Suy niệm Chúa Nhật 5 Thường Niên B - Lm. Xuân Hy Vọng

Thứ ba - 30/01/2024 05:10  461
CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ

Hẳn ai trong chúng ta ít nhiều đã từng nghe đến cái tên An-tôn Frê-đê-ríc O-za-nam [Antoine-Frédéric Ozanam] (1813-1853), một nhà hoạt động ủng hộ quyền bình đẳng xã hội; ông cũng là nhà báo kiêm luật sư và học giả văn chương Công Giáo nổi tiếng của Pháp vào cuối thế kỷ 19. Thế nhưng thời còn sinh viên, ông đã từng trải qua cơn khủng hoảng đức tin sâu sắc như chính câu chuyện ông thuật lại:

Vào ngày nọ, để tìm chút thanh thản tâm hồn, một chàng sinh viên khẽ bước vào ngôi nhà thờ cổ ở thủ đô ánh sáng Paris. Tcuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng người xa xa đang quỳ gối thinh lặng cầu nguyện hết sức sốt sắng. Bỗng dưng anh chọn đứng nơi góc nhà thờ dõi theo hình dáng và cử chỉ của người này. Chập hồi lâu, khi người ấy đứng lên rời khỏi giáo đường, thì chàng sinh viên trẻ này liền nhận ra đó chính là nhà vật lý học vĩ đại An-rê Ma-ri-e Am-pe [André-Marie Ampère] (1775-1836). Vì tâm trí ứa đầy chất vấn và thắc mắc, anh lẽo đẽo bước theo nhà bác học đến tận phòng làm việc của ông. Nhìn thấy chàng sinh viên đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, Am-pe liền lên tiếng:
–  Anh đang cần gì ư? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý chăng?
    Chàng sinh viên nhỏ nhẹ đáp:
– Thưa ông, tôi là sinh viên khoa văn chương, tôi dốt khoản khoa học lắm. Xin ông cho tôi hỏi một vài vấn đề liên quan đến đức tin được không ạ?
    Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn nói:
–  Đức tin là môn tôi yếu nhất; nhưng nếu giúp anh được gì, tôi sẵn sàng!
–  Thưa ông, có thể vừa là nhà bác học vĩ đại, vừa là tín hữu nhiệt thành cầu nguyện không?
    Am-pe ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh, nhưng cũng gượng gạo trả lời:
–  Anh ơi! Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện thôi!

Thật ra, Am-pe trích dẫn câu nói của nhà toán học, hoá học và triết gia thời danh người Pháp Bờ-lei-zơ Pas-kal [Blaise Pascal] (1623-1662): ‘Con người vĩ đại khi họ cầu nguyện’. Đúng vậy, Chúa Giê-su vượt hơn hẳn điều đó. Ngài chính là hình mẫu của đời sống cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35). Ngài khởi đầu cũng như kết thúc một ngày sinh hoạt với hành động “tìm nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó”. Tuy là Con Thiên Chúa, nhưng trong mọi việc, mọi suy nghĩ, mọi hoạch định, v.v…, Đức Giê-su hằng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện.

Trên thực tế, quả là sai lầm và đáng buồn khi cầu nguyện bị giản lược thành việc đọc kinh hoặc chỉ tóm gọn với vô vàn lời cầu; và vì thế không ít người trong chúng ta cảm thấy nặng nề khi cầu nguyện vì phải học thuộc cả hệ thống kinh kệ, cũng như đọc đi đọc lại bấy nhiêu kinh mỗi ngày! Lắm lúc, với thời đại 5G, 6G, cứ lướt mạng tìm thì ‘kinh có mà đầy!’ Tuy nhiên, đây chưa hẳn là cầu nguyện như Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta. Ngài cầu nguyện nơi thanh vắng, tĩnh lặng. Ngài chuyện trò, tâm sự với Chúa Cha. Ngài hàn thuyên với Chúa Cha ‘từ con tim đến con tim’. Ngài gắn kết với Chúa Cha. Ngài dùng từ ngữ của mình, ‘ngôn ngữ tâm hồn’ bộc bạch cùng Chúa Cha. Hơn nữa, đời sống cầu nguyện thâm sâu, kín múc từ cung lòng yêu thương, bao dung của Thiên Chúa sẽ thánh hoá, biến đổi con người chúng ta, thúc giục, nâng đỡ chúng ta thực thi Lời Hằng Sống (sống Lời Chúa), và dám ra khỏi ‘chốn tiện nghi’ của bản thân mà đến với anh chị em, ngõ hầu yêu thương, tha thứ, phục vụ, rao truyền, làm chứng như Chúa mời gọi các môn đệ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1, 38).

Noi gương sống chứng tá của Đức Giê-su, Thánh Phao-lô khẳng khái nói rằng: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lí do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9, 16) Đời sống cầu nguyện thật sự tăng sức mạnh phục vụ, mang lại nhiệt huyết rao truyền Tin Mừng qua đời sống đạo hằng ngày, đưa chúng ta đến với mọi người, giúp chúng ta ra khỏi não trạng phân biệt đối xử-thành kiến-định kiến-cục bộ. Đâu đó, chúng ta đã nghe biết, chứng kiến rất nhiều gương phục vụ, rao truyền bằng đời sống đạo mà nó được xây dựng trên đời sống cầu nguyện thâm sâu. Một trong vô vàn chứng tá sống động ấy không ai khác hơn là bác sĩ truyền giáo Al-bớt Sờ-vai-zờ [Albert Schweitzer] (1875-1965). Ông được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình Thế giới 1952 vì đã hy sinh trọn đời mình cho người nghèo Phi Châu. Khi chứng kiến cử chỉ của ông, một người trong ban tổ chức đón tiếp ông nói với các ký giả: ‘Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bài giảng biết đi…’. Nói cách khác, ông là nhân chứng sống đạo tuyệt vời qua việc cầu nguyện-phục vụ.

Cuộc đời đầy những lo toan
Gạo tiền cơm áo, băn khoăn nỗi niềm.
Xin cho con biết cậy tin
Tịnh tâm, tĩnh lặng sống tình mến thương
Hiệp thông, liên đới, tựa nương
Nguyện cầu với Chúa, lên đường sẻ chia. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập151
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay37,556
  • Tháng hiện tại243,395
  • Tổng lượt truy cập53,228,430

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây