Thứ hai Tuần III Thường Niên
Thánh Phanxicô De Sales
Thánh Phanxicô De Sales đã làm cho Giáo hội được yêu mến trong một giai đoạn đánh dấu bằng những xung đột; ngài là gương mẫu sự dịu hiền và biết chứng tỏ rằng ách của Chúa thì êm ái và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng, thu hút được nhiều tâm hồn.
Thật là một an bình cho tâm hồn khi chiêm ngưỡng thánh nhân và đọc các tác phẩm của ngài, chẳng hạn như về đức ái, đức kiên nhẫn, tính lạc quan. Đâu là nguồn cội sự hiền lành của ngài? Xuất phát từ niềm hy vọng lớn lao vào Thiên Chúa. Trong tiểu sử thánh Phanxicô de Sales lúc còn niên thiếu phải trải qua một thời kỳ đầy những thử thách khủng khiếp đến độ ngài cảm thấy như bị Thiên Chúa ruồng bỏ và hầu như mất ơn cứu độ. Ngài đã cầu nguyện, được Thiên Chúa giải thoát và từ đó được thanh luyện khỏi tính kiêu căng và tự luyện cho mình tính dịu hiền để chống lại. Ngài không cậy vào sức mình: ngài hiểu rõ rằng tự sức riêng mình không thể tiến đến sự hoàn thiện, đến tình yêu, đến ơn cúu độ và ý thức ấy làm cho ngài nên hiền lành và ân cần với mọi người. Ngoài ra thử thách ấy còn dạy cho ngài biết lòng nhân lành của Chúa, rằng Chúa yêu thương ta và ban đầy tình yêu của Người vào lòng chúng ta.
Thánh Phanxicô de Sales vui mừng với ý nghĩ toàn thể lề luật đều quy tóm về giới luật yêu thương và trong tình yêu ta chẳng bao giờ sợ quá độ. Ngài đã viết một luận đề dài về tình yêu của Thiên Chúa và một quyển sách giản đơn hơn, nhưng thú vị: Dẫn nhập vào đời sống tận hiến. Sách này ngài viết từng chương một tựa bức thư gửi cho một phụ nữ yêu mến Thiên Chúa. Nói điều này cho thánh Gioan de Chantal, ngài cho biết đã khám phá một tâm hồn ‘vàng ròng’ và ngài tìm cách hướng dẫn trong đường thiêng liêng.
Thật diệu kỳ khi đọc thấy sự giản đơn trong văn phong nhưng giàu hình ảnh, vị giám mục hết sức quan tâm tìm thời giờ để diễn đạt chính mình để làm cho việc tận hiến được yêu mến hơn (‘sự tận hiến đích thực không làm thiệt hại gì và hoàn thiện tất cả’), để chứng tỏ rằng Thiên Chúa không phải là một ông chủ cứng rắn, nhưng là một người cha đầy lòng nhân hậu, khi gặp được một tâm hồn sẵn sàng thì Người đổ tràn bình an, niềm vui và êm dịu, dẫn đưa tâm hồn ấy đến xứ sở chảy sữa và mật như Kinh thánh viết. Đó chính là cảm nghĩ ta có được khi đọc về Thánh Phanxicô de Sales.
Sự hiền lành của ngài không phải là yếu đuối, thiếu năng lực: ngài luôn tự hiến bằng sức mạnh lạ thường. Trước khi làm Giám mục ngài đã thi hành tác vụ trong vùng Chablais hầu như đã theo Tin lành và ngài đã thành công, với biết bao nhọc nhằn cả thể xác và tinh thần, trong những lạnh lẽo mùa đông vùng núi Alpes, vượt qua mọi thử thách, đưa các cư dân về lại với Giáo hội công giáo: đây là một trong những niềm vui lớn nhất của đời ngài.
Ngài đã không thành công trong việc lan tỏa việc tông đồ của ngài theo như sở nguyện. Ngài không bao giờ cư ngụ tại Genevre thành phố giám mục của ngài, là thành lũy của phái Calvin cấm đoán ngài bước vào với hình phạt tử hình. Có một lần ngài đã thử nhưng thất bại. Có lẽ ngài đã cảm nghiệm sự khinh khi và cay đắng trước chướng ngại hầu như không thể vượt qua này, nhưng lòng phó thác và tình yêu của ngài giữ ngài kiên vững trong bình an của người thực hiện công việc của Thiên Chúa với hết khả năng của mình. Đấy cũng là một chiến thắng của tính nhẫn nại và khiêm nhường: không cứng cỏi cũng không lo âu trước khó khăn không thể vượt thắng nhưng tiếp tục nhận ra bất cứ đâu ân sủng của Chúa và làm cho lối sống của mình được yêu mến.
Ta hãy cầu xin Chúa làm cho ta giống thánh nhân trong tính kiên nhẫn, dịu dàng, đơn sơ, phó thác, biến ngài nên giống Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.
+++
Hôm nay Chúa cho ta một bài học về sự quan trọng của tình hiệp nhất. Tin mừng nói đến nhà của Satan, đưa ra một nguyên tắc này: ‘Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững’. Đối với Giáo hội cũng thế. Nếu ta không hoạt động xây dựng tình hiệp nhất, ta đang chống lại Giáo hội. Không cần phải nói nhiều lời: điều hiển nhiên là sự chia rẽ giữa các kitô hữu làm thiệt hại việc loan báo tin mừng. Trong những miền truyền giáo, khi người lương dân nhìn thấy các Giáo hội kitô khác nhau không hiệp nhất với nhau, họ nói: làm sao có thể chấp nhận một tôn giáo mà trong đó không có sự hiệp nhất?
Về vấn đề đại kết, ta cần lưu ý nhiều đến điều liên kết chúng ta và ít hơn đến điều gây chia rẽ. Cho dẫu biết rằng tất cả đều được xây dựng trên một đá tảng duy nhất mà Chúa đã đặt làm nền tảng Giáo hội, ta luôn phải cổ xúy cho việc hiệp nhất và nhận ra điều gì là tốt, điều gì đến từ Thánh Thần, ngay cả nơi các Giáo hội kitô khác.
Công đồng Vatican II đã nhìn nhận biết bao kho tàng ân sủng nơi các Giáo hội kitô này. Họ không có toàn bộ sự phong nhiêu ân sủng của Đức Kitô, vì đã tách khỏi sự hiệp nhất tông truyền dựa trên Phêrô, nhưng họ có lời Thiên Chúa, có các bí tích và có những ơn hiện sủng của Thiên Chúa, đấng tốt lành ban ơn cho mọi người thiện tâm. Thế nên cả những anh em ly khai cũng được hướng dẫn bởi Thánh Thần trong mức độ mà họ biết vâng phục ân sủng Thiên Chúa. Ta cần nhìn nhận điều này với lòng vui mừng: như thế ta cùng hoạt động để triệt hạ những chia rẽ. Nếu ngược lại ta chỉ thấy toàn điều gây chia rẽ, thì những chia rẽ không còn có cách chữa trị.
Trong thư do thái ta thấy nền tảng của sự hiệp nhất: hy tế duy nhất của Đức Kitô. Tác giả nhấn mạnh điều này là Đức Kitô tự hiến mình một lần duy nhất: ‘Vào kỳ kết thúc thời gian, Đức Kitô đã xuất hiện một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình’. Và thánh lễ, bí tích hy tế duy nhất của Đức Kitô là nền tảng của sự hiệp nhất.
Khi ta tham dự Thánh Lễ ta nên nghĩ rằng: ta đang dâng lên hy tế của Đức Kitô để mọi tín hữu được hiệp nhất trong Người.
+++
Toàn thể kỳ mục Israel đến gặp Đavít tại Khéprôn. Ông Đavít lập giao ước với họ trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn phong Đavít làm vua Israel.
Suốt tuần chúng ta dành suy niệm về Đavít, vị vua vĩ đại, đầy nhân hậu nhưng đồng thời cũng là một tội nhân. Một khuôn mặt mang tính đối nghịch cho ta thấy sự vĩ đại của con người vì giống Thiên Chúa, đồng thời sự nhỏ nhen của con người, quên mình là hình ảnh của Thiên Chúa; nhưng trong lúc sai lạc, biết học hỏi sám hối, nhận ra chính mình.
Cậu con trai trẻ của ông Giessê, có mái tóc hoe, được Samuel xức dầu là vua, đã được tất cả các kỳ mục Israel nhìn nhận. Đavít đã ký kết giao ước với họ và như thế làm mới lại sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người, cũng bằng chính sức mạnh mà Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Ápraham và Môsê. Giao ước này liên kết Thiên Chúa với dân và dân với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bảo Samuel hãy chấp thuận cho dân đặt một vị Vua. Vị Vua sẽ là người trung gian nói lên sự trung thành và tình yêu của dân đối với Thiên Chúa. Vị Vua này diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.
Thứ ba Tuần III Thường Niên
Thánh Phaolô trở lại
Hôm nay chúng ta nhận thấy quyền năng của Thiên Chúa nơi thánh Phaolô, từ một kẻ bách hại trở thành Tông đồ, tin vào Đức Kitô và loan báo Đức Kitô với lòng hăng say nhiệt thành. Chúng ta đang ở trong ngày cuối cùng của Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các kitô hữu, chúng ta cùng suy tư một vài điểm về việc trở lại của Phaolô có liên quan đến việc hiệp nhất.
Thánh Phaolô quan tâm đến sự hiệp nhất của dân Thiên Chúa. Chính đó là lý do đã thúc đẩy ông truy lùng các kitô hữu: như chính ông đã nói, được giáo dục phải nhiệt thành tuân giữ lề luật của cha ông, nên ông không thể chấp nhận có những người tự tách mình ra khỏi truyền thống đó. Ngài đã sánh ví sự nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa của Ngài trước đây cũng giống như những người Do thái: ‘Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay’. Nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa, nhưng một cách sai lạc. Thánh Phaolô viết trong thư gởi tín hữu Rôma: ‘Họ có lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành đó không được sáng suốt’, theo quan niệm của loài người (Rm 10,2).
Trong khi Phaolô, nhiệt thành đối với Thiên Chúa, đã dùng mọi cách thức nhất là những cách tàn bạo để duy trì sự hiệp nhất dân Chúa, Thiên Chúa đã hoán cải ông hoàn toàn, cho ông ta biết đâu là sự hiệp nhất đích thực. ‘Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: Ta là Giêsu Nagiarét mà ngươi đang bắt bớ’. Trong bài tường thuật về việc trở lại của Phaolô, có nhiều chi tiết khác nhau: nhiều chi tiết được thêm vào và nhiều chi tiết khác bỏ đi, nhưng những lời trên đây luôn luôn được giữ lại, vì là những lời quan trọng. Lẽ đương nhiên Phaolô đã không ý thức rằng mình bách hại Đức Giêsu, khi đóng xiềng và tống ngục các kitô hữu, nhưng Chúa đã cho ông biết bách hại các kitô hữu là bách hại chính Ngài. Phaolô nhận được mạc khải đầu tiên về thân thể của Đức Kitô, mà Ngài còn trình bày trong các thư của Ngài. Tất cả chúng ta đều là chi thể của Đức Kitô nhờ lòng tin vào Ngài: đó chính là sự hiệp nhất của chúng ta.
Chính Đức Giêsu đã thiết lập giáo hội hữu hình. ‘Lạy Chúa, con phải làm gì? Phaolô thưa với Chúa, nhưng Chúa không trả lời trực tiếp cho ông: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đamát, ở đó người ta sẽ chỉ cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa chỉ định cho anh phải làm’. Chúa sai ông đến với giáo hội, không muốn việc tông đồ của Phaolô chỉ là một việc mang tính cá nhân, chẳng có liên quan gì đến các môn đệ khác. Ông phải tháp nhập vào giáo hội, thân thể của Đức Kitô, để gắn bó và sống đức tin chân thật.
Sau cuộc trở lại, Phaolô vẫn còn giữ trong lòng khao khát được kết hiệp với dân Israel. Ngài viết điều đó trong thư Rôma, với những lời lẽ hết sức cảm động: ‘Có Đức Kitô làm chứng, tôi xin nói thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng. Họ là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời’ (Rm 9,1-5).
Mỗi kitô hữu phải luôn có nỗi buồn này, nó ngăn cản chúng ta vui trong Đức Kitô, bởi vì đó là nỗi buồn theo cách của Thiên Chúa, Đấng liên kết chúng ta nên một trong trái tim của Đức Kitô. Là nỗi đau vì dân Israel không tin nhận Đức Kitô, vì các kitô hữu sống chia rẽ và không đạt đến sự hiệp nhất như Chúa mong muốn.
+++
Lời đề nghị của Đức Giêsu
Trong khi các biệt phái đi rao giảng, họ được loan báo trước. Vì họ nghĩ rằng họ không thể ăn tất cả những thức ăn mà người ta dâng cho, vì có những thức ăn không thanh sạch theo luật định. Nên họ mang theo túi tiền để có thể tự lo lấy. Thay vì giúp vượt lên những chia rẽ, việc giữ luật này làm suy yếu tinh thần sống những giá trị cộng đồng.
Sứ vụ
Đức Giêsu sai các môn đệ đến trước những nơi mà Ngài sắp đến. Người môn đệ là người phát ngôn viên của đức Giêsu. Không phải là người làm chủ nhân của tin mừng. Đức Giêsu sai các môn đệ đi từng hai người một. Điều đó thuận lợi cho việc nâng đỡ lẫn nhau, bởi lẽ việc truyền giáo không phải là việc cá nhân, mà là của cộng đoàn. Hai người lập thành cộng đoàn.
Liên đới trách nhiệm
Điều đầu tiên phải cầu xin Chúa là xin Ngài sai các thợ gặt. Bất cứ người tông đồ nào cũng đều cảm thấy có trách nhiệm trong việc truyền giáo. Vì thế phải xin Cha sai thợ gặt để tiếp tục sự vụ của Chúa Con. Đức Giêsu sai họ như chiên con vào giữa sói dữ. Là công việc khó khăn đầy nguy hiểm, vì môi trường họ đã và đang sống, cũng như môi trường họ sắp đến, luôn tỏ ra đối nghịch. Bốn giá trị cộng đoàn cần phải được lưu ý: hiếu khách, chia sẻ, hiệp thông và đón nhận những người bị bỏ rơi, loại trừ.
+++
Đức Kitô Con Một Thiên Chúa, luôn sống theo thánh ý Cha, như lương thực hằng ngày. Đức Gêsu, con loài người, đi vào trong gia đình nhân loại của ta, yêu quý mẹ Maria và các thành viên khác trong gia đình tự nhên của Ngài. Ngài còn yêu mến tất cả những ai tin vào Ngài và chấp nhận Ngài như là Con Thiên Chúa. Họ trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa; họ làm thành gia đình thiêng liêng mới của Đức Giêsu. Cộng đoàn những kẻ tin đối với Đức Giêsu còn quan trọng hơn gia đình tự nhiên của Ngài.
Những ai làm theo thánh ý Chúa Cha là anh chị em và là mẹ của Đức Giêsu: là những người bà con của ngài. Tình huynh đệ mới của những người con cái Thiên Chúa này trường tồn bền trên sự chết. trong vương quốc nơi chúng ta sẽ được vinh hiển trong Chúa Con. Quả thực, những ai nghe lời Thiên Chúa mà đem ra thực hành, đã thực sự hạnh phúc rồi vì họ là con cái Thiên Chúa.
+++
Vua Đavít ra đi và rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ôvét Êđom lên Thành vua Đavít trong niềm hân hoan. Khi những người khiêng Hòm Bia của Đức Chúa đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo. Vua Đavít nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức Chúa.
Ta nhìn ngắm điều gì nơi con người của Vua Đavít? Phụng vụ hôm nay cho ta suy niệm về khả năng say mê và hoàn toàn tự do trong việc cầu nguyện của Đavít. Nơi Đavít cầu nguyện là nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa giữa toàn dân, ca tụng và hân hoan. Thiên Chúa của dân Isarel là một vị Thiên Chúa du mục, cùng đồng hành với dân, cư ngụ trong lều trại, chứ không ở trong nhà hay trong đền thờ. Đavít nghe lời Chúa không xây dựng công trình gì, nhưng khởi xướng một phụng tự sống động liên kết ông với Thiên Chúa, một phụng tự được diễn tả qua thân xác, qua đời sống để hoàn dâng hiến cho Thiên Chúa. Một phụng vụ làm mọi người múa nhảy, một chuyển động hài hòa nối kết trời với đất, xác thịt với tinh thần, sự sống với sự chết.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự hài hòa này. Xin cho chúng con có được sự thống nhất tâm hồn để luôn chân thành với Chúa, không cần những lời lẽ và cử chỉ vô ích. Tình yêu và lời chúc tụng Chúa được diễn tả trong cuộc đời chúng con, trong cách làm việc của chúng con, trong cách chúng con chung sống và quan tâm đến người khác.
Thứ tư Tuần III Thường niên
Timôthêô và Titô
Timôthêô và Titô là hai khuôn mặt nổi bật trong giáo hội tiên khởi. Đón nhận đức tin như những người con rất yêu dấu của Phaolô, đồng thời là những cộng sự viên đắc lực của Ngài. Đoạn thư của Phaolô hôm nay nhấn mạnh hai điểm: đức tin là nền tảng của đời sống và tình cảm sống động được diễn tả bằng những lời lẽ nồng ấm yêu thương. Phaolô gọi Timôthêô là ‘con yêu dấu’ vì Ngài đã sinh ra ông trong Đức Kitô qua việc rao giảng và phép thanh tẩy. Ngài luôn nhắc nhớ đến ông trong kinh nguyện, và trong nước mắt Ngài mong mỏi được gặp lại ông.
+++
Đón nhận lời gieo
Chúng ta đang sống trong thời đại thiên sai, quảng đại gieo Lời Chúa và thu hoạch nhiều kết quả. Bí quyết của việc triều đại Thiên Chúa lan rộng được tỏ cho những tâm hồn đơn sơ và cho những ai tin. Ai không tin thì nhìn mà chẳng thấy những dấu chỉ của triều đại hiện diện trong lịch sử, trong cuộc sống.
Họ có mắt mà chẳng nhìn thấy. Người đón nhận Đức Kitô, Lời hằng sống, được gieo vào lòng, dấn thân theo Đức Kitô, được biến đổi nội tâm và bắt đầu mang lại nhiều hoa quả bình an, công chính và yêu thương.
Chúng ta tất cả được kêu mời để đón nhận Lời Chúa, là lời mang lại sự sống vĩnh cữu. Tại sao chúng ta lại khép lòng mình lại trước Lời Chúa và yêu thích sa mạc sỏi đá khô cằn, chết chóc hơn những mùa gặt bội thu của Nước Chúa? Ai có tai trung thành biết lắng nghe, thì nghe. Chúng ta sẽ thấy sức mạnh từ trời cao hoạt động và hoa quả của Thánh Thần, gấp trăm gấp nghìn lần.
+++
Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đavít: Đức Chúa phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? Thật vậy, từ ngày Ta đưa con cái Israel lên từ Aicập cho tới ngày hôm nay, Ta khôgn hề ở trong một ngôi nhà, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một cái lều và trong một nhà tạm. Trong suốt thời gian rày đây mai đó với toàn thể con cái Israel, có bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một trong các thủ lãnh Isarel mà Ta đã đặt lên chăn dắt dân ta là Israel: Sao các ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?
Xây nhà cho Thiên Chúa, đóng kín Người trong một đền thờ, trong một nhà thờ là một cách thức tuyên bố chủ nghĩa vô thần của mình. Thiên Chúa không thể được chứa đựng, bị giới hạn trong một không gian. Không thể đo lường Thiên Chúa, không thể hiểu thấu Thiên Chúa. Việc tìm kiếm Thiên Chúa, ý định đối thoại với Người sẽ làm sáng tỏ những điều trên. Trong lịch sử Israel, cám dỗ này rất mạnh: dân chúng thường muốn biến Thiên Chúa thành một ngẫu tượng để họ có thể đạt đến, đụng chạm đến được! Cám dỗ muốn biến tất cả những gì thuộc Thiên Chúa trở thành đối tượng của lý trí.
Nhưng Thiên Chúa không chống đối điều này, Người đã sử dụng một hành trình sư phạm gian khổ để huấn luyện dân Người. Ngay cả khi Người cho phép xây dựng đền thờ, Người cũng đã để cho đền thờ bị phá hủy rồi lại được tái thiết để không bao giờ quên rằng Người vượt lên trên tất cả mọi sự, sự hiện diện của Người rất mãnh liệt, khiến người ta chú ý nhưng không thể nắm bắt được. Người xuyên qua các thực tại, sáng tạo, làm sinh động, cư ngụ bên trong và vượt lên trên các thực tại.
Lạy Chúa, siêu vượt lên trên không có nghĩa là trốn chạy. Là chiều kích mà mỗi người chúng cần ra khỏi tính ích kỷ xem mình là trung tâm, quy chiếu về mình; là chân trời bao la dành cho ta hành động nhưng đồng thời cũng tương đối hóa để không biến thành khô cằn, nhưng rộng mở, sinh động.
Thứ năm Tuần III Thường Niên
Trong đời sống rao giảng, Đức Giêsu đã chọn nhiều người đi theo Người để làm môn đệ. Tin mừng Luca kể ra đến bảy mươi hai môn đệ. Ngài đã huấn luyện họ và sai họ đi thực tập rao giảng. Thực tế là một trường học tốt nhất cho việc đào tạo nên những nhà truyền giáo.
Chúng ta không thể phục vụ tất cả mọi người cùng một lúc, nhưng chỉ một người và một ít người. Hãy quan tâm đến người anh em này, lúc này, để mang lại cho người anh em này tin mừng hạnh phúc. ‘Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia’.
Điều quan trọng mà người tông đồ, môn đệ Đức Giêsu cần phải nói cho mọi người, đó là: ‘Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’. Chưa làm được điều này, có thể ta mới chỉ là một công nhân viên chức của một tổ chức từ thiện, xã hội.
+++
Thiên Chúa có những dự án tuyệt vời cho con cái mình và muốn thông tri cho họ qua Đức Giêsu, Con của Người. Khám phá điều ẩn giấu bên sau Nước Thiên Chúa là một ân ban. Nước Thiên Chúa không phải là điều không thể dò thấu, nhưng sẽ được tỏ ra cho con người như ánh sáng được đặt lên cao cho mọi người nhìn thấy. Đức Giêsu là ánh sáng mạc khải cho thế giới. Ta đã được ánh sáng của Ngài chiếu soi để rồi như những chứng nhân, ta chuyển tải ánh sáng ấy cho người khác. Ai đón nhận mạc khải của ánh sáng sẽ được ban cho sự thông hiểu và thêm ánh sáng hơn. Ai đón nhận Thiên Chúa trong sư sống của Người, Thiên Chúa sẽ được luôn hiệp thông nhiều hơn. Thiên Chúa muốn ban cho Hội Thánh của Người nhiều người rao giảng tin mừng được Thánh Thần hướng dẫn. Ai chôn giấu nén bạc của Thiên Chúa ban tặng và không biết sử dụng nó, sẽ được lấy đi. Đức tin, càng trưởng thành càng nên sức mạnh truyền giáo và biến cộng đoàn thành những nhà rao giảng. Lời Chúa ở nơi các bạn với tất cả sự phong phú.
Thứ sáu Tuần III Thường Niên
Thánh Tôma Aquinô
Các con là ánh sáng thế gian, lời này được áp dụng cho nhiều ơn gọi kitô, nhưng có lẽ thích hợp nhất là cho Thánh Tôma Aquinô. Những tác phẩm của Ngài soi sáng tư tưởng kitô giáo và cả tư tưởng nhân loại nữa.
Bài đọc 1 cho ta thấy điều kiện để có thể nên ánh sáng thế gian; không chỉ đơn thuần dùng trí khôn của mình để tìm hiểu sự vật nhưng trước hết phải đặt trí khôn mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Thánh vịnh viết: ‘Trong ánh sáng của Ngài, ta thấy được ánh sáng’: để thấy ánh sáng hiện diện trong tạo thành của Thiên Chúa, cần phải sống tương quan với Ngài. Nên sẽ không có sự khôn ngoan đích thực nếu không có cầu nguyện (Kn 7,7). Thánh Tôma Aquinô là một vị thánh chiêm niệm: lý tưởng của ngài là truyền đạt cho người khác những điều mà chính ngài đã chiêm ngắm, nghĩa là những điều hiểu được trong cầu nguyện, trong mối tương quan với Thiên Chúa. Chỉ trí khôn thôi có thể làm được nhiều việc, xây dựng những hệ thống tư tưởng, nhưng chỉ là những hệ thống không phù hợp với sự khôn ngoan, có khi còn mang lại hậu quả tai hại. Có người đã nói rằng thế giới hiện đại hoàn toàn bị trật hướng vì những tư tưởng kitô điên rồ. Sự khao khát chân lý, tự do, tình huynh đệ là những tư tưởng kitô, là những khát vọng mang tính tin mừng nhưng nếu người ta tìm thỏa mãn bên ngoài mối tương quan sống động với Thiên Chúa, kết quả là đặt vào trong con người một cơn sốt làm mất sự quân bình hợp lý và đưa con người đến những cực đoan: những cuộc cách mạng bạo lực, những xung đột triền miên…
Ngược lại, thánh Tôma Aquinô luôn sống kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, đã cầu nguyện để nhận được sự khôn ngoan đích thực, năng động, quân bình, xuất phát từ đấng Tạo Hóa; nhờ đó ngài có thể đón nhận những tư tưởng ngoại giáo. Ngài không sợ học hỏi tư tưởng của Aristote và tìm thấy trong các tác phẩm của triết gia này ánh sáng để hiểu biết hơn thế giới Thiên Chúa tạo dựng. Thay vì quảng bá những tư tưởng kitô điên rồ, ngài đã thành công biến những tư tưởng ngoại giáo nên khôn ngoan; ngài mở rộng cách đặc biệt cho mọi tạo thành của Thiên Chúa, mọi tư tưởng nhân loại, vì ngài sống thân tình với chính Thiên Chúa. ‘Ước gì Thiên Chúa cho tôi nói về Đức Khôn Ngoan theo như tôi được hiểu, và cho tôi biết nghĩ biết suy xứng với những gì tôi đã lãnh nhận’ (Kn 7,15): sống tương quan với Thiên Chúa không làm cho lòng mình hẹp lại, không hạn chế trí khôn, ngược lại cho ta cảm nếm được vẻ huy hoàng của tạo thành.
Trong giáo hội, có nhiều ơn gọi. Có người được gọi để theo đuổi việc chống lại tư tưởng nhân loại; thánh Phaolô đã mạnh mẽ chống lại triết học: ơn gọi của ngài là làm nổi bật sứ điệp kitô đến độ làm cho nó xem chừng ra không còn tương hợp với triết lý con người. Có kẻ khác giống như trường hợp của Tôma Aquinô, lại được gọi để cho ta thấy có thể có sự dung hòa nếu biết hướng về Thiên Chúa tất cả: khi hoàn toàn kết hợp với đấng tạo hóa thì ta cũng sẽ hòa hợp với toàn thể tạo thành.
+++
Hôm nay Chúa cho ta một bài học về đức tin và lòng khiêm nhường, bằng cách cho ta thấy rằng việc lớn lên trong đời sống thiêng liêng không tùy thuộc nơi chúng ta, nhưng nơi lời Thiên Chúa đã được gieo vào lòng ta và có khả năng cứu rỗi ta, như lời thánh Giacôbê viết. Chúng ta quan tâm đến sự tiến triển của mình và thường ta làm điều này cách rất tự nhiên, như thể mọi sự đều tùy thuộc vào chúng ta, vào ý chí của ta, sức lực của ta, và chúng ta đã sai rồi! Ta làm giống như người nông dân muốn cho cây mình gieo trồng lớn lên, đã đưa tay cầm lấy chúng kéo lên cao: chắc là không phải cách làm tốt!
Chúa dạy ta lòng phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Ta đón nhận hạt giống, như đất tiếp nhận hạt mầm, nghĩa là lời Thiên Chúa. Rồi lời phát triển dù ta không biết cách nào. Khi hạt giống rơi xuống đất, lập tức đất vùi lấp nó, người ta không còn nhận ra nó nữa, nhưng chính bản thân nó chứa đựng một sức sống lạ lùng và cần phải để cho nó yên tĩnh. Nó sẽ lớn lên, dù người nông dân thức hay ngủ: việc lớn lên không tùy thuộc vào anh ta, anh chỉ có thể chờ đợi với lòng phó thác để sau cùng thấy theo trình tự ‘cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông nặng trĩu hạt’.
Thánh Phaolô cũng viết: Tôi trồng, Apollô tưới nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên’.
Thánh Phanxicô de Sales rất nghiêm khắc với điều mà ngài gọi là ‘sự nôn nóng vội’ muốn thấy ngay kết quả trong mọi lãnh vực mà ta đã cực nhọc vất vả, cả trong đời sống thiêng liêng. Thánh nhân làm việc nhiều nhưng cũng dạy rằng cần làm tất cả cách lặng lẽ. Nếu ta tựa vào Chúa, ta tin rằng ngài sẽ làm cho tất cả lớn lên, đôi lúc chậm hơn ta mong đợi, nhưng nhiều lúc lại tốt đẹp và nhanh chóng hơn ta mong muốn. Ta không phải là cây thước đo sự lớn lên, ngay cả sự lớn lên của chính chúng ta. Ta cần phải tin tưởng, phó thác và nhẫn nại: phần còn lại, sức mạnh làm phát triển thuộc về Thiên Chúa.
+++
Chim trời làm tổ
Gieo hạt, mọc lên, hoa quả, thu hoạch là những giai đoạn không thể tách rời khỏi nước Thiên Chúa. Đức Giêsu muốn củng cố lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa Cha và vào công trình cứu độ của Ngài. Sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi chúng ta và làm cho lớn lên hạt giống của tình yêu và tình huynh đệ. Việc lớn lên này tùy thuộc vào quyền năng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, việc cày xới, bón phân, mưa nắng cũng góp phần vào đó không ít. Tất cả đều góp phần làm cho trổ bông kết trái. Như thế mùa gặt chung cuộc sẽ đến.
Khi hoa trái chín vàng, là đến mùa gặt chung cuộc. Nhưng nước Thiên Chúa đã hiện diện và hoạt động trước cả việc kết trái đơm bông, trước cả việc gieo gặt nữa. Hạt cải bé nhỏ thành cây lớn nhắc nhớ chúng ta việc lớn mạnh của nước trời, về phẩm chất, về trưởng thành và về sự hoàn thiện. Trên những nhành cây của Thiên Chúa, chim trời làm tổ. Ơn cứu độ rộng mở cho tất cả mọi người.
Thứ bảy Tuần III Thường Niên
Đức Giêsu ở đàng lái
Chiếc thuyền chở các môn đệ và Chúa Giêsu đang ngủ ở đàng lái, cho bài dụ ngôn một ý nghĩa về giáo hội. Chiếc thuyền đang bị sóng gió là hình ảnh giáo hội đang vượt biển đời giông tố, gặp biết bao nhiêu khó khăn tư bề trước khi đến bờ bên kia.
Lòng tin vào Đức Giêsu là bảo đảm cho sự thanh thản và sức mạnh của giáo hội để không ngã lòng trong cuộc vượt biển đời và không ngừng chiến đấu chống lại gian nan. Bởi lẽ Đức Giêsu luôn luôn ở đàng lái để hướng dẫn chiếc thuyền giáo hội.
Đức Giêsu ngủ trên thuyền nhưng đồng thời ngài tỏ cho thấy ngài làm chủ mọi sự; tất cả đều vâng lệnh ngài. Ngài tỏ cho ta như vị Thiên Chúa làm người. Các môn đệ không có thể chống chọi với sóng gió, khi thấy ngài tỏ uy quyền, thì đem lòng thán phục.
Giáo hội, tất cả chúng ta, hãy đặt trọn vẹn lòng tin vào Đức Giêsu. Được ngài hướng dẫn, chúng ta sẽ vững lòng tiến bước vượt qua những giông tố cuộc đời để đến bờ bên kia, nơi đó sẽ là an bình trong Thiên Chúa.
+++
Vua Đavít bừng bừng bổi giận với người ấy và nói với ông Nathan: Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết. Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót. Ông Nathan nói với vua Đavít: Kẻ đó chính là ngài.
Nhìn nhận tội mình khó biết bao! Ta thường chỉ thấy kẻ khác. Ta biết mình là nhờ người khác nói cho biết. Nếu điều người ta nói đến tai chúng ta là điều thiếu sót, hoặc sai lạc, thì chúng ta làm sao có được cái nhìn đúng về mình. Chấp nhận những phê bình, thật khó nhưng lại là điều sống còn. Là sức mạnh để cùng nhau hành động. Đavít tin tưởng Nathan và Nathan không sợ Đavít. Sự chân thành của mối tương quan này giúp Đavít nhận ra lỗi của mình và sám hối sửa đổi cách sống.
Lạy Chúa, xin ban cho con có được những người bạn chân thành, và biến chúng con nên những người bạn chân thực đối với người khác.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh Gioan Bosco
Lễ thánh Gioan Bosco là một làn gió trong trắng và nhiệt tâm tông đồ vì ngài khởi hứng và thông truyền niềm vui. Ngay từ thời niên thiếu ngài đã lập một ‘hội’ với khẩu hiệu ‘chiến đấu chống tội lỗi’: niềm vui đến từ chiến thắng tội lỗi.
Anh em hãy vui luôn trong Chúa…Thiên Chúa thật cao cả và chúng ta chỉ như những trẻ thơ thiếu thốn mọi nhu cầu trước một người Cha quyền năng luôn chăm sóc yêu thương ta.
Lòng tin tưởng phó thác vào Chúa phát sinh niềm vui: tin tưởng và tri ân vì ta nhận tất cả từ nơi Thiên Chúa. Làm sao các trẻ thơ có thể buồn khi được ban cho đầy tràn ân sủng? Lòng tin tưởng và tri ân dẫn chúng ta đến sự sám hối mà Đức Giêsu yêu cầu như điều kiện để vào Nước Trời: trở nên như trẻ thơ.
Thánh Phaolô mời gọi những nhà giáo dục hãy nêu gương cho các trẻ em để có thể nói được rằng: điều anh em đã học, đã nhận lãnh, đã nghe và đã thấy nơi tôi là điều mà anh em phải thực hành, và nơi nhiều trang tin mừng chúng ta được mời gọi hãy học nơi các trẻ em và biết nhận nhiều điều hay từ các em.
Đó là hai mặt của việc giáo dục.
Nhà giáo dục đại tài Antonio Rosmini nói với các anh em mình: ‘Anh em hãy nhớ rằng điều mà anh em nhận được từ các em thì nhiều hơn điều anh em cho chúng.
Ta hãy nhận lấy bài học của niềm vui và của lòng đơn sơ tín thác để ta có thể nhận lãnh và truyền đạt cho nhau những ơn huệ của Thiên Chúa.
+++
Lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh
Liên kết các bài đọc
Chủ đề của việc cử hành hôm nay liên quan đến mùa Giáng Sinh hơn là mùa thường niên- chúng ta đọc đoạn Tin Mừng này dịp lễ Thánh Gia- được nhấn mạnh trong kinh Tiền Tụng: Đức Giêsu được Chúa thánh Thần công bố là vinh quang của Ít-ra-en và là ánh sáng soi đường cho muôn dân. Đức Giêsu là đấng Cứu Thế mọi người mong đợi.
Sứ điệp
Việc mong đợi đấng Cứu Thế từ bao thế kỷ của dân Chúa giờ đây cô đọng lại nơi đền thờ, qua hai khuôn mặt Anna và Simeon. Nơi đây cũng như suốt tin mừng, thánh Luca cố gắng trình bày cả hai bên nam/nữ đều cần đến ơn cứu độ, mỗi bên đều hướng nhìn về Ánh Sáng đã được hứa ban, có khả năng dọi chiếu vào bóng đêm của tội lỗi. Trong khi phần lớn những người đương thời lãng quên, thì Anna và Simeon đại diện cho số dân Ítraen trung thành, đến đón tiếp Chúa vinh quang tiến vào thánh điện của Ngài (bài đọc 1, thánh vịnh). Maria. Giuse, Anna, Simeon đại diện cho thế hệ của những người không sống khép kín nơi chính mình, hoặc chìm đắm trong những cảnh huống của cuộc sống -dù là rất cần thiết- mà sống vì ơn cứu rỗi muôn dân. Chính họ là những anh hùng của dân tộc. Và của chúng ta. Do cung cách họ sống và do họ sẵn sàng để Thánh Thần hướng dẫn, họ mới có thể làm chứng rằng con trẻ là Đấng toàn dân Ítraen- toàn thể nhân loại- mong đợi. Và cho dù Ngài đến, không phải với vinh quang nhưng hoàn toàn giống anh em mình (bài đọc 2), để có thể chia xẻ khổ đau của họ và trở nên dấu chỉ của sự chống đối (Tin Mừng). Hai cụ già Anna và Simeon vạch ra con đường cho các bậc làm ông bà, cha mẹ. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc hướng tâm hồn mình về với ơn cứu độ, đòi hỏi nhiều cố gắng. Mẹ Maria và Thánh Giuse, trước khi thấy con mình bị dân chúng chối bỏ và đóng đinh, đã âm thầm chấp nhận thách đố của lòng tin qua cuộc sống đời thường tại Nagiarét.
Giáo Lý
Phụng vụ thúc đẩy ta đào sâu hơn về đức cậy, nhân đức đối thần, 'nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình' (GLCG 1817-21). Những người sống đời thánh hiến hãy suy tư về cung cách sống mẫu mực của Anna và Simeon (GLCG 914-33); khi họ sống hết mình một cách trung thực ơn gọi của mình, cuộc sống của họ sẽ mang lại nhiều lợi ích, như Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu minh chứng (GLCG 826).
Gợi ý mục vụ
Đâu là những hướng đi của cuộc đời bạn? Đối với bạn điều gì thực sự quan trọng? Công việc, giải trí, đi chơi với bạn bè, thành công, tiền bạc, cuộc hẹn sắp đến, gia đình…? Cuộc sống của một kitô hữu không thể đặt nền tảng hoàn toàn trên một trong những điều ấy; chúng không phải là cái mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Mỗi kitô hữu phải làm chứng cho mọi người về ý nghĩa đích thực của cuộc sống, và chỉ cho họ biết phải tìm nơi đâu: nơi Đấng là dấu chỉ chống đối cho nhiều người, và là viên đá vấp ngã. Đối với mỗi người chúng ta, điều quan trọng hơn hết chính là phần rỗi đời đời: của chúng ta, của những người thân, của tất cả con cái của Thiên Chúa. Cuộc sống của tôi đã thực sự đặt nền tảng trên điều ấy chưa?
Bị người đời ghét bỏ. Môn đệ không hơn Thầy. Các vị thánh, các đấng sáng lập các dòng tu lớn thường hay gặp nhiều sự chống đối, hiểu lầm và bách hại. Bị ghét bỏ, cần phải được xem như là thân phận thông thường của người kitô - cho dù sống trong hoàn cảnh nào.
Hôm nay là ngày cầu nguyện cho những người sống đời thánh hiến. Đời thánh hiến là một bậc sống kitô mang tính triệt để nhất. Trong đó người ta chọn sự mới mẻ của Đức Kitô, đấng không bao giờ già nua. Chúng ta cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ và cho những ai sống đời thánh hiến dưới nhiều hình thức khác nhau, để cho họ trở nên dấu chỉ đích thực của sự chống đối trong thế giới: không về phe của thế gian và những điều chống lại tin mừng, nhưng để mang lại một cách hiệu quả sự luôn luôn mới mẻ của tin mừng cho thế gian. Cũng như Đức Maria, các cha mẹ cần chuẩn bị để nhận ra những dấu chỉ của sự chống đối nơi thực trạng của cuộc sống; ngay cả nơi con cái họ. Buồn biết bao khi con cái gặp phải chống đối của cha mẹ khi mà chúng đang trải nghiệm lời mời gọi theo Đức Kitô trong đời sống thánh hiến.