Cuộc đời Ðức Giêsu thể hiện là một người uy đức.
Trước hết, “Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền” (Mc 1,21-28). Rồi, trong khi các môn đệ sợ hãi, bỏ trốn. Ngài xuất hiện, tiến ra và hỏi: “Quý vị tìm ai ?”. Họ đáp: “Tìm Giêsu Nazateth”. Ngài xác nhận: “Chính tôi đây”. Quân dữ “lùi lại và ngã xuống đất”(Ga 18, 6-7). Ðây không phải là lần đầu, Chúa Giêsu khiến kẻ dữ hoảng sợ vì vẻ uy nghi của Ngài (Ga 7,44; 10,39). Không có Uy, không thể đối diện với quân dữ. Không có Uy, thì không thể đối diện, đương đầu với sự dữ, với thế gian và đặc biệt với ma quỉ quái ác trong cuộc sống, của thời đại hôm nay.
Thứ đến, “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,1-11). Rồi, Phêrô chém đứt tai phải một người đầy tớ của thượng tế. Chúa Giêsu nghiêm giọng: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Và Người điềm nhiên chữa tai cho nó. Sau đó, Ngài nói với quân dữ: “Nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi” (Ga 18,8). Không trọng Ðức, thì không thể cứu nhân độ thế. Nhất là thời nay, thời của Ðức: “Lòng thương xót”.
Ðức là gốc. Uy là ngọn. Có Uy mà thiếu Ðức thì không có lòng xót thương con người. Có Ðức mà thiếu Uy thì không gan dạ, không dám cứu thiên hạ. Cần cả Uy cả Ðức cùng một lúc. Ngoài ra, qua gương biển thủ của Giuda, Ngài dạy: “Chớ tham lam”. Tham lam là đầu mối mọi tội ác, tất có nhiều lầm lỗi. Rồi, trước nghĩa cử oai hùng, quả cảm của Phêrô, Ngài căn dặn: “Chớ tức giận; chớ vội vàng”. Vội giận mất khôn và hay vấp quàng. Tức giận, vội vàng sẽ làm vỡ kế hoạch cứu đời.
Nhận thức
Uy đức của Chúa Giêsu, trực tiếp và bắt đầu từ phòng tiệc ly. Ngài ban bố giới luật yêu thương, truyền chức thánh, cử hành Bí tích Thánh Thể. Và đặc biệt, bưng nước rửa chân cho các môn đệ và truyền: “Các con gọi ta là Thầy và là Chúa, điều đó phải lắm, mà còn rửa chân cho anh em, anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”(Ga 13,1-15). Nhưng, bản chất của thánh thiện, xuất hiện từ vườn Cây Dầu. Tại đây, Ngài bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Ngài nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến nỗi chết được”. Mọi người bỏ và như Thiên Chúa cũng ruồng bỏ Ngài. Ngài phiền muộn, đến đổ mồ hôi rướm máu. Ngài khẩn thiết, cầu xin ba lần. Chúa Cha không trả lời. Ngài biết phải làm gì, và tuyên bố: “Giờ đã điểm”. Chúa Giêsu sấp mình xuống đất: “Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”. Xin theo ý Cha hoàn toàn. Chúa Giêsu nói với toàn thể nhân loại và cách riêng với chúng ta: “Từ bỏ ý riêng, hạ mình tới tận cùng, trở thành đất, thuận theo ý Chúa, tất yếu, gặp Ðấng Vô biên và vô cùng Thánh thiện”. Rồi tiếp theo, từ trên đỉnh cao thập giá, trong lúc thân xác đau đớn, trần trụi, quằn quại, cô đơn cùng cực, không còn gì, không là gì và không thể làm gì, Ngài cầu xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Giới luật yêu thương của Chúa được thực hiện một cách trọn vẹn, đẳng cấp, cao cấp, tột đỉnh: Ðó là: “Tha thứ”. Thế là mọi sự đã hoàn tất!
Áp dụng
Ðào luyện uy đức theo chân Giêsu bắt đầu từ phòng tiệc ly: đón nhận giới răn yêu thương, hiệp thông cử hành Bí tích Thánh Thể, trân quý thiên chức linh mục và khiêm nhường phục vụ. Ðỉnh cao của uy đức là vườn Cây Dầu: Tâm hồn luôn hướng về Thiên Chúa và muốn thực hiện thánh ý Ngài. Ngài là Tình yêu. Mặt trái của tình yêu là hy sinh. Như vậy, chỉ có “Tình yêu hy sinh” mới đem lại ơn cứu độ và hạnh phúc thật cho con người. Tha thứ, phá tan hận thù, sống tình huynh đệ, kiến tạo chân lý “Bốn bể, mọi người đều là anh em”. Con đường thập giá, trở thành con đường cứu độ của Thiên Chúa, và của tất cả môn đệ Ðức Kitô, của cả nhân loại. Như thế, rèn luyện uy đức từ nội tâm, bằng cách chúng ta cộng tác với ơn Chúa, luyện tâm. Tâm, khao khát kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, như các chi thể với đầu, như đàn chiên với mục tử, như các cành với cây, như thợ với chủ vườn nho. Rồi đến, mọi lời nói, việc làm đều vì lòng yêu mến, có ý thực hiện thánh ý Ngài. Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, dù chỉ quét nhà, nhặt một cọng rác, ngài cũng làm vì lòng yêu mến Chúa và để cứu các linh hồn. Thế mà, uy đức của ngài ảnh hưởng tới toàn thể Giáo hội. Chết rồi, ngài làm mưa hoa hồng. Têrêsa Hài đồng Giêsu trở thành nhà truyền giáo, dù suốt cuộc sống chỉ là nữ tu dòng kín. Giờ đây, chúng ta nhận ra uy đức là do Chúa. Ngài sáng lên trong chúng ta. Ví dụ, gần đây nhất, ngày10-10-2020, Chân phước Carlo Acutis, 15 tuổi, là giáo dân. Thánh Thể là chương trình sống của Carlo Acutis. Chân phước sử dụng khoa học để truyền thông Tin Mừng. Tất cả đều hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể, như hướng về mặt trời: “Mặt trời làm da sạm nắng; Thánh Thể làm ta thành Thánh”. Uy đức, rực sáng nơi thân xác của Carlo Acutis, dù chết, nhưng không bị phân rã. Ngoài ra, uy đức còn ảnh hưởng tới cộng đồng. Tôi nhớ đến một kinh nghiệm dân gian cổ xưa, nhận xét: “Khi về đến đầu làng, người ta có thể biết trong làng đó, có bậc đạo hạnh và trí thức”. Người có uy đức, dù không làm những chuyện ồn ào, lớn lao, nhưng vẫn có ảnh hưởng sống động trong cộng đồng, vì ánh sáng của Thiên Chúa chiếu từ nơi họ tỏa ra dân gian. Tôi nghĩ tới, các bậc cao niên, quý vị cấp cao, bệnh nhân, người coi sóc kẻ liệt, những người đang chịu mọi thứ loại hình đau khổ, dịch bệnh, họ đang dương cao uy đức. Họ dù không làm gì công khai cho cộng đồng, cho dân tộc, cho Giáo hội một cách trực tiếp, nhưng âm thầm, kết hợp Chúa: “Vì lòng yêu mến. Xin theo ý Cha hoàn toàn. Tha thứ hết”. Họ sống uy đức tâm linh như thánh Phaolô: “Tôi sống, không còn là tôi, mà Chúa Kitô sống trong tôi”, đúng với danh hiệu Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ðức Giêsu đã dạy: “Cầu nguyện, ăn chay, làm phúc”, kín đáo mới là đạo đức. Ngài biết mọi sự và Ngài sẽ trả công bội hậu cho chúng ta. Sống kết hợp và luôn hướng mọi sự, và mọi lúc, thường xuyên suốt cả cuộc đời về Vinh quang Ngài, đó mới là người khôn ngoan, trí tuệ, có tầm nhìn và đem lại hệ quả cứu đời, hữu hiệu nhất. Vì Ngài là Ðấng cứu độ duy nhất của nhân loại. Ngài sẽ cứu độ chúng ta.
Cụ thể, Chúa gởi đến cho ta một người nào đó, có thể từ trong gia đình, nơi hàng xóm, bạn hữu, kẻ xa lạ, gây khó chịu cho ta, từ lời nói, tới hành động. Bình thường chúng ta sẽ khó chịu, phản ứng, phiền não, phẫn nộ… nhưng với ý thức đào luyện uy đức, chúng ta hướng về Chúa. Giục lòng yêu mến, kết hợp với Ngài. Cầu nguyện và xin Ngài tha thứ cho họ. Ngài sẽ làm cho uy đức nơi chúng ta mỗi ngày sáng hơn, có ảnh hưởng tới cộng đồng hơn. Trái lại, nếu chúng ta xử sự như những người không biết uy đức, không biết Phúc Âm, thì uy đức của chúng ta sẽ lu mờ, tối tăm, không soi đường chỉ lối cho ai được. Hoặc giả thiết, có ai khen ta, tự nhiên ta hớn hở vui thích. Lúc đó là lúc chúng ta hướng về bản thân, ích kỷ, không hướng về Chúa. Chúng ta nhớ: “Mọi vinh quang đều quy về Chúa”. Quy về Chúa bao nhiêu, thì Chúa làm cho nó rực sáng bấy nhiêu. Cũng giống như, ngọn nến nhỏ, ta lấy từ ngọn lửa của cây nến Phục Sinh. Hướng về ánh sáng Chúa Kitô, cả cộng đoàn cùng rực sáng trong đêm vọng Phục Sinh.
Kết luận
Mục vụ thánh thiện là đào luyện uy đức, theo gương Chúa Giêsu. Ðiểm then chốt, là từ ý tưởng, lời nói, hành động, tất cả đều quy hướng về Chúa, Ðấng Thánh tuyệt đối, Ðấng Vô biên. Uy đức của ta cũng không có biên giới, không có điểm dừng. Tu luyện suốt đời. Dù không ai kiểm soát, không ai biết, chỉ có Chúa biết. Vậy mà cả cộng đồng đều biết vì được hưởng nhờ uy đức sáng láng mà Thiên Chúa tỏa ra từ con người có uy đức của chúng ta. Ðào luyện từng giây, từng phút, hàng giờ, và mọi ngày, liên lỉ, liên tục. Càng ngày, không phải mình mà là Chúa càng tỏa sáng. Ơn Cứu độ và cứu thế giới là như thế. Hãy để cho Chúa yêu thương và tỏa sáng nơi mọi chúng sinh, qua chúng ta. Nhất là trong thời đại có quá nhiều và dày đặc bóng tối. Bóng tối bao trùm khắp nơi. Cả từ những người, những nơi, đáng lý phải đầy ánh sáng nhất! Vì thế, luôn cảnh giác, cái Tôi, kiêu căng, tự ái, tự mãn, trồi lên. Và Satan lợi dụng thổi bồng lên, che lấp và dập tắt ánh sáng uy đức của Chúa nơi chúng ta. Thiếu ánh sáng, ắt rơi xuống hố, diệt vong. Chúc mừng mùa Phục Sinh 2021, uy đức, thánh thiện và hạnh phúc.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
Nguồn: cgvdt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn