Niềm trông cậy cho kẻ chết? - Kỳ 3

Thứ tư - 24/11/2021 21:44  1441
 
HỎA NGỤC TỒN TẠI NHƯ MỘT KHẢ THỂ*
 
Michael Downey

Trong Thông điệp Được cứu độ trong Hy vọng (Spe salvi), Đức Bênêđictô XVI đưa ra nhận định về bản chất của đức cậy Kitô giáo. Trước những thách đố về niềm hy vọng trong thời đại chúng ta, đặc biệt là sự bất công lan tràn khiến hàng triệu người gần như không thể sống được, ngài xác định ba “bối cảnh” để học hỏi và thực hành đức cậy: cầu nguyện, hành động và đau khổ, và sự phán xét cuối cùng (32–48). Yếu tố cuối cùng soi sáng cho ta hiểu biết đúng đắn về thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục.

Đối với Đức Bênêđictô XVI, hình ảnh của cuộc phán xét cuối cùng gồm cả ba ”bối cảnh” trên nhưng hình ảnh này đã phai nhạt trong tâm trí người đương thời. Ngài cho rằng cuộc phán xét chung và cuối cùng, không phải là một hình ảnh kinh sợ nhưng đầy hy vọng. Theo ngài, đối với Kitô hữu, cuộc phán xét đó có thể là hình ảnh định nghĩa niềm trông cậy, bởi vì cuối cùng thì ngoài những gì đang chờ đợi từng người chúng ta vào giờ chết, còn có một cuộc tính sổ cuối cùng khi công lý và lòng thương xót đều sẽ chiến thắng.

Bằng ngôn ngữ tinh tế, Đức Bênêđictô nói đến những “sơ yếu lý lịch” và loại người “có thể” vào hỏa ngục. Việc “có thể” có những người tự tách mình ra khỏi chân lý và tình yêu cho thấy rõ ràng hỏa ngục có thể tồn tại. Nhưng nó tồn tại như một khả thể. Như thế, có khả năng người ta sẽ đi đến chỗ hoàn toàn xa cách Thiên Chúa thông qua sự kiêu ngạo và giàu sang xa xỉ, thống trị và buông thả, hủy hoại cuộc sống vô tội, những hành vi cố tình gây áp bức và bất công. Tuy nhiên, giữa cái chết và sự phục sinh, sự phán xét để xác định các linh hồn, vốn thường được xem là không thể đảo ngược hay không thể sửa lại, vẫn chưa phải là chung cuộc.

Hình ảnh cuộc phán xét cuối cùng nhắc nhở chúng ta rằng ân sủng không hủy bỏ công lý. Nó không biến một điều sai thành đúng. Nó không phải là một miếng bọt biển lau sạch tất cả mọi thứ khiến cho những gì chúng ta và những người khác đã làm trên trần gian cuối cùng có giá trị như nhau, hoặc không tốt cũng không xấu. Nhưng không có chỗ nào trong thông điệp mà Đức Bênêđictô XVI nói về việc Thiên Chúa ném người ta vào lửa hỏa ngục để trừng phạt họ. Đúng hơn, ngài nói về hỏa ngục như là tình trạng tâm hồn của những người mà việc họ làm đã hoàn toàn phá hủy niềm khao khát chân lý cũng như thái độ sẵn sàng yêu thương. Cẩn thận tránh xác định danh tính những người trong tình trạng như vậy, ngài đã nhắc cách chung đến “lý lịch” đáng cảnh báo về nhóm người này trong thế kỷ qua. Tuy nhiên, đây là những nhóm người trùng hợp với lời mô tả về những cá nhân đã phá hủy niềm khao khát chân lý cũng như thái độ sẵn lòng yêu thương. Điều cực kỳ quan trọng ở đây là khi vắn tắt nói về hỏa ngục như vậy, mối quan tâm chủ đạo của Đức Bênêđictô không phải là sự trừng phạt cá nhân, nhưng là chính công lý điều chỉnh cho đúng những sai lầm mà hành động áp bức và bất công đã gây ra cho hàng triệu nạn nhân.

Với hình ảnh hữu ích hơn nhiều so với hình ảnh ngọn lửa rực cháy, Đức Bênêđictô XVI sử dụng một hình ảnh dễ liên tưởng của Nhà văn Dostoyevsky khi ông cố gắng diễn tả ý nghĩa của luyện ngục và hỏa ngục. Cuối cùng, trong bữa tiệc vĩnh cửu, những kẻ làm điều ác không được đồng bàn như thể đã không có gì xảy ra với những nạn nhân mà họ đã gây tổn hại. Nếu tình trạng của linh hồn được xem như một nơi chốn, thì những người ở hỏa ngục, luyện ngục và thiên đàng sẽ không ngồi cùng một chỗ trong phòng tiệc. Nhìn xa hơn một chút thì thấy một số người có thể ngồi xa bàn tiệc, trong khi một số khác còn ngồi ở những bàn xa hơn nữa. Và một số người có lẽ ở hành lang bên ngoài phòng tiệc, chờ đợi và hy vọng vẫn còn có đủ chỗ cho họ.

Tương tự, Đức Bênêđictô đưa ra một hình ảnh khác về thiên đàng mà ngài gọi là miền vô định đã được xác định (the known unknown). Thiên đàng, tức là vĩnh viễn ở bên Chúa, không được xem như là chuỗi ngày hạnh phúc kế tiếp nhau đến bất tận. Ngài đi xa đến độ nói rằng hiểu như thế thì thiên đàng sẽ nhàm chán. Đúng hơn, nên nghĩ về thiên đàng là một khoảnh khắc tuyệt đỉnh của sự mãn nguyện, là một điều gì đó giống như lao vào đại dương tình yêu vô hạn.

Truyền thống Kitô giáo minh định rằng khi chúng ta chết, sự chọn lựa sự sống mà suốt cuộc đời chúng ta đã có theo một hướng nào đó, sẽ trở nên dứt khoát theo nghĩa nó xác định chúng ta là ai trước mặt Chúa ngay khoảnh khắc chúng ta lìa đời. Nhưng lựa chọn này có phải cuối cùng? Và nếu đúng như vậy thì tại sao lại phân biệt giữa phán xét riêng khi ta chết và cuộc phán xét chung hay cuối cùng cho tất cả mọi người?

Sự phán xét khi chết có thể được xem như là quyết định, nhưng cách nào đó vẫn còn có chỗ để thăng tiến và thậm chí thay đổi. Theo nghĩa này, sự phán xét khi chết quyết định chúng ta là ai trước mặt Chúa ngay khoảnh khắc đó; nhưng nó vẫn còn là án treo, hoặc được trì hoãn cho đến khi phán quyết cuối cùng được đưa ra.

Cuộc phán xét cuối cùng như là hình ảnh đầy cậy trông chứ không phải kinh sợ giúp gợi nhắc rằng có một tình trạng trung gian giữa cái chết và sự phục sinh, một tình trạng mà nơi đó chưa có một phán quyết không thể thay đổi được. Thiên đàng và hỏa ngục chỉ xuất hiện trong ý nghĩa đầy đủ của nó nơi cuộc phán xét cuối cùng.

Việc phân biệt giữa sự phán xét khi chết và cuộc phán xét cuối cùng có nhiều ngụ ý sâu xa cho đời sống Kitô hữu. Đây không phải là một suy tư hão huyền, vì khi tôi chết thì lịch sử vẫn tiếp tục. Cái chết của tôi không báo hiệu ngày tận thế! Dù tôi ắt hẳn bước sang một thế giới khác, nhưng những gì tôi đã làm trong cuộc sống này bất kể hậu quả thế nào vẫn chưa được thể hiện đầy đủ. Ngày nay chúng ta biết rằng khi một con bướm vỗ cánh trên Thái Bình Dương thì cách nào đó ảnh hưởng đến dòng nước chảy qua eo biển Bering. Cũng vậy, người ta khuyến khích các trẻ em đi vệ sinh trước khi bơi – ngay cả ở Đại Tây Dương rộng lớn – vì một số cha mẹ của chúng tin rằng chất thải này sẽ đi vào trong các con sóng biển ở thành phố Atlantic và có thể đầu độc cá ở Biển Đông.

Tương tự hoặc gần giống như thế: mọi điều tôi đã làm trong cuộc sống này sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống, lịch sử và thế giới nhân loại rất lâu sau khi tôi trút hơi thở cuối cùng. Những hành động của tôi vẫn để lại hậu quả cho phần còn lại của lịch sử loài người và tiến trình của nó. Đây là lời cảnh tỉnh lớn tiếng và chắc chắn để mỗi người chúng ta xem xét những ảnh hưởng đạo đức nơi mỗi hành động của mình.

Công trình của Đức Giêsu đã hoàn tất. Cuộc đời, sứ vụ, cuộc thương khó, cơn hấp hối, cuộc tử nạn, việc xuống ngục tổ tông và trỗi dậy vào đời sống mới đều đã diễn ra. Nhưng biến cố Kitô vẫn tiếp tục. Nói cách khác, những điều Ngài thực hiện vẫn còn hữu hiệu ngay trong hiện tại và tác động tích cực trong đời sống con người, trong lịch sử, thế giới và Giáo hội. Điều này cũng áp dụng cho những điều chúng ta đã làm và còn thiếu sót.

Vì vậy, có thể nói phán quyết khi chúng ta chết là án treo. Quyết định vẫn chưa được đưa ra cho đến ngày tận thế. Chính nơi cuộc phán xét cuối cùng mà phán quyết sẽ là chung cuộc, vào thời điểm vượt trên thời gian khi mà hậu quả những gì chúng ta đã làm, dù tốt hay xấu, và tác động của chúng trên vũ trụ, sẽ được tỏ bày, vào “khoảnh khắc” đó, sức mạnh tình yêu chiến thắng mọi thế lực ác thần và mọi giọt lệ sẽ được lau khô.

Liệu có sự thay đổi hay hoạt động, sự chuyển biến thậm chí là sự hoán cải gì sau cái chết không? Đó là những câu hỏi khó xử, không nên làm chúng ta mất đi cái nhìn phân biệt giữa phán xét khi chết và phán xét cuối cùng. Thật vậy, sự phân biệt này dành đủ chỗ cho tình yêu vô tận của Thiên Chúa vươn tới tất cả mọi người đã qua đời, thậm chí những kẻ chúng ta nghĩ là đáng phải chịu hình phạt đời đời trong một hỏa ngục, mà ngay cả nó cũng không thể tồn tại, nếu không vì tình yêu của Thiên Chúa, [một hỏa ngục] bị chối từ.

Việc Đức Kitô xuống ngục tổ tông, quy tụ tất cả mọi người và vạn vật vào cung lòng Tình yêu Thiên Chúa, có thể cho thấy ơn cứu độ phổ quát. Tuy nhiên, đúng hơn, sự kiện này còn biểu lộ niềm cậy trông và tin tưởng thâm sâu vào lòng thương xót của Thiên Chúa vốn vượt trên mọi tính toán, bởi vì sự công bình của Thiên Chúa gồm cả ân sủng và lòng thương xót. Việc đi xuống với những kẻ chết không chỉ là một sự kiện ở trong quá khứ. Bằng việc Thiên Chúa tiếp tục thông ban chính mình, hiệu quả này tiếp diễn xuyên qua thời gian đến các thế hệ mai sau. Điều này như một dấu chỉ, chí ít là một khả thể, là mọi người sẽ được cứu độ. Đời sống bên kia nấm mồ là sự tiếp nối của đời sống tại thế này. Chúng ta không thể sửa chữa những tội ác mà chúng ta đã làm, cũng như không thể khởi xướng những hành động tốt bằng chính sức mình. Nhưng khi sống cũng như khi chết chúng ta có thể cầu nguyện, van xin Đức Kitô tha thứ, chữa lành và trợ giúp chính bản thân chúng ta và người khác. Đức Kitô ở với kẻ chết, không có nghĩa sự chết là thực tại chung cuộc, nhưng có nghĩa kẻ chết sẽ cùng với Ngài tiếp tục tham dự ngày càng trọn vẹn hơn vào mầu nhiệm khôn thấu, ngập chìm ngày càng sâu hơn vào đại dương yêu thương vô biên.

Cả Cha Karl Rahner và Cha Hans Urs von Balthasar đều cho rằng hỏa ngục tồn tại như một khả thể. Họ bảo vệ tính khả thể của sự hư mất đời đời đối với mọi người, với mỗi người trong chúng ta, bởi nếu không, tự do của con người và việc định hình lịch sử nhân loại sẽ trở nên vô nghĩa. Tự do sẽ đi đến hồi kết trong tình trạng hư mất đời đời, khả thể này song song với niềm xác tín Kitô giáo rằng thế giới và toàn bộ lịch sử thế giới sẽ thật sự bước vào đời sống vĩnh hằng với Thiên Chúa, đó là thiên đàng. Vì vậy hỏa ngục là một khả thể cần thiết và hợp lý, nhưng không phải là một thực tại chắc chắn.

Nếu hỏa ngục tồn tại như một khả thể, liệu chúng ta có dám tưởng nghĩ là Đức Kitô, phương thuốc sự sống, có thể lấy dầu mà xoa dịu những vết thương của chúng ta thậm chí ở hỏa ngục không? Chỉ có niềm cậy trông sâu sắc nhất mới chịu đựng tất cả mọi thứ, mới mở ra cho một khả thể như vậy, là điều chỉ có thể xảy ra như một ân ban. Chúng ta có thể dám hy vọng vào một khả năng hỏa ngục không tồn tại hay không?

Giờ đây, chúng ta nhắc lại điều đã sớm được quả quyết trong đức tin của Giáo hội là Đức Kitô đã đi xuống với những kẻ chết hơn là xuống hỏa ngục. Một số người đề cập đến Ep 4,9 là câu nói rằng Đức Kitô đã xuống “tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất”. 1 Pr 3,19–20 cũng thường được sử dụng như nền tảng Kinh thánh của niềm tin này khi khẳng định rằng “Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm”.

Trong câu chuyện ông Nôê, chỉ có tám người trong nhân loại đã thoát khỏi cơn hồng thuỷ nhờ ở trong một con tàu. Một phần lớn nhân loại đã ở bên ngoài con tàu. Chúng ta có dám hy vọng rằng qua việc Đức Kitô sẵn lòng đi xuống cõi chết, tình yêu nhập thể của Thiên Chúa đã không quên những người bên ngoài con tàu không? Sau tất cả, ảnh hưởng Thiên Chúa vươn ra ngoài phạm vi con tàu, có lẽ cũng vượt qua con tàu giao ước, thậm chí vượt qua sự hiểu biết của chúng ta về giao ước mới trong Máu Đức Kitô. Vì Thân thể Ngài được trao ban và Máu của Ngài đã đổ ra để họ được sống và sống dồi dào. “Họ” ở đây có thể bao hàm ngay cả và đặc biệt những người còn đang sống, có thể họ đang chìm đắm trong biển nước ở ngoài con tàu, bị giam cầm trong vòng luẩn quẩn của đau khổ khiến họ sống như ở hỏa ngục ở thế gian này.

 *Tựa đề là của người dịch.

Ban Học tập Sao Biển chuyển ngữ từ
Michael Downey“Hope for the Dead” trong The Depth of God's Reach:
A Spirituality of Christ's Descent 
(NY: Orbis Books, 2019).

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay23,317
  • Tháng hiện tại304,262
  • Tổng lượt truy cập53,289,297

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây