Mười đề tài luân lý Kitô giáo: Đề tài 1, 2 và 3.

Thứ sáu - 30/11/2018 22:24  6673

dfccLỜI NÓI ĐẦU

Tập sách này không phải là một biên khảo hay một giáo trình về thần học luân lí Kitô Giáo hay đạo đức học Kitô Giáo, mà chỉ là tập hợp các bài trình bày tóm tắt một số đề tài của khoa thần học ấy, giúp các sinh viên thần học ôn tập lại bộ môn này sau một thời gian xa trường lớp và chuẩn bị quay lại với công tác mục vụ tại xứ đạo. Chính vì thế, sẽ không có sự trình bày chi tiết và đầy đủ của một giáo trình hay sự tham cứu rộng rãi và gợi mở của một biên khảo, nhưng chỉ ghi nhận những đường nét lớn của luân lí Kitô Giáo nói chung và luân lí Kitô Giáo khi khảo sát một số vấn đề quan trọng, như tôn giáo, chính trị, sự sống, tính dục và hôn nhân, kinh tế, truyền thông. Trong giới hạn ấy, có lẽ sách sẽ có ích hơn cho những ai muốn nhớ lại cách nhanh chóng và căn bản luân lí Kitô Giáo hoặc xa hơn nữa, cho những ai muốn làm quen với nền luân lí ấy trong bản chất và mục tiêu, cũng như trong khi giải quyết một số vấn đề đạo đức lớn của con người thời đại. Xin đừng quên điều này để đón nhận tập sách và thông cảm với những khiếm khuyết của tập sách. Hy vọng rằng với những hiểu biết căn bản mà tập sách cung cấp, độc giả sẽ hiểu rõ hơn con đường mà người Công Giáo thường mượn để đi tìm hạnh phúc – hạnh phúc cho mình và cho người khác.

NỘI DUNG

Luân lí Kitô Giáo đóng vai trò nào trong đời sống người kitô hữu và có những nét đặc thù nào so với các nền luân lí khác?
Có thể có xung đột giữa luật lệ (quyền bính) và lương tâm không; nếu có, phải giải quyết thế nào? Phân biệt các mức độ hướng dẫn và ràng buộc của lương tâm.-

Thế nào là ý thức đúng đắn về tội? Những khám phá mới của các khoa Thánh Kinh, thần học, nhân văn và xã hội… có thể đóng góp gì vào quan niệm về tội? Làm sao phân biệt tội nặng và tội nhẹ theo quan điểm thần học luân lí hiện nay?

Làm sao phân biệt và giúp người kitô hữu phân biệt những biểu hiện đúng đắn của sự thờ phượng với những biểu hiện ‘mê tín’? Có những hình thức ‘mê tín’ nào đang dần dần phổ biến hiện nay? (đạo đức học tôn giáo hay giới răn 1,2 và 3)

Đâu là ranh giới giữa sự phản kháng cần thiết đối với chính quyền và sự phản kháng bất hợp lí? (đạo đức học chính trị hay giới răn 4)

Đâu là những nguyên tắc lớn của luân lí Kitô Giáo liên quan đến vấn đề sự sống và sức khoẻ con người? (đạo đức sinh học hay giới răn 5)

Quan điểm tình yêu – đức ái của luân lí Kitô Giáo có thể giúp gì cho đời sống tình cảm và tính dục của con người hôm nay? (đạo đức học tính dục và hôn nhân hay giới răn 6 và 9)

Làm sao tiếp cận hai vấn đề lớn trong đời sống hôn nhân và gia đình hiện nay: vấn đề chung thủy và vấn đề sinh sản? (đạo đức tính dục và hôn nhân hay giới răn 6 và 9)

Quan điểm của luân lí Kitô Giáo về lao động và sở hữu đóng góp gì cho các quan hệ kinh tế xã hội giữa con người hiện nay? (đạo đức học kinh tế hay giới răn 7 và 10)

Thế nào là chân lí theo quan điểm luân lí Kitô Giáo và bổn phận phản ảnh chân lí của các phương tiện truyền thông xã hội hôm nay? (đạo đức học truyền thông hay giới răn 8)

Mười đề tài luân lý Ki-tô Giáo

Đề tài một : 

Luân lí Kitô Giáo đóng vai trò nào trong đời sống người kitô hữu và có những nét đặc thù nào so với các nền luân lí khác?

Nhập đề :
Từ những ghi nhận về tình trạng luân lí suy đồi tại Việt Nam nói chung và trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng (suy đồi trong giáo dục và kinh doanh, y tế và sự sống, tính dục và hôn nhân, quyền hành và chính trị…), chúng ta thử đi tìm nguyên nhân. Không kể những nguyên nhân từ những ảnh hưởng của văn hoá và văn minh thời mới, phải kể đến tình trạng nhận thức sai lầm hay ít ra, chưa đầy đủ, về vai trò của luân lí và luân lí Kitô Giáo trong đời sống con người.

Khai triển :

1. Trong giáo huấn của Đức Giêsu và Hội Thánh Kitô Giáo sơ khai, chúng ta đã thấy vai trò hết sức quan trọng của luân lí trong đời sống cá nhân và tập thể kitô hữu

Theo giáo huấn của Đức Giêsu

- Ngay từ bài giảng đầu tiên hay đúng hơn, từ lần lên tiếng đầu tiên của mình, Đức Giêsu đã chú ý tới hành động trong tương quan với Chúa và với con người : “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng (= một hành động luân lí với Chúa và với con người), vì Nước Trời đã gần đến” (Mc 1,14-15).

- Kể từ đó, bất cứ tuyên bố nào của Ngài nhân dịp này hay nhân dịp khác đều kết thúc bằng lời yêu cầu đương sự phải làm việc tốt này hoặc việc tốt nọ (luân lí). Các phép lạ của Ngài cũng nhằm đưa đương sự tới chỗ tin vào Ngài và từ đó, hành động phù hợp với lòng tin ấy (luân lí).

- Thậm chí, đối phương đố kị và âm mưu hãm hại Ngài không phải vì nghe những lời tuyên bố chói tai của Ngài, mà vì dự đoán những hậu quả thực tiễn mà những lời tuyên bố ấy có thể đưa tới (luân lí).

- Nói cách khác, không như nhiều nhà thần học Cải Cách kết luận vội vàng, giáo huấn của Đức Giêsu không chỉ là những lời loan báo Tin Mừng vui vẻ mà còn là những đòi hỏi cam go phải đem ra thực hành, không chỉ mang màu sắc “tín lí” mà còn mang tính chất “luân lí” nữa. Môn đệ Đức Kitô không phải chỉ nghe, chỉ hiểu, chỉ vui vẻ phấn khởi, mà còn phải hành động, phải sống nữa.

Theo giáo huấn của Hội Thánh Kitô Giáo sơ khai

- Hội Thánh Kitô Giáo sơ khai đã tự mô tả mình là một cộng đoàn với ba sinh hoạt căn bản hay với ba chiều kích căn bản: lắng nghe lời Chúa và sự diễn giải của các tông đồ / ca tụng Chúa và cử hành lễ bẻ bánh (tiệc Thánh Thể) / sống với nhau như anh chị em bằng cách bỏ mọi sự làm của chung (x. Cv 2,42-47)

- Có người gọi một cách chuyên môn hơn ba sinh hoạt chính yếu hay ba chiều kích căn bản của Hội Thánh Kitô Giáo sơ khai là tin, cử hành và sống, hoặc sinh hoạt tín lí, sinh hoạt phụng vụ và sinh hoạt luân lí. Như vậy, luân lí là một trong những sinh hoạt chính yếu hay một trong ba chiều kích căn bản làm nên đời sống kitô hữu.

- Còn nếu đọc hết các sách của Tân Ước, đặc biệt các thư của các tông đồ, chúng ta sẽ thấy rõ song song với sự bành trướng của Giáo Hội, đồng thời đứng trước tình hình ngày càng phức tạp của cuộc sống, Giáo Hội càng ngày càng tỏ rõ quan tâm tới việc hướng dẫn đời sống luân lí của các kitô hữu và giải quyết các vấn đề luân lí của mình. Như thế, không những không thể gạt bỏ luân lí ra khỏi đời sống người kitô hữu, mà còn phải tìm cách thực hiện ngày càng tốt hơn sinh hoạt ấy, bên cạnh các sinh hoạt khác là hiểu biết đức tin và cử hành phụng vụ.

2. Luân lí trong tương quan với các khía cạnh khác của đời sống Kitô hữu

- Tuy nhiên, dù có quan trọng đến đâu, luân lí Kitô Giáo cũng không thể nào đứng độc lập một mình. Người kitô hữu không thể chỉ bằng lòng sống ngay lành mà thôi, cũng như đã không thể chấp nhận hiểu biết đức tin ngày càng sâu xa và cử hành phụng vụ ngày càng sốt sắng mà thôi. Đời sống luân lí của người kitô hữu không phải chỉ loay hoay với việc làm lành lánh dữ, mà còn phải làm lành lánh dữ theo giáo lí của Đức Kitô. Người kitô hữu không thực hành luân lí chỉ theo lương tâm và lương tri tự nhiên, mà quyết liệt thực hành luân lí dựa trên đức tin Kitô Giáo (luân lí dựa trên đức tin). Ngoài ra, nỗ lực sống luân lí của người kitô hữu không phải là nỗ lực ở tầm mức con người, nhắm tới những kết quả trong thế giới con người, mà còn vươn tới tầm mức Thiên Chúa, nhắm tới những kết quả trong thế giới Thiên Chúa. Chính vì thế, sống luân lí phải đi đôi với cử hành các mầu nhiệm, nâng các sự việc của con người lên mức các mầu nhiệm qua đó Thiên Chúa cứu độ con người bằng cách cầu nguyện và kết hợp với Ngài (luân lí hướng tới và được hỗ trợ bởi ơn thánh, nhận được qua cầu nguyện và cử hành phụng vụ).

- Đây cũng là hướng giải quyết tình trạng suy đồi luân lí hiện nay trong Giáo Hội chúng ta: muốn giúp các kitô hữu sống tốt lành, phải cho họ biết cái nhìn của Thiên Chúa về điều tốt lành và phải tạo điều kiện cho họ được sự hậu thuẫn tối đa của Thiên Chúa bằng cách giúp họ bước vào thế giới Thiên Chúa từ đời này qua các cử hành phụng vụ và cầu nguyện. Nhiều kitô hữu sống luân lí bết bát có thể là do thiếu cố gắng và luyện tập, nhưng cũng có thể là do thiếu hiểu biết đúng đắn và cập nhật, và thiếu tham dự các cuộc cử hành hầu được tiếp xúc với Thiên Chúa. Các mục tử phải quan tâm cách đồng bộ tới cả ba sinh hoạt hay ba khía cạnh này, nếu muốn giúp giáo dân của mình có đời sống luân lí lành mạnh hợp ý Chúa. Đời sống luân lí được xây dựng trên hiểu biết giáo lí đầy đủ và tiếp xúc thường xuyên với Chúa (qua các bí tích và cầu nguyện).

3. Đâu là những nét đặc thù của luân lí Kitô Giáo so với các nền luân lí khác ?

Trong quá trình tìm hiểu luân lí Kitô Giáo, nhất là có đối chiếu với các nền luân lí khác, người ta khám phá ra một số nét riêng của luân lí Kitô Giáo cần phải được tôn trọng và phát huy.

3.1. Đó là một nền luân lí mang đậm nét tôn giáo hay chính xác hơn, mang đậm nét Kitô Giáo

Thật ra, không ai là không bị buộc và không tìm cách sống tốt lành, nghĩa là không ai là không có đời sống luân lí ở một mức nào đó. Chỉ có điều đó là điều tốt lành tới mức nào hay điều tốt lành theo viễn tượng nào hoặc dựa trên cơ sở nào. Người Cộng Sản theo đuổi điều tốt lành theo quan điểm mác-xít của mình. Các tín đồ các tôn giáo khác xây dựng đời sống luân lí của mình xa hơn nữa là dựa trên mệnh Trời : tốt hay xấu là tùy theo có hợp với mệnh Trời hay không. Còn người kitô hữu dứt khoát đánh giá điều tốt dựa trên giáo huấn, con người và cách sống của Đức Kitô, mà họ tin là hiện thân của Thiên Chúa hay là chính Thiên Chúa nhập thể. Vì thế, người kitô hữu không chỉ bằng lòng với điều tự nhiên cảm thấy tốt hay bằng lòng với điều mà thiên hạ cho là tốt hoặc chính mình nhận thức là tốt, mà phải cố gắng tìm ra điều Thiên Chúa quyết là tốt : “Tại sao anh gọi tôi là tốt lành, chỉ có Thiên Chúa là đấng duy nhất tốt lành?” (Mc 10,18).

3.2. Là một nền luân lí được giới thiệu cho con người qua tay Giáo Hội

Nói rằng luân lí Kitô Giáo dựa trên giáo huấn, con người và cách sống của Đức Kitô – nhưng là giáo huấn và cách sống của một con người sống cách đây hơn 2000 năm – cũng là giả thiết mỗi người sẽ phải dựa trên một cơ quan trung gian có thẩm quyền để hiểu giáo huấn, con người và cách sống ấy, hơn là chỉ dựa vào bản thân rất ích kỉ và chủ quan của mình. Theo lí tưởng, cơ quan trung gian này đã được chính Đức Kitô khi còn sống thiết lập và trao quyền. Cơ quan ấy chăûng những phải lo hoàn thiện mình trong vai trò ấy qua dòng thời gian, mà nhất là phải được chính Thiên Chúa bảo vệ và hướng dẫn. Trong thực tế, cơ quan này không phải là không thiếu sót trong trách nhiệm của mình. Nhưng nhìn chung, phải nhìn nhận cơ quan này (Giáo Hội Công Giáo gọi là Huấn Quyền hay quyền giáo huấn Giáo Hội) đã hoàn thành khá tốt vai trò của mình, nhờ luôn dựa vào nền tảng luân lí Kitô Giáo là giáo huấn, con người và cách sống của Đức Kitô, dựa vào cách giải thích của các đấng bậc đã may mắn sống sát với Đức Kitô (truyền thống các tông đồ và truyền thống các giáo phụ), cũng như nhờ luôn quan tâm và nỗ lực làm việc trong lãnh vực luân lí này.

3.3. Cũng là một nền luân lí bắt nguồn từ luân lí tự nhiên và cởi mở tiếp thu sự đóng góp của các nền luân lí và các khoa học khác của thời đại

Nếu chỉ dừng lại với hai điểm trên đây, có thể có người e ngại luân lí Kitô Giáo sẽ xa lạ với rất nhiều người. Kì thực, Thiên Chúa mà Đức Kitô và Giáo Hội dựa vào để nhận thức điều tốt điều xấu cũng là Thiên Chúa đã lập ra bản tính con người với những qui luật hướng dẫn đời sống của con người. Vì thế, luân lí Kitô Giáo chẳng những phù hợp với luân lí tự nhiên, mà còn triển khai cái vốn tiềm tàng trong luân lí tự nhiên ấy. Cũng chính vì ý thức về cội nguồn chung của hai nền luân lí ấy, nên các nhà thần học luân lí Kitô Giáo cũng luôn cởi mở tiếp thu sự đóng góp của các nền luân lí khác và của các khoa học nhân văn đương thời. Luân lí Kitô Giáo không chỉ đóng góp cho luân lí xã hội và thời đại, mà còn tiếp thu nhiều đóng góp của luân lí ấy.

Tóm lại, có thể nói luân lí Kitô Giáo là luân lí mang tính cởi mở hay đối thoại :

Cởi mở hay đối thoại với Thiên Chúa như mục tiêu cuối cùng mà luân lí muốn hướng tới, như nền tảng cuối cùng mà luân lí muốn dựa vào để bảo đảm sự đúng đắn và ràng buộc cho luân lí (mạc khải của Thiên Chúa, đặc biệt qua Thánh Kinh)

Cởi mở hay đối thoại với Giáo Hội như cơ quan trung gian mà luân lí cần có để hỗ trợ mình xác định mục tiêu cuối cùng, nền tảng sau cùng và các chuẩn mực của luân lí (giáo lí Giáo Hội hay lập trường Giáo Hội về các vấn đề)

Cởi mở hay đối thoại với các nền luân lí và các khoa học khác như các cơ sở cho luân lí tham khảo thêm hầu có được sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn hơn về các giá trị luân lí.

4. Các nguồn cần liên hệ để thực hành luân lí

Một cách cụ thể, để thực hành và giúp người khác thực hành luân lí, người kitô hữu sẽ liên hệ hay tham khảo ba nguồn sau đây : giao ước với Chúa, lề luật và lương tâm.

4.1. Giao ước với Chúa : đây là cơ sở quan trọng nhất mà người kitô hữu cần lưu ý khi thực hành luân lí. Người kitô hữu có tuân giữ lề luật và lắng nghe lương tâm chính là vì muốn qua đó càng ngày càng đi sâu hơn vào giao ước với Chúa, bây giờ và mai sau. Không có chân trời hay viễn tượng này thì lề luật và ngay cả lương tâm cũng gây cảm giác nặng nề và bó buộc cho người kitô hữu. Hơn nữa, chính giao ước với Chúa sẽ là cơ sở biện minh cho giá trị của lề luật và lương tâm : luật nào hay tiếng lương tâm nào không giúp đưa người ta đi sâu hơn vào giao ước với Chúa đều đáng bị nghi ngờ, thậm chí cự tuyệt.

4.2. Lề luật : tuy nhiên, nếu không có lề luật hay các chuẩn mực khách quan thì người kitô hữu sẽ dễ rơi vào tình cảnh mơ hồ và lạc lối khi bước vào giao ước với Chúa. Chính các lề luật này sẽ cho họ biết phải làm gì để ngày càng giao ước thân mật hơn với Chúa.

4.3. Lương tâm : rất tiếc, lề luật chẳng bao giờ đủ vì trong cuộc sống con người có biết bao tình huống, mà mỗi người phải vận dụng lương tâm của mình để ứng dụng các lề luật vào các tình huống cụ thể ấy. Đó là chưa kể những lề luật sai, mà nếu không có lương tâm phê phán người ta rất có thể đã lạc lối.

Kết luận :

Rõ ràng là nếu muốn sống đúng phẩm giá con người thì không thể chỉ tìm điều nào có lợi hay thích thú, mà còn phải tìm kiếm những điều tốt hay những điều phù hợp với phẩm giá con người (luân lí). Con người không thể sống mà không có luân lí : con người ăn uống không chỉ tìm cái gì ngon miệng hay bổ ích, mà còn tìm điều nào xứng với phẩm giá con người. Trong tâm thức tự nhiên, con người đã luôn muốn điều tốt luân lí, huống nữa là trong tâm thức của những người được cứu độ. Đã thấy tầm quan trọng của luân lí như thế, cả trong ý thức tự nhiên lẫn trong ý thức tôn giáo, người kitô hữu chẳng những không né tránh luân lí, mà còn tìm cách xây dựng đời sống luân lí ngày càng tốt hơn, xứng với phẩm giá kitô hữu và khai thác những nét riêng của luân lí Kitô Giáo.
 

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KITÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 2

Đề tài hai : Có thể có xung đột giữa luật lệ (quyền bính) và lương tâm không? Nếu có, phải giải quyết thế nào? Phân biệt các mức độ hướng dẫn và ràng buộc của lương tâm.

Khi kết thúc đề tài thứ nhất, chúng ta đã thấy ba nguồn mà người kitô hữu phải dựa vào để tổ chức đời sống luân lí của mình: giao ước với Chúa, luật lệ và lương tâm. Trong đó, giao ước với Chúa là điểm tham chiếu quan trọng hơn cả, vì người kitô hữu giữ luật hay lắng nghe lương tâm nhằm để mỗi ngày mỗi tiến sâu hơn vào giao ước với Chúa, hay người kitô hữu chỉ giữ luật và lắng nghe lương tâm trong mức độ chúng phục vụ cho quan hệ của chúng ta với Chúa. Giao ước với Chúa hay quan hệ mật thiết với Chúa – cứu cánh của luân lí Kitô Giáo – cũng chính là chìa khóa để giải quyết các xung đột có thể có giữa lề luật và lương tâm.

1. Khi nào có xung đột giữa lề luật và lương tâm?

Lẽ ra không có sự xung đột giữa lề luật và lương tâm vì cả hai đều nhắm phục vụ giao ước giữa con người với Thiên Chúa và chỉ có giá trị trong mức độ chúng phục vụ giao ước ấy. Rất tiếc là trong thực tế không phải lề luật lúc nào cũng phục vụ mục tiêu ấy, và không phải lương tâm lúc nào cũng phát biểu theo chiều hướng có lợi cho mục tiêu ấy. Vì thế, xung đột sẽ xảy ra khi cả hai hay một trong hai bên (lề luật và lương tâm) không hoàn toàn phục vụ cho mục tiêu của luân lí, tức là giao ước giữa con người với Thiên Chúa hay sự kết hợp của con người với Thiên Chúa.

Lề luật xung đột với lương tâm khi lề luật hoặc không hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Chúa hay không phục vụ cho mối quan hệ của con người với Chúa, thậm chí còn đi ngược ý muốn của Chúa hay kéo chúng ta ra xa quan hệ của mình với Chúa. Trong trường hợp này, chẳng những chúng ta không được nghe theo lu?t, mà đôi khi còn phải ra sức đấu tranh để tránh gây hại cho mình và cho người khác.

Lương tâm xung đột với lề luật khi lương tâm vô tình hay hữu ý chống lại yêu cầu của lề luật, có lúc vì yêu cầu của lề luật không phù hợp với ý Chúa, có lúc vì lương tâm muốn quyết định theo chiều hướng có lợi cho mình hay tập thể của mình, bất kể quyết định ấy đang đi ngược yêu cầu của lề luật.

Sự xung đột giữa lề luật và lương tâm thường được khái quát hoá thành sự xung đột giữa quyền hành và lương tâm, giữa người trên và người dưới. Giới lãnh đạo luôn muốn sự trật tự và ổn định, và coi lề luật là phương cách hữu hiệu nhất đem lại những điều ấy. Đang khi đó, người dưới luôn muốn tự do và độc lập, và coi lương tâm cá nhân là phương cách tốt nhất mang lại những điều này. Nếu hai bên chỉ nghĩ đến những kết quả mình ưa chuộng mà quên nhìn đến giao ước với Chúa hay quên nhìn đến mục tiêu chung sau cùng hay ích lợi lớn nhất của cá nhân lẫn tập thể thì thật khó giải quyết các xung đột. Lịch sử đã từng chứng kiến những đấu tranh giữa hai bên, đôi khi dẫn tới những cuộc đổ máu kinh khủng. Người ta quên mất lề luật hay quyền bính, lương tâm hay cá nhân chỉ là những “tôi tớ” phục vụ cho quyền bính và tự do lớn nhất là quyền bính của Thiên Chúa và được tự do làm con Chúa.

Và phải giải quyết thế nào?

Xưa nay thường có hai cách giải quyết sai lầm, xuất phát từ hai quan điểm khá cực đoan về lương tâm và nguồn gốc của lương tâm.

- Một là quan niệm lương tâm chỉ là sản phẩm của con người, cá nhân hay xã hội. Ý thức phân biệt phải trái, khả năng phê phán tốt xấu và thúc đẩy hành động, kèm theo những tình cảm thỏa mãn hay bất mãn, chỉ là kết quả của các nền giáo dục nhận được, kết quả của các nền văn minh và văn hoá xã hội như chủ trương của Durkheim, Spencer, hay kết quả của cả một quá trình thích nghi và làm việc như chủ trương của Carl Gustav Jung, hoặc chỉ là tàn tích của những cấm đoán từ gia đình và xã hội đối với các đòi hỏi mãnh liệt của các bản năng tự nhiên nơi con người như chủ trương của Sigmund Freud. Trong trường hợp này, lương tâm không thể là cơ sở đáng tin cậy khi quyết định các giá trị, thậm chí nhiều khi phải gạt bỏ lương tâm để con người được sống tự do và độc lập. Giới lãnh đạo thường dựa vào những chủ trương này để cho phép mình độc quyền quyết định và dập tắt mọi sáng kiến cá nhân.

- Hai là quan niệm lương tâm là tiếng nói bộc phát của Thiên Chuá và là khả năng thiên phú Thiên Chúa ban cho con người, giúp con người phê phán và quyết định. Cũng chính vì lương tâm là tiếng nói và khả năng có tầm mức siêu nhiên như thế, nên người ta phải tuyệt đối nghe theo lương tâm. Các cá nhân sẽ viện dẫn lí do này để bênh vực sự tự do của mình, thậm chí đôi khi còn để chống lại quyền bính. Không lạ gì các cá nhân thường thích nói tới lương tâm hơn.

- Người ta quên rằng dù phẩm chất của lương tâm giữa người này với người kia có khác nhau do tâm tính, hoàn cảnh và môi trường, lương tâm trước tiên vẫn là một khả năng đã có sẵn nơi con người khi con người được sinh ra. Vì làm sao con người có thể hoàn thành vai trò của mình theo như Chúa yêu cầu, nếu con người không có khả năng đọc ra ý Chúa, tức là lương tâm ? Ngược lại, dù có xuất phát từ Thiên Chúa cách sâu đậm cỡ nào, nhưng đã là của con người, lương tâm không thể không chịu các ảnh hưởng của con người và xã hội. Lương tâm cũng cần được đào tạo như bao nhiêu khả năng khác. Và chính trong quá trình đào tạo ấy, lương tâm thật khó tránh khỏi bị ảnh hưởng tốt hay xấu từ bên ngoài. Quyền hành hay luật lệ không là chuẩn mực duy nhất để tự cho phép mình gạt bỏ lương tâm của các cá nhân. Lương tâm cũng không phải là chuẩn mực tối thượng cho phép ta bỏ qua luật lệ hay quyền bính.

Trên nguyên tắc, cùng do một Thiên Chúa tạo thành và ban cho con người để hỗ trợ con người sống phù hợp với ý Chúa, lề luật và lương tâm không thể xung đột với nhau. Nhưng trong thực tế, luôn luôn có khả năng ấy vì những lí do đã nói trên đây. Lúc ấy, chúng ta sẽ ra sức dung hoà lề luật và lương tâm theo hướng phục vụ cho giao ước giữa con người với Chúa. Nếu đã cố gắng hết sức mà không được, bao lâu chưa thấy lí lẽ do lương tâm đưa ra chưa đủ mạnh và chưa được nhiều ý kiến khôn ngoan hậu thuẫn, thì bấy lâu cứ tuân theo lề luật, dù chỉ một cách hình thức. Vì dù sao ý kiến của cả một tập thể chuyên môn và trách nhiệm vẫn có khả năng đúng hơn ý kiến của một cá nhân không chuyên môn và trách nhiệm bằng. Chỉ khi nào không thể làm theo lề luật hay lề luật sai lầm quá rõ, chúng ta mới được phép bất tuân lề luật và nghe theo lương tâm, nhưng luôn sẵn sàng xét lại và nếu cần, thay đổi ý kiến. Luân lí Kitô Giáo coi đây là sự vâng phục theo đức hiếu thảo, chứ không theo đức tin đối thần, nghĩa là có thể chỉ “bằng mặt chứ không bằng lòng” hay vâng phục chỉ vì trật tự chung, chứ không phải từ sự xác tín và ưng thuận hoàn toàn của bản thân mình. Vì thế, lương tâm ở đây bất tuân không phải để chống lại đức tin đối thần hay chống lại Chúa (dẫn tới tội rất nặng), mà chỉ là hành động nhưng không thấy thỏa mãn với những sự giải thích và áp dụng của giới cầm quyền.

Nên nhớ rằng sự xung đột lương tâm rất cần được giải quyết, nếu không hoàn toàn thì ít là cơ bản, không phải chỉ vì để cho cuộc sống được yên ổn mà đó còn là điều kiện để tạo sự phát triển con người và thăng tiến xã hội toàn diện. Vì chưng, lương tâm không theo chuẩn mực hay lề luật do quyền bính nào đưa ra sẽ là lương tâm độc tôn dẫn tới tình trạng cá nhân chủ nghĩa, vô chính phủ và phi chuẩn mực. Ngược lại, lề luật hay quyền bính mà không được các lương tâm đón nhận sẽ trở thành chuyên chế, dẫn tới tình trạng ấu trĩ, thiếu trưởng thành và mất tính nhân linh trong đời sống con người và xã hội.

3. Những tình trạng lương tâm khác nhau dẫn đến những mức ràng buộc khác nhau

Lương tâm là khả năng giúp mỗi người phê phán các giá trị trong từng trường hợp cụ thể, để dẫn con người tới hành động. Chỉ tiếc là không phải lúc nào lương tâm cũng phê phán giúp con người và thúc đẩy con người hành động cách đúng đắn và xác tín. Vì thế mới có vấn đề lương tâm có thể lên tiếng với những cung giọng khác nhau và bởi đó ràng buộc cách khác nhau.

3.1. Lương tâm chắc chắn và đúng đắn là tình trạng lí tưởng nhất của lương tâm : không những lương tâm đưa ra một phán đoán cách xác tín (ý chí) mà còn tin chắc phán đoán ấy đúng đắn hay phù hợp với lề luật hoặc phù hợp với ý muốn của Chúa (lí trí). Trong trường hợp này, con người không những phải hành động theo lương tâm mà còn sẽ mắc tội chống lại Chúa khi không tuân theo : đã tin chắc phán đoán ấy là đúng với ý của Chúa mà không tuân theo thì chẳng phải là đã chống lại Chúa hay sao ? Ở đây, có khi lương tâm rất chắc chắc với phán đoán của mình nhưng không ngờ đó lại là phán đoán sai so với lề luật hay so với ý muốn của Chúa. Lúc ấy, cần phân biệt việc sai lầm này có được mình dự đoán hay tiên liệu hay hoàn toàn nằm ngoài hiểu biết của mình, có thể khắc phục được hay hoàn toàn nằm ngoài khả năng của mình, ít là lúc này. Nếu hoàn toàn nằm ngoài hiểu biết hay hoàn toàn không thể khắc phục được thì có thể coi sai lầm này nằm ngoài ý muốn và khả năng của mình, và vì thế có thể nghe theo toàn tâm toàn ý vì không biết (không biết thực sự và không có khả năng sửa chữa ngay) thì không thể kết tội.

3.2. Ngoài tình trạng trên đây, lương tâm có thể sai lầm và có thể không chắc chắn trong phán đoán của mình. Lương tâm có thể sai lầm như phóng khoáng quá (coi là không tội cái có tội, coi chỉ là tội nhẹ cái vốn là tội nặng) hay nghiêm nhặt quá (coi là có tội cả cái không tội, coi là tội nặng cả những cái chỉ là tội nhẹ). Lương tâm có thể không chắc chắn như bối rối (chẳng bao giờ yên tâm về phê phán của mình, kể cả khi phê phán ấy được người khác cho là đúng đắn) hay hồ nghi (không yên tâm về sự kiện ấy đúng hay sai, hoặc không yên tâm có luật ấy không và luật ấy có ràng buộc không, ràng buộc nặng hay nhẹ). Trừ trường hợp đã trở thành thói quen hay trở thành tật bệnh cần được sửa chữa một cách lâu dài và chuyên môn hơn, tất cả tình trạng lương tâm này đều có thể chữa trị : nếu do hiểu sai mà phóng khoáng hay nghiêm nhặt quá thì cần học hỏi, hay nếu do bạc nhược, ích kỉ hoặc lười biếng thì cần tổ chức lại đời sống và tăng cường đạo đức. Trong tất cả các trường hợp trên đây, chúng ta không được nghe theo lương tâm một cách vô điều kiện, mà luôn luôn phải bắt đầu bằng cách đình hoãn phê phán, kế đó là tham khảo và suy nghĩ thêm. Ở đây, nếu biết vận dụng các qui luật ưu tiên, ta sẽ có thể tìm ra câu trả lời thích đáng. Còn nếu đã vận dụng mọi phương cách mà không vẫn không tìm ra câu trả lời, đang khi đó tình huống lại không cho phép ta đình hoãn, ta có thể quyết định theo các nguyên tắc phản xạ hay theo phán đoán riêng của mình.

Kết luận :

Xung đột giữa lề luật và lương tâm là xung đột muôn thuở, song song với xung đột giữa quyền hành và tự do, giữa xã hội và cá nhân. Khôn ngoan nhất vẫn là nhìn ra giá trị và giới hạn của mỗi bên để lấy bên này bổ sung bên kia, nhất là tập trung cả hai vào một tổng hợp lấy giao ước với Chúa là đích điểm và trọng tâm. Bên cạnh việc ghi nhớ mục tiêu chung của lề luật và lương tâm, cá nhân mỗi người còn cần đào tạo lương tâm bằng cách không những cập nhật hoá các hiểu biết luân lí của mình, mà còn không ngừng thanh lọc tâm hồn mình. Phía người làm luật cũng cần thực hành các điều vừa kể và luôn nâng cao hiểu biết của mình về con người và xã hội hiện tại.

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KITÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 3

Đề tài ba : Thế nào là ý thức đúng đắn về tội? Những khám phá mới của các khoa Thánh Kinh, thần học, nhân văn và xã hội… có thể đóng góp gì vào quan niệm về tội? Làm sao phân biệt tội nặng và tội nhẹ theo quan điểm thần học luân lí hiện nay?

Nhập đề :

Không những các nhà lãnh đạo Công Giáo hiện nay đang lo lắng về tình trạng mất ý thức hay ý thức sai của giáo dân về tội (một trong các bằng chứng là sự sụt giảm số người xin lãnh bí tích Hoà Giải), mà cả các nhà lãnh đạo xã hội bây giờ cũng rất ưu tư trước tình hình phạm pháp ngày càng tăng của nhân dân – thậm chí phạm pháp vào độ tuổi rất trẻ và phạm pháp nhiều lần. Thế nên, khi biên soạn sách giáo lí hay tu đức, giáo trình thần học hay khảo luận luân lí, Giáo Hội Công Giáo luôn cân nhắc để trình bày thế nào về tội cho thuyết phục mà không sai sự thật của Mặc Khải.

Khai triển :

1. Đi tìm một quan niệm đúng đắn và đầy đủ về tội

Từ những quan niệm hiện hành trong xã hội…

- Tội là sự xâm phạm cách bất công tới quyền lợi của người khác : Đây là cách hiểu phổ biến nhất hiện nay vì nó đáp ứng sự nhạy bén ngày càng cao của con người tới người khác, quyền lợi và công bằng. Cái gì làm hại đến người khác đều là tội và chỉ khi nào làm hại tới người khác mới là tội. Nhưng như thế, hễ khi nào không làm hại tới người khác hoặc khi người khác bỏ qua không chấp nhất thì không có tội. Trong thực tế, các quyền lợi của người khác và các sự xâm phạm quyền lợi của người khác thường được minh định trong các bộ luật quốc gia. Thế nên, tội cũng chính là sự vi phạm các lề luật do Nhà Nước qui định. Cũng chỉ có tội khi quyền lợi người khác bị xâm phạm hay khi luật lệ Nhà Nước bị vi phạm. Và sẽ không có tội khi quyền lợi người khác được ghi trên giấy trắng mực đen của pháp chế quốc gia không bị xâm phạm, hay khi người khác hay cơ quan Nhà Nước không khởi tố, không kết án và đã tha bổng.

- Tội là sự phá hỏng nhân cách hay lí tưởng sống của bản thân mình: sở dĩ một người cảm thấy day dứt dằn vặt hay mạnh mẽ hơn, sở dĩ một người cảm thấy mình có tội là vì không hoàn thành nhân cách hay lí tưởng sống của mình. Chính vì thế, chỉ những hành vi nào cản trở sự thăng tiến của mình hay cản trở mình thực hiện lí tưởng của mình mới là tội; và chỉ cần được mình cho phép bắt đầu lại là mình đã được tha tội.

- Cả hai quan niệm trên đây, dù đã nhìn ra đúng một số hậu quả tai hại do tội gây ra (làm hại tới xã hội và bản thân mình), vẫn chưa đầy đủ và chưa sâu sắc. Vì trong tư cách là hữu thể mở ra cho tuyệt đối và vô biên hay trong tư cách là hữu thể có tôn giáo, tội còn gây hại tới quan hệ căn bản giữa con người với Đấng Tối Cao. Cũng chính vì bỏ qua chiều kích này mà trong hai quan niệm trên không có chỗ dành cho bí tích Hoà Giải (con người nhìn nhận tội trước mặt Chúa và chờ đợi Chúa tha thứ). Vì nếu tội chỉ là sự xúc phạm đến con người và xã hội, thì chỉ cần được con người và xã hội bỏ qua là hết tội, hoặc chỉ cần bồi thường cho con người và xã hội là xong. Đó là chưa kể đến trường hợp các luật lệ xã hội mà ai vi phạm là có tội không hẳn là những luật lệ công bằng và đúng đắn (trong trường hợp đó, nhiều khi giữ luật lại là gây ra tội), hay trường hợp lí tưởng mà cá nhân đã theo đuổi không thành công và vì thế có tội chưa hẳn là lí tưởng đúng đắn (trong trường hợp này, nhiều khi sống theo lí tưởng đó lại gây ra tội).

Đến quan niệm của Kitô Giáo về tội, dựa trên mặc khải Thánh Kinh

- Ngay từ đầu trong Kinh Thánh Cựu Ước, người ta đã luôn luôn nhìn tội trong tương quan với Thiên Chúa, chứ không chỉ trong tương quan với xã hội và bản thân. Thậm chí, nếu tội đụng chạm đến con người và xã hội thì tội chỉ bị khiển trách là vì con người và xã hội ấy là thụ tạo của Thiên Chúa, là hình ảnh và hiện thân của Thiên Chúa. Nói cách khác, bất cứ tội nào – dù bên ngoài có vẻ chỉ xúc phạm đến con người và xã hội – cũng đều là tội đụng đến Thiên Chúa. Tội không chỉ có chiều kích xã hội và cá nhân, mà còn có chiều kích thần học (liên quan đến Thiên Chúa). Và nếu đã có liên quan sâu đậm với Thiên Chúa thì chỉ có Thiên Chúa mới có khả năng và quyền hạn kết tội chúng ta và ra hình phạt hay tha thứ. Ngay cả khi nói tội là vi phạm lề luật, người Do-Thái không hiểu đó như một bộ sách ghi các thứ luật, mà coi lề luật là chính Thiên Chúa, là chính ý muốn của Ngài, và vì thế đụng chạm đến luật là đụng chạm đến chính Thiên Chúa.

- Đức Giêsu còn minh định rõ hơn quan hệ giữa người phạm tội với Thiên Chúa là quan hệ giữa dân được cứu và Đấng Cứu Tinh, giữa con với Cha, giữa vợ với chồng, người yêu với người yêu, bè bạn với bè bạn… Những sự mô tả này càng cho thấy rõ tính nhân văn của tương quan con người và Thiên Chúa, cũng như tính nhân văn của tội: tội không phải là sự vi phạm một mệnh lệnh vô ngã hay một bộ luật vô hồn, mà là sự xúc phạm tới tình cảm của một con người rất thân thiết với mình. Chính vì tội là sự xúc phạm sâu xa tới một đấng gần gũi với chúng ta đến thế, nên tội thật kinh khủng và không có giá nào tương xứng để con người trả cho Thiên Chúa về tội của mình. Chỉ có Thiên Chúa tự nguyện tha thứ cho con người. Cũng vì muốn cho con người thấy được tầm mức kinh khủng của tội mà Thiên Chúa không ban ơn tha thứ một cách qua loa dễ dàng : Ngài tha thứ bằng cách để cho Con mình chết vì tội lỗi của chúng ta và chết thay cho chúng ta.

- Hiểu mọi tội đều là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, sẽ đưa chúng ta tới chỗ phải nhìn nhận tội trước mặt Chúa, chờ đợi Ngài đánh giá và tha thứ – qua bí tích Hoà Giải hay qua các việc làm khác cũng mang tính tôn giáo và cũng có hiệu quả tha thứ (sám hối đền tội và chay tịnh với tinh thần tôn giáo hay hướng về Chúa). Đây có thể là một trong những lí do giải thích tại sao hiện nay nhiều kitô hữu không “đi xưng tội”, dù ý thức rất rõ về tội của mình. Phải giúp các kitô hữu thấy rõ tương quan giữa tội với Thiên Chúa, họ mới hiểu ra cần phải “đi xưng tội”, tại đó họ không những được nghe sự đánh giá của Thiên Chúa về tội của họ (qua trung gian Hội Thánh hay linh mục giải tội) mà còn được chính Thiên Chúa tha thứ (cũng qua trung gian Hội Thánh hay linh mục giải tội).

2. Các khoa học về con người, đặc biệt khoa tâm lí chiều sâu, làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh của tội, giúp ta đánh giá tội đúng đắn hơn

- Trong quá trình tìm hiểu cặn kẽ về con người, các khoa học khám phá ra mối tương quan hết sức mật thiết giữa con người và gia đình, con người và xã hội hay môi trường. Khác với con vật sớm có được sự độc lập trong cuộc sống, con người phải nhờ vả đến người khác rất nhiều, từ gia đình đến xã hội, từ khi bé đến khi lớn… mới được như hiện nay. Trong hành trình ấy, con người tiếp thu cả điều tốt lẫn điều xấu từ người khác và môi trường. Tiếp thu vừa nhiều vừa sâu vừa lâu dài như thế khiến con người cứ ngỡ mình đang hành động, tư duy và nói năng hoàn toàn do mình, không biết là mình đang hành động, tư duy và nói năng giống những người đi trước và những người chung quanh mình. Chính vì thế, tội không phải là một hành vi đơn lẻ hay bất ngờ, mà là kết quả của bao nhiêu điều đi trước và là một mắt xích trong một chuỗi rất dài. Bởi vậy, muốn phê phán công bằng tội của một người, người ta không chỉ phân tích cách đồng đại – tức là phân tích những gì có liên quan ngay lúc này với đuơng sự như ảnh hưởng của môi trường, dư luận, nghề nghiệp, tính khí… – mà còn phải phân tích cách xuyên đại – tức là phân tích con người qua một hành trình, đôi khi dài bằng cả một cuộc đời.

- Nói thế không có nghĩa là phủ nhận hết mọi trách nhiệm và tội của cá nhân, để qui kết cho môi trường và hoàn cảnh chung quanh, cho thế hệ và lịch sử đã qua… nhưng là để cảnh giác chúng ta cẩn thận hơn khi đánh giá một hành vi hay một con người, và nhất là để chúng ta lưu ý hơn tới việc cải tạo môi trường thay vì chỉ tập trung sửa chữa bản thân người có tội. Não trạng hay cơ cấu tội lỗi có mạnh đến đâu cũng không tước đoạt hết mọi tự do của con người, và vì thế không thể cải tạo môi trường mà quên sửa chữa cá nhân, cũng như không thể thay đổi cá nhân một con người mà không đồng thời tìm cách lành mạnh hoá môi trường.

3. Có tội nặng và nhẹ không? Làm sao phân biệt được các mức độ của tội?

3.1. Đã phân tích tội, chúng ta không thể không thấy có nhiều điều khác nhau giữa tội này với tội kia, tội lần này với tội lần nọ, tội của người này với tội của người kia. Chính luật pháp các quốc gia cũng phân biệt các mức tội để luận phạt cho công bằng. Bản thân mỗi người cũng ý thức thiệt hại nặng thiệt hại nhẹ do tội gây ra. Kinh Thánh cũng đã nhìn nhận có các loại tội khác nhau, các mức tội khác nhau, các hậu quả tội khác nhau, và vì thế các hình phạt khác nhau. Thế nên, không thể nói như một số người : tội nào cũng như nhau, hoặc tất cả đều nặng hay tất cả đều nhẹ.

3.2. Vấn đề còn lại là làm sao phân biệt đúng đắn các mức tội ấy? Người ta thường căn cứ trên hai điểm sau đây để phân biệt:

- Tầm mức của vấn đề mà chúng ta đã lỗi phạm: Thông thường, chỉ trong những hành vi có liên quan đến các vấn đề lớn chúng ta mới dồn tâm sức để suy nghĩ, tính toán, trù liệu và quyết định. Hay nói theo ngôn ngữ của thần học kinh viện, thường thường mô thức tăng theo chất thể, vụ việc càng nghiêm trọng người ta càng suy tư, bàn bạc nhiều, càng tham gia vào đó nhiều. Tuy nhiên, làm sao biết một vụ việc hay một vấn đề quan trọng? Có hai việc phải làm: một đàng tham khảo các ý kiến liên quan đến vấn đề, trong đó đáng kể nhất là lập trường chính thức của Giáo Hội (giáo lí) dựa trên mặc khải Thánh Kinh và truyền thống Giáo Hội, rồi tới ý kiến của các nhà thần học nghiêm túc, cả những quan điểm của các tôn giáo, các triết học, các xã hội…; đàng khác, phải dùng lí trí để biện biệt, căn cứ trên hậu quả lớn hay nhỏ mà hành vi ấy có thể tạo ra trên đời sống con người hay trên việc theo đuổi để thực hiện một ơn gọi.
- Mức độ dấn thân của chủ thể: song song với nhận thức tầm mức của vấn đề, đương sự còn phải xem lại mình đã tích cực tham gia vào hành vi ấy tới mức nào (hiểu biết và tự nguyện tham gia tới mức nào ? có bị những ngăn trở làm cho mình kém hiểu biết hay hiểu biết sai, và bớt tự do tự nguyện khi tham gia?). Thông thường, việc lớn thì chủ thể càng tích cực tham gia. Nhưng cũng có khi việc lớn mà lại tham gia rất hời hợt và gượng ép, hoặc việc nhỏ mà lại dấn thân tham gia tới cùng. Trong hai trường hợp này, tội không hội đủ hai yếu tố vừa kể ở mức cao (còn gọi là chất thể và mô thể) nên chỉ còn là tội nhẹ.

3.3. Mới đây, có người cho rằng ai cũng có một lựa chọn căn bản, tức là lựa chọn chi phối tất cả cuộc sống của mình, như sống độc thân tu trì hay kết hôn… Và nếu muốn đánh giá hành vi của một người, chúng ta không thể không liên hệ đến lựa chọn căn bản của người ấy. Chúng ta cũng sẽ hiểu đầy đủ hơn một hành vi của con người nếu liên hệ đến sự lựa chọn căn bản ấy, như ta sẽ hiểu rõ hơn hành vi vâng phục của một người nếu biết đó là người đã chọn đời tu và đã cam kết thể hiện lòng mến Chúa qua sự tùng phục của mình. Bằng không, chúng ta có thể đánh giá không đúng mức sự vâng phục của họ bằng cách cho rằng người ấy làm thế vì những lí do hay hoàn cảnh tự nhiên… Một khi đã nhận thức lại vị trí quan trọng của các lựa chọn căn bản trong đời sống một con người, có người cho rằng chỉ là tội nặng khi hành vi của người ấy làm người ấy bội phản lựa chọn căn bản hay khi hành vi người ấy làm trở ngại nặng nề việc thực hiện lựa chọn căn bản của mình. Nhận xét này rất sâu sắc, nhưng cũng có thể bị lạm dụng để cho rằng tôi có thể làm mọi sự không tốt miễn là chưa bội phản ơn gọi căn bản của mình, như tiêu xài hoang phí, giao du bừa bãi, tự ý tự quyết, miễn là chưa bỏ đời tu… Nên nhớ rằng không phải chỉ khi nào triệt tiêu hẳn sự lựa chọn căn bản, hành vi ấy của tôi mới là tội nặng. Mà chỉ cần làm vô hiệu hoá sự lựa chọn căn bản của mình, hay cản trở không cho tôi sống lựa chọn căn bản của mình (có sự lựa chọn ấy nhưng cũng gần như không!), các hành vi ấy cũng có thể trở thành tội nặng.

Kết luận :

Tội là một thực tại cũng có lâu như con người, đến nỗi nó gần như trở thành số kiếp của con người. Nhưng có lâu đến đâu và có trở thành số kiếp của con người tới mức nào, nó vẫn không phải là tất cả con người. Con người còn là một điều gì quí giá hơn nữa, và trong thực tế con người từ xưa đến nay vẫn đã, đang và sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp. Đó là chưa nhắc đến phẩm giá, ơn gọi và định mệnh cao quí Thiên Chúa đã ban cho con người. Chính vì thế, khi tìm hiểu về tội, chúng ta không bao giờ tìm hiểu để buông tay đầu hàng mà là để tiến lên – trong khiêm tốn mà cũng trong tin tưỡng nữa.

Lm. Pr. Đặng Xuân Thành
(Đại Chủng viện Hà Nội)

NGUỒN : UBMVGIADINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập175
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm117
  • Hôm nay18,612
  • Tháng hiện tại673,126
  • Tổng lượt truy cập52,842,074

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây