Mầu nhiệm Phục Sinh
Chủ nhật - 04/04/2021 05:05
1316
MẦU NHIỆM PHỤC SINH
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc
I .BIẾN CỐ PHỤC SINH TRONG NGÔN TỪ CỦA KINH THÁNH
A. NHỮNG KHẲNG ĐỊNH ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC TIN TÔNG TRUYỀN.
1. Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ trong kẻ chết.
Những định thức đức tin :
a. Đức Kitô sống lại.
Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy : là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta - theo lời Kinh Thánh - là Ngài đã được chôn cất, là Ngài đã sống lại - ngày thứ ba - theo lời Kinh Thánh - là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho Nhóm 12 ... (1 Cr 15,3-5).
Khi tuyên xưng Đức Kitô đã sống lại, tác giả dùng động từ ở thì “dĩ quá”, điều này vừa nhằm nói đến tình trạng mới mẻ của Đức Kitô, vừa khẳng định sự sống lại đó không chỉ thuộc về quá khứ : Đức Kitô “đã sống lại” và “đang sống”.
Nói đến ngày thứ ba, định thức đức tin đầu tiên này không nhằm xác định thời gian, nhưng muốn biểu lộ sự Phục Sinh của Đức Kitô là một biến cố trọng đại, và chính xác hơn, là biến cố cánh chung.
Sự sống lại được trình bày như là do hành động tối hậu của Thiên Chúa, và việc hiện ra lồng hành động tối hậu ấy trong khung cảnh lịch sử con người, biểu lộ khía cạnh “cụ thể của hành động”.
Việc nhắc đến cái chết trước khi nói đến sự sống lại cho thấy Đấng Messia đã chia sẻ thân phận của loài người, tác giả đề cập đến sự kiện mà ai cũng biết và ý nghĩa của sự kiện.
Việc chôn cất xác nhận cái chết, không phải để nhấn mạnh thực tại của cái chết, nhưng là để biểu lộ khía cạnh chung cục của nó. Ngoài ra việc chôn cất còn mang một ý nghĩa nữa là duy trì “hằng tính” của người chết.
Việc trình bày cái chết, sự chôn cất, sự sống lại và hiện ra của Đức Giêsu cho thấy rằng biến cố Phục Sinh được “ghi nhận trong lịch sử loài người”, đồng thời cũng ở trong chương trình của Thiên Chúa.
b. Chết / sống lại.
Liên hệ với định thức trên, có những định thức khác, ngắn hơn, không kèm theo một giải thích thần học nào, nhưng vẫn giữ cấu trúc hai vế chết / sống lại.
“Vì nếu chúng ta tin thật rằng : Đức Giêsu đã chết và sống lại” (1 Tx 4,14).
Cấu trúc song đối chết / sống lại cho thấy hai mặt gắn liền nhau của mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh .
Nếu khảo sát kỹ và so sánh với những định thức khác nhau trong Tân Ước, ta thấy chỉ có vế đầu (Đức Kitô đã chết) thường được nối dài bằng những suy tư thần học, còn vế thứ hai vẫn giữ nguyên. Thánh Phaolô hay thêm câu “Đức Kitô đã chịu chết vì chúng ta”.
c. Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.
“Chính nhân danh Đức Giêsu người Nazareth, người các ông đã cho đóng đinh thập giá, nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết” (Cv 4,10).
“Còn Vị khơi nguồn sự sống, các ông đã giết đi, Đấng mà Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết” (Cv 3,15). Rm 10,9 ; 1 Tx 1,10 .....
So sánh định thức “Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ trong kẻ chết”, ta thấy định thức này đơn giản hơn định thức đã được phân tích lúc đầu. Không nói đến việc sống lại “theo lời Kinh Thánh”, cũng không nói đến “ngày thứ ba”, không nối kết việc Đức Giêsu chịu chết vì “tội lỗi chúng ta”.
Trong định thức ngắn gọn này, chủ từ không phải là Đức Kitô, mà là Thiên Chúa, và Thiên Chúa không tác động trên Đức Kitô, nhưng tác động trên “Giêsu thành Nazareth”. Điều này minh chứng là lúc khởi đầu, (chiếu theo một vài luồng tư tưởng Dothái), Tân Ước xác nhận rằng chính Thiên Chúa là tác giả sự Phục Sinh của Đức Giêsu (Rm 8,11 ; Gl 1,1 ; Cl 2,12). Truyền thống này biến chuyển dần dần, cuối cùng Kinh Thánh cho thấy chính Đức Giêsu là Đấng ban sự sống và có quyền lấy lại (Ga 2,19 ; 10,17). Giai đoạn trung gian có lẽ là giai đoạn “Kitô” là chủ từ của một động từ ở thì thụ động (Le Christ est ressuscité).
Điểm cuối cùng cần phải được lưu ý là cách nói “từ trong kẻ chết” không có trong tiếng Hylạp ngoài Tân Ước. So sánh với việc nhắc đến cái chết của Đức Giêsu, trong những định thức có cấu trúc hai vế, cách nói này cũng bao hàm một ý nghĩa tương tự, trình bày Đức Giêsu tiến lên từ cõi chết, chiến thắng sự chết.
Do đó có thể kết luận rằng có một sự tiến triển đi từ định thức ngắn gọn hơn đến một công thức đầy đủ hơn như 1 Cr 15,3-5.
2. Đức Giêsu là Chúa vinh hiển.
a. Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Giêsu.
Những định thức đức tin loan truyền sự kiện Đức Giêsu sống lại, còn những thánh thi thì không nói đến trực tiếp, nhưng tuyên xưng Đức Kitô vinh hiển. Những chữ dùng rất khác biệt, ngôn ngữ cũng rất khác.
Một vài thánh thi Tân Ước :
Pl 2,6-11 :
Thánh thi không được xây dựng theo kết cấu “chết, chôn cất, sống lại, hiện ra và lên trời”, nhưng theo sự đối lập giữa hai trạng thái : “tự hạ” (6-8) và “vinh thăng” (9-11), con người Đức Giêsu được trong cả hai trạng thái đó : địa vị Thiên Chúa che giấu trong trạng thái tự hạ của thân phận con người trần thế, và sự vinh hiển thần linh được biểu lộ trước mặt mọi người.
1 Tm 3,16 :
Cấu trúc bề ngoài như diễn tả một sự tiếp nối trong thời gian, nhưng logic tiềm tàng trong bài thánh thi này là một toàn bộ được lặp đi lặp lại không ngừng. Tất cả bao hàm trong vế thứ nhất : đất với trời se duyên. Trong vế thứ hai : trời và đất cùng đón nhận một Tin Mừng. Và cuối cùng, trong vế thứ ba : thế giới của những kẻ tin được nâng lên trời trong Đức Giêsu... (Mọi sự đều hiện diện cùng một lúc : trời và đất giao hòa).
b. Nguồn gốc của lược đồ : siêu tôn và thăng thiên (Cv 1,9-11).
“Siêu tôn và thăng thiên” có lẽ là kiểu diễn tả theo “ngôn ngữ huyền thoại” gặp rất thường xuyên trong Kinh Thánh cũng như trong những biểu tượng phổ quát của các tôn giáo. Cả hai đều phát xuất từ cách nói tượng hình : việc Thiên Chúa “cất nhắc” người công chính lên trời. Ngay từ lúc đầu, đức tin Kitô-giáo đã được diễn tả bằng ngôn ngữ tượng hình để nói lên những thực tại hiện sinh sâu xa vượt trên ngôn ngữ hàng ngày.
Trong ngôn ngữ tượng hình của Kinh Thánh, sự “lên trời” đi đôi với việc “xuống địa ngục” (Kn 11,5 ; 17,22), hay ít nữa là một sự đi xuống nào đó. Do đó, chủ đề siêu tôn cũng gần với chủ đề sống lại, vì phục sinh là lên khỏi địa ngục. Trong Kinh Thánh, liên hệ giữa người công chính và địa ngục không luôn luôn được nhắc đến, nhưng việc nâng lên thì thật rõ rệt : người công chính chịu đau khổ sẽ được cất nhắc, vinh thăng (Is 52,13).
Tóm lại, ngoài lược đồ R (Résurrection), có một ngôn từ khác nhấn mạnh chiều kích siêu việt của biến cố Phục Sinh : “Đức Giêsu không ở trong quyền lực sự chết”. Đó là lược đồ E (Exaltation).
So sánh hai lược đồ :
Lược đồ R (Résurrection) chú trọng tới sự đồng nhất về thể xác, (điều này) khiến ta dễ nhận ra Đức Giêsu.
Lược đồ E (Exaltation) nhấn mạnh tới sự “biến đổi” khiến Đức Giêsu trở thành Chúa của vũ trụ (Kyrios).
Biến cố Phục Sinh vừa là sự kiện, vừa là huyền nhiệm, do đó, Tân Ước, lúc thì nhấn mạnh đến sự kiện, lúc khác lại chú trọng tới huyền nhiệm. Mỗi cách nói đều có sự thiếu sót và ưu điểm riêng. Trong lược đồ R, sự đồng nhất giữa Đấng Sống Lại với Giêsu thành Nazareth rõ hơn trong lược đồ E. Trái lại, lược đồ E
cho thấy sự “cắt đứt” với lịch sử loài người, sự “tách rời” khỏi trần thế, sự thống trị vũ trụ (siêu lịch sử).
Lúc ban đầu, khi ánh sáng Phục Sinh còn tràn ngập chan hòa, các kitô-hữu chưa lưu ý tới việc mô tả chi tiết những kỷ niệm còn ghi đậm nét trong ký ức của họ. Họ chỉ cần xác nhận biến cố Phục Sinh bằng cách khẳng định sự kiện khởi đầu (Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết) hoặc bằng cách tuyên xưng vinh quang uy quyền của Đức Giêsu (Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài).
B. CÁC BÀI TƯỜNG THUẬT NHỮNG LẦN HIỆN RA CỦA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH.
Các Tin Mừng tường thuật 5 lần hiện ra chính thức của Đức Giêsu và 3 lần hiện ra cho cá nhân (cho Maria Magdala - Ga 20,1-18) ; các người phụ nữ (Mt 28,9-10) ; các môn đệ Emmau (Lc 24,13-25).
Nếu phân tích kỹ cấu trúc các bài tường thuật, đặc biệt những lần hiện ra chính thức, chúng ta khám phá có hai mẫu : mẫu Jérusalem (J) và mẫu Galilê (G).
Mẫu J : thường gồm 3 yếu tố chính : (Lc 24,36-53 ; Ga 20,19-29)
(- Khung cảnh : nơi và lúc Đức Kitô hiện ra)
- Sáng kiến khởi đầu của Đức Kitô (c. 36).
- Các môn đệ nhận ra Đức Kitô (c. 37-43).
- Sứ mạng Đức Kitô trao phó (c. 44-49)
(- Từ biệt (c. 50-53)).
Mẫu G : bao gồm 3 yếu tố : (Mt 28,16-20)
- Đức Kitô vinh hiển tự giới thiệu (Présentation)
- Sứ mạng Đức Kitô trao phó (mission)
- Lời hứa cuối cùng (promesse).
Nếu so sánh hai mẫu tường thuật, thì Kitô-học của mẫu J gần với lược đồ R, và Kitô-học của mẫu G giống với lược đồ E.
Mỗi mẫu đều có ưu và khuyết điểm riêng.
Theo mẫu G, Đức Kitô Phục Sinh là con người Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, ra khỏi mồ, hiện ra sống động cho các môn đệ. Ngài vẫn di chuyển như một con người, dù không bị ràng buộc bởi những giới hạn không gian. Các môn đệ không nhận ra Ngài tức khắc, chờ đợi Ngài minh chứng không phải là hồn ma. Các vết thương của Ngài xác nhận căn tính và tính xác thể của Ngài. Khi các môn đệ như đủ bằng chứng để tin tưởng, thì Đức Kitô mới rời bỏ họ.
Ưu điểm của mẫu này là nhấn mạnh thực tại con người của Đức Kitô Phục Sinh. Đức tin Kitô-giáo xây dựng trên sự đồng nhất giữa Đức Kitô Phục Sinh và Giêsu Nazareth. Khuyết điểm của mẫu J là làm cho chúng ta dễ lẫn lộn phục sinh với “tồn sinh” (survie) hoặc coi các lần hiện ra của Đức Kitô Phục Sinh như một giai đoạn vàng son đã qua mà ngày nay kitô-hữu chúng ta không còn được hưởng.
Mẫu G không cho phép chúng ta giản lược Đức Kitô Phục Sinh vào một “con người còn sống”. Nhấn mạnh vinh quang và quyền năng của Đức Kitô Phục Sinh, mẫu G làm nổi bật sự gặp gỡ căn bản với Đức Kitô Phục Sinh như là nền tảng của Giáo Hội. Giai đoạn Đức Kitô hiện ra không còn là một giai đoạn 40 ngày, mà là một thời đại mới, do sự hiện diện luôn mới mẻ của Đấng Emmanuel : hiện diện trong Thần Khí và nhờ Thần Khí.
Khuyết điểm của mẫu G là xóa bỏ khoảng cách giữa thời gian đầu, lúc Đức Kitô Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ và thời gian của Giáo Hội mà chúng ta sống hôm nay. Quan hệ với Đức Giêsu Nazareth như bị mất hút trong quan hệ huyền nhiệm với Hội Thánh, Nhiệm Thể Đức Kitô.
Để có một cái nhìn về Đức Kitô Phục Sinh vừa cụ thể vừa sâu xa và đầy đủ, phải dùng cả hai mẫu tườøng thuật bổ sung cho nhau.
C. CÁC BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ NGÔI MỘ TRỐNG.
Điều đáng lưu ý là sự kiện “mồ trống”, dù được cả 4 sách Tin Mừng tường thuật, không được nhắc tới chút nào trong “Lời Rao Giảng Tiên Thởi”, trong các thư Phaolô. Trái lại, nội dung chính yếu của Lời Rao Giảng Tiên Khởi đều có trong ba bài tường thuật của các Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 28,6-7 ;
Mc 16,6-7 ; Lc 24,5-8).
Xét về chi tiết, các bài tường thuật có rất nhiều chỗ khác biệt, nhưng có những điểm chung giống nhau.
1. Thời gian.
Về ngày giờ, Matthêu ghi : “rạng ngày thứ nhất trong tuần”. Marcô : “Sáng sớm tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc”. Luca : “ngày thứ nhất trong tuần, vừa tang tảng bình minh”. Gioan : “Ngày thứ nhất trong tuần, lúc sáng sớm, trời vẫn còn tối”.
2. Số phụ nữ.
Về số phụ nữ, Matthêu : “Maria Magdala và một Maria khác” (Mt 28,1) ; Marcô : “Maria Magdala, Maria mẹ Giacôbê, và Salômê” (Mc 16,1) ; Luca : “Maria Magdala, Gioanna, Maria mẹ Giacôbê và các bà khác” (Lc 24,10) ; Gioan : “Maria Magdala” (Ga 20,1).
Điều cần ghi nhận là có một tương quan nào đó, dù không chính xác, giữa các phụ nữ chứng kiến cái chết và việc chôn cất Đức Giêsu với các phụ nữ ra thăm mộ.
3. Ý hướng của các phụ nữ.
Về ý hướng của các phụ nữ : theo Marcô và Luca, các phụ nữ ra thăm mộ để xức thuốc thơm cho xác của Đức Giêsu (Mc 16,1 ; Lc 24,1). Theo Gioan, các bà đến mộ để than khóc Chúa (Ga 20,11) ; Matthêu thì nói trống “các bà đến xem mồ”.
Điều đáng lưu ý là : trong thâm tâm, các bà đi tìm một người đã quá cố, nhưng các bà lại đối diện với hành vi thần linh và siêu việt của Thiên Chúa.
4. Tảng đá.
Chi tiết “tảng đá” là chi tiết quan trọng hơn cả. Theo Marcô thì tảng đá rất lớn (Mc 16,4) ; theo Matthêu, thì tảng đá được canh giữ (Mt 27,66). Nói chung, các phụ nữ có lý do để “băn khoăn lo lắng”, không biết làm sao để thực hiện mục tiêu họ nhằm.
Nhưng tảng đá đã được vần ra (Mc 16,4 ; Mt 28,2 ; Lc 24,2). Nơi một ngôi mộ, vai trò của tảng đá là không cho người sống vào trong mồ, và không cho người chết ra khỏi mồ. Thế giới người chết và thế giới người sống hoàn toàn cách biệt. Tảng đá được lăn ra có nghĩa là cửa âm phủ đã mở toang. Quyền năng của Thiên Chúa đã chiến thắng âm phủ, chiến thắng sự chết.
5. Những nhân vật hiện ra cho các phụ nữ.
Về những nhân vật hiện ra cho các phụ nữ : theo Matthêu : “Thiên Thần Chúa” (Mt 28,2) ; theo Marcô : “một thanh niên bận áo chùng trắng” (Mc 16,5) ; theo Luca : “hai người mặc áo chói lòa” (Lc 24,4).
Nói chung, đó là những “nhân vật thiên thai”. Các tác giả Tin Mừng cố ý cho thấy rằng các phụ nữ đang đối diện với một thế giới thiên thai.
6. Sứ điệp Phục Sinh.
Cao điểm của bài tường thuật là sứ điệp Phục Sinh. Đây là một sứ điệp từ trời công bố sự kiện Phục Sinh của Đức Giêsu : sự kiện Phục Sinh là đối tượng mạc khải, một đối tượng đức tin. Ngoài một số chi tiết cho thấy tác giả dùng văn thể “thần hiển” (Genre théophanique), sứ điệp được công bố với những từ ngữ của Lời Rao Giảng Tiên Khởi.
Việc Đức Kitô Phục Sinh không phải là kết quả của suy luận dựa trên sự kiện “mồ trống”, mà là một biến cố mạc khải. Mồ trống là dấu chỉ, để người nghe sứ điệp Phục Sinh có thể hiểu và tin vào sứ điệp.
Lời mời gọi đến xem “nơi Ngài nằm” của tác giả Matthêu (Mt 28,5-6) có lẽ là vết tích sự sùng kính Ngôi Mộ của Đức Giêsu trong thời gian đầu của Giáo Hội. Nơi này Giáo Hội đã cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, cử hành việc Thiên Chúa chiến thắng âm phủ và sự chết nơi Đức Giêsu.
II. Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA BIẾN CỐ PHỤC SINH.
A. BIẾN CỐ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH : HÀNH VI TỐI HẬU (CÁNH CHUNG) CỦA QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA.
1. Các biến cố cánh chung khởi đầu với Đức Kitô. Đức Kitô là trưởng tử giữa mọi loài thọ sinh, tiên thường của các vong nhân (Cv 26,23 ; 1 Cr 15,20 ; Cl 1,18). Sự Phục Sinh của Đức Kitô được lồng trong viễn tượng niềm hy vọng cánh chung. Đức Kitô Phục Sinh không trở lại với đời sống cũ tại thế (Cv 13,34 ; Rm 6,9). Phục sinh không có nghĩa là hồi sinh, mà là khởi điểm một công trình Tạo Dựng Mới (1 Cr 15,42).
Nguồn gốc của niềm hy vọng này là niềm tin vào Giavê Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống và sự chết, Đấng cầm quyền sinh tử. Mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa ; chúng ta phải tin tưởng trọn vẹn nơi Người, dù có phải chết. Thiên Chúa làm cho chết và làm cho sống ; Người cho xuống âm phủ rồi lại kéo lên (1 Sm 2,6 ; Đnl 32,39). Thành ngữ của Cựu ước “Thiên Chúa, Đấng tác sinh những kẻ chết” được Phaolô sử dụng nhiều lần (Rm 4,17 ; 2 Cr 1,9).
2. Phục Sinh là kỳ công lớn nhất của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta nhận ra một đặc điểm căn bản của Người : Giavê là Thiên Chúa hằng sống. Ngôn từ Kinh Thánh Tân Ước ít khi đề cập đến sự Phục Sinh của Đức Giêsu với thì chủ động, mà hay dùng thì thụ động, làm nổi bật tác động của Thiên Chúa, Đấng phục sinh Đức Giêsu. Hơn thế nữa, nhiều chỗ còn gán sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô trực tiếp cho Thiên Chúa (1 Cr 6,14 ; Rm 10,9 ; Cv 3,15 ; 2,23 ; 5,30).
Phục Sinh là một hành vi do quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa (Ep 1,19 ; Cl 2,12), nhờ bởi vinh quang của Ngài (Rm 6,4), nhờ bởi Thần Khí của Ngài (Rm 8,11 ; 1 Pr 3,18). Rao giảng Đức Kitô Phục Sinh là rao giảng “Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết” (Rm 4,24 ; 2 Cr 4,14 ; Gl 1,1), và như thế là làm vinh danh Thiên Chúa Cha.
3.Việc phục sinh Đức Giêsu còn là mạc khải cuối cùng, tối hậu về mầu nhiệm Thiên Chúa. Thiên Chúa vừa là Đấng trung thành, và là Tình Yêu Sáng Tạo ; Người là năng lực tạo ra một sự sống mới. Nơi biến cố Phục Sinh, nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã loan báo được mạc khải và thể hiện trọn vẹn : Vương Quốc Tình Yêu, nơi Thiên Chúa Cha và Chúa Kitô biểu lộ tình yêu trọn vẹn trong Thần Khí và nhờ Thần Khí.
Tin vào Đức Kitô Phục Sinh là tin vào quyền năng của Thiên Chúa tạo dựng và hằng sống, tin vào tình yêu của Thiên Chúa luôn luôn trung thành. Niềm tin Phục Sinh không là yếu tố thêm vào cho đức tin Kitô-giáo được đầy đủ hơn, nhưng là toát yếu căn bản của niềm tin Kitô-giáo.
B. ĐỨC KITÔ PHỤC SINH VINH HIỂN.
1. Theo lời rao giảng tông truyền trong 1 Cr 15,3-5, thời điểm phục sinh của Đức Giêsu là ngày thứ ba. Thực ra thờøi điểm này không có ý nghĩa “ngày giờ”, mà có ý nghĩa “cứu độ” (cánh chung) (Hs 6,2 ; Ga 2,1). Ngày thứ ba là ngày Thiên Chúa can thiệp để giải thoát người công chính. Đức Kitô sống lại ngày thứ ba có nghĩa : đó là một biến cố cứu độ lớn lao nhất của Thiên Chúa, một biến cố quyết định trong lịch sử cứu độ, là bằng chứng trọn vẹn nhất cho sự công chính, tình yêu và trung thành của Thiên Chúa. (Đức Kitô được “ cứu độ”).
Ý niệm thần học “ngày thứ ba” rất quan trọng và được dùng để trình bày ý nghĩa cứu độ của biến cố Phục Sinh. Nhưng biến cố Phục Sinh hệ tại không chỉ ở ý nghĩa, mà còn là một sự kiện lịch sử, một thực tại, một điều đã xảy ra thực, một điều do Thiên Chúa làm nên.
2. Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu Nazareth, Ngài đã bị đóng đinh, đã chết và được chôn cất. Nói khác đi, phương diện lịch sử của biến cố làm cho biến cố không là một “biến cố thuần túy đức tin”. Có sự liên tục và đồng nhất giữa Đấng Phục Sinh và Đấng bị đóng đinh. Sự liên tục và đồng nhất này xây dựng tiên vàn trên quyền năng sáng tạo và tình yêu trung thành của Thiên Chúa. Không có sự kiện nào trong thế giới trần ai của chúng ta (hiện tượng) có thể đem so sánh với biến cố Phục Sinh. Nhờ biến cố Phục Sinh, một thế giới mới được mở ra, một kỷ nguyên mới bắt đầu.
Kinh Thánh dùng các từ ngữ “siêu tôn, vinh thăng, làm cho vinh hiển” để trình bày ý nghĩa sâu thẳm của biến cố Phục Sinh, một ý nghĩa gắn liền với thực tại. Đấng Phục Sinh từ nay sống cho Thiên Chúa (Rm 6,9). Đấng Vinh Hiển nhận lấy mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18).
3. Sự liên tục và đồng nhất giữa thập giá, phục sinh, siêu tôn và thông ban Thánh Thần được tác giả Tin Mừng Gioan “cô đọng lại” trong một số từ ngữ thần học rất súc tiùch. Chữ “được nâng lên” (élévation) trong Tin Mừng Gioan vừa chỉ việc Đức Giêsu bị treo trên thập giá, vừa nói lên việc Ngài về cùng Cha (Ga 3,14 ; 8,28 ; 12,32), vừa diễn tả sự siêu tôn vinh hiển của Ngài, đồng thời cũng là sự tín thác trọn vẹn vào Chúa Cha, nên là vượt qua thế gian về cùng Cha (Ga 13,1), là trở về vinh quang đã có từ muôn thuở (Ga 17,5). Đấng, trong một biến cố duy nhất, vừa bị treo trên thập giá, vừa ngự bên hữu Chúa Cha và lãnh nhận mọi quyền năng, Đấng ấy có thể lôi kéo mọi sự về vớùi Ngài (Ga 12,32), ban Thánh Thần cho các Tông Đồ ngay buổi chiều Phục Sinh và cho các ông thông phần quyền bính của mình (Ga 20,22). Đối với Tin Mừng Gioan, ngày Thứ Sáu chịu nạn, Chúa Nhật Phục Sinh, ngày Chúa lên trời, ngày Thánh Thần hiện xuống được “kết lại” trong một mầu nhiệm duy nhất bất khả phân, giờ Vượt Qua của Chúa, giờ bước từ sự chết sang sự sống.
Đức Giêsu Kitô chêát và sống lại là Đức Giêsu vâng phục cho đến chết, và vì thế đã được Thiên Chúa siêu tôn (Pl 2,8-9). Siêu tôn là một phạm trù mà Kinh Thánh thườøng dùng để diễn tả “tầm quan trọng cánh chung” của một nhân vật trong lịch sử cứu độ. Đức Kitô Phục Sinh là Đấng Messia cánh chung, là “Con Người” sẽ trở lại trên mây trời. Số phận cánh chung của nhân loại và của từng người đều được định đoạt nơi Con Người ấy. Ai tin vào Đức Kitô Phục Sinh, chắc chắn có lý do để hy vọng, vì Đức Kitô Giêsu đã chết, đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, đang chuyển cầu cho chúng ta (Rm 8,34).
4. Khía cạnh thứ hai của ý niệm “siêu tôn” là chiều kích hiện tại. Tin Đức Kitô Phục Sinh là tuyên xưng Ngài bằng danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu : “Ngài là Chúa”. Không phải mai sau, Ngài mới làm chủ con người và cuộc đời chúng ta, mà Ngài là Chúa của chúng ta ngày hôm nay. Đức Kitô được siêu tôn có nghĩa là được đăït vào cương vị thần linh, lãnh nhận uy quyền thần linh đối với chúng ta, được thông phần quyền năng của Thiên Chúa (Rm 1,3 ; 1 Cr 1,4 ; 2 Cr 12,9 ; Pl 3,10) ; thông phần vinh quang của Thiên Chúa (Pl 3,21 ; 2 Cr 4,4 ; 1 Pr 1,21).
Nhưng ý nghĩa căn bản của sự siêu tôn không là được đưa vào một thế giới xa xăm, không còn liên hệ với loài người, mà là sống trong một trạng thái mới, với một cương vị mới. Từ nay Đức Kitô Phục Sinh hiện diện giữa nhân loại một cách mới mẻ : Ngài đến với chúng ta từ Thiên Chúa, theo kiểu của Thiên Chúa (hiện diện bằng Khần Khí).
5. Phục Sinh vừa là biến cố lịch sử, vừa là biến cố cánh chung. Phương diện lịch sử của biến cố Phục Sinh là sự kiện xảy ra cho Đức Giêsu Nazareth bị đóng đinh. Sự Phục Sinh của Đức Giêsu cho thấy rằng “thập giá”, xét bề ngoài, là một sự thất bại, là một kết cuộc bi thảm, nhưng do quyền năng của Thiên Chúa, đã trở thành một khởi điểm mới, nền tảng cho niềm hy vọng cánh chung. Với biến cố Phục Sinh, sự vâng phục của Đức Giêsu đã đạt mục tiêu và được Thiên Chúa chấp nhận. Phục sinh hoàn tất cái chết vâng phục trên thập giá.
6. Nếu giải thích như vậy, mà không muốn rơi vào “ảo thân thuyết”, thì phải đặt vấn đề thân xác phục sinh của Đức Giêsu. Thân xác ấy thế nào ?
Thân xác là nơi con người sống những quan hệ cụ thể với Thiên Chúa, tha nhân và thực tại chung quanh ; là nơi con người nô lệ sự ích kỷ, lòng ham muốn, các tham vọng… hoặc là nơi con người sống tình yêu, lòng quảng đại và sự từ bỏ. Đối với ai tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thân xác là nơi mà sự đầu phục Đức Kitô biểu lộ và thể hiện. Theo Phaolô, chúng ta phải phục vụ Thiên Chúa với thân xác của chúng ta (Rm 12,1), làm vinh danh Thiên Chúa trong thân xác (1 Cr 6,20). Thân xác thuộc về Chúa, và Chúa là Chúa của thân xác (1 Cr 6,13). Thân xác của chúng ta là “trần ai” hay “thiên thai”, là tùy vào việc của chúng ta là nô lệ hay là con người tự do. Thân xác “thiên thai” mà Phaolô mô tả trong 1 Cr 15,47t là một thân xác đầy Thần Khí, là thân xác mà Thần Khí Thiên Chúa ngự trị và làm chủ.
Đức Kitô được phục sinh trong thân xác có nghĩa là con người cụ thể của Ngài được ở gần Thiên Chúa, đồng thời tất cả con người của Ngài có một quan hệ mới với thế giới và với chúng ta : quan hệ thuộc linh (Thiên Chúa tự hiến cho thế giới và cho từng người). Dấu chỉ của quan hệ trườøng tồn và mới mẻ này là Bí tích Thánh Thể.
Nói tóm lại, do sự Phục Sinh vinh hiển của Đức Giêsu, một phần thế giới “trở về” với Thiên Chúa và được Người đón nhận ; đó là bảo chứng cho tương lai huy hoàng và bất diệt của nhân loại bên cạnh Thiên Chúa. Quê hương đích thực của chúng ta là trời cao (Pl 3,20), bên cạnh Thiên Chúa. Theo Phaolô, chúng ta cùng ngự trị chốn Hoàng Thiên trong Đức Giêsu Kitô (Ep 2,6), sự sống của chúng ta ẩn tàng nơi Thiên Chúa làm một với Đức Kitô (Cl 3,3).
C. Ý NGHĨA CỨU ĐỘ CỦA BIẾN CỐ PHỤC SINH.
1. Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là khởi điểm cho sự phục sinh cánh chung của toàn thể nhân loại. Biến cố Phục Sinh không là một sự kiện riêng lẻ, mà là một biến cố khai mở hướng về tương lai. Sự Phục Sinh của Đức Giêsu hàm chứa sự hoàn thành viên mãn của toàn thể thế giới, khai sinh một nhân loại mới, một thế giới mới. Đức Giêsu Kitô Phục Sinh trở thành tương lai và niềm hy vọng cho chúng ta. Số phận của Đức Giêsu Phục Sinh là số phận Thiên Chúa dành cho mọi người. Tình yêu của Thiên Chúa được bảo đảm cho mọi người nơi Đức Giêsu Phục Sinh.
Tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa trở nên rõ ràng và hữu hiệu do thập giá và sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Tình yêu ấy là thực tại cánh chung tác động trên hiện tại và làm chủ tương lai. Thực tại cánh chung biến đổi thực sự thân phận con người, khiến con người có khả năng dấn thân cho một thế giới mới, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên tạo vật mới trong Chúa Kitô (2 Cr 5,17 ; Gl 6,15).
2. Cuộc sống mới trong Chúa Kitô được Kinh Thánh diễn tả bằng những thành ngữ : sự sống, sự công chính, ơn cứu chuộc, ơn bình an, ơn tha thứ… trong số các thành ngữ khác nhau, chữ “tự do” diễn tả sâu sắc hơn cả tác động cụ thể của biến cố Phục Sinh trên từng con người chúng ta và trong toàn bộ lịch sử.
Tự do của người kitô-hữu xây dựng trên Đức Kitô : người kitô-hữu thuộc về Đức Kitô như Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa (1 Cr 3,21-23 ; 6,13-20). Tự do ấy là tự do cho anh em và vì anh em, là một sự tự do đầy kính trọng, không phá hủy, mà gầy dựng. Thước đo của tự do Kitô-giáo là tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô, và tự hiến cho nhân loại nơi những người kitô-hữu.
Tự do của người kitô-hữu tiên vàn là được giải thoát khỏi sự ràng buộc của tội lỗi (Rm 6,18-23 ; Ga 8,31-36), và là tự ý sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (Rm 6,11).
Yếu tố thứ hai là tự do đối với sự chết. Sự chết là hậu quả của tội (Rm 6,23 ; 5,12-21). Phạm tội là tìm sự sống chóng tàn và hư hoại. Vì thế, tội nhân không có sự sống đích thực và rơi vào sự chết. Sự chết không chỉ là giây phút cuối cùng của đời sống, mà còn là mãnh lực đè nặng trên cuộc sống. Sự chết là hạn điểm của thân phận con người không lối thoát, không tương lai. Đối với ai sống trong Đức Kitô, sự chết không còn tác dụng. Mặt tích cực của ơn giải thoát là sự tự do triệt để trong đời sống, là khả năng dấn thân trọn vẹn mà không sợ hãi và lo lắng.
Phaolô còn nói đến một yếu tố thứ ba là “tự do đối với Lề Luật” (Rm 7,6). Sự tự do đối với Lề Luật thể hiện tích cực trong đức ái (Gl 5,13). Yêu thương là chu toàn Lề Luật (Rm 13,10). Trong sự Phục Sinh của Đức Giêsu, tình yêu là thực tại chiến thắng và đem lại tự do cho mỗi người dấn thân vì tình yêu.
3. Sau cùng biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu còn có tác dụng quy tụ một cộng đồng Giáo Hội. Giáo Hội, dù sống giữa đổi thay lịch sử, vẫn thông phần đặc tính cánh chung và tối hậu của thời đại mới được khai mạc bằng biến cố Phục Sinh. Do đó, Giáo Hội không thể nào lung lay, hay bất trung với hôn phu của mình. Trong niềm tin vào giáo huấn của Giáo Hội, trong phụng vụ và các bí tích, cũng như trong tất cả đời sống của Giáo Hội, Đức Kitô Phục Sinh mãi mãi hiện diện với lịch sử và trong lịch sử. Đức Kitô Phục Sinh hiện diện và không ngừng ban Thần Khí tác sinh cho những ai tiếp xúc với Ngài. Thần Khí ấy hoạt động không ngừng trong từng cá nhân và trong toàn thể nhân loại, thiết lập quan hệ “làm con” giữa mỗi cá nhân và giữa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa là Cha.
II. Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA BIẾN CỐ PHỤC SINH THEO SÁCH GIÁO LÝ MỚI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.
Hai điều cơ bản trong ý nghĩa thần học của biến cố Phục Sinh, mà thần học trước đây ít lưu ý tới, nay được Huấn Quyền làm nổi bật trong Sách Giáo Lý mới là :
- Chiều kích Ba ngôi của sự Phục Sinh.
- Giá trị cứu độ của sự Phục Sinh.
Đó là điều rất đáng mừng, vì hai khía cạnh hết sức quan trọng này của mầu nhiệm Phục Sinh rất quan trọng, đưa ta trở về gần với mạc khải hơn thần học kinh viện trước đây.
A. PHỤC SINH - CÔNG TRÌNH CỦA BA NGÔI.
Sự Phục Sinh của Đức Kitô là đối tượng đức tin, vì là một sự can thiệp siêu việt của Thiên Chúa vào trong tạo dựng và lịch sử. Nơi biến cố Phục Sinh, cả Ba Ngôi Vị đều hành động chung và mỗi Ngôi Vị biểu lộ sự độc đáo riêng. Sự Phục Sinh được thể hiện bởi quyền năng của Chúa Cha, Đấng đã làm cho Đức Kitô, Con của Người sống lại. Chúa Cha đã đưa con người Đức Kitô với thân xác vào trong Ba Ngôi cách tuyệt hảo. Đức Giêsu đã được mạc khải cách dứt khoát là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Khí do tự phục sinh từ cõi chết (Rm 1,4).
Phaolô nhấn mạnh việc biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa do công trình của Chúa Thánh Thần ban sự sống cho con người đã chết của Đức Giêsu và đã làm cho con người ấy trở thành Chúa vinh hiển (Số 648).
Còn Chúa Con cũng hoàn tất sự Phục Sinh của mình bằng quyền năng thần linh. Đức Giêsu đã loan báo rằng Con Người sẽ phải đau khổ, phải chết và đã sống lại (theo nghĩa chủ động). Đàng khác, Đức Giêsu cũng đã minh nhiên khẳng định : “Ta thí mạng sống Ta để rồi lấy lại… Ta có quyền thí mạng sống Ta và có quyền lấy lại” (Ga 10,17-18). Chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và sống lại (1 Tx 4,14) - (Số 649).
Các giáo phụ chiêm ngắm sự Phục Sinh nơi ngôi vị thần linh của Đức Kitô vẫn kết hợp với linh hồn và với thân xác đã lìa nhau vì sự chết : “Do sự duy nhất của bản tính thần linh vẫn hiện diện trong từng phần của con người, mà các phần này kết hợp lại với nhau. Vậy có sự chết, vì có sự phân lìa giữa hồn xác, và có sự Phục Sinh là do sự kết hợp giữa hai phần tách biệt” (Số 650).
B. Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỨU ĐỘ CỦA SỰ PHỤC SINH.
“Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không, và đức tin của chúng tôi cũng là hư không” (1 Cr 15,14). Biến cố Phục Sinh tiên vàn là một sự xác nhận tất cả những gì Đức Kitô đã làm và đã dạy. Mọi chân lý, ngay cả những điều không thể hiểu đối với trí tuệ con người, đều được minh chứng, khi Đức Kitô, nhờ phục sinh, đã làm chứng cách dứt khoát về uy quyền thần linh của Ngài như Ngài đã hứa (Số 651).
Sự Phục Sinh của Đức Kitô hoàn tất các lới hứa trong Cựu Ước, các lời hứa của chính Chúa Giêsu lúc Ngài còn tại thế. Thành ngữ “theo lời Kinh Thánh”chỉ rằng sự Phục Sinh của Đức Kitô hoàn tất các lời tiên báo ấy (Số 652).
Chân lý về thần tính của Đức Giêsu được xác nhận bởi sự Phục Sinh. Ngài đã nói : “Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết chính là Ta” (Ga 8,28). Sự sống lại của Đấng bị đóng đinh minh chứng Ngài thực sự đã là “Đấng Tự Hữu”, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa. Phaolô đã có thể tuyên bố với người Dothái : “Lời hứa đã ban cho cha ông, thì Thiên Chúa đã làm trọn cho con cái là chúng ta, khi Người đã cho Đức Giêsu sống lại, như cũng đã viết trong Thánh vịnh thứ hai : “Người là con Ta, chính Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Người” (Cv 13,32-33). Sự Phục Sinh của Đức Kitô gắn liền mật thiết với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, hoàn tất mầu nhiệm ấy theo dựï định của Thiên Chúa (Số 653).
Trong mầu nhiệm Vượt Qua, có hai khía cạnh : “Bởi sự chết của Đức Kitô giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi, bởi sự Phục Sinh, Ngài mở đườøng cho chúng ta vào sự sống mới. Sự sống mới tiên vàn là sự công chính hóa, ban lại cho chúng ta trạng thái ân sủng, để cũng như Đức Kitô, được sống lại từ kẻ chết, chúng ta cùng sống trong một đời sống mới” (Rm 6,4). Sự sống ấy là chiến thắng cái chết do tội và lại được thông phần ân sủng. Sự sống ấy hoàn tất ơn nghĩa tử, vì chúng ta đã trở nên anh em Đức Giêsu Kitô, như Đức Giêsu gọi các môn đệ ngay sau khi Ngài sống lại : “Hãy đi loan báo cho anh em Ta” (Mt 28,10 ; Ga 20,17). Là anh em, không phải theo bản tính, nhưng vì ân sủng ; vì ơn nghĩa tử cho chúng ta thực sự thông phần sự sống Con Duy Nhất, được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Ngài. (Số 654).
Cuối cùng, sự Phục Sinh của Đức Kitô, và chính Đức Kitô Phục Sinh là khởi nguyên và là nguồn suối của sự Phục Sinh cánh chung của chúng ta : “Đức Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết, tiên thường của các vong linh. Vì chưng sự chết do bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng do bởi một người. Quả thế, nơi Ađam mọi người đều phải chết, thì trong Đức Kitô, mọi người cũng sẽ được tác sinh” (1 Cr 15,20-22). Trong khi chờ đợi sự hoàn tất ấy, Đức Kitô Phục Sinh sống trong tâm hồn các tín hữu. Nơi Ngài các kitô-hữu “thưởng nếm những mãnh lực lai thời” (Dt 6,5), và đời sống của họ được Ngài lôi kéo vào trong lòng sự sống thần linh, “để đừng ai sống cho mình nữa, nhưng là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Cr 5,15) - (Số 655).
Nguồn: simonhoadalat.com