NHỮNG TIẾNG NÓI TRONG CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA
Peter Edmonds SJ
Chủng sinh Giuse Phạm Thanh Tú chuyển ngữ từ Thinking Faith (20/4/2011)
Làm thế nào chúng ta có thể nghe thấy điều gì đó mới mẻ mỗi khi nghe các bài trình thuật về cuộc Khổ nạn của Chúa nơi các sách Tin mừng? Có lẽ chúng ta bắt gặp những tiếng nói trong những tường thuật về việc Đức Giêsu chịu xử án và đóng đinh mà chúng ta chưa từng nghe trước đây, hoặc những lời mà chúng ta chưa bao giờ chú ý lắng nghe. Peter Edmonds SJ, một học giả Thánh kinh, đã chọn ra ba tiếng nói từ bài Thương Khó theo thánh Mátthêu, có thể hướng dẫn chúng ta cầu nguyện trong Tuần Thánh này.
Trong những năm gần đây, một loạt sách đã được xuất bản với những tựa đề như: Forgotten Voices of the Great War, Forgotten Voices of the Second World War,… (Những tiếng nói bị lãng quên trong cuộc Đại chiến, Những tiếng nói bị lãng quên trong Thế chiến thứ hai,…) Bây giờ, chúng ta đang ở trong Tuần Thánh và sẽ được nghe công bố bài tường thuật về vụ xử án và hành hình Đức Giêsu thành Nazareth, Đấng mà chúng ta tôn thờ là Đấng Cứu Độ và là Chúa chúng ta. Có nhiều tiếng nói trong các bài trình thuật về cuộc Khổ nạn trong các sách Tin mừng, và tôi chỉ tập trung chọn ba tiếng nói trong Tin mừng Mátthêu được đọc trong các nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới vào Chúa nhật Lễ Lá. Với hy vọng chúng có thể hướng dẫn chúng ta cầu nguyện trong Tuần Thánh này. Câu chuyện về cuộc Khổ nạn của Chúa quen thuộc đối với tất cả chúng ta và có một vị trí đặc biệt trong kinh nguyện của các tu sĩ Dòng Tên vì nó cung cấp chất liệu nền tảng cho tuần thứ ba của cuộc Linh thao. Một nguyên tắc của Linh thao là không phải sự dồi dào chất liệu nuôi sống linh hồn, nhưng đúng hơn, là sự sẵn sàng nghỉ ngơi ở nơi mà linh hồn cảm thấy được thỏa mãn; do đó ba tiếng nói này được chọn từ bài trình thuật theo thánh Mátthêu.
Tiếng nói của Chúa Giêsu
Đức Giêsu bảo người ấy: ‘Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần!’ (26, 52–53)
Tiếng nói đầu tiên là tiếng Đức Giêsu bảo các môn đệ của mình sau khi một người trong số họ dùng gươm chém tên đầy tớ của vị thượng tế. Tin mừng Mátthêu là Tin mừng cho người thầy. Làm thế nào để một thầy dạy giải thích việc Con Thiên Chúa bị bắt do đám người ô hợp của giới tư tế đồi bại sai đến? Tiếng nói của Chúa Giêsu trong trường hợp này là một phần của câu trả lời.
Đức Giêsu đang nói như người trước đó đã công bố Bài giảng trên núi. Khi đó, Ngài đã từng dạy rằng: “Đừng chống cự kẻ ác”. Ngài là một thầy dạy nhất quán với những gì đã dạy bảo.
Đức Giêsu nói về mối tương quan mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha. Chúng ta đã nghe lời cầu nguyện trước đó của Ngài: “Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (11,27) Đây cũng chính là Chúa Cha, Đấng mà trước đây Ngài đã hướng dẫn các môn đệ phải hướng lòng về khi cầu nguyện.
Đức Giêsu nói về mười hai đạo binh thiên thần. Một trong mười hai môn đệ của Ngài đã dùng gươm; theo truyền thống Thánh kinh, các thiên thần cũng có thể cầm vũ khí. Trong những lần bị cám dỗ, Đức Giêsu đã từ chối sự giúp đỡ của các thiên thần; bây giờ Ngài cũng làm như vậy. Ngài vẫn trung thành với lời cầu nguyện mà trước đó đã cầu nguyện với Cha mình: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (26,39).
Tiếng nói của bà vợ quan Philatô
Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: ‘Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy’(27,19).
Tiếng nói thứ hai mà chúng ta nghe là tiếng nói của bà vợ quan Philatô; bà nhắn gửi những lời này cho Philatô lúc ông đang ngồi xử án. Đây thực sự là một tình huống trớ trêu. Đấng phán xét cả thế gian lại đang chờ đợi lời tuyên án từ một viên quan người Rôma không mấy quan trọng.
Đây là một lời nhắc nhở chúng ta đừng bỏ qua những nhân vật không quan trọng trong các sách Tin mừng, những người chỉ xuất hiện một lần trên sân khấu Tin mừng rồi sau đó rút lui vào hậu trường. Một số là người Do Thái, một số là dân ngoại; có nam có nữ; một số là nô lệ và một số là tự do: nhưng mỗi người trong số họ đều có điều gì đó để nói với chúng ta về niềm tin và cung cách hành động của người Kitô hữu. Chúng ta có thể kể thêm bà vợ của quan Philatô, một người phụ nữ tự do, tốt lành vào danh sách này.
Chúng ta hãy chú ý đến lời nói của bà. Bà gọi Đức Giêsu là ‘người vô tội’; nếu dịch chính xác hơn sẽ là ‘người công chính’, dikaios. Trong Tin mừng Mátthêu, Đức Giêsu nói với Gioan Tẩy giả rằng họ phải giữ trọn đức công chính ‘dikaiosune’. Ngài đã cảnh báo các môn đệ của mình trong Bài giảng trên núi rằng họ phải ăn ở công chính (dikaiosune) hơn các kinh sư và người Pharisêu. Ngay từ đầu Tin mừng, thánh Giuse đã được mô tả là một người công chính. Bà vợ của quan Philatô là một chứng nhân cho sự công chính của Đức Giêsu.
Bà thuộc vào nhóm những người được báo mộng trong Tin mừng Mátthêu. Cùng trong nhóm này có thánh Giuse – người đã có ba giấc mộng là hãy đón Đức Maria về nhà làm vợ, đưa Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, và đưa họ về lại cố hương – và các nhà chiêm tinh, những người đã nhận được mạc khải không chỉ từ một ngôi sao nhưng còn trong giấc mộng nữa. Người phụ nữ ngoại giáo này ở phần cuối sách Tin mừng cùng với các nhà chiêm tinh ngoại giáo ở phần đầu sách Tin mừng đều làm chứng cho vị Vua đích thực của Israel.
Tiếng nói của viên đại đội trưởng và đám lính của ông
Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: ‘Quả thật ông này là Con Thiên Chúa’ (27,54).
Tiếng nói thứ ba mà chúng ta nghe thấy ở đoạn cuối câu chuyện về cuộc Khổ nạn, đến từ một nguồn bất ngờ khác. Đó không phải là tiếng nói của một người mà là của nhiều người, tiếng nói của viên đại đội trưởng và quân lính hoàn tất việc hành quyết Chúa Giêsu.
Thánh Máccô thuật lại việc một viên đại đội trưởng khi thấy bức màn trong Đền thờ bị xé ra làm hai, đã tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Thánh Mátthêu đã thêm vào các chi tiết về đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung và xác nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy (27,51–2). Thánh sử cũng lưu ý rằng không chỉ viên đại đội trưởng nói mà cả những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều nói những lời tương tự. Một lần nữa chúng ta có thể rút ra ba điểm.
Ở đây chúng ta có một nhóm người, chứ không phải chỉ một cá nhân. Tin mừng Mátthêu không chỉ là Tin mừng để dạy dỗ mà còn là Tin mừng của Giáo hội. Đây là Tin mừng duy nhất có dùng từ Giáo hội [Mt 16,18]. Phêrô, tảng đá mà trên đó Giáo hội sẽ được xây lên, đã tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Sau khi chứng kiến việc Đức Giêsu đi trên mặt nước, các môn đệ đã tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Ở đây một nhóm những người ngoại giáo cũng đã tuyên xưng như vậy.
Đám lính này đang canh giữ Đức Giêsu. Chúng ta có thể đối chiếu việc canh giữ cùng thái độ của họ với phản ứng của các môn đệ Đức Giêsu trong vườn Ghếtsêmani, những người mà Chúa bảo là hãy tỉnh thức và cầu nguyện, nhưng họ lại ngủ quên.
Tiếng nói của đám lính dạy cho chúng ta bài học về sự hoán cải thật sự. Họ không chỉ giết Đức Giêsu mà còn mặc cho Ngài một tấm áo choàng đỏ, kết một vòng gai làm vương miện đặt trên đầu Ngài và quỳ gối nhạo báng trước mặt Ngài. Bây giờ họ ăn năn hoán cải như Đức Giêsu và Gioan Tẩy giả trước đó đã mời gọi [x. Mt 3; 4].
Trong suốt Tuần Thánh này, chúng ta hãy cầu nguyện để có thể nhận ra được những tiếng nói mà chúng ta sẽ nghe trong các bài sách Tin mừng, và không vô cảm trước những lời nói đó.
--------------------------
Peter Edmonds SJ là trợ giảng môn Thánh kinh tại Campion Hall, Đại học Oxford.
Nguồn: https://stellamaris.edu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn