Suy Niệm Thánh Vịnh 14
Thánh Vịnh 14: Ai Được Vào Ngụ Trong Nhà Chúa
1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài ?
2 Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,
3 miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.
4 Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính CHÚA TRỜI,
lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,
5 cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ
mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ.
Cùng Đọc Với dân Ítraren
Đây là Thánh Vịnh Hành Hương. Dân Do Thái ở Palestine lên Giêrusalem mỗi năm một lần. Những cuộc hành hương này vẫn đều đặn trong cuộc đời Đức Giêsu: đây là biến cố trong năm, một cơ hội để những người do thái đạo đức thêm sức mạnh cho niềm tin. Khi đến Giêrusalem, người ta sẽ được viếng đền thờ. Thánh vịnh 14 này là thành phần của bài giáo lý ngay tại cửa đền: những khách hành hương từ xa về, có thể đã tiêm nhiễm bởi những tục quán của dân ngoại, chính vì thế mà các Lêvi thuyết giảng bài giáo lý sơ đẳng trước khi cho phép họ vào nơi thánh. Trong Thánh vịnh này, một khách hành hương đã đặt câu hỏi: “Ai được vào nhà Chúa?” Sau đó là phần trả lời của các Lêvi. Một loại thập điều.
Để ý đặc biệt tính nhân bản của các điều kiện được đặt ra. Để đến với Thiên Chúa, những nghi thức bên ngoài không đáng kể, không phải là những chỉ dẫn phụng tự mà là những chỉ dẫn luân lý mới đáng kể: chỉ đơn thuần làm một con người! Làm lành, trung tín, công bình, nói sự thật, không nói quá lời, không giao du với kẻ dữ nhưng thường đến với những người thờ kính Chúa, không dính bén bạc tiền và đi đến chỗ cho vay không mong lợi, không để mình bị hối lộ vì những hủ rượu nho. Kết cục, điều Thiên Chúa mong chờ nơi con người đó là phẩm tính những mối liên hệ giữa con người với nhau. Điều này thật hợp thời!
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Lạy Chúa, ai được vào trong nhà Ngài? Một hôm, một người cũng đặt câu hỏi tương tự cho Đức Giêsu: Lạy Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời? Và câu trả lời của Đức Giêsu nêu lên những quy luật đúng đắn của con người (Mc 10,17.19) Điều chuẩn bị cho ta gặp Chúa, chính là tôn trọng bản tính con người đã được Chúa tạo dựng. Những lời khuyên của Tin mừng cũng gần giống với những điều trong Thánh vịnh: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính Người trước hết. (Mt 6,33) “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37) Không thể vừa phục vụ Thiên Chúa vừa phục vụ tiền bạc được (Mt 6,24) Sâu xa hơn nữa, chính Đức Giêsu là người công chính hoàn hảo đã cư ngụ với Thiên Chúa trên núi thánh của Người.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Gặp Gỡ Chúa. Ở với Chúa. Sống đời đời. Giống như những người do thái hành hương lên Đền Thờ, chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có thể gặp được Thiên Chúa trong đền thờ, trong nơi thờ tự hay trong những nghi lễ phụng tự. Hãy lắng nghe điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Ngài đưa ta về lại với những bổn phận hàng ngày, với những mối liên hệ của con người, như là nơi ưu tiên dành để gặp Thiên Chúa. Hãy ghi nhớ những lời của Đức Giêsu: “Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà chợt nhớ có người anh em bất hòa với ngươi, hãy để của lễ lại đó, về làm hòa với người anh em ngươi trước đã.” (Mt 5,23)
Luân thường đạo lý. Ngày nay người ta không thích nghe đến từ luân lý. Tuy nhiên, chẳng có một xã hội bình thường nào, chẳng có một nhóm người nào có thể chung sống mà lại không có những nguyên tắc tối thiểu, những qui ước sơ đẳng về sự thiện, sự ác. Dầu ở bất cứ đâu, những giá trị làm thành con người vẫn luôn trường tồn: trung tín, thanh sạch, công bình, chia sẻ, vô vị lợi. Làm sao có thể nghĩ ra một xã hội đi ngược lại với những điều mà Thánh vịnh nêu lên… Sẽ là luật rừng: một xã hội đầy dẫy bất công, tha hồ trộm cướp, gian dối nhau theo tư lợi, một xã hội nơi đó kẻ mạnh luôn có lý, tiền bạc là giá trị tối hậu và người ta có thể mua tất cả… Cầu nguyện bằng Thánh vịnh này chính là cầu nguyện để con người là con người đích thực.
Ơn cứu rỗi phổ quát. Trước một số đông những người chưa rửa tội, hay những người đã rửa tội nhưng không thực hành… người ta đặt câu hỏi về cuộc sống đời đời: làm thế nào ta đạt được cuộc sống với Thiên Chúa? Làm thế nào người ta thoát khỏi án phạt? Lời của Thánh vịnh thật đáng sợ khi nói về những kẻ dữ. Não trạng của nguời thời nay không thích chút nào về cách xếp loại như thế: làm sao ta có thể biết tận tâm tư của người khác để có thể phán đoán họ là kẻ dữ? Suốt cuộc đời dương thế của Đức Giêsu là nhằm để nói cho ta biết rằng Thiên Chúa muốn cứu tất cả mọi người (1Tm 2,4). Không phải chính Thiên Chúa lên án con người nhưng là chính con người hoàn toàn tự do chối từ những biểu tỏ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Và ta nhận thấy, trong Thánh vịnh này, những điều kiện để đến với Thiên Chúa hoàn toàn trong tầm tay của mọi nguời, tin hay không tin, vô thần hay ngoại đạo chân tâm: cần sống theo đúng lương tâm con người. Cái lý tưởng được đề ra ở đây chẳng phải là điều gì riêng biệt, nhưng chính tự thâm tâm mọi người xuất phát sự kính trọng đối với anh em mình.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch