CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN B
Thánh Giêrônimô có câu nói đã được Giáo hội cũng như mọi người ghi nhận: "Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô". Như vậy chúng ta cần tìm biết Đức Kitô là ai?
Trước hết Cựu Ước đã nói gì về Đấng Kitô? Tiên tri Isaia vẽ nên dung mạo của Đức Kitô mà sau này Chúa Giêsu nhận là Chúa làm ứng nghiệm những lời tiên tri đó. Trước hết là lời Chúa Giêsu đọc lên trong hội đường Nazareth: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Người xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng (Lc 4,16). Chúa Giêsu cho biết lời này đã ứng nghiệm ở nơi Chúa. Đặc biệt tiên tri Isaia còn có những bài ca về người Tôi trung của Thiên Chúa như bài đọc thứ nhất trong thánh lễ hôm nay. Người Tôi trung của Thiên Chúa chấp nhận đau khổ và hi sinh mạng sống mình cho Dân Chúa...
Dân Chúng thời Chúa Giêsu được nghe Lời Chúa rao giảng và chứng kiến các phép lạ Chúa làm nhưng qua lời phản ảnh của các tông đồ, họ cho Chúa Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả, hoặc là tiên tri Elia, hoặc là một trong các vị tiên tri, tức là chỉ coi Chúa Giêsu như là một vị ngôn sứ: điều này đúng được một phần nhưng còn rất xa với tước vị của Chúa Giêsu vì ngôn sứ hay ta thường gọi là tiên tri chỉ là những người dọn đường cho Đấng Cứu thế.
Cho nên Chúa Giêsu phải đặt câu hỏi với các môn đệ: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai? Cũng như khi Chúa Giêsu hỏi các tông đồ sau bài giảng về Bánh hằng sống: "Còn các con, các con có muốn bỏ đi không? Ông Phêrô đã thay mặt anh em nói: "Bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" thì lần này ông Phêrô cũng đáp lại ngay: "Thầy là Đức Kitô". Lời tuyên xưng của ông Phêrô là đúng; Chúa Giêsu đã chấp nhận và khen ông biết được như vậy là do Chúa Cha mặc khải cho. Ông Phêrô xưng ra đúng nhưng có lẽ quan niệm của ông về Đức Kitô có tính cách trần thế chính trị nên Chúa Giêsu phải nói lên con đường mà Chúa Giêsu là Đức Kitô sẽ đi là phải qua đau khổ, qua cái chết để rồi mới tới vinh quang phục sinh. Ông Phêrô không muốn cho Chúa Giêsu đi vào con đường đó nên đã kéo Chúa lui ra và can trách Chúa. Nhưng Chúa Giêsu quở ông như Chúa đã quở Satan khi cám dỗ Chúa trên núi: "Satan hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa mà chỉ biết việc loài người".
Vậy chúng ta hiểu Chúa Giêsu là Đấng Kitô như thế nào? Kitô là tiếng Hi lạp còn tiếng Hipri là Messia tức Đấng được Xức dầu, được Thiên Chúa thánh hiến. Chúa Giêsu là Đấng Kitô vì được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong như lời tiên tri Isaia: "Vì Người xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng..." Chúa Giêsu đảm nhận sứ mạng cứu chuộc loài người. Dân Israel qua lịch sử mong đợi Đấng Messia tức là Đức Kitô. Chúa Giêsu chấp nhận tước hiệu này nhưng Chúa loại bỏ tính cánh trần thế chính trị và Chúa là Đấng Chúa Cha sai xuống trần gian để như người tôi trung của Thiên Chúa hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc cho muôn người nên Chúa Giêsu đã nói với hai môn đệ đi làng Emmaus: "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?(Lc 24,26).
Chính vì Chúa Giêsu là Đức Kitô, nên chúng ta những người tin kính Chúa được gọi là Kitô hữu: danh xưng này có từ thời các tông đồ khi các người tin Chúa Giêsu ở giáo đoàn Antiokia được dân chúng gọi là các Kitô hữu.
Là Kitô hữu, chúng ta hãy sống xứng đáng với danh xưng này khi làm theo lời Chúa Giêsu kêu mời hôm nay: "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mà theo Ta" Chúa đưa ra hai điều kiện: là từ bỏ mình và vác thập giá.
Từ bỏ mình: là yêu cái tôi tức bản thân mình ít hơn, không ích kỉ. Chúng ta cũng hiểu là Chúa Giêsu dạy ta phải từ bỏ những đam mê tội lỗi, biết đặt thánh ý Chúa trên ý riêng của mình.
Vác Thập giá: chấp nhận đau khổ hi sinh trên đường theo Chúa, thanh luyện mình khỏi những thói hư xác thịt như thánh Phaolô dạy là: "dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén ..." để có thể đạt được những hoa trái của Thánh Thần là: "bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ" và thánh Phaolô còn quả quyết: "những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào Thập giá cùng với các dục vọng và đam mê (Gl 5, 14-24)".
Một mẫu gương: Bà Golda Meir là một phụ nữ Do thái, hồi trẻ bà cảm thấy thất vọng vì mình không có được nhan sắc như nhiều thiếu nữ khác. Nhưng sau bà nhận ra không đẹp lại có thể là điều may mắn vì nó đòi bà phải phát triển các tài năng khác nên bà quyết tâm học hành, chăm chỉ làm việc. Sau này bà đã trở thành thủ tướng nước Do thái.
Chúng ta luôn chọn lựa con đường Chúa đã đi là "Qua Thập giá để tiến đến Vinh quang" nhờ đó chúng ta có thể đạt được những thành quả tốt đẹp ngay cuộc sống đời này và hạnh phúc đời sau. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn