Tái tạo sự tốt lành qua việc thực thi thánh ý Thiên Chúa
Chúa nhật X Thường niên B
St 3,9-15; Tv 130; 2 Cor 4,13–5,1; Mc 3,20-35
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ AmericaMagazine.org
Các bài đọc Chúa nhật X thường niên tìm hiểu về đạo đức luân lý và đức tin, nhưng bối cảnh của chúng xuất phát từ một xã hội được định hướng xoay quanh việc theo đuổi vinh dự, tránh sự xấu hổ và nhu cầu về mối quan hệ huyết thống. Hiểu được những cái neo văn hóa này có thể giúp người đọc ngày nay thấy được ý nghĩa nơi những đoạn văn khó hiểu nhưng tiềm tàng sự bổ ích này.
Bài đọc I tường thuật về hai con người đầu tiên và sự vi phạm chống lại Đấng Tạo hóa. Bối cảnh gần giống như tòa án, nơi Chúa đặt câu hỏi cho bị cáo Ađam. “Ai đã chỉ cho người biết rằng người trần truồng?” (St 3,11). Ngay sau đó, Ađam đã khai nhận mình thực sự đã ăn trái cấm. Cuộc trò chuyện trở nên lộn xộn cùng với lời bào chữa của Ađam rằng người nữ ở bên cạnh đã dụ dỗ ông làm điều ngăn cấm. Khi cuộc thẩm vấn chuyển sang người nữ, trong một tình tiết đáng ngạc nhiên, câu trả lời của người phụ nữ ngắn gọn, trực tiếp và trung thực nhất so với hành vi trốn tránh trách nhiệm đáng xấu hổ của Ađam. “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn” (St 3,13).
Một cách giải thích câu trả lời của người phụ nữ này là hiểu sự thật đằng sau nó. Khi nói: “Con rắn đã lừa dối con”, bà không hẳn là đang cố gắng đổ lỗi. Thực ra, Evà xác nhận điều đã được giải thích cho độc giả ở đầu chương, vì thực ra con rắn được dựng nên như loài vật xảo quyệt nhất trong tất cả các loài dã thú mà Thiên Chúa đã tạo dựng (x. St 3,1). Ai có thể trách người phụ nữ đã bị con vật xảo quyệt nhất trong vườn lừa không? Không. Thay vì tập trung vào việc phạm lỗi, đoạn văn này cho thấy ít nhất hai điểm để suy gẫm. Trước hết là việc người phụ nữ thừa nhận sai lầm của mình. “Con đã ăn trái cấm” rõ ràng bà đã nhận lỗi của mình. Thứ đến là tính xác thực về mối quan hệ họ hàng cơ bản giữa mọi thứ đại diện cho vườn địa đàng này. Kiểu nói “mối quan hệ họ hàng” thường mô tả mối quan hệ huyết thống và tương quan trong phạm vi gia đình. Ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng nên vạn vật để sống hài hòa trong khu vườn yên bình, nhưng trong câu chuyện này, mối quan hệ họ hàng giữa người đàn ông và người đàn bà, giữa Thiên Chúa và mọi thụ tạo cũng như giữa người phụ nữ và loài động vật xảo quyệt nhất đã bị tổn hại.
Hình phạt cho con rắn càng tạo thêm khoảng cách giữa nó và người phụ nữ mà nó làm hại. “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó” (St 3,15). Địa đàng đã mất khi mối quan hệ họ hàng giữa tất cả mọi thụ tạo bị phá vỡ. Như mẹ Têrêsa thường nói, chúng ta đã quên rằng chúng ta thuộc về nhau.
Mối quan hệ họ hàng và việc tái diễn giải nó là trọng tâm của bài Tin mừng hôm nay. Phần đầu và phần cuối của đoạn Tin mừng này liên quan đến gia đình và họ hàng của Chúa Giêsu như nguồn gốc của sự chống đối và căng thẳng đối với mục đích và căn tính của Người. Thậm chí người ta còn nói rằng: “Ngài mất trí” (Mc 3,21). Tiếp theo là một dụ ngôn giải thích rằng một vương quốc tự chia rẽ sẽ không thể đứng vững, điều này củng cố ý nghĩa chia rẽ vốn đã rõ ràng trong đoạn sách Sáng thế. “Satan lại trừ Satan làm sao được?” (Mc 3,23). Giống như khung cảnh khu vườn trong sách Sáng thế, mọi thứ sẽ bị đảo lộn nếu một người bắt đầu nhầm lẫn thiện với ác và xác định điều xấu là điều tốt.
Tuy nhiên, đoạn Tin mừng kết thúc với một định hướng mới về mối quan hệ họ hàng. “Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: "Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta” (Mc 3,34-35). Một tiêu chí mới được đặt ra trong nền văn hóa cảm nhận về vinh dự, về xấu hổ và về quan hệ họ hàng này. Các môn đệ mới được Chúa Giêsu gọi và đám đông tụ tập quanh Người là những thân nhân mới, gần gũi với Người như gia đình.
Dưới ánh sáng này, các bài đọc tuần này không nhất thiết mời gọi chúng ta tập trung vào mầu nhiệm sự dữ, cũng không dừng quá lâu về hình ảnh con rắn bí ẩn gây ra sự ghẻ lạnh này. Tin mừng cũng không mời gọi người đọc tập trung vào tội vu khống Chúa Thánh Thần là tội không thể tha thứ được. Các bài đọc nói về việc tái tạo sự tốt lành bằng cách làm theo ý Thiên Chúa. Những ai tin và sống Tin mừng sẽ trở thành một gia đình mới trong Thiên Chúa như những người cùng huyết thống với nhau. Sau khi mối quan hệ họ hàng ban đầu của chúng ta bị rạn nứt, việc làm theo ý Thiên Chúa sẽ mở ra con đường hướng tới sự đoàn tụ.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta có thường xuyên chìm đắm trong tội lỗi để làm phương hại đến sự thiện hảo hay không?
Chúng ta có thể thấy mình là Adam hay Eva trong bài đọc hôm nay không?
Khi chúng ta sống Tin mừng, ai đã trở thành “người thân” của chúng ta?