Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm B Ga 20,19-23
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
CÂU HỎI
- Đọc Ga 20,19-29. Trong đoạn văn này, Chúa Giêsu phục sinh chúc bình an cho các môn đệ mấy lần? Theo bạn, tại sao Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến bình an?
- Đọc Ga 20,20. Chúa Giêsu đã làm gì để họ được bình an?
- Đọc Ga 20, 21-23. Trong đoạn văn này, Chúa Giêsu phục sinh còn ban cho các môn đệ những ơn nào khác nữa?
- Đọc Ga 6,57; 10,14-15; 15,9-10; 17,18.22; 20,22. Những câu này có điểm gì giống nhau?
- Đọc Ga 14,16; 14,26; 15,26; 16,7; 20,22. Bạn thấy có một sự tiến triển trong những câu này không?
- Đọc Ga 14,16.26; 15,26; 16,7; 14,17; 16,13; 20,22. Dựa trên những câu trên đây, hãy cho biết Chúa Thánh Thần được gọi bằng những Danh hiệu nào?
- Đọc Ga 14,16-17. Cho biết sự gắn bó thân thiết của Chúa Thánh Thần với chúng ta.
- Đọc Ga 14,26; 15,26-27; 16,13. Cho biết những hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi chúng ta.
- So sánh Ga 5,31 và Ga 15,26; 17,4 và 16,14; 14,10 và 16,13. Bạn thấy Chúa Giêsu và Chúa Thánh thần có gì giống nhau không?
GỢI Ý SUY NIỆM:
Bạn có kinh nghiệm gì với Chúa Thánh Thần không (được Ngài soi sáng để quyết định, được sức mạnh để làm chứng, được Ngài dạy để hiểu biết Chúa Giêsu…)? Bạn có thường cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không?
PHẦN TRẢ LỜI
- Chúa Giêsu phục sinh chúc bình an cho môn đệ ba lần trong Ga 20,19.21.26. Người Do-thái thường chúc bình an cho nhau khi gặp nhau và khi chia tay. Ở đây, lời chúc bình an còn mang ý nghĩa khác. Chúa chúc bình an cho những môn đệ đang hoảng sợ đến nỗi phải đóng cửa vì muốn được an toàn (Ga 20,19.26). Chúa cũng chúc bình an cho họ như lời Ngài đã hứa trước đây trong Ga 14,27 và 16,33.
- Chúa đã cho họ xem hai bàn tay và cạnh sườn của mình. Các môn đệ nhìn thấy những dấu đinh và dấu đâm trên thân xác Chúa, nhờ đó họ tin nhận rằng Đấng đang đứng giữa họ chính là vị Thầy đã bị đóng đinh trước đó mấy ngày. Khi họ tin Thầy Giêsu đã được phục sinh, họ sẽ lấy lại được sự bình an.
- Qua Ga 20,21-23, ta thấy Chúa Giêsu còn ban cho các môn đệ nhiều ơn khác: Ngài sai họ đi, cho họ được ơn chia sẻ cùng một sứ mạng mà Ngài đã nhận được từ Chúa Cha (c. 21); Ngài ban cho họ Thánh Thần (c. 22); Ngài ban cho họ quyền tha tội (c. 23).
- “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,22). Qua câu này, ta thấy Chúa Giêsu làm cho các môn đệ điều Cha làm cho mình. Ta thấy ý tưởng đó được nhắc lại nhiều lần trong Phúc âm thứ tư. Thí dụ: Ga 6,57; 10,14-15; 15,9-10; 17,18.22.
- Khi đọc những câu sau ta thấy dường như Chúa Giêsu càng lúc càng đóng vai trò quan trọng hơntrong việc sai Thánh Thần đến cho các môn đệ: “Thầy xin Chúa Cha…” (Ga 14,16); “Chúa Cha sai Thánh Thần nhân danh Thầy” (14,26); “Thầy sai đến từ Chúa Cha…” (15,26); “Thầy sẽ sai Đấng ấy…” (16,7); “Anh em hãy nhận Thánh Thần” (20,22).
- Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng Bảo Trợ (Ga 14,16.26; 15,26; 16,7); Thần Khí sự thật(Ga 14,17; 15,26; 16,13); Thánh Thần(Ga 14,26; 20,22).
- Gioan 14,16-17 nói đến sự hiện diện gần gũi và thân thiết của Chúa Thánh Thần ở nơi chúng ta. Ngài là Đấng Bảo Trợ ở với(c.16), ở giữa và ở trongchúng ta (c.17).
- Chúa Thánh Thần là Thầy dạy và làm các môn đệ nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã dạy (Ga 14,26); Ngài làm chứng về Đức Giêsu và giúp các môn đệ làm chứng (15,26-27); Ngài dẫn chúng ta đến sự thật trọn vẹn (16,13).
- Đức Giêsu và Thánh Thần đều không làm chứng về chính mình (Ga 5,31; 15,26). Cả hai Vị đều không tôn vinh chính mình (Ga 16,14; 17,4), cũng như không tự mình nói (Ga 14,10; 16,13). Đức Giêsu làm chứng và tôn vinh Chúa Cha, còn Thánh Thần thì làm chứng và tôn vinh Đức Giêsu.