Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 108 và 109

Thứ bảy - 10/03/2018 02:56  4198
Tuần 108: CÁC THƯ CỦA THÁNH GIOAN

THƯ 1 GIOAN

Lá thư không cho biết tên tác giả nhưng ngôn ngữ sử dụng cũng như những điểm nhấn thần học rất giống với Tin Mừng thứ tư. Có lẽ lá thư đã được biên soạn vào thời kỳ muộn hơn so với Tin Mừng thứ tư, khi các đối thủ của Giáo Hội không chỉ là những người bên ngoài mà là những người ở trong Giáo Hội. Các nhà chú giải cho rằng lá thư này được viết khoảng năm 100. Một vài học giả nghĩ rằng tác giả lá thư này cũng chính là người đã viết chương 21 trong Tin Mừng thứ tư.

Lý do lá thư được biên soạn có thể tìm thấy ở 2,19: “Chúng xuất thân từ hàng ngũ của chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta, vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai cũng là người của chúng ta”. Câu này cho thấy sự chia rẽ trong cộng đoàn và là sự chia rẽ trầm trọng đến độ tác giả nói đến thứ tội không đưa đến cái chết, và lại có “thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy” (5,16). Đó là “những kẻ tìm cách làm cho anh em đi lạc đường” (2,26), những tiên tri giả (4,1), những kẻ không mang nơi mình thần khí dẫn đến sự thật nhưng là thứ “thần khí làm cho sai lầm” (4,6).

Chủ đề chính của lá thư là bản tính và công trình của Đức Giêsu Kitô. Tác giả nhấn mạnh Đức Giêsu là Đấng Kitô: “Ai là kẻ dối trá nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô? Kẻ ấy là tên Phản Kitô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con” (2,22); “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra” (5,1). Đấng ấy đã đến trong xác phàm: “Căn cứ vào điều này mà anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên xác phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa” (4,2). Người là Đấng Cứu độ (3,16; 4,14), đã dâng mình làm của lễ đền tội chúng ta: “Nếu chúng ta đi trong ánh sáng, cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Ngài, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1,7; 4,10). Người là Con Thiên Chúa: “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy ở lại trong Thiên Chúa” (4,15; 5,5; 10,11-13). Người là Đấng đã đến không chỉ trong nước mà thôi nhưng trong nước và máu (5,6).

Sự kiện tác giả nhấn mạnh chủ đề này cho phép chúng ta suy đoán rằng lúc ấy, trong cộng đoàn, có những người không nhìn nhận nhân tính nơi Chúa Giêsu và công trình cứu độ của Người. Đọc lại lịch sử Giáo Hội, không lâu sau đó, Cêrintô chủ trương Đức Kitô siêu nhiên đã ngự xuống con người Giêsu vào dịp chịu Phép Rửa, để Giêsu mạc khải Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ công khai, rồi trước khi ngài qua đời thì Đấng Kitô siêu nhiên rời khỏi con người Giêsu. Nếu những đối thủ của thư 1 Gioan chưa đi đến lập trường rõ ràng như Cêrintô thì họ cũng đang trên đường đi đến đó. Chính vì thế, thư 1 Gioan nhấn mạnh đến xác phàm, sự chết, công trình cứu độ, lễ dâng đền tội cho cả thế gian.

Về đời sống luân lý, thư 1 Gioan trình bày giáo huấn đơn giản, tập trung vào hai từ: Tin và Yêu. Tác giả nhấn mạnh rằng những gì các tín hữu tin là những điều đã được rao giảng từ ban đầu: “Ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em” (2,24; 3,11). Đồng thời chúng ta chỉ có thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta yêu thương nhau. Tất cả những giáo huấn này được tóm lại trong một câu: “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (3,23).

NGUỒN MẠCH ĐỨC ÁI (4, 7-21)

Thiên Chúa là Tình Yêu (4,8.16) và Ngài đã yêu thương chúng ta trước (4, 10.16.19). Ở 1,5, “Thiên Chúa là ánh sáng”; ở đây, “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Thiên Chúa là Tình Yêu, không phải cách trừu tượng nhưng là trong ánh sáng, qua những hoạt động cụ thể của Ngài. Ngài tạo dựng, cứu độ, xét xử, tất cả là do tình yêu và trong tình yêu.

Tình yêu của Chúa được thể hiện qua việc ban tặng Người Con làm Đấng Cứu độ: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (4,9); “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng Cứu độ thế gian” (4,14). Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta dường ấy, nên chúng ta phải yêu thương nhau: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (4,12). Chỉ khi chúng ta yêu thương tha nhân hữu hình, thì mới có thể yêu Thiên Chúa vô hình: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em họ trông thấy, thì không thể yêu mến Đấng Thiên Chúa mà họ không thấy” (4,20).

Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu chúng ta dành cho Chúa cũng như cho nhau khiến ta bước đi trong an vui, không sợ hãi: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; tình yêu hoàn hảo loại trừ sự sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (4,18). Ngược lại, người không yêu thương thì chẳng biết gì về Thiên Chúa: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (4,8).

 

Tuần 109 KHẢI HUYỀN (Chương 1-11)

TỔNG QUÁT

Từ thời tiên tri Daniel vào cuối Cựu Ước cho đến thời sách Khải Huyền trong Tân ước, người ta thấy xuất hiện nhiều loại văn bản trình bày các thị kiến. Như thế, các đọc giả vào thời đó đã quen với lối văn này, đang khi thể văn này lại xa lạ với chúng ta ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Cũng vì thế, sách Khải Huyền có nguy cơ bị vận dụng để trình bày những ý tưởng và quan điểm không phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, vd. loan báo ngày tận thế đã gần kề, kể cả địa điểm và ngày giờ chính xác! Điều lạ là đã nhiều lần loan báo sai nhưng vẫn tiếp tục thu hút được nhiều người tin theo!

Cả sách Daniel và sách Khải Huyền đều được biên soạn nhằm gửi đến cộng đoàn tín hữu đang bị bách hại. Vào thời sách Daniel được viết ra, đế quốc Syria đang thống trị đất Palestina và họ ép buộc dân phải từ bỏ Do thái giáo. Nhiều người đã bị giết vì không tuân theo. Suy tư về ý nghĩa của những hi sinh này đã dẫn đến chỗ hình thành nền thần học về tử đạo, nhìn máu của các vị tử đạo như giá chuộc cho tội lỗi của những người Do thái đã không dám trung thành với tôn giáo của cha ông. Nền thần học này cũng góp phần quan trọng trong Kitô giáo thời sơ khai khi giải thích về ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu. Đó là cái chết cứu độ, chuộc tội cho toàn thế giới. Vì thế, sách Khải Huyền mô tả Chúa Giêsu như vị tử đạo (chứng nhân) trung tín, và tác giả mượn những hình ảnh trong sách Daniel về các vị tử đạo để khuyến khích các Kitô hữu giữ vững can trường trong cơn bách hại. Cũng như vua Antiôkô đã thất bại trong việc tiêu diệt Do thái giáo, thì con thú dữ thời mới là đế quốc Rôma cũng sẽ thất bại trong tính toán của nó nhằm tiêu diệt các Kitô hữu. Hãy để ý hình ảnh trong sách Daniel về “một ai đó giống như Con Người” đang tiến đến ngai toà Thiên Chúa (chương 7). Trong sách Daniel, hình ảnh Con Người nhận quyền thống trị trên toàn thế giới muốn nói đến các vị tử đạo của Israel, nhưng sách Khải Huyền lại áp dụng hình ảnh này cho Chúa Giêsu.

Như thế, đâu là những sứ điệp quan trọng mà sách Khải Huyền muốn trao gửi ?

Trước hết, sách Khải Huyền được gửi đến cộng đoàn tín hữu đang bị bách hại. Câu hỏi lớn nhất là làm sao sống đức tin Kitô giáo trong một môi trường thù nghịch như thế? Vào thời sách Khải Huyền được biên soạn, môi trường thù nghịch là sự bắt bớ và bách hại của đế quốc Rôma đối với các Kitô hữu. Ngày nay, có thể không còn sự bắt bớ và bách hại như thế nhưng không có nghĩa là môi trường sống hôm nay hoàn toàn thuận lợi cho các Kitô hữu. Hãy thử nhìn vào cuộc sống xã hội, kể cả đường lối của các nhà cầm quyền, xem có phù hợp với những giá trị Phúc âm không. Cách nào đó, ta vẫn phải sống trong môi trường thù nghịch với Phúc âm, và vì thế, sứ điệp của sách Khải Huyền vẫn còn thiết thực cho ta.

Không những để bảo toàn đức tin, sách Khải Huyền còn thúc bách ta làm chứng cho đức tin. Làm chứng bằng cuộc sống trung tín với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Trong thời đại ngày nay, ta còn cần phải làm chứng bằng cách cho người khác biết lý do tại sao ta tin và hi vọng. Muốn như thế, chính mình phải không ngừng đào sâu đức tin về mặt thiêng liêng cũng như về mặt tri thức.

Cuối cùng, sách Khải Huyền thúc đẩy chúng ta giã từ sự bi quan để bước đi trong niềm lạc quan được xây dựng vững chắc trên cơ sở đức tin và đức cậy. Đối diện với những cái ác dường như đang tràn ngập trong đời, như bao người khác, ta cũng dễ rơi vào thái độ bi quan vì nghĩ rằng mọi sự đã được an bài, không thể thay đổi điều gì; từ đó rơi vào thái độ bi quan, thất vọng. Thế nhưng Kitô hữu đích thực là người xác tín rằng Chúa Kitô đã chiến thắng tử thần, và tiếng nói cuối cùng không phải là sự chết mà là sự sống, không phải hận thù mà là tình yêu, vì thế ngay giữa những thử thách và đau thương của cuộc sống, người Kitô hữu được mời gọi bước tới trong tin tưởng và cậy trông : Marana tha, Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.

THƯ CHO CÁC GIÁO HỘI (1,9 – 3,22)

Trong phần này, có 7 lá thư cho 7 giáo hội : Ephêsô (2, 1-7), Smyrna (2, 8-11), Pergamô (2, 12-17), Thyatira (2, 18-29), Sardis (3, 1-6), Philadelphia (3, 7-13), Laođicêa (3,14-22). Mỗi thư đều được trình bày theo cấu trúc tương tự :
1. Lệnh phải viết : “Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh …”
2. Công thức trình bày Chúa Giêsu như Đấng ban sứ điệp : “Đây là lời của Đấng …”
3. Phần chính khởi đầu bằng lời “Ta biết” với những yếu tố chính : “Ta biết” tình hình của cộng đoàn – “Nhưng Ta chống lại ngươi…” – Mệnh lệnh hoán cải – Lời hứa và khuyến khích.
4. Kêu gọi hãy nghe : “Ai có tai thì hãy nghe…”
5. Phần thưởng cho người chiến thắng.

Trong sách Khải Huyền, số 7 mang tính biểu tượng. Một vài tác giả cổ xưa giải thích số 7 tượng trưng cho 7 hành tinh. Hoàng đế Rôma được mô tả như người nắm giữ 7 ngôi sao (7 hành tinh), diễn tả quyền thống trị phổ quát. Do đó, hình ảnh Chúa Giêsu cầm 7 ngôi sao (1,16) diễn tả quyền thống trị của Chúa, đồng thời là một thách thức với quyền bính của hoàng đế Rôma lúc đó. Trong văn mạch của chương I Khải Huyền, số 7 ở đây nói đến 7 giáo hội (câu 20).

Khi trình bày về Chúa Giêsu, tác giả vận dụng nhiều hình ảnh trong Cựu Ước để làm nổi bật thần tính và quyền bính của Chúa, đặc biệt là hình ảnh Con Người trong Daniel 7,13-14 và hình ảnh Thiên Chúa, Vị Trưởng Lão, trong Daniel 7,9-10. Những hình ảnh này muốn nhấn mạnh Chúa Giêsu là Đấng thuộc thiên giới, Người vừa là nguồn mạc khải vừa thống trị toàn thể vũ trụ. Lưỡi gươm phóng ra từ miệng Người (1,16) có lẽ ám chỉ lưỡi gươm Lời Chúa (x. Is 49,2).

Phản ứng đầu tiên của tác giả là sợ hãi, cũng là phản ứng được nhấn mạnh trong nhiều thị kiến Cựu Ước (Is 6,5; Ez 1,28 Daniel 8,18). Sau đó là sự trấn an : “Đừng sợ. Ta là Đầu và là Cuối… Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thưở muôn đời”. Chủ đề Sống – Chết là chủ đề xuyên suốt sách Khải Huyền. Chúa Giêsu đã chết nhưng nay Người sống. Còn những kẻ bất trung có thể đang sống nhưng sau này sẽ chết khi bị kết án. Nếu người Kitô hữu xác tín rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô đã đảo lộn hai cực sống chết (sống thành chết – chết thành sống) thì chúng ta sẽ thoát được nỗi âu lo sợ hãi. Điều quan trọng là trung tín với Đấng đã chết nhưng nay đang sống và là Đấng Hằng Sống.

Mặc dù những lá thư được gửi đến cho những cộng đoàn cụ thể nhưng thật ra những vấn đề được đề cập đến ở đây là những vấn đề chung cho toàn thể Giáo Hội cũng như cho đời sống thiêng liêng của mỗi Kitô hữu. Vì thế, đọc lại từng lá thư để khám phá những khuyết điểm của mình mà sửa đổi là điều rất hữu ích.

Những khuyết điểm cần cảnh giác :
– Đánh mất tình yêu thuở ban đầu (2,4)
– Sợ đau khổ (2,10)
– Chạy theo lề thói ngoại giáo (2,14)
– Gian dâm và ăn đồ cúng (2,20)
– Đang sống mà thực ra đã chết (3,1)
– Dối trá (3,9)
– Chẳng nóng chẳng lạnh (3,16)

BẢY ẤN (4,1 – 8,5) và BẢY TIẾNG KÈN (8,6 – 11,19)

Trong phần này, có rất nhiều thị kiến chồng chéo lên nhau. Điều cần ghi nhận là theo quan điểm của tác giả cũng như đọc giả lúc đó, tất cả những thị kiến này đã được thực hiện rồi. Khi trình bày các thị kiến, tác giả không nhắm mục đích tiên báo những biến cố lịch sử sẽ xẩy ra vào thời đại sau này. Vì thế, nên tránh sử dụng những hình ảnh và thị kiến này để giải thích những biến cố trong thời hiện tại. Sách Khải Huyền chỉ muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng : Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử và chính Ngài sẽ xét xử mọi sự. Chân lý đó đã được thực hiện trong thời của tác giả và chân lý ấy vẫn mãi trường tồn, bất kể lịch sử nhân loại diễn tiến ra sao. Vì thế, điều quan trọng là trong mọi hoàn cảnh, hãy giữ niềm trung tín với Thiên Chúa.

 

ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm

nguồn: Web TGP Sài Gòn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập143
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm97
  • Hôm nay19,452
  • Tháng hiện tại673,966
  • Tổng lượt truy cập52,842,914

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây