VI. TỘI NGUY TỬ VÀ TỘI NHẸ

1. Kinh Thánh

Dựa theo Kinh Thánh, Thần học luân lý Công giáo phân biệt những mức độ khác nhau của tội

a. Cựu ước

Trong Cựu ước có một số tội được coi là gây ra sự đổ vỡ hoàn toàn với Thiên Chúa và làm mất ơn Chúa. Đó là những tội được liệt kê trong bản chúc dữ của sách Đệ Nhị Luật 27,15-26, và những tội được các ngôn sứ liệt kê kèm theo lời răn đe nghiêm trọng của Thiên Chúa.[1]

Còn những tội lỗi và những xúc phạm khác thì bị xét xử nhẹ hơn, người ta có thể chuộc lỗi bằng những nghi thức thanh tẩy hay bằng những việc thiện (x. Lv. 4).

b. Tân ước

– Trong Tân ước có nói đến một số tội nghiêm trọng, và một số cách sống xấu xa đáng phải chết (Rm 1,28-32; 1Ga 3,14); hay những tội làm cho ta bị loại ra khỏi Nước Chúa (1Cr 6,9tt; Gl 5,19-21; Ep 5,3-5; Kh 22,15).

– Tân ước cũng lưu ý tới những tội nhẹ hơn, không đưa tới những hậu quả khốc liệt, và ngay cả những người công chính cũng có thể phạm phải (x. Lc 11,4tt; Gc 3,2; 1Ga 1,8-10). Thánh Gioan phân biệt những tội đưa đến cái chết, nhưng cũng có những tội không đưa đến cái chết (1Ga 5,17).

2. Giáo huấn của Hội Thánh

a. Huấn quyền đã giải quyết không tranh cãi bằng cách khẳng định có tội nhẹ

– Công Đồng Carthage[2] được Đức Giáo Hoàng Dôsimô (Latin: Zosimus) phê chuẩn đã dạy rằng: ngay cả những người “công chính” và lành thánh cũng lỗi phạm, nhưng vẫn tiếp tục ở trong tình trạng ơn thánh. Đó là tội nhẹ.[3]

– Công Đồng Trento dạy rõ ràng rằng có những tội không phá hủy tình trạng ơn thánh, ngay cả các thánh cũng không thể khỏi mọi tội nhẹ. Công Đồng còn buộc phải xưng mọi tội nguy tử, vì ai vi phạm những tội ấy là làm “con cái của sự phẫn nộ” (Ep 2,3), làm kẻ thù nghịch với Thiên Chúa. Đang khi đó không cần phải xưng các tội nhẹ, nhưng khuyến khích xưng các tội nhẹ.[4]

b. Có sự khác biệt giữa tội nặng và tội nhẹ tự bản chất

– Baius, một thần học gia, đã đưa ra lập trường sai lạc như sau: có sự khác biệt giữa tội nguy tử và tội nhẹ là hoàn toàn do quyết định độc lập của Thiên Chúa. Chính Chúa quyết định phạt một số tội bằng cách tước mất sự sống đời đời, và phạt một số tội khác bằng những hình phạt tạm mà thôi. Quan niệm trên đã nhìn Thiên Chúa như một nhà độc tài.

– Để chống lại lập trường này, Đức Giáo Hoàng Piô V đã dạy: tự bản chất, những tội nhẹ không đáng bị hình phạt đời đời. Đồng thời, Huấn quyền cũng phi bác một câu nói sai lạc khác của Baius khi ông cho rằng: “không có tội nào tự bản chất là tội nhẹ, vì tội nào cũng đáng bị phạt đời đời”.[5]

3. Chính vì thế cần có một sự phân biệt cơ bản sau đây

– Khi phân biệt tội nguy tử với tội nhẹ là ta đánh giá theo tình trạng chủ quan của người phạm tội: tội nguy tử là trường hợp ta lìa xa Chúa trong hành vi tội lỗi của mình và đánh mất đời sống ân sủng. Tội nhẹ là trường hợp với hành vi tội lỗi của mình ta chỉ bị giảm sức sống Thần linh nơi mình, chưa mất hẳn đời sống ân sủng.

– Còn khi phân biệt gọi là tội nặng với tội nhẹ là ta đánh giá theo sự thiệt hại gây ra trong trật tự khách quan đối với việc thực hiện mục tiêu tối hậu của mình.

4. Từ những điểm nêu trên, ta có thể đi đến một định nghĩa về tội nguy tử và tội nhẹ

a. Tóm tắt Giáo lý

Trước tiên Piet Schoonenberg tóm tắt giáo lý chung của các sách thủ bản luân lý và của các sách giáo lý về tội nguy tử và tội nhẹ như sau: “Chúng ta phạm tội nguy tử khi vi phạm luật Chúa trong một vấn đề quan trọng với ý thức đầy đủ và ý muốn hoàn toàn tự do; chúng ta phạm tội nhẹ khi chúng ta vi phạm luật Chúa trong một việc nhỏ hay vi phạm luật Chúa trong một vấn đề quan trọng nhưng không hiểu biết đầy đủ và không được tự do đầy đủ khi ước muốn”.[6]

b. Thần học luân lý

– Đang khi đó thần học luân lý ngày nay có khuynh hướng nhấn mạnh đến khía cạnh chủ quan của hành vi tội lỗi khi dựa trên khái niệm về sự lựa chọn cơ bản. Từ lập trường đó người ta có thể định nghĩa: tội nguy tử là một quyết định sai về mặt luân lý, nó mạnh cho đến nỗi định hướng toàn bộ cuộc sống con người theo một hướng sai lạc. Đây là sự lựa chọn một kế hoạch sai lạc cho cuộc đời của mình.

– Nói cách khác, hành vi phạm tội nguy tử phát xuất từ một lựa chọn cơ bản sâu xa, đưa đến việc chối bỏ mục tiêu đích thực của cuộc đời. Còn tội nhẹ cũng là một quyết định sai về mặt luân lý, nhưng không chối bỏ mục tiêu đích thực của cuộc đời, mà chỉ thực hiện mục tiêu đích thực đó một cách thiếu ổn định và chưa dẫn đến một sự lựa chọn cơ bản xấu xa.

c. Như thế ta thấy nổi bật nên hai yếu tố quan trọng sau đây

– Trước tiên là yếu tố mức độ dấn thân:

+ Trong trường hợp tội nguy tử, đây là một sự dấn thân hết mình với một sự chọn lựa đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa và mục đích thực của con người. Điều này giả thiết ta biết rõ bản chất xấu xa nghiêm trọng của hành vi và thái độ ưng thuận hoàn toàn với ý chí tự do hẳn hoi.

+ Nhưng ta cần lưu ý, khi còn sống ở trần thế, tội nguy tử không phải luôn luôn là một sự lựa chọn chung cuộc không thể đảo ngược được, lý do vì bao lâu còn sống, con người vẫn có khả năng ăn năn sám hối. Tuy nhiên ta cũng cần lưu ý tình trạng định hướng sai do tội nguy tử gây ra sẽ dần dần đưa ta tới quyết định cuối cùng và dẫn tới cái chết đời đời nếu ta không chịu thu hồi lại quyết định sai lạc ấy.

– Còn trong trường hợp tội nhẹ, mức độ dấn thân giảm đi do đương sự không nhận thức rõ bản chất xấu xa của vấn đề, hay không nhận thức rõ những hậu quả nghiêm trọng kèm theo, hoặc ta không ưng thuận hoàn toàn.

– Kế đến với những nhận định trên, ở đây ta thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề phân biệt tội nguy tử với tội nhẹ như sau:

+ Trong trường hợp tội nguy tử, một vấn đề xấu nghiêm trọng luôn luôn đòi hỏi ta một sự dấn thân tích cực với tất cả sự hiểu biết và ý muốn tự do hoàn toàn. Thái độ này dẫn ta đến sự lựa chọn cơ bản đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa và mục tiêu tối hậu của con người.

+ Còn trong trường hợp tội nhẹ thì vấn đề không phải là xấu nghiêm trọng, nên chưa đưa ta đến sự lựa chọn cơ bản đối đầu với Chúa hay đi ngược hẳn lại với ý muốn của Ngài.

5. Nhìn tổng quát

a. Tội nguy tử và tội nhẹ

– Tội nguy tử và tội nhẹ khác nhau tự bản chất, nên không thể cứ cộng nhiều tội nhẹ lại là thành một tội nguy tử.

– Nhưng lại có sự tương quan sống động giữa tội nguy tử và tội nhẹ: Tội nhẹ dọn đường cho tội nguy tử. Theo P. Schoonenberg những lựa chọn đi trước sẽ mời mọc và lôi kéo ta tới sự lựa chọn sâu xa cũng theo chiều hướng ấy. Tội nhẹ làm ta thiếu hăng hái trong tình yêu đối với Chúa, dần dần nó đẩy ta tới các tội nghiêm trọng hơn.[7]

b. Tình trạng của tội

Ngoài khía cạnh cá nhân của hành vi tội lỗi ta cũng cần lưu ý đến tình trạng tội nguy tử do những người nắm quyền hành tạo ra, mà J.M. Aubert gọi là việc thời sự hóa (actualisation) tội nguy tử với mọi chiều kích khủng khiếp khác nhau: như áp bức đủ loại, tra tấn, lưu đầy, diệt chủng, bất công xã hội, nhất là tình trạng bạo lực không được kiểm soát trong thời chiến gây ra cho biết bao nạn nhân vô tội. Đó là chưa kể đến tình trạng dửng dưng hay từ chối không chịu giúp đỡ những dân tộc đang chịu đau khổ vì tai ương hay đói kém.[8]

6. Thực hành

Trong thực hành mục vụ, ta cần nhắc đến những điều kiện cần thiết để trở thành một tội:

a. Bản chất của vấn đề hay của hành vi là xấu nặng hay xấu nhẹ

b. Nhận thức điều mình làm là tội:

– Trước tiên là sự hiểu biết đúng lúc hành động khi ta nhận thức rõ hành vi mình đang làm. Kế đến là sự hiểu biết đầy đủ khi ta nhận thức điều mình làm là xấu.

– Còn nếu nghi ngờ khi hành động mình có hiểu biết đầy đủ chưa thì có thể phỏng đoán:

+ Sau khi làm mà đương sự không còn nhớ đến việc mình đã làm hay có thái độ lấy làm lạ là tại sao mình lại làm điều đó, như thế có thể suy đoán mình đã không nhận thức đầy đủ vấn đề.

+ Còn nếu trước đó vẫn thường xuyên làm điều ấy thì phải suy đoán cách mặc nhiên là đương sự có nhận thức đầy đủ.

+ Có trường hợp sự hiểu biết có thể sai lầm khi đương sự cho rằng hành động như thế là phạm tội, trong khi đó theo khách quan thì hành động đó không phải là tội. Trường hợp này đương sự vẫn bị xét xử theo lương tâm của mình.

c. Thái độ cố tình làm hay sự ưng thuận hoàn toàn tự do:

– Vì tội lỗi là hành vi có tính luân lý, nên cần phải là hành động của ý chí tự do. Nói cách khác là phải ưng thuận đầy đủ. Ngay cả trong khi bị áp lực, sợ hãi, dục vọng ảnh hưởng thì ý chí tự do vẫn còn có thể tự quyết định chọn tội lỗi hay vẫn còn đủ sức để lựa chọn sự xa tránh tội lỗi.

– Trong trường hợp hồ nghi mình có ưng thuận hay không, Thánh Anphong đưa ra lập trường: những người có lương tâm tế nhị và thường xuyên không phạm tội trọng, nếu hồ nghi về sự ưng thuận, họ có thể tin rằng họ chưa ưng thuận, vì tin như vậy là hợp lý, và chắc chắn về phương diện luân lý vì là phỏng đoán theo những sự thường xảy ra.[9]

VII. PHÂN LOẠI TỘI LỖI

Xét tầm mức quan trọng về ứng dụng trong thực hành mục vụ, ta có thể nói đến những loại tội sau đây:

1. Tội đúng nghĩa

a. Tội đúng nghĩa, còn gọi là tội mô thức (formel) là khi ta hiểu biết rõ ràng mà vẫn cứ cố tình làm. Nói cách khác, đây là tội có chủ ý, nên bị truy cứu trách nhiệm. Ta có thể gọi tội này là tội chủ quan.

b. Còn tội chất thể là khi hành động trái với thánh ý Chúa, nhưng thiếu sự ưng thuận đầy đủ hay thiếu sự hiểu biết rõ ràng. Ta có thể gọi tội này là tội khách quan.

2. Tội hành vi

a. Tội bằng hành động (lời nói, việc làm, ý muốn) là làm những điều luật cấm (luật ở đây hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất là ý muốn của Chúa). Nói cách khác đó là sự vi phạm những giới răn tiêu cực.

b. Tội bằng sự thiếu sót là khi không làm những điều Chúa dạy làm. Nói cách khác đó là vi phạm những giới răn tích cực.

– Có điều đáng lưu ý ở đây, là nếu ai thường xuyên sống trong tình trạng thiếu sót bổn phận, thì được coi như dấu hiệu của một lương tâm quá câu nệ khía cạnh pháp lý và không chú ý đến khía cạnh phải lớn lên trong đời sống tôn giáo, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

– Hiện nay, người ta có khuynh hướng nhấn mạnh đến “luật lớn lên” trong luân lý. Người Kitô hữu chỉ thực sự tiến bộ trong đời sống tôn giáo khi luôn tìm hiểu và thực hành những bổn phận Chúa dạy làm. Thí dụ giới răn thứ nhất dạy ta phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, thì tội thiếu sót lớn nhất hệ tại ở chỗ ta chấp nhận tình trạng không lớn lên trong tình yêu mến Chúa, đặt giới hạn cho tình yêu, và chỉ thỏa mãn với việc chỉ tránh làm những điều cấm mà thôi.

– Ngoài ra, tội thiếu sót cũng có thể làm hại đến đời sống chung trong cộng đoàn Giáo hội khi hành vi thiếu sót đó tạo ra bầu không khí không coi trọng những bổn phận tích cực.

3. Tội riêng

a. Tội của riêng mình (đặc hữu) là tội do chính bản thân ta phạm.

b. Tội của người khác (tha hữu) là tội do người khác phạm, nhưng tôi có thể bị quy trách nhiệm do việc tôi đã làm gương xấu, xúi giục, cộng tác đưa người khác đến hành vi phạm tội.

4. Tội trong các tương quan

a. Tội phạm đến Chúa là hành vi xúc phạm đến quyền lợi tối cao của Thiên Chúa, thí dụ như tội phạm đến các nhân đức đối thần, hay đến những nhân đức thờ phượng.

b. Tội phạm đến bản thân là hành vi xúc phạm đến trật tự tự nhiên của chính bản thân. Thí dụ như tự tử, làm phương hại đến sức khỏe của mình khi không có lý do chính đáng.

c. Tội phạm đến tha nhân là hành động vi phạm đến quyền lợi chính đáng của người khác, thí dụ như: ăn trộm, giết người.

5. Tội bề ngoài và bề trong

a. Tội bề ngoài là những tội phạm bằng hành vi thể lý và ngoại tại.

b. Tội bề trong, ta còn gọi là tội nội tâm, là những tội xảy ra ở bên trong tâm hồn, thường được gọi là những tư tưởng xấu. Có ba loại tội nội tâm chính yếu:

– Thứ nhất là thỏa mãn trong trí óc những tư tưởng xấu, nhưng không biến thành hành động; nói cách khác là tìm thú vui trong những hình ảnh và tư tưởng tội lỗi.

– Thứ hai là khoan khoái cách tội lỗi với một việc xấu xa đã làm xong dù là của mình hay của người khác, hoặc là thái độ tiếc nuối cách tội lỗi vì đã không thực hiện được một hành vi xấu.

– Thứ ba là ước muốn xấu để làm một hành vi tội lỗi:

+ Ước muốn xấu kể như chưa hữu hiệu, khi người ta thích làm những hành vi xấu đó nhưng vì một lý do nào đó họ không thực sự có ý định thực hiện.

+ Ước muốn xấu kể như hữu hiệu khi nó đưa tới một ý định hay một quyết tâm vững chắc. Trường hợp này kể như đã có tội cho dù vì hoàn cảnh bên ngoài đương sự không thực hiện được ước muốn đó, vì theo Thánh Augustino: “Ước muốn xấu thôi đã là tội, dù chưa xảy ra, nghĩa là dù chưa có khả năng để thực hiện điều xấu đó”.[10]

+ Cách chung, các tội nội tâm đều có tính chất xấu như những hành vi bên ngoài tương ứng với các tội ấy. Cho nên điều ước muốn là điều xấu nghiêm trọng thì ước muốn hữu hiệu cũng là tội nặng và việc thực hiện ước muốn xấu đó cách cụ thể thành một tội bên ngoài chỉ là cơ hội làm tăng thêm tầm nghiêm trọng mà thôi. Hơn nữa mỗi một hành vi tội lỗi đều góp phần tạo nên một thái độ nội tâm dứt khoát đối với Thiên Chúa. Thái độ ấy trở thành ma lực thúc đẩy con người phạm thêm nhiều tội khác nữa theo nguyên tắc tư tưởng phát sinh hành động.

6. Tội do vô tri và nhược ý

a. Tội do vô tri, ở đây hiểu là vô tri hữu ý tại căn vì đã không chịu tìm hiểu tùy theo khả năng và hoàn cảnh cho phép.

b. Tội do nhược ý vì do dục tình quá mạnh, đương sự biết hành vi đó là tội, nhưng ý chí yếu đuối không biết chống trả và vẫn có ý tự do muốn lỗi phạm.

7. Tội nhục thể và tâm linh

a. Tội nhục thể là tội phát sinh do khoái cảm của thể xác. Thí dụ như mê ăn uống, mê dâm dục.

b. Tội tâm linh là tội phát sinh do khoái cảm về mặt tâm linh. Thí dụ như kiêu căng, háo danh chẳng hạn.

VIII. CÁC MỐI TỘI ĐẦU (hay còn gọi là các tội gốc)

Trong mớ hỗn độn của đủ thứ các tội cụ thể, người ta có thể phác thảo ra một bảng liệt kê, tương tự như một thứ “tính tình học” (caractérologie) về tội lỗi. Ta vẫn thường gọi đây là những mối tội đầu, hay là những nguồn gốc từ đó phát sinh ra những tội khác. Chúng được coi như là những nguyên lý thực thụ của sự ác bị lột mặt nạ.[11]

A. Nhìn theo quan điểm này, tội nguyên tổ được coi như mối tội đầu căn bản và gốc gác nhất, từ đó phát sinh mọi thứ tội và cũng từ đó sự hỗn loạn ngự trị nơi con người.

1/. Sự hỗn loạn tinh thần thể hiện trong việc nổi loạn chống lại Thiên Chúa.

2/. Sự hỗn loạn này dẫn đến hậu quả được coi như là hình phạt, đó là sự hỗn loạn thể xác chống đối lại tinh thần. Ngay cả sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, trong tâm trí con người vẫn còn xu hướng nổi loạn, từ chối vâng phục Thiên Chúa, và một sự hướng chiều muốn thoát khỏi những qui luật của tinh thần.

3/. Trong đó kiêu ngạo và ham muốn nhục dục là hai khuynh hướng vô trật tự nền tảng nhất. Chúng là nguồn mạch cho mọi thứ tội khác. Kinh Thánh đã khẳng định điều này: “Mọi tội lỗi đều khởi đầu với sự kiêu ngạo” (Hc 10,13). Sự thống trị của kiêu ngạo thực sâu đậm và ta biết sự kiêu ngạo lại là yếu tố chủ yếu (formel) của tội nguyên tổ. Nó thể hiện qua việc nổi loạn chống lại Thiên Chúa và sự đoạn giao giữa con người và Thiên Chúa. Tất cả những tội hiện tại đều đâm rễ trong sự kiêu ngạo, trong thái độ từ chối vâng phục Thiên Chúa được thể hiện qua ý muốn tự làm chủ.

Kế đến “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn” (x. 1Tm 6,10). Điều này nhấn mạnh sự thống trị mang tính chất lan tràn của lòng ham muốn.

B. Thánh Gioan lại phân chia lòng ham muốn thành nhiều phần: “Vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt, thói cậy mình có của” (1Ga 2,16).

1/. Trước tiên dục vọng của tính xác thịt là những khoái lạc nhục dục mất trật tự, những ước muốn thái quá của bản tính con người. Chúng làm rối loạn bản tính tự nhiên của con người vốn tốt lành. Từ đó nảy sinh tính mê ăn uống, dâm dục và lười biếng.

2/. Kế đến dục vọng của đôi mắt là lòng ước muốn tất cả những gì mắt thấy. Điều này liên hệ đến sở thích tự nhiên đối với của cải tiện nghi vật chất bên ngoài (sự giàu sang, quần áo thanh lịch, kỹ thuật hàng tiêu dùng,…). Nó có thể dẫn tới tính tham lam phung phí và đẩy ta rơi và tình trạng chán ngán những chuyện thiêng liêng đạo đức, ta vẫn quen gọi là tình trạng nguội lạnh.

3/. Cuối cùng thói cậy mình có của là tính kiêu căng tự phụ của một con người sống trong cảnh xa hoa khiến cho người đó không còn lòng trông cậy vào Chúa. Sự cao ngạo này làm băng hoại chiều hướng thiêng liêng nơi nội tâm, làm méo mó sở thích hướng về những điều cao thượng. Từ đó có thể nảy sinh tính ganh ghét, hờn giận.

C. Tất cả những nét xấu đều do ba loại dục vọng này gây ra. Vào khoảng năm 400, Evagre la Pontique chứng minh rằng truyền thống đã xếp danh mục các loại dục vọng thành bảy mối tội đầu như ta thấy hiện nay. Nhưng phải nói người chính thức xếp loại danh mục bảy mối tội đầu là Thánh Giáo Hoàng Gregorio cả (+ 604).

1/. Kiêu ngạo

– Con người có một phẩm giá lớn lao trước mặt Chúa, vì được Chúa tạo dựng và cứu chuộc cách lạ lùng. Với tấm lòng biết ơn, con người phải nhìn nhận sự cao cả của mình xuất phát từ sự cao cả vô biên của Thiên Chúa. Nhưng khi con người lưu tâm thái quá đến phẩm giá của mình mà không chịu qui chiếu về Thiên Chúa thì phát sinh ra sự kiêu ngạo, hư danh, thích trổi vượt, ham muốn danh dự thái quá, không chịu nổi kẻ khác hơn mình. Những điều này hoàn toàn đối lập với đức khiêm nhường.

– Ta cần dùng những phương thế chữa trị như suy niệm vinh quang Thiên Chúa, sự khiêm tốn của Đức Kitô, hay những hình phạt nặng nề Chúa dành cho những kẻ kiêu căng.

2/. Hà tiện

– Thực ra ở đây phải dùng từ tham lam mới đúng. Đây là tội theo đuổi những của cải vật chất cách vô độ, dẫn đến thái độ coi của cải vật chất như cứu cánh đời mình. Nết xấu này đối nghịch với sự quảng đại và liêm chính.

– Theo Thánh Gregorio, tính hà tiện phát sinh ra:

+ Thứ nhất là lòng chai dạ đá đối với tha nhân, nhất là đối với những người nghèo khổ.

+ Thứ hai là luôn lo âu tìm kiếm để thủ đắc và duy trì của cải.

+ Thứ ba là dùng bạo lực để chiếm đoạt của cải.

+ Thứ bốn là gian ngoa, giảo quyệt gây bất công cho người khác.

+ Thứ năm là thề gian, nói dối để được của.

+ Cuối cùng là phản bội miễn là được lợi cho mình.

Ngoài ra nết xấu này còn dẫn đến chuyện ham hố quyền lực và vô cảm đối với những lợi ích thiêng liêng.

– Những phương thế để chữa trị là suy niệm về sự hư vô chóng qua của tiền bạc vật chất, sự cao cả của những ơn huệ thiêng liêng, gương sống khó nghèo của Đức Kitô trong Tin Mừng.

3/. Dâm dục

– Đây là tính ham muốn thái quá những thú vui nhục dục, vượt ra ngoài phạm vi cho phép là phạm vi đời sống hôn nhân. Điều này nghịch với nhân đức khiết tịnh.

– Thánh Gregorio Cả và Thánh Toma Aquino tiến sĩ đều nhận định rằng tính dâm dục làm phát sinh những nết xấu khác:

+ Thứ nhất sự mù quáng trí khôn, khi ấy lý trí trở nên tối tăm và ý chí thành nhu nhược.

+ Thứ hai là thái độ hấp tấp hành động, không còn đủ minh mẫn để xét đoán.

+ Thứ ba sự khinh suất, bất chấp lẽ phải.

+ Thứ tư sự nông nổi không còn bền chí và kiên trì khi hành động.

+ Thứ năm yêu bản thân mình và ghét Chúa.

+ Cuối cùng là sự mến chuộng đời này và gớm ghét đời sau.

Ngoài ra tính xấu này còn dẫn đến nhiều hậu quả băng hoại nghiêm trọng: phàm tục hóa tình yêu và sự sống, vắng bóng tình yêu đích thực, bất công với người phối ngẫu, ích kỷ, vô lương tâm, vô cảm đối với những việc thiêng liêng.

– Để giúp chữa trị tính xấu này, các nhà tu đức học thường đề ra những phương thế cụ thể sau đây:

+ Trước tiên là phải xác tín về sự cần thiết phải chiến đấu chống lại tính xấu nguy hiểm này.

+ Kế đến phải biết tránh xa dịp tội hết sức có thể. Rồi phải tự luyện sự khổ chế và gìn giữ ngũ quan, điều này đòi buộc sự hy sinh hãm mình.

+ Cuối cùng là cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí tích.

4/. Hờn giận

– Tính xấu này hệ tại ở chỗ hướng chiều cách mất trật tự về việc gớm ghét cách mãnh liệt tất cả những gì không đáp ứng nổi khát vọng cá nhân của mình, để rồi cuối cùng đi đến ý muốn độc hại là trả thù, làm hại người khác, hay phá hủy những gì không vừa ý. Nóng giận sẽ trở thành nghiêm trọng khi làm cho ta mất tự chủ, không kiểm soát được phản ứng của mình và dẫn ta đến những hành động đi ngược lại với đức công bằng và yêu thương. Tính nóng giận sẽ phát sinh sự chửi nhau, cãi nhau, ẩu đả, nguyền rủa.

– Ta cần đến những phương thế chữa trị sau đây:

+ Thứ nhất suy ngắm gương hiền lành của Đức Giêsu.

+ Thứ hai đề phòng những nguyên nhân gây ra nóng giận do tính khí hay hoàn cảnh.

+ Thứ ba là phải diệt trừ ngay tức khắc những dấu hiệu đầu tiên của sự nóng giận vì những xúc động đầu tiên nếu để lâu sẽ trở thành mãnh liệt khó diệt tan được.

5/. Mê ăn uống, còn gọi là sự vô điều độ

Thiên Chúa ban cho ta bản năng ăn uống, ngủ nghỉ để sinh tồn. Những khoái cảm trong ăn uống là điều tốt bình thường. Nhưng nếu ta hưởng thụ cách quá độ, thì điều đó sẽ trở thành lỗi.

– Trước tiên là sự không điều độ trong vấn đề ăn, ta gọi là mê ăn. Đây là những trạng thái tìm kiếm sự khoái khẩu, ngon ngọt cách vô độ. Điều này dẫn đến sự coi thường những thức ăn bình thường. Nó có thể trở thành lỗi nặng khi dẫn đến tình trạng vì mê ăn người ta lơ là việc bổn phận, bị nguy hại sức khỏe, lòng dạ trở nên chai đá trước cảnh đói của những người nghèo.

– Kế đến là sự không điều độ trong vấn đề uống, ta còn gọi là nhậu nhẹt. Cách chung rượu không phải là điều cần thiết cho việc duy trì sức khỏe. Việc uống rượu bình thường không đặt thành vấn đề, nhưng nếu uống rượu quá mức trở thành say rượu làm mất ý thức và lương tri thì trở thành lỗi nặng. Say rượu thường làm mất tư cách, làm tổn hại bầu không khí và hạnh phúc gia đình, làm gương xấu và gây tổn hại cho sức khỏe cách nghiêm trọng.

– Ngoài ra ta cũng phải nói đến việc không điều độ khi ta sử dụng thuốc lá, cà phê, nhất là việc sử dụng ma túy. Ở đây có thể nói những lạm dụng và hậu quả nghiêm trọng của rượu cũng có thể áp dụng cho việc dùng thuốc lá và cà phê. Còn việc sử dụng ma túy thì phải tuyệt đối nghiêm cấm dưới bất kỳ hình thức nào, vì đây là điều tổn hại nghiêm trọng nhất cho sức khỏe của con người.

– Phương thế chữa trị: Mỗi ngày cần cố gắng tập ý thức sự điều độ có ích lợi cho sức khỏe thể xác cũng như giúp thăng tiến trong đời sống nội tâm.

6/. Ghen ghét

Theo Thánh Toma Aquino, ghen ghét là thái độ buồn phiền khi thấy người khác được sự lành, vì cho rằng điều tốt nơi người khác làm giảm bớt giá trị và quyền lợi của mình.[12] Ghen ghét được coi như con đẻ của tính kiêu ngạo vì cho rằng chỉ mình ta mới đáng được điều tốt. Tính xấu này thường nảy sinh nơi những người ngang nhau nhiều hơn.

– Theo Thánh Gregorio, tính ghen tương phát sinh từ những tật xấu liên hệ sau đây:

+ Thứ nhất là tính thù ghét dẫn đến những hành vi không thể lường trước được.

+ Thứ hai là tính dèm pha làm mất thanh danh người khác bằng những lời nói gian ngoa.

+ Thứ ba là tính đố kỵ công khai chống đối người khác để hạ giá họ.

+ Thứ bốn là thái độ đau khổ khi người khác gặp may vì coi thành công của người khác như sự thất bại của chính mình.

+ Thứ năm là thái độ vui mừng khi người khác gặp sự không may, rủi ro.

– Những phương thế chữa trị tính xấu này:

+ Trước tiên là suy niệm về tình yêu và lòng rộng rãi của Thiên Chúa đối với mọi người.

+ Kế đến là thực hành đức bái ái và khiêm nhường đối với tha nhân.

+ Cuối cùng là sự tin tưởng vào sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa đối với mọi người.

7/. Lười biếng

– Lười biếng có thể hiểu theo hai nghĩa:

+ Thứ nhất là sự lười biếng tự nhiên: uể oải không muốn làm việc gì, chỉ muốn nhàn rỗi.

+ Thứ hai là sự lười biếng thiêng liêng: chểng mảng và hờ hững những việc thiêng liêng. Thái độ này đi ngược với lòng yêu mến Chúa. Không coi trọng niềm vui khi biết mình thuộc về Chúa cũng như không coi trọng những gì liên quan đến Chúa. Đây là điều mà thần học luân lý muốn nhấn mạnh và lưu ý chúng ta. Tính lười biếng làm phát sinh những thái độ như: mất can đảm, nhút nhát, bỏ rơi những giới luật gây phiền hà, không trung tín với những việc bổn phận, không kiên trì, châm chích và không ưa những người khuyến khích làm điều tốt.

– Để chữa trị tính lười biếng tự nhiên, ta cần làm việc nghiêm túc để xây dựng cuộc sống và làm cho cuộc đời có ý nghĩa; rồi cũng phải xác tín về sự cần thiết của sự làm việc đó là qui luật cho cuộc sống con người.

– Còn muốn chữa trị tính lười biếng thiêng liêng, người Kitô hữu cần xác tín sự lười biếng thiêng liêng làm cho đời sống nội tâm trở nên khô cằn, và là nguồn gốc phát sinh ra nhiều thứ tội theo kiểu Á Đông ta vẫn thường nghe nói “nhàn cư vi bất thiện” (x. Cn 24,30-34; Hc 23,29).

IX. CÁC NGUỒN SINH RA TỘI

Ở phần trên ta vừa đề cập đến những tội gốc làm phát sinh ra những tội khác theo quan niệm truyền thống. Còn ở phần này ta đề cập đến những nguồn làm phát sinh ra tội dưới một góc độ khác.

A. Ảnh hưởng của một thế giới đã bị biến dạng một cách tội lỗi

Piet Schoonenberg đã nói đến ảnh hưởng này trong tác phẩm “Man and Sin”.[13]

1/. Trước tiên là việc con người liên đới trong tội theo như Kinh Thánh trình bày

– Kinh Thánh Cựu ước cho rằng có một sự liên đới trong tập thể nhân loại (như gia đình, nhân loại, quốc gia) liên quan đến điều tốt cũng như điều xấu, vì theo não trạng của người Sémites cộng đoàn cũng quan trọng như cá nhân. Luật liên đới được trình bày trong nhiều bản văn cổ xưa, đề cập đến những hình phạt tập thể và di truyền (x. Ds 14,18; Xh 20,5). Nhưng về sau chính Kinh Thánh lại phê bình và điều chỉnh lại quan niệm cổ xưa này (x. Gr 31,29tt; Ed 18,2-4).

– Còn Kinh Thánh Tân ước thì cho rằng thế gian bị tội lỗi làm biến dạng nhiều đến mức người Kitô hữu được nhắc nhở không ngừng là đừng có sống theo những chuẩn mực của thế gian (x. Ga 12,31; Rm 12,2; Gc 4,4 và 1,27). Tội lỗi làm hư hỏng cả cá nhân lẫn cộng đoàn và cả thế giới nói chung. Nhưng cũng cần lưu ý là không nên hiểu tội của mỗi người sẽ lây sang các phần tử khác của cộng đoàn cách đơn giản, vì như thế là đi ngược lại với nguyên tắc: Chúa sẽ trả cho mỗi người tùy theo việc họ làm (x. Rm 2,6; Mt 27; Kh 22,12). Theo hai nhà chú giải Kinh Thánh là Cha A. Gelin và A. Descamps: “Tội lỗi sẽ nhập vào các cơ cấu xã hội, vào hệ thống giá trị, vào các ý thức hệ, vào truyền thống thói quen, cách ứng xử, vào não trạng chung của tập thể làm thành một xã hội nhất định”.[14] Tất cả những điều kiện ấy tạo thành “một tình trạng tội lỗi” diễn ra trước mắt mọi người trước khi người ấy có những lựa trọn và quyết định tự do, nó ảnh hưởng, chi phối con người cách mãnh liệt.[15]

2/. Tình huống của con người giữa một thế giới đã bị biến dạng vì tội lỗi

– Khoa tâm lý về cách ứng xử hiện nay cho biết nền giáo dục và môi trường ảnh ưởng đến những quyết định và ý chí nơi con người. Khám phá mới mẻ này cũng được Công Đồng Vaticano II ghi nhận: “Con người thường bị lôi kéo không làm điều tốt và bị thúc đẩy làm điều xấu do hoàn cảnh xã hội nơi mình sống kể từ khi sinh ra”.[16] Người ta có thể cảm nhận được ảnh hưởng này bằng nhiều cách:

+ Thứ nhất là ảnh hưởng của gương xấu, báo chí suy đồi về luân lý trong đó các giá trị luân lý bị xét lại, còn các cách ứng xử xấu xa lại được chấp nhận, thậm chí còn được cổ võ, nếu không trên lý thuyết thì ít ra là trong thực tế.

+ Thứ hai là điều xấu càng có sức mạnh khi nó được áp lực của tập thể hỗ trợ. Trong trường hợp đó ai làm điều tốt sẽ bị khai trừ khỏi tập thể (điều này khó có thể mà chịu đựng nổi đối với những người còn thao thức với điều tốt).

+ Thứ ba là có một loại ảnh hưởng tuy vô thức, nhưng lại sâu rộng của những cơ cấu hay não trạng trong một môi trường bị biến chất về luân lý. Nhưng khổ một nỗi, những cơ cấu hay não trạng này có trước khi con người chào đời và nó vây quanh cuộc sống con người đến mức họ sống trong môi trường đó lại coi là chuyện tự nhiên. Thí dụ chế độ nô lệ và hạ thấp giá trị phụ nữ trong xã hội Hy Lạp và La Mã thời cổ đại. Có một điều chúng ta đừng bao giờ quên là không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội bên ngoài, rồi quên đi rằng sự dữ xuất phát trước tiên từ trong tâm hồn con người.

Nói cách khác, chính cá nhân và xã hội góp phần tạo nên tình trạng xã hội: chính vì sự sa ngã và tội lỗi của con người mà có những cơ cấu và truyền thống bị tội lỗi làm hủ hóa đi. Sau đó những truyền thống và cơ cấu ấy bắt đầu tồn tại và hoạt động cách độc lập, rồi những ai sinh ra trong môi trường như thế đếu chịu ảnh hưởng của chúng và trở thành nạn nhân.

– Nhưng khả năng con người giới hạn không đủ sức để đối phó mà còn cần đến sự can thiệp từ trên cao, con người mới có thể vượt qua được. P. Schoonenberg cho rằng: “Chúng ta nhận thấy trong lịch sử nhân loại có một số ngưỡng cửa mà hình như nhân loại không thể vượt qua được… nhưng chúng ta cũng nhận thấy những ranh giới ấy bị phá vỡ, những ngưỡng cửa ấy bị vượt qua nhờ ý thức luân lý và tình yêu xuất phát từ Đức Kitô và sứ điệp của Ngài đã nảy sinh và phát triển”.[17]

B. Cám dỗ

1/. Trong Kinh Thánh

– Theo Cựu ước, nghĩa rộng rãi nhất của từ này là sự thử thách để tìm sự thực núp dưới những dáng vẻ bên ngoài.

+ Trước hết ta có thể nhận thấy sự thử thách đối với tập thể khi qua dòng lịch sử, Dân Chúa bị thử thách về lòng tin vào lời hứa, và điều này được tượng trưng nơi Abraham (Hc 44,20; 1Mcb 2,52). Sau khi ra khỏi Ai Cập, trong cuộc hành trình tiến về Đất Hứa, Dân Chúa bị thử thách không muốn tin nơi lời hứa của Chúa và muốn quay về Ai Cập (Đnl 8,2). Rồi sau khi ký Giao ước với Thiên Chúa tại Sinai, các biến cố tuần tự xảy đến thử thách Dân Chúa để họ tỏ lộ sự thực tâm hồn họ trước lời mời gọi của Chúa. ta có thể đọc những biến cố này trong sách Xuất Hành.

+ Cuối cùng thử thách lớn nhất vẫn là việc qua dòng lịch sử Lời hứa của Chúa có vẻ không được thực hiện. Kế đến ta có thể nhận thấy sự thử thách đối với cá nhân. Sự đau khổ của người vô tội trở thành cơn cám dỗ để phản đối Thiên Chúa (sách Gióp). Con người có tự do và được Thiên Chúa mời gọi, họ cũng bị thử thách, nhưng với sự can thiệp của ma quỷ, thử thách lại có mục đích thúc đẩy con người phạm tội (St 2,17;3).

– Trong Tân ước, với tư cách là con người, bản thân của Đức Giêsu cũng rất nhiều lần bị cám dỗ (ngoại khởi): nơi hoang địa, khi rao giảng Tin Mừng, trên thập giá. Thiên Chúa cũng cho phép sự cám dỗ xảy đến với mỗi người (1Cr 10,13) do Tên Cám Dỗ (Cv 5,3; 1Tx 3,5), do thế gian (1Ga 5,17), do tiền bạc (1Tm 6,9). Ngay cả Giáo hội của Chúa cũng bị cám dỗ về lòng trung thành trước khi Chúa lại đến (Mt 24,9; Lc 3 và 21,12). Nhưng chính Đức Giêsu lại dạy ta cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Mt 6,13; 26,41).

2/. Khái niệm và bản chất

– Cám dỗ là tất cả những khích lệ, lôi cuốn, dụ dỗ tác động lên ý chí của con người để họ tự do chọn lựa làm điều xấu. Người ta vẫn thường nói con người bị cám dỗ là người bị phân rẽ, vì họ bị rơi vào tình trạng do dự, chưa có ý định dứt khoát chọn điều tốt hay điều xấu, và cũng chưa nói lên sự ưng thuận cuối cùng. Cám dỗ vẫn còn tồn tại bao lâu họ chưa nói lên sự ưng thuận làm điều xấu, vì một khi có sự ưng thuận làm điều xấu là bắt đầu phạm tội rồi.

Trong cuộc sống con người, cám dỗ là một hiện tượng phổ biến hết sức tự nhiên, không đáng làm ta ngạc nhiên bao nhiêu: trong kinh nghiệm thực tế, ai cũng muốn điều hay điều tốt cho mình, cho nên cám dỗ luôn ẩn núp dưới những dáng vẻ tốt đẹp (theo phương diện chủ quan), nhưng thực chất những điều cám dỗ ta lại là những điều xấu (theo phương diện khách quan). Cho nên cám dỗ luôn mang tính chất lôi cuốn, vì dưới khía cạnh chủ quan nó xuất hiện như một điều đáng mơ ước.

– Từ khái niệm trên, và dựa theo Thánh Giacobe Tông đồ (1,13), ta đi đến nhận định: Thiên Chúa không bao giờ cám dỗ con người, vì Ngài không hề có ý định đưa con người vào điều xấu (hành động như thế ngược lại với bản chất tốt lành của Ngài).

Sở dĩ cám dỗ hiện hữu là do điều xấu xuất hiện như một điều đáng ao ước hay như một điều tốt giả tạo, và sở dĩ có cám dỗ là bởi vì con người được Chúa ban cho có tự do, mà nói đến tự do là nói đến chọn lựa. Trong sự chọn lựa người ta có thể chọn điều xấu. Cho nên việc con người có tự do, điều này nói lên con người có khả năng phạm tội.

– Ngoài khía cạnh tiêu cực nêu trên cám dỗ còn đóng một vai trò tích cực trong đời sống con người. Các nhà bình luận luôn ý thức về giá trị giáo dục của những thử thách trong đời sống luân lý. Qua đấu tranh khi phải đối diện với các cơn cám dỗ, con người biết rõ bản thân mình hơn để huấn luyện. Thử thách luôn có tác dụng làm cho đời sống nội tâm của ta được cứng cáp hơn, mạnh mẽ và trưởng thành hơn (x. Gc 1,2-4).

Nhưng dù sao đi nữa, đừng bao giờ ta tự tìm kiếm cơn cám dỗ, vì nó như con dao hai lưỡi, ta không biết đề phòng, thì lưỡi xấu nó có thể hạ gục ta, nên lời cầu nguyện trong kinh Lạy Cha luôn là lời cảnh giác đối với người Kitô hữu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13).

Còn khi Chúa cho phép cơn cám dỗ xảy đến thì bao giờ Ngài cũng nhằm biến nó trở thành phương tiện để ta sống nhân đức khiêm tốn và nhờ đó tự rèn luyện mình trở nên tốt hơn.

3/. Những nguồn chung có thể tạo nên cơn cám dỗ

Theo giáo lý truyền thống, ta nhận thấy có những nguồn chung sau đây:

– Ma quỷ

Chúng không trực tiếp lôi kéo ý chí tự do của con người, nhưng gián tiếp làm điều đó qua trung gian “thế gian”, và qua chính tình trạng cụ thể hướng chiều về điều xấu nơi con người.[18]

– Thế gian

Theo nghĩa chung, trước tiên chúng là những tạo vật hữu hình trong thế giới tự nhiên, khi con người sử dụng chúng không đúng cách, chúng có thể khiến con người bất tuân ý muốn của Thiên Chúa.

Theo nghĩa đặc biệt của Thánh Gioan trong Tin Mừng, thế gian có nghĩa là nhân loại sa ngã nên chán ghét và chống đối lại Thiên Chúa (x. Ga 1,10; 7,7; 15,18; 17,9; 1Ga 2,15). Thế gian, hiểu theo nghĩa tiêu cực vừa nói, có những nguyên tắc trái ngược với Tin Mừng (Ga 12,31; Rm 12,2; Pl 3,18-19).

– Xác Thịt

Xác thịt được coi như nguồn gốc nội khởi cho cơn cám dỗ ở đây ta lưu ý đến hai yếu tố.

+ Thứ nhất, giác dục là sự khao khát của giác quan nói chung, chứ không phải chỉ nguyên có nghĩa về tình dục mà thôi. Nó ảnh hưởng mạnh trên lý trí vì khi giác quan thèm khát một đối tượng nào đó khiến lý trí cho đó là điều tốt, nhưng thực chất nó có thể là điều xấu.

+ Thứ hai, Tâm dục là những ước muốn và khao khát trong cõi lòng. Nói chung ta thường gọi hai yếu tố trên là dục vọng.

4/. Những nguồn dự phòng và phương thế chống lại cơn cám dỗ

Theo truyền thống, hai phương thế chính yếu chống lại cơn cám dỗ đó là cầu nguyện và sám hối.

– Cầu nguyện là phương thế hữu hiệu để có được ơn Chúa chống lại cơn cám dỗ. Nó còn hàm chứa cả đời sống bí tích nữa. Nếu không biết cầu nguyện tức là ta đã không làm tất cả những điều cần thiết trong tầm tay của mình, và dọn đường cho cơn cám dỗ.

– Còn sám hối, là một hành vi khiêm tốn nhận thức sự yếu đuối của bản thân, nhờ đó ta quyết tâm xa lánh tội lỗi và thái độ này thường kèm theo sự hy sinh hãm mình. Trong thời đại quá lệ thuộc vào vật chất như hiện nay, thì việc tự nguyện hy sinh một số những tiện nghi vật chất, nó giúp ta có được sự tự do cần thiết để có thể mở rộng cõi lòng đón nhận những giá trị tâm linh. Vì sám hối và hy sinh chủ yếu là để làm chủ thân xác, nên ngày nay người ta còn sử dụng phương thế tập luyện thể dục thể thao (một việc xem ra chẳng mấy liên hệ gì đến chuyện hy sinh hãm mình) cũng với mục đích làm chủ thân xác để đề phòng chống lại cơn cám dỗ.

Ngoài ra ta còn có những phương thế mang tính nhân bản như:

+ Tránh sống nhàn rỗi, vì khi lao động sẽ giúp ta thoát khỏi những ý nghĩ và ước muốn ươn lười làm cớ cho cơn cám dỗ ập tới.

+ Thiết lập những mối liên hệ lành mạnh với những người khác cũng có tác dụng tương tự. Sự bất mãn do sống cô độc sẽ dễ dàng trở thành nguồn sinh ra cơn cám dỗ.

+ Hết sức tránh xa các dịp tội dưới mọi hình thức, vì ai cũng biết rõ hoàn cảnh và cơ hội xấu cám dỗ ta phạm tội luôn luôn nhan nhản trước mắt ta.

+ Tập cho được cách nhìn minh bạch và sáng suốt về ơn gọi, nhiệm vụ trong bậc sống nhắm việc phục vụ Thiên Chúa.

X. TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI TỘI VÀ SỰ CỘNG TÁC CÁCH TỘI LỖI

A. Trách nhiệm đối với tội của người khác

Có một số nguồn sinh ra tội cho người khác một cách nghiêm trọng, đáng cho ta lưu ý cách đặc biệt.

1/. Quyến rũ

Quyến rũ là một hành vi cố tình lôi cuốn người khác đến chỗ phạm tội. Khi nói đến vấn đề quyến rũ là luôn luôn giả thiết rằng nạn nhân (người bị quyến rũ) bị lôi kéo đến chỗ làm một hành vi đi ngược với ý hướng và tình trạng bình thường của họ. Ví dụ tôi thuyết phục một người bạn đi xem bộ phim xấu hay đọc một sách báo khiêu dâm.

Quyến rũ thường được coi như một tội kép:

– Trước tiên là lỗi bác ái khi đẩy người khác đến chỗ phạm tội.

– Kế đến là phạm đến nghĩa vụ luân lý khi thực hiện một hành vi xấu làm hại linh hồn người khác.

2/. Gương xấu

a/. Khái niệm và tính chất của gương xấu

Gương xấu là một cách cư xử xét về mặt luân lý là không thích hợp vì là cớ gây dịp cho người khác phạm tội. Nếu quyến rũ là một hành vi cố tình làm cho người khác phạm tội, thì việc làm gương xấu xét theo đúng nghĩa chỉ là tạo dịp hay cơ hội cho kẻ khác phạm tội. Cho nên gương xấu là hành vi lỗi đức bác ái. Gương xấu luôn mang tính chất tương đối theo nghĩa nó liên hệ tới hoàn cảnh. Theo nguyên tắc gương xấu càng lớn khi:

– Người thực hiện hành vi không thích hợp ấy lại ở một địa vị cao hay có phẩm giá được mọi người quý trọng trong đời sống cộng đoàn và xã hội.

– Ảnh hưởng của hành vi không thích hợp ấy là lớn trên hành vi tội lỗi của người khác (nghĩa là ảnh hưởng ấy dẫn người khác đến chỗ phạm tội).

– Số người bị ảnh hưởng bởi gương xấu là số đông.

– Nhất là ảnh hưởng của gương xấu dẫn người khác đến chuyện phạm tội nặng.

b/. Gương xấu chủ động và gương xấu thụ động

Theo đúng nghĩa, gương xấu chủ động là tự ý làm gương xấu qua một hành vi không xứng hợp. Hành vi không xứng hợp này có thể là một hành vi tội lỗi thật sự, nhưng cũng có thể là một hành vi đúng về mặt khách quan, nhưng đáng lẽ ra không nên làm vì nó làm phương hại đến lương tâm của người yếu kém về đức tin, không hiểu biết đầy đủ về giáo lý. Lý do là vì ai đã vững mạnh trong đức tin không nên làm cho người khác yếu kém về đức tin (mà do hành vi của ta) đi đến những cách cư xử trái với lương tâm của họ.[19]

Còn gương xấu chủ động theo nghĩa rộng là bất cứ hành vi nào gây cớ vấp phạm cho người khác phạm tội, dù hành vi ấy có hợp pháp và có lý do chính đáng đi chăng nữa. Tân ước đã hiểu theo nghĩa này khi nói đến sự vấp phạm do Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài gây ra (x. Lc. 2, 34; Rm. 9, 32), vì cho dù người Do Thái có bị sốc, nhưng Đức Giêsu không tìm cách tránh gương mù qua lời rao giảng của Ngài. Sau này các tông đồ cũng không tìm cách tránh sự vấp phạm do Tin Mừng và Thập giá Đức Kitô gây ra (1Cr. 1,23 tt; Gl. 5,11). Là người Kitô Hữu và với tư cách là người môn đệ của Đức Kitô, chúng ta không được phép sợ vì bị coi là gương mù khi trung thành với Tin Mừng vì sống trong một thế giới có khuynh hướng thù nghịch với Thiên Chúa, sứ điệp Tin Mừng mà ta đang sống vẫn luôn tiếp tục là hòn đá gây vấp ngã và là sự xúc phạm đối với một số người.

Gương xấu thụ động gồm nhiều hình thức khác nhau:

– Trước tiên là gương xấu thực sự, đây được coi như loại gương xấu phổ biến nhất, nó được gây ra bởi những việc làm xấu hay bởi những hành vi tội lỗi. Thậm chí ngay cả việc sống đạo xoàng xĩnh cũng trở thành gương xấu làm cho những người ngoài Kitô giáo khinh dể đạo Chúa và Giáo hội, do đó gây trở ngại nghiêm trọng cho việc làm phát triển nước Chúa ở trần gian.

– Kế đến là gương xấu giả hình, còn gọi là gương xấu của những người biệt phái (lời nói không đi đôi với cuộc sống và việc làm).

c/. Những nguyên tắc liên quan đến gương xấu:

– Trước hết, những hành vi đứng đắn, không có vẻ gì là xấu, nhưng lại có thể tạo dịp cho người khác phạm tội thì ta không buộc phải dẹp bỏ hành vi ấy khi ta có lý do chính đáng để làm. Nhưng nếu vì lý do bác ái ta có thể tránh không làm hành vi đó. Thí dụ: một linh mục mặc áo dòng đi ngang qua một khu phố ghét đạo Công giáo, và biết việc đó sẽ gây ra chuyện nguyền rủa, lăng mạ Giáo hội, nhưng ngài vẫn cứ làm với lý do đi xức dầu bệnh nhân. Nhưng nếu không có lý do thăm viếng kẻ liệt, thì vì đức bác ái để tránh cho người khác khỏi phạm tội chửi rủa, ngài không nên mặc áo dòng trong trường hợp này.

– Kế đến những hành vi hợp pháp, nhưng có vẻ là xấu và có thể tạo dịp cho người khác phạm tội thì ta nên dẹp bỏ nếu việc dẹp bỏ có thể dễ dàng thực hiện. Thí dụ: một linh mục cần hy sinh bổng lễ chính đáng hay thôi không lạc quyên cách hợp pháp trong nhà thờ để tránh xảy ra trường hợp những người yếu đức tin nghĩ rằng ngài tham lam. Những việc làm tuy tốt, nhưng hầu chắc sẽ bị ngộ nhận, thì thông thường ta nên dẹp bỏ hay hoãn lại vào một thời điểm khác thuận lợi hơn. Theo B. Häring, có trường hợp ta không được nể trọng sự yếu đuối của người khác tới mức có thể làm hại tới khả năng đưa ra những quyết định quan trọng hay những nỗ lực hoạt động cho Nước Chúa.[20]

– Thứ ba, trong trường hợp thật sự nghiêm trọng, có thể được miễn thi hành luật thiết định để tránh gương xấu. Thí dụ: một người sau khi đánh nhau với người khác, có thể tránh không đi dự lễ ngày Chúa nhật tại nhà thờ giáo xứ của mình (nếu không có khả năng hay phương tiện đi dâng lễ Chúa nhật tại một nhà thờ khác) vì biết rằng nếu mình có mặt tại nhà thờ của giáo xứ ngày hôm ấy sẽ không tránh khỏi cảnh xô xát hay ẩu đả với đối phương một lần nữa (nhưng vẫn buộc đương sự làm việc thờ phượng Chúa tại nhà).

Cuối cùng những ai gây ra gương xấu (hay quyến rũ người khác phạm tội) có nghĩa vụ phải sửa chữa lại lỗi lầm của mình bằng cách:

– Thứ nhất là quyết tâm tránh gây gương xấu và tích cực làm ngược lại bằng cách phấn đấu nêu gương tốt.

– Thứ hai ăn năn sám hối trong bí tích giải tội.

– Thứ ba phải đền bù thiệt hại nếu quả thực gương xấu của mình đã gây thiệt hại cho người khác.

B. Cộng tác vào tội của người khác hay cộng tác cách tội lỗi

Đây là sự hỗ trợ cho người chủ động thực hiện hành vi tội lỗi bằng việc ta trực tiếp phụ giúp, cung cấp phương tiện hay góp ý, cho những thông tin cần thiết. Theo truyền thống, thông thường người ta phân biệt có hai loại hình thức cộng tác sau đây:

1/. Cộng tác cách mô thức

Khi ta vừa đồng tình ưng thuận trong lòng vừa hỗ trợ bên ngoài đối với hành vi tội lỗi của người khác. Các sách thủ bản luân lý theo truyền thống lại còn phân biệt loại cộng tác này thành hai hình thức.

– Hình thức minh nhiên khi ta cùng tham gia vào hành vi tội lỗi với người chủ động. Thí dụ: ta cùng phụ họa với người chủ động để chửi rủa hay lăng mạ người khác.

– Hình thức mặc nhiên khi sự hỗ trợ của ta là một việc làm gắn bó với hành vi tội lỗi của người khác. Thí dụ: y tá khoa phụ sản tới phiên phải trực giúp bác sỹ trong ca phá thai (nếu có thể đổi phiên cho người khác thế mà không chịu lo tích cực đổi phiên) là đã mặc nhiên đồng ý với hành vi giết thai nhi qua chính việc tham gia vào ca thực hiện phá thai cho dù trong lòng mình không muốn. Tuy nhiên có những tác giả lại coi hình thức này chỉ là sự cộng tác chất thể trực tiếp mà thôi vì thiếu lý do ưng thuận thực lòng.[21]

2/. Cộng tác cách chất thể

Khi ta chỉ đồng ý hỗ trợ hành vi tọâi lỗi của người khác cách bên ngoài, nhưng thực ra trong lòng không thuận theo. Các sách thủ bản luân lý theo truyền thống lại còn phân biệt loại cộng tác này thành hai hình thức:

– Hình thức trực tiếp khi ta hỗ trợ vào chính hành vi xấu, nhưng trong lòng không muốn một chút nào. Thí dụ:, tại nhà băng bị đánh cướp, nhân viên nhà băng phải giúp bọn cướp bỏ tiền vào những túi của chúng.

– Hình thức gián tiếp khi ta chỉ cung cấp phương tiện, nhưng không tham gia vào chính hành vi tội lỗi. Thí dụ: nhân viên nhà băng buộc phải đưa chìa khóa tủ sắt đựng tiền nhà băng cho bọn cướp.

Theo nguyên tắc chung, thông thường ta không được cộng tác cách chất thể vào hành vi tội lỗi của người khác bằng bất cứ phương tiện nào, và còn phải chống lại hay tìm cách loại trừ hành vi tội lỗi đó. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh thực tế cụ thể, có những lúc ta không thể tránh khỏi việc cộng tác một cách nào đó vào hành vi tội lỗi của người khác để tránh một điều xấu khác còn tệ hại hơn nhiều. Thí dụ nhân viên nhà băng bị cướp thường buộc phải đưa tiền cho bọn cướp nếu không sẽ bị bọn chúng bắn chết.

Nhưng có điều quan trọng cần lưu ý: việc cộng tác cách chất thể bằng những việc làm tự bản chất chúng làm thiệt hại cho bản thân người khác thì hầu như không bao giờ được phép. Nếu có được phép thì ta phải có lý do thực sự nghiêm trọng. Trong những trường hợp đặc biệt như thế, cần phải có một sự cân xứng sít sao giữa thiệt hại do sự hỗ trợ hành vi tội lỗi gây ra và thiệt hại mà người cộng tác bị đe dọa phải hứng chịu nếu không chịu hỗ trợ. Hay nói một cách chính xác hơn là thiệt hại gây ra cho người khác phải nhỏ hơn sự thiệt hại mà người cộng tác bị đe dọa phải hứng chịu nếu không hợp tác.

Theo quan niệm vừa nói, ta có thể cộng tác vào việc làm hại tài sản của người khác để cứu mạng sống mình (vì mạng sống bao giờ cũng có giá trị lớn hơn tài sản vật chất). Ta có thể cộng tác vào việc gây ra thiệt hại nhỏ về vật chất cho người khác để tránh một thiệt hại vật chất lớn hơn hay rất lớn cho chính bản thân mình. Ta có thể cộng tác bằng cách nói dối, nếu nhờ làm như thế mà tránh được một điều xấu hơn nhiều, như tránh cho người vô tội khỏi phải chết oan.

Nhưng ta lại không được phép cộng tác vào việc giết hại người khác để cứu mạng sống mình. Theo các sách thủ bản luân lý truyền thống việc cộng tác cách thể chất với hình thức trực tiếp vào những hành vi vốn bản chất là xấu nghiêm trọng (nghĩa là thuộc về các điều bị cấm tuyệt đối) là không được phép. Thí dụ: trực tiếp cộng tác vào việc giết người vô tội hay phá thai với bất kỳ lý do nào.

Ở đây ta có thể đề cập đến vấn đề khuyên người khác chọn một tội nhẹ hơn. Thông thường ta được phép khuyên người khác chọn một tội nhẹ hơn tội mà người ấy cố tình sắp sửa lỗi phạm, miễn là với điều kiện người ấy hầu như không thể tránh tội mà họ sắp sửa phạm. Thí dụ khuyên một người đang rắp tâm trả thù chỉ nên đánh đập kẻ thù hơn là giết chết kẻ thù, hay khuyên chỉ nên làm hại tài sản của kẻ thù hơn là giết chết họ.

Nhưng không bao giờ được phép khuyên điều sau đây: để ngăn cản đương sự phạm một tội lớn hơn ta khuyên họ phạm một tội nhẹ hơn, nhưng tội nhẹ này có thể gây phương hại đến người thứ ba mà chính đương sự cũng chưa hề nghĩ đến. Thí dụ: ta không bao giờ được phép khuyên người khác cưỡng hiếp con gái của kẻ thù hay đả thương người nhà của kẻ thù thay vì giết kẻ thù.

XI. SỰ PHÂN BIỆT TỘI LỖI THEO LOẠI LUÂN LÝ VÀ THEO SỐ

Phần này không mang tính chất thần học luân lý bao nhiêu, nhưng lại mang tính chất thực hành mục vụ giúp cho các vị giải tội hướng dẫn các hối nhân lãnh nhận bí tích Giải tội cho đúng cách liên quan đến việc xưng thú.

A. Phân biệt tội lỗi theo loại luân lý

1/. Giáo hội

Công Đồng Trento dạy: khi muốn lãnh nhận bí tích Giải tội, hối nhân phải xưng thú rõ ràng các tội trọng theo loại (và những hoàn cảnh thay đổi loại tội). Khi trở lại với Thiên Chúa phải minh nhiên hối hận và quyết tâm từ bỏ những hành động tội lỗi đã phạm, chứ không phải hối hận cách chung chung về sự kiện là đã có tội mà thôi.[22]

b/. Thần học gia

Các nhà luân lý đã đề ra nhiều phương cách khác nhau để phân biệt các loại tội lỗi:

– Thánh Toma Aquino cho rằng tội phải được phân biệt tùy theo những đối tượng khác nhau của hành vi bất chính.

– Dunscot cho rằng tội phải dược xét theo tiêu chuẩn đối lập với các nhân đức.

– Vasquez lại cho rằng tội phải được xét theo việc chúng vi phạm các giới răn.

Trên thực tế, dù lý thuyết của Thánh Toma Aquino được nhiều người theo, nhưng trong thực hành người ta lại thường căn cứ vào các giới răn và nhân đức để phân biệt tội lỗi, vì tội lỗi là những hành vi tương phản, vi phạm đến các giới răn và các nhân đức.

B. Phân biệt tội lỗi theo số lượng

Mỗi một hành vi tội lỗi mang một ý nghĩa quan trọng, vì thế khi sám hối cũng phải để ý đến những số tội đã phạm. Đây cũng là điều Công Đồng Trento đã dạy. Nhưng rõ ràng phân biệt số tội đã phạm là một vấn đề khó khăn và phức tạp. Theo truyền thống, việc phân biệt số tội đã phạm được xét theo hai nguồn gốc.

1/. Số tội đã phạm xét theo hành vi

– Xét theo luân lý, có bao nhiêu hành vi lỗi phạm khác nhau thì có bấy nhiêu tội. Các nhà luân lý truyền thống phân biệt ba thứ hành vi khác nhau:

+ Trước tiên là hành vi nội tâm, như ghen ghét chẳng hạn.

+ Kế đến là hành vi ngoại tại như những việc làm có tính cách ngoại giới, Thí dụ: như ăn trộm.

+ Cuối cùng là hành vi hỗn hợp nội tâm là những dự định bên trong luôn thực hiện ra bên ngoài, thí dụ như ý muốn tà dâm.

– Ngoài ra ta còn phải đề cập đến sự kiện một hành vi lỗi phạm có thể bị gián đoạn, hay mất đi tính chất liên tục do nhiều cách khác nhau:

+ Thứ nhất do đương sự tự ý ngưng lại (revocation) thí dụ đang nóng giận, rồi nghĩ thái độ như thế là tội, nên ngưng không tức giận nữa, nhưng sau đó một lúc lại nóng giận trở lại.

+ Thứ hai do đương sự tự ý đình hành vi (cessation volontaire), Thí dụ: đương sự đang nghĩ tưởng về những hình ảnh xấu, nhưng tự ý bỏ những ý tưởng xấu để nghĩ đến một việc khác, nhưng sau đó đương sự lại quay về ý tưởng xấu ban đầu.

+ Thứ ba do đương sự miễn cưỡng đình chỉ hành vi (cessation involontaire): Thí dụ: đang tức giận một người, nhưng sau đó mệt ngủ thiếp đi (trong tình trạng ngủ thì không thể tức giận), rồi thức dậy và tiếp tục giận tiếp như cũ.

– Bây giờ ta đi đến việc áp dụng cụ thể những nguyên tắc trên:

+ Đối với những hành vi nội tâm về một đối tượng mà thôi, thì số tội được tính theo những lần hành vi đó bị gián đoạn do ngưng lại hay do đình chỉ. Thí dụ: sáng trông thấy đối phương và trong lòng mình căm thù người đó; đến ban chiều lại trông thấy người ấy một lần nữa và trong lòng lại căm thù lần nữa. Như thế là ta đã phạm hai tội căm thù.

+ Đối với những hành vi ngoại tại, số tội đã phạm được tính khi những hành vi đó tự chúng là đầy đủ và riêng biệt. Thí dụ: ai mắc tội trọng mà vẫn lên rước lễ trong hai thánh lễ khác nhau thì mắc tội phạm sự thánh hai lần.

+ Còn đối với hành vi hỗn hợp nội tâm, số tội được tính khi những hành vi đó bị gián đoạn do đương sự tự ý ngưng lại hay tự ý đình chỉ. Thí dụ người có ý đồ ăn trộm, nhưng sau đó hối cải vì tư tưởng xấu của mình, rồi lại có ý đồ ăn trộm như cũ. Như thế là phạm hai tội. Nhưng số tội sẽ không gia tăng khi họ phải miễn cưỡng gián đoạn hành vi. Thí dụ ai có dự định ăn trộm và nghĩ đến mưu mẹo ăn trộm để ăn trộm liên tiếp trong nhiều ngày, thì chỉ phạm một tội mà thôi.

2/. Số tội đã phạm xét theo đối tượng

– Xét theo lý thuyết, có bao nhiêu đối tượng phạm tội khác biệt nhau theo luân lý thì có bấy nhiêu tội. Trong trường hợp nhiều đối tượng khác nhau kết hợp thành một hành vi luân lý, thì các đối tượng đó chỉ tạo nên một tội mà thôi. Khi thực hiện nhận định về điểm này thì còn tùy thuộc bản chất của sự việc và nhận thức của người làm.

– Hai nguyên tắc trên dẫn đến việc áp dụng cụ thể như sau:

+ Đối với những hành vi nội tâm, căn cứ vào nguyên một động tác của ý chí, thì mặc dù liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, nhưng động tác đó chỉ làm thành một tội mà thôi. Thí dụ: một linh mục dự định cố tình bỏ đọc giờ kinh phụng vụ trong vòng một tuần, thì dự định đó chỉ làm thành một tội mà thôi. Nhưng sau đó nếu mỗi ngày quả thực ông ta đã bỏ đọc giờ kinh phụng vụ, thì mỗi ngày bỏ là một tội.

+ Đối với những hành vi ngoại tại, nếu đương sự cố ý phạm tội đối với nhiều đối tượng khác nhau, thì có bao nhiêu đối tượng thì có bấy nhiêu tội. Thí dụ: đốt nhà để cố ý giết cả một gia đình, nếu gia đình có năm người thì ta phạm năm tội giết người. Nhưng nếu đương sự chỉ có ý phạm tội liên quan đến một đối tượng, nhưng chẳng may hành vi xấu đó lại đụng chạm đến một hay nhiều đối tượng khác nữa, thì cũng chỉ làm thành một tội mà thôi. Thí dụ: lấy súng nhắm bắn một người nhưng chẳng may việc bắn súng đó còn làm chết hay làm bị thương một hay nhiều người khác nữa thì cũng chỉ phạm một tội sát nhân mà thôi.

***

THƯ TỊCH

 

1. Karl H, Peschke, SVE., “Christian Ethics”, Vol. I. (General moral Theology, chương 5).

2. Roger Champoux, SJ., “Luân lý Cơ bản”, Giáo Hoàng Học Viện Pio X, 1972 – 1974 (chương Tội Lỗi).

3. Bernard Häring, CSSR., “La loi du Christ”, Vol. I, Moral Générale. Chương “Le Non”: Le Péché. “La Théologie morale”, Idées maitresses, Cerf 1992. Chương “Le Péché dans la Théologie après Vat. II”.

4. Jean Marie Aubert, “Vivre en Chrétien au 20 siècle”, Tom I, Le Sel de la Terre. Chương La Conversion et le Péché. “La Morale”, Centurion 1992. Chương Péché, Culpabilité et Réconciliation.

5. Bùi Châu Thi, “Thần học Luân Lý Cơ Bản”, Đại Chủng Viện Sàigòn, 1963 – 1964.

6. Anselme Gunthor, “Thần Học Luân Lý Cơ Bản”, phần II, Tội lỗi: tiếng “không” của con người với Thiên Chúa, số 696 – 718, Chủng viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ, 1994.

 

 


[1] Thí dụ: “Kẻ nào làm tất cả những điều bỉ ổi đó phải giết nó đi, máu nó không đổ oan” (x. Ed 18,10-18 và Lv 18).

[2] Công Đồng Carthage (418) là Công đồng địa phương được tổ chức tại Carthage, Bắc Phi. Công đồng được Đức Giáo Hoàng Zosimus (18/3/417 – 26/12/418) phê chuẩn. Tại Công Đồng Carthage, Giáo Hoàng Zosimus kết án lạc thuyết của Pelagius và Celestius.

[3] Denzinger-Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum, Definitionum et Declarationum de Rebus Fidei et morum, no 230. Đây là Tuyển tập về các Tín Biểu, các Định Tín, các Tuyên bố về đức tin và luân lý của Hội Thánh; thường được viết tắt là: DS.

[4] Ibid., no 1537; 1680.

[5] Ibid., no 1020.

[6] Xc. Man and Sin, London 1965, tr. 29.

[7] Ibid., tr. 38

[8] Xc. La Morale, Centurion, 1992, tr. 68

[9] Xc. Theologia moralis, VI, tr. 476

[10] Xc. Migne PL. Vol 44, no 235.

[11] Xc. ST. I,II, q.84, a.3.

[12] Xc. ST. I, II q. 36, a.1

[13] Piet Schoonenberg, “Man and Sin”, London: Sheed and Ward, 1965 (ch. “Tội thế gian”, tr. 98-123)

[14] Xc. “Sin”, in the Bible, Desclée, 1964, tr. 27

[15] Xc. Timothy E. O’ Connell, “Principle for a Catholic Morality”, 1978, tr. 102

[16] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 25

[17] Piet Schoonenberg, “Man and Sin”, London: Sheed and Ward, 1965, tr. 118

[18] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 13

[19] Xc. Rm 14,14-23, trong đó Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh ăn đồ cúng mà gây cớ vấp ngã cho người khác là điều xấu, vì người Kitô hữu có bổn phận tránh cho anh em mình những cái làm họ có thể bị vấp ngã. Trong 1Cr 8,10-12, ngài cũng nhấn mạnh ý tưởng tương tự.

[20] Xc. The Law of Christ, vol. II, 1963, tr. 480

[21] Xc. Heribert Jone, Moral Theology, 1963; Henri David, Moral and Pastoral Theology, 1959.

[22] Denzinger-Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum, Definitionum et Declarationum de Rebus Fidei et morum, no. 1680-1681; 1707. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Familiaris consortio, số 825; 842.
 

Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang
Nguồn: catechesis.net