Học hỏi Phúc Âm CN 27 TN A (Phần trả lời). Được kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi (Phần trả lời) - Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

Thứ hai - 28/09/2020 23:32  901

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường Niên A                        Mt 21, 33-46

CÂU HỎI:

  1. Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho ai?
  2. Tìm những điểm khác biệt giữa đoan Tin Mừng này với đoạn ở Mc 12,1-12.
  3. Trong dụ ngôn ở Mt 21,33-41 có các nhân vật như: ông chủ vườn nho, các tá điền, các đầy tớ, và người con của ông chủ. Theo ý bạn, họ là hình ảnh của ai?
  4. Bạn nghĩ gì về thái độ của các tá điền và thái độ của ông chủ?
  5. Trong bài Tin Mừng này, có chỗ nào nói đến cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu không?
  6. Đọc Mt 3,17; 11,27; 17,5 và 21,37. Đức Giêsu có biết mình là Con Thiên Chúa không?
  7. Có bao nhiêu chữ “hoa lợi” trong bài Tin Mừng này? Hoa lợi có nghĩa gì?
  8. Nước Thiên Chúa sẽ được ban cho “một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” Theo ý bạn, dân ấy là dân nào? Dân ấy gồm những ai? Đọc 1 Pr 2,9.

GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì về chuyện Thiên Chúa sai Con Một của mình để cứu thế gian, nhưng Người Con ấy lại bị giết chết?  Bạn nghĩ Hội Thánh hôm nay có làm cho Nước Chúa sinh hoa trái không?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Cũng như dụ ngôn trước (Mt 21,28-32), Đức Giêsu nói dụ ngôn này về “Những Người Tá điền sát nhân” (Mt 21,33-43) cho “các ông,” cụ thể là cho “các thượng tế và kỳ mục trong dân” (Mt 21,23). Mát-thêu 21,45 còn cho thấy có một giới khác cũng là thính giả đang nghe các dụ ngôn này của Đức Giêsu, đó là “những người Pharisêu.” Tin Mừng Mác-cô còn thêm “các kinh sư” nữa (Mc 11,27). Như vậy “các ông” ở đây chính là giới lãnh đạo cấp cao của Do-thái giáo. Ngài nói dụ ngôn này nhắm vào họ.
  2. Rất có thể Mát-thêu đã dựa vào Mc 12,1-12 để viết dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay. Mát-thêu đã sửa đổi một số chi tiết. Ông chủ vườn nho ở Mt chỉ sai người đến đòi hoa lợi 3 lần, còn trong Mc cả thảy là 5 lần. Trong Mc ba lần đầu lần ông chủ chỉ sai một người, còn trong Mt ông chủ thường sai một nhóm đầy tớ. Trong Mc đứa con trai thừa tự của ông chủ bị “giết chết rồi quăng ra ngoài vườn nho” (Mc 12,8), còn trong Mt đứa con ấy bị “tống ra ngoài vườn nho và giết chết” (Mt 21,39). Cả hai Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô đều nói đến việc ông chủ tiêu diệt các tá điền cũ và giao vườn nho cho các tá điền mới. Nhưng chỉ Mát-thêu mới nói rõ ý nghĩa của dụ ngôn này: các người tá điền độc ác chính là “các ông,” những nhà lãnh đạo Do-thái giáo; vườn nho là Nước Thiên Chúa; vườn nho này sẽ được giao cho một dân mới, biết làm cho nó sinh hoa lợi (Mt 21,43-44).
  3. Trong dụ ngôn này, ông chủ vườn nho là hình ảnh của Thiên Chúa, còn các tá điền làm mướn cho ông là những người Do-thái hay những nhà lãnh đạo Do-thái giáo đã xuất hiện trong dòng lịch sử cứu độ. Các người được ông chủ sai đến để thu hoa lợi là những đầy tớ của ông. Họ là các vị ngôn sứ đã được Thiên Chúa sai đến với dân Ítraen. Họ có nhiệm vụ nhắc nhở dân Chúa và nhất là các nhà lãnh đạo, phải sinh hoa trái cho xứng đáng. Cuối cùng là người con trai của ông chủ. Người con này là hình ảnh của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Người con này vượt hẳn những đầy tớ khác, vì người này có uy quyền của người cha, đáng được các tá điền kính nể.
  4. Các tá điền có thái độ không thể chấp nhận được đối với các đầy tớ của ông chủ. Chẳng những họ đã không nộp hoa lợi như đã định, lại còn hành hạ và giết chết hai nhóm đầy tớ được ông chủ sai tới. Nhưng ông chủ vẫn kiên nhẫn và tin tưởng nơi lòng tốt của họ (Mt 21,27) . Tội ác của họ lên đến đỉnh điểm khi họ dám giết đứa con thừa tự của ông chủ, và toan tính chiếm đoạt luôn vườn nho đã được ông chủ gầy dựng. Chỉ lúc ấy ông chủ mới tiêu diệt họ như họ đã xử với các đầy tớ của ông, và giao lại vườn nho cho nhóm tá điền khác.
  5. Khi trích dẫn Thánh vịnh 118,22-23, Đức Giêsu ví mình như viên đá bị thợ xây loại bỏ. Ngài là người con trong dụ ngôn, được người cha sai đến, đã bị các tá điền loại bỏ và giết đi. Tá điền hay thợ xây là các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Đức Giêsu. Nhưng chính viên đá bị loại bỏ lại trở nên viên đá “đầu của góc” (kephalê gônias, Mt 21,42). Đây là viên đá quan trọng nhất làm nền cho tòa nhà được vững (x. Is 28,16), hay có thể là viên đá đỉnh vòm nhằm giữ cho các viên đá khác nằm đúng vị trí. Điều này ám chỉ đến việc Đức Giêsu được phục sinh và tôn vinh sau cái chết. Đây là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, kỳ diệu vì Thiên Chúa đem lại ơn cứu độ cho con người qua sự tự hạ và cái chết của Người Con Một.
  6. Có những lần Thiên Chúa Cha tỏ cho thấy Đức Giêsu là Con yêu dấu của Ngài (Mt 3,17; 17,5). Cũng có lần Đức Giêsu cho thấy Ngài ý thức mình Con Thiên Chúa theo một ý nghĩa độc nhất vô nhị (Mt 11,27). Trong dụ ngôn hôm nay, ta thấy Đức Giêsu ám chỉ mình là người Con được sai đến vào lúc cuối để thu huê lợi (Mt 21,37). Qua đó Ngài tiên báo mình sẽ bị bắt và giết đi, nhưng rồi sẽ được Thiên Chúa tôn vinh (Mt 21,42). Thánh vịnh 118,22-23 thường được Giáo hội sơ khai áp dụng cho Chúa Giêsu, để nói lên cái chết và sự phục sinh vinh quang của Ngài (x. Cv 4,11; 1 Pr 2,4-8).
  7. Có 3 từ “hoa lợi” trong bài Tin Mừng này (Mt 21,34.41.43). Hoa lợi là điều ông chủ vườn nho quan tâm. Ông cho các tá điền thuê vườn nho để ông có thể thu hoa lợi từ họ khi đến mùa thu hoạch nho (Mt 21,34). Tiếc thay ông đã không làm được điều ông muốn. Chẳng những không thu được hoa lợi, ông lại còn chịu mất nhiều đầy tớ và chính người con ruột. Sau khi trừng phạt các tá điền độc ác, ông chủ vẫn muốn có hoa lợi đúng mùa từ vườn nho, bằng cách cho một nhóm tá điền khác canh tác (Mt 21,41). Ông chủ đã đầu tư kỹ càng cho vườn nho của mình (Mt 21,33), và ông muốn nó sinh lợi cho đúng mức. “Hoa lợi” hay “hoa quả” (karpos, karpoi) là ý niệm được Tin Mừng Mát-thêu sử dụng nhiều (Mt 3,8.10; 7,16-20; 12,23; 21,34.41.43). Hoa quả là những thay đổi cụ thể khi người ta sống công chính theo Lề Luật đã được Đức Giêsu giải thích lại.
  8. Vườn nho tượng trưng cho Nước Thiên Chúa. Vườn nho này đã được giao cho các nhà lãnh đạo Do-thái giáo thời Đức Giêsu. Nhưng chính họ đã không nộp hoa lợi của vườn nho, lại còn giết chết người con của ông chủ vườn nho là chính Đức Giêsu. Chính vì thế Thiên Chúa sẽ lấy lại vườn nho ấy, lấy lại Nước ấy, để ban cho một dân khác biết làm cho nó sinh hoa lợi (Mt 21,43). Dân này (ethnos) chính là Hội Thánh, gồm mọi người tin vào Đức Giêsu, cả gốc Do-thái lẫn Dân Ngoại. Dân này được thư Phêrô gọi là dân thánh (ethnos hagion, 1 Pr 2,9).
 
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường Niên A                        Mt 21, 33-46

33Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta”. 38Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Ðứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” 39Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. 40Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?” 41Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”. 42Ðức Giêsu bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao ?

Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên tảng đá góc tường.
Ðó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

43Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. 44Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt”.

45Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ. 46Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ đám đông, vì đám đông cho Người là một ngôn sứ.

Học hỏi:

1/ Giêsu nói dụ ngôn này cho ai ?

2/ Tìm những điểm khác biệt giữa đoạn Phúc âm này với đoạn ở Mc 12,1-12.

3/ Hãy đọc dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” từ câu 33 đến câu 41. Trong dụ ngôn có các nhân vật như: tá điền, các đầy tớ, ông chủ, và người con của ông chủ. Theo ý bạn, họ tượng trưng cho ai ?

4/ Trong bài Phúc âm này, chỗ nào nói đến cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu ?

5/ Đọc Mt 3,17; 11,27 và 21,37. Đức Giêsu có biết mình là Con Thiên Chúa không ?

6/ Đọc Thánh Vịnh 118,22-23. Đoạn Thánh Vịnh này đã được trích dẫn trong các sách Công Vụ 4,11; 1 Phêrô 2,7 và Mt 21,42. Các Kitô hữu sơ khai đã hiểu thế nào về các câu này ?

7/ “Đá tảng góc tường” là loại đá gì ?

8/ Có bao nhiêu chữ “hoa lợi” trong bài Phúc âm này ?

9/ Nước Thiên Chúa sẽ được ban cho “một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” Theo ý bạn, dân ấy là dân nào? Dân ấy gồm những ai?
 

Học hỏi Phúc âm Lễ Đức Mẹ Mân Côi                           Lc 1,26-38

"Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Học hỏi:

1. Đọc trình thuật về việc sứ thần Gabrien truyền tin cho ông Dacaria ở Luca 1,5-25. So sánh với trình thuật về truyền tin cho Đức Maria ở Luca 1,26-38. Tìm ra ít nhất 3 điểm khác nhau trong hai trình thuật này.

2. Sứ thần truyền tin cho Đức Maria ở đâu ? Lúc đó cô Maria đã về nhà chồng chưa ? Phải hiểu câu Lc 1,34 như thế nào?

3. Tại sao việc sứ thần Gabrien đến truyền tin cho Đức Maria lại cho thấy một Thiên Chúa  khiêm nhường?

4. Đọc lời chào của sứ thần ở Lc 1,28. Cho biết tại sao Đức Maria được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Con Thiên Chúa?

5. Trong bài Phúc âm này, Đức Maria có hai phản ứng đặc biệt trước lời của sứ thần. Cho biết hai phản ứng nằm ở hai câu nào ? Trước hai phản ứng đó, sứ thần làm gì ?

6. Đức Maria có tin lời sứ thần không  (Lc 1,38)? Tin có loại trừ việc suy nghĩ, cân nhắc đắn đo không?

7. Đọc Lc 1,31-33. 35. Đây là khuôn mặt của Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa. Bạn có thấy khuôn mặt này có nét gì đặc biệt không?

8. Sứ thần cho Đức Maria một dấu chỉ, điều này nằm ở câu nào? Tại sao cần một dấu chỉ ?

9. * Để Con Thiên Chúa đi vào cuộc đời của mình, Đức Maria đã nói lời Xin Vâng. Xin Vâng là chấp nhận ý Thiên Chúa, dù mình không hiểu hết, và dù phải trả giá đắt. Bạn có kinh nghiệm Xin Vâng như vậy không?
 

Phần trả lời

1. Sứ thần Gabriel truyền tin cho ông Dacaria trong Đền thờ ở Giêrusalem, còn Mẹ Maria được truyền tin tại nhà riêng ở thành Nadarét. Ông Dacaria bị câm vì đã không tin lời sứ thần (Lc 1,20), còn Đức Mẹ đã tin (Lc 1,38.45). Ông Dacaria là người đặt tên cho con là Gioan (Lc 1,13), còn Đức Mẹ đặt tên cho con là Giêsu (Lc 1,31).

2. Sứ thần truyền tin cho Đức Maria nơi nhà của Mẹ ở Nadarét, lúc đó Maria đã được đính hôn với ông Giuse, nhưng chưa về nhà chồng. Nguyên văn câu Lc 1,34 là: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào, vì tôi không biết đàn ông?” Qua câu này có người hiểu là Đức Maria muốn giữ mình trọn đời đồng trinh. Thật ra có thể Đức Maria chỉ muốn hỏi sứ thần: vì Mẹ đang là một trinh nữ mới đính hôn, chưa về nhà chồng, chưa có quan hệ vợ chồng với Giuse, vậy Mẹ sẽ có con như lời sứ thần nói bằng cách nào?

3. Thiên Chúa khiêm nhường vì Ngài sai sứ thần Gabrien đến hỏi ý và Ngài cần lời xin vâng của một cô trinh nữ vùng quê Nadaret, trước khi Ngài cho Con Một của Ngài làm người nơi cung lòng cô.

4. Qua lời chào của sứ thần ở Lc 1,28 ta thấy Đức Maria là Đấng được đầy ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương một cách hết sức đặc biệt. Bởi đó Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Người Con Một của mình.

5. Phản ứng thứ nhất là “rất bối rối” và không hiểu ý nghĩa lời chào của sứ thần (Lc 1,29). Phản ứng thứ hai là đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về cách thức mình sẽ sinh con (Lc 1,34). Trước cả hai phản ứng, sứ thần đều trả lời và soi sáng cho Maria hiểu.

6. Đức Maria đã tin lời sứ thần khi đáp: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin xảy ra cho tôi như lời sứ thần nói.” Mẹ đã tin sau khi đã suy nghĩ, đặt câu hỏi cho sứ thần, và được trả lời, soi sáng.

7. Khi đọc Lc 1,31-33 ta thấy đây là khuôn mặt của đấng Mêsia mà dân Do-thái mong đợi. Đây là một vị vua, thuộc dòng dõi vua Đa-vít, được nhắc đến ở 2 Sam 7,12-17. Nhưng Lc 1,35 cho thấy Đấng ấy không chỉ là Mêsia mà còn là Đấng được thụ thai cách độc nhất vô nhị, bởi lẽ Thánh Thần, quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ ngự xuống trên người mẹ là Đức Maria.

8. Sứ thần cho Maria dấu chỉ ở Lc 1,36. Không phải vì sứ thần sợ Maria không tin, nhưng vì muốn nâng đỡ đức tin của Maria trước mầu nhiệm quá lớn.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay24,816
  • Tháng hiện tại221,752
  • Tổng lượt truy cập50,634,359

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây