Hành trình giáo dục Kitô-hữu

Chủ nhật - 30/12/2018 21:59  1704
d"Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều được vượt qua Biển Đỏ. Tất cả đều được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Maisen. Tất cả cùng ăn một thức ăn thiêng liêng, tất cả cùng uống một thức uống thiêng liêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô. "Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc... "Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã" (1 Cr 10,1-5.12).
Những lời trên đây của thánh Phaolô gợi ý cho tôi thấy: Cuộc đời là một hành trình. Vì thế, giáo dục đi theo con người cũng là một hành trình.
Thánh Phaolô chỉ cho thấy một điều rất quan trọng, đó là: Mọi người đều có thể nhận được một nền giáo dục chung như nhau. Thế nhưng, phần đông đã sống mất lòng Chúa, họ đã quỵ ngã, họ đã dừng lại giữa đường, họ đã không được vào cõi phúc.
Do đó, thánh Phaolô cảnh báo: Lúc này, ai tưởng mình đứng vững, thì đừng dám chắc mình sẽ đi tới cùng.
Cảnh báo của thánh Phaolô thực là đáng sợ. Cảnh báo này sẽ hướng dẫn hành trình suy tư của tôi trong bài này. Tôi xin phép nói về kinh nghiệm đời tôi như một chia sẻ.
I. Nền giáo dục chung cho mọi Kitô-hữu
Ngay từ chặng đầu tiên của cuộc đời, tôi đã nhận được nền giáo dục Kitô-hữu.
Nền giáo dục này được rút ra từ những sách giáo lý truyền thống. Nội dung được chia thành 4 phần:
1/ Tin: tức là những gì phải tin.
2/ Xin: tức là những gì phải xin.
3/ Chịu: tức là những gì phải chịu.
4/ Giữ: tức là những gì phải giữ.
Tôi tin theo kinh Tinh Kính. Tôi xin theo kinh Lạy Cha. Tôi chịu theo bảy phép bí tích. Tôi giữ theo Mười Điều răn Chúa và Sáu Điều răn Hội Thánh.
Lớn lên, tôi được dẫn vào chiều sâu giáo dục Kitô-hữu, qua việc học hỏi Phúc Âm.
Tiếp theo là những lớp thần học: Thần học tín lý, thần học luân lý. Hạnh các thánh cũng là một yếu tố quan trọng của việc giáo dục Kitô-hữu.
Những sách dạy, những lớp đào tạo đều chung cho mọi người.
Thêm vào những yếu tố chung đó còn có những cái chung khác trong giáo dục Kitô-hữu đã tác động đến tôi, đó là bầu khí tôn giáo của Hội Thánh nói chung và Hội Thánh Việt Nam nói riêng theo từng giai đoạn lịch sử.
Nền giáo dục chung ấy có làm cho mọi Kitô-hữu Việt Nam trở thành những Kitô-hữu giống nhau không? Kinh nghiệm trả lời là "không".
Nền giáo dục chung ấy có làm cho mọi Kitô-hữu Việt Nam được rỗi linh hồn cả không? Cảnh báo của thánh Phaolô không cho phép ta trả lời "có" hay "không" một cách dễ dàng.
Lý do là vì, mặc dù được hưởng một nền giáo dục chung, mỗi người vẫn có những yếu tố riêng.
II. Một số những yếu tố riêng của mỗi người trong hành trình giáo dục
1/ Cách tiếp thu
Giáo dục Kitô-hữu có thể ví như việc gieo giống vào tâm hồn con người. Giống thì như nhau, tất cả đều tốt. Nhưng có thể người này tiếp nhận cách này, người khác có thể tiếp nhận cách khác, tuỳ lòng mỗi người.
Dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã đưa ra xưa giúp ta dễ hiểu: "Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỗ đất không có nhiều, nó mọc ngay, vì đất không sâu. Nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chúc, hạt được ba chục" (Mt 13,3-9).
Rồi chính Chúa Giêsu cắt nghĩa về lòng người. Lòng người có những khác biệt. Khác biệt về tính tình, về khát vọng, về thói quen, nên mỗi người sẽ tiếp thu nền giáo dục Kitô-hữu với những cách khác nhau. Khác nhau đến mức dẫn đưa đến những hậu quả tốt xấu rõ ràng. Thưởng phạt sẽ tuỳ theo đó.
2/ Cách sử dụng
Nền giáo dục Kitô-hữu cũng ví như một kho báu. Có thể là mọi người đều được một số nén bạc như nhau. Cũng có thể là mỗi người được Chúa tặng một số nén bạc khác nhau tuỳ khả năng. Nhưng với điều kiện là ai cũng phải dùng số vốn đó để sinh ra lời lãi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn ông chủ giao phó tài sản của mình cho các đầy tớ. Sau một thời gian, ông đòi các đầy tớ tính sổ. Lúc đó mới thấy: Có người biết sử dụng tốt, có người sử dụng xấu. Thưởng phạt sẽ tuỳ theo đó (x. Mt 25,14-30).
3/ Cách phấn đấu với những nghịch cảnh
Trong hành trình cuộc sống, người Kitô-hữu không mãi được yên ổn. Cho dù nền giáo dục Kitô-hữu vẫn đồng hành với họ, nhưng mỗi người trong họ phải tự mình đối phó với những nghịch cảnh xảy tới.
Các nghịch cảnh của Kitô-hữu được thánh Gioan tông đồ kể ra khá nhiều.
Có thể xếp chúng thành 4 nhóm:
- Nhóm những quỷ Satan,
- Nhóm những phòng trào xấu của thế tục,
- Nhóm những kẻ chống đối người tốt chỉ vì ghen tương và hẹp hòi,
- Nhóm những người đạo đức hình thức. Họ bị khiển trách, nên tức mình muốn phản công lại.
Bốn nhóm này tấn công người Kitô-hữu một cách ác liệt. Người bị nhiều, người bị ít. Sức mạnh lúc như vũ bảo, lúc tế nhị như làn gió nhẹ. Kết quả là có người chiến thắng, có người thất bại nhất thời, có người thất bại vĩnh viễn.
4/ Cách đối phó với những thử thách
Hành trình cuộc sống không tránh được những thử thách. Có thử thách đoán trước được. Có thử thách rất bất ngờ.
Tuổi già, sức yếu, là những thử thách tuy đoán trước được, nhưng chỉ khi xảy tới và ở lại trong tôi, tôi mới thấy đó là một thứ đêm dài giữa những ban ngày mau qua.
Những chứng bệnh thể xác và tâm hồn, khi muốn chọn tôi làm quê hương, sẽ biến tôi thành bãi chiến trường giữa hy vọng và thất vọng.
Những cảnh đời thê thảm, cứ mãi xảy ra hằng ngày xung quanh tôi, sẽ dễ ngấm vào tâm trạng tôi, khiến tôi bồn chồn, nặng nề, chìm lặng trong cõi cô đơn đau đớn.
Thử thách nặng nề nhất là cảnh tối tăm của sự loại trừ, ruồng bỏ. Cảnh đó diễn lại cảnh Chúa Giêsu trong những giờ phút cuối đời: Bị xa lánh, bị kết án, bị chối từ, cả đến Chúa Cha xem ra cũng bỏ rơi. "Lạy Thiên Chúa của con, sao Cha bỏ con" (Mc 15,24). Có rơi vào thử thách này, mới thấy mình rơi xuống đáy vực thẳm hãi hùng.
Những vụng về, những yếu đuối, những lỗi lầm của tôi cũng là những thử thách, gợi lên trong tôi những câu hỏi không trả lời được về ý nghĩa cuộc đời.
Còn bao nhiêu thứ thử thách nữa tôi phải đối phó.
Hầu hết mọi thử thách đều rất riêng tư. Cách đối phó cũng riêng tư. Nền giáo dục Kitô-hữu vẫn soi sáng, nhưng không chia sẻ được nỗi đau riêng tư của người Kitô-hữu bị thử thách.
Tới đây, chúng ta có thể thấy khá rõ: Cuộc đời mỗi người là một hành trình. Nền giáo dục Kitô-hữu cũng là một hành trình. Hành trình của mỗi người có những yếu tố chung và có những yếu tố riêng. Nền giáo dục Kitô-hữu rất phong phú, nhưng không chịu trách nhiệm về số phận của từng người. Mỗi người có trách nhiệm về những lựa chọn của mình.
Chính vì thế, mới có cảnh báo đáng sợ của thánh Phaolô: Một số người không đẹp lòng Chúa và không tới đích, một số người được đẹp lòng Chúa và tới đích.
Bí quyết nào để hành trình của ta được tới đích?
III . Bí quyết tiềm ẩn trong nền giáo dục Kitô-hữu
Câu trả lời vắn gọn của tôi là: Trong mọi sự, kể cả trong phấn đấu, tôi phải rất khiêm nhường, rất khó nghèo, và hoàn toàn phó tác nơi tình yêu thương xót Chúa.
Rất khiêm nhường là chúng ta nhìn nhận tất cả những gì tốt trong ta, đều là quà tặng nhưng không của Chúa. Ta chẳng là gì, ta chẳng có gì, ta không đáng gì. Hơn nữa, ta là kẻ tội lỗi, cần sám hối, cần gắn bó với Chúa.
Rất khó nghèo là: Chúng ta tuyệt đối chọn Chúa, chứ không chọn gì khác, kể cả những công việc coi như làm sáng danh Chúa. Ta hết sức phấn đấu phục vụ, nhưng ta sẵn sàng dứt bỏ mọi sự, không để mình bị ràng buộc vào bất cứ việc gì, sự gì. Lòng ta hoàn toàn khó nghèo, nhận mình chỉ là đầy tớ vô ích.
Hoàn toàn phó thác nơi Chúa giàu lòng thương xót là: Ta tin tình yêu xót thương của Chúa vượt xa hẳn mọi tội lỗi của ta. Với sám hối, ta tin vào Chúa là Đấng hay xót thương.
Một tấm lòng cực kỳ nghèo khó, hết mực khiêm tốn, trọn vẹn mở ra gởi mình nơi Chúa tình yêu. Đối với tôi, đó là bí quyết tôi tìm được trong nền giáo dục Kitô-hữu.
Bí quyết này mỗi ngày mỗi biến đổi tôi, nhất là khi tôi tham dự thánh lễ. Nơi đây, tôi được gặp Đức Kitô, được tập trung vào Người.
Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà tôi được ơn tha thứ, được ơn biết yêu thương và sống theo thánh ý Chúa, được ơn biết phấn đấu trong tinh thần khiêm nhường, khó nghèo và phó thác.
Từ Người, tôi được trở nên của lễ sống động, để thường xuyên ca tụng Chúa và cầu nguyện cho mọi người.
Khi con người được Chúa biến đổi thành của lễ, thì tinh thần "của lễ" sẽ đồng hành suốt hành trình cuộc đời chúng ta. Tinh thần ấy cũng sẽ đồng hành với hành trình giáo dục, một giáo dục được mang tên là "Kitô-hữu".
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin giúp con luôn thuộc về Chúa, luôn cùng với Chúa đi về Nhà Cha, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, và hiệp thông với Hội Thánh Chúa, một cách khiêm nhường, khó nghèo và phó thác không hề lay chuyển.


+ GM GB Bùi Tuần
Nguồn: giaophanmytho.net



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay37,233
  • Tháng hiện tại94,258
  • Tổng lượt truy cập52,263,206

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây