể chịu trách nhiệm hành vi của mình, luật giả định là thiếu sử dụng trí khôn (x. đ. 97§2). Giả sử một trẻ em mới 5 hay 6 tuổi được nhắc để nói rằng “tôi đồng ý, tôi chấp nhận” trong cử hành hôn nhân như do tảo hôn, nhưng đó là những lời vô nghĩa đối với em đó và chẳng có giá trị về phương diện luật pháp. Hôn nhân dù đã được cử hành nhưng vô hiệu.
Trường hợp thứ hai là do có bệnh nghiêm trọng về thần kinh, gây hoang tưởng, mất sự tiếp cận bình thường với thực tại đang sống. Không sử dụng đủ trí khôn thường xuyên hay tạm thời do rối loạn tâm lý, có thể là do thiểu năng (không phát triển khả năng trí óc bình thường được) thường là do di truyền, và cũng có thể do bị loạn thần kinh chức năng (psychoneurotic) tức là một vài rối loạn thần kinh liên quan thể lý và cảm xúc.
Trường hợp sau cùng rất đáng chú ý vì trong thực tế xã hội hiện nay có khá nhiều người mắc chứng nghiện rượu, nghiện ma túy và các chất kích thích khác gây rối loạn thần kinh nghiêm trọng. Có những án lệ đã xét hôn nhân của người nghiện rượu là vô hiệu. Chẳng hạn chú rể mắc tật nghiện rượu mãn tính nên đã uống rượu khá say trước khi cử hành hôn phối. Tạm thời anh ta không đủ khả năng thực hiện sự ưng thuận của mình, anh ta thiếu khả năng sử dụng trí khôn của mình ngay lúc cần biểu lộ sự ưng thuận trong kết hôn. Nghi lễ kết hôn đã được cử hành bình thường nhưng hôn nhân đó là vô hiệu ngay lúc khởi đầu.
Bình thường một người khi đã đến tuổi khôn, do sự thống nhất tâm lý, năng lực của họ hoạt động cách bình thường trong các mối tương giao. Việc sử dụng trí khôn là điều thiết yếu để một người có thể thực hiện hành vi nhân linh với ý thức, trách nhiệm và tự do. Việc thiếu sử dụng trí khôn hay sử dụng không thích hợp làm cho sự ưng thuận không thành sự hay không phát sinh hiệu quả pháp lý. Khi một người không thể sử dụng đủ trí khôn người đó không thể thực hiện hành vi ưng thuận. Họ không đủ năng cách để thực hiện hành vi ưng thuận thành sự trong giao ước hôn nhân cũng như bất kỳ hành vi pháp lý nào (đ. 124).
Giáo luật điều 1095,20 nói rõ những người thiếu nghiêm trọng óc phán đoán (gravis defectus discretionis iudicii) về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân không có khả năng kết hôn.
Điều 1095,20 đề cập đối tượng của sự phán đoán là nghĩa vụ- bổn phận chính yếu của hôn nhân và việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân. Cũng vậy, theo đ. 1095,30 đối tượng của thiếu khả năng thích hợp là những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân. Quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân là gì?
Giáo luật không liệt kê những quyền lợi và nghĩa vụ nào là chính yếu của hôn nhân mà ngay cả trong sự phát triển của iurisprudentia cũng không cho ta một danh sách đầy đủ về các bổn phận nầy. Tuy nhiên, người ta đồng ý rằng những quyền lợi và nghĩa vụ nầy xuất phát từ bản chất và đặc tính của hôn nhân. Chẳng hạn, một trong những bổn phận chính yếu của hôn nhân là hành động giao hợp (đ. 1055§1) mà nếu thiếu thì hôn nhân có thể bị vô hiệu do ngăn trở bất lực (impotentia). Còn những nghĩa vụ chính yếu khác gồm có những khía cạnh nhân bản của hôn nhân, đặc biệt «mỗi người phối ngẫu đều có nghĩa vụ và quyền lợi bình đẳng trong tất cả những gì liên quan đến sự hiệp thông vợ chồng» (đ. 1135).
Nghĩa vụ và bổn phận chính yếu của hôn nhân theo các điều 1055 và 1056, đó là: hiệp thông trọn cả cuộc sống bao gồm tinh thần và thể lý, sinh dưỡng con cái, đơn nhất và bất khả phân ly, lợi ích của đôi bạn. Hay nói có tính chuyên môn và cô đọng hơn là bonum prolis, bonum fidei, bonum sacramenti, bonum coniugum, trong đó nếu loại trừ đặc tính đơn nhất hoặc tính bất khả phân ly thì hôn nhân sẽ vô hiệu (đ. 1101§2).
Về lợi ích đôi bạn (bonum conniugum) hệ tại trong việc mỗi người bộc lộ bản thân mình cho người kia để mỗi người thấy bản thân mình nơi người kia và ngược lại, để cùng hiểu biết và tôn trọng nhau; thể hiện tình yêu bằng hành vi trao ban và đón nhận nhau nhằm sinh sản con cái và giáo dục chúng. Khi một người không đủ khả năng thể hiện như thế thì họ thiếu khả năng đảm nhận những nghĩa vụ hôn nhân.
Gọi là chính yếu vì đó là những gì cần thiết, không thể thiếu và có tương quan chặt chẽ, đồng thời vì nó thuộc về bản chất và đặc tính có tính chất đặc thù của hôn nhân. Vì tính thiết yếu của bổn phận và quyền lợi đó, nên nếu nó bị hà tỳ, xét tùy trường hợp, sẽ làm ảnh hưởng đến sự tồn tại hay thành sự của hôn nhân.
Cụm từ tiếng latin discretio iudicii - được dịch ra tiếng việt như “phán đoán”, “suy xét”, “phân định” hoặc “nhận định”- dường như chỉ liên quan đến hoạt động lý trí mà thôi. Tuy nhiên, đặc biệt đối với nhiều án lệ, hạn từ nầy liên hệ đến lý trí lẫn ý chí xét vì trong phán đoán người ta cần có lý trí để đánh giá chín chắn và cần có ý chí để có sự lựa chọn tự do. Trong tiếng Anh, discretion cũng hàm ý cả lý trí và ý chí; còn trong tiếng latin, discretio cũng có nghĩa tương tự. Sự phán đoán thuộc về lĩnh vực đánh giá thực tiễn của lý trí. Theo các nhà tâm lý, sự phán đoán thường đến sau so với khả năng hiểu biết, và một người phát triển bình thường có óc phán đoán vào lúc 12 tuổi. Sự phán đoán là hành vi bao gồm cả lý trí và ý chí là điều được nói rõ của nhà lập pháp trong lược đồ tu chính giáo luật vào năm 1980 và trong rất nhiều án lệ.
Như vậy, một khi hà tỳ về sự phân định có thể ảnh hưởng đến cả ý chí, tức là ảnh hưởng đến hành vi ưng thuận kết hôn, một yếu tố then chốt trong kết hôn. Theo học lý và án lệ, “discretio iudicii” trong điều 1095 có hai ý nghĩa cơ bản như sau:
Trước hết, hành vi ưng thuận kết hôn không những dựa trên sự hiểu biết trừu tượng về hôn nhân, về bổn phận và quyền lợi vợ chồng mà còn trên sự nhận định, đánh giá thực tế cụ thể năng cách của người phối ngẫu để thực hiện bổn phận đó nữa. Dĩ nhiên dù không nhất thiết đòi buộc phải giải quyết và lường trước rốt ráo mọi tình huống liên quan đến bổn phận vợ chồng có thể xảy ra bất ưng trong tương lai, nhưng luật cũng không thể chấp nhận một sự thẩm định theo sở thích và theo một sự hạn hẹp tối thiểu nào đó về bổn phận phải đảm nhận nầy. Hôn nhân là một loại “giao kèo” nhiều ràng buộc và cũng khác xa với những loại hành vi thuần túy pháp lý khác xét vì những hệ luận luân lý và hiện sinh kèm theo.
Sau nữa, “discretio iudicii” có nghĩa bao hàm khả năng tối thiểu tự do nội tại và sự tự quyết liên quan đến chọn lựa quyền lợi và bổn phận hôn nhân. Sự chọn lựa không phải do những áp lực từ bên ngoài mà phải do sự thúc đẩy đến từ bên trong của chủ thể.
Khi kết hôn ngoài việc sử dụng đủ trí khôn (đ. 1095,10), thì người đó còn cần có sự trưởng thành về đầy đủ về tâm lý nữa. Sự phân định nói ở điều 1095,20 không phải để chỉ bất kỳ hành vi phân định chung chung nào đó mà là để chỉ hành vi đặc thù của cá nhân có trách nhiệm liên quan đến toàn bộ cuộc sống hôn nhân. Điều đó đòi hỏi sự thận trọng trong phán đoán. «Học lý và án lệ khi dùng hạn từ trưởng thành hay phán đoán (discetio iudicii) không phải ám chỉ đến một sự trưởng thành đầy đủ, cũng không có ý nói người phối ngẫu phải có sự nhận thức hoàn hảo và trọn vẹn về những điều liên quan đến hôn nhân; cũng không sự đòi buộc đương sự phải dự liệu rõ ràng và tuyệt đối những gì phải chu toàn trong đời sống hôn nhân, và cũng không đòi có một sự tự do bên trong ở mức độ cao nhất, hay sự quân bình hoàn hảo giữa lý trí và ý chí và sau hết cũng không đòi buộc có sự ý thức hoàn hảo về động cơ chọn lựa kết hôn». Giáo luật giả định rằng một người bình thường, không cần phải xuất chúng, đều có khả năng thực hiện sự ưng thuận kết hôn.
Quyết định kết hôn với người khác đòi hỏi có năng lực phán đoán chín chắn. Và «năng lực nầy của con người hệ tại ở sự nhận thức, kinh nghiệm và sự trưởng thành của họ». Chẳng hạn một cậu thiếu niên 10 tuổi “thần đồng” có thể “biết” nhiều về hôn nhân, nhưng cậu ta lại “hiểu” quá ít về cuộc sống đó. Vậy, cậu thiếu nghiêm trọng sự phân định để thực hiện ưng thuận hôn nhân.
Luật quy định rằng, thiếu phân định đó phải "nặng", tức là năng lực phân định của đương sự dường như bị mất toàn bộ do bệnh lý nào đó hoặc bị những tác nhân bên ngoài (xem vài tác nhân bên ngoài nói ở dưới đây) gây tác động đến khả năng phân định và ảnh hưởng đến tự do nội tại của chủ thể khiến đương sự không có khả năng thực hiện sự ưng thuận kết hôn được.
Thật vậy «suy xét đủ về hôn nhân bao gồm khả năng lượng định cách thấu đáo quyết định tiến tới hôn nhân trong ánh sáng của trách nhiệm và bổn phận tất nhiên, động lực thúc đẩy tiến tới hôn nhân, các điểm yếu và điểm mạnh của mình và của người phối ngẫu, và khả năng thực thi những đòi buộc của hôn nhân».
Nhận thức về quyền lợi và bổn phận trong đời sống hôn nhân nói chung thì chưa đủ mà còn thực hiện cụ thể những quyền lợi chính yếu mà hai người đã trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân ở đây và vào lúc nầy. «Để có được suy xét đầy đủ về hôn nhân, điều cần thiết không phải có những nhận thức chung về sự kiện rằng hôn nhân là chung sống vĩnh viễn với một người khác giới, nhưng còn là bao gồm các bổn phận khác, gồm có sự trung thành và tự bộc lộ mình với người phối ngẫu, hiểu biết và nhận thức người phối ngẫu là một cá nhân riêng biệt, và chăm sóc đến hạnh phúc của người phối ngẫu». Nếu ai nhận thức sai lệch tận căn của những quyền lợi và bổn phận hôn nhân thì người đó được coi là thiếu óc phán đoán đủ về hôn nhân như điều 1095,20 đề cập, ví dụ không biết sự khác biệt giữa người “bồ” với người chồng hay vợ; muốn kết hôn để dắt nhau đi dạo đầy thơ mộng, hay để được tặng quà và ăn mặc đẹp, hay chỉ để “góp gạo nấu chung”, làm đối tác thương mại, chứ không phải để sống như vợ chồng.
Tóm lại, việc thiếu nghiêm trọng phân định nầy khác với sự thiếu sử dụng đủ trí khôn, vì sự thiếu suy xét thích đáng bao hàm cả ý chí chứ không chỉ có lý trí mà thôi. Quyết định tiến tới hôn nhân của một người không những cần dựa trên lý trí hiểu biết mà còn dựa vào khả năng đánh giá căn bản về các tư cách của mình và của người phối ngẫu để đi đến quyết định một cách tự do rằng họ muốn thiết lập một sự chung sống với người nầy cách độc nhất và vĩnh viễn, một cộng đoàn kéo dài suốt đời trong sự chăm sóc và chia sẻ một cách hết sức trung thành.
Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu sự phân định thường là do ảnh hưởng tổng hợp từ nhiều tác nhân nội tại lẫn ngoại tại. Nắm bắt những tác nhân hay tình trạng này cũng rất hữu ích trong công việc cứu xét hôn nhân vô hiệu.
2.4.1. Tác nhân nội tại.
Tác nhân nội tại thường gặp nơi những người còn rất trẻ, đó là rối loạn nghiêm trọng cá tính hay nhân cách hoặc do chưa trưởng thành. Sự rối loạn có thể gây ra bởi bệnh lý nào đó tạo nên tình trạng bất thường hay biến đổi về tâm lý của chủ thể. Tiêu chuẩn để xác định trường hợp của thiếu trưởng thành dẫn đến thiếu khả năng ưng thuận kết hôn cũng gần giống như trường hợp thiếu khả năng tâm lý để kết hôn.
Về việc thiếu trưởng thành, xét khía cạnh pháp lý, là tình trạng thiếu khả năng thật sự nơi chủ thể để thực hiện hành vi ưng thuận. Người ta cũng thấy khó phân biệt giữa trưởng thành tâm lý (luận lý - nhận định) với trưởng thành tình cảm (cảm nghĩ, cách cư xử, động cơ quyết định, thực hiện quyết định). Có một số hình thức thể hiện sự chưa trưởng thành:
- Do không có khả năng kiềm chế hay kiểm soát các bốc đồng và các đam mê nên vừa gây tác động trên thái độ ứng xử và hạnh kiểm, vừa làm thay đổi khả năng nhận định và đánh giá của lý trí dù nó không biểu hiện đáng kể rõ ràng cho thấy thiếu phát triển.
- Nhạy cảm thái quá về nhục dục hay đam mê tính dục cùng với những xúc cảm không lường trước được và đôi khi vì sự thái quá nầy làm suy sút sự kiềm chế của ý chí và lý trí, rồi làm cho đương sự có những tính nết tiêu cực mà đạo đức xã hội không chấp nhận.
- Không chắc chắn trong các quyết định (thiếu quả quyết) về tình cảm và có xu hướng cứ muốn ở lại trạng thái tâm lý tình cảm thuở nhỏ hay thời niên thiếu thường có xung đột với những kích thích khoái lạc tính dục.
- Rất khó để khôi phục mối tương giao với người khác và với xã hội, đương sự thích sống cuộc sống tầm thường vô vị, thiếu ý nghĩa nhất là trong công việc; bị ám ảnh nặng nề với những kinh nghiệm nguy hiểm về tình dục.
- Không có khả năng đối phó và thích ứng với những hoàn cảnh mới trong đó đòi hỏi sự nỗ lực tổ chức, trong mỗi hoàn cảnh như thế gây ra sự lo âu và rối loạn cảm xúc.
- Không có khả năng hoặc không sẵn sàng để chấp nhận hôn nhân như một mối ràng buộc bền vững và không thể hủy bỏ đặt trên nền tảng của cuộc sống chung trọn vẹn và dâng hiến cho nhau.
Việc thiếu trưởng thành tâm lý-tình cảm có thể làm hôn nhân vô hiệu.
2.4.2. Tác nhân ngoại tại.
Các tác nhân nầy tác động tới việc thiếu phán đoán thích đáng, như:
- sự việc có thai trước hôn nhân hay phá thai gây hoảng loạn;
- Đời sống cơ cực bất hạnh khi ở với cha mẹ nên mong muốn sớm thoát khỏi gia đình;
- Thời gian tìm hiểu ngắn ngủi quá;
- Miễn cưỡng kết hôn vì sự sợ quá lứa, lỡ thì và thêm vào đó áp lực từ gia đình;
- Cũng có khi vì đương sự là thành viên của nhóm người sống lập dị hoặc có tu tưởng và phong tục tập quán khác xa xã hội hiện đại.
Ngay lúc kết hôn các người phối ngẫu phải biểu lộ sự ưng thuận của mình. Hiếm khi có ai đó biểu lộ sự ưng thuận của mình mà lại không đủ óc phân định hay sự thận trọng. Bởi vậy rất khó để chứng minh rằng hôn nhân vô hiệu vì luật suy đoán rằng: ai đã qua tuổi dậy thì rồi thì đã hiểu biết về ý nghĩa của đời sống vợ chồng như là một cuộc sống chung giữa người nam và người nữ nhằm sinh sản con cái qua một cuộc giao hợp sinh lý nào đó (đ. 1096). Dĩ nhiên là có thể chứng minh ngược lại (nghĩa là họ không biết tí gì về điều ấy), nhưng lại không dễ dàng gì để dẫn chứng.
(incapacitas obligationes matrimoniales essentiales assumendi)
Một người có thể có hiểu biết và nhận thức tốt về những gì hôn nhân đòi hỏi, nhưng người đó vẫn không thể ưng thuận hữu hiệu vì họ không có khả năng đảm đương và làm tròn những trách vụ đó vì những nguyên nhân tâm lý (đ. 1095,30).
Bên cạnh bất lực thể lý (impotentia) có thể có hình thức khác gọi là không có năng lực (incompetentia). Hạn từ không có năng lực nói ở đây được hiểu trong phạm vi hẹp và chỉ áp dụng đối với những người thực sự thường xuyên không có khả năng chu toàn đặc tính đơn nhất hoặc vĩnh viễn của hôn nhân.
Bản thảo của khoản luật 1095 trong lược đồ tu chính năm 1970 và năm 1975, khi nói về trường hợp không có khả năng đảm nhận những bổn phận hôn nhân đã dùng cụm từ “tâm lý-tính dục bất thường” (psycho-sexual anomaly). Hạn từ nầy liên quan đến bổn phận giao hợp vợ chồng, do thấy không thích hợp nên ban tu chính đã bỏ. Trong lược đồ 1980, hạn từ trên được thay bằng “tâm lý bất thường” (psychic anomaly). Rồi trong bộ giáo luật ban hành 1983 thì chỉ dùng “vì những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý” (causae naturae psychae). Như vậy, có thể có hai khía cạnh của việc không có khả năng đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân: đó là bất lực (impotentia), tức không có khả năng chu toàn bổn phận truyền sinh trong hôn nhân và không có năng lực (incompetentia) đối với những bổn phận khác giữa vợ chồng với nhau liên quan đến tính đơn nhất và bất khả phân ly.
Điều 1095,30 chú ý rằng lý do gây ra tình trạng thiếu năng lực là vì nguyên nhân «thuộc bản chất tâm lý». Như vậy căn nguyên gây ra thiếu năng lực nói trên không phải xuất phát từ hoàn cảnh bên ngoài (ví dụ, bị tù bị đày, ham việc làm ăn) hoặc vì một vài tác nhân thể lý (như tàn tật…) nhưng phải hệ tại kết cấu tâm lý nội tại nơi con người. Nói khác đi, nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý ở đây có ý nói là một loại “bệnh tâm lý” đúng nghĩa chuyên môn.
Làm thế nào để xác quyết một người có khả năng hay không có khả năng đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân? Trong thực tế các thẩm phán tòa án thường điều tra gián tiếp qua việc tìm hiểu về cách ứng xử và sự biểu hiện của đương sự có trước và sau khi kết hôn. Nếu kết quả cho thấy rằng đương sự không chu toàn nghĩa vụ chính yếu và trong thực tế không thể chu toàn được, thì vị thẩm phán có thể đi đến kết luận rằng người đó không có khả năng đảm nhận những nghĩa vụ đó; một người không thể đảm nhận những gì mà mình không thể chu toàn.
Dù luật không nói minh nhiên, nhưng yếu tố tâm lý bất thường về tính dục là yếu tố đáng chú ý vì nó làm thay đổi sự quân bình của chủ thể cho dù tự bản thân người đó có khả năng sử dụng đủ trí khôn hay có sự phân định về nghĩa vụ và quyền lợi chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau hôn nhân. Học lý và án lệ kể ra một số trường hợp như: cuồng dâm nơi nữ giới (nymphomania), bạo dâm (sadism), khổ dâm (masochism), đồng tính luyến ái (homosexuality).
Điều 1095,30 dùng hạn từ đảm nhận (assumere) mà không dùng chu toàn (adimplere). Trong quá trình soạn thảo đã có lúc người ta dùng lẫn lộn hai từ nầy và có khi coi chúng là tương đương. Sau cùng, trong bản văn chung quyết nhà lập pháp đã sử dụng hạn từ assumere đầy ý nghĩa. Thật vậy, hạn từ đảm nhận nghĩa vụ của hôn nhân liên quan trực tiếp với bổn phận hôn nhân ngay lúc hai người phối ngẫu trao cho nhau sự ưng thuận tức là lúc đang hình thành (in fieri) chứ không phải sau khi đã kết thúc giao ước kết hôn và sống đời hôn nhân (in facto esse). Không có khả năng đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân làm nó vô hiệu ngay lúc trao đổi ưng thuận chứ không phải sau khi đã kết thúc. Hơn nữa chu toàn nghĩa vụ hôn nhân là hệ luận tự nhiên và cần thiết của sự đảm nhận và khả năng đảm nhận nghĩa vụ đó.
Việc thiếu chu toàn nghĩa vụ không luôn luôn đồng nhất việc không có khả năng đảm nhận nó. Trong thực tế, việc không chu toàn nghĩa vụ hôn nhân có thể xuất phát từ việc người đó xao lãng và không nỗ lực vượt qua những giới hạn và những gánh nặng của đời sống gia đình.
Một điểm chú ý khác, đó là đối tượng của thiếu khả năng ưng thuận kết hôn là chính nghĩa vụ chính của hôn nhân, chứ không phải nhân cách người phối ngẫu.
Hiểu như vậy giúp chúng ta không lẫn lộn trong quá trình xét các vụ kiện hôn nhân vô hiệu. Chẳng hạn như không thể chỉ dựa vào những khó khăn gia đình hay lơ là bổn phận trong đời sống vợ chồng để từ đó nhanh chóng kết luận hôn nhân đó vô hiệu.
Điều 1095 không nói gì về những nguyên nhân gây ra thiếu sử dụng đủ trí khôn, thiếu óc phán đoán và không đủ năng lực để đảm nhân nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân. Điều 1095,30 chỉ đơn thuần nói rằng do nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý.
Hạn từ “nguyên nhân tâm lý” có nghĩa rất rộng và có thể bao gồm nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân tâm lý ẩn sau sự thiếu khả năng thích hợp có thể có nhiều và có thể không nhất thiết là sự “rối loạn” hay “bất thường”. Thông thường người ta thấy nguyên nhân loại nầy bao gồm:
- rối loạn nhân cách (personality disorder);
- loạn thần kinh chức năng (neuroses);
- loạn thần kinh (psychoses);
- rối loạn do lo âu (anxiety disorder);
- rối loạn do tâm thần phân liệt (schizophrenia),
- rối loạn cảm xúc nặng hay trầm cảm (dysthymic disorde);
- nghiện rượu (alcohol dependence) và các chất kích thích khác như ma túy…
- rối loạn tình dục hay rối loạn tâm sinh dục (psychosexual);
- đồng tính luyến ái (homosexuality). Cũng có người cho rằng đồng tính luyến ái không được xếp vào loại rối loạn tâm lý, nhưng nó có thể gây ra tình trạng không có khả năng chung sống suốt đời với người khác giới.
Ngoài ra thiếu khả năng nầy cũng «có thể phát sinh từ sự không trưởng thành trong cảm xúc, không phải là sự chưa trưởng thành do tuổi trẻ, nhưng là tình trạng cố định (ù lì) của tâm lý ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, khả năng kiểm soát những hành vi của mình, khả năng quan hệ giao tiếp với người khác». Còn về sự trưởng thành tâm sinh lý, chúng ta đã nói trên đây.
Cuối cùng chú ý rằng «khoa nghiên cứu về sự ứng xử của con người đang phát triển, nên các nguyên nhân tâm lý làm cho con người không có khả năng kết hôn vẫn chưa dừng lại». Đây cũng là một khó khăn đối với nhân viên tòa án hôn phối Giáo Hội.
Khi gặp trường hợp một người vừa thiếu óc phán đoán vừa không đủ khả năng đảm nhận bổn phận chính yếu của hôn nhân, tòa án được tự do chọn một trong hai bằng cách dựa vào sự kiện căn bản có được trong hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn như trường hợp một người nữ được chẩn đoán là rối loạn nhân cách tự kỷ ái mộ (narcissistic personality disorder). Nếu người nữ đó đã 25 tuổi vào lúc cưới và cưới sau hai năm tìm hiểu, thì có lẽ vụ kiện thiên về trường hợp thiếu khả năng đảm nhận nghĩa vụ chính yếu hôn nhân. Còn nếu người nữ đó cưới lúc 16 tuổi và mang thai và đám cưới diễn ra sau khi đã tìm hiểu nhau 5 tháng, thì vụ kiện thiên về trường hợp thiếu óc phán đoán. Thường những người bị rối loạn do lo âu (anxiety disorder), rối loạn do tâm thần phân liệt (schizophrenia), rối loạn cảm xúc (mood disorder) thì được coi là thiếu óc phán đoán (đ. 1095,20) hơn là thiếu năng lực đảm nhận nghĩa vụ chính yếu hôn nhân (đ. 1095,30), tùy hoàn cảnh cụ thể mà thẩm phán xác định.
Thật không dễ dàng để chứng minh thực sự không có khả năng hay chỉ đơn thuần là khó khăn trong việc đảm nhận nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân. Mặt khác cũng không thể chối cãi được là trường hợp tâm lý bất ổn có thể biểu hiện dưới hình thức nặng làm thay đổi sâu xa nhân cách và cản trở họ chu toàn và sống bền vững đời sống vợ chồng. Các thẩm phán có thẩm quyền lượng định điều đó với sự khách quan và chắc chắn nào đó.
- Nghiêm trọng: Nguyên nhân tâm lý nói ở đây phải là nghiêm trọng, chứ không chỉ là xáo trộn nhẹ. Nói khác đi đương sự “không đủ mạnh” để có thể đảm nhận nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân. Nếu chỉ nói rằng “cá tính bị xáo trộn nhẹ” thì không thể coi như là không có khả năng. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng sự rối loạn không thể chữa lành có thể đủ để coi là nghiêm trọng cho sự vô hiệu của hôn nhân và đó được coi là một nguyên tắc hướng dẫn thực hành.
- Có trước: Tức là trước thời điểm trao đổi sự ưng thuận. Để hôn nhân vô hiệu thì sự thiếu năng lực đảm nhận phải có trước thời điểm kết hôn. Thí dụ, tật nghiện rượu xảy ra vài năm sau khi kết hôn và không thể chứng minh có trước hôn nhân thì không thể là căn cớ để xét sự vô hiệu của hôn nhân.
Lưu ý quan trọng: không buộc việc thiếu khả năng đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân phải bộc lộ trước hoặc nhất thiết phải thể hiện ngay lúc kết hôn. Cần và đủ khi giả định rằng tại thời điểm kết hôn đương sự đã biểu hiện thiếu năng lực đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân là được. Chẳng hạn, trường hợp một người nữ rối loạn nhân cách trầm trọng tiến đến hôn nhân. Nghi lễ diễn ra tốt đẹp nhưng 6 tháng hay một năm sau rối loạn đó mới biểu hiện ra ngoài, đương sự không thể đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân và làm phá hủy đời sống hôn nhân. Như thế có thể coi đương sự là không đủ năng lực vì rối loạn nhân cách, và vì tự bản chất của nó là liên hệ toàn con người, nó có từ tuổi thơ hay ít nhất từ thời thanh niên, dù nó có thể đã không thể hiện ngay thời điểm kết hôn.
- Vĩnh viễn: Một trong những đặc tính cơ bản của hôn nhân đó là tính vĩnh viễn (x. đ. 1056 và 1134) nên nghĩa vụ của hôn nhân cũng lâu dài. Hôn nhân không có hiệu lực nếu người phối ngẫu có năng lực đảm nhận nghĩa vụ đó chỉ trong một vài tháng, vài năm hay mươi năm. Người thiếu khả năng vĩnh viễn thì không có khả năng đảm đương những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân suốt đời; đảm đương những nghĩa vụ nầy chỉ trong vài năm thì không đủ.
Thật vậy, trở lại ví dụ trên đây về người phụ nữ bị rối loạn nhân cách, và việc kết hôn diễn ra êm thắm nhưng sự rối loạn có thể nổi lên một vài năm sau đó và làm hôn nhân tan vỡ. Hoặc cũng có thể sự rối loạn nầy đã là nguyên nhân gây ra cách ứng xử không đúng từ lúc khởi đầu hôn nhân và người chồng cố gắng chịu đựng nhưng sau đó một năm thì đành phải chia tay. Anh ta cũng có thể tiếp tục chịu đựng 3 hay 4 năm với hy vọng có thể chữa trị được chứng rối loạn và làm thay đổi cách ứng xử của cô vợ. Nhưng thực sự chứng rối loạn đã làm tiêu hủy hôn nhân trước khi nó được kiểm soát. Trong cả hai trường hợp nầy có thể tuyên bố hôn nhân vô hiệu vì cả hai trường hợp đó người nữ không đủ khả năng đảm nhận nghĩa vụ vĩnh viễn của hôn nhân. Yêu cầu về tính vĩnh viễn ở đây có lợi thế chứng minh sự vô hiệu hôn nhân.
Việc thiếu khả năng vĩnh viễn tức là không thể chữa trị được. Cũng cần lưu ý rằng để một hôn phối được coi là vô hiệu, người phối ngẫu phải thực sự là thiếu khả năng thích hợp ngay lúc kết hôn và chứ không phải chỉ sau đó mới trở nên thiếu khả năng nầy. Chẳng hạn có thể xảy ra tình trạng là một người đàn ông bị rối loạn nhân cách nhẹ hay vừa phải. Lúc ấy anh ta nhận thấy thấy đó là điều quan trọng và cần chữa trị nhưng anh ta bỏ qua. Sự bỏ mặc đó về sau làm cho sự rối loạn nặng thêm vì sự căng thẳng trong đời sống hôn nhân và trở nên nghiêm trọng làm hôn nhân tan vỡ. Vì đây là trường hợp rối loạn có thể chữa trị, có thể kiểm soát được lúc kết hôn, nên không thể xem anh ta thiếu khả năng thích hợp để đảm nhận nghĩa vụ chính yếu hôn nhân.
Trường hợp không hòa hợp tính cách. Những năm trước đây, từ năm 1970, một số tòa án Giáo Hội tại Hà Lan đã coi rằng không hòa hợp tính cách giữa những người phối ngẫu được coi là nguyên nhân làm cho hôn nhân vô hiệu. Đây là điều mà nhiều tòa án dân sự tại Hà Lan áp dụng để giải quyết cho ly dị hoặc ly thân. Điều nầy không thể chấp nhận trong tòa án Giáo Hội xét vì sự bất hòa hợp tính khí, dù có gây khó khăn cho đời sống vợ chồng nhưng không bao hàm trường hợp không đủ khả năng để đảm nhận nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân, trừ khi trong trường hợp cụ thể đó là một loại bệnh lý thực sự, tức là rối loạn tính cách.
Trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cặp vợ chồng nại đến sự khó khăn trong cuộc sống để xin tiêu hủy hôn nhân. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng «các nhà giáo luật cần phải giữ nguyên tắc rõ ràng là chỉ trường hợp không có khả năng (incapacitas), chứ không phải là khó khăn (difficultas), trong việc thực hiện sự ưng thuận… mới làm cho hôn nhân vô hiệu». Không đủ để tuyên bố rằng việc thiếu khả năng vì do một hà tì nhẹ, hay do ý muốn xấu, hay do rối loạn nhân cách nào đó làm khó khăn hơn trong giao tiếp với khác. Chú ý rằng nguyên nhân thiếu khả năng phải là luôn luôn nặng làm ngăn trở hành vi ưng thuận, mất khả năng thực hiện hành vi nhân linh, làm mất tự do lựa chọn, và làm mất tự do đảm nhận nghĩa vụ thiết yếu hôn nhân.
Chúng ta biết bệnh liệt kháng, còn gọi là AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome) vì nhiễm siêu vius HIV (human immunodeficiency virus), là một nguy cơ của nhân loại hiện nay. Gọi là bệnh liệt kháng vì siêu vi khuẩn HIV đã tàn phá hệ thống miễn nhiễm của cơ thể và làm cho cơ thể không thể chống đỡ nổi sự tấn công của vi trùng xâm nhập vào cơ thể người bệnh để rồi đưa đến sự tử vong. Hiện nay vẫn chưa tìm ra thuốc chữa lành bệnh, chỉ có vài loại thuốc cầm cự qua ngày mà thôi nên những người mắc bệnh liệt kháng coi như mang án tử. Bệnh nầy đặc biệt dễ bị lây nhiễm qua đường máu và đường sinh dục, như tiêm chích ma túy hoặc giao hợp sinh lý của giới đồng tính nam cũng như nữ.
Xét về khía cạnh pháp lý (không xét về mặt bệnh lý, dịch tễ hay luân lý), có một mối ảnh hưởng gián tiếp nào đó giữa bệnh AIDS đối với sự thành hiệu của hôn nhân. Nhiều người cho rằng bệnh AIDS gây tác động đến nhiều yếu tố liên quan đến sự thành hiệu của hôn nhân và đặc biệt là đối với khả năng ưng thuận kết hôn (yếu tố nền tảng tạo nên dây hôn phối, xem đ. 1057§1). Chúng ta nói gián tiếp vì thực tế vì loại bệnh nầy không dẫn tới hiệu quả trực tiếp pháp lý mà vì từ tình trạng mang bệnh có thể gây nên những tác động tâm sinh lý khác rồi từ đó ảnh hưởng đến vấn đề kết hôn.
Như đã nói, hiện nay AIDS chưa có thuốc đặc trị nên ai đã mắc bệnh chỉ có chờ chết. Chính vì điều nầy mà AIDS gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến tâm lý bệnh nhân. Theo Luigi Sabbarese, dưới khía cạnh tâm lý người ta chứng minh rằng bệnh AIDS có thể dẫn đến một hình thức suy sụp tinh thần nặng để rồi từ đó người ta không thể bảo đảm sử dụng trí khôn của mình đủ. Đây là trường hợp mà điều 1095,10 nói đến. Ngoài ra, từ đó người ta cũng giả định rằng bệnh cũng gây ra thiếu sự phân định nơi những người đã lành bệnh lẫn nơi người có dương tính với siêu vi khuẩn HIV. Thật vậy, có thể có trường hợp những người phối ngẫu mang bệnh đã không nhận định đúng đắn một cách có trách nhiệm đối với bổn phận và quyền lợi thiết yếu của hôn nhân. Và đây là trường hợp của điều 1095,20 đặt ra. Sau cùng, cũng có thể người bị AIDS không đủ năng lực để đảm nhận những bổn phận thiết yếu của hôn nhân vì tâm thần rối loạn (đ. 1095,30).
Vấn đề bệnh liệt kháng đối với hôn nhân theo giáo luật được đặt ra hơn mươi năm trở lại đây. Tuy nhiên học lý và án lệ vẫn chưa ra một hướng dẫn chung. Do đó chúng ta phải chú ý đến kết quả khoa học về AIDS ra sao và đồng thời cũng hết sức tế nhị và kín đáo trong công việc điều tra về vấn đề hôn phối của những người mắc bệnh AIDS hay vì đã có phản ứng dương tính virus HIV.
Trong những vụ kiện liên quan đến ba trường hợp của điều 1095, người ta cố gắng thu thập các chứng cứ từ phía bị đơn (thường đó là người bị cho là thiếu sử dụng trí khôn, bệnh tâm lý, thiếu phân định). Đôi khi nguyên đơn đã không còn liên lạc với bị đơn và do đó không thể cung cấp địa chỉ, điện thoại của bị đơn. Tuy nhiên nếu cố gắng một chút thì vẫn có thể biết.
Sự khai báo của các bên và những chứng cứ cùng các nhân chứng hết sức quan trọng trong những vụ kiện loại nầy vì đó là dữ kiện làm cơ sở để xét xử.
Để đánh giá các lời khai của các bên trong vụ kiện loại nầy chúng ta cần chú ý đến giáo luật các điều: 1535; 1536§2; 1537; 1538.
Theo quy định của điều 1680 «trong những vụ án về sự bất lực hay về sự thiếu ưng thuận do bệnh tâm thần, thẩm phán phải nhờ đến sự giúp đỡ của một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ là việc giám định không cần thiết; còn trong những vụ án khác, phải giữ những quy định của điều 1574» . Điều 1574 nói rõ: «Phải nhờ đến các giám định viên, mỗi khi luật quy định hoặc mỗi khi thẩm phán cần đến việc nghiên cứu và ý kiến của họ dựa trên những quy luật kỹ thuật hay khoa học, để chứng minh một sự kiện hay để biết thực chất của một sự vật».
Như vậy luật quy định rõ trong những vụ kiện liên quan đến sự thiếu ưng thuận (consensus defectu) cần đến các giám định viên. Tuy nhiên khi đọc hai khoản luật trên với nhau, Lawrence G. Wrenn nhận xét khá thú vị là hai khoản luật 1680 và 1574 dường như nói rằng khi vụ kiện liên quan việc không sử dụng đủ trí khôn nếu do rối loạn thường xuyên (habitual disorder) luật đòi buộc cần có sự giúp đỡ của các chuyên viên (trừ khi thấy điều nầy là không cần), còn nếu có tính chất tạm thời thì việc có cần nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên viên hay không tùy thuộc vào sự nhận định của thẩm phán.
Lưu ý rằng không phải ý kiến của các giám định viên có tính chất quyết định đến việc phán quyết hôn nhân thành sự hay không thành sự. Tòa thượng thẩm Rota Romana đã nhiều lần lưu ý rằng thật sai lầm nếu các thẩm phán bắt đầu từ kết luận của các chuyên viên trừ khi có lý chứng mạnh mẽ ngược lại.
Nhiệm vụ của các chuyên viên chỉ là cung cấp các thông tin cần thiết trong lĩnh vực chuyên môn của mình, cách riêng về bản chất hay phạm vi thuộc về tâm lý hay về bệnh tâm thần. Còn «thẩm phán phải cân nhắc cẩn thận không những các kết luận của các giám định viên, ngay khi chúng ăn khớp với nhau, mà cả các hoàn cảnh khác của vụ án nữa» (đ. 1579§1). Điều này nhắc nhớ rằng thẩm phán là «peritus peritorum».
Trong các vụ án vô hiệu hôn nhân liên quan đến đ. 1095 cần chú ý đến một số điểm sau đây.
a. Chứng minh về việc thiếu khả năng thực hiện sự ưng thuận hôn nhân thường xoay quanh việc xác định 3 vấn đề chính là: i) tìm hiểu những sự việc liên quan đến sự ứng xử của đương sự, đặc biệt về quyết định kết hôn; ii) tìm hiểu “lịch sử bệnh án” của đương sự; iii) tìm hiểu có tính chuyên môn hơn về tình trạng tâm lý của đương sự trong quá khứ và hiện tại.
b. Tùy từng trường hợp, việc đánh giá phải dựa trên một số điểm nói chung sau đây:
- Thời kỳ đính hôn, có hay không sự khó khăn hay suy sụp vì những ứng xử lạ đời hay bất thường; nếu có, nguyên nhân gây ra những sự việc đó do đâu;
- Những khó khăn nơi đương sự về các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống (tương quan gia đình, với người khác; học hành và công việc ra sao, và thực hiện những bổn phận xã hội, như giữ luật hay quy định của cuộc sống xã hội);
- Lịch sử bệnh án về mặt tâm lý (các chẩn đoán, chữa trị, sự bình phục trước hôn nhân);
- Có hay không và như thế nào về việc đương sự nói đến những bổn phận trong tương lai của hôn nhân (khả năng suy xét và tự nhận định vấn đề đó);
- Đương sự có hay không về việc quyết lòng kết hôn hoặc bị thôi thúc và bị ám ảnh nào đó;
- Có hay không về việc đương sự đã dùng ma túy, rượu hay chất kích thích khác gây nghiện.
c. Đặc biệt đáng chú ý là những thái độ ứng xử của đương sự trong thời gian chuẩn bị và ngay trong ngày cưới (những hành vi không thích hợp với hoàn cảnh; ăn nói không thích đáng, gây ồn ào), cũng như trong việc thực thi bổn phận hôn nhân.
Đối với trường hợp nghiện rượu, để tìm bằng chứng gây nên sự vô hiệu của hôn nhân không dễ và rất tế nhị. Theo án lệ gần đây, việc nghiện rượu tự bản thân không phải là lý do đủ để gây nên sự vô hiệu, bởi đó cần thiết phải chứng minh rằng nó gây nên sự kích động và làm suy yếu khả năng phân định của đương sự. Theo án lệ, thẩm phán phải tìm hiểu mức độ suy sụp của đương sự: diễn tiến trước khi nghiện; diễn tiến khi nghiện nặng; các suy nhược tinh thần; những dấu hiệu đáng kể bị mất trí và những hậu quả ít là về mất cảm thức luân lý.
Giữa tật nghiện rượu với nghiện nặng ma túy hay những chất kích thích khác dù có nhiều điểm khác biệt, nhưng cũng có nhiều nét tương đồng trong việc đánh giá và tiến trình điều tra. Theo án lệ, đối với người nghiện nặng các chất kích thích nói chung, cần chú ý thêm những điều kiện gây rối loạn thường xuyên, những vi phạm nghiêm trọng luật lệ (trộm cắp,…), những rối loạn thế giới nội tâm, sử dụng chất kích thích (như cocain, morphine, heroin, ma túy tổng hợp) tạo nên rào cản hay sự lạnh nhạt trong giao tiếp với người khác, có thời gian cai nghiện hay điều trị nhưng không bỏ được (tái phạm nhiều).
Về các loại rối loạn tâm thần, có một tài liệu rất hữu ích cho tòa án hôn phối, án lệ thường trưng dẫn, đó là cuốn Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về các rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), in lần thứ 4 (1996). Cuốn nầy được biết nhiều hơn với tên viết tắt DMS-IV. Cẩm nang do Hiệp hội tâm thần Mỹ phát hành trong đó bao gồm các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần từ trẻ em đến người lớn, đồng thời liệt kê những hiểu biết về nguyên nhân gây ra các chứng rối loạn, kèm theo các thống kê về phái tính, tuổi bắt đầu bị bệnh… Thiết nghĩ, bên cạnh ý kiến của các chuyên viên, chúng ta cũng nên biết để góp phần hữu hiệu trong việc điều tra.
Nên nhớ phần hướng dẫn thủ tục tố tụng hôn nhân trong tự sắc Mitis Judex Dominus Jesus, cũng có đề nghị thủ tục ngắn gọn trước mặt Giám Mục khi gặp trường hợp «thiếu sử dụng trí khôn có giấy chứng nhận của bác sĩ» (khoản 14§1) và trong trường hợp mà «trong số các văn kiện viện dẫn cho lời thỉnh cầu, có tất cả những tài liệu y khoa. Những tài liệu này có thể cho thấy rõ ràng không cần phải nhờ đến một giám định viên chính thức» (Khoản 14§2).
Tình trạng, sự kiện hay biểu hiện chính yếu |
Thiếu sử dụng đủ trí khôn- 1095,10
- Người thiểu năng, không phát triển khả năng trí óc bình thường được, thường là do di truyền
- Người loạn thần kinh chức năng (psychoneurotic) tức là một vài rối loạn thần kinh liên quan thể lý và cảm xúc.
- Người nghiện nặng rượu, ma túy và những chất kích thích khác. |
Thiếu nghiêm trọng sự phân định - 1095,20
- Không làm chủ được hành vi suy biết của mình.
- Nhận định sai lạc như về nghĩa vụ trao ban cho nhau: quan niệm chồng có quyền độc đoán, coi vợ như tỳ thiếp, như nô lệ, như một nơi thỏa mãn nhục dục.
- Không có khả năng kiềm chế hay kiểm soát các bốc đồng và các đam mê: bệnh tâm thần, hoang tưởng, nghiện hút, nghiện rượu, đam mê cờ bạc, hung bạo.
- Nhạy cảm thái quá về nhục dục hay đam mê: sống bê tha vô trách nhiệm, rượu chè, cờ bạc, ăn chơi đĩ điếm.
- Không chắc chắn trong các quyết định (thiếu quả quyết) về tình cảm và xu hướng ở trong tình trạng âu trĩ tuổi thơ lệ thuộc cha mẹ, không làm chủ đời sống vợ chồng.
- Rất khó khôi phục tương giao với người khác và với xã hội, thích sống cuộc sống tầm thường vô vị, thiếu ý nghĩa nhất là trong công việc
- Nặng trĩu với những kinh nghiệm nguy hiểm về tình dục.
- Thường hay đánh đập, hành hạ vợ con.
- Sống lập dị hoặc có tu tưởng và phong tục tập quán khác lạ với xã hội hiện đại. |
1095,30
Do bản chất tâm lý không thể chu toàn nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân.
- Rối loạn nhân cách (personality disorder)
- Loạn thần kinh chức năng (neuroses)
- Loạn thần kinh (psychoses)
- Rối loạn do lo âu (anxiety disorder)
- rối loạn do tâm thần phân liệt (schizophrenia)
- Rối loạn cảm xúc nặng hay trầm cảm (dysthymic disorde)
- Nghiện rượu (alcohol dependence) và các chất kích thích khác như ma túy…
- Rối loạn tình dục hay rối loạn tâm sinh dục (psychosexual)
- Đồng tính luyến ái (homosexuality)
- Bản chất hung hãn bạo động, thường xuyên đánh đập vợ
- Bệnh nguy hiểm như AIDS |
KẾT LUẬN
Trong quá trình soạn thảo khoản luật 1095, các nhà lập pháp không những lưu ý đến quan điểm về nhân vị, về nền tảng tự do, và những quyền cơ bản của con người theo công đồng Vatican II mà đồng thời còn dựa trên những tiến bộ y khoa nhất là về phương diện tâm thần, tâm sinh lý sức khỏe con người. Về tầm quan trọng, giáo luật điều 1095 là khoản luật hoàn toàn mới so với bộ giáo luật cũ và «là một điểm sáng và là điều mới mẻ đáp ứng được lòng mong đợi». Điểm mới mẻ và chiều hướng khôn ngoan của khoản luật nầy cũng rất ích lợi cho iurisprudentia thời hậu công đồng.
Về nội dung, chúng ta thấy khoản luật 1095 đã đề cập ba trường hợp làm người nào đó không có khả năng kết hôn. Đó là những người không sử dụng đủ trí khôn, không có óc phán đoán đủ và không đủ năng lực để đảm nhận những nghĩa vụ đời sống hôn nhân. Trong trường hợp đầu, việc không có khả năng kết hôn của đương sự là kết quả của thiếu tuyệt đối khả năng (ít nhất tại thời điểm thực hiện ưng thuận) thực hiện hành vi nhân linh, hệ luận của thiếu sử dụng đủ trí khôn. Trường hợp thứ hai và thứ ba không phải không có khả năng kết hôn nhờ tự do chọn lựa nhưng là vì không có khả năng đối với những quyền lợi hay bổn phận chính yếu của hôn nhân. Người ta thấy khoản luật không đề cập minh nhiên tất cả các trường hợp thiếu khả năng. Điều nầy cũng hợp lý thôi vì tự bản chất, không cần thiết phải liệt kê toàn bộ luật thiết định. Các thẩm phán trong Giáo Hội nên đặc biệt chú ý điều nầy để tránh không quá lo lắng hoặc đóng khung cứng nhắc và để không bỏ qua những trường hợp thiếu khả năng khác dù cho không thuộc những trường hợp đã định.
Khoản luật cũng không chỉ rõ bản chất của đời sống chung trong hôn nhân (consortium vitae) đặc biệt không nói như thế nào là không sử dụng đủ trí khôn, không đủ óc phán đoán hay không đủ khả năng đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân. Những hạn từ nầy có liên quan đến hạn từ rất căn bản là consortium. Bởi đó nếu chúng ta hiểu consortium, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng việc sử dụng bao nhiêu trí khôn, hay óc phán đoán và bao nhiêu khả năng đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân mới được coi là đủ.
Chúng ta thấy quá trình soạn thảo khoản luật nầy rất công phu và cân nhắc trong việc dùng những hạn từ nào diễn tả cho thích đáng. Trong quá trình đó các nhà lập pháp đã cố gắng cô đọng những ý kiến và chọn những hạn từ nầy hay bỏ những hạn từ kia sao cho nội dung khoản luật rõ ràng, tổng quát, bền vững... Chính vì vậy khi tìm hiểu nội dung khoản nầy, chúng ta cũng cần “giải mã” chúng để hiểu những ý tưởng mà nhà lập pháp muốn nói tới. Mặt khác chúng ta không thể bỏ qua những tiến bộ về y khoa nhất là liên quan đến tâm sinh lý. Trong xã hội hiện đại, các bệnh liên quan đến tâm lý lẫn sinh lý rất phức tạp và ngày càng nhiều không chỉ về người mắc bệnh mà còn về nhiều dạng thức khác nhau.
Về việc áp dụng vào tòa án hôn phối, thoạt tiên có thể nhiều người cho rằng với sự ra đời của khoản luật mới nầy thì việc xét các vụ án hôn nhân vô hiệu trở nên dễ dàng hơn khi vận dụng những hà tỳ sự ưng thuận liên quan đến tâm lý mà khoản luật đề cập. Tuy nhiên để đi tới một sự chắc chắn luân lý trong trường hợp nầy thực tế là điều không dễ dàng chút nào, xét vì sự ưng thuận là một hành vi nội tại của con người hơn nữa có những vụ án xét những hôn nhân đã xảy ra 5 năm, 10 năm thậm chí vài chục năm rồi. Nếu việc thẩm định pháp lý về những sự kiện xảy ra bên ngoài vốn đã nhiều khó khăn, thì thẩm định sự việc xảy ra nội tại nơi con người thì khó khăn càng chồng chất.
Mặt khác, chúng ta thấy rằng những năm gần đây dù học lý và án lệ bàn khá nhiều về những vấn đề liên quan đến nội dung 1095, và vẫn đang tiếp tục phát triển nhưng người ta vẫn chưa thể xác định được tất cả các hình thức mà một người có thể không đủ khả năng đảm nhận những bổn phận thiết yếu của hôn nhân. Bên cạnh đó, chính khoa học về tâm thần cũng ngày càng phát triển không ngừng và chúng ta cũng chưa thể có đầy đủ sự xác định và đánh giá những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý mà điều 1095 đề cập. Đây là một khó khăn và chúng ta cần đến những chuyên viên, những giám định viên. Nhưng các thấm phán hết sức thận trọng trong việc xem xét các ý kiến của các giám định viên. Như đã nói các giám định viên chỉ cung cấp những dữ kiện và thông tin liên quan đến vụ kiện chứ không phải quyết định hôn nhân đó vô hiệu hay không vô hiệu. Việc quyết định đó thuộc về các thẩm phán.
Sau cùng, về phương diện mục vụ, nói gì thì nói, giáo luật điều 1095 thực sự là một khoản luật hữu ích và cũng dành cho các thẩm phán quyền rộng rãi khi phán xử. Chúng ta thấy những giới hạn và những khó khăn nảy sinh không chỉ khi tìm hiểu nội dung của khoản luật mà còn trong việc áp dụng vào thực tế tòa án hôn phối. Có thể mỗi người chúng ta hiểu nội dung của khoản luật nầy không cùng một cách nhưng ít nhất chúng ta cần phải cố gắng tìm hiểu hơn, công bằng hơn, có trách nhiệm và bác ái hơn với những ai tìm đến chúng ta xin giúp đỡ. Chúng ta thường nghe nói rằng, những người độc thân cứ bàn luận về đời sống gia đình, còn những người sống trong bậc gia đình cứ nói về người sống độc thân. Tuy nhiên những người có trách nhiệm, nhất là các thẩm phán, nhân viên tòa án nên đọc và lắng nghe nhiều những gì những người đàn ông và đàn bà nói về những thực tại trong đời sống gia đình của họ bằng lý trí sáng suốt và con tim nhạy cảm. Đây là bước đầu quan trọng thể hiện sự quan tâm đến người khác vì hạnh phúc của họ.
MỘT SỐ VỤ ÁN HÔN PHỐI LIÊN QUAN ĐIỀU 1095
(Chuyển ngữ: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ)
Minh họa 1: ARMACHANA, Decisione Rotale coram Stankiewicz, 11/07/1985: chấp thuận hôn nhân vô hiệu. Giám định viên chính thức: G.B Plunkett, tòa cấp 1.
Nam 20 tuổi, nữ 19 tuổi, ở gần nhau 4 năm mà hầu như có chỗ ở khác nhau, không có con.
Hoàn cảnh bệnh án tâm lý bị đơn: theo giám định viên, cả hai bên thiếu trưởng thành tình cảm và chẳng có sự chuẩn bị gì về mặt xã hội cho hôn nhân; bị đơn không có khả năng chu toàn nghĩa vụ hôn nhân và có lẽ thiếu cả khả năng ưng thuận hôn nhân.
Nguyên nhân chính của quyết định tòa án: trước hôn lễ, đối với mẹ, bị đơn chỉ là một đứa trẻ. Sau ngày cưới, anh ta quyến luyến với bố mẹ hơn là đối với vợ. Phần lớn thời gian, trong việc kinh tế anh ta thiếu thực tế, tất cả đều do bố mẹ quyết định cho anh. Sau đám cưới một ngày anh ta muốn xé giấy chứng hôn và trở về nhà bởi gì hôn nhân chẳng có gì tốt đẹp gì như những người bạn nói, và anh ta không muốn chịu làm một người chống nữa. Vậy anh ta thiếu khả năng thực hiện ưng thuận kết hôn. Anh ta không phải thiếu khả năng chu toàn nghĩa vụ hôn nhân bởi vì điều đó đã chấm dứt sau khi bố mẹ qua đời. Trong thực tế anh ta đã có mối quan hệ với một người phụ khác và đã có vài con. (Trích Monitor Ecclesiaticus, 1986, tr. 163-172- hoặc Studi Giuridici XXIII, tr. 44-45).
Minh họa 2: Thiếu nghiêm trọng sự phán đoán về quyền lợi và bổn phận cơ bản của hôn nhân (1095,20)
Tom và May cưới nhau vào lúc 21 tuổi. Tom đã trải qua thời thơ ấu và thiếu niên đầy cay đắng. Cậu ta bị bỏ rơi lúc mới sinh và sống trải qua 6 cô nhi viện cho đến khi 18 tuổi. Không một cô nhi viện nào trong sáu cô nhi viện đó chỉ dạy cho cậu sự vững vàng hay tình yêu. Thực vậy, cậu đã lạm dụng tính dục ngay từ lúc 7 tuổi cho đến 10 tuổi khi đang sống trong cô nhi viện thứ ba. Cậu cũng chưa bao giờ nói cho ai biết về điều đó. Cậu ta bắt đầu uống rượu lúc 12 tuổi và nghiện nặng khi lên 14 tuổi. Tom bỏ học trung học đang khi 17 tuổi. Cậu ta cũng đã trải qua 7 công việc làm từ 16 đến 21 tuổi. Mary đã đến với cậu vào tháng giêng. Cô ta là bạn gái nghiêm túc nhất đầu tiên của cậu. Và họ đã ăn ở với nhau suốt hai tuần. Họ đính hôn và cưới nhau sau sáu tháng.
Sau khi cưới được ba năm họ có một đứa con. Dù Tom uống rượu và hút thuốc nhiều mỗi ngày, nhưng Mary vẫn yêu cậu ta. Vào một ngày kia Tom đã bỏ đi vì cảm thấy bất hạnh. Sau khi đã tìm kiếm Tom hai lần trong ba năm, Mary xin ly dị. Trong thời gian đó, Tom chẳng làm gì cho con gái mình và Mary chắc rằng hắn vẫn tiếp tục say trong men rượu, và nhiều lần thất nghiệp. Sau cùng cô phải làm đơn ra tòa xin tuyên bố hôn nhân của mình vô hiệu vì Tom thiếu phân định khi kết hôn.
Không khó để minh chứng sự vô hiệu của hôn nhân giữa Tom và Mary bằng cách thu thập những sự bằng chứng nhờ các nhân chứng. Các thẩm phán cũng có thể thu thập chứng cứ hiển nhiên hơn nhờ các chuyên viên nghiên cứu khoa học về sự ứng xử của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em lạm dụng tình dục và nghiện các chất kích thích. Thường theo luật, theo án lệ tòa Rota Romana hầu hết các vụ kiện loại trên đều được xác nhận vô hiệu. Tom được coi như không có khả năng để kết hôn trong ngày cử hành hôn phối vì anh ta thiếu nghiêm trọng sự phán đoán về quyền lợi và bổn phận cơ bản của hôn nhân. Thực tế đã cử hành hôn nhân, nhưng nó vô hiệu ngay từ lúc khởi đầu.
Minh họa 3: Bản án 10/11/1994, Washington (trích trong Studia Canonica 30 (1996) tr. 221-232).
John và Andrienne sau 3 năm quen nhau đã đi đến kết hôn vào 8/1957, John 23 còn Andrienne 22 tuổi. Giờ họ đã có với nhau 6 mặt con. Kể từ giữa 1982 hai bên không hiểu nhau càng gay gắt và cô vợ mất hoàn toàn niềm tin nơi chồng. Họ ly thân hai năm sau đó và ra tòa đời ly dị vào 1987.
Cũng trong năm đó, John đã gởi đơn lên tòa án ở Washington xin tuyên bố hôn nhân của họ vô hiệu. Vào tháng 01/1988, vấn đề đặt ra là: hôn nhân vô hiệu vì nguyên đơn thiếu phán đoán nghiêm trọng và /hoặc bị đơn thiếu phán đoán và/hoặc không có khả năng đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân? Tòa án cấp I với một thẩm phán, sau khi thu thập chứng cớ của cả hai bên và với 7 nhân chứng, cùng 3 bác sĩ và giám định viên, đã ra phán quyết phủ nhận sự vô hiệu của hôn nhân vào 9/1989.
Đơn kháng cáo gởi lên tòa án cấp II, và tòa tiến hành thu thập những chứng cứ với 5 nhân chứng và ý kiến các chuyên viên. Bị đơn từ chối cung cấp bằng chứng và tuyên bố vắng mặt. Tháng 11/1990 tòa này ra quyết định phủ nhận bản án sơ cấp.
Vấn đề được đưa đến tòa Rota Romana. Có đại diện hợp pháp của nguyên đơn, nhưng bị đơn vẫn im lặng và vắng mặt. Cuộc điều tra ở tòa nầy dần kết thúc với việc thẩm tra nguyên đơn cùng với 1 nhân chứng. Vấn đề chính đặt ra là: có hay không sự vô hiệu của hôn nhân nầy vì hai bên đều thiếu phân định nghiêm trọng (đ. 1095,20), theo tòa cấp ba; và bị đơn thiếu khả năng khả năng tâm lý (đ. 1095,30), theo tòa cấp 2.
Sau khi xem xét kỹ, tòa Rota không chấp nhận luận chứng rằng bị đơn “không có khả năng tương giao liên vị” và bác bỏ lập luận của tòa án cấp II “ngay từ đầu của hôn nhân nầy giữa hai người đã thiếu sự trao ban, chia sẻ, chăm sóc cần thiết để xây dựng consortium vitae”. Tòa Rota thấy rằng khả năng ưng thuận nói ở đ. 1095 không phải là từ một người hướng tới một người mà là từ một người đến hôn nhân. Khả năng nói ở điều 1095 không liên hệ đến cá tính, khí chất hay nhân cách của người phối ngẫu nầy hay người kia, mà là liên quan đến bổn phận thiết yếu của hôn nhân. Chính khả năng nầy phải là và phải được xem xét không phải từ chủ thể đến một chủ thể khác nhưng là từ một chủ thể đến một đối tượng, nghĩa là đến bổn phận thiết yếu của hôn nhân. Bởi vậy, theo điều 1095 hai người phối ngẫu phải biết phân định không phải theo người phối ngẫu kia hay ai đó mà mình chọn nhưng là phải theo định chế hôn nhân. Sự khác biệt về cá tính, là bản chất tự nhiên và của mỗi con người, khiến sự bất đồng nảy sinh trong cách đánh giá, quan điểm và cách ứng xử trong tương giao liên vị. Chắc chắn điều nầy gây khó khăn thêm trong các mối quan hệ, nhưng không phải là không thể được…
Căn cứ theo qui định luật và những sự kiện thu thập tòa Rota đã ra phán quyết phủ nhận sự vô hiệu của hôn nhân nói trên (Negative). (Bản án đề ngày 10/11/1994, tại Tòa án Roata Romana, do chánh án Cormac Burke, cùng hai thẩm phán Kenneth E. Boccafola và Egidio Turnaturi).
Minh họa 4: (không đủ năng lực vì nguyên nhân tâm lý 1095,30
Angela nghĩ rằng Peter con người trầm lặng chỉ vì tính khí của anh ta như thế. Trong suốt thời gian hai năm quen biết tìm hiểu nhau, anh ta hoàn toàn lệ thuộc vào Angela, không có một người bạn riêng nào và bị cô ta cuốn hút. Angela tìm cách quyến rủ anh ta. Ngay sau cưới nhau, tình cảm đó trở nên đáng lo ngại. Anh ta luôn luôn hỏi nơi ở vợ mình. Anh ta luôn cho rằng Angela thường phản bội mình nhưng lại không có cơ sở cho sự ngờ vực đó. Anh ta thường kín đáo chú ý xem Angela có vô tội không. Anh ta sớm trở nên vũ phu về tinh thần lẫn thể lý. Cô ta bắt đầu sợ cho sự an toàn của mình. Đám cưới đã hơn một năm. Việc kéo dài sống ly thân trở nên thảm họa đối với Angela vì sự đe dọa và thái độ kỳ quặc của Peter. Thời gian ngắn sau khi ly dị, Peter bị suy nhược thần kinh và phải nhập viện. Anh ta được chẩn đoán bị chứng hoang tưởng (paranoia). Các chuyên viên cho rằng Peter mắc chứng nầy bắt đầu hồi niên thiếu, mặc dù sự biểu hiện nghiêm trọng của nó không thể hiện cho đến sau khi anh ta kết hôn. Angela đã đệ đơn lên tòa án Giáo Hội xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu vì Peter không có khả năng. Trong trường hợp nầy, điều tra của tòa án đưa đến kết luận rằng Peter đã không có khả năng kết hôn xét vì anh ta không đủ năng lực đảm nhận những bổn phận chính yếu của hôn nhân vì anh ta bị chứng hoang tưởng. Chắc chắn đã có một cuộc kết hôn nhưng hôn nhân đã vô hiệu ngay từ đầu.
Minh họa 5: Novae Aureliae. Bản án do Stankiewicz, 31/5/1979. Phủ quyết, và được xác nhận bản án tòa Huot, 18/7/1983.
Chồng 26 tuổi, vợ 22. Đã sống với nhau gần 25 năm. Có con trai 6 tuổi và tự ý phá thai một lần.
Hoàn cảnh bệnh lý của bị đơn: những bác sĩ chăm sóc cho bị đơn 5 năm sau nây thấy rằng bị đơn bị trầm cảm, ngày càng tăng thêm, tự kỷ ái mộ (narcism), lạm dụng rượu. Các giám định viên ngoài tòa (D. Moan, Wauch và Ritter) nhận xét về tâm trạng tràn đầy thất vọng đau khổ thời thơ ấu của của bị đơn, nói rằng sự thiếu trưởng thành đã hình thành lúc ấy đã khiến cho bị đơn không có khả thực hiện hành vi ưng thuận hôn nhân thành sự và quan hệ vợ chồng được. Giám định viên hàng đầu, giáo sư De caro, cũng nhận định sự việc như vậy: «những lý do rối loạn tâm thần xuất hiện rõ ràng sau vài năm kết hôn, không thể được đồng nhất với bất cứ cách nào với… những biến cố căng thẳng tâm lý tuổi thơ và thanh niên của bị đơn: những sự kiện bình thường lại được những tư vấn xem xét kỹ cho là bệnh tâm lý… trong trường hợp nầy không thể coi là đúng». Bị đơn «trong thời điểm bày tỏ sự ưng thuận đã không ở trong tình trạng thiếu khả năng tâm lý để biểu lộ sự tự do lựa chọn và để đảm nhận những nghĩa vụ hôn nhân».
Lý do của bản án: bị đơn, thiếu nhân cách cần thiết phán đoán, suốt thời gian sống đời vợ chồng luôn cảm thấy thất vọng. Nhưng tình trạng tâm lý đó của bị đơn chỉ bắt đầu nặng thêm sau 7 hay 8 năm sau kết hôn, vậy không thể làm cho hôn nhân vô hiệu được.
(S.R.R decisiones, vol. 71-Stankiewicz, tr. 306-322; vol. 75-coram Huot, tr. 440-452- Trích Monitor Ecclesiaticus, 1986, tr.133-181- hay Studi Giuridici XXIII, sđd. tr. 44).
Minh họa 6: Romana. Decision Rotale coram Colagiovani, 11/12/1985. Chấp thuận.
Cuộc sống hôn nhân hai người sau khi cử hành được 16 tháng không hề yên ổn. Hai người sống chung được 1 năm 4 tháng.
Hoàn cảnh bệnh lý của nguyên đơn, theo giám định viên tòa án: a) Nguyên đơn «trong thời gian hôn lễ vì ở trong tình trạng thiếu trưởng thành ý chí và tình cảm nên không có khả năng biểu lộ sự phân định trưởng thành hoặc có trách nhiệm với nhưng bổn phận nặng nề của đời sống hôn nhân… không có sự trưởng thành cần thiết để đảm nhận và chu toàn những nghĩa vụ gắn liền với giao ước hôn nhân theo giáo luật, nguyên đơn không thực hiện được hành vi ưng thuận hữu hiệu». b) Nguyên đơn «trong thời gian hôn nhân, vì bị khiếm khuyết về tâm lý, không đủ điều kiện để chấp nhận và đánh giá những cam kết căn bản của giao ước hôn nhân». «Trong thời gian phát triển nhân cách, thời niên thiếu và thanh niên, đã chịu thiệt thòi vì hành vi thái quá của bà dì L., luôn muốn không chế ý chí của anh ta đến mức làm mất khả năng biểu lộ tự lập và tự do. Chính hoàn cảnh nầy biến anh ta thành người thiếu trưởng thành, ốm yếu và thiếu khả năng tự quyết thực sự» (Giáo sư D. De caro).
Lý do quyết định: Các ý kiến giám định viên tòa án phù hợp với những chứng từ.
Xem Cormac Burke, Il riflessioni sul canone 1095, trong Il Diritto Ecclesiastico 1991(2-3), tr. 406. Tác giả là giáo sư ngôn ngữ học hiện đại và là tiến sĩ giáo luật, đã từng được ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm thẩm phán tòa án Rota Romana suốt 13 năm (nghỉ hưu vào năm 1999).
Chẳng hạn chúng ta có thể thấy phần nào điều nầy khi đọc “Canon Law Abstracts”, trong đó liệt kê gần cả trăm tạp chí, đặc san, nghiên cứu về luật nhiều nơi trên thế giới, có rất nhiều bài nghiên cứu về khoản giáo luật nầy (cũng có thể tham khảo tại http://abstracts.clsgbi.org/html/canons_1095-1165.html); hoặc tạp chí chuyên đề giáo luật đã dành nguyên số để nghiên cứu nhiều khía cạnh rất hay của điều 1095. Ví dụ: Associazione Canonistica Italiana, Studi Giuridici XLVIII, L’incapacità di assumere gli oneri essenzionali del matrimonio (can. 1095, n.3), Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1998 (dày 216 trang) và Arcisodalizio Della Curia Romana, L’incapacità di intendere e di volere nel diritto matrimoniale canonico (can. 1095, nn.1-2), Studi Giuridici LII, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2000 (dày 414 trang).
Người ta thấy rằng những năm gần đây có hai ảnh hưởng chính đến sự phát triển mạnh mẽ của iurisprudentia. Thứ nhất là từ Công Đồng Vatican II với cái nhìn sâu sắc về bản chất của một giao ước hôn nhân. Thứ hai là sự phát triển của khoa học sức khỏe tâm lý, với sự hiểu biết sâu xa về rối loạn tâm lý và những tác động của chúng đến những khả năng của con người về sự ưng thuận và cơ năng của họ. Xem Lawrence G. Wrenn, The Invalid Marriage, Cannon Law Society of America, Washington DC, 1998, tr. 3-4.
Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, II Librri III-IV-V-VI, 2 Ed, Accresciuta e aggiornata, Roma 1996, tr. 338.
Xem bản tóm đối chiếu của hai bộ luật 1983 và 1917 ta thấy rằng không có khoản luật nào trong bộ luật 1917 có nội dung tương tự với điều 1095 trong bộ giáo luật 1983. Xem B. Testacci (chủ biên), “Sinossi delle corrispondenze tra i canoni del codice 1983 e il codice 1917”, trong Enchiridion Vaticanum, vol. 8, Documenti ufficiali della santa sede 1982-1983, Il codice di diritto canonico, EDB, Bologna 2000, tr. 835-850. Xem thêm Pontificia Commissio Codici Iuris Canonici Authentice Interpretando, Codex Iuris Canonici. Auctoritate Ioanis Pauli PP. II promulgatus, fontium annotatione et indice analytico-alphabetico auctus. Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano, 1989, tr. 301.
Xem José Maria Seranno Ruiz, “Interpretazione ed ambito di applicazione del can. 1095, n.3”, trong Piero Antonio Bionet và Carlo Gullo (chủ biên), “L’incapacità di assumere gli oneri essenziali del matrimonio”, trong Studi Giuridici XLVIII, sđd., tr. 8.
Để thấy rõ điều nầy, xin xem thêm Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 189.
Xem Lawrence G. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., 1998, tr. 198.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 197-198; Cormac Burke, The distinction between no. 2 and no. 3 of canon 1095, trong The Jurist (1994) 1, tr. 228. Có thể xem thêm Communicationes 3 (1971) 7 và Communicationes 7 (1975) 41 để đọc nguyên văn bản thảo khoản luật tương ứng điều 1095 trong giáo luật hiện hành.
Ở đây xin dùng bản văn Việt ngữ theo bản dịch của HĐGM Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2007. Đây là bản dịch là chính thức của HĐGM Việt Nam do Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục giáo phận Qui Nhơn, nguyên tổng thư ký HĐGM Việt Nam, chịu trách nhiệm chính trong việc phiên dịch. Trong bài nầy chúng ta sử dụng bản dịch chính thức nầy. Để thấy có sự khác biệt so với bản dịch khác, xin ghi lại bản dịch điều 1095 theo Bộ Giáo Luật, ấn bản việt ngữ của nhóm dịch giả gồm Đức Ông Nguyễn Văn Phương cùng các linh mục Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện và Mai Đức Vinh, Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ xuất bản năm 1986: Điều 1095: Những người sau đây không có khả năng kết hôn: 10. Những người thiếu sử dụng trí khôn một cách vừa phải; 20. Những người thiếu sót trầm trọng trong sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân; 30. Những người, vì lý do tâm lý, không thể đảm nhận những nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân. Nguyên bản latin của Can. 1095. Sunt incapaces matrimonii contrahendi:1° qui sufficienti rationis usu carent;2° qui laborant gravi defectu discretionis iudicii circa iura et officia matrimonialia essentialia mutuo tradenda et acceptanda;3° qui ob causas naturae psychicae obligationes matrimonii essentiales assumere non valent.
Xem Mario Francesco Pompedda, “Il canone 1095, nn.1-2 nell’economia della discliplina canonica del matrimonio”, trong Studi giuridici LII, sđd, tr. 18-19;
Luis Vela Sanchez, “Incapacità di contrarre matrimonio (incapacitas matrimonii contrahendi)” trong Carlos Corral Salvador - Velasio De Paolis - Gianfranco Ghirlanda (chủ biên), Nuovo Dizionario di Diritto Canonico, Edizioni San Paolo, Torino19962, tr. 563.
Xem Mario Francesco Pompedda, “Il canone 1095, nn.1-2 nell’economia della discliplina canonica del matrimonio”, sđd., tr. 20.
lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 184.
Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, commento al codice di diritto canonico librro IV, Part I, Titolo VII, Urbaniana University Press, Città del Vaticano 2002, tr. 241; Jan Hendriks, Diritto Matrimoniale, Commento ai canoni 1055-1165, Ancora, Milano 1999, tr. 179.
Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, sđd., tr. 339.
Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 241. Tác giả đã liệt kê và án văn của tòa án RR để minh họa cho điều nầy, chẳng hạn như Coram Huot ngày 13/3/1983 trong RR Decisiones, vol. LXXVII (1990), 270-279; Coram Agustoni ngày 21/3/1986 trong RR Decisiones, vol. LXXVIII (1991) 193-203.
Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 242. Cũng nên biết rằng hạn từ “amentia” chỉ chứng điên khùng, được cho là mất trí khôn hoàn toàn, trong khi đó hạn từ “dementia” chứng mất trí, được cho là mất trí khôn chỉ một phần. Xem Paolo Bianchi, “Il pastore d’anime e la nullità del matrimonio. L’incapacità a consentire (can. 1095, 10 e 20)”, trong Quarderni di Diritto Ecclesiale [= QDE] (1995), tr. 205.
Xem lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 22.
Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, sđd., tr. 339; lawrence g. wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 22.
Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, sđd., tr. 339.
Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 242.
Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, sđd., tr. 339.
Có thể tục tảo hôn vẫn còn một số nơi ở Việt Nam, mặc dù luật hôn nhân gia đình của Việt Nam qui định tuổi kết hôn ít nhất là nam 20, nữ 18, (điều 9§1, Bộ Luật Hôn Nhân và Gia Đình Việt Nam năm 2000).
Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 241. Micheal Smith Foster, Annulmen: The wedding that was: How the Church can declare a marriage null, Paulist Press, New York 1999, tr. 62.
Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 241.
Một số thống kê về nạn nghiện ma túy tại Việt Nam hiện nay rất đáng lo ngại, cũng như sự tác hại của nó đối với người nghiện, nhất là về nhân cách và hệ thần kinh; nghiện ma túy gây rối loạn thần kinh thực vật và nhiều khả năng mắc bệnh tâm thần. Có một điểm chung là ma túy là người nghiện mất cân bằng về tâm lý và tha hóa về nhân cách, làm suy đồi luân lý đạo đức và làm xói mòn các tương quan bản vị. Ma túy đá gây chứng hoang tưởng ảo giác, rối loạn nhân cách… Có thể tham khảo một loạt bài chuyên đề về "Nạn nghiện ma túy" trong Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 109 (tháng 11&12 năm 2018), tr. 17-95.
Xem Micheal Smith Foster, Annulmen: The wedding that was, sđd., tr. 65.
Xem Lawrence G. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 27; John M. Huels, Pastoral companion, Missouri 1985. Bản dịch việt ngữ của Đa Minh M. Đức Sỹ, CMC, Bạn đường mục vụ, chỉ nam giáo luật trong công tác mục vụ công giáo, tr. 273; Jan Hendriks, Diritto Matrimoniale, Commento ai canoni 1055-1165, sđd, tr. 183-185.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 46.
Trong tiếng việt, “phân định” được hiểu là “phân chia ra và xác định rõ” còn “nhận định” tức là đưa ra ý kiến có tính chất đánh giá, kết luận, dự đoán về một đối tượng, một tình hình nào đó. Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Việt Nam, Hà Nội 1992. Theo bản dịch trước đây, trong điều 1095, đã dùng hạn từ “nhận định”. Xem chú thích số 11 ở trên.Trong bài nầy đều sử dụng các hạn từ ấy, tùy văn mạch, được hiểu theo nghĩa discretio iudicii.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 25.
Chẳng hạn trong Little Oxford Dictionary (New Edition 1993), mục từ “discretion”: prudence judgement; liberty of deciding as one thinks fit (sự thận trọng suy xét, sự tự do làm theo ý mình).
Xem mục từ “Discretio”: capacitas intelligendi et volendi, trong Petrus Palazzini, Dictionarium Morale et Canonicum , Roma 1942, vol. 2, tr. 102.
Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, sđd., tr. 340.
Chỉ trừ hạn từ “essentialia” (chính yếu) sau nầy được thêm vào thêm vào khoản luật hiện hành, còn tất cả lấy lại hầu như nguyên văn trong lược đồ 1980 (trong lược đồ nầy là đ. 1048,20). Trong thời gian chuẩn bị cho phiên họp 10/1981, một người trong ủy ban tu chính đề nghị thay đổi bản văn, theo đó cần nhấn mạnh về trường hợp không có khả năng kết hôn nếu đương sự không hiểu biết các yếu tố căn bản của hôn nhân. Tuy nhiên thư ký và ban tư vấn của ủy ban tu chính vẫn quyết định không thay đổi bản văn bởi vì theo họ vấn đề ở đây không phải là sự hiểu biết hay nhận thức thuộc phạm trù lý trí mà là hà tỳ (vitia) sự phán đoán, sự phân định (discretio iudicii). Xem Communicationes 1983,2, tr. 231. Bản văn khoản luật nầy trong lược đồ 1980 phản ánh nhiều án lệ của tòa án Rota Romana, trong nhiều án văn đều hiểu từ discretio theo nghĩa bao gồm cả hoạt động của ý chí lẫn lý trí. Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 25.
Xem Paolo Bianchi, “Il pastore d’anime e la nullità del matrimonio. L’incapacità a consentire (can. 1095, 10 e 20)”, trong QDE (1995), tr. 204-205.
Mario Francesco Pompedda, “Il canone 1095, nn.1-2 nell’economia della discliplina canonica del matrimonio”, trong Studi giuridici LII , sđd., tr. 25.
Micheal Smith Foster, Annulmen: The wedding that was, sđd., tr. 63.
Xem Paolo Bianchi, “Il difetto di discrezione di giudizio circa i diritti e doveri essenziali del matrimonio” trong Studi giuridici LII, sđd., tr. 126-127.
John M. Huels, Pastoral companion, sđd., tr. 273.
John M. Huels, Pastoral companion, Missouri 1985. Bản dịch việt ngữ của Đa Minh M. Đức Sỹ, CMC, Bạn đường mục vụ, chỉ nam giáo luật trong công tác mục vụ công giáo, tr. 273.
Paolo Bianchi, “Le ‘causae naturae psychicae’ dell’incapacità”, trong Studi Giuridici XLVIII, sđd., tr. 152-153.
Xem Diego De Caro, “l’immaturità psico-affettiva nella matrimonio canonico”, trong Piero Antonio Bonnet Và Carlo Gullo (chủ biên) Studi Giuridici XXIII, L’immaturità psico-affettiva nella giurisprudenza della Rota Romana, Libreria Editrice Vaticana, Città Del Vaticano 1990, tr. 6-7
Xem Lawrence G. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 28.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 199. Tác giả cho rằng hạn từ incompetentia dường như đã xuất hiện khá sớm trong một án văn của tòa Rota Romana vào 21/01/1948 (của Alberto Canestri) trong đó đã ám chỉ đến việc thiếu năng lực khi sử dụng hạn từ “bất lực luân lý” (moral impotence). Hạn từ nầy được sử dụng rộng rãi một thời gian nhưng cuối cùng đã biến mất. Sđd., tr. 199.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 199.
Trong điều 1095,30 đối với một số người thích dùng thuật ngữ incompetentia hơn là không có khả năng (incapacitas). Dù hạn từ không có năng lực không được dùng trong bộ luật, nhưng đối với một số người dường như nó diễn tả chính xác hơn, ngắn gọn và thích hợp hơn là incapacitas trong lĩnh vực nói về hôn nhân vô hiệu. Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 46. Cũng có người vẫn thích dùng hạn từ incapacitas để áp dụng vào hai trường hợp liên quan đến đặc tính đơn nhất và bất khả phân ly của hôn nhân chứ không phải nói chung chung. Xem Jan Hendriks, Diritto Matrimoniale, Commento ai canoni 1055-1165, sđd., tr. 1812-183.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 44.
Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, sđd., tr. 340.
Xem Antoni Stankiewicz, “L’incapacità di assumere e adempiere gli obblighi coniugali esenziali”, trong Studi Giuridici XLVIII, sđd., tr. 60-62.
Hay nói khác đi, theo thuật ngữ chuyên môn, ám chỉ matrimonium in fieri và matrimonium in facto esse. Sự phân biệt chúng khá quan trọng trong thần học và giáo luật. Matrimonium in facto esse qui trực tiếp về những gì thiết lập bậc sống hôn nhân kể từ khi giao ước kết hôn thành sự, tức là định chế hôn nhân, kết quả của kết ước hôn nhân. Matrimonium in fieri thì hệ tại ngay thời điểm kết hôn, tức là hành vi nhân linh - pháp lý. Đó là sự ưng thuận thể hiện hợp pháp mà hai người phối ngẫu trao cho nhau theo thể thức luật định, và thiết lập nên hôn nhân. Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 35.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 199.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 47. Tác giả cũng trình bày từng nguyên nhân rất chi tiết như chẩn đoán, các hình thức, triệu chứng,… Đặc biệt mỗi phần đều xét dưới cái nhìn của iurisprudentia. Xem Sđd., tr. 53-91. Án lệ tòa Rota gần đây cũng cho ta biết những nguyên nhân có thể dẫn đến không có khả năng tâm lý để kết hôn. Những nguyên nhân đó hầu hết như trên hoặc tương tự. Xem Paolo Bianchi, “Le ‘causae naturae psychicae’ dell’incapacità”, trong Studi Giuridici XLVIII, sđd., tr. 140-141.
John m. Huels, Pastoral companion, Missouri 1985. Bản dịch việt ngữ của Đa Minh M. Đức Sỹ, CMC, Bạn đường mục vụ, chỉ nam giáo luật trong công tác mục vụ công giáo, tr. 276. Về vấn đề này có thể xem thêm Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 90, trong đó tác giả cho rằng chỉ có thể coi đồng tính luyến ái là một dạng rối loạn tâm lý khi người đó ở trong tình trạng lâu dài và hết sức đau khổ về khuynh hướng giới tính đó của mình.
John m. Huels, Pastoral companion, sđd., tr. 276. Sự thiếu trưởng thành cũng đã được án lệ tòa Rota chấp nhận như nguyên nhân tâm lý gây thiếu khả năng kết hôn. Paolo Bianchi, “Le ‘causae naturae psychicae’ dell’incapacità”, trong Studi Giuridici XLVIII, sđd., tr. 149- 153.
Micheal Smith Foster, Annulmen: The wedding that was, sđd., tr. 65.
Ta thấy trường hợp số 2 và 3 của điều 1095 có sự khác biệt rõ ràng. Trong trường hợp thứ nhất, defectus discretionis, đương sự không thể và không biết hôn nhân là gì và trong thực tế không biết thực sự đối tượng của sự ưng thuận (consensus) của mình là gì. Để có thể kết hôn thành sự một người phải có sự phân định về hôn nhân mà họ muốn tiến tới (sự ưng thuận làm nên hôn nhân). Những người nào không thể hiểu và ý thức điều chính yếu trong hôn nhân là gì, hay những ai chưa có đầu óc trưởng thành để có thể đưa ra quyết định kết hôn hoặc ai thiếu tự do thực sự thì không thể kết hôn. Trong trường hợp thứ hai, không có khả năng đảm nhận nghĩa vụ, incappacitas assumendi, (đ. 1095, 30), đương sự biết điều mình là gì nhưng lại không có khả năng làm được. Hay nói cách khác, có thể nói hà tì nói ở số 1 là về lý trí trong khi đó ở số 2 là về ý chí. Khi phân biệt tốt các trường hợp cụ thể, sẽ giúp tốt hơn định hướng việc điều tra tìm chứng cứ trong tố tụng hôn nhân vô hiệu. Để thấy rõ hơn sự khác biệt nầy, xem Jan Hendriks, Diritto Matrimoniale, Commento ai canoni 1055-1165, sđd., tr. 179-182; Cormac Burke, “The distinction between no. 2 and no. 3 of canon 1095”, trong The Jurist (1994) 1, tr. 228-233.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 52.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 47-49; Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, sđd., tr. 340.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 47; Mcgrath, Aidan, On the gravity of causes of a psychological naturein the proof of inability to assume the essential obligations of marriage, trong Studia Canonica, 22(1988), tr. 71-72.
Xem Lawrence G. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 47.
Xem Lawrence G. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 47.
Liên quan đến yếu tố vĩnh viễn (perpetua) thì có người cho rằng việc thiếu khả năng là không thể chữa trị được tức là vĩnh viễn và đây là ý kiến có nền tảng hơn hết.
Xem Lawrence G. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 49.
Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, sđd., tr. 340. Trước sự kiện đó, các áp dụng nói trên của tòa án Giáo Hội tại Hà Lan sau đó đã bị Tòa Thánh kiểm duyệt và ngăn cấm. Chúng ta thấy các tòa án dân sự Tại Việt Nam đôi khi cũng cho ly dị vì lý do không thể hòa hợp tính cách, hay cải cọ, bất đồng giữa vợ chồng. Xem Đỗ Thị Hoa và Hương Lê, Hỏi đáp về chế độ kết hôn và ly hôn theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Nhà Xuất bản Công An Nhân Dân, Thanh Hóa 2007, tr. 63-64; 76-77; Luật hôn nhân và gia đình Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, điều 89§1; đặc biệt xem Nghị quyết số 02/2000/NĐ-CP của Hội Đồng Thẩm Phán tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số qui định của luật hôn nhân và gia đình năm 2000, ngày 23/12/2000, số 8.
Gioan Phaolô II, Huấn dụ (Allocutiones), Ad Rotae romanae auditores coram admisso, 5 /2/1987, trong AAS (79), 1987, tr. 1457.
Chẳng hạn hôn nhân vô hiệu vì lừa gạt (đ. 1098), hay vì loại trừ yếu tố chính yếu hay đặc nào đó của hôn nhân do giả vờ, như không muốn có con vì sợ lây nhiễm (simulatio, đ. 1101§2), và cũng có thể vô hiệu vì xảy ra ưng thuận kết hôn với điều kiện (đ. 1102§2), xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 282-283; cũng có khi áp dụng điều kiện sine qua non (không dương tính hoặc không bị bệnh) một cách tương tự như lầm lẫn tư cách xét đó như yếu tố trực tiếp và chính yếu (đ. 1097§2), xem Paolo Bianchi, “AIDS e matrimonio canonico”, trong (1991), tr.371-374.
Paolo Bianchi, “AIDS e matrimonio canonico”, trong QDE (1991), tr. 373.
Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 283.
Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 282; Paolo Bianchi, “AIDS e matrimonio canonico”, trong Quarderni di Diritto Ecclesiale [= QDE] (1991), tr. 374.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 23.
Xem Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 23.
Xem Luigi Sabbarese, Il matrimonio canonico nell’ordine della naturale e della grazia, sđd., tr. 241; Paolo Bianchi, “Il pastore d’anime e la nullità del matrimonio. L’incapacità a consentire (can. 1095, 10 e 20)”, trong QDE (1995), tr. 214-219.
Giuseppina Canale, “Disturbi correlati all’assunzione e alla dipendenza da sostanze e loro valutazione canonistica” trong Studi Giuridici LII, sđd., tr. 162.
Giuseppina Canale, “Disturbi correlati all’assunzione e alla dipendenza da sostanze e loro valutazione canonistica” trong Studi Giuridici LII, sđd., tr. 168-169. Lần đầu tiên Tòa Thượng Thẩm Rota của Tòa Thánh đã tuyên bố cuộc hôn nhân vô hiệu vì một trong hai người kết hôn nghiện ma túy thường xuyên đến độ không còn khả năng phán đoán và ý thức đủ về những quyền lợi và nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân nữa. Tòa Thượng Thẩm Rota là án cấp cao của Giáo Hội, cứu xét các đơn xin cứu xét hôn nhân vô hiệu từ cấp hai trở lên, và phán quyết của tòa này thường được coi là án lệ cho các tòa án hôn phối của các giáo phận trên thế giới. Vụ Tòa Rota tuyên bố hôn nhân vô hiệu vì một người nghiện ma túy thường xuyên khi kết hôn đã xảy ra hồi năm 1990, nhưng công chúng mới được biết hồi thượng tuần tháng 8/1991, theo phúc trình của Tòa Rota trong cuốn "Các hoạt động của Tòa Thánh năm 1990" được công bố trong năm 1991. Phán quyết của Tòa Thượng Thẩm Rota dựa vào khoản luật 1095,20 và áp dụng vào trường hợp một người nghiện ma túy nặng khi kết hôn.Vẫn theo phúc trình nói trên, trong năm 1990, Tòa Thượng Thẩm Rota đã cứu xét 130 vụ án hôn phối và đã tuyên bố 67 cuộc hôn nhân là vô hiệu và 63 vụ khác là hôn nhân thành sự (Trích Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 66, tháng 11 năm 1991).
Xem Roberto Palomi, “I disturbi di personalità e la loro valutazione canonica”, trong Studi Giuridici LII, Sđd., tr. 176- 216.
Luis Vela Sanchez, “Incapacità di contrarre matrimonio (incapacitas matrimonii contrahendi)” trong Carlos Corral Salvador - Velasio De Paolis - Gianfranco Ghirlanda (chủ biên), Nuovo Dizionario di Diritto Canonico, Edizioni San Paolo, Torino19962, tr. 562.
Chúng ta nhận thấy rằng hầu hết các tác giả khi bàn về điều 1095 đều trưng dẫn rất nhiều ý kiến rút ra các án lệ của Rota Romana. Tại Việt Nam có lẽ chưa có nhiều tài liệu về các án văn nầy, một phần vì chưa được quan tâm thích đáng, phần khác vì vướng rào cản về ngôn ngữ: đa số các án văn nầy đều viết bằng tiếng Latin. Chúng ta biết rằng đó là các nguồn tài liệu hàng đầu về án lệ cho tất cả các tòa án. Iurisprudentia trong Giáo Hội luôn năng động và phát triển. Đó không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật trong việc sử dụng, giải thích và áp dụng để điển chế luật nhờ vào những phúc nghị (rescriptum) và bản án (sententia iudicialis); cụ thể như về việc áp dụng, phục hồi, mở rộng, giải thích… các qui định từng áp dụng trong quá khứ (như ở bộ luật 1917) nhưng nay bị lãng quên hoặc xét những trường hợp và hoàn cảnh mới phát sinh trong đời sống hiện đại mà Bộ luật hiện hành đã không thể dự liệu hết được. Xem Lawrence G. Wrenn, The Invalid Marriage, sđd., tr. 1-6.
Xem Gerard Sheehy (chủ biên) - Ralph Brown - Donal Kelly - Aidan Mcgrath, The Canon Law, letter and spirit, a practical guide to The Code of Canon Law, Geoffey Chapman, London 1995, tr. 612.
Xem Micheal Smith Foster, Annulmen: The wedding that was, sđd., tr. 63-64.
Micheal Smith Foster, Annulmen: The wedding that was, sđd., tr. 65-66.