Niềm trông cậy cho kẻ chết? - Kỳ 2

Thứ ba - 23/11/2021 02:51  1369

ĐỨC CẬY TỒN TẠI
 
Michael Downey

ĐỨC CẬY CÓ TIẾP TỤC TỒN TẠI KHÔNG?
Liệu chúng ta vẫn còn trông cậy sau khi trút hơi thở cuối cùng? Một lần nữa, tư tưởng của Cha Rahner sẽ giúp chúng ta. Cha bắt đầu phân biệt đức cậy đối thần với niềm hy vọng tự bản chất, tức động năng hy vọng cơ bản của con người. Cha tự hỏi tại sao theo truyền thống có ba nhân đức đối thần trong khi phương thức Thiên Chúa tự thông truyền có hai phần. Chúng ta được tạo dựng với khả năng tự siêu việt nhờ phương thức kép là hiểu biết và tình yêu, tương ứng với bộ đôi cách thức tự thông truyền của Thiên Chúa trong Ngôi Lời và Thần Khí. Do đó, Cha Rahner không cho rằng đức cậy là một nhân đức đối thần thứ ba riêng biệt, nằm giữa đức tin và đức mến. Vậy nếu không phải là một nhân đức riêng biệt, dẫu đôi khi bị lãng quên giữa đức tin và đức mến, thì đức cậy là gì?

Với Cha Rahner, đức cậy là lực thúc đẩy nâng đỡ chúng ta luôn ở vị thế lữ hành (in via). Nó là khuynh hướng thường hằng, là nền tảng tri ​​thức và tình yêu năng động, sẵn sàng đón nhận mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa qua hành vi hiểu biết và yêu thương. Tuy nhiên, cách hiểu của Cha Rahner về đức cậy quan trọng ở chỗ: chúng ta không thể chiếm hữu vị Thiên Chúa mà chúng ta tìm kiếm và cố gắng bằng tất cả sự hiểu biết và tình yêu. Bởi vì cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua tri thức và tình yêu có sức cứu độ mà ơn cứu độ thì đang tiếp tục và chưa hoàn tất nên chúng ta không thể sở hữu. Chính vì không ngừng hướng về mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa nên đức cậy không bao giờ chấm dứt.

Rõ ràng quan niệm này khác biệt với đa số cách diễn đạt đức cậy của các nhà thần học Công giáo. Chỉ cần lấy một ví dụ, thánh Tôma Aquinô cho rằng đức cậy không tồn tại khi hưởng phúc kiến, bởi khi đó đã đạt được điều người ta trông cậy. Tư tưởng này không chỉ ảnh hưởng đến phần lớn truyền thống thần học Công giáo Rôma, mà cũng không ngạc nhiên khi nó đi vào dòng chảy truyền thống xuyên suốt các tác phẩm tu đức và thần bí. Rõ ràng, đức cậy chấm dứt khi chết.

Diễn đạt cách đơn giản, nhận định của Cha Rahner là đức tin của chúng ta là tin vào Thiên Chúa – là Cha, Con/Ngôi Lời và Thánh Thần. Đức mến đối với Thiên Chúa được thể hiện qua lòng mến đối với tha nhân. Nhưng bản chất của đức cậy thì khác, nó có tương quan gần hơn và trực tiếp hơn giữa con người với Thiên Chúa. Đức cậy thì căn bản và nền tảng hơn. Trong khi đức tin là tin vào Thiên Chúa và đức mến là yêu mến đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, thì đức cậy là trông cậy Thiên Chúa.

Đức cậy sẽ ra sao khi điều tôi đã xác định bằng đức tin không còn có thể tin nữa? Điều gì xảy ra cho đức cậy khi đức tin đã tan vỡ, khi niềm tin của một người vào những điều phải tin đã vỡ vụn? Không có đức tin, đức cậy làm sao có thể neo đậu? Nếu niềm tin vào vị Thiên Chúa toàn thiện, toàn tri, toàn năng gặp phải sự tàn khốc của đau khổ và đau đớn của con người, thì đức cậy có bị vứt bỏ cùng với niềm tin tan nát và vỡ vụn vào vị Thiên Chúa đó hay không?

Một lần nữa chúng ta được Cha Rahner gợi ý là đức cậy vẫn còn ngay cả khi chúng ta đánh mất niềm tin vào “điều gì” hay “đấng nào”, ngay cả khi chúng ta cảm thấy không còn có thể yêu mến đối tượng hay đấng đón nhận tình yêu của chúng ta. Thậm chí, khi đó đức cậy vẫn còn.

Chính khi yếu đức tin, ngay cả khi mất đức tin, mà chúng ta khám phá ra ý nghĩa sâu xa nhất của đức cậy. Đức cậy sâu xa nhất vẫn còn dù nó không nhận được sự an ủi nào. Đức cậy đích thực không phải lúc nào cũng tìm được những điều bảo đảm Thiên Chúa đang kề cận, đức cậy cũng không cố gắng xác định xem Thiên Chúa sẽ quan phòng rõ ràng như thế nào trong cuộc sống của mình, của tha nhân hay thế giới nói chung. Thậm chí, đức cậy có thể thách thức những giải thích truyền thống về ý muốn của Thiên Chúa. Nhờ đức cậy, chúng ta vượt qua sai lầm của việc che dấu hay im lặng đối với việc Thiên Chúa không hiện hữu. Đức cậy vẫn mở ra với tất cả những bày tỏ mới mẻ và thường gây ngạc nhiên của sự sống thần linh, thậm chí, mở ra với sự hiện diện của Thiên Chúa mà con người có thể nhận biết trong kinh nghiệm thiếu vắng hay hoàn toàn đêm tối. Chỉ có đức cậy mới bám víu vào Thiên Chúa sau khi Ngài rời xa chúng ta – hay đúng hơn là chúng ta rời xa Ngài? Đức cậy biết rằng đằng sau Thiên Chúa thì chẳng có gì khác ngoài Ngài.

NIỀM TRÔNG CẬY BÊN KIA CÁI CHẾT
Vậy đức cậy sẽ ra sao khi ở bên kia nấm mồ? Nó vẫn còn tồn tại. Với quan điểm của Cha Rahner, tách khỏi thánh Tôma Aquinô và dòng chảy truyền thống Công giáo, chúng ta thấy rằng ở bất cứ tình trạng nào của sự sống bên kia cái chết, thì đức cậy vẫn có đó. Khai triển rộng hơn quan điểm của Cha Rahner, thì ngay cả với những người chưa tận hưởng những gì được cho là hạnh phúc thiên đàng, họ vẫn tiếp tục trông cậy. Và chính niềm trông cậy này – vẫn tồn tại giữa những kẻ chết – là lối mở ra để Thiên Chúa chạm tới, để Đức Kitô đi xuống tận đáy vực thẳm, đến địa ngục.

Chúng ta không nên phóng đại sự khác biệt giữa Cha Rahner và thánh Tôma về khía cạnh tiếp tục tồn tại của đức cậy. Trả lời cho câu hỏi có phải những người trong luyện ngục muốn đau khổ, thánh Tôma khẳng định sự đau khổ của họ là tự nguyện, vì nếu họ không biết rằng mình sẽ được giải thoát, họ sẽ không nài xin lời cầu nguyện như họ vẫn thường làm. Điều này cho thấy những linh hồn “đang ở luyện ngục” thực sự trông cậy, nếu không, họ sẽ không nài xin lời cầu nguyện của những người sống.

Hơn nữa, đọc kỹ các tác phẩm của thánh Tôma về các bí tích cho chúng ta một cách hiểu tinh tế hơn về đức cậy vào giờ chết và bên kia cái chết. Hãy nhớ rằng bí tích Thánh Thể là bí tích chính yếu để chữa lành và biến đổi. Trong quyển Commentary on Book IV of the Sentences (Chú giải quyển IV của các Luận đề Thần học), thánh Tôma mô tả thực tại tối hậu biểu thị (res) của bí tích Thánh Thể là sự biến đổi con người thành Thiên Chúa (transformatio hominis in Deum). Deum đặt ở thể đối cách (accusative), ngụ ý “sự chuyển động” hoặc “đang tiếp tục” (năng động), trái ngược với thể trạng cách (ablative) Deo, ngụ ý sự ngưng nghỉ hoặc tại vị (đứng yên). Việc sử dụng giới từ in với một thể đối cách theo sau có nghĩa là chúng ta vẫn còn chỗ để tăng trưởng sau khi chết, một sự tăng trưởng không bao giờ chấm dứt, trong khi sử dụng giới từ in với một thể trạng cách theo sau dường như cho thấy có ơn phúc kiến trọn vẹn và hoàn hảo ngay từ đầu, do đó không còn chỗ trống cho sự tăng trưởng thêm nữa khi được tham dự vào đời sống nội tại của Thiên Chúa.

Như bí tích sau cùng mà người Kitô hữu lãnh nhận khi qua đời, bí tích Thánh Thể được hiểu như là của ăn đàng (viaticum). Nói cách khác, cùng đích của bí tích Thánh Thể là sự thần hóa đang diễn ra của con người, ngay cả khi hấp hối và qua đời.

Niềm tin Kitô giáo về luyện ngục vốn từ lâu thường được xem là tư tưởng dư thừa, không mấy liên quan, nhưng ở đây nó lại cung cấp một suy tư sâu xa. Cũng như thiên đàng không phải là một nơi chốn địa lý trên đó hay ngoài kia, hỏa ngục không phải một nơi trong lòng đất; thì luyện ngục cũng không phải là một phòng chờ ở giữa thiên đàng và hỏa ngục. Đúng hơn, ba thuật ngữ này là những cách diễn tả ba tình trạng của linh hồn. Chúng ta cảm nghiệm trước cả ba tình trạng này, hay là mường tượng trước, ngay trong cuộc sống của mình. Chúng ta đã cảm nếm dù chưa trọn vẹn thiên đàng, luyện ngục, và hỏa ngục ngay trên trần gian. Điều này diễn ra khi có người nghe bản nhạc Messiah của Handel hay là Adagio for Strings của Barber và thốt lên buổi trình diễn như trên thiên đàng vậy! Khi đau khổ, dù là thể lý hay tinh thần, người ta nói rằng họ như sống trong hỏa ngục. Khi sống gần một người khó chịu, cáu kỉnh hay tệ hơn nữa, thì có lẽ chúng ta nói mình đang chịu thanh luyện ngay trên trần gian này. Theo ngôn ngữ truyền thống hơn, chúng ta nếm trước cả ba tình trạng này đang khi sống ở trần gian.

Mặc dù cái chết sau cùng là điều chắc chắn và chúng ta không chỉ trải nghiệm một phần của cái chết, thế nhưng có những quan niệm sâu xa từ các thời kỳ và nền văn hóa khác cung cấp một sự hiểu biết tinh tế hơn về những gì xảy đến với chúng ta sau khi chết. Cái chết không phải là sân ga cuối cùng mà chúng ta sẽ đến. Thật ra, vẫn có những chuyển biến và hoạt động khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng.

THIÊN ĐÀNG
Khi tình trạng linh hồn ở nơi gọi là thiên đàng, chúng ta tiếp tục lớn lên trong hiểu biết và tình yêu nhờ được thúc đẩy bởi niềm hy vọng vào những điều còn hơn thế nữa, một mầu nhiệm khôn dò có tên Thiên Chúa – Đấng luôn vượt quá khả năng của chúng ta. Thiên đàng là chiều kích mở ra cho Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa ngự trị, là nơi chúng ta nhận ra Thiên Chúa hiện diện, hiểu biết và yêu mến Ngài mặc dù chưa đầy đủ. Vì bản tính của Thiên Chúa là mầu nhiệm khôn dò. Và bản tính của con người là bước đi trong đức cậy hướng tới việc nhận biết và yêu mến [Thiên Chúa] sâu xa hơn bao giờ hết. Nếu khao khát hiểu biết và tình yêu ngừng lại, thì ơn cứu độ mà tôi nhận lãnh nơi cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa tình yêu và chân lý thật sự không còn nữa. Bản chất của tôi là truy tìm sâu xa hơn sự thật và tình yêu. Tôi không chỉ có những câu hỏi mà còn là chính câu hỏi. Những điều hơn nữa: tôi tìm kiếm nơi đây và ở bên kia, và tiếp tục ở bên kia nữa.

LUYỆN NGỤC
Khi chết, phần lớn chúng ta vẫn chưa kết thúc. Bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta đã phung phí ân sủng của Thiên Chúa cũng như đã không sinh lời món quà sự sống độc nhất mà Thiên Chúa trao ban. Trong suốt cuộc đời, chúng ta vẫn chưa lớn lên và phát triển đủ.

Trong luyện ngục, chúng ta vẫn tiếp tục di chuyển nhưng một cách nào đó khoảng cách phải đi xa hơn bởi vì bằng nhiều cách khác nhau chúng ta đã sử dụng sai và phản bội những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban trong Ngôi Lời và Thánh Thần; và vì thế khó lớn lên trong sự thật và tình yêu, cũng như không thể hoàn thành ngay tức thì. Tôi không thể tự mình lớn lên trong hiểu biết và tình yêu, nên mới có việc thực hành cầu nguyện lâu dài cho các linh hồn trong luyện ngục. Sự sống vẫn có ở đó và đức cậy cũng vậy. Hơn nữa, suy tư thần học gần đây nhận định rằng kẻ chết không chỉ là người thụ hưởng lời cầu nguyện, mà họ còn chủ động trong việc cứu độ đang tiếp tục bằng nỗ lực tha thứ cho những người mà họ đã từng chung sống khi còn tại thế. Do đó họ vẫn còn tham dự vào công trình cứu độ thế giới đang tiếp tục.

Bất cứ điều gì chúng ta nói về hoạt động bên kia cái chết, về sự thanh luyện hay luyện ngục đều là hành động của Thiên Chúa. Một lần nữa, hãy nhớ là bất cứ điều gì có nghĩa là sự thanh luyện như là hành động của Thiên Chúa, thì nó diễn ra bên ngoài thời gian và không gian, trong một vũ trụ hoàn toàn khác với vũ trụ mà những kẻ phải chết như chúng ta sinh sống. Khi tưởng nghĩ về thực tại cánh chung, chúng ta chỉ có thể diễn tả theo cách nói “gần giống”, nghĩa là trong ngôn ngữ không chính xác do chính bản chất của thực tại mà ngôn ngữ tìm cách diễn đạt: sự sống bên kia cái chết.

Sự thanh luyện là hành động của Thiên Chúa bên kia cơn hấp hối và cái chết, nó diễn tả cường độ của sự biến đổi. Lúc chết chúng ta vẫn cần được chữa lành về mặt tâm lý. Các chiều kích, hoặc cấp độ khác nhau nơi bản ngã của chúng ta, điều mà Thomas Merton gọi là “bản ngã thật”, vẫn chưa được thống nhất. Các cấp độ nhân cách của chúng ta vẫn còn đang vô trật tự và méo mó. Chúng ta vẫn chưa có được cuộc sống viên mãn, nhưng có thể sẽ đạt được nhờ chính hành động của Thiên Chúa. Luyện ngục là một miền hy vọng hơn là một tình trạng ghê sợ.

Một lần nữa, trong ngôn ngữ tương tự là kiểu nói về ý tưởng cánh chung, chúng ta có thể nói gì về hỏa ngục?

HỎA NGỤC
Hằng tuần, chúng ta đều tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm các thánh thông công. Giáo hội mạnh dạn dạy rằng thánh Maria Mađalêna, Thánh Têrêsa Calcutta, Thánh Đamien thành Molokai và Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đều đang ở trong mối hiệp thông khắng khít hồng phúc đó. Dù rằng để tuyên phong một người là thánh ở trên thiên đàng, Mẹ Giáo hội cũng rất cẩn trọng và đôi khi cũng phải suy đi nghĩ lại, nhưng chưa từng thấy Giáo hội xác định ai đó đã bị ném xuống hỏa ngục đời đời, ngay cả khi các giáo hội Kitô nói về hỏa ngục, nơi được coi lãnh địa của Satan, là nơi của những người bị cho là đã hư mất và không còn hy vọng về sự sống vĩnh hằng.

Khi nghe như vậy, một số người có khuynh hướng chỉ ra những gợi ý về người lành và kẻ dữ, chiên và dê, kẻ áp bức và người bị áp bức, tất cả đều có chung một kết cục. Vì thế, nhanh chóng kéo theo những câu hỏi nghiêm túc là tại sao người ta phải lo sống tốt lành và đạo đức trong khi cuối cùng tất cả đều cùng đến một đích điểm. Chỉ có một câu trả lời duy nhất cho vấn nạn này: chúng ta phải cố gắng làm sinh lời món quà sự sống độc nhất trên trần gian để đáp lại sự lôi cuốn không thể cưỡng lại của tình yêu Thiên Chúa, chứ không phải vì phần thưởng hay hình phạt.

Những người theo Đức Giêsu khi Ngài sống giữa con người đã làm như vậy vì tình yêu mà Ngài thể hiện. Thật thế, Ngài nhắc nhở những người theo mình phải gác lại những bận tâm xem ai trong nhóm sẽ là người đầu tiên trong Nước Trời, nghĩa là họ sẽ được ban thưởng như thế nào. Và vì thế, điều này cũng sẽ dành cho những ai đã chịu phép rửa để trở nên Thân Thể Đức Kitô, đi theo Ngài từ thế hệ này sang thế hệ khác, những người đã đi trước chúng ta và những người như chúng ta hiện vẫn đang sống trên trần thế.

Như đã đề cập trước đó, trong khi Giáo hội khẳng định giáo lý các thánh thông công và nêu tên những người đặc biệt được cho là ở với Thiên Chúa trên thiên đàng, thì Giáo hội chưa bao giờ tuyên bố đích danh một ai đang ở hỏa ngục. Hỏa ngục là lãnh địa của Satan, kẻ được cho là một quyền lực, chứ không phải là một con người. Chúng ta không có cơ sở vững chắc nào để đánh liều tuyên bố người này hay người kia vĩnh viễn nằm trong sự kềm kẹp của Satan.

Một số cách tiếp cận giáo lý trước đây sẽ cụ thể chỉ ra người nào chắc chắn thuộc số những kẻ đang bị thiêu đốt nơi hỏa ngục. Trong giảng dạy tôn giáo suốt những năm ngay sau Đệ nhị Thế chiến, Adolf Hitler được cho là đang bị thiêu đốt nơi hỏa ngục cùng với Giuđa kẻ phản bội và Nhà Cải cách Luther! Mặc dù những khẳng định như vậy có lẽ do ý ngay lành, nhưng chắc chắn là sai lệch.

Rõ ràng, con người đã không làm sinh lời cuộc sống mà họ đã được trao ban, họ thực sự làm hại lẫn nhau, gây ra đau thương và mang lại sự hủy diệt cho các quốc gia, chủng tộc, giai cấp, các nền văn hóa và toàn thể các dân tộc. Chúng ta phải phán xử làm sao sự sai lầm, sự phản bội ân ban đó khi xét đến lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, một lòng thương xót được ban tặng mà không xóa bỏ các đòi hỏi của sự công bằng?

 
Ban Học tập Sao Biển chuyển ngữ từ
Michael Downey“Hope for the Dead” trong The Depth of God's Reach:
A Spirituality of Christ's Descent 
(NY: Orbis Books, 2019).

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay23,955
  • Tháng hiện tại349,387
  • Tổng lượt truy cập51,680,722

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây