Đọc Tin Mừng theo Thánh Gio-an ta thường thấy thích thú, đồng thời cũng cảm thấy “chóng mặt”. Dựa trên hình ảnh bốn sinh vật trong thị kiến về xa giá của Thiên Chúa trong sách Ê-dê-ki-en, truyền thống đã dùng làm hình ảnh tượng trưng của bốn sách Tin Mừng :
“4 Tôi nhìn, thì kìa một cơn gió bão từ phương Bắc thổi đến ; có đám mây lớn, có lửa loé ra và ánh sáng chiếu toả chung quanh ; ở chính giữa như có một kim loại lấp lánh, ở chính giữa lửa. 5 Ở chính giữa, có cái gìtựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng : chúng trông giống như người ta. 6 Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh. 7 Còn chân của chúng thì thẳng ; bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng. 8 Bên dưới cánh, có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía ; mặt và cánh của bốn sinh vật cũng đều như thế. 9 Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mặt mà tiến. 10 Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. 11 Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình. 12 Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó ; lúc đi chúng không quay mặt vào nhau.
13 Ở giữa các sinh vật ấy, có cái gì giống như than hồng rực lửa, giống như ngọn đuốc, đang di chuyển giữa các sinh vật. Lửa phát ra ánh sáng và từ lửa phóng ra những tia chớp. 14 Các sinh vật đi đi lại lại nhanh như chớp” (Ed 1,4-14).
Bốn sinh vật làm thành cỗ xe (xa giá) của Thiên Chúa : mỗi sinh vật đều mang bốn khuôn mặt, quả là một hình ảnh đẹp để diễn tả bốn sách Tin Mừng. Bốn cuốn sách khác nhau trình bày cùng một Tin Mừng, nhưng mang bốn khuôn mặt khác nhau. Bốn sinh vật làm thành xa giá của Thiên Chúa, bốn sách Tin Mừng là “xa giá” của Đức Giê-su Ki-tô để di chuyển đến tận cùng trái đất và mọi loài thụ tạo.
“Mặt người” tượng trưng cho Tin Mừng Mát-thêu, vì sách này bắt đầu với gia phả, kể nguồn gốc Chúa Giê-su trong dòng dõi loài người,
“Mặt sư tử” tượng trưng cho Tin Mừng Mác-cô, vì sách này mở đầu với tiếng hô trong hoang địa,
“Mặt bò rừng” tượng trưng cho Tin Mừng Lu-ca, vì sách này mở đầu với việc tư tế Da-ca-ri-a phục vụ trong Đền Thờ,
“Mặt phượng hoàng” tượng trưng cho Tin Mừng Gio-an, vì sách này mở đầu với nguồn gốc Chúa Giê-su từ cung lòng Thiên Chúa. Phương hoàng vẫn là loài chim bay cao tận đỉnh trời. Chúng ta chóng mặt vừa vì lối văn của Gio-an, vừa vì nội dung luôn nối kết đất với trời nhằm giúp chúng ta “tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống đời đời.” (Ga 20,31)
Thêm vào đó, chúng ta hay bị “nhồi sọ” rằng sách Tin Mừng Gio-an cao siêu, khó hiểu. Cao siêu thì chắc chắn rồi, nhưng khó hiểu hay không là tùy ta có tìm được hay không chìa khóa để vào lâu đài và nút bật đèn cho có ánh sáng dẫn đường đưa tới kho tàng trong lâu đài là Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa.
* * *
Lời Tựa chính là Chìa khóa được cắm sẵn ở cửa. Nút bật đèn soi dưới chân cũng được chỉ dẫn ở ngay cửa, đó là toàn bộ Cựu Ước : từ sách Sáng Thế tới các sách Khôn ngoan.
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành (Ga 1, 1-3) … Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã kể cho chúng ta biết.”
Còn nút bật đèn soi từ trên trần xuống, lại đặt ở cuối hành lang, khi Chúa phục sinh đến và đứng giữa nhóm Mười Một :
“19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !" 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha : anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,19-21).
Trong bữa ăn cuối cùng với họ, Chúa Giê-su đã nói rõ :
“16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,16-17).
“12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (Ga 16,12-15).
Thần Khí mà Chúa Giê-su xin Cha gởi đến vừa là Thần Khí của sự thật, vừa là ơn tha tội. Các lời hứa Giao Ước Mới trong sách I-sai-a (54,1), Giê-rê-mi-a (31,33-34), Ê-dê-ki-en đều bao gồm ơn tha tội và ơn “biết” Thiên Chúa, tức là hai mặt của tương quan mới với Thiên Chúa trong Giao Ước mới, nhưGiê-rê-mi-a loan báo :
“33 Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. 34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia : "Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.
Ê-dê-ki-en cho biết cả ơn tha tội và ơn biết Thiên Chúa đều do tác động của Thần Khí của Thiên Chúa :
“25 Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. 26 Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. 27 Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. 28 Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi. 29 Ta sẽ cứu các ngươi khỏi mọi ô uế” (Ed 36,25-28).
Chúa Giê-su đã thiết lập Giao Ước Mới bằng Máu của Người, “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.” (Ga 1,29). Từ trên thập giá, Người đã trao hơi thở [Thần Khí], như khi tạo dựng Thiên Chúa đã thổi hơi vào lỗ mũi con người (x. St 2,7). Khi đã phục sinh Chúa đến thổi hơi vào các môn đệ và nói : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).
Các môn đệ đã sống với Chúa Giê-su cũng chỉ hiểu được Mầu nhiệm Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa nhờ luồng sáng của Lời Chúa trong Cựu Ước và Thánh Thần. Các sách Tin Mừng được viết ra cho chúng ta là do Thánh Thần linh hứng và đều quy chiếu vào Cựu Ước để giải nghĩa nhiệm mầu cho chúng ta khi kể cho chúng ta nghe lời Chúa Giê-su đã nói và việc Chúa đã làm.
Các khoa học liên quan tới Thánh Kinh (lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, các phương pháp phân tích…) giúp ta hiểu nhiều điều bằng trí tuệ. Nhưng Thánh Kinh là Lời Chúa do Thánh Thần linh hứng cho các tác giả viết ra, để đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, vào kế hoạch cứu độ, ý định bày tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa, nên các khoa học nghiên cứu chỉ giúp chúng ta thỏa mãn trí tuệ, chứ không đưa được chúng ta vào trong Thiên Chúa, trong tình yêu của Thiên Chúa. Người ta có thể tìm được một bức thư tình của một nhân vật nổi tiếng và dùng mọi phương pháp phân tích để giải nghĩa, kể cả xác minh xem tác giả có đúng là người mà người ta nghĩ không, nhưng chẳng ai có thể vào được trong những tâm tình mà bức thư muốn truyền tải, ngoài hai người trong cuộc của mối tình ấy. Kinh Thánh là bức thư tình xuyên thế kỷ của Thiên Chúa hằng sống, do Thánh Thần của Thiên Chúa - là chính Tình Yêu nối kết Cha và Con trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và nối kết người đón nhận Tình Yêu của Thiên Chúa vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa Tình Yêu – dùng con người để viết, và đầu bên kia, người nhận thư, bất cứ ai đón nhận bức thư ấy là bức thư viết cho đích danh mình, và để cho Tình Yêu ấy cuốn mình vào trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, vì chỉ có “Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” ví như nơi con người, “ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người” (x. 1 Cr 2,10-11). Vậy thì chỉ có sự gặp gỡ giữa Thần Khí Thiên Chúa với thần trí con người mới đưa con người vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa Tình Yêu qua bức thư tình của Thiên Chúa. Một chuyên viên Thánh Kinh có thể giảng dạy, viết hàng trăm cuốn sách về Kinh Thánh, rất bác học uyên thâm, giống như bất cứ nhà bác học nào khác trong ngành chuyên môn của họ, nhưng chưa chắc đã đón nhận đó là bức thư tình của Thiên Chúa gởi cho đích danh mình. Trái lại một người quê mùa chất phác, chỉ nhớ được vài câu khi nghe đọc trong thánh lễ, nhưng lại sống như là lời của Trái Tim Thiên Chúa nói với trái tim mình, ban sức sống để soi sáng và ban sức sống cho mình suốt đời. Thời các tông đồ đã có bao nhiêu nhà thông luật ngày đêm nghiên cứu Kinh Thánh mà Chúa Giê-su nhắc đến : “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông tìm được sự sống đời đời. Mà Kinh Thánh làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để tìm được sự sống” (Ga 5,39-40). Các môn đệ của Chúa cũng đã từng học với các chuyên gia ấy, rồi đã được ở với Chúa mấy năm trời mà vẫn chưa hiểu, cho tới khi Chúa Phục Sinh “giải huyệt ngu” cho các ông : “Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,45). Nội lực để “giải được huyệt ngu” chính là Thánh Thần mà Chúa Phục Sinh đem cho các ông và cho chúng ta hôm nay (Lc 24,49).
Tôi nhớ có một bài của một nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20, tựa đề “lời mẹ dặn” : “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét - dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu - dù ai ngon ngọt nuông chiều, cũng không nói yêu thành ghét”. “Lời mẹ dặn” ấy cùng với tình yêu của mẹ sẽ soi sáng cả cuộc đời của người con, sống trung thực, dù phải trá giá bằng chính mạng sống mình. Trong lịch sử Việt Nam, chúng ta có một nhân vật rất nổi tiếng đã thay đổi dòng lịch sử : vì lòng hiếu thảo, ông quyết theo cha, sống chết với cha, lúc ấy bị quân Tàu bắt đem về bên kia biên giới. Nhưng tới biên giới thì cha ông bảo ông quay về, vì nợ nước nặng hơn tình nhà. Ông vâng lời cha quay về và đã giúp vua Lê Lợi xoay lại dòng lịch sử, giải phóng dân ta khỏi ách đô hộ của phương Bắc. Một lời người cha nói với người con đủ thay đổi không chỉ cuộc sống của một người con, mà thay đổi vận mạng, lịch sử của cả một dân tộc.
Một lời thôi, vâng chỉ một lời của một người cha được người con đón nhận đã giúp thay đổi vận mạng cả một dân tộc, từ thân nô lệ phương Bắc lại hiên ngang làm Con Rồng Cháu Tiên, ngày ngày đứng trên mảnh đất bé nhỏ hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương, đón nắng mặt trời lên thẳng từ chân trời, không bị bóng đế quốc nào che khuất ! Việt Nam quê hương tôi ! Việt Nam đất nước tôi ! Việt Nam hai ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm, một Mẹ Âu Cơ tay bồng trăm đứa con đi đánh giặc, lần lượt xua tan năm đế quốc sừng sỏ nhất của mỗi thời đại. Một lời người cha của Nguyễn Trãi nói với ông, đã thành lời của Mẹ Âu Cơ nói với cả trăm đứa con. Chỉ một lời thôi, Mẹ Âu Cơ ơi ! Mẹ thật tuyệt vời ! Đế quốc nào nữa dám lăm le ? Coi chừng Mẹ tôi sẵn sàng ra tay nữa đấy nhé !
Thế còn Lời Chúa Toàn Năng, Đấng phán một lời làm nên trời đất nói với tôi, có thay đổi được cuộc đời tôi và giúp tôi góp phần thay đổi thế giới đầy tội ác, phi nhân phi nghĩa ngày nay không ? Tùy tôi đấy. Chẳng lẽ tôi có thể làm mất mặt Thiên Chúa toàn năng mà tôi tuyên xưng : “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”. Chúa phán một lời dựng nên trời đất mà không biến đổi được một con người bé nhỏ là tôi… Tôi to gan thật ! Nhưng Chúa đã lỡ chấp nhận để lời toàn năng của Chúa lệ thuộc vào tôi, nên Chúa đành chịu đấy ! Tôi có chịu nghĩ lại không ?
Sách Tin Mừng theo thánh Gio-an đưa chúng ta vào mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô bằng con đường chiêm niệm rất ngọt ngào. Có thể ví như khi đứng trước một lâu đài, chúng ta thấy có vẻ kỳ bí và sợ bước vào, nhưng nếu có một người sống trong lâu đài ấy, biết mọi ngóc ngách, cầm tay dắt chúng ta vào, vừa dẫn đi vừa giải thích cho chúng ta thì chúng ta hết sợ. Cứ để người ấy dẫn đi và uống lấy những lời giải thích, ta sẽ ngất ngây chiêm ngắm những kỳ diệu trong lâu đài và không muốn ra nữa, như hai người môn đệ đầu tiên được Chúa mời “đến mà xem, họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”… (Ga 1,39). Rồi ở luôn !
Bây giờ chúng ta hãy xin Chúa cho cùng đi theo với hai người môn đệ đầu tiên này, “đến xem nơi Chúa ở, ở lại với Chúa ngày hôm ấy”… rồi nấn ná xin ơn ở lại luôn.
1. Lời Tựa
Mười tám câu đầu sách Tin Mừng này được coi như lời tựa. Lời tựa một cuốn sách bao giờ cũng nhằm giới thiệu tổng quát chủ đề, mục đích, phương pháp nghiên cứu và cách trình bày.
Lời tựa của sách Tin Mừng thứ tư khởi từ “thân thế và sự nghiệp” của “Ngôi Lời”. Người là “Lời” hiện hữu từ ban đầu ở nơi Thiên Chúa. “Lời” của loài người thì chỉ diễn tả ra, còn Lời của Thiên Chúa thì vừa diễn tả chính Thiên Chúa vừa là Thiên Chúa. Thư Cô-lô-xê dùng kiểu nói tương tự, diễn tả Người là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”. Hình ảnh của Thiên Chúa là thực thể cùng hiện hữu và là Thiên Chúa, không tách rời khỏi Thiên Chúa, ở nơi Thiên Chúa, luôn hướng về Thiên Chúa.
“Hình ảnh” của chúng ta, lời chúng ta diễn tả chính mình, thay đổi tùy lúc, không nhất thiết trung thực ; vì thế nhiều khi chúng ta phải hỏi : “anh/chị nghĩ anh/chị là ai thế ?” khi thấy một người không biết mình là ai, tưởng mình là ông to bà lớn và cư xử như ông to bà lớn, tới mức bệnh tâm thần, tưởng mình là vua, thậm chí là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa nữa. Lời, hình ảnh của chúng ta diễn tả cái chúng ta mơ ước, mong muốn chứ không phải thật. Đánh phấn tô son hàng giờ trước gương là để tạo khuôn mặt mình muốn. Có chuyện cô gái trông thật xinh đẹp vẫy xích lô từ Chợ Saigon đi xuống Chợ Lớn giữa mùa hè, mồ hôi ra làm trôi son phấn ... Khi tới nơi quay mặt lại trả tiền thì bác đạp xích lô hét lên, ù té chạy mất, vì tưởng gặp ma giữa ban ngày ! Cái mơ ước đầu tiên quỷ đã bày cho con người là mơ ước nên bằng, nên như Thiên Chúa, và đi đường tắt để đạt tới đích : cưỡng lời Thiên Chúa, để tỏ ra mình bằng Thiên Chúa. Kết quả là nên bằng với thằng “cha sự dối trá”.
Lời Thiên Chúa làm nên mọi sự. “Thiên Chúa phán : ‘Hãy có ánh sáng’, liền có ánh sáng.” Với mười lần “phán”, Thiên Chúa đã làm nên cả trời đất và mọi loài. Chỉ có con người được Thiên Chúa tạo thành “giống hình ảnh” của Thiên Chúa [chứ không phải LÀ hình ảnh của Thiên Chúa] mới có thể cưỡng lại Lời Thiên Chúa. Thiên Chúa sai Mô-sê đem MƯỜI LỜI cho vua Pha-ra-ô, mười lần Pha-ra-ô đều cưỡng lại, nên trở thành mười tai họa cho vua và dân. Ở núi Xi-nai Thiên Chúa tuyên bố nhận đám dân hỗn tạp vừa được Người giải thoát khỏi ách nô lệ, làm dân của Thiên Chúa và ban cho họ MƯỜI LỜI để sống làm Dân của Thiên Chúa. Tương lai của họ tùy thuộc họ có làm theo những lời ấy hay không : nếu họ làm theo thì họ sẽ được vào Đất của Thiên Chúa, cưỡng lại thì họ không phải là Dân của Thiên Chúa nữa, nên sẽ không được vào. Khi vào rồi họ vẫn phải tiếp tục làm theo Mười Lời đó để “làm dân của Thiên Chúa”, nếu không thì sẽ bị đuổi ra, sẽ phải lưu đầy xa Đất của Thiên Chúa.
Con người được giao cho hai nhiệm vụ : quản lý những gì Thiên Chúa đã tạo thành và thi hành,làm theo Mười Lời Thiên Chúa đã ban để sống làm dân của Thiên Chúa và được hưởng những gì Thiên Chúa hứa. Lời con người nói thì chỉ bay theo gió, Lời Thiên Chúa thì làm nên mọi sự. Vinh dự của con người là nếu làm theo Lời Thiên Chúa thì cũng làm được điều Thiên Chúa giao cho mình. Thiên Chúa đã hạ mình xuống và nâng con người lên bằng cách đó : lời Thiên Chúa lệ thuộc vào con người, con người được dự phần vào quyền năng của Thiên Chúa bằng cách làm theo Lời Thiên Chúa.
Ngày nay mọi thứ máy móc, dụng cụ đều có bản chỉ dẫn kèm theo. Muốn sử dụng được phải làm theo những chỉ dẫn, vì người chế tạo mới biết và cho biết cách sử dụng. Người ta sẵn sàng tìm người giúp hiểu đúng lời chỉ dẫn, và tuân theo… rất tỉ mỉ. Thế nhưng người ta lại không muốn làm theo lời chỉ dẫn của Thiên Chúa, nhưng muốn làm theo ý mình. “Thiên Chúa biết ta được Người nhồi nắn bằng gì” (Tv 103/102,14) và muốn chúng ta nên như thế nào, mới có thể chỉ dẫn cho chúng ta biết làm thế nào để trở nên chính mình, để làm dân, làm con của Thiên Chúa.
Cuộc xung đột giữa ánh sáng và bóng tối ngay từ lúc tạo thành trời đất thì Thiên Chúa đã giải quyết bằng Lời của Ngài, tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, ngày và đêm phân biệt rõ ràng. Nhưng từ khi tạo dựng nên con người thì Thiên Chúa gặp sự từ chối, chống đối : Thiên Chúa bị từ chối. Thiên Chúa muốn ban cho con người sự sống, thế mà cũng bị từ chối. Từ chối sự sống thì chỉ còn sự chết, cũng như từ chối ánh sáng thì chỉ còn bóng tối. Nhưng Thiên Chúa không ép buộc, cũng không chịu thua, vì Thiên Chúa trung thành với chính mình, không thể rút lại lời hứa ban sự sống. Thua keo này Thiên Chúa bày keo khác. Gởi Lời đến bằng công trình tạo dựng thì con người “mù” hoặc lóa mắt, không nhận ra, tưởng đó là thần và thờ mặt trời, mặt trăng, sao trời ; gởi Lời đến bằng lời loài người qua Môsê và các ngôn sứ, thì con người “điếc” không nghe. Kế sách cuối cùng của Thiên Chúa là gởi Lời đến làm người bằng xương bằng thịt : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Kết quả ra sao ? Có hơn gì không ?
Bên cạnh đó, Thiên Chúa còn gởi một người đến làm chứng cho ánh sáng, cho sự thật, để mọi người nhờ ông mà tin. Kết quả ra sao ? Có hiệu lực không ?
Con người vẫn có thể sáng mắt thính tai, hay mù và điếc “có chọn lựa” ! Thiên Chúa chẳng cưỡng ép được con người, vì đã “lỡ” làm nên con người có tự do chọn lựa, có thể đối diện với Thiên Chúa, có thể đáp lời hay từ chối Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đến làm người, có họ có tên, có nơi sinh, nơi sống ở giữa chúng ta, để nói với chúng ta bằng môi miệng của một con người, bằng tiếng nói và ngôn ngữ của loài người.
Xưa Thiên Chúa ban Mười Lời để người ta sống làm dân của Thiên Chúa và nhờ thế được ở trên đất của Thiên Chúa. Đó mới là bài tập; nay mới là quyết liệt, định đoạt số phận đời đời : Thiên Chúa gởi nguyên khối cả Lời của Người, cốt để cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa giống như Người và được sống đời đời với Người. Nhận hay không, nghĩa là tin hay không. Nhận nghĩa là tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì được quyền trở nên Con Thiên Chúa, được biết Thiên Chúa một cách thiết thân như con biết cha, vì Người là Con Một từ trong lòng Cha đến để kể cho chúng ta. Tất cả vũ trụ nói với chúng ta về Thiên Chúa, “kể cho chúng ta vinh quang của Thiên Chúa” bằng cách phản ánh vinh quang ấy qua vẻ đẹp kỳ diệu. Thiên Chúa sai Mô-sê và các ngôn sứ đến nói lời của Thiên Chúa bằng lời loài người, nhưng chưa bao giờ, và chưa có ai đươc thấy Thiên Chúa. Ông Mô-sê xin được thấy mặt Thiên Chúa, thì Thiên Chúa trả lời không được ! Thấy là chết liền ! (x. Xh 33,18-23).
Ở núi Xi-nai, cả toàn dân của Thiên Chúa, khi nghe tiếng của Thiên Chúa thì cũng run sợ, và yêu cầu ông Mô-sê : “Xin chính ông nói với chúng tôi thì chúng tôi mới dám nghe ; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất !” (x. Xh 20,19).
“Ngôi lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, đây là nỗ lực cuối cùng của Thiên Chúa để ban ơn cho loài người, như lời mở đầu thư Híp-ri diễn tả :
“1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; 2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. 3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. 4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.”
Quả thật, “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16) : tạo dựng là ơn đầu tiên, Lề Luật là ơn ban của Thiên Chúa để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, nay trong Đức Ki-tô Giê-su Thiên Chúa đã ban trọn khối tình yêu và thành tín của người, thành tín thực hiện mọi lời đã hứa từ xưa qua các giai đoạn, và bây giờ thì Thiên Chúa đã cho trọn khối, vì đã ban chính Con Một của Người và ban chính mình Người cùng với Con Một, vì Con Một vốn ở trong lòng Thiên Chúa, không tách rời được. “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống đời đời.” (Ga 3,16).
“Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” : Tạo dựng : “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.” Lề Luật “được ban qua Mô-sê”, là công trình của Lời ; đón nhận và thi hành thì được làm Dân của Thiên Chúa, được vào và sống trên đất của Thiên Chúa. Ân sủng và sự thật thì không phải là công trình của Người, nhưng là chính Người, Con Một của Thiên Chúa. Lời được Cha sai đến, đến bằng xương bằng thịt, để nhờ Người, Cha tự ban chính mình cho loài người chúng ta, vì tin vào Người thì được trở nên anh em của Người, vì được trở nên con Thiên Chúa : “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17).
Ân sủng và sự thật ở đây tương ứng với kiểu nói quen thuộc trong Cựu Ước (tiếng Híp-ri) : “Khe-sét và Emet” ; Khe-sét nghĩa là Tình Yêu : “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi…” và Emet nghĩa là Sự Thật, tức là sự thành tín của Thiên Chúa, Thiên Chúa trung thành giữ lời đã hứa với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp : cho đất và một dòng dõi đông như sao trời cát biển ; sau này có thêm lời hứa cho Đa-vít nữa : cho dòng dõi Đa-vít làm vua muôn đời. Nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, với Người và trong Người, mọi lời hứa đã thành sự thật. Ông Mô-sê chán nản, mệt mỏi xin được chết, cũng thưa : “Ấy là nếu con được ơn nghĩa (Khe-sét) trước mắt Ngài” (Ds 11,15) ; khi năn nỉ Thiên Chúa cùng đi lên với dân, ông cũng nói : ”Nếu không, làm sao người ta biết rằng con và dân Ngài được ơn nghĩa (khe-sét) trước mắt Ngài”, nghĩa là con và dân của Ngài được Ngài thương (Xh 33,16). Sau này khi sứ thần nói với Đức Mẹ : “Bà đã được nghĩa trước mặt Thiên Chúa” (Lc 1,30), nghĩa là Bà được Thiên Chúa thương, chính vì thế “Bà đầy ơn phúc” (Lc 1,28), bà là một khối ơn phúc, vì người Con bà sẽ sinh ra là trọn khối ân tình của Thiên Chúa cho loài người.
PHƯƠNG PHÁP ĐỌC : sự liên hệ mật thiết giữa Lời đã ban qua Mô-sê và các ngôn sứ và Lời do chính Lời hằng hữu đến làm người nói với chúng ta, mở cho chúng ta thấy phải đọc sách Tin Mừng này như thế nào.
Trước hết, đây là một cuốn sách nên phải đọc trong mạch văn của cuốn sách, đừng lẫn lộn với ba sách Tin Mừng kia, kẻo thành ra “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì sẽ rối mù.
Thứ hai là đừng tách ra khỏi mạch văn của toàn thể Sách Thánh : từ Lời đã đến qua Mô-sê và các ngôn sứ tới Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta, từ sách Sáng Thế cho tới sách Khải Huyền của Tân Ước đều do MỘT LỜI, “nhiều thể nhiều cách”, qua nhiều giai đoạn, phối hợp với nhau để đưa ta vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, kế hoạch được vén mở từng bước, bước trước rước bước sau, bước sau tiếp bước trước, giải thích lẫn nhau cách hài hòa, như một bản trường ca của Tình Yêu Thiên Chúa, diễn tả “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Tác giả dẫn chúng ta vào khúc tuyệt đỉnh của bản trường ca ấy, tựa đề là “Ân Sủng và Sự Thật”. Phải mở lòng, mở trí, mở tai, mở mắt mà cảm nếm từng nốt nhạc vang lên đúng trường độ và cả những dấu lặng, cảm nếm sự vang vọng giữa khúc này với khúc khác, như khi nghe một kiệt tác âm nhạc, không có gì là dư, là thừa hay thiếu ở đây. Đừng sửa tác giả. Đừng vẽ rắn thêm chân, kẻo làm hỏng hết kiệt tác đấy !
2. Người làm chứng
Làm chứng là một khái niệm và một chức năng quan trọng bậc nhất trong sách Tin Mừng thứ tư, vì Tin Mừng này muốn đưa chúng ta theo Chúa Giê-su Ki-tô vào trong lòng Thiên Chúa Cha, nơi Người vẫn ở tự đời đời, từ trước khi có trời đất, và Người đến làm người, cư ngụ giữa chúng ta trên mặt đất này, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, để khi “bỏ thế gian mà về cùng Cha” thì đưa chúng ta vào trong lòng Chúa Cha cùng với Người : “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, rồi Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu thì anh em cũng được ở đó với Thầy” (Ga 14,3).
Nội dung của Tin Mừng là Thiên Chúa bày tỏ tột đỉnh Tình Yêu của Ngài đối với loài người chúng ta. “Thiên Chúa thì chưa có ai thấy bao giờ”. Chỉ có Con Một vốn ở trong lòng Cha mà đến mới có thể kể ra cho chúng ta, kể bằng chính bản thân, bằng lời nói và việc làm, bằng chính cuộc sống và chính mạng sống của Ngài nữa. Người làm chứng là người đem tính mạng của mình để bảo đảm rằng lời mình nói là đúng sự thật. Từ Hy-lạp và La-tinh “MARTYR” mà chúng ta dịch là TỬ VÌ ĐẠO, thì ý nghĩa chung của nó là “người làm chứng”. Áp dụng vào người đem mạng sống của mình ra làm chứng về đức tin, chúng ta gọi là “tử vì đạo”.
Con Một Thiên Chúa đã nên một trong chúng ta để kể cho chúng ta về Thiên Chúa, Cha của Ngài và Cha của chúng ta, mà loài người chúng ta chưa ai được thấy, nên chúng ta tin là nhờ vào lời của Ngài thôi, vì thế Ngài là người làm chứng. Chúa Cha làm chứng về Ngài bằng cách cho Ngài quyền năng để làm những việc sức loài người không thể làm được, Ngài làm chứng về Chúa Cha và tình yêu của Chúa Cha bằng cách nói những lời Chúa Cha dạy Ngài nói và làm những việc Chúa Cha dạy Ngài làm (x. Ga 5,19-20), cuối cùng bằng cách thí mạng sống mình để chứng tỏ Ngài yêu mến Chúa Cha và yêu mến chúng ta.
Có một người Thiên Chúa sai đến làm chứng về Chúa Giê-su để mọi người nhờ ông mà tin rằng Chúa Giê-su quả là Đấng Thiên Chúa sai đến, đó là ông Gio-an Tẩy Giả. Ông cũng đã làm chứng bằng chính mạng sống của mình. “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”, tới số không, “dê-rô” ! (x. Ga 3,30).
Mấy môn đệ của ông Gio-an trở thành những người đầu tiên đã tin vào Chúa Giê-su và trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su (x. Ga 1,36-39). Trước khi Chúa Giê-su bị nộp, vì giờ của Ngài chưa đến, Ngài lánh về nơi ông Gio-an đã làm chứng về Ngài, ở Bê-ta-ni-a bên kia sông Gio-đan, thì chúng ta được biết ở đó “Họ bảo nhau : ‘Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng’. Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.” (Ga 10,41-42).
Tác giả: Nguyễn Công Đoan S.J.
Nguồn : ktcgkpv.org