KITÔ GIÁO VÀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ?
Kitô giáo từ lâu đã cho rằng đức tin của chúng ta là điều hữu lý. Từ việc nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa cho đến cách sử dụng đúng đắn tính dục, lý trí con người một lần nữa mạnh mẽ khẳng định những xác tín sâu xa nhất của chúng ta trong tư cách là người Công giáo. Không chỉ Kitô hữu chúng ta mới cần khả năng trình bày niềm tin của mình một cách hợp lý, nhưng khi xã hội hôm nay lún sâu vào chủ nghĩa thế tục, nó buộc chúng ta phải có khả năng chứng tỏ hiểu biết truyền thống về luân lý và đời sống gia đình không đơn giản là “những ý niệm tôn giáo cổ hủ”, nhưng đó là điều chân thật có thể chứng minh cho bất kỳ ai muốn sử dụng lý trí sống theo tự nhiên. Đây là nơi mà triết học và nhất là triết học Khắc kỷ luôn có giá trị đối với Kitô hữu.
Vào thế kỷ II, thánh Justinô Tử đạo đã lý giải, “Trong triết học đạo đức, những người theo phái Khắc kỷ đã thiết lập những nguyên tắc đúng đắn, và các thi sĩ cũng đã diễn giải như thế, bởi vì hạt giống của Ngôi Lời đã được gieo vào toàn thể nhân loại” (Hộ Giáo, quyển 2, chương VIII, 1). Tư tưởng này đưa tôi đến cuốn sách mới của một người bạn, Tiến sĩ Kevin Vost, The Porch and the Cross: Ancient Stoic Wisdom for Modern Christian Living (Cổng vòm và Thập giá: Sự khôn ngoan của phái Khắc kỷ cổ đại đối với đời sống Kitô hữu hiện đại). Tôi vô cùng vui mừng khi biết Nhà xuất bản Angelico đã chấp nhận cuốn sách của Tiến sĩ K. Vost như là bổ túc lý tưởng cho tác phẩm chú giải Kinh thánh của tôi, The Epistle to the Hebrews and the Seven Core Beliefs of Catholics (Thư gửi tín hữu Hípri và bảy niềm tin cốt lõi của người Công giáo).
Trong tác phẩm The Porch and the Cross, Tiến sĩ Vost giới thiệu cho chúng ta cuộc đời, lời dạy và di sản của bốn trong số các triết gia Khắc Kỷ ảnh hưởng nhất là Musonius Rufus (20/30–101), Epictetus (50–130), Seneca (khoảng 4 tCN–65) và Hoàng đế Rôma Marcus Aurelius (121–180). (Điều ngạc nhiên là có hai người sống cùng thời với Chúa Giêsu; chúng ta thậm chí còn đọc thấy anh trai của Seneca là Gallio, một nhân vật trong sách Công vụ (18,12–27!). Trừ khi bạn đã biết nhiều về phái Khắc kỷ, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ ngạc nhiên như tôi về những gì bạn khám phá trong cuốn sách này.
Cho phép tôi theo sự dẫn dắt của Tiến sĩ Vost và bắt đầu với Musonius Rufus. Triết gia này là một nhà hoạt động “ủng hộ sự sống” ở thế kỷ I! Ông không chỉ công khai phản đối trò võ sĩ giác đấu ở Athens, mà còn tán dương các luật xa xưa cấm phá thai và tránh thai. Ông dạy rằng hôn nhân là sự kết hợp tự nhiên của một người nam và một người nữ, bắt đầu vẻ đẹp của một tình bạn suốt đời và chào đón những sự sống mới (hy vọng là thật nhiều sự sống mới) cho thế giới. Cha mẹ, chứ không phải là lối sống vô định, có trách nhiệm giáo dục con cái – cách bình đẳng dù là con trai hay con gái (vì cả hai đều sở hữu năng lực lý trí như nhau).
Sau đó Tiến sĩ Vost trình bày cho chúng ta niềm tự hào của phái Khắc kỷ, Epictetus – người nô lệ (chính tên ông có nghĩa là “có được”). Ông được tự do và nổi lên thành một triết gia đúng nghĩa. Epictetus dạy rằng hạnh phúc con người hệ tại nơi tự do nội tâm, bất kể ở bậc sống nào. Chính những gì chúng ta nói với chính mình, chứ không phải hoàn cảnh, sẽ quyết định cảm xúc và hành động của chúng ta; và chính mục đích luân lý phân biệt chúng ta với loài vật. Ông đưa ra những phương thế thực hành để thăng tiến nhân đức và chống lại những điều mà các Kitô hữu gọi là bảy mối tội đầu. Có gì ngạc nhiên khi cuốn Handbook (Cẩm nang thư [Enchiridion] – tóm lược những lời giảng dạy) của ông được hiệu đính để sử dụng trong các tu viện Kitô giáo? Hơn nữa, những nhận định sâu sắc của Epictetus đã làm cơ sở cho Liệu pháp cảm xúc hợp lý (rational-emotive therapy) và Liệu pháp nhận thức (cognitive therapy) của hai nhà Tâm lý trị liệu Albert Ellis và Aaron Beck.
Tôi còn hai triết gia Khắc kỷ chưa nói đến: Seneca và Marcus Aurelius. Về Seneca, tôi chỉ xin lưu ý rằng những châm ngôn của ông đã được các tu sĩ dòng Đaminh thời kỳ đầu đặc biệt yêu thích và thánh Tôma Aquinô đã nhiều lần sử dụng khi ca ngợi các nhân đức trong bộ Tổng luận Thần học (Liệu có sự chứng thực nào mạnh mẽ hơn?). Tiến sĩ Vost đã có những chương thực sự đầy cảm hứng khi viết về Marcus Aurelius – một vị hoàng đế Rôma, sống đơn giản, giữ khiết tịnh trong đời sống hôn nhân, và tin rằng mọi người dù ở địa vị nào trong cuộc sống đều có phẩm giá. Bạn hãy tự mình nghe những lời của triết gia hoàng đế này như sau: “Triết lý của tôi là giữ cho đốm lửa sống động trong bạn không bị tổn thương, hủy hoại, mà dùng nó để vượt lên những nỗi sướng khổ, làm mọi việc có chủ đích, tránh dối trá và giả hình, không phụ thuộc vào hành động hoặc thất bại của người khác. Hãy chấp nhận mọi thứ xảy đến và được ban tặng, như chúng đến từ cùng một cội nguồn thiêng liêng” (Suy niệm, II, 17). Chính ân sủng của Đức Kitô giúp chúng ta có thể làm được điều đó!
Dù người theo phái Khắc kỷ có những điểm yếu nhưng các Kitô hữu luôn nhìn nhận họ là những đồng minh văn hóa có sức ảnh hưởng mạnh trong việc diễn giải một nền đạo đức bắt nguồn từ luật tự nhiên và sự ghi khắc của nhân đức. Cuốn The Porch and the Cross: Ancient Stoic Wisdom for Modern Christian Living (Angelico Press, 2016) của Tiến sĩ Kenvin Vost như một lời nhắc nhở rất cần thiết rằng Kitô giáo, và đặc biệt là Công giáo, luôn coi trọng di sản từ người Do Thái và dân ngoại của mình: Chúng ta đón nhận Mặc khải và triết học, đức tin và lý trí – tất cả đều phục vụ Đức Kitô, Chân lý nhập thể.