Đức Giêsu trong Tân Ước - Gm. Giuse Võ Đức Minh
Thứ năm - 22/10/2020 22:14
1521
Tân Ước bao gồm những cuốn sách được Thánh Thần linh hứng và được các thánh ký ghi lại để trình bày Giao Ước mới mà Thiên Chúa đã thiết lập với con người nhờ Đức Giêsu Kitô: “... Này là Máu Ta, Máu Giao Ước đổ ra vì nhiều người để nên ơn tha tội” (Mt 26,28); “... Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng tôi sức cáng đáng làm kẻ phục vụ Giao Ước mới...” (2 Cr 3,6; x. 2 Cr 3,14). Vì thế, tất cả các sách mà Hội Thánh Công giáo ấn định trong thư quy Tân Ước đều nói về Chúa Giêsu Kitô: Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã ban cho con người hầu thực hiện điều Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa với Tổ phụ Abraham; Người đã sinh ra, đã sống, đã chết, đã sống lại; Người đã thiết lập Hội Thánh để làm chứng về mầu nhiệm của Người và Người sẽ trở lại trong vinh quang của ngày quang lâm. Đó là chủ đề căn bản của Tân Ước. Bởi thế, nếu chúng ta muốn biết Đức Giêsu Kitô là ai, đã nói gì, đã làm gì và tại sao đã nói, đã làm, đã sống như vậy, thì chúng ta hãy cầm lấy cuốn Tân Ước và đọc. Chính nhờ cuốn Tân Ước đó mà chúng ta sẽ nhận ra một cách chân thực khuôn mặt của Đức Giêsu Nazareth mà Hội Thánh trong suốt hơn 2.000 năm nay không ngớt tuyên xưng là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Và không phải chỉ tuyên xưng mà thôi, Hội Thánh còn dùng chính sự sống của mình để làm chứng về chân lý đó.
Sự kiện Đức Giêsu Kitô đã xảy ra cách xa chúng ta 20 thế kỷ! Các sách Tân Ước cũng đã được viết ra cách xa chúng ta gần 2.000 năm! Thoạt nghe qua hay đọc một cách vội vàng Tân Ước, chúng ta dễ đồng hóa Tân Ước như cuốn sách lịch sử ghi lại cuộc đời Đức Giêsu cũng như nếp sống của những người tin theo Đức Giêsu. Chúng ta đang có trước mắt là các bản văn Kinh thánh Tân Ước, gồm: 4 sách Tin Mừng, Công vụ các Tông đồ, các thư thánh Phaolô, Thư của các thánh Giacôbê, Phêrô, Gioan, Giuđa và sách Khải huyền. Tất cả đều nói về Đức Giêsu Kitô. Nhưng giữa sự kiện lịch sử Đức Giêsu chết và sống lại với các bản văn Tân Ước, có một chặng đường dài, cách nhau trong khoảng thời gian từ 35 cho đến 70 năm. Trong khoảng thời gian đó, đã xảy ra biết bao biến cố và dữ kiện. Dữ kiện quan trọng nhất nối liền các bản văn Tân Ước với Đức Giêsu Nazareth chính là Lời Rao giảng tiên khởi của các Tông đồ mà nội dung của sứ điệp rao giảng là: “Chúa đã sống lại” (x. Cv 2,14-39; 3,12-26; 4,8-12; 5,29-32; 10,34-43; 13,16-41). Đó là sứ điệp Phục Sinh. Sứ điệp căn bản của mọi lời giảng thuyết. Sứ điệp nền tảng của giáo lý Kitô giáo. Sứ điệp ấy được công bố lần đầu tiên tại Giêrusalem trong dịp lễ Ngũ Tuần, sau khi các Tông đồ được tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,1-11). Sứ điệp ấy phản ánh niềm tin của các Tông đồ vào biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu; vì thế, qua sứ điệp Phục Sinh, chúng ta có thể ghi nhận hai yếu tố: Niềm tin của con người vào biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu; Niềm tin của toàn thể các Tông đồ, của Hội Thánh kitô hữu tiên khởi.
Một khi sứ điệp Phục Sinh được công bố, thính giả chia làm hai khối: 1/ khối những người không tin, coi đó là điều nhảm nhí, không thể chấp nhận được, tìm cách ngăn ngừa (Cv 4,1-3); 2/ khối những người tin, xem đó là lẽ sống của đời mình (Cv 2,37-41).
Đối với những người tin, các Tông đồ tiếp tục bồi dưỡng lòng tin của họ bằng các sinh hoạt tôn giáo, chủ yếu trong phụng vụ và huấn giáo (Cv 2,42-47).
Đối với những người không tin, thì xảy ra những cuộc tranh luận và biện giáo (Cv 4,1-22; 5,17-42; 7,1-53; 15,5-35; 17,16-34...).
Phụng vụ, Huấn giáo, Biện giáo và Tranh luận là những sinh hoạt tiêu biểu nhất của Cộng đoàn kitô hữu tiên khởi sau khi sứ điệp Phục Sinh được công bố. Sau đó, để phục vụ cho các sinh hoạt trên, các Tông đồ đã nhớ lại đời sống cũng như những lời giảng huấn, nhớ lại những biến cố chung quanh cái chết và sự sống lại của Thầy mình. Nói đúng hơn, các Tông đồ căn cứ trên ánh sáng của biến cố Phục Sinh, để nhớ lại, nhìn lại, hiểu lại đời sống, các giáo huấn và các hoạt động của Đức Giêsu. Dần dần, các ngài ghi chép lại hoặc nhờ người ghi chép lại thành những mẩu chuyện, những diễn từ, những thánh thi... để sử dụng trong việc giáo huấn, cho các nghi lễ phụng vụ cũng như cho việc tranh luận và biện giáo. Sau cùng, vì nhu cầu cụ thể của Hội Thánh, có những người đã thu lượm các mẩu chuyện, diễn từ, thánh thi... để soạn thành những tác phẩm mà chúng ta gọi là 4 Tin Mừng ngày nay: Tin Mừng theo thánh Marcô được viết tại Rôma vào khoảng năm 65 đến 70; Tin Mừng theo thánh Luca được viết tại Antiôkia vào khoảng năm 75-80; Tin Mừng theo thánh Matthêu được viết tại Palestina vào khoảng năm 80; Tin Mừng theo thánh Gioan được viết tại Êphêsô vào khoảng năm 95-100.
Còn các bản văn khác của Tân Ước thành hình như thế nào?
Sách Công vụ các Tông đồ ghi lại các sinh hoạt của Hội Thánh từ ngày được chính thức thức thành lập cho đến khi Tin Mừng được công bố tại Rôma, “trung tâm của thế giới thời bấy giờ”; các thư của thánh Phaolô cũng như của các Tông đồ khác có thể được xem như những “luân thư” của các vị chủ chăn gửi đến cho các giáo đoàn vào những dịp cụ thể, giải thích, trình bày những vấn đề cụ thể, cốt giúp người tín hữu sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu của mình trong xã hội trần gian. Và sau cùng là sách Khải huyền, cuốn sách tương đối khó hiểu vì mang nhiều màu sắc thần bí, bí ẩn, trình bày một cách mầu nhiệm sự hiện diện, sự sống cũng như ơn gọi của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô trong dòng lịch sử của con người.
Như vậy, từ bản văn Tân Ước đến Chúa Giêsu ta thấy rõ có một con đường dài. Con đường đó là sinh hoạt của toàn thể Hội Thánh sau Lời Rao giảng tiên khởi về sứ điệp Phục Sinh. Con đường đó chính là con đường những kitô hữu tiên khởi đã đi qua, đã đấu tranh, đã dùng chính sự sống của mình để làm chứng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Bởi thế, chúng ta không thể đọc sách Tin Mừng hoặc những sách khác của Tân Ước với hy vọng có thể hiểu ngay, bắt gặp thật sự khuôn mặt Đức Giêsu Kitô, nếu chúng ta không lưu ý đến quá trình hình thành Tân Ước.
Một điều quan trọng cần lưu ý, đó là các sách Tin Mừng được soạn thảo trong một quá trình lâu dài, trong bối cảnh sinh hoạt của Hội Thánh. Như vậy, các sách đó được soạn ra trong đức tin và vì đức tin của Hội Thánh. Hai nguồn sau đây là sách Công vụ các Tông đồ và các thư của thánh Phaolô cho phép chúng ta bắt gặp lại sự sống của Hội Thánh cách chung và của từng giáo đoàn cách riêng trong giai đoạn đánh dấu những bước thành hình của các sách Tin Mừng.
– Sách Công vụ các Tông đồ: Sách này ghi lại việc khai sinh của Hội Thánh Chúa Kitô, các giai đoạn phát triển, những thử thách đau khổ, những xung đột với xã hội. Trong suốt 28 chương, sách Công vụ nói lên niềm tin của toàn thể Hội Thánh vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại. Niềm tin này được biểu lộ qua các sinh hoạt phụng vụ, huấn giáo, tranh luận cũng như biện giáo. Nét độc sáng của sách Công vụ là cho ta thấy sự hiện diện và hoạt động không ngừng của Chúa Thánh Thần trong mọi sinh hoạt của đời sống Hội Thánh. Chính Đức Kitô Phục Sinh là tâm điểm của đời sống Hội Thánh và Chúa Thánh Thần có thể ví như sợi chỉ nối kết các hoạt động của Hội Thánh, đồng thời vạch hướng đi cho Hội Thánh.
– Các thư của Thánh Phaolô: Trong khi sách Công vụ phản ánh lại đời sống của Hội Thánh tổng quát, thì các thư của thánh Phaolô cho chúng ta thấy được những sinh hoạt của các giáo đoàn địa phương. Mỗi giáo đoàn đón nhận sứ điệp Phục Sinh và sống sứ điệp đó với những nét đặc biệt của mình. Mỗi giáo đoàn có sắc thái riêng, có những vấn đề riêng. Nhưng chung quy tất cả đều biểu lộ một cách trung thực sự sống của những con người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Những nét phong phú và đa diện của các giáo đoàn địa phương được phơi bày qua các thư của thánh Phaolô. Đàng khác thư của Phaolô cũng chính là con người của Phaolô; vì thế, nếu chúng ta hiểu được con người của ngài thì cũng hiểu được tính chất phong phú và đa diện của các giáo đoàn. Thánh Phaolô gọi các giáo đoàn là “bức thư của mình”: “Thư của chúng tôi, chính là anh em viết nơi lòng chúng tôi” (1 Cr 3,2). Thật vậy, trên bước đường truyền giáo, thánh Phaolô đã trở nên mọi sự cho mọi người: “Với những người yếu, tôi đã trở nên người yếu, để lợi được những người yếu. Với mọi người, tôi đã nên mọi sự, để dù sao cũng cứu được ít người” (1 Cr 9,22). Có thể nói thánh Phaolô là tấm kính phản chiếu lại các giáo đoàn, là tấm phim chụp lại một cách đầy đủ tính chất phong phú, đa diện của từng giáo đoàn địa phương. Con người của Phaolô, một khi được Chúa Kitô bắt lấy, thì đã trở nên hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, vì bởi Thiên Chúa “đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi” (Gl 1,16), nên: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Niềm tin ấy và nếp sống ấy đã được triển nở thật phong phú và kỳ diệu nơi con người của Phaolô, một con người cực kỳ phong phú, vì hội tụ được nhiều khả năng, đặc tính khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau: Phaolô vừa là một nhà thần bí, vừa là người hoạt động không mệt mỏi; một nhà suy tư thần học sâu sắc, đồng thời là con người truyền giáo luôn biết thích nghi với mọi hạng người; một người thẳng thắn cương nghị, đồng thời là một mục tử giàu lòng xót thương; một người sáng lập khai sáng, đồng thời là người tổ chức điều hành; một người giáo điều, nhưng lại nhiều tư cách của một nhà linh hướng. Các khả năng tương phản ấy lại hiện rõ trong tính tình của Phaolô: rất tự tin, mà lại khiêm tốn; thông minh nhưng nhạy cảm; biết thích nghi, táo bạo nhưng lại rụt rè nhút nhát; thích tự lập nhưng lại sợ phải sống cô đơn; tha thiết nhưng lại châm biếm; dễ nổi giận, đồng thời có tâm hồn bao la quảng đại; khôn ngoan, nhưng có lúc cư xử vụng về... Phaolô quả là “một cây đàn có thể rung lên mọi âm điệu” (E. Osty). Con người Phaolô là thế: thuộc trọn về Đức Kitô, đồng thời liên đới mật thiết với các giáo đoàn! Và đó cũng chính là hình ảnh sống động của các giáo đoàn địa phương. Mỗi giáo đoàn mang màu sắc cá biệt, có não trạng riêng, có nền văn hóa riêng, có những cách suy nghĩ, phản ứng thật khác nhau, có những khi thật đạo đức sốt sắng, nhưng lắm khi phải ngụp lặn trong thử thách, khủng hoảng. Thế nhưng, mẫu số chung của các giáo đoàn chính là niềm tin duy nhất của họ vào cùng một Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại, vì “chỉ có một thân mình và một Thần Khí, cũng như bởi thiên triệu, Thiên Chúa đã kêu gọi anh em vào cũng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép thánh tẩy. Chỉ có một Thiên Chúa và là cha mọi người hết thảy, Đấng trên mọi người, giữa mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6).
Một khi đã hiểu được sự sống, sinh hoạt, đức tin của Hội Thánh tổng quát cũng như của các giáo đoàn Kitô hữu cá biệt rồi, chúng ta hãy mặc lấy đức tin của toàn thể Dân Chúa để đọc các bản văn Tin Mừng; nhờ đó, khám phá ra các bản văn Tin Mừng đích thực là cao điểm đức tin của cộng đoàn Dân Chúa, vì chính trong đức tin và vì đức tin của Hội Thánh mà các sách Tin Mừng được hình thành:
Tin Mừng theo Thánh Marcô sẽ cho chúng ta bắt gặp “Đức Giêsu, con người lữ hành”.
Tin Mừng theo Thánh Luca: “Đức Giêsu, con người dịu hiền”.
Tin Mừng theo Thánh Matthêu: “Đức Giêsu, con người của lời hứa”.
Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Đức Giêsu, con người của niềm tin”.
Một khi đã thấy được khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô nhờ các sách Tin Mừng, chúng ta sẽ đọc các giáo huấn của các Tông đồ Giacôbê, Phêrô, Gioan, Giuđa để xác tín hơn về ơn gọi của người kitô hữu trong xã hội trần gian. Sau cùng, khi đã cắm rễ sâu trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và chan hòa trong sự sống của Hội Thánh, chúng ta sẽ thấy rõ khuôn mặt của Chúa chúng ta trong sách Khải huyền. Người được trình bày như “người yêu” của Hội Thánh, như “sự sống” và là “lẽ sống” của Hội Thánh. Bao lâu chưa được diện kiến và kết hợp với Người, Hội Thánh vẫn khắc khoải kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, vì “Đức Giêsu, con người của hy vọng”.
Gm. Giuse Võ Đức Minh