I. PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI LÀ GÌ?
Đầu tiên, có hai khái niệm mà chúng ta cần phải làm rõ ở đây là “ơn gọi và phân định”:
Ơn gọi là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho người được mời gọi, đồng thời cũng là sự đáp trả của con người trước lời mời gọi đó. Theo định nghĩa này, để có một ơn gọi, phải có hai yếu tố: Yếu tố ân sủng của Thiên Chúa và yếu tố đáp trả của con người. Nếu thiếu một trong hai yếu tố thì không thể có một ơn gọi. Hôm nay chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của ơn gọi.
Khái niệm thứ hai là “phân định”:
Một cách khái quát, phân định (discernement) là “phán đoán” về phẩm chất của sự vật, “phân biệt và tách rời” điều tốt và điều xấu, điều lợi và điều hại, điều chính và điều phụ. Đỉnh cao của phân định là biết nhận ra điều gì đẹp lòng Chúa và thực thi (x. Ep 5,10).
Phân định ơn gọi là giúp nhận biết thánh ý Thiên Chúa muốn cho mình sống bậc sống nào và nhận ra những dấu chỉ mà mình có để có thể đi theo Chúa và thi hành tốt sứ vụ của mình.
Để làm môn đệ đích thực Chúa Kitô, chúng ta cần học phân định để quyết định cho đúng.
Tôi có biết một bạn trẻ trong giáo xứ tôi. Sau khi học xong Đại học, không ai nghĩ bạn ấy đi tu, bỗng một ngày, bạn ấy vào Dòng trong sự ngạc nhiên của cả nhà. Sau hơn một năm, bỗng nhiên bạn ấy điện thoại về cho gia đình báo con không tu được. Về nhà hai tháng sau, nó điện thoại mời tôi về dự đám cưới nó! Mọi sự trong sự vội vàng! Hậu quả, không có quyết định nào chắc chắn cả!
II. Ý NGHĨA ƠN GỌI THEO THÁNH KINH
Thiên Chúa kêu gọi và con người đáp trả
Kinh Thánh là một nguồn phong phú các thông tin về ơn gọi. Nó có thể được gọi là một cuốn sách nói về lịch sử ơn gọi. Nghĩa là những câu chuyện về nhiều người được Thiên Chúa kêu gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta học được gì từ Kinh Thánh về ơn gọi?
1) Ơn gọi như là một hồng ân của Thiên Chúa
Ơn gọi bắt đầu không phải từ chúng ta, nhưng từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đi bước trước, thổi vào trong lòng chúng ta, ban cho chúng ta khát khao và ước muốn theo Chúa trong Giáo Hội.
Ví dụ trong Cựu Ước:
Ơn gọi của Abraham: Chúa gọi ông lên đường, nhưng ông không biết đi đâu, ông đã phó thác cho Chúa, nhờ đức tin. Ông được gọi là tổ phụ của những người tin Chúa (x. Xh 12,1-5 tt).
Ơn gọi của Môsê: Chúa gọi ông khi ông đi chăn cừu, để làm người lãnh đạo Dân Do Thái thoát ách nô lệ Ai Cập tiến về Đất Hứa (x. Xh 3,1-12).
Ơn gọi của Giêrêmia: Chúa gọi từ trong lòng mẹ. Chúa gọi làm tiên tri khi còn là con nít, không biết ăn nói, nhưng Chúa bảo vệ ông (x. Gr 1,4-10).
Ví dụ trong Tân Ước:
Ơn gọi các môn đệ đầu tiên: Simon, Anrê, Gioan... là những người quê mùa, chất phác, nhưng Chúa biến đổi thành những ngư phủ lưới người (x. Mc 1,16-20).
Ơn gọi của Mátthêu và Giakêu là người thu thuế, Chúa đến gọi và hoán cải. Mátthêu trở thành Tông đồ Chúa (x. Mt 9,9tt; Lc 19,1-10)...
Ơn gọi Phaolô: một người bách hại đạo, trở thành Tông đồ dân ngoại (x. Cv 9,3-7)...
Như thế, ơn gọi trước hết là hồng ân đến từ trên, như Chúa Giêsu nói: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con để các con đi và mang lại hoa trái và để hoa trái các con tồn tại” (Ga 15,16).
Trình thuật về ơn gọi của 12 Tông đồ: Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm với Chúa Cha trước khi chọn 12 Tông đồ. Sự kiện này mang một ý nghĩa thần học sâu xa: ơn gọi của họ và của chúng ta phát xuất và cắm rễ sâu trong cuộc đối thoại của Chúa Con với Chúa Cha. Tiên vàn, ơn gọi là ơn huệ nhưng không đến từ Chúa Cha (x. Mt 9,38). Người ta không thể tự mình trở thành môn đệ Chúa Kitô được, nhưng phải được Chúa chọn. Cũng thế, ơn gọi linh mục hay tu sĩ trước hết là ân huệ nhưng không đến từ Thiên Chúa, chứ không phải là do tài cán và cố gắng của con người. Chúng ta được kêu gọi vì được yêu mến. Nên chúng ta phải cầu nguyện để xin Chúa ban ơn cho chúng ta: ơn đi theo Chúa, xin ơn làm linh mục.
2) Con người đáp trả tự do và quảng đại
Thứ đến, yếu tố thứ hai là sự đáp trả tự do và quảng đại của con người: ơn gọi được xây dựng dựa trên một mối tương quan giữa Thiên Chúa (Người gọi) và một con người (người đáp trả). Theo đó, ơn gọi không phải là “một cái gì”, không phải là ân sủng cứng nhắc và tĩnh lặng, nhưng là đi vào “tương quan” rất sống động với Thiên Chúa. Lịch sử của mỗi ơn gọi là lịch sử về một cuộc đối thoại và đi vào tương quan giữa tình yêu Thiên Chúa và sự đáp trả tự do của con người đó.
Trường hợp ơn gọi của Mátthêu cũng gây nhiều ngạc nhiên: ông là một người thu thuế, nhưng khi nghe tiếng Chúa gọi: “Hãy theo ta!” Ông trả lời tức thì và quảng đại, bỏ tất cả, ông đứng dậy, đi theo Người (x. Lc 5,28).
Trong nhóm mười hai, tính tình, cách sống, ước vọng, trình độ, gốc gác của mỗi người rất khác nhau. Một Phêrô chất phác đến bồng bột yếu đuối, một Gioan trẻ trung, thông minh và tế nhị, một Giacôbê nhiệt thành, tham vọng đến bốc đồng, một Giuđa tham lam đến mù lòa mê muội… Nhưng Chúa Giêsu vẫn chọn họ và vẫn tôn trọng sự khác biệt đó. Chúa chỉ đòi buộc hai điều: “Để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi”. Họ phải ở với Chúa, để hiểu biết Người, để được Người huấn luyện nên môn đệ đích thực, mới có khả năng làm chứng cho Người. Như thế, môn đệ tính và tông đồ tính là năng động kép của một ơn gọi. Điều này nói với chúng ta hôm nay rằng: mỗi người chúng ta rất khác nhau về tính tình, nguồn gốc và khả năng, nhưng Chúa vẫn chọn để huấn luyện chúng ta trở thành người môn đệ truyền giáo. Thời gian huấn luyện là thời gian ở lại với Người, có kinh nghiệm về Người trước khi là người loan báo và được sai đi.
Như thế, ơn gọi vừa rất huyền nhiệm vì Thiên Chúa gọi ai Người muốn, gọi vào thời điểm nào và ở nơi nào đều tùy ý Người (x. Mc 3,13). Nhưng ơn gọi cũng là một chọn lựa và đáp trả tự do và quảng đại của những ai mà Thiên Chúa muốn gọi.
III. NHỮNG HÌNH THỨC ƠN GỌI
1) Ơn gọi là người tốt (ơn gọi tự nhiên)
Với tư cách là con người, chúng ta đều được mời gọi trở thành một người tốt. Bởi vì mọi người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Lời mời gọi tới sự tốt lành được viết trong trái tim mỗi người. Lời mời gọi này tiềm ẩn trong ơn gọi làm người. Thế nên, bất cứ ai là người, dù ở đâu, quốc tịch nào, chủng tộc nào... đều được mời gọi trở thành một người đích thực, một người tốt.
Nhưng làm sao để trở thành một người tốt? Chúng ta trở thành một người tốt nhờ việc cố gắng sống các nhân đức luân lý và nhân bản: đó là những nhân đức mà chúng ta học được và rèn luyện nhờ những cố gắng của mình như: Khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ, tính vị tha, quảng đại, ngay thẳng, thật thà, trung thành và thương người... Nhất là mỗi người sống theo tiếng nói lương tâm ngay thẳng: Làm lành, lánh dữ. Đó là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong lòng mỗi người. Muốn trở nên một người tốt, chúng ta phải sống theo luật tự nhiên.
2) Ơn gọi làm Kitô hữu thánh thiện (ơn gọi siêu nhiên)
Ơn gọi thứ hai cao hơn là lời mời gọi tới đức tin. Đây là ơn gọi đức tin, ơn gọi nên thánh. Khi lãnh nhận phép Rửa, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi trở thành những người Kitô hữu tốt, trở thành một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Trở thành một người Kitô hữu tốt là trở nên một vị thánh. Bởi thế, Công Đồng Vaticanô II quả quyết: Mọi Kitô hữu được mời gọi nên thánh (x. LG 39-42). Mục đích của đời sống Kitô hữu là trở thành những vị thánh, và chúng ta trở thành những vị thánh nhờ việc càng ngày càng sống tốt các nhân đức đối thần: TIN, CẬY, MẾN.
Một cách cụ thể trong Giáo Hội, ơn gọi này dành cho bậc sống thông thường, đó là những người Kitô hữu sống đời sống gia đình và độc thân giữa đời. Họ được mời gọi nên thánh qua đời sống và bậc sống này trong Giáo Hội xét như là một người Kitô hữu. Hôn nhân cũng là ơn gọi cao quý.
Với tư cách Kitô hữu, ơn gọi của tất cả chúng ta là nên thánh và giúp người khác cũng trở nên thánh.
3) Ơn gọi vào bậc sống dâng hiến (ơn gọi riêng biệt)
Ơn gọi thứ ba đó là lời mời gọi sống đức tin theo những cách thế riêng biệt và triệt để trong Giáo Hội. Ơn gọi riêng biệt này chỉ dành cho những ai được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa, nhằm xây dựng Nước Trời nhờ đặc sủng riêng biệt hay cách thế riêng: như linh mục, tu sĩ nam nữ.
Câu chuyện: Cha Timothy Dolan là một linh mục ở Mỹ, được Tòa Thánh chọn làm Tổng Giám mục một giáo phận lớn và quan trọng ở Mỹ. Sau khi nhậm chức, một nhà báo hỏi ngài rằng: “Thưa ngài, khi trở thành một Tổng Giám mục như thế, ngài đã tìm được mục đích trong Giáo Hội rồi phải không?” Nhưng ngài trả lời “Không!” và ngài giải thích: “Mục đích của đời tôi là trở thành một vị thánh và để trở thành vị thánh là một hành trình dài phải theo đuổi. Bây giờ, nhiệm vụ của tôi như là một Tổng Giám mục, là mời gọi các linh mục, các tu sĩ nam nữ và giáo dân của giáo phận này trở thành những vị thánh.”
Như thế, trong Giáo Hội, có nhiều cách thế, nhiều con đường để nên thánh và việc khám phá ơn gọi là rất quan trọng. Chúng ta cần tìm hiểu, suy nghĩ, cầu nguyện và bàn hỏi với người khôn ngoan, với các linh mục, để xem Chúa muốn mình sống ơn gọi nào phù hợp với mình. Dĩ nhiên, khi chọn lựa đi tu, các bạn đã có một khát khao và nghe được cách nào đó lời mời gọi của Thiên Chúa cho đời sống dâng hiến.
IV. NHỮNG DẤU CHỈ ƠN GỌI TU TRÌ
Rất khó trả lời một cách chắc chắn rằng bạn có ơn gọi tu trì hay không. Nhưng dựa trên những dấu chỉ mà mỗi người có để phân định ơn gọi và để vững tin mà tiến bước.
Nếu Thiên Chúa đang kêu mời bạn đi tu, chắc chắn Ngài sẽ ban cho bạn những phẩm chất cần thiết để trở thành linh mục hoặc tu sĩ.
Có hai dấu hiệu cho thấy một người có ơn gọi tiến tới đời sống tu trì: Đó là có ý hướng ngay lành và những phẩm chất phù hợp.
* Ý hướng ngay lành
Ý hướng ngay lành liên quan tới ơn gọi thánh hiến bao gồm những nội dung sau đây: Khát khao phụng sự Chúa Kitô vì tình yêu mến chính Ngài và có lòng yêu mến Giáo Hội, yêu mến giáo huấn Giáo Hội, yêu mến đời sống đạo đức, có tinh thần hy sinh chịu khó; khát khao đi tu để phục vụ người khác và muốn dẫn đưa các linh hồn về cho Chúa. Đó là dấu hiệu cho thấy ý hướng ngay lành. Trái với ý hướng ngay là ý hướng lệch lạc: đi tu vì những động cơ nhân loại như để mưu cầu danh dự, tìm đặc ân đặc quyền, thích được trọng vọng và để thoát đời... Chúng ta phải luôn thanh lọc động lực ơn gọi, vì ở dưới đáy động cơ, luôn có “con quỷ” ở đó.
* Những phẩm chất phù hợp
Dấu hiệu thứ hai của ơn gọi tu trì là có những phẩm chất phù hợp, đó là phẩm chất đạo đức, trí thức, thể lý, tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình và khả năng sống đời sống cộng đoàn.
Trước hết là khả năng về đạo đức: ai muốn đi tu trước hết phải là người có khả năng sống đời sống nội tâm hay tâm linh. Phẩm chất này bao hàm không chỉ khả năng sống khiết tịnh suốt đời mà còn bao hàm các nhân đức khác nữa như khiêm tốn, vâng phục, tự chủ, nhân hậu, quảng đại, vị tha, cẩn trọng, yêu mến sự thật, thẳng thắn, có lòng đạo hạnh, có đời sống luân lý tốt… Tóm lại: Là người có lòng yêu mến Chúa và tha nhân.
Khả năng tri thức: đi tu phải có những phẩm chất trí năng cần thiết để có thể thi hành sứ vụ tông đồ.
Phẩm chất về thể lý và tâm lý: đi tu phải là người khỏe mạnh và bình thường về thể lý cũng như tâm lý. Đây là phẩm chất cần thiết để hoàn thành các bổn phận của người theo Chúa. Ứng sinh phải không bị vướng mắc những bệnh nan y, rối loạn thần kinh và rối loạn chức năng vốn là biểu hiện của một tình trạng “lệch lạc” hoặc bệnh hoạn về tâm lý trong đời sống.
Sự phù hợp về gia đình: ứng sinh phải xuất phát từ một gia đình có cha mẹ đạo đức, có đời sống gương mẫu. Khi xem xét để trao tác vụ linh mục, yếu tố danh thơm tiếng tốt của ứng sinh trong cộng đồng cần phải được cân nhắc như Giáo Luật đòi hỏi. Tôi tin là đối với các ứng sinh cũng vậy. Một ứng sinh xuất thân từ một hoàn cảnh gia đình phù hợp thì sẽ là sự thuận lợi cho đời sống và sứ vụ tông đồ sau này.
Khả năng sống cộng đoàn: nhiều ứng sinh vào Dòng và phải xuất tu vì gặp khó khăn khi sống trong cộng đoàn. Nguyên nhân sâu xa là trước khi đi tu, họ quá ảo tưởng về đời tu, về cộng đoàn, nhưng khi sống chung, họ vỡ mộng vì đời sống chung. Phần lớn họ không có khả năng, hoặc không chấp nhận để được rèn luyện khả năng sống chung: đi tu phải có tính cộng đoàn, nghĩa là dễ dàng đón nhận người khác, không tranh giành, ghen tương, nhưng trân trọng nhau, biết làm việc nhóm, biết cộng tác với nhau, biết bỏ cái tôi đề hòa mình vào đời sống chung. Có nhiều ứng sinh tìm hiểu từ nhà Dòng này đến nhà Dòng khác, đổi Dòng liên tục chỉ vì hay xích mích với nhau. Cần phải rèn luyện có khả năng này để theo Chúa.
Vì thế, trong quá trình tìm hiểu ơn gọi, ứng sinh cần phân định kỹ lưỡng về sự phù hợp và rèn luyện bản thân để có những khả năng trên để theo đuổi ơn gọi tu trì. Cùng với cầu nguyện, biện phân ơn gọi là một công việc quan trọng trong quá trình tìm hiểu ơn gọi và đào tạo.
CÂU HỎI SUY GẪM
1. Tôi được Chúa mời gọi vào ơn gọi nào?
2. Tôi đáp trả lời mời gọi của Chúa như thế nào?
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Nguồn: http://gpbuichu.org