Trong thư gởi cha Paglia và Hàn lâm viện, Đức Thánh Cha khuyến khích Hàn lâm viện suy tư về các vấn đề cuộc sống con người trong bối cảnh đương đại. Có một nhu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu và thảo luận nhiều hơn về các tác động xã hội của sự phát triển công nghệ, để có thể đưa ra một tầm nhìn nhân học phù hợp với thách đố của thời đại. Tuy nhiên, những lời khuyên của các chuyên gia không chỉ giới hạn trong việc đưa ra các giải pháp cho những vấn đề nảy sinh bởi những tình huống xung đột về pháp lý, xã hội và đạo đức, nhưng những đề xuất ấy phải tương hợp với nhân phẩm con người cả trong lý thuyết lẫn thực hành khoa học và công nghệ, theo cách tiếp cận tổng thể của chúng đối với cuộc sống.
Cuối thư, Đức Thánh Cha đề cập đến các công nghệ mới nổi và công nghệ hội tụ.
“Nhờ kết quả có được từ vật lý, di truyền và khoa học thần kinh, cũng như khả năng tính toán ngày càng mạnh mẽ, giờ đây việc can thiệp sâu vào các tế bào sống trở nên có thể. Ngay cả cơ thể con người cũng là đối tượng can thiệp, nó có khả năng sửa đổi không chỉ các chức năng và khả năng, mà cả những cách thức liên quan đến cấp độ cá nhân và xã hội.”
Do đó, cần có nhu cầu cấp thiết để hiểu những thay đổi mang tính thời đại và biên giới mới này; xác định làm thế nào để chúng phục vụ con người, đồng thời tôn trọng và cổ võ phẩm giá nội tại của tất cả mọi người. Điều này hết sức khó khăn vì sự phức tạp của nó và sự phát triển khó lường của nó trong tương lai.
Tại hội nghị hôm 22-27/2 vừa qua, Đức cha Paglia, đã nói về một số khía cạnh chính của vấn đề trên. Đây là một chủ đề quan trọng trong thế giới ngày nay. Hơn nữa, hội nghị này khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn của tất cả các chủ thể liên quan, để phát triển và sử dụng những nguồn lực phi thường này, để định hướng thúc đẩy phẩm giá con người và lợi ích phổ quát nhất. Tuy nhiên, Đức giám mục cũng cho biết thêm là – cũng phải tránh cả nguy cơ giảm thiểu con người, hay thậm chí nguy hiểm hơn, đó là thay thế con người. Do đó, làm sao để những tiến bộ về công nghệ mở đường cho sự tiến bộ về các chức năng xử lý, trong đó con người phải là chủ nhân chứ không phải trở thành nô lệ.
Mục tiêu của Hội thảo là cung cấp thông tin cập nhật về đặc điểm của các công nghệ trong lĩnh vực robot: cụ thể là, thông qua những người làm việc trong lãnh vực này, xác định và định hình các vấn đề nảy sinh theo quan điểm nhân học và đạo đức; đồng thời gợi nên một số tiêu chí đạo đức cũng như có thể đưa ra một số khuyến nghị, và tiếp tục để ý đến khía cạnh toàn cầu của vấn đề.
Các nội dung của Hội thảo đề cập đến các công nghệ tiên tiến và các phương pháp tiếp cận khác nhau trong việc nghiên cứu và phát triển robot. Nội dung kế tiếp là khám phá ý nghĩa nhân học xã hội, nghĩa là, robot đã làm thay đổi cách nhận biết và hiểu về thế giới, nhận thức các mối quan hệ. Và nội dung cuối cùng là những khía cạnh đạo đức của việc dùng robot trong ngành y tế.
Chúng tôi xin gởi đến quý vị một cuộc phỏng vấn ngắn với giáo sư, linh mục Bennati, về vấn đề robot và những vấn đề đạo đức liên quan.
Thưa giáo sư, thuật toán như là chiếc đũa thần trong thời đại siêu công nghệ. Vậy điều gì ẩn đằng sau những thuật toán chi phối thế giới máy móc và trong một số trường hợp cũng chi phối cuộc sống con người?
Thuật toán là một công cụ công nghệ thông tin cho phép chúng ta lập trình một máy móc. Các thuật toán được đóng gói trong các hệ thống mà chúng ta gọi là phần mềm. Vì chúng thường được bảo vệ bởi bản quyền, nên nếu nói theo thuật ngữ công nghiệp thì các thuật toán là những hộp đen, mà khi nhập vào một dữ liệu thì nó sẽ tạo ra một kết quả mà người ta không cho biết các quy trình bên trong đã xảy ra thế nào. Khi chúng ta giao phó cuộc sống hay những điều đặc biệt của con người cho các thuật toán này, thì cũng nhất thiết phải xem xét về những tiêu chí đánh giá của những thuật toán này là gì.
Vấn đề về tính minh bạch, chúng ta có thể nói về bí mật thương mại trong những trường hợp này không?
Theo một nghĩa nào đó, đây là một vấn đề mới, bởi vì - ví dụ - khi con người bắt đầu canh tác đất đai, thì người ta phát minh ra một hình thức luật như tài sản chẳng hạn, với cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta có luật về bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ. Ngày nay cũng thế, chúng ta cần các công cụ mới, theo quan điểm luật pháp, để xác định một dạng thức tài sản bởi vì chúng là kết quả của lao động nhưng cũng vì chúng ta cần các công cụ để bảo vệ các giá trị khỏi những đe doạ vi phạm. Đây cũng là vấn đề đầy thách đố nhìn từ quan điểm này.
Cách thức tiếp cận đạo đức và công nghệ khi sử dụng robot dường như khác nhau giữa Đông và Tây. Vậy, có sự nhạy cảm khác nhau theo các nền văn hóa khác nhau không?
Có, đây là những tranh luận không bao giờ trung lập nhưng luôn có mặt của văn hóa và những gì thuộc về hiện hữu của con người. Do đó, một cách tiếp cận theo lối phương Đông hơn, để ý nhiều hơn đến những sự vật được vận hành, sẽ dẫn đến việc tạo ra những robot phù hợp với các loại tương tác mà những người phương Tây không thể nghĩ đến, cũng như thực hiện những hành động mà người phương Tây không thể uỷ thác cho robot. Ví dụ ý tưởng về việc trao quyền công dân cho robot là của phương Đông hơn là phương Tây. Trong khi ý tưởng về tính cách pháp lý lại là của phương Tây hơn là phương Đông, đặc biệt nếu chúng ta muốn cởi bỏ trách nhiệm đối với các quyết định của máy móc.
Tính cách pháp lý của robot có nghĩa là gì?
Đây là một cuộc thảo luận hiện đang diễn ra ở cấp độ châu Âu vì chúng tôi tự hỏi liệu chiếc máy “độc lập - tự hoạt động” này có nên có một loại tình trạng pháp lý nào đó không, để hiểu về loại trách nhiệm nào nó có thể có khi vận hành. Người ta có thể nói: hãy cho chúng một “nhân cách pháp lý robot” để chúng có thể được đảm bảo và nếu chúng tạo ra bất kỳ thiệt hại nào, thì chúng có thể được các công ty bảo hiểm trả bằng cách nào đó. Hoặc người khác có thể nói - và đây là điểm cốt lõi của cuộc tranh luận - rằng khi làm như vậy, cuối cùng chúng ta gỡ bỏ mọi trách nhiệm của các nhà sản xuất và đặt hết mọi gánh nặng lên người dùng. Điều này giống như nói rằng chúng tôi bảo đảm về máy nhưng sau đó phanh lại có thể không hoạt động. Hay người bán phải đảm bảo rằng phanh phải hoạt động? Đây là thách đố mà chúng ta đang phải đối mặt, cùng với thực tế là tại thời điểm này chúng ta phải phát minh ra các thể loại mới, những phương thức bảo vệ và quyền mới trong một xã hội đang thay đổi này.
Công nghệ hội tụ nghĩa là gì?
Có nghĩa là những công nghệ này nhắm đến con người. Điều đó có nghĩa là chúng có công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và công nghệ nhận thức, người ta cũng “hứa” sẽ tạo ra những người không cảm giác, suy nghĩ hay đơn giản là sống như đến nay chúng ta đã làm. Tất cả chúng đều nhắm đến sự thay thế hoặc cải tiến về con người, tùy vào cái nhìn của người đứng sau nó.
Khoa học giả tưởng từ lâu đã khai thác những chủ đề này, từ những bộ phim như: “2001- Chuyến Du hành Không gian” (A Space Odyssey) đến “Tội phạm Nhân bản” (Blade Runner); phim đầu tiên, trí tuệ nhân tạo là một mối nguy cho con người; và phim thứ hai, chính con người muốn loại bỏ những người nhân bản với một “linh hồn” vô dụng hay lỗi thời. Trong đó có nhiều ngụ ý về đạo đức và luân lý.
Trong thời đại được đánh dấu bởi một nền văn hóa thế tục, nơi đó tôn giáo có ít quyền hơn văn hóa đại chúng, thì khoa học giả tưởng là nơi những huyền thoại - vốn hoạt náo nền văn hóa này - có chỗ đứng. Đó là, những câu chuyện khoa học giả tưởng là những nơi mà một loại tư tưởng nguỵ tôn giáo tìm thấy một môi trường rất hiệu quả. Nó cũng thu thập, định hướng cũng như bày tỏ những ước muốn, sợ hãi, hy vọng và kỳ vọng về tương lai của thế hệ chúng ta. Tôi sẽ đảo ngược câu hỏi: Tôi có thể nói rằng chúng ta nhìn vào thế giới của khoa học giả tưởng và những câu chuyện của nó, bởi vì ở đó chúng ta tìm thấy kinh nghiệm trong trái tim của con người thời đại chúng ta. Giải thích những gì đang xảy ra là một câu hỏi quan trọng đối với các nhà triết học, thần học và thậm chí là các nhà khoa học xã hội.
Do đó cuộc đối thoại mà Giáo hội mở ra với thế giới khoa học và công nghệ là cách được chọn để đối diện với những vấn đề gai góc về đạo đức, mà không có những phán xét tiêu cực, ngay cả nêu ra những chỉ trích?
Đúng vậy, mong muốn của chúng tôi là tạo ra một mạng lưới các tương quan và đối thoại, nơi đó chúng tôi tự hỏi về các vấn đề khác nhau, và đối diện với vấn đề cách sâu xa và chân thành về thực tại; như là những người có niềm tin, chúng ta ý thức rằng căn tính của chúng ta, nhận thức của chúng ta, có thể giúp tìm thấy những câu trả lời phù hợp. Một mô hình có thể thấy đó là Học thuyết Xã hội mà Giáo hội chỉ ra để tìm thấy giải pháp cho các vấn đề đương đại. Nếu chúng ta chấp nhận mô hình đó cho thách đố này, thì chúng ta có thể bắt kịp thời đại và với tất cả mọi người nam nữ thiện chí. Do đó, việc tìm kiếm những người nam nữ thiện chí này sẽ là cách tiếp cận mà chúng ta đang cố gắng trong hai dịp này, 2018 và 2020. (La Stampa)
Văn Yên, SJ
Nguồn: vaticannews.va
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn