ĐẠI CHỦNG VIỆN SAO BIỂN CỬ HÀNH TAM NHẬT VƯỢT QUA
ĐỈNH CAO CỦA NĂM PHỤNG VỤ
Hằng năm, Giáo hội dành Tam nhật Thánh để cử hành cử hành Mầu nhiệm Vượt qua, tức cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô ra khỏi thế gian này về với Cha của Người. Với việc cử hành mầu nhiệm này qua các dấu chỉ phụng vụ và các bí tích, Giáo hội được kết hiệp với Chúa Kitô, Hôn Phu của mình, trong sự thông hiệp sâu xa. (Bộ Phụng tự, Thư luân lưu về việc chuẩn bị và cử hành đại lễ Phục sinh [Paschalis Sollemnitatis – PS], 38).
Riêng với các chủng sinh, Công đồng Vatican II, qua Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục (Optatam Totius) số 8 đã yêu cầu: “Các chủng sinh phải sống thật sâu xa Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô để có thể đưa cả đoàn chiên được trao phó cùng đi vào mầu nhiệm ấy.” Việc cử hành Tuần thánh 2023 tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang, với đỉnh cao là Tam nhật Vượt qua, mang ý nghĩa đào tạo thiêng liêng đặc biệt.
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Với thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, ‘Giáo hội bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua và tưởng nhớ Bữa tối sau cùng của Chúa Giêsu, mà trong đó Ngài bị phản bội, Ngài tỏ lộ tình yêu cho những ai thuộc về Ngài, Ngài dâng hiến thịt và máu mình lên Chúa Cha dưới hình bánh và rượu rồi trao cho các Tông đồ, để các ông chia sẻ với nhau, và rồi Chúa Giêsu truyền lệnh cho các ông và những người kế vị các ông trong chức linh mục cử hành hy lễ này đến muôn đời’ (PS 44).
Các bài đọc Lời Chúa nhắc lại chỉ thị về lễ Vượt qua trong Cựu Ước (Xh 12, 1-8. 11-14), giáo huấn của thánh Tông đồ Phaolô về việc lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô (1 Cr 11, 23-26), và bản tường thuật về bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ theo thánh Gioan (Ga 13, 1-15). Khi cử hành bữa Tiệc Ly với các Tông Đồ của Người trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã ban cho lễ Vượt Qua của người Do Thái một ý nghĩa dứt khoát (SGLHTCG 1340).
Bài giảng hôm nay nhấn mạnh giá trị hy tế Thánh Thể và căn tính phục vụ trong yêu thương của chức linh mục. Với những ý nghĩa thần học sâu xa của Tin mừng Gioan, cha giáo Phêrô Trần Ngọc Anh đã gọi những việc lạ lùng mà Chúa Giêsu thực hiện sau bữa ăn tối với các môn đệ là “hành động mang tính dụ ngôn”.
Xem thêm hình ảnh
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, khi “Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua chịu hiến tế”, thì Giáo hội chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Chúa và Hôn Phu của mình, tôn thờ thánh giá, tưởng niệm mình đã xuất phát từ cạnh sườn Chúa Kitô đang an giấc trên thánh giá, và cầu xin cho cả thế giới được ơn cứu độ (PS 58).
Mở đầu nghi thức, linh mục phủ phục tại cung thánh, cử chỉ dành riêng cho hôm nay, biểu lộ vừa là sự nhục nhã của “con người trần tục”, vừa là sự sầu khổ đau buồn của Giáo hội (PS 65).
Phụng vụ Lời Chúa, với bài đọc I trích từ bài ca thứ tư của người tôi tớ đau khổ theo sách ngôn sứ Isaia, là tiên trưng hình ảnh Chúa Kitô chịu hiến tế (Is 52,13-53,12). Bài đọc II trích từ thư gửi tín hữu Do Thái, nêu bật ý nghĩa cả cuộc đời Chúa Kitô như là của lễ dâng hiến Chúa Cha (Dt 4, 14-16; 5, 7-9).
Sau bài Thương Khó theo thánh Gioan, cha giáo Antôn Nguyễn Bình quảng diễn về ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá trong đời sống Kitô hữu. Cái chết thập giá của Chúa Kitô là điều khó lý giải đối với trí khôn con người, nhưng lại là dấu chỉ tình yêu cả mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thế gian càng thù ghét và chối bỏ Ngài, thì Ngài lại càng yêu thương và dâng hiến cho thế gian gấp bội. Tình yêu Thiên Chúa vượt lên trên mọi lý lẽ đời thường, và điều đó chỉ có nơi Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Ngày hôm nay, nếu thân phận con người vẫn còn phải đối diện với đau khổ bất công, thì đừng quên rằng Thiên Chúa không chỉ đồng hành với chúng ta, mà còn mặc lấy thân phận con người và chịu chết để chúng ta được sống lại với Ngài.
Xem thêm hình ảnh
THỨ BẢY TUẦN THÁNH – ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA
Theo truyền thống rất lâu đời, đêm nay là “đêm canh thức của Đức Chúa”, lễ Vượt qua được cử hành trong đêm nay để tưởng nhớ Đêm Thánh Chúa Sống Lại từ cõi chết; và đêm nay được coi là “mẹ của mọi buổi canh thức phụng vụ” (PS 77).
Mở đầu nghi thức làm phép lửa mới và thắp sáng Nến Phục sinh. Đây chính là biểu tượng trong suốt mùa Phục sinh. Trên thân Nến có chữ Alpha và Omega, là chữ đầu và chữ cuối trong bảng mẫu tự Hy Lạp, tượng trưng cho Chúa Kitô là đầu và là cuối, khởi nguyên và cùng đích của lịch sử cứu độ.
Đêm canh thức Vọng Phục sinh, Phụng vụ Giáo hội kêu mời các thành viên của mình trên toàn cõi thế cất lên bài ca tuyệt diệu “Mừng vui lên” trong ánh lửa huy hoàng, long trọng công bố chiến thắng oai hùng của Chúa Kitô Phục sinh. Trong nghi thức này, Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa lời ca tụng vì ánh sáng chiếu trong đêm tối và vì biến cố Phục sinh đang được cử hành.
Bản thánh thi Exsultet (Mừng vui lên) được công bố đêm nay là một kiệt tác về văn chương và thần học, đúc kết lại sau bao nhiêu thế kỷ sáng tác, rút ra từ các bài giảng Phục sinh của các Giáo phụ như Asterius, thánh Ephrem, thánh Giêrônimô, thánh Augustinô, nhất là từ thánh Ambrosiô, mà truyền thống cho rằng đã tạo nên phần lớn bản văn Phụng vụ dùng hôm nay.
Bản văn ghi lại các hình ảnh Cựu ước tiên trưng cuộc vượt qua của Chúa Kitô, như chiên vượt qua, việc thoát Ai cập qua Biển Đỏ vẫn khô chân, cột lửa soi sáng cho dân trong sa mạc. Bài công bố Tin mừng Phục sinh này chúc tụng chiến thắng Vượt qua của Chúa Kitô, đến độ thốt lên lời tuyên xưng độc đáo: Felix Culpa! – “Ôi tội đã hoá thành hồng phúc, vì nhờ đó mà chúng con có được Đấng Cứu chuộc cao sang!”
Tiếp đến là phần Phụng vụ Lời Chúa với 5 bài đọc Cựu ước và 2 bài đọc Tân ước, vốn đã được sử dụng từ xa xưa trong Giáo hội Rôma và Hy Lạp. Các bài đọc Cựu ước nhắc lại các biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ, tình yêu thương xót không bao giờ lay chuyển và lời kêu gọi hoán cải liên tục từ Thiên Chúa. Bài đọc thánh thư Tân ước là một huấn dụ căn bản về bí tích Thánh Tẩy. Sau hết là bài Tin mừng công bố biến cố Phục sinh chính là đỉnh cao của phần Phụng vụ Lời Chúa đêm Vọng Phục sinh.
Diễn giảng sau bài Tin mừng theo thánh Matthêu (28,1-10), cha Giám đốc Gioan Baotixita Ngô Đình Tiến lưu ý rằng các nghi thức và các bài đọc trong đêm Vọng Phục sinh như làm nổi bật một chủ đề duy nhất là “sự sống”. Đức Kitô đã chiến thắng bóng tối, chiến thắng sự chết và mang lại sự sống cho con người.
Tin mừng Matthêu là trình thuật duy nhất đề cập những người lính canh khi Chúa sống lại. Chứng kiến những cảnh tượng uy nghiêm, nhưng họ lại nghe theo lời mua chuộc của giới lãnh đạo Do Thái, chối bỏ việc Chúa Phục sinh. Trái lại, các phụ nữ đạo đức cũng sợ hãi vì sự thánh thiêng của biến cố này, nhưng với lời an ủi của thiên thần, họ vui mừng, tin tưởng và mau mắn đi báo tin cho các môn đệ của Chúa Giêsu.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu Phục sinh đã hoàn toàn biến đổi các phụ nữ. Kinh nghiệm của họ cũng là kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh trên đường đi Damas của thánh Phaolô, nên thánh nhân đã ngỏ lời với các tín hữu Rôma: “như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế (Rm 6,32).
Để có đời sống mới, chúng ta phải nhấc đi những tảng đá đang đè nặng chúng ta và anh chị em mình. Tảng đá đó có thể là chiến tranh, bất hoà, cô đơn, nghèo khổ, thất vọng… do con người hoặc hoàn cảnh tạo nên.
Hôm nay, Chúa Phục sinh hiện diện trở lại nơi nhà tạm cũng như nơi Lời Chúa được công bố. Chúng ta có tin tưởng và quyết tâm đổi mới đời sống trong mùa Phục sinh năm nay? Chúng ta chọn hạng người nào trong bài Tin mừng: chối bỏ Đấng Phục sinh như những người lính canh mồ hoặc tin, sống đời sống mới và loan báo Tin mừng Phục sinh như các phụ nữ đạo đức?
Sau bài giảng và lời nguyện chung là phần Phụng vụ Thánh Tẩy. Linh mục chủ tế sẽ làm phép nước và kêu gọi cộng đoàn lặp lại lời tuyên xưng đức tin lúc được lãnh nhận Phép Rửa.
Phần thứ tư của Đêm canh thức là Phụng vụ Thánh Thể, đỉnh cao của toàn bộ cử hành phụng vụ hôm nay. Cử hành Thánh Thể là tưởng niệm cuộc khổ nạn trên thập giá của Chúa và là sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh, là hoàn thành việc khai tâm Kitô hữu, và là nếm trước Cuộc Sống vĩnh hằng (PS 90).
Xem thêm hình ảnh
CHÚA NHẬT PHỤC SINH – THÁNH LỄ CHÍNH NGÀY
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ (Ga 20,1). Sau khi đắm mình vào cuộc Khổ nạn với Đức Giêsu Kitô, hôm nay Giáo hội long trọng tuyên xưng niềm tin vào Đấng Phục sinh, nhờ chính việc sống mầu nhiệm Vượt qua trong những ngày Tuần Thánh. Công đồng Vatican II đã kêu gọi quan tâm đến mầu nhiệm Vượt Qua và chỉ ra rằng đây là căn nguyên mang lại hiệu quả của tất cả các bí tích và các á bí tích (Hiến chế Sacrosanctum Concilium 5.6.61).
Chúa nhật hôm nay được Phụng vụ cử hành như ngày “thứ nhất trong tuần”, là “dấu chỉ của Phục sinh” và là “khởi điểm cũng như đích điểm của một tuần lễ” (PS 2).
Giảng trong thánh lễ Chúa nhật Phục sinh hôm nay, cha giáo Đôminicô Mai Xuân Vĩnh nhắc đến những bất đồng quan điểm ngay giữa các tông đồ khi đứng trước dấu chỉ Phục sinh của Chúa Kitô. Nhưng chính những bất đồng ngay trong một biến cố như vậy lại chứng minh giá trị mầu nhiệm. Chỉ từ những băng vải liệm và khăn che đầu xếp gọn, các tông đồ đã bắt đầu tin và làm chứng cho Đức Kitô Phục sinh. Chỉ trong một bài giảng, thánh Phêrô đã làm cho ba ngàn người trở lại đạo, còn thánh Phaolô bằng kinh nghiệm trực tiếp độc đáo với Đấng Phục sinh trên đường Đamas đã làm cho Kitô giáo lan rộng. Đức tin của Giáo hội, của mỗi chúng ta hôm nay, là đức tin được đặt nền tảng trên các chứng nhân đầu tiên vốn không thiếu những thử thách ngay từ thuở ban đầu. Chúng ta được mời gọi làm cho đức tin vào Đấng Phục sinh không ngừng được triển nở mỗi ngày.
Hôm nay, Con Thiên Chúa đã ra khỏi mồ, Người không là người tù của sự chết (Cv 2,24). Người đã hoàn tất cuộc Vượt qua không chỉ của riêng Người, nhưng còn dẫn đưa tất cả chúng ta về cùng Cha Người.
Alleluia! Đất trời hoà vang niềm tin Kitô chiến thắng: Chúa đã Phục sinh cứu thoát ngàn dân!
-------------------------
Truyền thông Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang