Lời Chúa: Lc 13,1-9
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giêsu đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy".
6 Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? 8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi".
10 Ngày sabát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
Học hỏi:
1. Đọc Lc 13,1. Chuyện gì đã xảy ra với một số người Galilê? Xảy ra ở đâu?
2. Đọc Lc 13,2-3. Đức Giêsu nhắc nhở điều gì đối với những người kể lại chuyện đó?
3. Đọc Lc 13,4-5. Chuyện gì đã xảy ra cho mười tám người? Ở đâu? Lời nhắc nhở của Đức Giêsu có gì mới không?
4. Trồng cây vả trong vườn nho có phải là chuyện lạ không? Xem sách ngôn sứ Mikha 4,4; 1 Vua 5,5; Dacaria 3,10. Ở vườn địa đàng có trồng cây vả không?
5. “Ông ra tìm trái trên cây mà không thấy” (Lc 13,6): có mấy động từ trong câu này? Câu này được nhắc lại mấy lần trong bài Tin Mừng này? Đọc Lc 13,6-7 bạn thấy ông chủ mong đợi gì nơi cây vả?
6. Ông chủ vườn nho có phải là người nóng tính và tàn ác không khi ông đòi chặt cây vả? Đọc Lc 3,8-9.
7. Anh làm vườn xin gì với ông chủ? Anh ta có niềm hy vọng không? Anh ta có quá bao dung không?
8. Theo bạn, cuối cùng ông chủ có chấp nhận lời yêu cầu của anh làm vườn không? Cuối cùng cây vả có ra trái không?
9. Sau khi đọc dụ ngôn cây vả, bạn hãy cho một định nghĩa về hối cải?
CÂU HỎI SUY NIỆM.
Bạn có thấy mình cũng là một cây vả được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc không? Hãy nhớ lại những hy vọng Chúa đặt nơi bạn và những thất vọng bạn đã có lần gây ra. Bạn nghĩ gì về trái của cây vả đời bạn, có nhiều không, có ngon không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Có những người đến gặp Đức Giêsu để kể cho Ngài chuyện quan Philatô trộn máu của một số người Galilê với máu của các lễ vật họ dâng. Hành vi độc ác này rất có thể là hình phạt của Philatô đối với những người Galilê muốn nổi loạn chống lại đế quốc Rôma đang đô hộ Ítraen. Họ có thể bị giết ngay trong Đền thờ lúc họ đang dâng lễ vật, hay bị giết lúc họ đang đến Đền thờ để dâng lễ vật (Lc 13,1).
2. Đức Giêsu đã không kết án Philatô tàn ác, cũng không hô hào mọi người đứng lên khởi nghĩa chống lại đế quốc Rôma. Ngài cũng không bảo những người Galilê bị giết là những kẻ có tội nặng nhất nên mới phải chịu hình phạt kinh khủng như vậy (Lc 13,2). Đức Giêsu coi biến cố đau thương này như một lời cảnh báo mạnh mẽ gửi đến mọi người, kêu gọi dân Ítraen mau hối cải để khỏi chịu chung số phận (Lc 13,3).
3. Trong Lc 13,4-5, chính Đức Giêsu lại kể cho những người đến gặp mình một câu chuyện khác về tai nạn đã xảy ra cho 18 người, khi tháp ở Siloam gần Giêrusalem bất ngờ đổ xuống trên họ. Một lần nữa, Ngài lại khẳng định những người này không phải là những người tội lỗi nhất ở Giêrusalem. Rồi Ngài lại đưa ra lời cảnh báo tương tự, kêu gọi mọi người mau hối cải để khỏi chịu chung số phận như những nạn nhân đó.
Nói chung, qua hai biến cố đau lòng xảy ra, Đức Giêsu chỉ muốn nhắc nhở những người đang nghe Ngài đừng tự mãn là mình thánh thiện nên không bị Chúa phạt, nhưng hãy nhớ: tất cả đều là tội nhân, tất cả đều cần hối cải.
4. Cây nho và cây vả là hai loại cây ăn trái quen thuộc đối với dân Ítraen. Hai loại cây này trở nên biểu tượng cho cảnh thanh bình, thịnh vượng, an cư lạc nghiệp. Được ở hay được ngồi “dưới bóng cây nho, cây vả của mình” là điều ai cũng mơ ước (1 Vua 5,5; Mi-kha 4,4). Bởi đó chuyện trồng cây vả trong vườn nho là chuyện có thể xảy ra. Trong vườn địa đàng cũng có cây vả (Sáng thế 3,7).
5. Có ba động từ trong câu Lc 13,6: ra ( = đến), tìm, và thấy. Câu này được nhắc lại ở Lc 13,7. Đọc Lc 13,6-7 ta thấy ông chủ có một cây vả trồng trong vườn nho của ông. Ông trồng nó để lấy trái. Trái là điều ông mong muốn khi trồng cây vả này. Ta không rõ ông đã trồng nó từ khi nào, chỉ biết lẽ ra nó phải có trái từ ba năm qua, nhưng lại không có. Ba năm liền, ông đều đến cây vả và tìm trái của nó, nhưng không thấy trái nào.
6. Sau khi kiên nhẫn chờ đợi trong ba năm, ông chủ thất vọng. Ông chia sẻ nỗi thất vọng ấy với anh làm vườn và ra lệnh cho anh chặt cây vả, để nó làm gì cho hại đất (Lc 13, 7). Như thế ông chủ không hề nóng tính hay tàn ác khi đưa ra quyết định này. Ông đã chịu đựng ba năm, đã hy vọng, đã chờ đợi trái của nó, và cây vả chẳng làm ông mãn nguyện. Ông không vui gì khi quyết định chặt cây vả mà ông đã trồng, nhưng ông muốn dành đất để làm việc khác.
7. Anh làm vườn còn chút hy vọng nơi cây vả và muốn cho nó một cơ hội cuối. Anh sẽ chăm bón cho nó cẩn thận, và chờ thêm một năm nữa, chỉ một năm thôi. Nếu nó sinh trái thì tốt quá, còn không thì anh sẽ chặt theo ý ông chủ (Lc 13, 8-9).
8. Bài Tin Mừng không cho ta biết ông chủ có chấp nhận lời anh làm vườn không. Ta cũng không biết rốt cục cây vả có ra trái như ông chủ mong đợi không. Nếu cây vả là tôi, thì chỉ tôi mới biết cây vả có ra trái hay không.
9. Hối cải là sinh trái (Lc 3,8-9). Sinh trái nhiều (Ga 15,2.5.8) và bền vững Ga 15,16).
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn