HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 4. TỰ DO
Thật quý giá và tuyệt vời biết bao hai tiếng “tự do”. Lại càng thấm thía hơn khi bị mất tự do. Tôi sẽ không bao giờ quên cuộc gặp gỡ một gia đình Việt Nam di tản. Là “thuyền nhân”, họ phải rời bỏ quê hương, đối diện với biết bao đe dọa: cướp biển, bão tố, công an biên phòng, đói khát… tất cả chỉ để được một điều duy nhất: tự do.
Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, đặc tính lớn nhất nơi con người là tự do. Tự do của con người phản ánh tự do của Thiên Chúa (GLHTCG 1730). Nhưng tự do nào? Sách Giáo Lý viết: “Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động hay không hành động, làm việc này hoặc làm việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức trách nhiệm” (số 1731).
Khi nào khả năng này vắng mặt hoặc chỉ có mặt cách giới hạn, thì cũng không có trách nhiệm luân lý kèm theo. Một đứa bé hoặc một người bị tâm thần không hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của họ, vì họ không thể làm chủ hành vi của mình một cách có trách nhiệm (số 1734). Những hoàn cảnh bên trong và bên ngoài có thể làm giảm thiểu tự do (ví dụ, sự sợ hãi, áp lực xã hội, thiếu hiểu biết). Do đó, việc quy tội cũng giảm đi (số 1735).
Vậy, tự do hệ tại ở cái gì? Có hai sự hiểu lầm cần được làm sáng tỏ. Thứ nhất, chúng ta thường tin rằng càng có nhiều khả thể để lựa chọn thì càng có tự do hơn. Thật ra, không hẳn là thế. Tự do được thể hiện theo mức độ tôi chọn làm điều đúng đắn, điều tốt ở chính nó và tốt cho tôi. Một bạn trẻ quyết định bỏ chuyến đi nghỉ hè đầy hấp dẫn, thay vào đó tham gia một trại hè để giúp người khuyết tật. Nhìn bên ngoài, xem ra anh ta bị mất tự do, nhưng thật ra anh đã thể hiện sự tự do đích thực khi tự nguyện dấn thân làm điều tốt. Tự do được lớn lên và phát triển qua những quyết định làm điều tốt (số 1733).
Trong thời đại chúng ta, có sự hiểu lầm sâu xa về tự do khi tin rằng tự do hệ tại ở chỗ tự mình quyết định mọi sự, không bị giới hạn, vô điều kiện, ngoại trừ những giới hạn từ bên ngoài do luật pháp (số 1740). Trong thực tế, phải hiểu ngược lại: chúng ta càng làm điều tốt và thực hành các nhân đức thì càng trở thành những con người tự do. Tất cả mọi người đều biết rằng những mối nguy hiểm đe dọa tự do không chỉ đến từ bên ngoài, nhưng từ bên trong chính bản thân mình. Thật dễ dàng để lạm dụng tự do, lấy tự do ra để biện hộ cho sự ích kỷ, thiếu bác ái, sống buông thả.
Sự hiểu lầm thứ hai là: đúng là chúng ta được tự do để chọn điều tốt hay điều xấu, nhưng việc chọn lựa này không phải là không có những hậu quả cho tự do. Người nghiện rượu không thật sự tự do khi chọn lựa, sự nghiện ngập đã lôi kéo anh ta đến điều mà anh cũng nhìn nhận là có hại. Nếu anh ta cương quyết xa tránh rượu chè thì đó chính là sự giải phóng (làm cho anh thành tự do). Anh trở thành con người tự do qua quyết tâm làm điều tốt cho chính mình.
Tất cả chúng ta đều phải chiến đấu để vươn tới sự tự do đích thực. Chúng ta kinh nghiệm nơi mình sự hướng chiều về điều xấu: “Tôi không làm điều tốt tôi muốn, nhưng lại làm điều xấu tôi không muốn” (Rm 7,19). Vì thế tất cả chúng ta – không trừ ai – cần được giải thoát. Con đường theo gương Đức Kitô là đường dẫn đến sự giải thoát đích thực (số 1742). Chỉ khi nào chúng ta tận hiến toàn thể con người của mình – lý trí, ý chí, mọi năng lực – cho Thiên Chúa và tha nhân trong đức ái, thì chúng ta mới thật sự tự do.
Bài 5. HÀNH VI NHÂN LINH
Không phải tất cả những gì chúng ta làm đều được gọi là hành vi “nhân linh”. Chẳng hạn, khi đối diện với những bất công, độc ác, gian giảo, chúng ta gọi là “phi nhân”. Như thế, con người đã có một vài ý niệm nào đó về cái gọi là nhân linh và phi nhân. Do đó, để phán đoán xem hành động của mình là đúng hay sai về mặt luân lý, điều quan trọng là phải xem nó có phải là hành vi nhân linh không, nghĩa là nó nâng cao hay ngược lại, nó phá hủy và hạ giá nhân tính nơi chúng ta. Nhưng làm thế nào để biết “nhân linh” là gì?
Trước khi bàn đến vấn đề này, cần có sự phân biệt: không phải tất cả những gì chúng ta làm đều nhất thiết là “hành vi nhân linh”. Có những hành động chẳng tốt cũng chẳng xấu vì nó không hoàn toàn tùy thuộc ý muốn của chúng ta, không nằm trong khả năng của chúng ta. Ví dụ, tiến trình sinh hóa trong cơ thể con người như tiêu hóa hay nhịp tim, hoặc những phản ứng tự nhiên như sợ hãi. Chúng ta chỉ có thể tác động trên tiến trình tự nhiên này ở mức độ nào đó, chẳng hạn phải chịu trách nhiệm về bệnh tim của mình do lối sống thiếu lành mạnh, thế nhưng quả tim (về mặt thể lý) không hoàn toàn tùy thuộc sự điều khiển của ý chí, nó là hoạt động tự nhiên, tự động.
Thánh Tôma Aquinô phân biệt “hành động của con người” và “hành vi nhân linh”. Chỉ có hành vi nhân linh mới được lượng giá về mặt luân lý, nghĩa là nó tốt hay xấu, vì con người thực hiện những hành vi đó cách tự do và ý thức (GLHTCG 1749).
Vậy, tính chất luân lý của một hành vi nhân linh hệ tại điều gì? Giáo huấn luân lý của Kitô giáo phân biệt 3 yếu tố: một là chính hành động, hai là mục đích hay ý hướng của hành động, ba là những hoàn cảnh chung quanh hành động (số 1750).
Ngày nay nhiều người cho rằng ý hướng là yếu tố quyết định. Điều này cũng đúng. Một người cầu nguyện chỉ nhắm mục đích “cho thiên hạ thấy mà khen” thì người đó đã làm biến chất một công việc vốn ở tự nó là tốt. Dù vậy chăng nữa, yếu tố phải quan tâm đầu tiên là chính hành động chứ không phải ý hướng. Cầu nguyện “tự nó” là tốt; giết người “tự nó” là xấu. Làm thế nào để biết một hành động “tự nó” là tốt hay xấu? Lý trí và lương tâm mách bảo chúng ta nếu biết lắng nghe (số 1751). Mười Điều Răn chỉ cho chúng ta biết đâu là những hành động xấu, do đó không thể nào trở thành tốt dù có ý hướng tốt hoặc ở trong hoàn cảnh nào chăng nữa. Những hành động đó là phủ nhận, xúc phạm Thiên Chúa, giết người, trộm cắp, ngoại tình, gian dối. Những hành động đó không thể được gọi là tốt dù có nhắm đến mục đích tốt nào đó (mục đích không biện minh cho phương tiện). Dĩ nhiên có những áp lực có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm, nhưng vẫn không thể làm cho một hành động xấu thành tốt được (số 1754).
Cuối cùng, cái gì làm cho hành động của chúng ta thực sự là “người” và “nên người” hơn? Thưa, quả tim thanh khiết, nghĩa là ý chí ngay lành (Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch). Điều chính yếu là làm những gì tốt và đúng với tâm hồn ngay chính. Chúng ta biết quá rõ là có những con sâu (ví dụ, sự háo danh) có thể ẩn núp trong những hành động của mình và làm biến chất những việc tốt lành của mình. Vì thế, phải thường xuyên vun đắp một tâm hồn ngay thẳng.
Bài 6. CÁC ĐAM MÊ
Các đam mê thì có liên hệ gì đến luân lý? Chẳng phải đam mê thường đối nghịch, hoặc ít ra, ngăn cản đời sống đạo đức hay sao? Chúng ta lại chẳng phải chiến đấu chống lại các đam mê để trở nên những con người chân chính và đáng kính trọng hay sao? Quả thật, cách hiểu như trên về đam mê là cách hiểu khá phổ biến, không những nơi quần chúng mà ngay cả trong giới triết học và thần học.
Thật đáng ngạc nhiên khi các triết gia thời Trung Cổ lại suy nghĩ hoàn toàn khác về vấn đề này. Thánh Tôma Aquinô cho rằng không thể có luân lý nếu không có đam mê. Đời sống tốt hàm nghĩa một đời sống biết điều chỉnh các đam mê cho đúng mức.
Phải hiểu “đam mê” như thế nào? Các đam mê là “những yếu tố tự nhiên trong tâm lý con người. Chúng tạo thành nơi chuyển tiếp và bảo đảm mối liên kết giữa đời sống cảm giác và đời sống tinh thần” (GLHTCG 1764). Đời sống linh hồn chúng ta không chỉ hệ tại ở lý trí và ý chí, mà còn bao hàm những “năng lực của linh hồn” tác động cả đến giác quan. Đức Giêsu coi trái tim con người như nguồn mạch từ đó phát xuất các chuyển biến của đam mê (x. Mc 7,21).
Các đam mê, tự chúng, thì không tốt cũng không xấu. Chúng được đánh giá về mặt luân lý tùy theo mức độ chúng lệ thuộc thật sự vào lý trí hoặc ý chí. Muốn đạt tới sự hoàn hảo của điều thiện về mặt luân lý hay nhân linh, các đam mê phải được điều khiển bởi lý trí.
Như vậy, có thể rút ra một kết luận khiến nhiều người ngạc nhiên: Không thể có luân lý tính nếu không có sự tham gia của các đam mê, dĩ nhiên là phải có trật tự. Thật vậy, phần lớn công việc huấn luyện đạo đức, tức là đạt tới sự trưởng thành luân lý, hệ tại ở việc huấn luyện các đam mê cách đúng đắn, để định hướng, phát triển và ứng dụng. Chúng ta biết quá rõ rằng nếu không chế ngự và điều chỉnh được những đam mê, thì chúng có thể gây ra những hậu quả xấu xa thế nào. Chỉ những ai biết điều hướng đam mê theo sự thiện mới được gọi là người đạt được sự trưởng thành về luân lý.
Điều này được thể hiện rõ nét trong đời sống các thánh. Chắc chắn thánh Têrêxa Avila phải là người có đam mê mãnh liệt, thứ năng lực sống động khiến ngài có thể vượt qua những nghịch cảnh và thực hiện những công trình lớn cách can đảm và mạnh mẽ. Thánh nhân không thể thành lập nhiều tu viện như thế nếu, thay vì kiểm soát các đam mê, ngài lại để nó khơi ngòi cho sự giận dữ, nóng nẩy, buồn phiền. Kiên trì trong ý hướng tốt lành, kiên nhẫn giữa nghịch cảnh, mạnh mẽ trong thử thách, đó là những dấu hiệu cho thấy đam mê được chế ngự và điều chỉnh để hướng đến sự thiện.
Chúng ta được kêu gọi yêu mến Chúa không chỉ hết lòng, hết trí khôn, mà còn hết linh hồn, hết sức lực nữa. Con đường “thơ ấu” của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là mái trường dạy chúng ta đem tất cả ý muốn và đam mê, tất cả ước ao và khát vọng của mình vào trong tình yêu Chúa và tha nhân, và hướng đến mục đích này trong mọi sự. Các thánh là những con người đầy đam mê, huy động toàn bộ “thân xác và linh hồn” hướng tới điều thiện (số 1770). “Cả tấm thân con cùng là tấc dạ, những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (Tv 84,3).
( Còn tiếp )
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: hdgmvietnam.com