QUA CÁC PHÉP LẠ, ĐỨC GIÊSU MẶC KHẢI CHÍNH MÌNH CHO NHÂN LOẠI
Jaime L. Waters
Chúa Nhật II TN C
Is 62,1–5; 1 Cr 12,4–11; Ga 2,1–12
Tin mừng Gioan có một số truyền thống độc đáo về cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu. Trình thuật về Tiệc cưới Cana trong bài Tin mừng hôm nay là một ví dụ.
Các phép lạ đầu tiên theo truyền thống Nhất lãm đều liên quan đến việc Đức Giêsu chữa lành thể lý cho con người. Trong Tin mừng Máccô (1,21–28) và Luca (4,31–37), Đức Giêsu chữa một người bị thần ô uế ám, còn trong Tin mừng Mátthêu, Ngài chữa lành một người mắc bệnh phong (Mt 8,1–4). Trong Tin mừng Gioan, phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu là hóa nước thành rượu để trợ giúp cho đôi tân hôn và những khách dự tiệc cưới.
Trong tiệc cưới, Đức Maria thấy hết rượu nên ngỏ lời với Đức Giêsu về tình cảnh của đôi tân hôn, mong Người có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Tuy nhiên, phản ứng của Đức Giêsu có phần lạnh lùng và hững hờ. Nơi bài Tin mừng trong Sách bài đọc, câu trả lời của Đức Giêsu là “Hỡi bà, con với bà có can chi đâu?”. Câu trả lời trong Bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ là: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?”. Các bản dịch tiếng Anh có nhiều cách dịch khác nhau về câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho Đức Mẹ, như: Mối quan tâm của bà và tôi là gì? Tại sao bà lại kéo tôi vào việc này? Mối quan tâm của bà có liên quan gì đến tôi? Câu nói của Đức Giêsu ám chỉ Người không quan tâm đến tình hình lắm, có lẽ Người không coi việc thiếu rượu là vấn đề cấp bách. Hơn nữa, lời tuyên bố tiếp theo của Đức Giêsu - “Giờ của tôi chưa đến” - khẳng định rằng Người không nghĩ đã đến lúc phải bộc lộ quyền năng của mình.
Vì biết Đức Giêsu có thể và nên giúp đôi tân hôn đang gặp khó khăn, Đức Maria đã nói với các đầy tớ là hãy làm theo lời Đức Giêsu. Cuối cùng, Người bảo các gia nhân hãy đổ nước đầy các chum đá, và khi người quản tiệc nếm thử thì nước đã trở thành rượu ngon. Qua dấu lạ này, Đức Giêsu đã “bày tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ bắt đầu tin vào Người”. Qua các dấu lạ, Đức Giêsu không chỉ giúp đỡ những người gặp khó khăn mà còn mặc khải chính mình cho nhân loại và lôi kéo thêm các môn đệ.
Chúng ta có thể học được gì từ câu chuyện này? Giống như các phép lạ hay dấu lạ khác được đề cập trong Tin mừng, phép lạ này biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa để chứng thực sứ vụ và căn tính của Đức Giêsu, nhằm lôi kéo các môn đệ theo Ngài. Ngoài mục đích này ra, Đức Giêsu còn làm gương về việc quan tâm đến nhu cầu của người khác. Phản ứng ban đầu của Đức Giêsu phản ánh cách thức mà nhiều người trong chúng ta đã đáp lại nhu cầu của người khác, thể hiện sự vô tâm trong việc giải quyết các vấn đề của kẻ khác, đặc biệt là những vấn đề không có vẻ nghiêm trọng hay nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, Đức Giêsu cuối cùng cũng đã can thiệp để giúp đỡ đôi tân hôn, khi dọn ra một loại rượu thậm chí còn ngon hơn rượu đã dùng để đãi khách lúc ban đầu. Dấu lạ này của Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: cho dẫu chúng ta chẳng có liên hệ trực tiếp hay bất cứ trách nhiệm nào, nếu có thể, chúng ta cần giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Dấu lạ này cũng nhắc nhở chúng ta hãy biết đồng cảm và quan tâm đến người khác hơn chính bản thân mình.