Suy niệm Chúa Nhật 10 Thường Niên B - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ ba - 04/06/2024 10:56
596
GIA ĐÌNH GIÊ-SU: THỰC THI THÁNH Ý CỦA THIÊN CHÚA
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Người Á Đông chúng ta thường đề cao và coi trọng các mối tương quan trong gia đình. Thiết nghĩ, Chúa Giê-su cũng là người Á Châu, nên chắc chắn Ngài cũng xem trọng gia đình, họ hàng thân quyến và hết mực yêu thương họ. Tuy nhiên, để trở nên gia đình của Thiên Chúa, gia đình của Chúa Giê-su thì không dựa trên tiêu chuẩn ‘huyết thống’, hay ‘máu mủ ruột thịt’ mà căn cứ theo lời Chúa Giê-su dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Khi được nghe các Tông Đồ nói: “Mẹ và các anh em đang tìm Thầy ngoài kia”, thì Chúa Giê-su không vội vã chạy ra tìm gặp họ, mà lại hỏi lại dân chúng “ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” (Mc 3, 33). Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đây, thì chắc hẳn nhiều người nghĩ Chúa xem thường gia đình, họ hàng của mình! Nhưng nếu đọc hết đoạn này, thì chúng ta được mở rộng tầm nhìn, và thấu hiểu Ngài muốn nói đến chuẩn mực nào để trở nên gia đình của Thiên Chúa: “Anh chị em tôi, mẹ của tôi chính là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (x. Mc 3, 35).
Do đó, muốn là thành viên gia đình của Chúa Giê-su, tiên vàn không phải là mối quan hệ ruột thịt, huyết thống mà chính là mối tương quan với Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thi hành ý muốn của Người. Về điều này, không ít người trong chúng ta cũng đang ý thức hoặc vô thức đồng tình và hành động theo câu nói từ trước đến nay: ‘Một người làm quan, cả họ được nhờ!’ Như thế, nếu trong gia đình có linh mục, tu sĩ nam nữ thì các anh chị em, họ hàng của họ không cần đọc kinh nhiều, chẳng cần sống bác ái, hy sinh nhiều thì cũng được hưởng ơn phúc, được nhận vào trong gia đình của Thiên Chúa vì đã có linh mục nhà hy sinh, cầu nguyện dùm, dâng Thánh lễ cho mỗi ngày rồi! Hơn nữa, còn được các Sơ nhà đền tội thay nữa sao! Việc trở nên thánh thiện, và sống như Chúa muốn không hệ tại hoàn toàn ở mối quan hệ huyết thống, dĩ nhiên có sự ảnh hưởng tốt nếu trong gia đình có một hay nhiều người sống đời sống thánh hiến; nhưng suy cho cùng, để trở thành gia đình của Chúa Giê-su thì trước hết phải dựa trên mối tương quan với Thiên Chúa, lắng nghe và thực thi ý muốn của Người. Vì chẳng có ai được lên Thiên đàng hay xuống hoả ngục thay cho ai khác! Trong mối tương quan cộng đoàn, mối quan hệ gia đình ruột thịt thì việc cầu nguyện, hỗ tương, giúp nhau cùng sống tốt là điều phải làm, nhưng để trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa thì bản thân của mỗi người chúng ta phải ý thức thực hiện như Chúa Giê-su dạy: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 35).
Mặc khác, những ai thi hành ý của Thiên Chúa cũng chính là những người không phạm đến Thánh Thần; ngược lại, làm theo sự hướng dẫn của Người trong tâm hồn, trong mối tương quan, trong cộng đoàn và trong cuộc sống. Về điều này, Chúa Giê-su khẳng định: “Mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3, 28 – 29). Mọi tội khác đều được tha thứ “dầu đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (x. Is 1, 18), nhưng ‘tội nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng được tha’. Chúng ta thường mắc phải việc kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ; mượn danh Thiên Chúa, các Thánh để buôn thần bán thánh, gây tội ác…, chứ chắc chẳng bao giờ thấy bản thân nói phạm đến Thánh Thần! Vả lại chúng ta cũng chẳng biết về Thánh Thần là mấy, thì làm sao nói phạm đến Người được! Thiết nghĩ nếu hiểu như trên thì chúng ta không mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần đâu! Thế nhưng, những lúc chúng ta nghe biết, nhận ra lời thúc giục, dạy bảo, kêu mời của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình, trong mọi trạng huống, thay vì làm theo thì chúng ta cứ khư khư không nhận biết, không biết sám hối trở về, ‘lòng chai dạ đá’ không thừa nhận tội lỗi, thiếu sót của mình; ghê gớm hơn nữa là không hoà giải hay không cần ơn tha thứ của Chúa. Những lúc như thế, chúng ta đang phạm đến Chúa Thánh Thần; chúng ta từ chối chính Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương tha thứ; chúng ta không nhận mình có lỗi có tội và do đó chẳng cần ơn thứ tha.
Hiện nay, dường như câu nói tiên tri của Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII vào tháng 10 năm 1946 dịp Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc diễn ra tại Boston, Hoa Kỳ, lại được vang lên đánh động mỗi chúng ta hơn bao giờ hết: “Có lẽ tội trọng nhất trong thế giới ngày nay chính là con người bắt đầu đánh mất cảm thức về tội lỗi!” (Perhaps the greatest sin in the world today is that men have begun to lose the sense of sin.) Xin cho chúng con đừng bị rơi vào tình trạng này, và chúng con tha thiết nguyện xin Lời Chúa hôm nay biến đổi thái độ, lối sống của chúng con để chúng con thực sự trở nên gia đình của Chúa Giê-su. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng