SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - CHƯƠNG BA: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA
- CAPUT TERTIUM HOMO DEO RESPONDET
142. Qua mạc khải, “Thiên Chúa vô hình, do tình thương chan hoà của Ngài, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và liên lạc với họ để mời gọi họ và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài”[1]. Đức tin là sự đáp lại thích đáng đối với lời mời gọi ấy.
143. Bằng đức tin, con người đem trí khôn và ýchí của mình quy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn. Con người đặt trọn bản thân quy thuận Thiên Chúa, Đấng mạc khải[2]. Thánh Kinh gọi việc đáp lại này của con người đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải, là “sự vâng phục của đức tin”[3].
Mục 1
Tôi tin
Articulus 1
Credo
I. SỰ VÂNG PHỤC CỦA ĐỨC TIN - DE FIDEI OBOEDIENTIA
144. Vâng phục (ob-audire: nghe, lắng nghe) bằng đức tin là tự nguyện quy thuận lời đã nghe, bởi vì chân lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân Lý, bảo đảm. Thánh Kinh trưng dẫn tổ phụ Abraham như gương mẫu của sự vâng phục đó. Còn Đức Trinh Nữ Maria là người thể hiện sự vâng phục đó cách hoàn hảo.
Ông Abraham – “tổ phụ của tất cả những người tin”
145. Thư gửi tín hữu Do thái, trong bài tán dương đức tin của các bậc tổ tiên, đã đặc biệt nhấn mạnh đến đức tin của ông Abraham: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8)[4]. Nhờ đức tin, ông đã sống như kẻ mới nhập cư và người lữ hành trong Đất hứa[5]. Nhờ đức tin, bà Sara đã thụ thai người con của lời hứa. Cuối cùng, nhờ đức tin, ông Abraham đã dâng hiến con một mình làm hy lễ[6].
146. Như vậy, ông Abraham đã thực hiện điều Thư gửi tín hữu Do thái định nghĩa về đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều hy vọng, là bằng chứng của những điều ta không thấy” (Dt 11,1). “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” (Rm 4,3)[7]. “Nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh” (Rm 4,20), ông Abraham trở thành “tổ phụ của tất cả những người tin” (Rm 4,11.18)[8].
147. Cựu Ước rất phong phú về các chứng từ của đức tin ấy.Thư gửi tín hữu Do thái tán tụng đức tin gương mẫu, “nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11,2.39). Tuy nhiên, “Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn”: đó là ơn được tin vào Con của Ngài, là “Chúa Giêsu, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 11,40; 12,2).
Đức Maria – “Phúc thay người đã tin”
148. ĐứcTrinh Nữ Maria thể hiện cách trọn hảo sự vâng phục của đức tin. Trong đức tin, Đức Maria đón nhận lời sứ thần Gabriel loan báo và đoan hứa, vì ngài tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37)[9], và ngài bày tỏ lòng quy phục: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Bà Êlisabét chào Đức Maria bằng những lời này: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45). Chính vì đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc[10].
149. Trong suốt cuộc đời của Đức Maria, và cho đến cuộc thử thách tột bậc[11], khi Chúa Giêsu Con ngài chết trên thập giá, đức tin của ngài đã không hề lay chuyển. Đức Maria không ngừng tin rằng lời Chúa sẽ “được thực hiện”. Vì vậy Hội Thánh tôn kính Đức Maria là người đã thể hiện đức tin một cách tinh tuyền nhất.
II. “TÔI BIẾT TÔI ĐÃ TIN VÀO AI” (2 Tm 1,12) - “SCIO ENIM CUI CREDIDI”
Tin vào một mình Thiên Chúa
150. Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời và không thể tách biệt, là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý được Thiên Chúa mạc khải. Bởi vừa là gắn bó bản thân với Thiên Chúa, vừa là chấp nhận chân lý do Thiên Chúa mạc khải, nên đức tin Kitô giáo khác với việc tin một người phàm. Thật là tốt đẹp và phải đạo khi hoàn toàn tin tưởng ở Thiên Chúa và tuyệt đối tin điều Ngài đã nói. Thật vô ích và lầm lạc khi đặt một niềm tin như vậy vào một thụ tạo[12].
Tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa
151. Đối với Kitô hữu, tin vào Thiên Chúa không thể tách rời khỏi việc tin vào Đấng Ngài đã sai đến, tức là Con chí ái của Ngài, đẹp lòng Ngài mọi đàng[13]. Thiên Chúa đã dạy chúng ta phải nghe lời Con của Ngài[14]. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,l). Chúng ta có thể tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì chính Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Bởi vì Người “đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,46), nên chỉ một mình Người biết Chúa Cha và có thẩm quyền mạc khải Chúa Cha cho chúng ta[15].
Tin vào Chúa Thánh Thần
152. Không thể tin vào Chúa Giêsu Kitô mà không thông phần vào Thần Khí của Người. Chính Chúa Thánh Thần mạc khải cho loài người biết Chúa Giêsu là ai. “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (l Cr 12,3). “Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.... Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2,10-11). Chỉ mình Thiên Chúa mới biết một cách trọn vẹn về Thiên Chúa. Chúng ta tin vào Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Thiên Chúa.
Hội Thánh không ngừng tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
III. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA ĐỨC TIN - DE PROPRIETATIBUS FIDEI
Đức tin là một ân sủng
153. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu nói với ông rằng không phải huyết nhục mạc khải cho ông điều ấy, nhưng là Cha của Người, “Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17)[16]. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban. “Để có được đức tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho ‘mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý’”[17].
Đức tin là một hành vi nhân linh
154. Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và những trợ giúp nội tâm của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, tin vẫn thật sự là một hành vi nhân linh. Tin vào Thiên Chúa và gắn bó với những chân lý do Ngài mạc khải không đi ngược với tự do và trí khôn con người. Ngay trong các giao tiếp giữa người với người, không có gì đi ngược với phẩm giá của chúng ta khi chúng ta tin những gì người khác nói về bản thân họ hoặc ý định của họ, và khi tin vào những lời hứa của họ (chẳng hạn những cam kết hôn nhân), và như vậy con người có thể hiệp thông với nhau. Do đó, càng không có gì đi ngược với phẩm giá của chúng ta, khi chúng ta “bằng đức tin, dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí”[18], và như vậy, chúng ta được hiệp thông thân mật với Ngài.
155. Trong đức tin, lý trí và ý chí con người cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa: “Tin là một hành vi của lý trí chấp nhận chân lý của Thiên Chúa theo lệnh của ý chí được Thiên Chúa tác động nhờ ân sủng”[19].
Đức tin và lý trí
156. Động lực khiến chúng ta tin không phải là vì các chân lý được mạc khải tỏ hiện là xác thật và có thể hiểu được đối với ánh sáng của lý trí tự nhiên của chúng ta. Chúng ta tin “vì uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mạc khải, Đấng không thể sai lầm cũng như không thể lừa dối chúng ta”[20]. “Tuy nhiên, để đức tin của chúng ta ‘quy phục phù hợp với lý trí’, Thiên Chúa đã muốn có những bằng chứng bên ngoài về mạc khải của Ngài kèm theo sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần”[21]. Chẳng hạn, các phép lạ của Đức Kitô và của các Thánh[22],các lời tiên tri, sự phát triển và thánh thiện cũng như sự phong phú và vững bền của Hội Thánh, đó “là những dấu chỉ chắc chắn nhất của mạc khải của Thiên Chúa, những dấu chỉ đó phù hợp với lý trí của mọi người”[23], đó là những động lực khiến chúng ta tin, những động lực đó cho thấy “sự ưng thuận của đức tin hoàn toàn không phải là một hành vi mù quáng của tâm trí”[24].
157. Đức tin thì chắc chắn, chắc chắn hơn mọi hiểu biết phàm nhân, bởi vì đức tin dựa trên chính Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể nói dối. Các chân lý được mạc khải có thể bị coi là tối tăm đối với cả lý trí lẫn kinh nghiệm phàm nhân, nhưng “sự chắc chắn nhờ ánh sáng của Thiên Chúa thì lớn hơn sự chắc chắn nhờ ánh sáng của lý trí tự nhiên”[25]. “Mười ngàn nỗi khó khăn không làm thành một sự hồ nghi”[26].
158. “Đức tin tìm hiểu biết”[27]: gắn liền với đức tin là việc người tin muốn biết rõ hơn về Đấng mình đã tin và hiểu rõ hơn về điều Ngài đã mạc khải; về phần mình, một hiểu biết sâu xa hơn sẽ dẫn đến một đức tin lớn lao hơn, luôn thấm đượm tình yêu hơn. Ơn đức tin mở “con mắt của trái tim” (Ep 1,18) để có một hiểu biết sống động về các nội dung của mạc khải, nghĩa là về toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa và các mầu nhiệm đức tin, tương quan giữa các mầu nhiệm với nhau và với Đức Kitô, tâm điểm của các mầu nhiệm được mạc khải. “Và để người ta hiểu biết mạc khải sâu xa thêm mãi…, Chúa Thánh Thần không ngừng ban các hồng ân mà kiện toàn đức tin”[28]. Đúng như câu châm ngôn của thánh Augustinô: “Bạn hãy hiểu để tin; bạn hãy tin để hiểu”[29].
159. Đức tin và khoa học. “Mặc dù đức tin vượt trên lý trí, nhưng không bao giờ có thể có mâu thuẫn thật sự giữa đức tin và lý trí: vì cùng một Thiên Chúa, Đấng mạc khải các mầu nhiệm và tuôn đổ đức tin, cũng là Đấng ban ánh sáng lý trí cho tâm hồn con người, mà Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình Ngài, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật”[30]. “Bởi vậy, việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu được tiến hành một cách thật sự khoa học và theo đúng các chuẩn mực luân lý, sẽ không bao giờ thật sự đối nghịch với đức tin, bởi vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều có nguồn gốc là bởi cùng một Thiên Chúa. Hơn nữa, ai khiêm tốn và kiên nhẫn cố gắng nghiên cứu những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù họ không ý thức, họ vẫn như được dẫn đưa bởi bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đang nâng đỡ vạn vật, Ngài làm cho hiện hữu những gì đang hiện hữu”[31].
Đức tin là một hành vi tự do
160. Để việc đáp lại của đức tin là một hành vi nhân linh, “con người phải đáp lại Thiên Chúa bằng việc tin một cách tự nguyện. Do đó, không được cưỡng ép ai phải chấp nhận đức tin trái với ý muốn của họ. Thật vậy, tự bản chất của nó, đức tin là một hành vi tự nguyện”[32]. “Thiên Chúa mời gọi con người phục vụ Ngài trong tinh thần và chân lý; con người phải theo lương tâm đáp lại lời mời gọi ấy, nhưng không bị ép buộc…. Điều này ta thấy rõ ràng nhất nơi Đức Kitô”[33]. Thật vậy, Đức Kitô mời gọi người ta tin và hối cải, nhưng Người không hề cưỡng ép ai. “Người đã làm chứng cho chân lý, nhưng không muốn dùng sức mạnh để áp đặt chân lý đối với những kẻ chống đối. Nước Người … tăng triển bằng tình yêu, tình yêu đó là Đức Kitô đã chịu giương cao trên thập giá để lôi kéo người ta đến với mình”[34].
Sự cần thiết của đức tin
161. Tin vào Chúa Giêsu Kitô và Đấng đã sai Người đến cứu độ chúng ta, là điều cần thiết để đạt được ơn cứu độ đó.[35]“Mà ‘không có đức tin, thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa’ (Dt 11,6) và cũng không thể đạt tới chức vị làm con cái Thiên Chúa, nên không ai được công chính hóa nếu không có đức tin, và không ai đạt tới cuộc sống muôn đời nếu không ‘bền chí đến cùng’ (Mt 10,22; 24,13) trong đức tin”[36].
Sự kiên trì trong đức tin
162. Đức tin là một hồng ân nhưng không, Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta có thể đánh mất hồng ân vô giá đó. Thánh Phaolô cảnh giác ông Timôthê về nguy cơ này: “Đây là chỉ thị tôi trao cho anh … để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng. Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của họ đã bị chết chìm” (1 Tm 1,18-19). Để sống, lớn lên và kiên trì đến cùng trong đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Thiên Chúa; chúng ta phải cầu xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng ta[37]; đức tin ấy phải hành động “nhờ đức mến” (Gl 5, 6)[38], phải được nâng đỡ bằng đức cậy[39] và phải đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh.
Đức tin – khởi đầu của sự sống muôn đời
163. Đức tin làm cho chúng ta như được nếm trước niềm hoan lạc và ánh sáng của ơn hưởng kiến hồng phúc (visio beatifica), ơn đó là mục đích của cuộc lữ hành trần gian này của chúng ta. Lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12), và “Ngài thế nào chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy” (1 Ga 3,2). Vì vậy đức tin đã là khởi đầu của sự sống muôn đời:
“Khi chúng ta chiêm ngưỡng, như nhìn trong gương, ân sủng là những điều thiện hảo còn xa vời được hứa ban cho chúng ta, mà nhờ đức tin chúng ta mong chờ được hưởng, thì y như những điều đó đã có đây rồi”[40].
164. Tuy nhiên, hiện giờ chúng ta “tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa” (2 Cr 5,7), và chúng ta nhận biết Thiên Chúa “lờ mờ như trong một tấm gương, có ngần, có hạn” (1 Cr 13,12). Mặc dù đức tin sáng tỏ nhờ Đấng chúng ta tin, nhưng đời sống đức tin lại thường tối tăm. Đức tin có thể bị thử thách. Trần gian mà chúng ta đang sống thường được coi như xa vời với những gì đức tin tuyên xưng; những kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ, về những bất công và cái chết, dường như mâu thuẫn với Tin Mừng; những điều đó có thể làm cho đức tin bị nao núng và trở thành một cám dỗ đối với đức tin.
165. Chính lúc đó chúng ta phải hướng về các nhân chứng đức tin: về ông Abraham, là người “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18); về Đức Trinh Nữ Maria, là người, “trong cuộc lữ hành đức tin”[41], đã tiến đến tận “đêm tối của đức tin”[42] khi tham dự vào đêm tối là cuộc khổ hình thập giá của Con ngài, và đêm tối là phần mộ của Người[43]; và chúng ta phải hướng về biết bao nhiêu nhân chứng đức tin khác nữa: “Được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Chúa Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,1-2).
[1]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 2: AAS 58 (1966) 818.
[2]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 5: AAS 58 (1966) 819.
[3]X. Rm l,5; 16,26.
[4]X. St 12,1-4.
[5]X. St 23,4.
[6]X. Dt 11,17.
[7]X. St 15,6.
[8]X. St 15,5.
[9]X. St 18,14.
[10]X. Lc 1,48.
[11]X. Lc 2,35.
[12]X. Gr 17,5-6; Tv 40,5; 146,3-4.
[13]X. Mc 1,11.
[14]X. Mc 9,7.
[15]X. Mt 11,27.
[16]X. Gl 1,15-16; Mt 11,25.
[17]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 5: AAS 58 (1966) 819.
[18]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3008.
[19]Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 2, a. 9, c: Ed. Leon. 8, 37; x. CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3010.
[20]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3008.
[21]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3009.
[22]X. Mc 16,20; Dt 2,4.
[23]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3009.
[24]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3010.
[25]Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 171, a.5, 3um: Ed. Leon. 10, 373.
[26]John Henry Newman, Apologia pro vitasua, c. 5, Ed. M.J. Svaglic (Oxford 1967) 210.
[27]Thánh Anselmô, Proslogion, Prooemium: Opera omnia, ed. F.S. Schmitt, v. 1 (Edinburghi 1946) 94.
[28]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 5: AAS 58 (1966) 819.
[29]Thánh Augustinô, Sermo, 43, 7, 9: CCL 41, 512 (PL 38, 258).
[30]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 4: DS 3017.
[31]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966) 1054.
[32]CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 10: AAS 58 (1966) 936; X. Bộ Giáo Luật, điều 748, 2.
[33]CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 11: AAS 58 (1966) 936.
[34]CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 11: AAS 58 (1966) 937.
[35]X. Mc 16,16; Ga 3,36; 6,40.
[36]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3012; x. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 8: DS 1532.
[37]X. Mc 9,24; Lc 17,5; 22,32.
[38]X. Gc 2,14-26.
[39]X. Rm 15,13.
[40]Thánh Basiliô Cả, Liber de Spiritu Sancto, 15, 36: SC 17bis, 370 (PG 32,132); x. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 4, a. 1, c: Ed. Leon. 8, 44.
[41]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 58: AAS 57 (1965) 61.
[42]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, 17: AAS 79 (1987) 381.
[43]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, 18: AAS 79 (1987) 382-383.
Nguồn: giaolyductin.net