CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B
Bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu ý thức sứ mạng của Chúa là đi rao giảng Tin Mừng, Chúa nhận lời tiên tri Isaia sau đây ứng nghiệm nơi mình: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Người xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó (Is 61,11)” và hôm nay chúng ta sẽ thấy Chúa thi hành sứ mạng này như thế nào. Theo sự phản ảnh của dân chúng: “Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ”.
Nhận xét đầu tiên của dân là lời Chúa Giêsu giảng có uy quyền: họ đã thường được nghe các luật sĩ giảng, lời giảng của các luật sĩ tuy họ có qua trường lớp nhưng có tính cách từ chương chỉ là diễn giải theo lề luật, thiếu sức sống và không có tính cách thuyết phục, không chuyển tải được ý Chúa cho dân. Còn Chúa Giêsu tuy Chúa không có qua trường lớp như các luật sĩ nhưng Chúa cầu nguyện nhiều với Chúa Cha, Chúa có đời sống nội tâm dồi dào nên những lời Chúa Giêsu giảng là chính lời của Chúa Cha như Chúa Giêsu quả quyết: “Các lời Thầy nói với các anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình (Ga 14,10)”.
Đàng khác Chúa Giêsu nói có uy quyền vì Chúa Giêsu cũng chính là Thiên Chúa. Lời Chúa làm cho ma quỉ phải vâng phục. Chúng ta thấy Chúa Giêsu không có nhân nhượng với ma quỉ, Chúa không ngần ngại quát bảo nó: “Hãy im đi và ra khỏi người này”. Lời nói uy quyền này khiến quỉ phải xuất ra khỏi người nó ám, nên dân chúng kinh ngạc và thốt lên: “Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho các thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Trong trường hợp khác, lời uy quyền của Chúa còn khiến bão tố trên biển cũng phải vâng nghe khi Chúa nói với sóng biển đang nổi lên dữ dội: “Hãy im đi, hãy lặng đi! (Mc 4, 39)”. Lập tức sóng yên, biển lặng khiến các môn đệ thán phục và thốt lên: “Người là ai mà cả gió và biển phải vâng phục Người (Mc 4,41)”
Tuy lời Chúa có uy quyền nhưng lời giảng của Chúa lại rất bình dân. Chúa Giêsu dùng những hình ảnh trong đời sống hằng ngày để giúp dân hiểu về Thiên Chúa và Nước Thiên Chúa như hình ảnh người cha trong gia đình, hình ảnh người mục tử chăn dắt đoàn chiên, hình ảnh cây nho và cành nho, hình ảnh hoa huệ ngoài đồng, chim trời ca hót, hình ảnh muối đất, hũ bột, nắm men, cây đèn sáng …
Trong khi dân chúng lũ lượt đến với Chúa để nghe lời Chúa giảng và được Chúa chữa lành bệnh tật cho, thì Chúa Giêsu như quên đi sự vất vả mệt nhọc và luôn niềm nở đón tiếp dân, Chúa nhìn dân chúng với cái nhìn yêu thương và cảm thông vì họ bơ vơ vất vưởng như đàn chiên không có người chăn và Chúa giảng dạy họ nhiều điều. Chúa cũng kêu gọi chúng ta cầu nguyện, khi Chúa nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ đến gặt lúa về (Mt 9, 38)”
Cùng với việc rao giảng và trừ quỉ, Chúa Giêsu còn chữa lành bệnh tật cho dân những chứng bệnh khác nhau như làm cho kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người què đi được, người mù được xem thấy … để chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa đã đến! Nhất là Chúa Giêsu còn ban ơn tha tội: trước khi cho người bất toại do bốn người khiêng được chữa lành, Chúa đã tha tội cho anh khi Chúa nói: “Tội con được tha (Lc 5, 20)”, sau đó Chúa mới nói: “hãy đứng dậy, vác chõng mà về! (Lc 5, 24)”. Qua đó chúng thấy Chúa Giêsu tha tội trước và chữa bệnh sau và Chúa cũng muốn dạy chúng ta cần chạy đến Lòng Thương xót Chúa xin ơn tha thứ tội lỗi trước khi xin ơn chữa lành bệnh tật.
Câu chuyện: Anh Tokichi Isha là tên giết người không gớm tay, anh đã giết cả đàn ông, đàn bà, trẻ em tức là bất cứ ai mà anh muốn giết. Cuối cùng anh bị bắt, bị giam tù. Rồi Tòa án tuyên án tử hình cho anh. Trong thời gian anh phải giam tù chờ ngày hành quyết, có hai phụ nữ tới thăm anh, khuyên bảo anh rất nhiều để anh ăn năn trở lại, nhưng anh không nghe mà còn nhìn họ bằng đôi mắt dữ tợn hằn học. Hai bà ra về có phần ngã lòng vì không thuyết phục được anh, nên để lại cho anh cuốn kinh thánh Tân Ước. Ngồi buồn trong tù, anh với tay lấy cuốn Tân Ước ra đọc. Anh đọc say sưa những chương thuật cuộc Thương khó của Chúa. Anh rất xúc động khi Chúa Giêsu cầu nguyện trên cây Thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34)” khiến anh nghĩ đến Lòng Thương xót của Chúa và từ đó con người anh được biến đổi không còn độc dữ tàn bạo như trước. Đến ngày anh bị đưa đi hành quyết, những người áp tải rất ngạc nhiên khi thấy anh từ tốn lịch sự không có dữ tợn hằn học. Đúng là lời Chúa và gương sáng của Chúa Giêsu đã tái sinh anh!
Chúng ta tin nhận Chúa Giêsu là vị Ngôn sứ sau cùng Thiên Chúa ban cho nhân loại, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành để chúng ta được chữa lành Hồn Xác và nhất là được hưởng ơn Cứu độ. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn