Giải thích giáo luật: Bí tích Xức dầu Bệnh nhân

Thứ ba - 19/12/2023 02:19  3245

Giải thích giáo luật: Bí tích Xức dầu Bệnh nhân

Thứ hai - 20/11/2023 07:10
 
GIẢI THÍCH GIÁO LUẬT
THỦ BẢN DÀNH CHO GIÁO DÂN

Canon Law Explained
A Handbook for Laymen
 
Msgr. Laurence J. Spiteri, JCD, PhD
Sophia Institute Press
Manchester, New Hampshire, 2013
 
BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Trước Công đồng Vatican II, bí tích Xức dầu Bệnh nhân (sacrament of the anointing of the sick) được coi như là bí tích Xức dầu Sau cùng (extreme unction). Đó là việc xức dầu cho một người trên bờ vực sự chết. Tâm lý và thực hành này đã kế thừa từ thời Trung Cổ.

Bí tích Xức dầu Bệnh nhân đã trải qua một số thay đổi như là kết quả của Công đồng Vatican II và các giáo huấn hậu công đồng. Chẳng hạn, Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium[1] và Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium[2] của Công đồng Vatican II, và đặc biệt là huấn thị về Bí tích Thánh Thể Eucharisticum Mysterium,[3] do Thánh bộ các Nghi lễ ban hành ngày 25 tháng 5 năm 1967, đã cố gắng phục hồi truyền thống Giáo hội lâu đời hơn trong đó việc xức dầu được ban cho một người đang trước nguy cơ sự chết hoặc bị suy yếu nghiêm trọng do tuổi già.[4]

Cũng có sự thay đổi về tên gọi từ bí tích Xức dầu Sau cùng (extreme unction) sang Xức dầu Bệnh nhân (anointing of the sick). Vì chỉ người sống mới có khả năng lãnh nhận bí tích, nên người chết không được xức dầu.[5] Hơn nữa, Của ăn đàng và không xức dầu được trình bày như bí tích cho người sắp chết.[6]

Các điều từ 998 đến 1007 được dành cho bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Chúng theo một phác thảo rõ ràng. Sau điều khoản giáo luật để giới thiệu,[7] chín điều luật còn lại được chia thành ba nhóm: Cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân,[8] Thừa tác viên Bí tích Xức dầu Bệnh nhân,[9] và những người được lãnh nhận Bí tích Xức dầu.[10] Ý nghĩa đầy đủ của những điều luật này chỉ được hiểu khi tham chiếu đến các luật phụng vụ ngoài Bộ Giáo luật 1983, nghĩa là trong sách Nghi thức Xức dầu.

Điều 998 đưa ra định nghĩa về việc xức dầu bệnh nhân. Ngay lập tức điều khoản này đặt bí tích vào trong lĩnh vực đức tin. Khi làm như thế, Bộ Giáo luật 1983 trung thành với những giáo huấn của Vatican II.[11]

Giáo luật điều 999 quy định ai có thể làm phép dầu dùng cho bí tích. Đó phải là dầu được giám mục giáo phận làm phép, hoặc người được đồng hóa với giám mục,[12] trong Thánh lễ Truyền Dầu hàng năm.[13] Trong trường hợp cần thiết, linh mục cử hành bí tích có thể làm phép dầu.[14] Giáo luật điều 1000 quy định rằng thừa tác viên nên tự tay xức dầu, sử dụng công thức bí tích cần thiết.[15] Chỉ một lần xức dầu là đủ, và không nhất thiết phải xức trên trán.[16] Điều 1001 quy định những người chăm sóc mục vụ cho người bệnh, những người điều trị bệnh nhân, và các thành viên trong gia đình lo liệu cho bệnh nhân được lãnh nhận bí tích.[17] Điều luật này trình bày việc cử hành trong bối cảnh một cộng đồng tín hữu.

Điều 1002 nói về chiều kích cộng đồng của bí tích trong đó một số người có thể được xức dầu trong cùng một cử hành. Cần lưu ý rằng những người bệnh, qua cơn bệnh của mình, sẽ trở thành một cộng đoàn cầu nguyện khi họ làm chứng cho nhau trong đức tin. Khi có số đông người cần xức dầu, nhiều linh mục có thể làm thừa tác viên bí tích.[18]

Điều 1003 nói đến thừa tác viên xức dầu.[19] Ngài phải thuộc phẩm trật tư tế (giám mục và linh mục).[20] Hơn nữa, mọi linh mục đều được phép mang theo dầu thánh bên mình để luôn có thể sử dụng được bất cứ khi nào cần ban bí tích.[21]

Các điều từ 1004 đến 1007 đề cập đến những người được lãnh nhận bí tích. Điều 1004 quy định rằng bất cứ tín hữu nào bị bệnh nặng và đã đến tuổi khôn[22] hoặc bị suy yếu trầm trọng do tuổi già đều có thể lãnh nhận bí tích.[23] Việc lập lại bí tích có thể được thực hiện khi người bệnh tái phát hoặc bệnh đến giai đoạn nghiêm trọng hơn.[24] Chỉ người nào mong muốn[25] lãnh nhận bí tích mới có thể được lãnh nhận nó.[26] Do đó, một tội nhân ngoan cố công khai và rõ ràng là không sám hối có thể không sẵn lòng lãnh nhận bí tích.[27] Để bí tích có hiệu lực, thì một ý định nền tảng mong muốn nhận được nó là cần thiết. Trong mọi trường hợp, ý định này nên được coi là của mọi người Công giáo đã được rửa tội, trừ khi được chứng minh ngược lại.

Cuối cùng, đây là một trong những bí tích có ý nghĩa đại kết. Trong một số điều kiện nhất định, một Kitô hữu không Công giáo có thể lãnh nhận bí tích Xức dầu Bệnh nhân từ một linh mục Công giáo.[28]
 

[1] Xem SC, số 73-75. “73. Bí tích Xức dầu Sau cùng” hay đúng hơn phải gọi là “bí tích Xức dầu Bệnh nhân” không phải là bí tích dành riêng cho những người hấp hối. Dĩ nhiên, thời gian thuận tiện để lãnh nhận bí tích này chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu. 74. Ngoài hai nghi thức tách biệt nhau là Xức dầu Bệnh nhân và trao Của Ăn Đàng, phải soạn thảo một bản nghi lễ liên tục, theo đó bệnh nhân sẽ được xức dầu sau khi xưng tội và trước khi nhận Của Ăn Đàng. 75. Số lần xức dầu sẽ tùy nghi thực hiện, và các lời nguyện đọc trong nghi thức xức dầu bệnh nhân phải được duyệt lại sao cho thích ứng với từng trường hợp của bệnh nhân khi nhận lãnh bí tích này”.
[2] Xem LG, số 11. “Qua bí tích Xức dầu Bệnh nhân và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác những người yếu đau cho Chúa, Đấng đã trải qua khổ nạn và đã hiển vinh, để Người nâng đỡ và cứu chữa họ (x. Gc 5,14-16), hơn nữa, Giáo Hội cũng khích lệ họ sẵn sàng kết hợp với cuộc thương khó và cái chết của Đức Ki-tô để mang lại thiện ích cho đoàn dân Chúa (x. Rm 8,17; Cl 1,24; 2 Tm 2,11-12; 1 Pr 4,13).
[3] Xem Eucharisticum Mysterium, 18.
[4] Đề nghị đọc: CLSA: Commentary, tr. 702-711; T. Green, “The Revision of Sacramental Law: Perspectives on the Sacraments Other Than Marriage,” SCa II (1977): tr. 261-269; C. Gusmer, “Liturgical Traditions of Christian Illness: Rites of the Sick,” Worship 46 (1972): tr. 528-543; C. Gusmer, And You Visited Me: Sacramental Ministry to the Sick and the Dying; University of Navarre, Code of Canon Law, Annotated, Scepter Publishing, 1993, tr. 628-632; Đức giáo hoàng Phaolô VI, Tông hiến Sacram unctionem infirmorumRite of Anointing and Pastoral Care of the Sick; Woestman, Sacraments; J. Ziegler, “Who Can Anoint the Sick?” Worship 61 (1987): tr. 25-44; J. Ziegler, Let Them Anoint the Sick; CCC tr. 1499-1523.
[5] Giáo luật điều 1005: “Phải ban bí tích này trong trường hợp hồ nghi bệnh nhân đã biết sử dụng trí khôn hay chưa, bệnh có hiểm nghèo hay không hoặc bệnh nhân đã chết hay chưa”. Cũng xem Rite of Anointing and Pastoral Care of the Sick 15, 35.
[6] Cũng xem GLHTCG, số 1524: “Đối với những người sắp lìa đời, ngoài bí tích Xức dầu Bệnh nhân, Hội Thánh còn ban bí tích Thánh Thể làm Của ăn đàng. Việc lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô, vào lúc sắp về với Chúa Cha, có một ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Đây là hạt giống của đời sống vĩnh cửu và là sức mạnh của sự phục sinh, theo lời Chúa nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Bí tích Thánh Thể, là bí tích của Đức Kitô đã chết và đã sống lại, giờ đây là bí tích của việc chuyển từ cõi chết đi vào cõi sống, từ trần gian này về với Chúa Cha”.
[7] Điều 998: “Qua bí tích Xức dầu Bệnh nhân, Giáo Hội phó thác những tín hữu bệnh tật hiểm nghèo cho Chúa chịu nạn và vinh quang để Người nâng đỡ và cứu chữa họ; bí tích này được ban bằng việc xức dầu trên bệnh nhân và đọc những lời đã được quy định trong sách phụng vụ”. Điều khoản Giáo luật này có nguồn từ Lumen Gentium 11. Cũng xem Navarre, 628, n. 998.
[8] Giáo luật điều 999-1002. Cũng xem Navarre, 628-630, các số 999, 1000, 1001, 1002.
[9] Giáo luật điều 1003: “§1. Tất cả mọi tư tế và chỉ có tư tế mới ban thành sự bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. §2. Tất cả mọi tư tế được ủy nhiệm coi sóc các linh hồn có bổn phận và có quyền ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho những tín hữu đã được ủy thác cho trách nhiệm mục vụ của mình; khi có một lý do hợp lý, bất cứ tư tế nào cũng có thể ban bí tích này với sự chấp thuận ít là được suy đoán của tư tế vừa được nói ở trên. §3. Bất cứ tư tế nào cũng được mang theo dầu đã được làm phép, để có thể ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân trong trường hợp cần thiết”. Cũng xem GLHTCG: “Chỉ có các tư tế (giám mục và linh mục) là thừa tác viên bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Các mục tử có trách nhiệm phải dạy cho các tín hữu về những ơn ích của bí tích này. Các tín hữu phải động viên bệnh nhân để mời tư tế đến ban bí tích. Các bệnh nhân phải chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận bí tích này, với sự trợ giúp của mục tử và toàn thể giáo xứ, những người được mời đến hỗ trợ bệnh nhân, một cách đặc biệt, bằng lời cầu nguyện và sự quan tâm huynh đệ”; Navarre, 630, số 1003.
[10] Giáo luật điều 1004-1007. Xem SC 73; GLHTCG 1514: “Xức Dầu Bệnh Nhân “không phải là bí tích chỉ dành cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thích hợp để lãnh nhận bí tích này là khi tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh tật hay già yếu”Navarre, 631-632.
[11] Xem SC 73; LG 11; và PO 5. Cũng xem Rite of Anointing 5 và 6; GLHTCG, số 1512-1514.
[12] Xem Điều 368 và 381, §2. Cũng xem Rite of Anointing 21; GLHTCG 1519, 1530.
[13] Xem Rite of Anointing 22.
[14] Xem ibid., 21b. Làm phép kiểu này là ngoại thường và không có nghĩa là một quy định.
[15] Rite of Anointing 23, 24. Công thức xức dầu trong Rite of Anointing 25. Cũng xem Điều 847, 1§; SC 75; GLHTCG, số 1513: “Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được ban cho những ai bệnh tật nguy kịch, bằng việc xức trên trán và trên hai bàn tay với dầu ô liu hoặc, tùy nghi, dầu thực vật khác, đã được làm phép đúng luật, và chỉ đọc một lần: ‘Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con, để Ngài giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa con và thương làm cho con thuyên giảm’”.
[16] Xem Rite of Anointing 21; Navarre, 629, n. 1000.
[17] Xem Rite of Anointing 13, 43. Cũng xem SC 73; Navarre, 629, n. 1001.
[18] Xem Rite of Anointing 17, 19, 83. Cũng xem GLHTCG, số 1517-1519: “1517. Cũng như mọi bí tích khác, bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là một cử hành phụng vụ có tính cộng đoàn, dù cử hành ở gia đình, ở bệnh viện hay ở nhà thờ, cho một hay một nhóm bệnh nhân. Rất nên cử hành bí tích này trong thánh lễ, là cuộc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa. Nếu hoàn cảnh cho phép, có thể cử hành bí tích Thống Hối trước khi ban bí tích Xức Dầu, và tiếp đó là bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể, là bí tích của cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô, luôn luôn phải là bí tích cuối cùng của cuộc lữ hành trần thế, là “Của ăn đàng” cho việc “bước qua” đời sống vĩnh cửu”; Navarre, 629-630, n. 1002.
[19] Xem Rite of Anointing, số 16-18. Cũng xem Navarre, 630-631, n. 1003.
[20] Xem Rite of Anointing, số 16.
[21] Xem GLHTCG, số 1516: “Chỉ có các tư tế (giám mục và linh mục) là thừa tác viên bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Các mục tử có trách nhiệm phải dạy cho các tín hữu về những ơn ích của bí tích này. Các tín hữu phải động viên bệnh nhân để mời tư tế đến ban bí tích. Các bệnh nhân phải chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận bí tích này, với sự trợ giúp của mục tử và toàn thể giáo xứ, những người được mời đến hỗ trợ bệnh nhân, một cách đặc biệt, bằng lời cầu nguyện và sự quan tâm huynh đệ”.
[22] Điều 11 quy định tuổi khôn là 7 tuổi: “Những người đã được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo hay những người đã được được nhận vào Giáo Hội Công giáo và là những người đã sử dụng đủ trí khôn và, nếu luật không minh nhiên dự liệu cách khác, đã được bảy tuổi trọn, buộc phải giữ những luật thuần túy Giáo Hội”.  
[23] Xem Navarre, 631, n. 1004.
[24] Xem Rite of Anointing 8-12. Cũng xem SC 73; GLHTCG, số 1514-1515: “1514. Xức Dầu Bệnh Nhân “không phải là bí tích chỉ dành cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thích hợp để lãnh nhận bí tích này là khi tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh tật hay già yếu”.1515. Nếu bệnh nhân đã lãnh bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân và được hồi phục, rồi sau đó trở bệnh nặng, thì có thể lãnh bí tích này lần nữa. Trong cùng một cơn bệnh kéo dài, bí tích này có thể được tái ban nếu cơn bệnh trở nên trầm trọng hơn. Trước khi chịu một cuộc giải phẫu quan trọng, tín hữu nên lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Cũng vậy, người lớn tuổi cũng nên lãnh nhận khi sức lực họ suy yếu dần”.
[25] Ý muốn này có thể biểu lộ cách minh nhiên hay mặc nhiên.
[26] Điều 1006: “Phải ban bí tích này cho các bệnh nhân nào đã xin nhận lãnh ít là cách mặc nhiên, lúc họ còn tỉnh táo”. Cũng xem Rite of Anointing 14.
[27] Điều 1007: “Không được ban bí tích xức Dầu Bệnh Nhân cho những người cố chấp sống trong tội trọng công khai”. Xem GLHTCG, số 1517.
[28] Điều 844, §§3-4. Xem GLHTCG, số 1399, 1401.
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm119
  • Hôm nay18,703
  • Tháng hiện tại673,217
  • Tổng lượt truy cập52,842,165

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây