Bài chia sẻ Tin mừng Chúa nhật XXIII Thường Niên năm B - Lm GB Phạm Hồng Thái.

Thứ tư - 01/09/2021 21:36  713

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN B

          Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 mới tổ chức cuộc thi đấu dành cho những người khuyết tật. Lực sĩ cử tạ Việt Nam Lê văn Công xuất sắc đạt huy chương, thành tích của anh bằng với người doạt huy chương vàng nhưng vì anh cân nặng hơn chỉ 100 gam nên phải nhận huy chương bạc. Chúng ta thấy anh bị khuyết tật ở đôi chân nên khi cử tạ phải nằm. Anh là người Công giáo: khi ngồi xe lăn ra thi đấu, anh làm dấu Thánh giá và khi thi đấu xong anh  cũng làm dấu Thánh Giá. Điều đáng nói là anh là vận động viên duy nhất của Việt Nam đoạt được huy chương Olympic trong số rất nhiều vận động viên khuyết tật lẫn cả đoàn vận động viên lành mạnh tranh tài ở kì Thế vận hội năm nay đều ra về trắng tay.

          Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành cho một người khuyết tật câm điếc. Câm điếc thường đi đôi với nhau vì điếc không nghe được âm thanh nên từ đó cũng không nói được. Chúng ta hãy tìm hiểu một vài cử chỉ của Chúa Giêsu khi Chúa chữa lành cho người câm điếc này:

 - Chúa đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh, và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đưa anh ra khỏi đám đông vì Chúa không muốn ồn ào, không muốn làm phép lạ như một cuộc trình diễn. Cũng vậy khi Chúa cho bé gái con ông Giarô, trưởng hội đường được sống lại, Chúa không cho đám đông vào nhà chỉ cho cha mẹ em bé và các môn đệ theo Chúa vào thôi.

    Chúa đặt ngón tay vào tai anh. Chúa Giêsu thường có cử chỉ đặt tay để chúc lành hay để chữa bệnh. Chúa đặt ngón tai vào tai anh tay để có sự đồng cảm với anh và để truyền sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa tới anh như khi người đàn bà bị loạn huyết đụng tới gấu áo Chúa thì Chúa Giêsu cảm thấy sức mạnh từ Chúa phát ra (Mc 5, 30).

          Chúa bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Nước miếng của con người cũng là dược liệu thí dụ khi bị chà sước hay đứt tay chưa kịp bôi thuốc, chúng ta thường có thói quen xoa nước miếng vào chỗ bị trầy sước đó để sát trùng và giúp mau lành. Có lẽ Chúa Giêsu nhổ nước miếng ra tay rồi lấy bôi vào lưỡi anh.

           "Đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo : "Eppheta" (nghĩa là hãy mở ra"), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Ngước mắt lên trời, thở dài: chúng ta hiểu là Chúa hướng về Chúa Cha và cầu nguyện cũng như trước khi hóa bánh ra nhiều Chúa Giêsu cũng làm cử chỉ này. Đặc biệt là câu nói của Chúa Giêsu : "Eppheta: Hãy mở ra" lời nói uy quyền của Chúa Giêsu đã làm cho người câm điếc này nói được và nghe được rõ ràng tương tự như khi Chúa Giêsu cho bé gái 12 tuổi chết sống lại, Chúa nói: "Talitha, Koumi": nghĩa là : "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay (Mc 5, 36-37).

          Phép lạ này của Chúa Giêsu khiến dân chúng thán phục thốt lên : "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được". Lời khen ngợi này của dân chúng khiến chúng ta liên tưởng tới lời sách Sáng thế viết sau mỗi đợt tạo dựng: "Thiên Chúa thấy mọi sự người đã làm ra quả là tốt đẹp (St 1, 31)" việc người câm điếc nghe được và nói được là một trong số những dấu chỉ chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai Cứu thế theo tiên tri Isaia (Mt 11, 4).

          Nhưng phép lạ Chúa Giêsu làm còn có ý nghĩa thiêng liêng đối với chúng ta hôm nay. Trong nghi lễ Rửa tội cho trẻ em, có nghi thức "Hãy mở ra": Chủ lễ lấy ngón tay cái sờ vào tai và miệng mỗi trẻ và nói: "Nguyện xin Chúa Giêsu Đấng làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói ban cho con sớm có thể đón nghe Lời Người và tuyên xưng đức tin để con ca tụng vinh danh Chúa Cha".

          Miệng lưỡi và đôi tai là tặng phẩm Chúa ban, chúng ta hãy biết dùng cho nên: dùng tai để nghe Lời Chúa, để lắng nghe những người xung quanh, nghe nỗi đau của người khốn khổ, dùng miệng lưỡi để nói những lời yêu thương, xây dựng anh em, an ủi những người sầu khổ. Thánh Giacôbê dạy 'mỗi người hãy mau nghe, chậm nói, khoan giận và phải biết kiềm chế miệng lưỡi mình'(Gc 1, 19 + 26). Sách Huấn ca cho biết: người phụ nữ ít nói là quà Chúa ban, không chi sánh bằng người có giáo dục (Hc 26, 14).

          Chuyện minh họa: Ngày 6/7/2007, Đức Hồng y Giáo phận Seoul Hàn quốc truyền chức linh mục cho thầy Park Minseo, bị câm điếc từ năm mới lên 2 tuổi do uống lầm thuốc. Ngay từ khi còn trẻ đã ao ước được làm linh mục, lớn lên làm thợ sơn và sau được gởi sang Mỹ học Đại học ở phân khoa dành cho sinh viên câm điếc rồi vào Đại Chủng viện. Thầy đã cố gắng học tập suốt 22 năm. Ngày lễ mở tay của tân linh mục, ngoài  cha mẹ bà con, còn  có nhiều người câm điếc tham dự. Tân linh mục Park Min Seo dùng ngôn ngữ dấu hiệu bằng tay để phát biểu: "Tôi không phải là tài tử nhưng chỉ là một linh mục bình thường mới được Chúa chọn. Xin cầu nguyện cho tôi biết sống khiêm nhường, thánh thiện để chăm lo phục vụ cho anh chị em giáo dân câm điếc như tôi". Cha là cha sở giáo xứ Eppheta ở Seoul. Cha cử hành thánh lễ bằng ngôn ngữ kí hiệu cho 200-250 người vào Chúa Nhật.

          Mỗi người chúng ta hãy xin Chúa mở tai để biết lắng nghe Lời Chúa và mở miệng để ca tụng Chúa cụ thể trong Thánh lễ này và khi ra về biết dùng miệng lưỡi cách tốt đẹp để xây dựng Nước Chúa. Amen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập362
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm340
  • Hôm nay39,430
  • Tháng hiện tại461,203
  • Tổng lượt truy cập46,822,807

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây