Suy Niệm Thánh Vịnh 109 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thứ năm - 20/06/2019 03:54
1423
Suy Niệm Thánh Vịnh 109
1 Của vua Đa-vít. Thánh vịnh.
Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA
ngỏ cùng Chúa Thượng tôi :
"Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con."
2 Từ Xi-on, ĐỨC CHÚA sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài :
Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.
3 Đức Chúa phán bảo rằng :
"Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh,
vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh.
Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện,
tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con."
4 ĐỨC CHÚA đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời,
rằng : "Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê."
5 Tâu Chúa Thượng, Đức Chúa ở bên hữu Ngài
sẽ đập tan vương bá ngày phẫn nộ,
6 sẽ xét xử muôn dân, chất thây ma thành đống,
đập tan bao thủ lãnh trên miền đất mênh mông.
7 Dọc đường, Chúa Thượng tôi uống nơi mạch suối,
nên sẽ ngẩng đầu thật hiên ngang.
Cùng Đọc Với Dân Ítraen
Đây là một Thánh Vịnh vương đế: cảnh diễn ra trong phòng có đặt ngai vàng của cung điện nhà Vua tại Giêrusalem, được xây bên phải Đền Thờ, nếu ta nhìn về hướng Đông. Sau lễ nghi tôn giáo (xức dầu) diễn ra trong Đền Thờ, là lễ đăng quang với nghi thức giống như nơi các cung điện Đông phương: nhân danh Thiên Chúa, một vị ngôn sứ lên tiếng mời đức tân vương ngồi lên ngai…trên các bậc cấp, có chạm trổ hình các chiến binh địch thù đang nằm sát đất, nơi đức tân vương đặt chân, sau khi Ngài ngồi cách trịnh trọng, vị ngôn sứ đưa cho Ngài vương trượng, dấu chỉ của quyền hành quân sự và chính trị… và lúc ấy ban cho Ngài danh xưng “Con Thiên Chúa” được sinh ra trước lúc hừng đông, bởi vì “dòng dõi của Người đến muôn muôn đời (danh xưng Con Thiên Chúa thường được vùng Trung Đông dùng để chỉ nhà Vua)… và để kết thúc lễ đăng quang, vị tân vương được đặt làm Thượng Tế (mọi vị vua ở đông phương, đều thực thi quyền tư tế dâng các hy lễ)…Sau cùng, vị ngôn sứ cầu chúc cho vua các chiến thắng: Ngài sẽ là vị thẩm phán, người công chính triệt hạ kẻ dữ.
Trong thực tế, các Thánh Vịnh loại này không luôn đi kèm theo một lễ nghi đăng quang (thời quân chủ chỉ kéo dài một thời gian rất ngắn tại Ítraen) nhưng chỉ là nghi lễ tượng trưng để khơi lên lòng mong đợi Đấng Messia mà Thiên Chúa hứa gởi đến cho dân: lòng đợi trông đấng cứu thế của dân Ítraen diễn tả bằng những hình ảnh thật thi vị trong bài Thánh Vịnh này.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Đức Giêsu đã trích đọc Thánh Vịnh này trong cuộc tranh luận với các Biệt phái: “Các ông nghĩ sao về Đức Kitô? Người là con của ai? Họ thưa: “Con Vua Đavít.” Người hỏi: “Vậy tại sao Vua Đavít, được Thần Khí soi sáng, lại gọi Người là Chúa Thượng, khi nói rằng: “ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”? Vậy nếu Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì làm sao Đấng Kitô lại là con vua ấy được? Như thế, Đức Giêsu nhấn mạnh đến nguồn gốc mầu nhiệm của Ngài và tỏ cho biết chính Ngài là Đấng Messia hằng mong đợi. Thánh Vịnh 109 thường được các kitô hữu tiên khởi đọc: Cv 2,34; Dt 1,13; 5,6; 6,20; 1 Cor 15,25. Tác giả Thánh Vịnh không thấu hiểu được chiều sâu của điều ông loan báo:
+ Con Thiên Chúa, được sinh từ muôn thuở, ngay lúc hừng đông…
+ Ngồi bên hữu Thiên Chúa.. qua việc lên trời vinh hiển…
+ Đặt mọi quân thù dưới bệ chân, kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết… nhưng cũng là tội lỗi và mọi mãnh lực sự dữ…
+ Vua, Ngài là Vua trọn hảo nhưng vương quyền của Ngài không thuộc thế gian này và ta không ngừng xác định vương quyền này trong các lời nguyện: ‘Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, hằng hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến uôn thuở muôn đời.
+ Thượng tế muôn đời, chức tư tế của Ngài thuộc một cấp bậc riêng biệt: không thuộc dòng Aaron (các tư tế do thái chỉ dâng các hy lễ là con vật) nhưng thuộc dòng Menkisêđê (vị vua tư tế dâng bánh rượu) và Đức Giêsu đã không dâng lên Thiên chúa điều gì bên ngoài bản thân mình, Ngài dâng chính mình Ngài làm lễ toàn thiêu tinh tuyền… Này là Mình Thầy, bị trao nộp vì các con. Này là Máu Thầy. Đổ ra vì các con. Hội thánh đề nghị ta đọc Thánh Vịnh này vào ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.
+ Ngài cai trị các dân nước, vào ngày của Thiên Chúa. Đó là xác quyết rõ ràng về chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa (chiều kích cánh chung). Đức Giêsu cũng đã nhắc đến: “muôn dân nước được tập họp trước mặt Ngài…(Mat 25,31-32) khi Ngài ngự trên ngai vinh hiển…
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Giêsu, Vua ta. Chẳng phải là Đức Vua trong điện Louvre hay Versailles, nhưng trong lòng và trong cuộc sống của tôi. Đức Vua của tôi không trị vì như vua trần thế. Ngài không cai trị bằng uy quyền nhưng bằng việc phục vụ: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dang mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Từng giây phút trong cuộc đời, tôi mong ước được Ngài cai trị: ước chi Ngài làm vua tâm trí, công việc, và quả tim tôi...
Giêsu, Đấng thắng trận. Tôi phải giáp mặt trong cuộc đời với biết bao trận chiến: và Đức Giêsu là chiến thắng của tôi, là Đấng chiến thắng khi tôi sống công bình, theo lương tâm nghề nghiệp, theo sự thật, tình thương…trong một thế giới đan chen bằng những mãnh lực đối nghịch nhau.
Giêsu, vị tư tế muôn đời của tôi. Trong mỗi thánh lễ, tôi lập lại lễ hy tế mà Ngài đã hiến dâng một lần cho tất cả trên thánh giá, tôi đứng đó, tham dự vào hy lễ tuyệt vời mà Ngài đã dâng cho đến tận cùng. Ngày nay, có nhiều bạn trẻ và người trưởng thành nói rằng họ buồn chán khi dự lễ, và họ từ chối đi dự lễ. Ta cho Mình Máu Chúa một khuôn nào đây? Đây không phải là một vấn nạn phụng vụ, lễ nghi, chẳng có bầu khí nào có thể làm cho ta vui thích cho bằng giờ thánh lễ: hành vi cao cả của tình yêu và phục vụ không bao giờ tìm thấy nơi trái tim của con người, của tự hiến này chính Đức Giêsu đã muốn thế một cách tự nguyện. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến thân vì người mình yêu”. Không ai cất được mạng sống của tôi, chính tôi tự trao hiến…Vì yêu những kẻ thuộc về Ngài, Ngài đã yêu họ đến cùng… Vị tư tế của tôi là thế đó ! Đấng mà tôi cử hành trong mỗi lễ tạ ơn, là suối nguồn mang lại sự sống đời đời khi tôi uống, tôi kết hiệp: đó là việc cử hành tình yêu, là sự hiện diện của tình yêu, là nguồn mạch tình yêu. Con hết lòng cảm tạ, ôi tình yêu của con!
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch