“CHÚA CẦN DÙNG ĐẾN NÓ”
Kevin McCormack
Chúa nhật lễ Lá năm C
Lc 19,28-40; Is 50,4-7; Tv 21; Pl 2,6-11; Lc 22,14–23,56
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Hprweb.com
Trong tuần này, chúng ta cử hành nền tảng của đức tin. Nhờ được củng cố bởi cầu nguyện, chay tịnh và bác ái trong suốt sáu tuần qua, chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn để hòa mình vào những mầu nhiệm nền tảng của cảm nghiệm là người Công giáo. Những cử hành phụng vụ tuần này vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa cân nhắc vừa đầy chất thơ, vừa đơn sơ lại vừa phức tạp. Chúng coi trọng cảm nghiệm của con người. Đồng thời, chúng cũng là một thách đố cho người giảng lễ; chúng ta nên khiêm tốn nhớ rằng bài giảng chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ phụng vụ.
Ngày nay, có nhiều thứ “ân huệ rẻ tiền” (thực phẩm tinh thần vô bổ) Có những người cho rằng bác ái là thói xấu, cảm thông là tội lỗi, và nghèo khổ là hình phạt từ Thiên Chúa. Họ cho rằng ngờ vực và đối thoại là biểu hiện của yếu đuối, còn những hình ảnh ngắn gọn thì thay thế cho việc học hỏi và tự phản tỉnh. Chẳng có gì mới ở đây– Mục sư Bonhoeffer đã cảnh báo điều ấy từ hơn tám mươi năm trước.
Với tư cách người giảng lễ, bổn phận của chúng ta là nói ngắn gọn, để mời gọi và cùng với cộng đoàn làm nổi bật hành trình qua cảnh tượng của Chúa nhật Lễ Lá, niềm hy vọng của thứ Năm Tuần Thánh, cớ vấp phạm của thứ Sáu Tuần Thánh, sự im lặng của thứ Bảy Tuần Thánh và lời hứa của Chúa nhật Phục Sinh. Nhiệm vụ của chúng ta là kết nối những câu chuyện cổ xưa ấy với thực tại cuộc sống năm 2025.
Vào Chúa nhật Lễ Lá này, bài Tin mừng trong Nghi thức rước lá như đề ra khung cảnh cho cả Tuần Thánh. Sự chuẩn bị có kế hoạch, đám đông hân hoan và nỗi sợ của giới lãnh đạo – đối lại với một Đức Giêsu đầy tự tin. Ngài không nao núng trước những thái cực này. Ngài hiểu vận mệnh của mình và sẽ thực hiện theo cách của Ngài.
Các môn đệ cũng đang chuẩn bị cho tuần lễ này. Chúa Giêsu trao một nhiệm vụ đơn giản cho hai môn đệ. Khi bị chất vấn, họ đáp lại: “Chúa cần dùng đến nó!” Không còn nghi ngờ gì nữa, Chúa là Đấng chịu trách nhiệm mọi sự.
Nhưng thật nhanh chóng, khi chúng ta đọc bài Thương khó, niềm vui và hy vọng chuyển thành sự giận dữ và sợ hãi. Liệu Chúa Giêsu có thật sự chịu trách nhiệm cho những vấn đề này không? Cuộc thương khó của Chúa không “khó” theo kiểu toán đại số, nhưng là một thảm kịch hiện sinh. Làm sao chúng ta có thể thờ lạy Đấng đau khổ tan vỡ này?
Mỗi khía cạnh trong bài Thương khó theo thánh Luca đều mời gọi suy xét lại ý nghĩa của việc bước theo Chúa Kitô.
Sự phản bội của người bạn Giuđa
Sự hèn nhát của Phêrô
Nỗi tuyệt vọng trong vườn Cây Dầu
Sự nhục nhã trong phiên tòa
Sự khinh miệt của lính canh
Bản chất thất thường của đám đông
Và cả ngôi mộ mượn tạm
Lạy Chúa, ân sủng và chiến thắng của Ngài ở đâu?
Nét độc đáo của Kitô giáo là ân sủng không phải là đích điểm hay phần thưởng, mà đúng hơn ân sủng ở ngay trong cuộc sống của chúng ta. Xuyên suốt Bài Thương khó theo thánh Luca, Chúa Giêsu cho thấy rằng sự phản bội, hèn nhát, tuyệt vọng, nhục nhã và khinh miệt không bao giờ là lời cuối cùng. Đó là những điều xấu xa chúng ta phải đương đầu chịu đựng. Giữa niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo âu của cuộc sống con người, ân sủng sử dụng cả những rạn nứt và đổ vỡ trong cuộc đời chúng ta để chiếu tỏa ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa. Trong Tuần Thánh này, chúng ta hãy tiến bước với Chúa.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn