Học hỏi Phúc Âm CN 29 TN A (Phần trả lời). Chúa Nhật Truyền Giáo (Phần trả lời) - Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

Thứ hai - 12/10/2020 23:12  886

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A                    Mt 22, 15-21

  1. Đọc Mt 22,15-16. Ai là những người giăng bẫy để Đức Giêsu phải lỡ lời? Những người Pharisêu và người thuộc phe Hêrôđê là ai ?
  2. Lời nói đầu tiên của họ ở Mt 22,16 có phải là một lời khen thực lòng không?
  3. Dưới thời Đức Giêsu, dân Do-thái phải nộp mấy loại thuế? Trong bài Tin Mừng này, người Pharisêu định nói đến loại thuế nào? Đọc Mt 22,17; 17,24-27.
  4. Xê-da là ai? Tại sao câu hỏi của họ về chuyện nộp thuế cho Xê-da (câu 17) lại là một cái bẫy nguy hiểm cho Đức Giêsu?
  5. Đức Giêsu đã tránh được cái bẫy này bằng cách nào? Đọc Mt 22, 18-20.
  6. Đâu là ý nghĩa của câu “Hãy trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da” trong Mt 22, 21.
Qua câu này Đức Giêsu có nhìn nhận quyền của những nhà cầm quyền không?
  1. Đâu là ý nghĩa của câu: “Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.
  2. Đọc sách Sáng thế 1,26-27. Đâu là điều mang hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa?

GỢI Ý SUY NIỆM: “Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.” Theo bạn có cái gì trên đời mà không phải là của Thiên Chúa không? “Trả lại cho Thiên Chúa” nghĩa là gì? Con người hôm nay đã đánh cắp của Thiên Chúa những gì?
 
PHẦN TRẢ LỜI
  1. Đức Giêsu vẫn đang ở trong khu vực Đền thờ, tranh luận với các nhà lãnh đạo Do-thái giáo (x. Mt 21,23.45).  Đặc biệt trong bài Tin Mừng  này, Ngài phải đối diện với nhóm Pharisêu, và hơn nữa, với nhóm Hêrôđê (Mt 22,15-16). Hai nhóm này có khuynh hướng chính trị khác nhau. Nhóm Pharisêu trên nguyên tắc là những người chống lại việc nộp thuế cho Rôma, nhưng họ không đi đến chỗ cực đoan như nhóm zê-lốt ái quốc, là những người công khai chống lại việc nộp thuế cho Rôma, thậm chí có khi dùng vũ lực. Còn nhóm Hêrôđê là nhóm ủng hộ gia tộc Hêrôđê, một gia tộc do đế quốc Rôma đặt lên để cai trị dân Do-thái. Nhóm này dĩ nhiên thân Rôma, ủng hộ việc nộp thuế, nên đối lập với nhóm Pharisêu. Trong bài Tin Mừng này, lạ thay cả hai nhóm trên đây lại liên minh với nhau trong cùng một mục tiêu, đó là làm Đức Giêsu bị mắc bẫy vì lỡ lời trong một vấn đề nóng bỏng. Nhóm Pharisêu đã từng tìm cách giết Đức Giêsu khiến Ngài phải lánh đi (Mt 12,14). Ngài đã từng tranh luận với họ (Mt 15,1-14), và họ cũng đã từng “thử” Ngài (Mt 16,1). Chúng ta không lạ gì khi giờ đây họ giăng bẫy để Ngài lỡ lời, từ đó có cớ tố cáo.
  2. Trước khi hỏi ý kiến Đức Giêsu về chuyện nộp thuế cho Rôma, những người Pharisêu đã nói lên một nhận xét khá dài về con người Đức Giêsu (Mt 22,16). Những nhận xét này phản ảnh đúng về nhân cách của Đức Giêsu: một con người sống theo sự thật, cương trực, không quỵ lụy ai. Nhưng khi được thốt ra trên môi miệng của họ, những lời này lại nhằm mục đích xấu, đó là khích Đức Giêsu nói công khai và rõ ràng quan điểm của mình về chuyện nộp thuế, từ đó khiến Ngài rơi vào bẫy họ đã giăng ra, dù Ngài trả lời thế nào đi nữa. Vậy đây không phải là một lời khen thực lòng. Đó là một lời nịnh đầy ác ý (Mt 22,18) của “những kẻ đạo đức giả” (Mt 22,18).
  3. Người Do-thái phải nộp ba loại thuế: thuế Đền thờ (x. Mt 17,24-27); thuế gián thu đánh trên hàng hóa, buôn bán…; và thuế thân đánh trên đầu người lớn, cả nam lẫn nữ, những ai không có quốc tịch Rôma. Loại thuế thứ ba này (kênsos) là một thứ nộp cống, áp đặt trên mọi dân tộc dưới quyền đế quốc Rôma. Mỗi năm người Do-thái phải nộp một đồng denarius, giá trị bằng tiền lương một ngày. Bài Tin Mừng chỉ có ý nói về loại thuế thứ ba này mà Rôma bắt nộp từ năm 6 trCN, khi vùng Giuđêa trở thành một tỉnh của đế quốc. Nhiều người Do-thái không chấp nhận nộp loại thuế này. Có kẻ đã nổi dậy chống lại như ông Giuđa người Galilê.
  4. Câu hỏi về “có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không” là một câu hỏi nham hiểm. Trả lời “có” hay “không” cũng đều phải chịu những hậu quả tai hại. “Được phép” có nghĩa là phù hợp với Luật Torah, phù hợp với ý Thiên Chúa. Nếu Đức Giêsu bảo cứ nộp thuế cho Xê-da (Xê-da là danh từ chung để chỉ hoàng đế của đế quốc Rôma), nhiều người Do-thái sẽ phản ứng, vì họ coi nộp thuế là một hành vi thần phục suy tôn mà họ chỉ muốn dành cho một mình Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu bảo không được phép nộp thuế cho Xê-da, Ngài sẽ bị kết án là chống lại đế quốc Rôma (x. Lc 23,2).
  5. Đức Giêsu thừa biết cái bẫy này, biết họ đang thử Ngài (Mt 22,18). Ngài đã tránh không trả lời câu hỏi này, không nói “có” hay “không” được phép. Thay vào đó Ngài  xin họ một đồng tiền dùng để nộp thuế thân, đồng denarius của Rôma. Có thể một môn đệ của người Pharisêu đã đưa cho Ngài đồng tiền ấy. Điều này cho thấy anh ta mang đồng tiền Rôma trong người, và gián tiếp anh chấp nhận nộp thuế cho người Rôma. Đức Giêsu đã giả vờ hỏi về hình ảnh và danh hiệu khắc trên đồng tiền này. Nhờ dòng chữ khắc, ta biết là hình của hoàng đế Tiberius, cai trị từ 14-37 sau CN. Chữ khắc tạm dịch như sau: “Hoàng đế Tiberius, Con đáng kính của Thần Linh Augustô, Thượng tế” (“Tiberius Caesar Divi Augusti Filius Augustus Pontifex Maximus”). Nhiều người Do-thái cho rằng dòng chữ này có tính báng bổ, vì coi hoàng đế Augustô như một vị thần linh.
  6. Mát-thêu 22,21 là một câu nói nổi tiếng và khó hiểu của Đức Giêsu để trả lời cho câu hỏi về việc có nên nộp thuế thân cho Rôma không. Trước cái bẫy này, Đức Giêsu đã tránh trả lời “có” hay “không”. Khi cầm đồng tiền có hình Xê-da trên tay, đồng tiền của một người đang sử dụng nó, Đức Giêsu chỉ nói “của Xê-da trả lại (apodote) cho Xê-da.” Có vẻ Ngài không thấy chuyện nộp thuế cho Xê-da có gì nghịch với Luật Torah hay với niềm tin vào Thiên Chúa. Bổn phận trần thế có thể hài hòa với bổn phận đối với Thiên Chúa. Các tác giả thánh sau này  cũng đã theo chiều hướng trên ( xem Rm 13,1-7; 1 Pr 2,13-17).
  7. “Của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa.” Đây là nhắc nhở quan trọng của Đức Giêsu. Có những điều thuộc về Thiên Chúa mà chúng ta phải tôn trọng. Có những bổn phận đối với Thiên Chúa mà chúng ta phải giữ nghiêm túc. Hơn nữa, chúng ta không được quên vị thế trổi vượt của Thiên Chúa trên Xê-da. Chúng ta cần cầu nguyện phân định khi bị giằng co giữa những bổn phận chính trị và tôn giáo. Không phải lúc nào chọn lựa cũng dễ dàng. Cần can đảm để trả lại cho Thiên Chúa điều mà trần gian đã lấy mất.
  8. Nếu đồng tiền Rôma mang hình ảnh của Xê-da, nên nó thuộc về Xê-da, và phải trả lại cho Xê-da, thì mỗi con người chúng ta, mang hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26-27), nên thuộc về Thiên Chúa và phải sống trọn vẹn cho Thiên Chúa.


Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 29 Thường niên - Năm A                                                    Mt 22, 15-21

15Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Ðức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Ðức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?"

18Nhưng Ðức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! 19Ðưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!" Họ liền đưa cho Người một đồng bạc. 20Và Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?" 21Họ đáp: "Của Xêda". Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". 

Học hỏi:

1. Đọc Mt 22, 15-16. Ai là những người giăng bẫy để Đức Giêsu phải lỡ lời? Những người Pharisêu và người thuộc phe Hêrôđê là ai? Lời nói đầu tiên của họ ở câu 16 có phải là một lời khen thực lòng không?

2.  Xê-da là ai? Tại sao câu hỏi của họ về chuyện nộp thuế cho Xê-da (câu 17) lại là một cái bẫy nguy hiểm cho Đức Giêsu?

3. Đức Giêsu đã tránh được cái bẫy này bằng cách nào (câu 18 và 19)?

4. Câu nào là câu quan trọng nhất trong bài Phúc Âm này?

5. "Hãy trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da". Qua câu này Đức Giêsu có nhìn nhận quyền của những nhà cầm quyền không? (xem Công Đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo, Dignitatis humanae, số 11). Làm tròn bổn phận công dân có phải là điều Chúa muốn không (xem Rôma 13,1-7)?

6. "Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa". Đâu là những gì thuộc về Thiên Chúa? Đâu là những gì mang hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa?

7. Thiên Chúa là Đấng Tối Thượng. Bổn phận cao cả hơn của chúng ta là trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. "Trả lại cho Thiên Chúa" nghĩa là gì?

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO                               Mt 28,16-20
16Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

Học hỏi:

  1. Tại sao mười một môn đệ đến Galilê? Đọc Mt 26,32; 28,7.10.16. Galilê có phải là nơi có nhiều kỷ niệm Thầy trò không? Đọc Mt 4,18-23.
  2. Đọc Mt 14,31 và 28,17. Hoài nghi ở đây nghĩa là gì? Tại sao có mấy ông hoài nghi? Xem thêm Lc 24,38.41.
  3. Đọc Mt 28,18. Bạn nghĩ gì về cử chỉ của Chúa Giêsu đối với các môn đệ đã bỏ chạy, và bây giờ đang bán tín bán nghi?
  4. Đọc Mt 28,18. Khi Chúa Cha trao toàn quyền cho Chúa Giêsu phục sinh, Chúa Cha muốn chúng ta có thái độ nào với Đức Giêsu? Đọc thêm Mt 11,27.
  5. Đọc Mt 28,19-20. Khi Chúa Giêsu có toàn quyền rồi thì Ngài làm gì? Hai câu này có 4 động từ, động từ nào là mệnh lệnh chính mà Chúa Giêsu truyền các môn đệ phải làm? 
  6. Mt 28,19 có khác với Mt 10,5; 15,24 không? Bây giờ dân ngoại có được trở thành môn đệ của Chúa Giêsu không? Đọc Mt 8,5-13; 15,21-28.
  7. Đọc Mt 28,20. Mệnh lệnh cuối của Chúa Giêsu trong câu này là gì? Các môn đệ sau này cần được dạy những điều gì? Đọc Mt 5,19. Các môn đệ xưa và nay giống nhau ở điểm nào?
  8. Trước sứ mạng lớn lao và khó khăn vừa được giao, Chúa phục sinh hứa với nhóm Mười Một và với chúng ta điều gì? Đọc Mt 28,20; 1,23.

GỢI Ý SUY NIỆM:...Theo bạn, tại sao bài Tin Mừng này được coi là có tầm quan trọng đặc biệt đối với sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh?

PHẦN TRẢ LỜI
  1. Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi mà Đức Giêsu đã chỉ cho họ (Mt 28,16). Vào đêm tối trước khi chịu khổ nạn, Ngài đã từng nói: “sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đi đến Galilê trước anh em” (Mt 26,32). Sau khi được phục sinh, thiên sứ đã lặp lại lời này, kèm thêm lời nhắn họ sẽ được thấy Ngài ở Galilê (Mt 28,7). Rồi chính Đức Giêsu phục sinh hiện ra còn nói rõ hơn nữa với các bà về việc Thầy muốn hẹn gặp lại các môn đệ ở Galilê (Mt 28,10). Rõ ràng Đức Giêsu phục sinh coi trọng việc gặp lại các môn đệ của mình. Galilê là vùng đất nhiều kỷ niệm Thầy trò. Đây là nơi các môn đệ đầu tiên được gọi (Mt 4,18-22), và là nơi Đức Giêsu bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng (Mt, 4,23) cho đến khi lên Giêrusalem chịu nạn (Mt 20,17).   
  2. Khi gặp thấy Thầy Giêsu phục sinh, các môn đệ đã bái lạy, nhưng một số lại hoài nghi (Mt 28,17). Hoài nghi không hẳn là không tin gì, nhưng là một niềm tin còn yếu kém mà thánh Mát-thêu thường gọi là đức tin nhỏ (oligopistis, x. Mt 6,30; 8,26; 14,31; 16,8). Khi đọc Mt 14,31 ta thấy “kém lòng tin” đồng nghĩa với “hoài nghi.” Phêrô có đức tin đủ mạnh để đi trên mặt nước, nhưng ông lại sợ khi thấy gió thổi và ông bị chìm (Mt 14,29-30). Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có môn đệ vẫn hoài nghi khi gặp Thầy hiện ra và cho thấy mình đang sống. Dù Thầy đã báo trước nhiều lần về sự phục sinh và đã hẹn gặp môn đệ, nhưng chuyện người chết ba ngày rồi bỗng nhiên sống lại là chuyện không dễ tin. Các Tin Mừng khác đều nói đến chuyện các ông không tin ngay (Mc 16,11-14; Lc 24,38.41; Ga 20,25).
  3. Đứng trước các môn đệ còn hoài nghi, Đức Giêsu phục sinh “đến gần” họ (Mt 28,18). Ngài đến gần tất cả những người “đã bỏ Ngài mà chạy trốn” (Mt 26,56), đã chối bỏ Ngài (Mt 26,69-75), đã vắng mặt khi Ngài chịu đóng đinh hay chôn táng (Mt 27,55.57-60). Ngài chủ động đến gần họ chứ không chờ họ đến gần mình. Ngài đến với những môn đệ bất trung mà không buông ra một lời trách móc. Khi gặp họ, Ngài đã tha thứ cho họ rồi và muốn nối lại tình Thầy trò đã bị gãy đổ.
  4. Trời và đất tượng trưng cho toàn thể vũ trụ và muôn loài muôn vật trong đó. Chỉ mình Thiên Chúa Cha là Chúa của trời và đất (Mt 11,25). Chỉ mình Chúa Cha có toàn quyền trên thế giới thụ tạo. Đức Giêsu là Con, đã được Chúa Cha cho sống lại và trao cho toàn quyền trên trời dưới đất. Như vậy Cha đã trao tất cả quyền năng mình có cho Con, để Con có quyền năng như Cha trên cả vũ trụ này (xem thêm Mt 11,27; Ga 3,35; 13,3; 17,2). Cha là Chúa, Con cũng được Cha tôn làm Chúa khiến mọi thụ tạo trên trời dưới đất và trong âm phủ phải bái quỳ trước Chúa Con (x. Pl 2,9-11).
  5. Trong tư cách là Chúa trời đất, Chúa Giêsu phục sinh ra lệnh truyền cho các môn đệ. Trong Mt 28,19-20 có bốn động từ. Động từ chính là “làm cho thành môn đệ” (mathêteúsate), ba động từ còn lại ở dạng phân từ: “đi” (poreuthéntes), “làm phép rửa” (baptízontes), “dạy bảo” (didáskontes). Để làm cho muôn dân thành môn đệ, cần phải ra đi, làm phép rửa cho họ, và dạy bảo họ.
  6. Khi đọc Mt 10,5; 15,24 ta thấy Đức Giêsu nói rõ việc rao giảng của mình và của môn đệ chỉ giới hạn trong phạm vi dân Do-thái. Phải đợi đến khi hiện ra sau phục sinh, Ngài mới sai các môn đệ đến với “muôn dân” (Mt 28,19). Muôn dân ở đây là tất cả mọi dân nước, kể cả Dân Ngoại. Họ cũng được mời để trở thành môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, không nên quên là Đức Giêsu cũng có lần đến với dân ngoại để giúp họ vì họ có đức tin “lớn” (Mt 8,5-13; 15,21-28).
  7. Ngoài nhiệm vụ làm phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, các môn đệ còn phải làm cho dân ngoại thành môn đệ bằng cách dạy bảo họ (Mt 28,20). Dạy bảo đơn giản là truyền lại cho người khác điều mình đã lãnh nhận từ chính Thầy Giêsu, và truyền lại trọn vẹn “mọi điều”. Không chỉ dạy lý thuyết suông nhưng là dạy để họ “tuân giữ”. Như thế có một mẫu số chung giữa các môn đệ mọi thời: tất cả đều được học và tuân giữ giáo huấn đến từ Thầy Giêsu.
  8. Chúa phục sinh trao sứ mạng lớn cho các môn đệ, nhưng Ngài cũng kèm theo một lời hứa quan trọng: Ngài sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Câu này gợi ta nhớ đến Đức Giêsu là Đấng Emmanuel, là Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” ở Mt 1,23. Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn luôn hiện diện với các môn đệ trong sứ mạng làm cho muôn dân tộc trở thành môn đệ của Ngài.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm103
  • Hôm nay37,556
  • Tháng hiện tại241,427
  • Tổng lượt truy cập53,226,462

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây