Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: Một người thấm nhuần tư tưởng của thánh Augustinô đã ảnh hưởng đến Công đồng Vatican II và hơn thế nữa.

Thứ sáu - 17/02/2023 19:00  1000

DI SẢN THẦN HỌC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐÍCTÔ XVI: MỘT NGƯỜI THẤM NHUẦN TƯ TƯỞNG CỦA THÁNH AUGUSTINÔ ĐÃ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÔNG ĐỒNG VATICAN II VÀ HƠN THẾ NỮA.

Tracey Rowland

Nhóm dịch lớp Thần học II chuyển ngữ từ America Magazine (31/12/2022)
Nguồn: https://stellamaris.edu.vn

 

LTS: Đức Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI từ trần vào sáng thứ Bảy, ngày 31 tháng 12 năm 2022. Vào buổi tiếp kiến chung Thứ Tư 28 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo về sức khỏe chuyển biến xấu của vị Giáo hoàng Danh dự. Bởi vì chủ yếu đề cập đến các tác phẩm thần học của ngài trước khi được bầu làm giáo hoàng, bài suy tư này sẽ đề cập đến Thần học gia Joseph Ratzinger hơn là Giáo hoàng Bênêđictô XVI.

-----------------
 

 

Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI khi còn là Tổng Giám mục Joseph Ratzinger. Ảnh chụp ngày 28 tháng 5 năm 1977, khi ngài được tấn phong làm Tổng Giám mục Munich và Freising (Ảnh: CNS/KNA)

Đức Cố Hồng y Joachim Meisner, Tổng Giám mục Cologne, đã từng mô tả Joseph Ratzinger là “Mozart của thần học.” Nhiều người khác thì cho rằng mô tả Đức Ratzinger như là Carl Maria von Weber hoặc Anton Bruckner có thể là cách so sánh đúng hơn. Cả hai đều là biểu tượng của chủ nghĩa lãng mạn Áo-Đức.

Ratzinger chú tâm đến mối tương quan giữa tình yêu và chân lý, sự cảm tính cũng như tính khách quan, ý nghĩa của lịch sử đối với việc đào tạo cá nhân, đặc tính lịch sử của mặc khải và vai trò của cái đẹp trong việc Phúc âm hoá. Lịch sử, cái đẹp, tình yêu và mối tương quan của của ba ý niệm này với việc đào tạo con người là những mối quan tâm cốt lõi của phong trào Lãng mạn, và theo phong cách của Bruckner, Ratzinger đan kết phân tích các tương quan này của mình về những mối quan hệ này trong các bài viết “đa âm” (polyphonic) tuyệt diệu bằng lối ngôn ngữ phong phú hài hòa. Ngài đã cố gắng đặt những yếu tố vốn bị lãng quên này lên hàng đầu trong tư tưởng Công giáo mà không loại bỏ các yếu tố được xem là kinh điển khác. Theo nghĩa này, tư tưởng Ratzinger là mô phỏng thần học của tổng hợp âm nhạc của Mozart và von Weber hoặc Bruckner, nếu có thể nói được như thế. Đối với những người chỉ muốn các yếu tố lãng mạn mà không cần chất cổ điển, thì Ratzinger bị coi là một kẻ cực đoan cố chấp, và đối với những người chỉ muốn chất cổ điển mà không cần tính lãng mạn, thì ngài bị liệt vào hàng những người theo chủ nghĩa tự do quá khích.

Người thấm nhuần tư tưởng của thánh Augustinô

Các thế hệ sau này sẽ đưa ra những đánh giá riêng dựa trên các tác phẩm mà Đức Bênêđictô XVI đã xuất bản, gồm hơn 60 cuốn sách và những văn kiện huấn quyền trải dài suốt một phần tư thế kỷ khi ngài là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin cùng làm việc với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và gần tám năm trong cương vị Giáo hoàng. Chắc chắn ngài được xem là một trong sáu thần học gia Công giáo lỗi lạc nhất của thế kỷ XX, cùng với Karl Rahner, S.J., Yves Congar, O.P., Romano Guardini, Henri de Lubac, S.J., và Hans Urs. von Balthasar. Hai người đầu tiên là những chuyên gia thần học tại Công đồng Vaticanô II mà ngài đã cùng cộng tác tích cực (mặc dù sau đó ngài tách ra khỏi hướng nhân học của Rahner, vốn bắt nguồn từ những yếu tố trong triết học duy tâm Đức; và cũng không giống như Congar, ngài đã từ chức khỏi ban biên tập của Concilium khi tạp chí thần học này lạc xa giáo huấn chính thức của Giáo hội vào những năm 1970). Ba người sau đối với ngài đều là những người hùng trí thức trong những bối cảnh khác nhau. De Lubac cũng là một chuyên gia như ngài tại Công đồng. Đức Ratzinger từng viết rằng ngài không thể kể hết những gì ngài đã nợ de Lubac và von Balthasar.

Khi tìm kiếm một phát biểu vắn tắt có thể gói gọn phạm vi rộng lớn về những đóng góp đa dạng của Đức Ratzinger, tôi bắt gặp đoạn văn sau đây trong Memory in Augustine’s Theological Anthropology (2012) (Ký ức trong Nhân luận thần học của thánh Augustinô), của Paige E. Hochschild:

Thiên Chúa làm chuyển động lý trí và ý chí thông qua sự nhận biết có được từ ký ức. Đối với thánh Augustinô, cái phổ quát chỉ có thể được nhận thức thông qua cái cụ thể. Do đó, điều này phải diễn ra qua lịch sử, qua các công trình hữu hình và có thể cảm nhận được của Chúa Kitô, qua việc thực hành các nhân đức, lòng yêu thương người lân cận, đời sống Giáo hội, các bí tích và trên hết là Kinh Thánh. Từ những cảm nghiệm này, một người có thể ý thức được phần nào hạnh phúc trên trời.

Trong đoạn văn này, người ta có thể dễ dàng thay thế tên thánh Augustinô bằng tên của Đức  Ratzinger và trình bày vắn tắt về quan điểm thần học của ngài. Theo lời của Đức Ratzinger, ngài là “một người theo trường phái thánh Augustinô rõ nét”, và giống như thánh Augustinô, ngài cho rằng Thiên Chúa chỉ có thể nhận thức được qua cái đặc thù. Ngài viết trong Principles of Catholic Theology (1982), (Nguyên lý của Thần học Công giáo):

“Con người tìm thấy tâm điểm của mình, không phải bên trong, nhưng bên ngoài mình. Như vẫn thế, vị trí mà người ấy neo chặt vào không phải là bên trong người ấy, nhưng bên ngoài. Điều này giải thích cái còn lại ấy vẫn luôn luôn phải được giải thích, tính chất từng phần rời rạc trong mọi nỗ lực của người ấy dung để hiểu sự thống nhất giữa lịch sử với hữu thể. Sau cùng, sự căng thẳng giữa bản thể luận và lịch sử có nền tảng trong sự căng thẳng bên trong chính bản tính người. Bản tính này phải đi ra khỏi chính bản thân nó để tìm thấy chính nó; Bản tính này đã có nền tảng trong mầu nhiệm Thiên Chúa, vốn là tự do và do đó, mời gọi đến tên tuổi của từng cá nhân vì tên tuổi này không ai khác biết được. Vì thế, cái toàn thể được thông ban cho người ấy trong cái đặc thù.”

Thiên Chúa trong lịch sử

Cũng trong tác phẩm này, Ratzinger đã mô tả vấn nạn của việc “đi đến một sự hiểu biết về trung gian của lịch sử trong lãnh vực hữu thể học” mà ngài xem đó chẳng khác gì “cuộc khủng hoảng căn bản trong thời đại chúng ta”.

Trào lưu kinh viện hậu Công đồng Trentô đã tự hào bác bỏ nhận thức của Tin lành vốn gắn chặt vào lịch sử. Thế nhưng, trong một bối cảnh tri thức vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi chủ nghĩa lãng mạn Đức và triết học Martin Heidegger, giới Công giáo không thể không quan tâm về lịch sử, vì nếu không, có thể đánh mất sự khả tín tri thức của các học giả trong Giáo hội.. Chính giới học giả ở Munich đã tiên phong tham gia dưới sự hướng dẫn của các thần học gia trường phái Tübingen thế kỷ XIX và đã làm việc theo những quỹ đạo tương tự như của John Henry Newman. Chính trong môi trường này mà giáo sư trẻ tuổi Joseph Ratzinger đã được Đức Hồng y Josef Frings của Cologne chú ý và mời dự Công đồng Vatican II với tư cách là chuyên viên thần học của mình.

Đức Tổng Giám mục tân cử của Munich và Freising, Joseph Ratzinger, đi cùng Đức Giám mục Ernst Tewes trước nhà thờ chính toà Freising, ngày 31 tháng 3 năm 1977 (Ảnh: AP/Dieter Endlicher)

Hiến chế tín lý về Mạc khải, Dei Verbum là chứng cứ rõ nhất về sự tham gia của Ratzinger vào Công đồng. Trong văn kiện này, phần trình bày về mạc khải theo tư tưởng của Francisco Suarez, về căn bản như đề xuất, “một túi các học thuyết” như nó thường được mô tả, đã được đặt sang một bên để nhường chỗ cho phần trình bày có tính lịch sử về Chúa Kitô chính là Mạc khải của Chúa Cha cho con người. Tiếp nối Romano Guardini, Ratzinger đã lập luận rằng: “Mặc khải không tiết lộ điều gì, cũng không tiết lộ nhiều thứ khác nhau, nhưng nơi con người Giêsu, nơi con người vốn là Thiên Chúa này, chúng ta có thể hiểu được toàn bộ bản chất con người.” Trong tác phẩm bán chạy nhất, Dẫn nhập đức tin Kitô giáo (1968), đã được dịch ra 17 thứ tiếng, Ratzinger đã giải thích ý tưởng này bằng những thuật ngữ sau:

Niềm tin Kitô giáo không liên quan đơn thuần như những gì người ta suy đoán từ tất cả những thảo luận về niềm tin hay đức tin - là một điều gì đó vĩnh cửu, hoàn toàn khác và hoàn toàn ở bên ngoài thế giới và ở bên kia thời gian. Trái lại, niềm tin Kitô giáo liên quan nhiều hơn đến Thiên Chúa trong lịch sử, đến Thiên Chúa làm người. Đức tin trở thành như cây cầu nối giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa hữu hình và vô hình, và vì đức tin giúp ta gặp được Thiên Chúa như một con người, gặp Đấng Vĩnh Cửu nơi một con người hữu hạn giữa chúng ta, nên đức tin nhận mình là mạc khải.

Vốn quan tâm đến cách thức Thiên Chúa liên hệ với con người vào những thời điểm riêng biệt trong lịch sử, nên không có gì ngạc nhiên khi hai đề tài thần học ưa thích của Ratzinger là các nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy, đức mến) và thần học Thánh Thể. Các nhân đức đối thần là trung tâm của sự phát triển và tình thân hữu của con người với Thiên Chúa; và chính nhờ việc lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, mà con người lớn lên trong tình thân hữu này.

Tình thân hữu này không liên quan đến việc cá nhân bị thu hút vào Thiên Chúa, nhưng đúng hơn là biến đổi sự khác biệt thành sự kết hiệp thâm sâu hơn của tình yêu. Con đường dẫn đến sự kết hiệp thâm sâu này liên quan đến việc hoán cải và thanh tẩy, và như vậy mang lấy hình dạng thập giá.

Nằm trong phần phân tích của Ratzinger về các nhân đức đối thần (mượn nhiều ý tưởng từ công trình của triết gia theo trường phái Tôma là Josef Pieper, người đã giới thiệu Ratzinger với Đức Hồng y Wojtyła), là một bài trình bày về cách thức mà các nhân đức này đã trải qua những biến đổi trong nền văn hóa hiện đại và hậu hiện đại. Con người vẫn tin vào mọi thứ, hy vọng vào mọi thứ và yêu mọi thứ, nhưng bằng những cách thức có nhiều vấn đề. Người ta tin vào khoa học hơn là vào Chúa Kitô, hy vọng nhiều về sự thịnh vượng vật chất hơn là cuộc sống vĩnh cửu, cũng như băn khoăn nhiều về tương quan giữa eros với agape. Người ta cũng băn khoăn về tương quan giữa đức tin và lý trí. Ở đây, điều quan trọng là khi nói về “lý trí”, Ratzinger không có cùng ý tưởng như Immanuel Kant. Sự hiểu biết của ngài về mối tương quan này chịu ảnh hưởng bởi thánh Augustinô, chứ không phải bởi triết học hậu Kant, và điều này giải thích cho việc ngài không mấy thiện cảm đối với một số trường phái chủ nghĩa Tôma tiền Công đồng. Triết học không nên là một lý tính thuần túy như của Kant hay René Descartes, mà nên đón nhận sự đóng góp từ mặc khải thần linh, và do đó hợp tác với thần học để tìm cách tìm hiểu những hoa trái của mặc khải. Điều này tạo ra một sự khác biệt đáng kể đối với tri thức luận Kitô giáo.

Đôi khi người ta nói rằng Hoa Kỳ đã không có thế kỷ XIX. Triết học lãng mạn vốn ảnh hưởng sâu đậm trong tư tưởng Âu châu (đặc biệt là Đức) trong thế kỷ XIX đã không vượt qua Đại Tây Dương. Có lẽ đó là lý do vẫn có thể tìm thấy những người Công giáo Hoa Kỳ cảm thấy khó hiểu tại sao có người lại nói rằng cuộc khủng hoảng thần học nghiêm trọng nhất của thế kỷ XX đang dẫn đến một nhận thức về về sự trung gian của lịch sử trong lãnh vực hữu thể học. Đối với những người hiểu rõ rằng tri thức Công giáo ít có hoặc không có tính khả tín nếu không có điều này, và việc tân Phúc âm hóa phụ thuộc vào việc các học giả của Giáo hội hiểu đúng điều này, thì các tác phẩm thần học của Joseph Ratzinger sẽ tiếp tục đưa ra những hiểu biết sâu sắc về các mảnh ghép của vấn đề.

Cuộc đời của Joseph Ratzinger đã thể hiện một trí tuệ  anh hùng suốt một thời gian dài, dấn thân trọn cả tấm lòng - một kịch trường thần học với tất cả cảm xúc của một lễ hội Bayreuth. Tuy nhiên, trong trường hợp của Ratzinger, lòng đạo đức của người Bavaria đã chiến thắng bất cứ điều gì trong tinh thần người Đức vốn vẫn còn hoài niệm các anh hùng ngoại giáo.
---------------------------------

Tracey Rowland hiện đang giữ ghế giáo sư Thần học thánh Gioan Phaolô II tại Đại học Notre Dame (Úc).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm50
  • Hôm nay25,669
  • Tháng hiện tại656,022
  • Tổng lượt truy cập52,824,970

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây