CHÚA NHẬT II PHỤC SINH C
Lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu phục sinh khi hiện ra với các tông đồ là lời chúc Bình an: “Bình an cho các con”. Chúa biết các môn đệ của Chúa cần điều gì nhất lúc này: đó chính là sự bình an. Bình an nơi tâm hồn của mỗi người vì các ông đang buồn sầu thất vọng với cái chết đau thương của Thầy mình, hơn nữa các ông còn lo sợ người Do thái tức là các thượng tế và các người Pharisiêu đã lên án tử cho Chúa Giêsu, họ cũng có thể gây khó khăn cho các ông. Chúng ta thấy Chúa không nhớ tội của các ông khi Chúa chịu thương khó: người thì bán Chúa, kẻ thì chối Chúa và các ông khác đã trốn đi khi Chúa bị bắt. Chúa không nói gì tới lỗi của các ông mà Chúa đem đến ngay sự bình an và niềm vui cho các ông. Quả thực tất cả các ông đều vui mừng vì được nhìn thấy Chúa.
Bình an là món quà quí báu Chúa Giêsu đem lại cho các môn đệ với cái giá rất đắt vì đó là thành quả của sự Chết và Phục sinh nên trước đó Chúa đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Lòng anh em đừng xao xuyến và đừng sợ hãi (Ga 14,27)”. Nhờ bình an của Chúa, lòng chúng ta không còn xao xuyến và sợ hãi nhất là chúng ta có được niềm vui trong tâm hồn dù bên ngoài có phải đương đầu với những khó khăn, thử thách.
Ngày nay trong Thánh lễ, các giám mục và linh mục cũng dùng lời chúc: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em” để chúc cho giáo dân. Nếu có lòng tin kính Chúa, chúng ta cũng sẽ nhận được sự bình an này và đó cũng chính là món quà quí báu Chúa ban cho cuộc sống người kitô hữu chúng ta.
Tiếp đến trong ngày thứ tám trong tuần bát nhật Phục sinh hôm nay, chúng ta không thể không quan tâm đến lời tuyên xưng đức tin của ông Tôma vì hôm nay là ngày Chúa hiện ra cho các tông đồ, đặc biệt có ông Tôma. Chúa Giêsu đáp ứng yêu cầu của ông là đòi chính ông phải được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa thì ông mới tin. Được Chúa chiếu cố, ông đã thưa : “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Trước đó thì các tông đồ khác và bà M. Madalena đã tuyên xưng Giêsu Thầy mình là Đức Chúa. Thánh Phaolô quả quyết: “Không ai có thể nói rằng: Đức Kitô là Chúa, nếu người ấy không ở trong Chúa Thánh thần (1Cr 12, 7)”, nhưng ông Tôma lúc này không những tuyên xưng Giêsu là Chúa mà còn là Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này thật rạng rỡ và có một bước nhảy vọt trong lòng tin. Đó cũng chính là cao điểm của Đức tin Kitô giáo về Chúa Giêsu.
Các tông đồ là những chứng nhân về sự Phục sinh của Chúa Giêsu; các ông cần được chính con mắt mình nhìn thấy Chúa, cần được tiếp xúc với Chúa như thánh Phêrô quả quyết: “Chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại (Tđcv10, 37)” để rồi các ông làm chứng về sự phục sinh của Chúa cho chúng ta. Nhờ vậy chúng ta mới được hưởng mối phúc Chúa đã hứa là: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”
Chúng ta là những người có đức tin do các tông đồ truyền lại về Chúa Phục sinh. Chúng ta hãy giữ vững lòng tin và xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng ta như chính các tông đồ đã xin Chúa: “Xin ban thêm lòng tin cho chúng con (Lc 17,5)”. Chắc chắn có lúc chúng ta nghi ngờ hoặc có thể khủng khoảng đức tin như nhiều vị thánh đã phải trải qua mà thánh Gioan Thánh giá gọi là “đêm tối đức tin”. Khi gặp phải sự thử thách trong lòng tin như vậy, noi gương mẹ Têrêsa Calcutta và nhiều vị thánh khác, chúng ta hãy kiên nhẫn và cứ kiên trì cầu nguyện cùng Chúa, và như vậy đức tin của chúng ta càng thêm công phúc và đạt được sự trưởng thành.
Chúa nhật II Phục sinh hôm nay được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt tên là “Chúa nhật Lòng thương xót Chúa” vào ngày 30.4.2000. Chúa đã thương yêu đến cùng và đã tỏ những vết thương cuộc tử nạn Chúa cho các tông đồ và cho nhân loại chúng ta ngày nay qua thánh nữ M. Faustina. Đức Giáo hoàng cho biết sứ mạng của Giáo hội trong thờ dại này là loan truyền Lòng Thương xót Chúa cho nhân loại. Nhờ biết loan truyền Lòng Thương xót và sống tinh thần của Lòng thương xót Chúa, chúng sẽ được hưởng Lòng Thương xót Chúa như Chúa dạy: “Phúc cho ai thương xót người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7)”. Tin tưởng nơi Lòng Thương xót Chúa, chúng ta tâm niệm lời nguyện thánh Faustina ghi lại: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Ngài”
Câu chuyện : Chuyện Đức Hồng Y F.X. Nguyễn văn Thuận
Trong những năm khốn đốn bị biệt giam, những năm đau buồn nhất trong đời tôi, tôi chỉ nhìn thấy hai người lính canh và họ được lệnh không được nói với tôi một lời nào. Tôi cảm thấy bị mọi người bỏ quên, tôi thấu suốt nỗi đau khổ tuyệt đỉnh của Chúa Giêsu cô đơn trên thánh giá. Tôi nghĩ đến những giáo dân, những tín hữu, đến các linh mục, tu sĩ, chủng sinh đang ở ngoài kia, họ cũng bị ruồng bỏ, bị đau khổ tù đày và bị bách hại. Trong sâu thẳm của yếu đuối, tinh thần lẫn thể xác, tôi nhận được ân sủng của Đức Mẹ Maria.
Tôi không được phép dâng thánh lễ, nhưng tôi đã đọc hàng trăm kinh Kính Mừng, và Đức Mẹ đã ban cho tôi sức mạnh kết hợp với Chúa Giêsu trên thánh giá. Tôi cảm thấy Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại khi Ngài cô đơn trên thánh giá, trong sự bất lực hoàn toàn.
Các người lính canh dần dần hiểu biết tôi. Chúng tôi trở thành bạn hữu. Họ đã giúp đỡ tôi. Họ cho phép tôi làm một cây thánh giá bằng gỗ. Tôi đã giấu trong một cục xà bông. Tôi dùng một đoạn dây điện để làm dây đeo và họ đã cho tôi mượn chiếc kềm nhỏ để làm và họ còn làm giúp với tôi nữa. Chiếc thánh giá mà tôi mang đây làm bằng gỗ và dây điện từ nhà tù. Chiếc thánh giá này luôn luôn nhắc nhở: “Hãy yêu thương mãi! Hãy tha thứ mãi! Sống với hiện tại để truyền bá Tin Mừng! Mỗi giây phút sống là để yêu mến Thiên Chúa”.
Noi gương Đức Hồng y F.X. Nguyễn văn Thuận, mỗi người chúng ta sống tinh thần Lòng Thương xót Chúa, chúng ta sẽ được Chúa ban nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại và mai sau khi ta đến trình diện nơi Toà Phán xét, chúng ta sẽ gặp Chúa Giêsu là Đấng đầy Lòng thương xót. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn