Ý NGHĨA “SỰ ĐỘC TÀI CỦA THUYẾT TƯƠNG ĐỐI” THEO ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
David Paul Deavel
Nhóm dịch lớp Triết học I chuyển ngữ từ The Catholic Servant (11/2016)
Nguồn: https://stellamaris.edu.vn
Đức Bênêđictô XVI muốn nói gì với hạn từ “sự độc tài của thuyết tương đối”?
Sau khi thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng y Joseph Ratzinger lúc bấy giờ là Hồng y niên trưởng được mời để giảng lễ tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô trong “Thánh lễ trước khi bước vào Mật tuyển viện”. Trong Bài giảng này đã xuất hiện cụm từ nổi tiếng “sự độc tài của thuyết tương đối”.
Đức Hồng y Joseph Ratzinger tại Thánh lễ trước khi bước vào Mật tuyển viện 2005. Ảnh: KNA.
Khi diễn giải bài đọc II trong thánh lễ hôm ấy, Đức Hồng y Ratzinger tập trung vào câu trích từ thư Êphêsô 4,14 trong đó thánh Tông đồ Phaolô khích lệ Hội thánh tại Êphêsô hãy “đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”, hay “đạt tới tình trạng con người trưởng thành của Đức Kitô”, như một số bản dịch đã diễn đạt. Lời cảnh báo của thánh Phaolô chống lại những người cứ là trẻ nhỏ trong đức tin, theo nghĩa “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý”. Đức Hồng y Ratzinger nhấn mạnh, “Cách diễn tả này vẫn còn rất thời sự!”. Đức Hồng y sơ lược vài tư tưởng khác đã chiếm giữ tâm trí của nhiều Kitô hữu trong vài thế kỷ qua:
“Trong vài thập niên trở lại đây, có biết bao nhiêu chiều gió đạo lý được chúng ta biết đến, biết bao nhiêu luồng ý thức hệ, biết bao nhiêu lập trường tư tưởng. Con đò tư duy bé nhỏ của nhiều Kitô hữu, tròng trành trên muôn con sóng, bị đẩy từ thái cực nầy sang thái cực khác: từ chủ nghĩa Marxist sang chủ nghĩa tự do, và đến cả chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể sang chủ nghĩa cá nhân cực đoan, từ chủ thuyết vô thần sang chủ nghĩa thần bí tôn giáo mơ hồ, từ thuyết bất khả tri sang thuyết dung hợp, và vân vân. Ngày nào cũng nổi lên những giáo phái mới; và những gì thánh Phaolô đã nói về những trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường (x. Ep 4,14), thì nay đã thành hiện thực”.
Các hệ tư tưởng cũ khoác lên mình hào quang của tính khách quan khoa học: Nào là chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa khách quan, chủ nghĩa xã hội dân tộc! Người ta xác nhận rằng những chủ thuyết này có kinh tin kính và sách thánh kèm theo để hỗ trợ. Qua đó, chúng ta biết Chân lý. Tuy nhiên, Đức Hồng y Ratzinger lưu ý, ngày nay, có một hệ tư tưởng mới nhấn mạnh rằng việc [Giáo hội] kiên quyết bám vào Kinh Tin Kính là “quá khích”, và rằng chỉ có thái độ lùi bước trước chân lý là thực sự có giá trị. Ý tưởng này cho rằng bất kỳ loại chân lý nào cũng chỉ là “tương đối” so với hoàn cảnh là điều chúng ta gọi là “thuyết tương đối” (relativism).
Người ta có thể nghĩ rằng sự thiếu “chắc chắn” như vậy sẽ dẫn đến một thiên đường hoài nghi và khoan dung nơi đó không còn bạo lực và mọi sự đều không còn chắc chắn. Nhưng trên thực tế, lý thuyết này bắt đầu xây dựng “một nền độc tài của chủ nghĩa tương đối vốn không xem bất cứ điều gì là dứt khoát và mục tiêu cuối cùng của nó không gì khác hơn ngoài cái tôi và ham muốn của một con người”. Trong văn hóa như vậy, người ta không nhấn mạnh việc phê phán bất kỳ hành động nào, như chống lại việc phê phán tình trạng thực sự sai trái của tâm hồn là điều thực sự sai trái. Trong mô hình này, nếu con người thực sự muốn một điều gì đó, thì điều đó là “OK” và việc ngăn cản, lập luận chống lại hành vi đó, hoặc thậm chí không tán thành nó, được coi là hành vi xúc phạm đến nhân phẩm và phải bị ngăn cấm.
Tất nhiên, có một mâu thuẫn ở đây: vì làm thế nào một người có thể ngăn cản tôi bênh vực, tranh luận hoặc bày tỏ sự bất đồng nếu tiêu chí duy nhất cho tính đúng đắn của hành động là bản ngã và những khát vọng của nó? Còn về bản ngã và khát vọng Kitô giáo của tôi thì sao? Câu trả lời là sự độc đoán của thuyết tương đối cũng chỉ thực sự tương đối. Khi người ta nói chân lý thì tương đối thì cách chung họ muốn nói rằng chân lý nơi đối thủ của họ là tương đối; ý tưởng về chân lý hiện nay của riêng họ là một xác tín không thể chất vấn.
Vậy vấn đề đó là, vì các ý tưởng của họ về chân lý không đặt nền tảng trên bất kỳ thực tại khách quan nào khác ngoài họ và nó được bảo vệ bởi sức mạnh hơn là được lý trí, nên mỗi “nhà độc tài nhỏ của thuyết tương đối” là con mồi dễ dàng cho một sức mạnh lớn hơn giờ đây đòi một chân lý mới đối nghịch với chân lý cũ. Những người thực thi nữ quyền chính thống (truyền thống) trước đây từng cho rằng không người nam nào có thể hiểu hoặc thậm chí nói về những điều kiện của người nữ. Điều này xem ra bất hợp lý, vì không phải toàn bộ cuộc sống đều được phân chia rõ ràng giữa trải nghiệm và các vấn đề của “nam” và “nữ”, nhưng điều này không bị chất vấn. Giờ đây, nhờ những lý thuyết mới về giới, việc người nam đòi xác định mình với trải nghiệm về người nữ dựa trên thực tế nội tại nơi chính mình thì không cần phải đặt vấn đề: anh ta là một người nữ với những trải nghiệm thầm kín và khó giải thích này. Anh ta nói từ và nói về sự hiểu biết là người nữ, dù thực tế đã có nhiều nhà lý thuyết của chủ thuyết này cũng nói rằng giới tính là thuần túy do xã hội tạo nên. Người ta có thể chất vấn lại rằng làm sao một người có thể có một bản sắc nội tại cố định dựa trên một cấu trúc xã hội? Tuy nhiên, người ta hiểu rằng dù lý thuyết mới tồn tại những mâu thuẫn nhưng nó vẫn đạt được ưu thế nhất định. Từ đó, những nhà bảo vệ nữ quyền trước đây và bất kỳ ai phản đối trào lưu này đã không bị thuyết phục nhưng phải im tiếng. Các lý thuyết mới này không mở ra cho thảo luận hay suy tư nhưng phải được chấp thuận trên cơ sở thẩm quyền của những người tuyên bố chúng.
Các học thuyết về nhân sinh có tính cạnh tranh vốn không mở ra cho lý trí và không có được tiêu chuẩn chung cuộc về chân lý, đã thực sự nô dịch chúng ta. Trong bài giảng khai mở Mật nghị 2005, Đức Hồng y Ratzinger đưa ra khả thể của việc tìm kiếm một tiêu chuẩn chân lý đích thực nơi con người của Đức Giêsu Kitô và trong kinh Tin Kính. Tình bằng hữu với Đức Kitô và sự chân nhận chân lý của Người thay vì giới hạn chúng ta, thì lại là phương thế duy nhất có khả năng giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn bất tận của những kẻ độc tài đang xé nát chân lý cùng xã hội thành những mảnh ngày càng vụn vỡ hơn, và không hề kiến tạo được sự hòa bình, hợp nhất hay toàn vẹn. Đó là thông điệp mà Đức Hồng y Joseph Ratzinger vẫn còn truyền tải cho lượng cử tọa đông đảo hơn khi họ biết đến ngài sẽ sớm trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XVI sau này.
-----------------
David Paul Deavel (Tiến sĩ Thần học tại Fordham) là biên tập viên của tạp chí Logos: A Journal of Catholic Thought and Culture và biên tập viên cộng tác cho tạp chí Gilbert.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn