Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI
Cha John Taneburgo | Dòng Thừa Sai Comboni
Trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ý muốn của Cha là tất cả mọi người được cứu độ.
Trong lời nguyện cá nhân và cộng đoàn, chúng ta thường xuyên kêu xin Thiên Chúa là Cha: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Tuy nhiên, có bao nhiêu Kitô hữu hiểu sai ý muốn của Thiên Chúa? Tôi nhớ một bà đạo đức và tốt lành một ngày nọ đã nói với tôi rằng: ‘Thông thường, khi con cầu xin “ý cha thể hiện…”, những suy nghĩ xấu xuất hiện trong tâm trí khiến con sao lãng. Đâu ai biết được Thiên Chúa sẽ gửi đến thử thách gì trên đường đời? Con sẽ được mời gọi chịu đựng đau khổ nào đây?’ Bà thật tội nghiệp! Tôi cố gắng an ủi và bảo bà rằng Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt cho chúng ta.
Thật vậy, trong Kinh thánh, Thiên Chúa không bao giờ có ý làm buồn lòng, trừng phạt hay làm xấu hổ con cái Ngài, ngay cả đó là sự hy sinh. Ngài luôn muốn thăng tiến, phục hồi sức khỏe và khuyến khích họ trên hành trình cuộc sống khi đương đầu với những khó khăn, thậm chí thất bại.
Mọi người được cứu độ
Sách Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 591 viết rằng: “Ý muốn của Cha chúng ta là ‘tất cả mọi người được cứu độ’ (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn cách trọn hảo ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Cha kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn của Con Ngài, theo gương của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của tình yêu nhân hậu của Chúa được thực hiện trọn vẹn dưới đất cũng như trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể ‘nhận ra ý muốn của Thiên Chúa’ (Rm 12,2) và “kiên trì thi hành thánh ý [Ngài] (Hr 10,36)”.
Chúng ta cần cả đời để biết sống, để trở thành những con người của Nước Trời, cũng như uốn lòng mình theo ý Thiên Chúa. Vì thế chúng ta nguyện xin Cha trên trời giúp chúng ta có thể hiểu được ý Ngài và can đảm đem ra thực hành ngay cả khi ý Thiên Chúa bao gồm thập giá Chúa Phục Sinh.
Trong suốt dòng dịch sử, loài người đã khó khăn biết bao để làm cho ý Thiên Chúa triển nở trong đời sống. Thật vậy, lịch sử loài người có thể được xem như một cuộc tranh giành tự do chống lại mọi giới hạn:
- Tự do trước Thiên Chúa khi xem Ngài là Đấng giới hạn, hạ giá và cản trở tự do đang mở ra cho con người.
- Tự do bằng mọi giá khi con người quên rằng tự do có những giới hạn bởi vì họ là con người đồng thời là thành viên của một xã hội có luật lệ hạn chế tự do.
- Tự do bất chấp khi con người thay vì tôn trọng thiên nhiên, đã lạm dụng ngôi nhà chung của chúng ta và quá tham lam khi khai thác đất đai.
- Tự do chống lại người khác khi con người không tôn trọng anh chị em, đánh cắp tự do và vẻ đẹp, cũng như xúc phạm phẩm giá của họ.
Sinh ra với cùng một phẩm giá
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã làm hết sức để mọi Kitô hữu và tất cả những ai thiện chí thức tỉnh và sống trong tự do đích thực, trong sự hiệp thông với nhau, đặc biệt là với người nghèo và bị bỏ rơi. Trong Thông điệp về Tình huynh đệ và Tình bằng hữu xã hội (Fratelli Tutti – Hỡi tất cả anh em) số 118, ngài nói rằng: “Thế giới hiện hữu là để cho mọi người, vì tất cả chúng ta đều là những nhân vị được sinh ra trên trái đất này với cùng một phẩm giá. Sự khác biệt về màu da, tôn giáo, khả năng, quê quán, nơi cư trú, và biết bao điều khác nữa, đều không thể được coi là ưu tiên hoặc được dùng để biện minh cho đặc quyền của một số người gây thiệt thòi cho mọi người khác. Do đó, với tư cách là một cộng đồng, chúng ta có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người được sống với phẩm giá và có những cơ hội thích đáng để phát triển toàn diện”. (Bản dịch HĐGM Việt Nam)
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho chúng ta có thể thực hiện ý Chúa ngay trên trần gian này cũng như ở trên trời – một thế giới khác của những thực tại vô hình mà chúng ta hướng tới (2 Cr 4,18), và nơi đó Thiên Chúa hoàn toàn ngự trị với tình yêu thương xót của Ngài. Đương nhiên, trong khi cầu nguyện, chúng ta cam kết thực thi ý Thiên Chúa để biến đổi thế giới này.
Nguyện xin Đức Maria, Đấng mà Đức Phanxicô đã gọi là Người Nữ của tiếng “Xin vâng” hoàn toàn theo ý Chúa, giúp chúng ta theo gương Mẹ và nói lời xin vâng thánh ý Chúa trên hành trình dương thế này.