Suy Niệm Tuần 24 thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ bảy - 16/09/2023 23:05  371
Thứ Hai tuần XXIV Tn
‘Ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho’, những kỳ mục nài xin Đức Giêsu. Còn chính viên đại đội trưởng thì thưa: ‘Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi’. Có một sự khác biệt lớn lao giữa công trạng, nghĩa là quyền mà chúng ta nghĩ mình có trên Thiên Chúa, và sự nghèo hèn được viên đại đội trưởng diễn tả. Tại sao lại xảy ra cho tôi điều này? Tôi hỏi và tôi không có đuợc câu trả lời. Danh sách những cố gắng ta nhắm mặc cả với Thiên Chúa có lẽ còn dài lắm. Con người, trước sự bất lực và khổ sở của mình, hướng về Thiên Chúa, nơi đấng mà họ thấy thực hiện toàn bộ những nhu cầu của họ, và trong một thái độ rất đẹp cho dẫu gần với lối suy nghĩ của người ngoại đạo, đó là con người được an ủi khi nghĩ rằng Thiên Chúa không thể không đáp trả bằng cách ban phát tất cả những gì họ cần. Tuy nhiên con người vẫn luôn bị cám dỗ mặc cả với Thiên Chúa. Tự nhiên con người nghĩ rằng lời cầu nguyện sinh ra một loại ‘bổn phận’ mà Thiên Chúa phải thực hiện.
Thiên Chúa là Cha. Ngài biết rõ những nhu cầu của ta và, vì Ngài có trái tim phụ tử, Ngài sẽ rất vui lòng khi chúng ta diễn tả những nhu cầu ấy cho Ngài. Ngài chờ đợi thái độ hiếu thảo của ta, dệt bằng lòng phó thác tuyệt đối. Đứa con chờ đợi tất cả từ cha mình. Một thiếu niên yêu cầu quyền lợi của mình, một người trưởng thành nhìn nhận sự nghèo hèn bẩm sinh của mình trước đấng mình lệ thuộc. Đó là tình cảnh của ta đối với Thiên Chúa: ‘Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi’, để rồi ta được nghe câu trả lời: ‘Cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế’. Vì lẽ đức tin không phải là yêu sách của con người đối với Thiên Chúa. Đức tin là lòng phó thác vào sự toàn năng của Thiên Chúa, đấng có thể thực hiện điều lớn lao hơn nhiều những ao ước của ta. ‘Về đến nhà, những người được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn’.
Thứ Ba tuần XXIV Tn
Những giọi lệ của người mẹ
‘Lạy Chúa, xin lấy vò mà đựng nước mắt con’. Tại Naim người ta đang đi đưa đám tang: cái chết đã nhằm đến một thanh niên, đứa con trai duy nhất của bà mẹ góa. Những giọt nước mắt của bà, cùng với đoàn người than khóc đang đi theo chiếc quan tài. Đức Giêsu đang cùng ở trên con đường ấy với đám đông; ngài nghe tiếng khóc và ngài cũng hòa mình vào đoàn đưa đám, ngài cũng đang đi trên con đường của sự chết, tất cả đều là những người hay chết và đang trải qua thung lũng đầy nước mắt này. Tuy nhiên Ngài muốn chứng tỏ sứ vụ cứu độ của mình. Sau khi sống lại Ngài sẽ tuyên bố: ‘Ta đã chiến thắng sự chết’. Ngài nói điều đó để tuyên bố rằng ngài đã sống lại nhưng cũng để nói rằng chúng ta cũng được tiền định để hưởng sự sống. Ngài nói với chàng thanh niên đang nằm bất động trong quan tài: ‘Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy’. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ.
Hiệu quả của phép lạ không chỉ là niềm vui cho người mẹ, thấy đứa con mình đang sống, nhưng nhất là lời công bố của đám đông đi theo Đức Giêsu: ‘Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người’. Tuyên bố Đức Giêsu là ngôn sứ đồng nghĩa với việc khẳng định Ngài nói nhân danh Thiên Chúa những chân lý vĩnh cửu. Tuyên bố Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người là tuyên bố trong niềm tin rằng Đấng toàn năng đã can thiệp cách cụ thể trong dòng lịch sử, trong các biến cố của thế giới.
Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con hôm nay, biết bao giọt lệ đang cần được lau khô, biết bao kẻ sống người chết đang được mang đi chôn…!
Thứ tư Tuần XXIV Tn
Anrê Kim Têgon và Các Bạn tử đạo
Tác động của Thánh Thần, đấng muốn thổi đâu thì thổi, cùng với việc tông đồ của các người giáo dân làm nên cội nguồn cho Giáo Hội Chúa trên đất Đại Hàn. Hạt mầm đầu tiên của niềm tin công giáo do một người giáo dân Đại hàn mang về năm 1784 từ Bắc Kinh, đã trổ sinh hoa trái vào giữa thế kỷ XIX qua việc tử đạo của 103 thành viên của cộng đoàn non trẻ. Phải kể đến Anrê Kim Teagon, vị linh mục tiên khởi đại hàn và người tông đồ giáo dân Phaolô Chong Hasan. Những cuộc bách hại tiếp nối nhau từ 1839 đến 1867, hầu như bóp nghẹt niềm tin của các tân tòng, lại mang mùa xuân Thánh Thần cho Giáo Hội non trẻ. Ngày 06/05/1984 trong chuyến tông du mục vụ đến đất nước xa xôi này Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ghi vào sổ các thánh các vị tử đạo Đại Hàn.
+++
Trong bài tin mừng hôm nay, Đức Giêsu diễn tả hết sức sinh động thái độ trẻ con của những đứa trẻ không bằng lòng, đấu đá nhau bằng những lời quở trách. Chúng chẳng bao giờ đồng thuận với nhau, khước từ mọi đề nghị cuộc chơi. Chúng không muốn chơi trò đám cưới; chúng không diễn tả niềm vui. Như vậy có thể chuyển qua chơi trò đưa đám tang? Cũng không. Chúng cũng không thích hợp.
Đức Giêsu sử dụng cách đó để lột mặt thái độ tinh thần của nhiều người trưởng thành thời của ngài, nhất là của các biệt phái và tiến sĩ luật, được nêu danh ít lâu trước đó (Lc 7,30). Đức Giêsu quan sát thấy rằng chính họ cũng không đồng thuận với nhau. Họ luôn muốn nhắc lại, nhất là khi đề cập đến một sứ giả của Thiên Chúa đến với lời mời gọi sám hối. Thay vì nghiêm túc đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa, họ dò xét người sứ giả và tìm đủ mọi cách để có cớ khinh thường vị này và từ đó cũng không đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa.
Gioan Tẩy Giả đã đến sống nhiệm nhặt trong hoang địa, không ăn bánh, không uống rượu nho, nhưng bằng lòng với lương thực tìm thấy được trong hoang địa. Sự nhiệm nhặt như thế lẽ ra phải khiến cho những lời ngôn sứ của ông thêm uy tín. Thì lại trở thành đề tài chỉ trích cho các biệt phái và tiến sĩ luật, tự xem mình là chuyên gia về tôn giáo, cho rằng thái độ sống của Gioan là không hợp lý, không phải do Thiên Chúa linh hứng; nên có lẽ đến từ ma quỷ. Họ chẳng thèm quan tâm đến vị ngôn sứ dị kỳ này nữa.
Suy nghĩ đoạn tin mừng này, ta đừng quên áp dụng cho chính mình. Có lẽ chúng ta cũng chẳng khác nào lũ trẻ con không đồng thuận với nhau? Và cũng giống như các biệt phái và tiến sĩ luật chỉ trích Đức Giêsu về mọi đề nghị thay đổi đời sống?
Trong bản dịch tin mừng, có một từ hết sức ý nghĩa nhưng lại khó dịch chính xác. Khi nói về bọn trẻ con Đức Giêsu nói rõ chúng ‘ngồi’. Chúng ta có thể hiểu rằng lũ trẻ này từ khước mọi đề nghị bởi vì chúng không muốn đứng dậy và di chuyển. Cũng thế những lời chỉ trích của các tiến sĩ luật thực sự là một cách thế để bảo vệ ‘chủ nghĩa bất động’ thiêng liêng của họ. Họ không muốn thay đổi, không muốn từ khước cái vị thế cố định của họ để mặc lấy một lộ trình mới ngoan ngùy theo hướng dẫn của Thần Khí. Nên ta có thể hiểu rằng những chỉ trích chống lại các sứ giả của Thiên Chúa thường là loại này. Chúng chỉ trích để khỏi hành động, để khỏi vâng phục Chúa.
+++
Khi nhắc lại một câu châm ngôn cổ Do thái, Đức Giêsu cho ta thấy một nhóm các đứa trẻ (bị hội chứng điếc), không nghe bất cứ lời khiêu khích nào để bắt đầu một trò chơi. Sự lười biếng của các trẻ này giống như bệnh điếc lác của dân Israel khi họ từ chối những lời dạy của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu. Ngài lột mặt nạ của họ, một lần cho tất cả, để lộ ra bộ mặt giả hình. Phía sau thái độ thụ động kia ẩn giấu một con tim chai cứng, chai cứng trước bất cứ lời kêu mời nào. Hội chứng điếc của Israel thật ra cũng chính là bệnh của mỗi người chúng ta, khi chúng ta không nhận biết ơn cứu độ đích thực mà Đức Giêsu mang đến.
Thứ Năm tuần XXIV Tn
Thánh Matthêô
Trong bài tin mừng hôm nay Matthêô tự thuật lại ơn gọi của chính mình. Thánh Giêrônimô lưu ý rằng chỉ có ngài, trong sách tin mừng của ngài, đã dùng chính tên riêng của mình Matthêô; trong khi các vị thánh sử khác, thuật lại việc này, gọi ngài với tên Lêvi, tên thứ hai của ngài, có lẽ ít được biết đến, hầu như để muốn giấu đi cái tên của người thu thuế. Mathêô ngược lại nhấn mạnh: ngài được Đức Giêsu biết đến như một người thu thuế, một trong những người thu thuế, cộng tác với quân Rôma đô hộ. Việc Đức Giêsu kêu gọi những người thu thuế gây cớ vấp phạm.
Matthêô tự trình bày mình như một người thu thuế được tha thứ và được kêu gọi, và như thế cho ta hiểu rằng ơn gọi làm Tông đồ nằm ở chỗ nào. Trước tiên phát xuất từ lòng thương xót của Chúa.
Trong tác phẩm của các Giáo Phụ thường nói đến các Tông Đồ như những vị hoàng tử; Matthêô không tự giới thiệu mình như hoàng tử, nhưng như một người tội lỗi được tha thứ. Và đây chính là nền tảng của việc tông đồ: đã lãnh nhận lòng thương xót của Chúa, đã hiểu sự nghèo hèn của mình và để cho mình được đổ tràn lòng thương vô bờ của Thiên Chúa: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đền để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi’.
Một người thấu hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa, không phải một cách trừu tượng, nhưng chính nơi bản thân mình, thì được chuẩn bị cho công việc tông đồ. Người không có tâm tình đó, dù được kêu gọi, cũng khó có thể chạm đến chiều sâu của các tâm hồn, vì không thông hiệp tình yêu thương của Thiên Chúa. Người tông đồ đích thực, như thánh Phaolô nói, thì đầy lòng khiêm nhượng, hiền hòa, kiên nhẫn: sự khiêm tốn của Thiên Chúa cúi mình trên các tội nhân, mời gọi họ và nâng họ lên.
Ta hãy cầu xin Chúa cho ta có được tâm tình thấu hiểu sự nghèo hèn của mình và lòng thương xót vô biên của Chúa; chúng ta là những tội nhân được tha thứ. Dù ta không phạm những tội nặng, ta cũng có thể nói như thánh Augustinô rằng Chúa tha cho ta trước các tội lỗi, để nhờ đó mà ta không lỗi phạm. Hãy cảm tạ Chúa vì tình yêu thương vô cùng của Ngài, nhìn nhận mình là kẻ nghèo hèn, là tội nhân được tha thứ, và vui mừng vì lòng nhân từ của Thiên Chúa.
+++
Lòng thương xót, niềm vui của Thiên Chúa Đấng yêu đến độ tha thứ tất cả, niềm vui của Thiên Chúa Đấng nhìn thấy người phụ nữ đang làm một hành vi đức tin vào tình thương của Ngài. Tin vào tình thương. Tin vào lòng thương xót để trở nên nhân chứng của tình thương, của lòng thương xót, bởi lẽ thế giới đang cần đến lời chứng này. Là một thế giới cứng cỏi. không tin vào tình thương nhưng không, vào tình thương tự hiến chính mình, vào lòng thương xót.Ta đừng tự than trách về sự cứng cỏi của thời đại bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa hành động cách hiệu quả. Tôi là chứng nhân sống động về điều này, bởi vì Đức Kitô đang họa lại nơi tôi lịch sử của người phụ nữ tội lỗi.
Ý thức mình là hoa quả của lòng thương xót Thiên Chúa. Đức Kitô cho ta một dấu chỉ của lòng thương xót dịu dàng của Ngài nơi bí tích hòa giải. Đối với ta, đây có phải thường xuyên là suối nguồn sự sống không? Ta có để cho Đức Kitô vui mừng vì tha thứ cho ta không? Quả thật đây là bí tích thống hối: một hành vi đức tin vào tình thương. Thường thì ta lánh xa bí tích này. Vì ta thường nghĩ rằng đó chỉ là việc xưng thú tội lỗi của mình: việc xưng thú quả thật là điều quan trọng. Là một hành động của một con người tự do nhìn nhận mình là kẻ đáng thương và là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Lẽ ra ta nên nghĩ đến niềm vui của Thiên Chúa, Đấng, mà mỗi một lần con người, bằng một hành vi tự do và tự quyết, quay trở về với Ngài để được tha thứ, được nhìn nhận là Tình Yêu Thương Xót.
Nhờ bí tích sám hối, người tín hữu được thanh tẩy, nhìn nhận mình là đối tượng của việc tha thứ và do đó có thể trở nên chủ thể lòng thương xót. Họ sẽ có thể chứng nhận rằng Thiên Chúa là tình yêu, nếu chính mình để bản thân được tái sinh trong tình yêu. Bí tích sám hối là việc thực hiện lời sấm ngôn: ‘Ta sẽ ban cho các người một quả tim mới’. Lòng sám hối là việc thay đổi con tim. Con người dâng cho Thiên Chúa quả tim chai đá do tội lỗi của riêng minh và Thiên Chúa sẽ làm nó tái sinh, ôm ấp nó bằng sự tha thứ. Người tín hữu được thanh tẩy như thế đến lượt mình sẽ có khả năng yêu thương và tha thứ.
+++
Lòng mến tri ân
Phaolô viết cho Timôtêô: ‘Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh’. Chúng ta hôm nay cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục và các kitô hữu, để tất cả ý thức hơn về đặc sủng của thánh chức linh mục và coi trọng hơn.
Bài tin mừng thật súc tích, chỉ xin để ý một điểm nhấn để hiểu rõ lời Chúa hơn: tình yêu Thiên Chúa luôn đi trước mọi điều con người thực hiện. Người biệt phái, tự phụ, không nhận biết những ân huệ của Chúa, anh ta tin rằng chính mình làm điều này điều kia cho Chúa: anh không yêu Thiên Chúa. Người phụ nữ tội lỗi, ngược lại, biết đón nhận thật nhiều vì món nợ của bà lớn lắm: được Chúa tha vì đã yêu mến nhiều. Ai yêu mến nhiều? Người được Chúa tha nhiều. Điều đó không có ý muốn nói, như thông thường ta giải thích, rằng bà ta nhận được sự tha thứ cho muôn vàn tội của bà vì bà đã yêu nhiều, nhưng ngược lại: tình yêu của bà là dấu chỉ bà đã nhận được ân huệ lớn lao của Thiên Chúa: ơn tha thứ. Vấn nạn của người biệt phái là: ‘nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng đến mình là thứ người nào: một người tội lỗi!’ Bây giờ Đức Giêsu không chỉ nhận biết chị như người tội lỗi: Ngài nhận biết chị như người tội lỗi được tha thứ, vì nhìn thấy lòng mến của chị. Sự tha thứ của Thiên Chúa luôn đi trước, làm cho ta hiểu được tình yêu vô tận của Ngài và gợi lên nơi ta sự đáp trả.
‘Còn ai được tha ít thì yêu mến ít’. Lời xác quyết thứ hai này củng cố cho lời xác quyết thứ nhất. Không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài yêu chúng ta trước. Bổn phận chúng ta là nhận ra tình yêu qua các ân huệ Ngài ban tặng cho ta, qua những lần tha thứ. Đó là điều kiện cần cho lòng mến của chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ giống như người biệt phái, tin rằng chính mình làm cho Thiên Chúa, không nhận ra tình yêu của Ngài và cuối cùng, không yêu Ngài.
Cầu xin Chúa ban cho ta ơn biết nhận ra rằng tình yêu của Chúa luôn đi trước. Trong lời nguyện tiến lễ, Giáo Hội luôn nhận biết điều đó: ‘Chúc tụng Chúa là chúa tể càn khôn, vì Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này…rượu này’, nhờ đó chúng con mới có thể tiến dâng lên Chúa. Chúng ta sẽ là những người khoác lác nếu nghĩ cách kiêu căng rằng chúng ta làm cho Chúa điều này điều nọ mà không nhận biết mình đã nhận trước tiên từ nơi Ngài. Lòng mến đích thực đối với Chúa luôn luôn là một lòng mến tri ân.
Thứ Sáu tuần XXIV Tn
Các phụ nữ giúp đỡ Chúa
Trong đời sống công khai Đức Giêsu đã khơi dậy lòng quảng đại giúp đỡ của nhiều phụ nữ đi theo Ngài. Chắc chắn các bà đã không ‘coi việc giữ đạo là một nguồn lợi’ như Phaolô viết cho Timôtêô. Họ là những người được chữa lành, giải thoát, đã nhận từ nơi Chúa ý nghĩa đích thực cho cuộc sống, do đó họ sẵn sàng dâng cúng. Tất cả các thánh sử đều nhắc đến họ, nhưng các thánh sử khác chỉ nhắc đến trong tường thuật khổ nạn, vì họ trung thành đến cùng, trong khi các tông đồ trốn chạy. Và chúng ta còn gặp lại họ vào buổi sáng phục sinh, vì họ là những người đầu tiên đến mộ Chúa.
Đức Giêsu thấu hiểu tấm lòng của các bà, biết lòng quảng đại của họ. Ngài muốn họ cùng đồng hành với Ngài vì họ giúp ích cho sứ vụ của Ngài. Ngài đã kêu gọi Nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài, và Ngài cũng gọi các bà để họ cũng ở với Ngài.
Luca là thánh sử viết về các bà nhiều hơn hết, vì tin mừng của ông trình bày những mối liên hệ cá biệt, thân tình với Chúa. Thánh Matthêô có một cái nhìn rộng hơn: viết cho cả Giáo Hội; Mátcô, đặc biệt chú trọng đến mầu nhiệm con người của Đức Giêsu; Luca quan tâm nhiều những mối liên hệ giữa con người với nhau, nhạy cảm hơn về vai trò của các bà trong cuộc đời của Đức Giêsu và các môn đệ Ngài. Máthêô, chẳng hạn, viết về thời thơ ấu của Đức Giêsu từ quan điểm của Thánh Giuse, trong khi Luca trong viễn cảnh của Maria, và trong tin mừng của Luca ghi lại nhiều giai đoạn có sự xuất hiện của các phụ nữ, mà các tin mừng khác không nói đến: ví dụ như việc làm cho con trai của bà góa thành Naim sống lại. Cũng chính Luca, trong tường thuật khổ nạn, nói đến việc các phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương Chúa.
Các bài đọc hôm nay gợi lên cho chúng ta nhiều ý hướng cầu nguyện. Cầu cho các kitô hữu thời đại chúng ta biết tránh xa những hiềm khích, đố kỵ. cầu cho chúng ta biết tránh cám dỗ tiền bạc. Cầu cho những ai muốn làm giàu bằng mọi giá, để họ biết rằng sự ham muốn tiền bạc vô độ là cội rễ mọi sự dữ. Cầu cho các kitô hữu luôn hướng tìm điều thiện đích thực: là lòng tin, lòng mến, sự nhẫn nại, hiền hòa.
Thứ Bảy tuần XXIV Tn
Cha Thánh Piô
Cha Thánh Piô sinh tại Pietrelcina gần Benevento (Ý) năm 1887. Thuộc dòng Anh Em Hèn Mọn Cappuccino. Thi hành chức vụ linh mục của mình trong cộng đoàn San Giovanni Rotondo miền Puglia. Phục vụ trong cầu nguyện và trong khiêm tốn dân Chúa qua việc linh hướng, hòa giải hối nhân, nhất là qua việc chăm sóc những người đau bệnh và nghèo khổ. Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh (năm dấu thánh), Ngài kết thúc cuộc đời trần gian vào ngày 23.09.1968. Được ĐTC Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 16.06.2002.
Cha Piô là con người đặc biệt của Thánh Lễ và bí tích hòa giải. Trong Thánh lễ cũng như nơi bí tích hòa giải, Cha Piô sống với cả con người thực sự. Nơi tòa giải tội ngài sống thực những đau khổ như thể đang mang nặng những tội lỗi mà các hối nhân đến bày tỏ với ngài. Thánh Phaolô đã dùng ngôn ngữ mạnh khi nói: ‘Vì chúng ta mà Thiên Chúa đã làm cho con của ngài nên kẻ bị chúc dữ, nên kẻ có tội, Đức Giêsu bị đồng hóa với tất cả tội lỗi nhân loại. Nơi Cha Piô ta cũng thấy đại loại như vậy. Ngài sống, cảm nghiệm và đau khổ vì tội lỗi. Ngài tham dự vào máu Đức Giêsu đổ ra để xóa tội lỗi. Bí tích hòa giải là việc áp dụng máu của Đức Kitô để tha tội. Ngài sống cái ý thức của thảm kịch đẫm máu mà tội lỗi gây ra cho Đức Kitô: là sự thương khó với tất cả sự tàn bạo. Từ đó Cha Piô có thái độ khó chịu với những kẻ tái phạm, xưng tội mà thiếu lòng thống hối ăn năn, do không thành tâm, do không hối cải. Ngài sẵn sàng để cho máu Đức Kitô đổ ra tha tội, nhưng không muốn máu ấy đổ ra cách vô ích.
Một khía cạnh khác trong đời sống của Cha Piô nơi tòa giải tội là ơn biết được những điều trong lòng người khác. Điều này không thường xuyên. Những người đi xưng tội với Cha nhiều năm xác nhận điều này. Họ xác nhận là ngài đã giải tội như bất cứ một linh mục nào. Nhưng đôi lúc, nhiều người chỉ mới vừa quỳ gối, chưa kịp mở miệng, thì Cha Piô đã nói cho họ mọi điều họ đã làm và những gì họ đang chuẩn bị xưng tội. Với vài người khác Cha nói ngay: ‘Con hãy đi đi! Không giải thích gì cả. Nhiều người trong số họ đi ra, thất vọng, hoặc giận dữ: Sao tôi lại đến nơi này nhỉ? Chẳng bao giờ tôi đặt chân đến đây nữa đâu! Nhưng thật tình Cha Piô vẫn theo dõi họ bằng lời cầu nguyện. Vì đó là những người mà Ngài yêu mến hết lòng.
Thụ phong linh mục năm 1910, Cha Pio phải ở lại Pietrelcina một thời gian dài vì lý do sức khỏe (1910-1916). Từ ngày thụ phong linh mục, đối với ngài mỗi thánh lễ ngài dâng đều là ‘thánh lễ đầu tay’, là thiên đàng của ngài. Có điều là: quá dài! Nên giáo dân Pietrelcina than phiền việc đó lên Cha hạt trưởng. Rốt cuộc họ cũng phải vâng lời để thánh lễ tiếp tục, dù đôi lúc xuất thần, Cha Piô dừng lại lâu giờ. Sau lễ, Cha dừng lại thật lâu phía sau bàn thờ để cám ơn Chúa. Có khi kéo dài cho đến trưa.
Một ngày sau lễ phong hiển thánh cho Cha Pio, ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến hàng ngàn khách hành hương trong đại sảnh đường Phaolô VI. ÐTC điểm lại những bài học về cuộc sống của vị thánh, và đề cử thánh nhân làm mẫu mực cho đời sống thiêng liêng lẫn đời sống nhân bản. Cha Pio là vị thánh thứ 462 được ÐTC Gioan Phaolô tôn phong, trong triều giáo hoàng của Người. Trung Tâm Hành Hương tại San Giovanni Rotondo, miền nam Ý, nơi Cha Pio sống, tiếp đón mỗi năm hơn 6 triệu khách hành hương, đứng thứ 3 xét về số lượng người đến thăm viếng, sau đền thánh Guadalupe ở Mêhicô và Tòa Thánh Vatican.
Theo ÐTC, bí quyết khiến vị thánh được nhiều người ngưỡng mộ và yêu mến như vậy trước tiên là do thánh nhân thực sự trở thành một người anh em của mọi người, đúng như đặc tính truyền thống của các tu sĩ Capuccinô. Thêm nữa, cha còn là một vị ‘làm nhiều phép lạ’ thánh thiện, như bao biến cố ngoại thường, trong đời cha, đã chứng minh. Suốt đời sống của cha, là một cuộc tham dự vào mầu nhiệm thánh giá, kể cả về phương diện thể lý.
Trước đây, Ðức Karol Woityla, vị giáo hoàng tương lai, đã đến thăm Cha Pio vào năm 1947, và đã xưng tội với vị thánh này tại tu viện ở San Giovanni Rotondo.
+++
Mảnh đất tốt! Dụ ngôn gieo giống thật đánh động vì tính đòi buộc. Nhưng ta đừng rơi vào những vấn nạn giả tạo. Quả vậy, ta nên tự hỏi mình đang là loại mảnh đất nào. Nhưng đây không phải là việc chúng ta tìm ra năng động cần thiết để trở thành mảnh đất tốt nơi đó lời phát sinh gấp trăm lần. Ta nên nhìn, chiêm ngắm thánh ý của Thiên Chúa, Đấng muốn gieo vào lòng ta. Hạt giống thì rất phong phú: “Người gieo giống ra đi gieo hạt”. Con Thiên Chúa đã ra đi, đã đến giữa con người để gieo sự sống của Thiên Chúa, để gieo cách phong phú. Là đối tượng lòng thương của Thiên Chúa Đấng xem cuộc đời của ta như là cánh đồng nhằm phát triển. Thiên Chúa chúng ta là một vị Thiên Chúa đòi hỏi vì Ngài là một Thiên Chúa quảng đại.
Lòng quảng đại của Thiên Chúa còn vượt nhiều hơn nữa. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có khả năng chuẩn bị cánh đồng là tâm hồn chúng ta để sẵn sàng đón nhận lời của Ngài. Quả vậy, Ta phải thức tỉnh để tránh cạm bẫy của tên cám dỗ, để loại bỏ những đá sỏi và gai góc, nhưng ta cần tín thác quay về với Thiên Chúa Đấng ban tặng mọi điều thiện hảo.
Thiên Chúa muốn làm cho cuộc đời ta phát sinh hoa quả. Ngài cũng có thể làm như thế cho tâm hồn ta. Ta là kẻ đáng thương trước mặt Ngài và chỉ khi ta biết hướng về Ngài tự sâu thẳm của thống khổ lòng mình, ta mới có thể trở nên ‘mảnh đất màu mỡ’.
+++
Lời mang sự sống
Sự lạm dụng lời nói ngày nay làm chúng ta nghi ngờ về hiệu quả của nó. Quảng cáo, tuyên truyền…đầy vào trong tâm trí chúng ta khiến không còn cho cái gì vào được nữa. Tuy nhiên lời nói của con người là điều kỳ diệu, đưa đến sự sống. Nếu một đứa trẻ chẳng bao giờ nghe được một lời nói từ mẹ nó, nó không thể nhận được sự sống con người cách đích thực được, có thể sẽ giống như con vật. Chính người mẹ gợi lên trí khôn cho con, và làm phát sinh dần dần nhưng ý tưởng, những tình cảm. Thật tuyệt diệu đến thế mà chúng ta hiếm khi nghĩ đến, vì quá quen nghe những lời chẳng có ý nghĩa gì và chẳng mang lại ích lợi gì.
Còn lời của Chúa thì vô cùng phong phú, vì đưa ta đến sự sống thần linh. Chúng ta cần có sự kính trọng đối với lời Chúa như thánh Giacôbê nói: ‘Hãy khiêm tốn đón nhận lời đã gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em’ (Gc 1,21). Đức Giêsu cũng nói như thế. Lời Ngài thanh tẩy các tông đồ, làm cho các ông trở nên bạn hữu của Ngài: ‘Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha, thì Thầy đã cho các con biết’. Đức Giêsu đã nghe lời của Chúa Cha, đã truyền đạt lại và lời đó mang lại sự sống mới, sự sống thân tình với Thiên Chúa.
Nhưng, như thánh Luca viết, chỉ đón nhận thôi thì chưa đủ; cần phải nhẫn nại, kiên trì để lời Chúa sinh hoa kết quả nữa. Không chỉ nghe lời mà còn phải gìn giữ lời cả những lúc gặp trở ngại, cả khi kẻ thù bóp nghẹt, làm cho lời Chúa rời xa tâm trí ta để khỏi làm biến đổi cuộc sống của ta.
Gương mẫu của Mẹ Maria, đón nhận và tuân giữ lời Chúa: ‘Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thành sự cho tôi những lời đã phán’. Và ‘Ngôi Lời đã thành nhục thể’. Việc Mẹ Maria đón nhận, một cách nào đó, đã cho phép lời biến thành nhục thể để mang lại ơn cứu độ cho mọi người.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay32,939
  • Tháng hiện tại496,680
  • Tổng lượt truy cập47,794,488

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây