ĐẠI KẾT
MỘT ƯU TIÊN TRONG TRIỀU ĐẠI ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
Hồng y Kurt Koch[1]
Chủng sinh Gioan Quốc Trầm chuyển ngữ từ Benedictusxvi.com
Nguồn: https://stellamaris.edu.vn/
Xuất thân từ quê hương của cuộc Cải cách, Đức Bênêđictô XVI trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên tại Buổi gặp gỡ đại kết đã cho thấy những quan điểm nền tảng đối với sự dấn thân của ngài trong Đại kết.
Đức Bênêđictô XVI có bài diễn văn trong Buổi gặp gỡ đại kết nhân dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới lần XX tại Cologne, tháng 8/2005. Đây là bài phát biểu quan trọng đầu tiên về vấn đề đại kết trong năm đầu tiên triều đại giáo hoàng. Bài diễn văn đưa ra những quan điểm nền tảng, cho thấy sự dấn thân của ngài với Đại kết.
Chân lý đức tin, không phải sự thỏa hiệp chính trị
Đối với Đức Bênêđictô XVI, những nỗ lực đại kết là để khôi phục sự hiệp nhất Giáo hội như một cộng đồng sống theo Tin mừng và đức tin Tông truyền. Khi được phục hồi, sự hiệp nhất Giáo hội sẽ tác động sâu sắc đến chân lý đức tin và không còn được hiểu sai như là vấn đề chính trị vốn có thể được giải quyết thông qua thỏa hiệp. Thay vào đó, sự hiệp nhất Giáo hội phải là sự hiệp nhất của đức tin Tông truyền, được truyền lại và ủy thác cho mọi Kitô hữu khi họ được Rửa tội. Do vậy, phép rửa và sự thừa nhận lẫn nhau [giữa các Kitô hữu] là nền tảng của mọi nỗ lực đại kết.
Từ đó, chúng ta cũng có xác tín cơ bản rằng, là tư cách con người, chúng ta không tự mình đem lại sự hiệp nhất Giáo hội cũng như không thể đòi buộc hình thức và thời gian đạt được sự hiệp nhất này. Hiệp nhất do con người mang lại chỉ có thể là hiệp nhất nhân loại.
Cuộc gặp gỡ đại kết nằm trong Ngày Giới trẻ Thế giới tại Cologne. Thính giả chăm chú lắng nghe bài diễn văn của Đức Bênêđictô XVI. L’Osservatore Romano.
Sự hiệp nhất Giáo hội mà Đại kết theo đuổi không do con người mang lại nhưng là quà tặng của ân sủng
Tuy nhiên, sự hiệp nhất mà Đại kết theo đuổi là quà tặng của ân sủng nhờ đó chúng ta chỉ có thể quay về Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất các môn đệ vào đêm trước khi chịu nạn. Vì vậy, về bản chất, Đại kết Kitô giáo là thành phần trong Lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu. Chỉ khi để mình được tham dự vào lời nguyện này, chúng ta mới có thể nên một với nhau.
Vào một dịp khác, Đức Bênêđictô XVI diễn tả cách sống động niềm xác tín này: “Con tàu đại kết sẽ không bao giờ ra khơi nếu nó không được dòng chảy cầu nguyện dạt dào này nâng đỡ và được hơi thở của Chúa Thánh Thần đưa đi”. Ngay từ đầu, Đại kết là một phong trào cầu nguyện, và chỉ như thế nó mới tiếp tục tồn tại. Lời cầu nguyện cho hiệp nhất là bản chất thiêng liêng của mọi nỗ lực đại kết.
Đại kết về chân lý và đời sống
Trong lập trường thiêng liêng nền tảng này, Đức Bênêđictô XVI cũng luôn cổ võ Đại kết về chân lý, nghĩa là lời giải thích thần học cho các yếu tố trong quá khứ đã dẫn đến những chia rẽ trong Giáo hội. Mối quan tâm lớn của ngài là giải quyết những vấn đề thần học ngay chính cốt lõi. Ngài không muốn thấy sự tranh chấp bề mặt về thể chế chẳng hạn vấn đề thừa tác vụ trong Giáo hội.
Đối với ngài, vấn đề thật sự về thần học là “sự hiện diện của Ngôi Lời trong thế giới”, nghĩa là sự kết hợp của Ngôi Lời Thiên Chúa với chứng tá cá nhân. Hay nói đơn giản hơn, “hình thức tốt nhất của Đại kết là sống theo Tin mừng”.
Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh nhu cầu khẩn thiết là các Kitô hữu đồng lòng đưa ra các vấn đề đạo đức sinh học. L’Osservatore Romano.
Hôn nhân, gia đình, tính dục, giới tính: những vấn đề đạo đức lớn cần ưu tiên ngay
Vì vậy, đối với Đức Bênêđictô XVI, đối thoại đại kết là con đường bước về phía trước. Đây không chỉ đơn giản là trao đổi những tư tưởng và xác tín, nhưng còn là “trao đổi ân ban” nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần mà nhiều cộng đồng Kitô hữu khác nhau đóng góp vào sự phong phú thiêng liêng này. Tuy nhiên, khi chọn thái độ rất tích cực này, Đức Bênêđictô XVI cũng công khai đề cập đến những vấn đề chưa được giải quyết trong tình hình đại kết hiện nay, tôi chỉ đề cập đến hai vấn đề quan trọng nhất:
Đối với Đức Bênêđictô XVI, những vấn đề luân lý lớn cần được ưu tiên ngay trong đối thoại đại kết. Trong những thập kỷ qua, những căng thẳng và khác biệt nghiêm trọng đã xuất hiện tại các cuộc thảo luận đại kết trong lĩnh vực luân lý đạo đức, đặc biệt liên quan đến đạo đức sinh học, những vấn đề luân lý đạo đức xoay quanh hôn nhân, gia đình, tính dục và giới tính. Điều này đưa ra một thách thức lớn.
Nếu các giáo hội không có tiếng nói chung, tiếng nói Kitô giáo sẽ ngày càng yếu đi trong xã hội thế tục
Nếu Kitô hữu và các giáo hội Kitô không thể có tiếng nói chung trong những vấn đề lớn về luân lý đạo đức đời sống con người và tương tác xã hội, tiếng nói Kitô giáo sẽ trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết trong xã hội thế tục ngày nay. Vì thế Đại kết Kitô giáo cũng phải tập trung vào những vấn đề luân lý đạo đức này.
Thách thức thậm chí còn nền tảng hơn trong tình hình đại kết hiện nay là chúng ta chưa tìm thấy mục tiêu chung cho Đại kết. Có nhiều mô hình hiệp nhất, nhưng chưa có sự đồng thuận về trọng tâm thực sự phải có khi khôi phục sự hiệp nhất Giáo hội. Chúng ta đồng ý phải có sự hiệp nhất “đó” nhưng chưa thống nhất sự hiệp nhất phải như thế “nào”. Tuy nhiên, chúng ta cần một mục tiêu chung để bắt đầu các bước tiếp theo.
(Từ trái qua) Hồng y Joachim Meisner, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Hồng y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và Hồng y Walter Kasper lắng nghe bài phát biểu của Đức Giám mục Wolfgang Huber, Chủ tịch Hội đồng Hội thánh Tin lành tại Đức.
Mục tiêu là sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình
Như Công đồng Vatican II xác định, Đức Bênêđictô XVI xem mục tiêu của Đại kết không chỉ là thừa nhận những cách hiểu khác nhau của các giáo phái về Giáo hội và đạt tới một sự chung sống hòa bình, nhưng còn là một sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của Giáo hội và như thế trong sự hiệp nhất đó, tự bản chất, vốn hữu hình trong cộng đồng nhờ đức tin, bí tích và các thừa tác vụ của Giáo hội.
Đức Bênêđictô XVI tập trung mọi nỗ lực đại kết của mình vào mục tiêu này. Chính bản thân tôi thấy được điều này khi ngài đề nghị tôi chấp nhận việc bổ nhiệm làm Chủ tịch Bộ Cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu. Khi đó, ngài giải thích rằng tôi được chọn bởi vì ngài muốn một giám mục hiểu biết về nhiều giáo hội khác nhau, không phải chỉ qua sách vở nhưng còn từ kinh nghiệm mục vụ cá nhân. Ngài cũng giải thích là với ngài Đại kết với các cộng đồng giáo hội phát triển từ cuộc Cải cách cũng quan trọng như Đại kết với các Giáo hội Chính thống.
“Đối thoại giữa ba chúng ta”: bao gồm các Giáo hội Chính thống và các Giáo hội Chính thống Đông phương
Với tư cách là Giáo hoàng đến từ một đất nước có tầm quan trọng đối với cuộc Cải cách, do đó ngài đặc biệt quan tâm đảm bảo rằng các Kitô hữu Chính thống [công nhận 7 Công đồng chung] và Kitô hữu Chính thống Đông phương [chỉ công nhận 3 Công đồng chung đầu tiên] được tham gia vào các thảo luận đại kết và được làm thành viên trong đối thoại đại kết.
Điều này giải thích lý do vì sao Đức Bênêđictô XVI, trong thông điệp đầu tiên sau khi được chọn làm giáo hoàng, tuyên bố rằng triều đại giáo hoàng của ngài đặc biệt ưu tiên “nỗ lực không mệt mỏi để tái thiết sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của mọi môn đệ Chúa Kitô [trong tư cách người kế vị hiện tại của Thánh Phêrô]. Đây là khát mong và bổn phận bắt buộc của ngài”.
Đặt Chúa Kitô ở trung tâm
Đức Bênêđictô XVI luôn nỗ lực để nhiệm vụ đại kết vì sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội bắt rễ trong đức tin Kitô giáo. Sự dấn thân của ngài với Đại kết thật sự là cuộc Đại kết quy Kitô. Trong đó, những nỗ lực đại kết và mọi bài giảng, ngài đặt Đức Giêsu Kitô ở trung tâm. Ngài sẽ được nhớ đến là một nhà đại kết quan trọng trong thời hiện đại và vì thế vẫn còn sản sinh nhiều hoa trái. Bài diễn văn của Đức Bênêđictô XVI tại Cologne, và được giới thiệu ngắn ở đây, chứng minh cách xác thực điều này.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn