Học hỏi Phúc âm: Chúa Nhật IV Phục Sinh B. Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Cầu cho Ơn Thiên Triệu Linh mục và Tu sĩ (Phần trả lời) - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Thứ ba - 20/04/2021 04:50  767
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM B                         Ga 10,11-18
1.  Có bao nhiêu cụm từ hy sinh mạng sống mình trong đoạn Tin Mừng này?
2.  Đức Giêsu là Ánh sáng thật (Ga 1,9), là Bánh thật (Ga 6,32), là Cây Nho thật (Ga 15,1). Ở đây Ngài là Mục Tử tốt (Ga 10,11). Thế nào là một mục tử tốt?
3.  Đọc Ga 10,10 : "Tôi đến để chiên có sự sống và có một cách dồi dào." Đức Giêsu ban sự sống bằng những cách nào” Đọc Ga 6,33-34.50.58.63.68; 8,12.
4.  Đọc Ga 10, 12-13. Đâu là sự khác biệt giữa người mục tử tốt và người chăn thuê?
5.  Đọc Ga 10,14. Người mục tử và chiên của mình biết nhau có sâu không?. Đọc Ga 10,3-5.
6.  Đọc Ga 10,15. Chúa Cha và Đức Giêsu biết nhau như thế nào? Đọc Ga 17,25; Mt 11,27; Lc 10,22.
7.  Đọc Ga 10,16. Theo bạn, những chiên khác không thuộc về ràn này là ai? Đây có phải là chiên của Đức Giêsu không? Đâu là ước mơ của Đức Giêsu về những con chiên ngoài ràn này?
8.  Trong Ga 10,18 Đức Giêsu nói rằng Ngài có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống. Đức Giêsu lấy quyền ấy ở đâu?  

GỢI Ý SUY NIỆM
Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào (hiểu biết chiên sâu xa, quan tâm đến chiên, dẫn dắt chiên đến nơi đồng cỏ, cho chiên sự sống, bảo vệ chiên khỏi sói dữ, đưa chiên lạc về một ràn, hy sinh tính mạng vì chiên)?

PHẦN TRẢ LỜI

 
  1. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng cụm từ “hy sinh mạng sống” 3 lần trong Ga 10,11.15.17, và 2 lần trong Ga 10,18. Ngài là chủ từ của tất cả các cụm từ này. Ngài chính là Đấng hy sinh mạng sống. Mạng sống ở đây là mạng sống thân xác. Tin Mừng Gioan phân biệt mạng sống thân xác (psychê) với sự sống (zôê). Mạng sống thân xác thì có thể hy sinh hay bị lấy đi (Ga 12,25; 13,37-38; 15,13), còn sự sống thì đời đời, vĩnh cửu. Sự sống (Ga 1,4; 5,26; 6,33; 10,10; 11,25; 20,30) hay sự sống đời đời (Ga 3,15.16; 4,14; 5,24.39; 6,27.40.47.68; 17,3) có cùng một ý nghĩa, cả hai đều chỉ sự sống thiêng liêng, vĩnh cửu do Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu.
  2. Đức Giêsu nhận mình là Người Mục Tử tốt (Ga 10,11). Mục Tử tốt là người dám liều mạng sống mình để bảo vệ đàn chiên khỏi nanh sói dữ. Đức Giêsu không chỉ dám liều mạng sống, mà Ngài còn thực sự đã hy sinh mạng sống của mình, chấp nhận cái chết trên thập giá, chết “vì” chiên và “cho” chiên. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chính là Mục Tử của dân Ngài (Tv 23,1; Is 40,11; Ed 34,15-16). Ngài  cũng kêu gọi những nhà lãnh đạo để làm mục tử chăn dắt dân như đàn chiên, nhưng chiên vẫn là chiên của Ngài (Tv 95,7). Thiên Chúa còn hứa ban một vị Mục tử trung thành, là vua thuộc dòng Đavít (Gr 23,4-5; Ed 34,23-24). Đức Giêsu chính là người Mục Tử tốt mà Thiên Chúa hứa ban. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội sau này cũng được ủy nhiệm để làm mục tử (Ga 21,15-10; Cv 20,28-31; 1 Pr 5,1-4).
  3. Kẻ trộm cướp thì chỉ “đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy”. Ngược lại, Mục Tử Giêsu “đến để chiên có sự sống và có một cách dồi dào” (Ga 10,18). Sự sống là quà tặng đến từ Đức Giêsu, Đấng nhận mình là Sự Sống (Ga 11,25; 14,6). Sự sống ấy đã bắt đầu ngay từ đời này, và tiếp tục lớn lên mãi ở đời sau. Đức Giêsu ban sự sống bằng nhiều cách: Ngài là Bánh ban sự sống (Ga 6,33-34.50.58); Ngài là Ánh sáng đem lại sự sống (Ga 8,12); Ngài có Lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,68.63).
  4. Người chăn thuê và người mục tử tốt khác nhau ở thái độ của họ đối với đàn chiên. Khi sói đến, vồ lấy chiên và làm đàn chiên tán loạn, người mục tử tốt thì dám chết để bảo vệ đàn chiên, còn người chăn thuê thì bỏ chiên mà chạy. Người mục tử tốt là chủ thật sự của đàn chiên. Đàn chiên này là chiên của người đó (Ga 10,14). Chính vì thế người đó dám chết vì chiên của mình. Còn người chăn thuê thì bỏ mặc chiên cho sói, vì “chiên không thuộc về anh ta” (c. 12). Chiên thuộc quyền sở hữu của ông chủ chứ không thuộc quyền sở hữu của người chăn thuê. Bởi đó thái độ của anh ta là “không thiết gì đến chiên” (c. 13), nghĩa là không quan tâm gì đến số phận của đàn chiên khi chúng bị đe dọa bởi sói dữ.
  5. Gioan 10,14 còn cho thấy một đặc nét khác của người mục tử tốt, đó là biết chiên của mình. Và ngược lại, chiên cũng biết người mục tử. Đây là một sự hiểu biết hai chiều, đôi bên hiểu biết nhau sâu đậm giống như hai người. Người mục tử biết đàn chiên của mình, không lẫn chúng với đàn chiên khác. Người này có thể gọi tên từng con chiên của mình, và anh là người dẫn chúng ra (Ga 10,3). Anh là người đi trước, dẫn đàn chiên đến nơi đồng cỏ (Ga 10,4). Mặt khác, đàn chiên không phải là những con vật ngờ nghệch. Chúng biết chủ của chúng là ai (Ga 10,14). Chúng nhận ra nét đặc trưng trong tiếng gọi của chủ, và phân biệt tiếng gọi đó với tiếng gọi của người lạ (Ga 10,4-5). Chúng chỉ đi theo người mục tử có tiếng gọi quen thuộc với chúng (Ga 10,4). Chúng không đi theo người lạ, vì không nhận biết tiếng người lạ (Ga 10,5). Như thế giữa người mục tử và đàn chiên của người ấy có một tương quan riêng tư, thân thiết. Đức Giêsu muốn so sánh tương quan giữa Ngài với dân Chúa như tương quan giữa người mục tử và đàn chiên.
  6. Hơn thế nữa, Gioan 10,15 còn so sánh tương quan thân thiết ấy với tương quan thân thiết và hai chiều giữa Chúa Cha và Đức Giêsu: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha”. Đức Giêsu là Con, biết Chúa Cha (Ga 17,25). Tin Mừng Mt 11,27 và Lc 10,22 cũng cho thấy Cha và Con biết nhau một cách độc nhất vô nhị: “Không ai biết Con trừ Cha, cũng không ai biết Cha trừ Con và kẻ Con muốn mặc khải cho”.
  7. Ràn là khu vực giữ chiên, có cổng, được vây quanh bởi hàng rào bảo vệ. Trong Ga 10,16 Đức Giêsu nói đến “những chiên khác không thuộc về ràn này”. Đó là những người chưa nghe tiếng Đức Giêsu nên chưa đi theo Ngài, chưa ở trong cùng một ràn với các chiên đã theo. Tuy nhiên, những chiên này cũng là chiên của Đức Giêsu, vì Ngài nói: Tôi còn những chiên khác không thuộc về ràn này (Ga 10,16). Đức Giêsu thấy mình có bổn phận đối với những con chiên còn ở ngoài ràn: “Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16).  Ước mơ của Ngài là sự hiệp nhất: chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử. Đó là tâm nguyện của Ngài và cũng là bổn phận của chúng ta.
  8. Đức Giêsu nói rõ về cái chết tự nguyện của Ngài: “Không ai lấy đi khỏi tôi, chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Và Ngài cũng nói rõ Ngài có “quyền lấy lại mạng sống ấy”, nghĩa là quyền phục sinh. Đức Giêsu khẳng định mình có quyền hy sinh mạng sống và quyền lấy lại mạng sống. Tuy nhiên, trong Ga 10,18, Đức Giêsu bảo đó là “mệnh lệnh tôi đã nhận từ Cha tôi.” Điều đó cho thấy: dù Ngài có quyền năng lấy lại mạng sống, nhưng quyền năng đó vẫn đến từ Cha.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay24,384
  • Tháng hiện tại518,882
  • Tổng lượt truy cập50,931,489

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây