Suy niệm Chúa Nhật 5 Thường Niên B - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ năm - 01/02/2024 04:25
347
HƯỚNG NHÌN LÊN GIÊ-SU
Anh chị em rất thân mến, trong 4 cuốn sách Phúc Âm, chi tiết về gia đình của các Tông đồ ít khi nào được tường thuật, đề cập đến; nhưng đoạn Tin Mừng hôm nay (Mc 1, 29-39) đã thuật lại một trong những sự kiện hiếm hoi, và điều này không khỏi làm chúng ta thắc mắc, tự hỏi: liệu Thánh sử Mác-cô muốn nhắn gửi chúng ta điều gì khi thuật lại sự kiện Chúa Giê-su đến thăm bà nhạc mẫu của Simon (Phê-rô)? Phải chăng, Ngài muốn chúng ta quan sát thật kỹ, hướng nhìn về những hành động của Chúa Giê-su khi Ngài đến thăm bệnh nhân, đặc biệt là mẹ vợ của Simon (Phê-rô)? Để rồi, chúng ta học hỏi nơi Ngài điều gì đó chăng?
Trong anh chị em, nhiều vị đã có kinh nghiệm trong việc thăm viếng bệnh nhân, thăm những người già nua, neo đơn, không người chăm sóc, v.v...Đó là điều tốt, phải đạo nên làm. Tuy nhiên, các bài đọc Phụng vụ hôm nay giúp chúng ta đào sâu công việc Tông đồ thăm viếng bệnh nhân hơn qua gương sống của Chúa Giê-su khi Ngài viếng thăm bà nhạc mẫu của Simon (Phê-rô) “...tiến lại gần, Ngài cầm tay, nâng đỡ dậy” (x. Mc 1,31).
Thứ nhất, “tiến lại gần”. Hành động này tuy đơn giản, nhưng khi áp dụng trên thực tế thì khó biết bao. Chợt nghĩ chỉ là đưa chân bước, tiến lại gần người anh chị em của mình thôi mà, đâu có gì là khó!!! Theo những người khác, tiến tới gần người anh chị em mình thôi đấy mà, có gì phải lo!!! Thôi thì ‘nhắm mắt, đưa chân’ ắt sẽ tiến lại gần người anh chị em mình đấy mà, có gì phải sợ nhỉ!!! Hành động ‘tiến lại gần’ của Chúa Giê-su không đơn thuần vì trách nhiệm, nghĩa vụ mà phải đến viếng thăm; nhưng thiết nghĩ, Ngài tiến gần tới bà nhạc phụ của Simon với cả con tim và con người của Ngài. Để làm được như vậy, chúng ta phải chiến thắng chính bản thân, phải bỏ mình, ra khỏi những toan tính, suy tưởng, lo lắng riêng tư, phải ra khỏi nơi ‘chăn ấm, nệm êm’ của lòng mình, dám mạo hiểm, chấp nhận những thách đố có thể xảy ra ngoài ý muốn. Vừa qua trong một cuộc tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đến chào một người đàn ông với khuôn mặt bị biến dạng. Khi trực diện với những gì ghê sợ, rùng rợn, con người chúng ta thường có khuynh hướng tháo lui, tránh né, chốn chạy..., nhưng Đức Thánh Cha đã tiến đến, ôm choàng lấy ông với tất cả tâm hồn của người Mục Tử, vị đại diện Chúa Ki-tô ở trần gian này. Đứng trước những người dị hình dị dạng, bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta có thể tiến lại gần họ với cả con tim mình chăng? Chúng ta có thể ra khỏi con người đầy suy tính của mình để đến với anh chị em mình, và biết chấp nhận họ không?
Thứ hai, “Ngài cầm tay”. Thật vậy, hành động này chỉ xảy ra khi cử chỉ “tiến lại gần” được thực hiện. Chúng ta không thể cầm tay ai đó ở tư thế đằng xa, hoặc cầm tay họ như một ‘nụ hôn gió’ hay ‘mi gió’ mà thường được ví von!!! Hơn nữa, cũng không thể nào nhờ ai đó ‘cầm tay’ người anh chị em giùm mình được! Hành động này đòi hỏi chúng ta phải trực diện với anh chị em. Thứ đến, tình trạng của bệnh nhân, những người được viếng thăm không hoàn toàn khoẻ mạnh, tốt đẹp như ta, cho nên để ‘cầm lấy tay’ người anh chị em mình, chúng ta phải đặt mình vào trạng huống, hiện tình, tâm tư, lối suy nghĩ...của anh chị em mình, và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể ‘chạm đến’ con tim, mới có thể cảm thông, lắng nghe những tâm sự, với cả ưu tư, lo lắng của họ. Về điểm này, trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô khuyên nhủ mỗi chúng ta như sau: “Mặc dầu tôi tự do đối với tất cả mọi người, nhưng tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người...tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau,...tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi” (1Cr 9,19.22). Theo Ngài, vì lợi ích của anh chị em, để mọi người được thông phần vào ơn cứu rỗi, Ngài đã ‘trở nên mọi sự đối với tất cả mọi người’ để Tin mừng được họ lắng nghe, đón nhận. Vì thế, đối với Ngài “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16).
Thứ ba, “nâng đỡ dậy”. Cử chỉ sau cùng này liên quan mật thiết với hai hành động trên. Cũng vậy, nếu chưa ‘tiến lại gần’ và ‘cầm tay’ anh chị em mình thì ắt hẳn chúng ta không thể ‘nâng đỡ’ họ được. Chúa Giê-su đã ân cần tiến đến, cầm lấy tay và nâng đỡ bà nhạc phụ của Simon dậy với cả lòng mến của một vị Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài chữa lành bà với tất cả niềm cảm thông sâu xa của Con Thiên Chúa, và qua Con Thiên Chúa, mọi người được nhìn thấy, cảm nhận, tiếp xúc với chính vị Thiên Chúa gần gũi, trìu mến, lân tuất vô bờ. Một khi, chúng ta bỏ mình, đặt mình vào hoàn cảnh, đời sống của anh chị em mình thì chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể khuyến khích, nâng đỡ, cộng tác, động viên họ một cách hữu hiệu; và trong khoảnh khắc đó, chúng ta mới thực sự sống và rao giảng Tin mừng mà thôi. Nào còn chần chờ gì nữa, nếu không thực hiện bây giờ thì đến khi nào chúng ta mới ra đi, sống chứng tá cho Thiên Chúa – một Thiên Chúa cao cả, nhưng lại thật gần gũi, yêu thương chúng ta liên lỉ, không chút than phiền. Hãy cùng tôi lên đường, sống Tin mừng, sống tươi vui, chia san từ ngay bây giờ vì “đời người chỉ là hơi thở” (x. G 7,7), vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu (x. Tv 144,4).
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết mở lòng, bỏ mình, đến với anh chị em; biết quên đi lợi ích cá nhân, biết cảm thông, thấu hiếu anh chị em; biết dâng cho Chúa ưu tư, nguyện vọng cũng như lo lắng của bản thân, để chấp nhận, khuyến khích, cộng tác, nâng đỡ anh chị em qua mọi phương diện. Sau cùng, xin cho chúng con luôn hướng nhìn lên Chúa, để rồi luôn biết cậy trông vào Ngài.
Như Chúa “tiến lại gần”
Xin cho con ân cần.
“Ngài cầm tay” con người
Ban cho con nụ cười.
“Nâng đỡ dậy” anh (chị) em
Sống một đời trôi êm. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng