CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN B
Trong thời gian đại dịch này, chúng ta rất quen với việc rửa tay sát khuẩn. Thời Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng, người Do thái đặc biệt là các người Biệt phái lại chú ý tới việc rửa tay trước khi ăn. Đối với họ: Rửa tay trước khi ăn không còn là vấn đề vệ sinh mà nó đã trở thành một nghi thức tôn giáo bắt buộc liên quan tới phượng tự. Chúa Giêsu không đồng tình với quan điểm đó, nên Chúa đã bênh vực cho các môn đệ của Chúa không Rửa tay trước khi ăn và chính Chúa cũng có lần làm như vậy.
Cựu Ước Do thái giáo đặt nặng vấn đề ô uế và thanh sạch như đụng tới tử thi là trở nên ô uế, người mẹ sinh con cũng trở nên ô uế và cần phải được thanh tẩy như Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu cũng phải làm nghi thức thanh tẩy sau 40 ngày sinh và đụng tới người phong cùi cũng trở nên ô uế ... rồi còn luật về thánh thiêng như không được đụng vào Hòm Bia, Tư tế sau khi dâng lễ phải thay ngay y phục vì y phục họ mang khi dâng lễ là thánh thiêng ... và còn nhiều cấm kị phức tạp khác nữa về đồ ăn: các con vật nào ta ăn bị coi là ô uế nên Chúa Giêsu đã có cuộc tranh luận với những người Pharisiêu về vấn đề này: Chúa bãi bỏ nghi thức buộc phải rửa tay trước khi ăn, Chúa lên tiếng trách Biệt phái đặt giáo huấn của phàm nhân trên luật Thiên Chúa như luật về Corban là ai dâng cúng cho Chúa thì không phải thảo hiếu giúp đỡ cha mẹ nữa trong khi việc thảo hiếu giúp đỡ cha mẹ là điều răn thứ Bốn, là huấn lệnh của Thiên Chúa còn luật về Corban chẳng qua chỉ là huấn lệnh của phàm nhân không thể đặt trên luật Chúa được. Chúa Giêsu cũng hủy bỏ việc cấm kị về thức ăn ô uế theo Cựu Ước khi Chúa nói: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế". Như thế Chúa Giêsu hủy bỏ ranh giới giữa thức ăn thanh sạch và thức ăn ô uế theo Cựu ước. Có thể nói đây là cuộc cách mạng của Chúa Giêsu đối với luật về thanh sạch và ô nhơ theo Do thái giáo. Thực ra Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật và nếu Kitô giáo mà vẫn còn phải giữ luật về thanh sạch và ô uế như thế này thì không thể đi vào thế giới lương dân ngoại giáo được. Các tông đồ sẽ còn tiếp tục làm sáng tỏ quan điểm của Chúa Giêsu về vấn đề này như thánh Phêrô qua thị kiến thấy tấm khăn lớn buộc bốn góc trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết. Chúa dạy ông: hãy giết mà ăn. Ông thưa cùng Chúa: Lạy Chúa không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch. Chúa phán: những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch thì ngươi đừng cho là ô uế (Cvtđ 10, 11-16).
Đối với Chúa Giêsu điều quan trọng là cái tâm, là lòng mến: không thờ kính Thiên Chúa chỉ bằng môi miệng nhưng bằng cả tâm tình và lòng mến của mỗi người chúng ta. Thánh Tôma Aquinô nói: "Đức ái là nữ vương các nhân đức, một khi có được đức ái thì cũng sẽ có các nhân đức khác" Thánh Phaolô cũng dạy: "Trên hết mọi sự anh em hãy có đức yêu thương đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện (Cl 3,14) " Trịnh công Sơn trong bài ca "Để gió cuốn đi" có ca từ: " Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".
Vậy chúng ta hãy sống theo giáo huấn Chúa dạy: cần phải luyện tập và trau dồi cái tâm, người Việt nam chúng ta gọi là "tu tâm dưỡng tính" loại bỏ cái tâm độc ác gian tà từ đó sinh ra đủ thứ tội lỗi mà Chúa Giêsu liệt kê cho chúng ta tới 12 thứ tội từ cái tâm không tốt của con người mà ra.
Nguyễn Du tác giả truyện Kiều cũng có câu thơ:
"Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài"
Chuyện minh họa: Tháng 7/2006, thành phố Đàlạt phát động chiến dịch làm sạch thành phố để đón khách du lịch. Chính quyền cho treo các tấm panô nói không với những người bán vé số dạo, những người đánh giầy dạo và cấm những người đi ăn xin... Điều này đã gây nên một phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng: họ yêu cầu Chính quyền phải làm sạch thành phố từ bên trong đó là phải dẹp bỏ những tệ nạn xã hội; quan chức phải bỏ thái độ cửa quyền, hối lộ và tham nhũng đang tác hại từ bên trong... Trước phản ứng này, Chính quyền phải cho gỡ các panô trên xuống.
Thánh Giacôbê dạy chúng ta hãy yêu thương giúp đỡ các người nghèo khổ, cô nhi, quả phụ. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay chúng ta hãy có tâm tình chia sẻ giúp đỡ anh em bị khốn khổ vì dịch bệnh Covid: Có nhiều người đã nêu gương như nhiều bác sĩ, y tá, tu sĩ đã hi sinh phục vụ các người nhiễm Covid... Nhiều giáo xứ và người có của cải đã rộng lòng đóng góp tiền bạc, gạo mì, rau quả và các phẩm vật cứu trợ.
Chúng ta cầu nguyện như TV 50: "Lạy Chúa Trời xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần con nên chung thủy... Đừng cất khỏi lòng con Thần khí thánh của Ngài ". Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn