Suy Niệm Thánh Vịnh 129 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ sáu - 07/06/2024 09:17  521
Suy Niệm Thánh Vịnh 129
1 Ca khúc lên Đền.
            Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,
2          muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
            Dám xin Ngài lắng tai để ý
            nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
3          Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội,
            nào có ai đứng vững được chăng ?
4          Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
            để chúng con biết kính sợ Ngài.
 
5          Mong đợi CHÚA, tôi hết lòng mong đợi,
            cậy trông ở lời Người.
6          Hồn tôi trông chờ Chúa,
            hơn lính canh mong đợi hừng đông.
            Hơn lính canh mong đợi hừng đông,
7          trông cậy CHÚA đi, Ít-ra-en hỡi,
            bởi CHÚA luôn từ ái một niềm,
            ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
8          Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en 
            cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.


Cùng Đọc Với Israel
Thánh vịnh cầu khẩn được Israel sử dụng trong những nghi thức sám hối cộng đồng, đặc biệt vào dịp lễ Xá Tội: trước khi tái lập lại Giao Ước, người ta dâng các lễ vật xá tội đền bù tội lỗi.
Điều đáng lưu ý là tiếng kêu của tội nhân không nhằm trước tiên thú nhận tội lỗi mình với những hoàn cảnh, chi tiết: người ta không biết rõ đây là tội gì. Thánh vịnh này trước tiên là một tiếng kêu trông cậy, bài hát hy vọng là bài hát đẹp nhất vì xuất phát từ trái tim con người.
Dàn bài của bài thơ này làm nổi bật phản chứng tinh tế của cuộc đối thoại nội tâm. Đây là một biến chuyển của tâm hồn, đi từ con người đến Thiên Chúa, trở về với con người rồi lại đến với Thiên Chúa:
Đoạn 1: thái độ của người cầu nguyện… ‘con kêu’… ‘xin Ngài nghe tiếng con’…
Đoạn 2: cung cách của Thiên Chúa… ‘Ngài cao cả’… ‘nơi Ngài lòng tha thứ’…
Hai hàng giữa cho thấy trung tâm của chủ đề: trông cậy, mong đợi
Đoạn 3: thái độ của người cầu nguyện… ‘tôi trông chờ’… ‘tôi mong đợi’…
Đoạn 4: cung cách của Thiên Chúa… ‘Ngài tốt lành’… ‘nơi Ngài tình yêu’…
Thánh vịnh này là thành phần của nhóm các Thánh vịnh lên đền. Ta chiêm ngưỡng loại hình văn phong ‘tiếng vọng’, qua cách sử dụng những điệp ngữ, tạo nên chuyển động hành hương: CHÚA (8 lần), mong đợi (3 lần), trông cậy, kêu lên, xin nghe tiếng con; từ ngữ mở đầu và kết thúc: tội khiên; Israel được gợi lên 2 lần.
Một lưu ý nữa: đó là chuyển đổi từ chủ từ ‘con’ sang ‘chúng con’. Qua hình ảnh của một tội nhân người ta nhận ra toàn thể Israel tội nhân: chiều kích tập thể và cộng đồng của ơn tha thứ.

Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Tin mừng đầy những hình ảnh về sự tha thứ của Thiên Chúa mà thánh vịnh 129 mong đợi. Có sự hòa hợp sâu xa giữa tư tưởng của tác giả thánh vịnh và của Đức Giêsu: Thiên Chúa không phải là một vị quan tòa không có con tim như con người thường nghĩ, nhằm để bảo vệ tính công minh và thánh thiện của Thiên Chúa. Sự cao cả của Thiên Chúa, chính là sự tha thứ. Sự toàn năng của Thiên Chúa chính là sự toàn năng của tình yêu. Khi thánh vịnh viết: nơi Thiên Chúa sự tha thứ…nơi Thiên Chúa tình yêu…hai biểu thức do thái này muốn diễn tả rằng sự tha thứ và tình yêu là yếu tính của Thiên Chúa. Đây là điều mà Đức Giêsu đã không ngừng lập đi lập lại trong những dụ ngôn không bao giờ quên về lòng thương xót, đặc biệt trong chương 15 tin mừng thánh Luca: con chiên lạc, đồng bạc bị đánh mất, người con hoang đường. Còn có câu chuyện người phụ nữ tội lỗi được tha thứ (Lc 7,36-50), người bại liệt được chữa lành (Lc 5,17-26), dụ ngôn cây vả không sinh trái (Lc 13,6-9), ông Gia kêu (Lc 19,1-10), những lý hình được tha thứ (Lc 23,34), tên trộm lành (Lc 23,43).
Không chỉ Đức Giêsu không ngừng đọc lại thánh vịnh tha thứ này mà chính bản thân Ngài là thánh vịnh này: vâng, Đức Giêsu đã là tiếng kêu của tội nhân, là niềm hy vọng và sự cứu chuộc của tội nhân. Khi Đức Giêsu hát thánh vịnh này, trong những cử hành sám hối tại hội đường làng quê của Ngài, hoặc trong những lễ hội hành hương, Ngài đã nghe tiếng dân chúng kêu van lời thống hối (Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa…) chắc chắn Ngài liên đới với nhân tính tội lỗi của con người chung quang Ngài bằng cách tự nhủ trong lòng rằng: tôi bảo đảm với các bạn là Thiên Chúa lắng nghe các bạn…tôi đến nhân danh Thiên Chúa đấng yêu thương các bạn, tha thứ tội lỗi các bạn…tôi sẽ hy sinh mạng sống tôi trên thập giá để tha thứ tội lỗi. Cách đọc thánh vịnh này không phải là một tưởng tượng đạo đức; ta biết rằng, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã minh nhiên tỏ rõ ý nghĩa cái chết của Ngài: ‘Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội’ (Mt 26,28).

Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Phải hô to cho thế giới: Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa yêu thương mọi người. Thế giới ngày nay, với những khuynh hướng vô thần và bất khả tri, phổ biến cho mọi người, là một thế giới ‘mồ côi’. Trong một thế giới ‘không có Thiên Chúa’, sự dữ không còn có ý nghĩa nữa, nó trở thành ‘định mệnh’ khắc nghiệt mà thái độ duy nhất để chống lại là sự nổi loạn. Nhưng, hãy xem xét kỹ, sự nổi loạn này thật sự vô ích, bởi lẽ chính sự dữ của cái chết làm chủ tất cả! Chẳng ngạc nhiên chút nào khi thấy tương hợp với làn sóng vô tín của thế giới phương tây là tình trạng bất ổn hiện sinh, sự vô vọng hoàn toàn, sự cuồng nhiệt hưởng thụ ngay tức khắc. Kẻ bị kết án tử ‘vui thú’ hết sức mình để không phải nghĩ đến kỳ hạn.
Đối với người tín hữu, trái lại, tiếng kêu của con người không phải không có lời đáp trả…sự dữ không phải là định mệnh…cái chết không phải là hành vi cuối cùng…tội lỗi không phải là tình trạng không lối thoát. Khi con người nằm dưới đáy vực thẳm, nó tưởng mình cô độc, bị bỏ rơi, bị kết án. Tuy nhiên, chính trong đáy vực mà tình yêu của Đức Giêsu đến gặp gỡ chúng ta. Từ vực thẳm chúng ta kêu van Chúa giải cứu…có một lối thoát, theo chiều thẳng đứng, nhờ thập giá của đấng yêu mến chúng ta. Không, con người đau khổ không kêu lên một bầu trời trống vắng, giống như những kẻ vô thần…tôi biết rằng đấng cứu chuộc tôi hằng sống, ngài ở bên tôi khi tôi chạm đáy vực sâu, ngài nghe tiếng tôi kêu, tai ngài lắng nghe…Nên lập lại điều này: ‘cái tương lai’ của con người không phải trong một con người khép kín, nhưng trong một con người mở ra cho siêu việt. Giả như Thiên Chúa không hiện hữu, một điều chắc chắn đó là con người cũng không hiện hữu.
Như lính canh mong đợi hừng đông. Đó là người tín hữu! Một người lính canh!
Trong một thế giới ngủ mê khi nghĩ rằng đêm tối là dứt khoát, người tín hữu tỉnh thức và đang chờ đợi hừng đông. Nghề ‘canh thức đêm’ thật gợi ý. Trong khi toàn thể đoàn bộ hành ngủ mê trong hoang địa, một người canh thức và bảo vệ cả trại. Không phải là điều buồn cười khi tỉnh thức ngay giữa chiến tranh, khi bị quân thù bao quanh: cô độc, lạnh lẽo, đêm tối, tiếng động khả nghi, buồn ngủ, căng thẳng trước quân thù đang rình rập. Thời gian hình như dài hẳn ra, đêm tối dường như bất tận! Nhưng người lính canh biết rằng hừng đông chắc chắn sẽ đến. Với lòng kiên nhẫn, người canh thức chờ mong những tia nắng đầu tiên, những dấu chỉ đầu tiên của hừng đông. Nhưng, đối tượng mong chờ của người tín hữu là chính Thiên Chúa! Hồn tôi trông chờ Chúa hơn lính canh mong đợi hừng đông. Không có định nghĩa nào hay hơn về niềm hy vọng. Thời gian trễ của đêm tối chỉ là chóng qua. Toàn thể nhân loại bước vào buổi sáng.
Chúng ta liên đới với nhau trong tội lỗi, cũng liên đới với nhau trong ơn cứu độ. Cần phải bước từ ‘tôi’ đến ‘chúng tôi’ và cầu nguyện thánh vịnh này không phải chỉ cho những tội cá nhân của ta, hoặc cho cái chết của riêng mình…nhưng nhân danh toàn thể chúng ta.

Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập165
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại686,257
  • Tổng lượt truy cập52,855,205

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây