Đức Ông Laurence J. Spiteri
Con người không ai là hoàn hảo. Do đó, không có Kitô hữu nào là hoàn hảo cả. Tất cả chúng ta đều phạm một thứ tội nào đó. Việc lãnh nhận bí tích Rửa tội không đảm bảo rằng chúng ta sẽ không hề phạm tội nữa [2]. Đúng hơn, do sự yếu đuối của con người, chúng ta thường hay sa ngã. Để khôi phục lại mối dây tình yêu giữa nhân loại và Thiên Chúa đã bị tội lỗi phá vỡ sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, bí tích Thống hối và Giao hòa đã được ban cho Giáo hội [3].
Các điều 959–997 được dành riêng để nói về bí tích Sám hối [Thống hối và Giao hòa] [4]. Một lần nữa, để có một sự hiểu biết đầy đủ và rõ ràng hơn về các quy định của bí tích này, chúng ta cần đi ra ngoài Bộ Giáo luật [5].
Điểm nhấn chính của 39 điều luật này là làm nổi bật mối tương quan đặc biệt giữa cha giải tội [6] và hối nhân [7], mặc dù có đề cập đến việc giải tội chung [8] và các ân xá [9]. Cũng cần lưu ý rằng, trong những trường hợp thông thường, những điều luật này cho phép các tư tế có năng quyền thường xuyên được giải tội ở bất kỳ nơi nào trên thế giới [10]. Hơn nữa, các tội dành riêng (reserved sins) đã được bãi bỏ kể từ khi Bộ Giáo luật 1983 quy định áp dụng các hình phạt ở tòa ngoài [11].
Điều 959 [12] là một khoản luật mang tính giáo thuyết, có chức năng như một dẫn nhập vào các điều luật khác về việc sám hối, và như một khẳng định về bản chất của bí tích Sám hối. Điều luật này nhắc chúng ta rằng sự tha thứ chỉ đến từ Thiên Chúa [13], và tội lỗi cũng như sự hòa giải có tác động trực tiếp đến toàn thể Giáo hội [14].
Việc cử hành bí tích này được trình bày trong các điều 960–964. Điều 960 quy định rằng việc xưng tội riêng tất cả các tội trọng là phương thức xưng tội thông thường duy nhất [15]. Tuy nhiên, Bộ Giáo luật cũng dự trù những trường hợp có thể áp dụng những phương thức hòa giải khác [16]. Sách Nghi thức Sám hối trình bày các yếu tố của việc xưng tội riêng: ăn năn tội, xưng tội với tư tế, đền tội và lời xá giải [17].
Các điều 961–963 nói đến việc giải tội chung [18].
Bộ Giáo luật có một cách tiếp cận hạn chế rõ ràng đối với việc giải tội chung vì e ngại phương thức này sẽ bị lạm dụng, từ đó sẽ làm suy giảm việc xưng tội riêng. Điều 961 trình bày những điều kiện chung để có thể cử hành việc giải tội chung một cách thành sự (validly). Giám mục giáo phận, khi xét đến các nhu cầu mục vụ của hoàn cảnh và phù hợp với các tiêu chuẩn do Hội đồng Giám mục đề ra, là người sẽ quyết định cho phép cử hành việc giải tội chung. Trong trường hợp nguy tử, không cần xin phép vì linh mục phải quyết định ngay lúc đó những gì mình nên làm và ngài cũng sẽ không có đủ thời gian để liên lạc với vị giám mục giáo phận của mình.
Điều 962 và 963 đề cập đến việc chuẩn bị cần thiết của hối nhân để có thể nhận được ơn xá giải chung một cách hữu hiệu (validly). Hối nhân phải quyết tâm là sẽ đi xưng tội riêng vào thời gian thích hợp, về các tội trọng [mà hiện tại họ không thể xưng thú] [19], và phải làm như vậy trước khi lãnh nhận một ơn xá giải chung khác [20]. Điều này không giống với điều 989 vốn quy định phải xưng các tội trọng một năm ít là một lần.
Điều 964 quy định về nơi giải tội. Nơi đó phải là tòa giải tội hoặc một nơi được chỉ định khác [21], đảm bảo sự kín đáo cho hối nhân.
Các điều 965–986 dành riêng cho các quy định liên quan đến cha giải tội và những vấn đề liên quan chặt chẽ đến thừa tác vụ của ngài. Điều 965 dẫn nhập nêu rõ rằng chỉ có người đã được thụ phong linh mục mới là thừa tác viên hợp luật của bí tích Thống hối và Giao hòa [22].
Điều 966 đưa ra hai khẳng định: quyền tha tội theo bí tích bắt nguồn từ việc truyền chức linh mục, và quyền để thi hành quyền tha tội này một cách thành sự đến từ chính luật [23], hoặc chiếu theo chức vụ mà một người nắm giữ [24], hoặc từ nhà chức trách Giáo hội [25]. Vì vậy, mọi linh mục, trừ trường hợp nguy tử, đều cần phải có một loại năng quyền nào đó để giải tội [26]. Trong trường hợp nguy tử, bất kỳ linh mục nào, dù đang thi hành hay không thi hành thừa tác vụ, đều có thể giải tội [27]. Mọi linh mục có trách nhiệm coi sóc các linh hồn đều có nghĩa vụ giải tội [28]. Mặt khác, mọi người Công giáo đều có quyền xưng tội riêng [29].
Bộ Giáo luật rất rõ ràng khi chỉ ra rằng chỉ những linh mục nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì mới được ban cho năng quyền giải tội [30]. Năng quyền giải tội phải được ban bằng văn bản [31], và có thể được ban trong một khoảng thời gian hoặc hữu hạn hoặc vô hạn [32]. Khi một linh mục được ban năng quyền giải tội trong chính giáo phận của mình, ngài cũng có thể giải tội ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, trừ khi Đấng Bản quyền địa phương nơi đó cấm ngài làm như vậy [33]. Cần lưu ý rằng điều 977 vô hiệu hóa sự xá giải của một linh mục cố gắng tha tội cho một đồng phạm điều răn thứ sáu, trừ trường hợp nguy tử [34]. Không có luật trừ nào đối với việc tiết lộ ấn tín tòa giải tội [35] hoặc áp dụng kiến thức trong tòa giải tội nhằm làm phương hại một hối nhân [36].
Các điều 978–981 mô tả và hướng dẫn cha giải tội cách thức thi hành thừa tác vụ hoà giải. Trung thành theo sát giáo huấn của Huấn quyền, khi ban bí tích, ngài phải phục vụ như một thẩm phán và một lương y đối với hối nhân [37]. Cha giải tội phải khôn ngoan và kín đáo khi đặt cho hối nhân bất cứ câu hỏi nào [38]. Ngài phải ban phép xá giải cho hối nhân có thái độ xứng hợp [39]. Điều 981 quy định rằng phải ra việc đền tội hữu ích và thích hợp cho hối nhân [40].
Các điều 987–991 đề cập đến hối nhân đang tìm kiếm ơn tha thứ của bí tích Giải tội. Hối nhân phải bày tỏ sự đau buồn, từ bỏ tội lỗi và quyết tâm xa lánh tội lỗi [41]. Mọi tín hữu buộc phải xưng các tội trọng đã phạm theo số lần và theo loại, kể từ lần xưng tội cuối cùng sau khi được rửa tội, một năm ít là một lần [42], và được khuyên xưng cả các tội nhẹ. Việc xưng tội phải được thực hiện sau khi đã xét mình kỹ lưỡng [43]. Quyền của hối nhân được chọn cha giải tội được tôn trọng [44].
--------------------------------------------
[1] Bí tích này được gọi là bí tích Thống hối, bởi vì nó cống hiến một tiến trình hối cải, có chiều kích cá nhân và giáo hội, cho tội nhân Kitô hữu thống hối và đền tội (SGLHTCG 1423). Bí tích này được gọi là bí tích Giao hòa, vì ban cho tội nhân tình yêu của Thiên Chúa, Đấng giao hoà: “Anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20). Ai sống bởi tình yêu thương xót của Thiên Chúa, sẽ sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời gọi: “Hãy đi làm hòa với người anh em ấy đã” (Mt 5,24) (SGLHTCG 1424). Bộ Giáo luật 1983 gọi bằng một từ chung cho hai cách gọi của bí tích này nơi Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo là bí tích Sám hối (sacrament of penance. X. GL 959) [Chú thích của người dịch].
[2] X. SGLHTCG 1425–1429
[3] X. SGLHTCG 1420–1498.
[4] Đề nghị đọc: LG 8, 11, 22, 26, 40, 48–50; SC 26-27; CD 30; PO 5, 13, 18: CLSA: Commentary, 673-701; J. Dallen, “Church Authority and the Sacrament of Reconcilia-tion,” Worship 58 (1984): 194-214; J. Dallen, “Reconciliatio et Paenitentia: the Postsynodal Apostolic Exhortation,” Worship 59 (1985): 98-116; J. Dallen, The Reconciling Community: The Rite of Penance; R. Gula, To Walk Together Again: The Sacrament of Reconciliation; J. Huels, "Preparation for the Sacraments"; Pope John Paul II, apostolic exhortation Reconciliation and Penance; R. Garafalo, “Reconciliation and Celebration: A Pastoral Case for General Absolution,” Worship 63 (1989): 447-456; International Theological Commission, “Penance and Reconciliation,” Origins (1984): 513-524; Mahony, Priestly Ministers, 13-17; Navarre, 608-627; J. Provost, “The Reception of First Penance,” J 47 (1987): 294-340; Roman Ritual: Rite of Penance; Woestman, Sacraments.
[5] X. Nghi thức Sám hối.
[6] GL 965-986. X. Navarre, 614-624.
[7] GL 987-991. X. Navarre, 624-626.
[8] GL 961-963. X. Navarre, 610-613, các số 961, 962, 963.
[9] GL 992-997.
[10] GL 967, §2-3. Trước đây, các linh mục phải xin sự ủy quyền từ nhà chức trách Giáo hội để giải tội bên ngoài giáo phận của họ, trừ trường hợp nguy tử. X. Navarre, 615-617, số 967-969.
[11] Trong quá khứ, việc tha các tội riêng đã hạn chế quyền năng giải tội của bí tích. Bộ Giáo luật 1983 phân biệt giữa tha tội và tha vạ. Ví dụ, việc tha vạ tuyệt thông cho một linh mục vi phạm trực tiếp ấn tín tòa giải tội được dành riêng cho Tòa thánh (GL 1388, §1). X. SGLHTCG 1463, 1467.
[12] X. Navarre, 608-609, 959.
[13] X. SGLHTCG 1466.
[14] X. SGLHTCG 1461-1462, 1466.
[15] X. SC 72; Navarre, 609-610, 960.
[16] X. GL 961. Xem thêm Navarre, 610-612, 961.
[17] X. Nghi thức Sám hối 3-7.
[18] Việc giải tội chung là nghi thức thứ ba được trình bày trong Nghi thức Sám hối 31-32. X. SGLHTCG 1483; Navarre, 610-613, các số 961, 962, 963. Đề nghị đọc: R. Garafalo, “Reconciliation and Celebration: A Pastoral Case for General Absolution,” Worship 63 (1989): 447-456; R. Malone, “General Absolution and Pastoral Practice,” Chicago Studies (1985): 47-58; L.Orsy, “General Absolution: New Law, Old Tradition, Some Questions,” Theological Studies 45 (1984): 676-689.
[19] GL 962. Xem thêm Nghi thức Sám hối 6 và 33; Navarre, 612-613, số 962.
[20] GL 963. X. Navarre, 613, số 963.
[21] Bộ Giáo luật 1983 để cho Hội đồng Giám mục quyết định nơi thích hợp để xưng tội. Chẳng hạn, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đề xuất nên xây một nhà nguyện hoặc một phòng dành riêng cho việc cử hành bí tích Sám hối. Việc xưng tội trực tiếp hay kín đáo là tùy thuộc vào hối nhân chứ không phải cha giải tội.
[22] X. LG 26; PO 5, 13; SGLHTCG 1461-1467; Navarre, 614-615, các số 965-966. Theo định nghĩa, một giám mục đã là một linh mục được thụ phong. Do đó, nếu không đề cập đến giám mục là thừa tác viên của bí tích này, thì giáo luật cũng bao gồm cả ngài như vậy. Giám mục đã được coi là thừa tác viên hòa giải chính trong một giáo phận từ thời xa xưa.
[23] GL 967, GL 976, và GL 977. X. SGLHTCG 1462, 1463.
[24] GL 968. X. SGLHTCG 1462.
[25] GL 969. X. SGLHTCG 1462.
[26] GL 967-969. X. Navarre, 615-617, 967-969.
[27] GL 976 và GL 977. Hai điều luật này đề cập đến những trường hợp đặc biệt, khi hối nhân gặp cơn nguy tử, một linh mục có thể giải tội cho họ. Năng quyền này do chính luật ban cấp. Xem thêm SGLHTCG 1463.
[28] GL 986. X. SGLHTCG 1464.
[29] X. Navarre, 624 n. 986.
[30] GL 970.
[31] GL 973.
[32] GL 972. Giám mục giáo phận ban hành một sắc lệnh cho linh mục liệt kê các năng quyền của linh mục trong giáo phận đó. Năng quyền giải tội được nêu rõ trong sắc lệnh này. Xem thêm SGLHTCG 1462.
[33] GL 974. X. Navarre, 618-619, số 974.
[34] Cần nhớ rằng GL 982 yêu cầu công khai rút lại lời cáo gian về một cha giải tội vô tội. Cũng yêu cầu việc đền bù những thiệt hại. X. SGLHTCG 2487.
[35] GL 983. Cần lưu ý rằng GL 1388, §1 quy định cha giải tội nào trực tiếp vi phạm ấn tín tòa giải tội, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết. Việc tha vạ này được dành riêng cho Tòa thánh. X. SGLHTCG 1467, 2490, 2511.
[36] GL 984.
[37] GL 978.
[38] GL 979.
[39] GL 980. Xem thêm GL 213 và GL 843, §1, đề cập đến quyền lãnh nhận các bí tích của một người có ý hướng ngay lành. GL 987 mô tả thế nào là một hối nhân có thái độ tốt. Xem thêm SGLHTCG 1450-1460.
[40] X. SGLHTCG 1459-1460.
[41] GL 987. X. Nghi thức Sám hối 6-7; SGLHTCG 1450-1453; Navarre, 624-625, chú thích 987-988.
[42] GL 989. Quy định này song song với bổn phận trong mùa Phục sinh được nêu trong GL 920. X. SGLHTCG 1457, 2042.
[43] GL 988. X. Nghi thức Sám hối 7 và 34; SGLHTCG 1454-1458.
[44] GL 991.
Chủng sinh Giuse Phạm Thanh Tú chuyển ngữ từ
Msgr. Laurence J. Spiteri, JCD, PhD. Canon Law Explained: A Handbook for Laymen. Manchester: Sophia Institute Press, 2013.
Những tin cũ hơn