Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 1. HỠI KITÔ HỮU, HÃY NHẬN BIẾT PHẨM GIÁ CỦA BẠN, bài 2. NỀN TẢNG và bài 3. MỤC ĐÍCH

Thứ hai - 13/11/2017 05:09  1957
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

Bài 1. HỠI KITÔ HỮU, HÃY NHẬN BIẾT PHẨM GIÁ CỦA BẠN
Phần thứ ba của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) bàn về luân lý Kitô giáo. Ngày nay công luận thường gắn kết từ ngữ “luân lý Kitô giáo” với những chuyện bị cho là lỗi thời, cổ giả, chật hẹp, thiếu thực tế, vô bổ. Cách riêng là những cấm đoán liên quan đến điều răn thứ sáu. Những người rời bỏ Giáo hội thường viện dẫn lý do là không thể chấp nhận những ý niệm trong luân lý Kitô giáo. Đặc biệt trong số các bạn trẻ, nhiều người coi thường nền luân lý này, hoặc đúng hơn, cái mà họ tưởng là luân lý Kitô giáo.
Vậy phải chăng luân lý Kitô giáo là cái người ta vẫn nghe qua các phương tiện truyền thông và công luận? Điều được gọi là “luật sống” mà Đức Kitô ban bố cho các môn đệ và chúng ta được mời gọi sống theo đó, điều đó thật sự là gì? Nhiều bậc phụ huynh tự đặt ra câu hỏi này khi cố gắng giới thiệu cho con cái mình đời sống phù hợp với đức tin. Với tất cả những ai tuyên xưng đức tin, câu hỏi khẩn thiết này lại được đặt ra lúc này lúc khác: Sống đời sống đức tin, đời sống Kitô ngày nay thật sự là gì?
Sách Giáo Lý chỉ cung cấp câu trả lời gián tiếp. Mục đích chính của Sách Giáo Lý là trình bày những giáo huấn của đức tin Kitô giáo cách hệ thống (số 18), nhờ đó giúp đào sâu sự hiểu biết đức tin (số 23). Hàm chứa trong giáo huấn này là sự hiểu biết chính xác hơn về luân lý Kitô giáo, nền luân lý vốn thường bị hiểu lầm và vì thế bị gạt bỏ chỉ vì thiếu hiểu biết. Sự hiểu biết tốt hơn và sâu hơn có thể giúp cho người ta đón nhận lối sống Kitô và trân trọng hơn.
Tuy nhiên trước khi bàn đến lối sống này, cần phải thấy được điều này: Luân lý Kitô giáo được khám phá trước hết không phải bằng kiến thức và lý trí, cho dù điều này quan trọng, nhưng chủ yếu là qua việc bước theo Đức Kitô cách cụ thể. Những ai đặt chân trên “con đường của Đức Kitô” (GLHTCG số 1696), những ai nhờ ân sủng cố gắng sống đời sống “xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô” (số 1692), những người đó sẽ khám phá ý nghĩa những điều răn của Thiên Chúa cách hoàn toàn mới mẻ, tức là những nẻo đường dẫn đến sự sống và cuộc đời hạnh phúc.

Bài 2. NỀN TẢNG
“Hỡi Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của bạn”. Sách Giáo Lý bắt đầu phần thứ ba về luân lý Kitô giáo bằng lời hiệu triệu của Thánh Giáo hoàng Lêô Cả (440-461), lời hiệu triệu có thể tóm tắt trong một câu khác, cũng là của Thánh Lêô Cả: Đừng sống dưới mức phẩm giá của mình.
Phẩm giá con người là từ chìa khóa trong những thảo luận ngày nay về luân lý, đạo đức, và triết học luân lý. Nhân quyền hoàn toàn và tuyệt đối dựa vào sự tôn trọng phẩm giá. Vậy, phẩm giá con người, cách riêng phẩm giá Kitô hữu, hệ tại ở cái gì?
Câu trả lời tùy thuộc vào hình ảnh, quan niệm của người ta về con người. Trả lời cho câu hỏi “Con người là ai?” sẽ xác định tầm nhìn về phẩm giá, cũng như cái làm nên luân lý, đạo đức. Do đó câu hỏi về hình ảnh con người là câu hỏi nền tảng của luân lý.
“Nhưng con người là gì? Con người đã và đang còn đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái nghịch nhau. Thông thường, con người hoặc tự tôn vinh mình như một chuẩn mực tuyệt đối hoặc tự khinh bỉ đến độ tuyệt vọng, từ đó dẫn đến hoài nghi và lo lắng”. Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, một văn kiện quan trọng của Công đồng về luân lý, nói như thế (MV số 12).
Văn kiện cho thấy sự khác biệt rất lớn trong cách nhìn về con người. Hoặc con người được nhìn theo góc độ thuần túy duy vật, chỉ đơn thuần là một sản phẩm của tiến hóa, của tiến trình vật chất trong vũ trụ. Hoặc con người được nhìn cách bí nhiệm, theo nghĩa của phái Ngộ đạo đang phổ biến ngày nay, được coi như “một phần của Thiên Chúa”, “một cái Ngã thần thánh”. Hoặc con người được nhìn theo ý nghĩa của Kinh Thánh và mặc khải, được trân trọng như thụ tạo của Thiên Chúa, “thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa tạo dựng vì chính nó” (MV số 24).
Thế nhưng làm sao chúng ta biết được con người thật sự là gì? Một đàng chúng ta tin rằng lý trí con người có thể khám phá câu trả lời nào đó, đàng khác, ánh sáng của lý trí không đủ. Chỉ có ánh sáng của mặc khải mới đưa ra câu trả lời vững chắc. Mặc khải cho chúng ta biết về con người vì mặc khải nhìn con người như một thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Khẳng định nền tảng xuất hiện ngay ở trang đầu của Sách Thánh: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta, như họa ảnh của chúng ta” (St 1,26). Khẳng định này dẫn đến những hệ quả vô cùng lớn lao. Đây chính là nền tảng của phẩm giá con người. “Theo hình ảnh của Thiên Chúa” có nghĩa gì?
Trước hết, mỗi người đều có phẩm giá độc đáo, không thể hủy diệt, được Thiên Chúa tạo dựng, “có thể nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa”, do đó “có khả năng để hiểu biết trật tự muôn loài do Đấng Tạo Hóa thiết lập” (GLHTCG 1704). Sự biểu lộ đặc biệt hình ảnh thần linh nơi con người là ý chí tự do (số 1705). Tuy nhiên “hình ảnh của Thiên Chúa” cũng có nghĩa là con người không có tất cả những ưu điểm trên (lý trí, ý chí, tự do) do chính nó, con người không hoàn toàn tự lập và không thể là lề luật cho chính mình. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa không làm cho con người mất tự do, nhưng đúng hơn, chính nhờ đó mà con người được tự do đích thực. Chúng ta đón nhận mọi sự từ Thiên Chúa: tự do, năng lực, và chính hiện hữu của mình.
Là “hình ảnh của Thiên Chúa” còn có nghĩa: cũng như Thiên Chúa không đơn độc nhưng là sự hiệp nhất của Ba Ngôi, thì con người cũng không đơn độc, con người được tạo dựng có nam có nữ, như những hữu thể sống hiệp thông (GLHTCG 1702).
Cuối cùng, nền tảng trong cách nhìn của Kitô giáo về con người còn là sự nhận biết về thảm kịch của tội, của sự dữ, đã có mặt “ngay từ đầu lịch sử” (số 1707). Vì thế, con đường mà con người bước đi là cả một cuộc chiến suốt đời giữa cái thiện và cái ác, làm điều thiện và tránh điều ác. Cũng vì thế, chiến đấu nhằm hướng tới một cuộc sống xứng với phẩm giá là đề tài lớn của Kitô giáo về cuộc đời.

Bài 3. MỤC ĐÍCH
Có bảng quảng cáo xe hơi viết: “Đường đi là mục đích”. Dĩ nhiên là không đúng. Người lái xe mà không có mục đích thì không biết đi đường nào nhưng chỉ chạy lòng vòng. Chỉ có thể nói về “đường đi” đúng nghĩa khi có một định hướng rõ ràng, nghĩa là có mục đích.
Vậy, mục đích đời người là gì? Câu hỏi thật quan trọng, chẳng khác gì câu hỏi về nền tảng đã trình bày trong bài trước. Mục đích xác định đường đi. Người ta chọn đường đi để hướng đến mục đích, nhanh nhất và an toàn nhất.
Thế nhưng liệu có một mục đích chung cho tất cả mọi người không? Lại chẳng phải mỗi người đều có mục đích riêng của họ và cố gắng vươn tới hay sao? Đúng vậy, nhưng có một mục đích chung mà mọi người đều hướng tới: Hạnh Phúc. Thánh Augustinô nói: “Không phải một mình tôi hoặc một số người gần gũi tôi, nhưng tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc” (Tự Thuật, 10,21). Người ta có thể tìm kiếm hạnh phúc bằng nhiều cách, nơi nhiều việc, nhưng đều là kiếm tìm hạnh phúc.
Chính vì thế, “luân lý” từng được quan niệm như học thuyết về hạnh phúc đích thực, như nẻo đường dẫn đến đời sống hạnh phúc. Khao khát hạnh phúc là ước vọng bẩm sinh mà Thiên Chúa đã đặt vào trái tim con người (GLHTCG 1718). Thiên Chúa là Đấng hạnh phúc sung mãn, và khi tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, Thiên Chúa muốn cho con người được chia sẻ hạnh phúc sung mãn của Ngài (số 1). Vì thế, những điều răn của Thiên Chúa không có mặt để hủy diệt niềm vui cuộc sống, nhưng là để chỉ vẽ nẻo đường đi về hạnh phúc.
Ngày nay người ta có thể đưa ra nhiều phê phán đối với quan niệm này. Theo kinh nghiệm cụ thể, chẳng phải là chúng ta phải làm nhiều việc đối nghịch với sở thích của mình sao? Từ hôn nhân, gia đình, đến những bổn phận nghề nghiệp, có nhiều thứ chẳng liên hệ gì đến ước mong riêng tư của chúng ta. Khi còn nhỏ cũng như đến tuổi thanh niên, lúc nào cũng nghe nói đến những cấm đoán, cấm làm cái này, cấm làm cái kia. Mà kể cả khi chúng ta làm điều tốt cho người khác đi nữa, chẳng phải là mình làm để cho bản thân hạnh phúc chứ có phải làm vì ích lợi của người khác đâu! Nếu thế, phải chăng tìm kiếm hạnh phúc chỉ là một hình thái của ích kỷ? Làm việc gì đó không phải vì tự thân việc đó là tốt, nhưng chỉ vì nó đem lại cho mình hạnh phúc? Các triết gia về đạo đức học vẫn cứ tranh luận mãi về chuyện này.
Quay về với thực tế, cuộc sống dạy chúng ta điều này: Không phải bất cứ điều gì chúng ta thích đều dẫn đến hạnh phúc (thử nhìn kỹ chuyện nghiện rượu hoặc ma túy xem). Ngược lại, không phải tất cả những gì chúng ta không thích đều dẫn đến bất hạnh (trẻ nhỏ có thích đến trường đâu).
Bài Giảng Trên Núi của Đức Giêsu là bản chỉ đường vĩ đại cho đời sống hạnh phúc. Tám mối phúc (Mt 5,3-12) giới thiệu những con đường làm cho con người trở thành người “được chúc phúc”, dẫn họ đến hạnh phúc thật chứ không chỉ là niềm vui thoáng qua. Những hoàn cảnh và thái độ vốn bị coi là bất hạnh nếu đứng từ quan điểm thế gian, lại được Đức Giêsu công bố là nẻo đường hạnh phúc: tinh thần nghèo khó, hiền hòa, xây dựng hòa bình, chịu bách hại vì lẽ công chính, chịu sỉ nhục vì Đức Giêsu.

Hạnh phúc mà mọi người đều mong muốn đã được cụ thể hóa nơi một dung mạo và mang một tên gọi: Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, Đấng “đã biểu lộ cho con người cách rất đầy đủ về chính họ và họ thấy ơn gọi rất cao cả của họ” (GLHTCG 1710). Kinh nghiệm sống của biết bao Kitô hữu làm chứng rằng sống theo Bài Giảng Trên Núi, dù cuộc sống vẫn đầy khổ đau và ưu phiền, sẽ dẫn đến hạnh phúc sung mãn và vĩnh cửu.
 
( Còn tiếp )
 
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần I và Phần II
 
(file pdf, 86 trang A4, 974 KB)
 
Nguồn: hdgmvietnam.com
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập146
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm115
  • Hôm nay16,678
  • Tháng hiện tại671,192
  • Tổng lượt truy cập52,840,140

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây