Suy Niệm Tuần XII Thường Niên - Năm C - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Chủ nhật - 23/06/2019 05:09
1052
Thứ hai Tuần XII Tn
Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Đoạn tin mừng hôm nay là một phần của những tường thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu. Cách đặc biệt, đoạn này theo sau cảnh Mẹ Maria thăm viếng ‘nhà ông Zacaria’ (Lc 1,40 ), sau biến cố truyền tin của sứ thần, sứ giả cuộc tạo dựng mới. Việc loan báo mở đầu trong hân hoan việc Thiên Chúa hoàn tất những lời Ngài hứa với dân Người (Lc 1,26-38 ). Niềm vui của thời đại mới, ngập tràn lòng Mẹ Maria, và giờ đây cả tâm hồn bà Elisabét nữa. Bà vui vì lời Mẹ Maria loan báo (Lc 1,41). Mẹ Maria ngợi khen Thiên Chúa (Lc 1,46) vì Người đã làm những điều kỳ diệu nơi Mẹ, cũng như đã thực hiện những việc lạ lùng cho dân tộc của Ngài đang cần ơn cứu độ.
Thành ngữ ‘khi thời gian đã mãn’ không chỉ đánh động bà Elisabét đang mang thai mà còn mạc khải một điều mới lạ trong chương trình của Thiên Chúa. Nên Thánh Phaolô nói rằng ‘khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử (Gal 4,4).
Trong tin mừng Đức Giêsu cũng nói về thời gian viên mãn, đặc biệt trong tin mừng Gioan. Hai thời điểm được nhắc đến: tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12) và trong cơn hấp hối trên thập giá, Đức Giêsu đã kêu lên: ‘Mọi sự đã hoàn tất’ (Ga 19,30 ). Trong việc hoàn tất thời gian Đức Giêsu mở đầu một thời đại cứu độ. Việc sinh hạ Gioan Tẩy Giả khởi đầu thời gian cứu độ. Gioan đã nhảy mừng trong lòng mẹ là bà Elisabét khi Đấng Cứu Thế đến với mình (Lc 1,44). Sau này ông đã tự ví mình như bạn hữu của tân lang (Giêsu) vui mừng vì tiệc cưới với tân nương là Giáo Hội (Ga 3,29).
Đứa con trai không được gọi bằng tên của Cha mình mà lại gọi là Gioan. Zacaria nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa không quên dân Ngài. Tên của Gioan có nghĩa là ‘Thiên Chúa nhớ đến’. Con của Ngài bây giờ không thể còn gọi là ‘Thiên Chúa nhớ đến’ nữa, vì những lời hứa của Thiên Chúa đã được hoàn tất. Sứ vụ tiên tri của Gioan nêu lên lòng thương xót của Thiên Chúa. Nó được gọi là Johanan nghĩa là ‘Thiên Chúa thương xót’. Lòng thương xót Chúa biểu hiện trong cuộc viếng thăm dân Người, ‘như đã hứa qua miệng các ngôn sứ từ ngàn xưa’ (Lc 1,67-70). Tên gọi nêu rõ căn tính và sứ vụ của trẻ sơ sinh. Zacaria viết tên con ông trên tấm bảng nhỏ để mọi người đều có thể nhìn thấy với lòng kinh ngạc (Lc 1,63 ). Tấm bảng ấy làm vọng lại việc Philatô truyền viết tấm bảng treo trên thập giá. Những chữ viết này nói lên căn tính và sứ vụ của Đấng bị đóng đinh: ‘Giêsu Nagiarét, Vua dân do thái’ (Ga 19,19). Việc viết tấm bảng này cũng gây kinh ngạc cho những người đến Giêrusalem dự lễ.
Gioan là vị tiền hô của Đức Kitô. Ngay khi sinh, thời thơ ấu, Ngài đã chỉ cho biết Đức Kitô: ‘Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?’ Ngài là ‘tiếng kêu trong sa mạc’ (Ga 1,23 ). Thôi thúc mọi người dọn đường cho Chúa đến. Ngài ‘không phải là Đấng Cứu Thế’ (Ga 1,20 ), nhưng ngài chỉ cho biết qua việc rao giảng và nhất là qua cung cách sống nhiệm nhặt trong hoang địa. Ngài ‘càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh’. ‘Sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel’ (Lc 1,80 ).
Năm Lẻ
Bài đọc I hôm nay khởi đầu chuyện kể về Ápraham, gương mẫu hành trình đức tin cho mọi tín hữu.
Những lời đầu tiên Thiên Chúa ngỏ với ông khi Người chọn ông, cho ta thấy một tình yêu gây không ít hoang mang: ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi’. Để đi đến đâu? ‘Tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi’. Tất cả đều mơ hồ, chỉ có một ánh sáng duy nhất tuyệt vời là lời hứa: ‘Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi’. Ápraham vâng lệnh Chúa, không bàn cãi gì cả: ‘Ông Ápraham ra đi như Đức Chúa đã phán với ông’.
Ápraham cùng với gia nhân mình đến đất Canaan như khách lạ, nhưng tại đây khởi đầu phác họa chương trình của Thiên Chúa: ‘Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ông’. Ápraham chết đi, các thế hệ con cháu kế tiếp ông sẽ có sự sống. Và ông đi từ nơi này đến nơi khác: ‘Ông cắm lều…ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa…rồi ông nhổ lều’…đó là những điệp ngữ được lập đi lập lại. Chỉ cần mối tương quan tốt đẹp giữa ông với Chúa và luôn làm theo ý Chúa.
Như thế Thiên Chúa dạy dỗ Ápraham cũng như mọi tín hữu biết thực hiện những từ bỏ, có thể rất khó chịu, nhưng thực tế lại là một sự giải thoát. Cần phải chọn lựa: hoặc để cho lòng ích kỷ chiếm hữu vì muốn sở hữu hoặc trở thành người biết cho đi. Ápraham đã trao ban chính mình như quà tặng vô điều kiện, không cần biết điều gi sẽ xảy ra cho ông. Đó là đức tin: mở lòng, chấp nhận bước đi trong đêm tối cách dứt khoát, gặp gỡ với một đấng mà ta tín thác, bằng lòng cho ngài tất cả những gì ngài yêu cầu, yêu mến ngài, đặt ngài làm niềm vui và tình yêu của ta, trong một tương quan cá biệt mà Chúa muốn luôn thực hiện cách tốt đẹp hơn nữa. Những điều còn lại là thứ yếu. Các thánh dạy: thánh ý Chúa là thiên đàng của tôi.
‘Hãy đi’…Đó là lời mà Thiên Chúa không nói với ta một lần thay cho tất cả, bởi lẽ luôn luôn sự tự do của ta cần phải được giải thoát. Hãy chấp nhận lời đó với sự từ bỏ tín thác trong lòng và trong cuộc sống.
+++
Năm Chẵn
Vu khống…nói xấu…Có ai mà không đau khổ vì nó? Nhưng có ai, với tất cả lương tâm, có thể khẳng định rằng mình không bao giờ dùng đến nó?
Vua Đavít sợ phạm tội vì miệng lưỡi lắm nên đã cầu xin Chúa ‘đặt một người lính canh nơi miệng lưỡi’. Và trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài đã đặt lưỡi của ta vào trong một loại hàng rào là cái miệng của ta.
Nhưng cái lưỡi như thế vẫn có thể chạy thoát để phun nọc độc, mà tác giả thánh vịnh nói, để có thể chế ngự nó, phải xin sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Nhân danh sự công chính và đức ái, ta tin rằng mình có quyền xét đoán, vu khống hoặc nói xấu chăng? Cho rằng ta hoàn hảo (là điều ít khi xảy ra trên trần gian này), ta cần biết rằng sự hoàn hảo bao gồm đức khiêm tốn, nghĩa là lòng khoan dung, sự tha thứ, lời cầu nguyện để nâng đỡ tội nhân (ta cũng thuộc thành phần này), sự trợ giúp thiêng liêng, và những lời khuyên nhủ bác ái.
Thánh Giacôbê đã không sợ khi quả quyết rằng một người không phạm tội vì cái lưỡi là một vị thánh. Còn thánh Phaolô: ‘Bạn là ai mà dám xét đoán anh em mình? Tất cả chúng ta đều phải ra trước tòa án của Đức Kitô’.
Một câu châm ngôn dân Liban: ‘Ai có ngôi nhà bằng kính phải tránh ném đá kẻ khác’. Một thi sĩ Árập nói: ‘Lưỡi của bạn chẳng nói gì về sự bất toàn của người khác. Bạn đầy những bất toàn, và những người khác cũng đều có lưỡi’. Có lẽ chính vì chiếc lưỡi hoạt động chỉ để ‘tất cả mọi sự được nâng lên cao’ mà chiếc lưỡi của thánh Antôn Pađôva vẫn còn giữ nguyên vẹn?
Sự xét đoán duy nhất nghiêm khắc mà ta có bổn phận phải thực hiện là cho chính chúng ta.
Ôi, nếu chúng ta có thể xét đoán kẻ khác cùng với lòng khoan dung mà ta thực hiện cho chính mình, thì thiên đàng đã hiện diện trên mặt đất này rồi!
Thứ ba Tuần XII Tn
Năm Lẻ
Đối với người tín hữu biết để cho đức tin hướng dẫn, sự từ bỏ là một tự do tinh thần lớn lao biết dường nào. Theo lẽ thường, những người giàu có lo lắng làm sao để gìn giữ và làm tăng thêm sự giàu sang của họ; ngược lại, Ápraham quan tâm đến kẻ khác hơn là chính mình. Ông muốn tránh xung đột xảy ra giữa ông và Lót và với sự tự do tinh thần lớn lao ông đã thực hiện bước trước luật vàng mà Đức Giêsu dạy: ‘Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính mình cũng hãy làm cho người ta’. Ông nói với cháu mình: ‘Sao cho đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu…vì chúng ta là họ hàng với nhau. Tất cả xứ chẳng ở trước mặt cháu đó sao? Cháu hãy xa bác đi! Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi về bên phải; nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái’. Cách tốt nhất: là để cho người khác chọn lựa. Nhưng thật khó khăn, vì chúng ta thấy ngay những quyền lợi và bổn phận của người khác.
Lót đã chọn thung lũng màu mỡ Giordanô và Ápraham còn lại phần đất đồi núi khô cằn.
Ta thấy ở đây một áp dụng trước văn tự huấn giáo của Đức Giêsu dạy trong đoạn tin mừng hôm nay: ‘Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong…; còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống’. Ngài chính là con đường, con đường hẹp qua cái chết đưa đến sự sống; Ngài chính là cửa hẹp của từ bỏ, mở ra cho hạnh phúc.
Và lịch sử minh chứng là Ápraham có lý: cửa rộng dẫn đưa đến Sôđôma và Gômôra, biểu trưng của sự hủy diệt; đất Canaan là đất hứa: ‘Đứng lên! Hãy đi ngang dọc khắp miền đất này, vì Ta sẽ ban nó cho ngươi và cho con cháu ngươi’.
Quả thật ta tìm thấy niềm vui trong việc cho đi hơn là lãnh nhận. (‘cho thì có phúc hơn là nhận’)
+++
Năm Chẵn
Vua Atsua lại sai sứ giả đến với vua Khitkigia, vua bảo họ: Các ngươi sẽ nói với Khítkigia, vua Giuđa thế này: Đừng để Thiên Chúa của ông là Đấng ông tin tưởng, lừa dối ông rằng: Giêrusalem sẽ không bị nộp vào tay vua Át sua…Khítkigia cầm lấy thư chính tay các sứ giả trao cho mà đọc, rồi lên Nhà Đức Chúa, mở thư ra trước nhan Đức Chúa. Vua cầu nguyện trước nha Đức Chúa…
Chuyện kể trong bài đọc thường là bằng chứng hùng hồn, cho thấy các trang sách Kinh Thánh làm chứng. Átsua đe dọa Giuđa, muốn bắt nó làm chư hầu. Để đạt mục đích ấy, địch thù bắt đầu cuộc hành quân bằng cách gửi một lá thư, với nội dung nhằm xói mòn niềm tin tưởng của dân Israel vào Đức Chúa, quyền lực của Ngài bị làm trò cười và xem chẳng ra gì.
Khítkigia, Vua Giuđa, phản ứng bằng cách mở thư ra trước nhan Đức Chúa và đặt mình hoàn toàn phó thác trong tay Ngài. Và địch thù buộc phải lui xa trước khi giao tranh.
Thành lũy đích thực của Thiên Chúa, trước khi xét như một dân tộc, là quả tim của mỗi người mà tên thù địch tìm cách vây hãm và đe dọa bằng cách làm giảm bớt lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Kẻ thù của ta biết rằng không thể làm được gì bao lâu mà con người còn bám chặt vào Thiên Chúa. Chỉ cậy dựa vào phương sách riêng của con người, cùng với việc loại trừ Thiên Chúa là chọc ra một lỗ thủng trong thành lũy. Tôi chính là người duy nhất phải quyết định đặt niềm tin tưởng vào ai: vào Thiên Chúa, vào chính mình hay vào một ngẫu tượng khác.
Trong phút hồi tâm hôm nay, đặt trước mặt tôi những nỗi sợ hãi của mình để trải chúng ra trước mặt Chúa là đấng mà tôi muốn tái khẳng định lòng tin tưởng hoàn toàn của mình.
Lạy Chúa, Chúa biết bao nhiều điều hối thúc trong lòng con. Ý thức tính mỏng giòn thường làm con run sợ trước những tình cảnh mà con không biết giải quyết thế nào. Nhưng Chúa luôn ở với con và con lao vào cánh tay Chúa với tất cả lòng tin tưởng và phó thác.
Đừng phàn nàn vì Thiên Chúa bỏ rơi ta trong cuộc đời! Thiên Chúa là đấng trung tín. Ngài không bỏ con bao giờ, Ngài đặt ngai của Ngài nơi lòng con. Nếu các cành cây che lấp ánh sáng mặt trời, không có nghĩa là mặt trời đã tắt. Hãy nhìn kỹ xem và con sẽ thấy mặt trời sẽ chiếu sáng lại vừa ngay khi các cành lá rung nhẹ.
+++
Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.
Tác giả thánh vịnh viết: ‘Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh, Luật Chúa thật quý giá, khiến người dại nên khôn’.
Những lời khẳng định trên cần thiết để hiểu Lời Chúa, nếu được sống hết lòng, thực hiện Lề Luật của Chúa và đồng thời thỏa mãn yêu sách ngàn đời của con người: nhìn tha nhân như sự nối dài của ta, nên cảm nhận những đòi hỏi của họ như là của mình. Hãy tự hỏi cách chân thành: tại sao lời Chúa hôm nay được gọi là ‘luật vàng’?
Nguyên do thật rõ ràng: Thiên Chúa dựng nên ta bằng tình yêu. Người là nguồn cội Tình Yêu. Thiên Chúa biết rằng mỗi người chúng ta (dù có ý thức hay không) đều cần yêu và được yêu. Chính vì ‘cái nhu cầu’ nền tảng đó của con người làm tăng thêm giá trị của Lề Luật: là tuyệt đối quan trọng. Lưu ý: cũng mang tính chữa trị cho người dấn thân thực thi lề luật. Nếu tôi sống mà để ý điều chỉnh cung cách sống của tôi đối với tha nhân giống như cung cách sống mà tôi muốn tha nhân có đối với tôi, sẽ là hòa bình, ánh sáng và hơi thở của sự sống đích thực và tốt đẹp, thoát khỏi mọi tinh thần vị luật, thói nệ hình thức. Như thế Lề luật Thiên Chúa nâng cao phẩm giá con người và giúp con người thực hiện một thực tại an bình và thiện hảo: cho mình và cho kẻ khác.
Lạy Chúa, thay vì lắng nghe những đòi hỏi của con dưới ánh đèn mờ của tính vị kỷ, xin làm cho con biết lắng nghe những đòi hỏi dưới ánh sáng của tin mừng Chúa, thúc đẩy con thực hiện điều thiện hảo bằng cách thực hiện chính điều thiện hảo ấy cho kẻ khác.
Tội tê hại nhất chống lại anh em mình không phải là ghen ghét, nhưng là dửng dưng: đó là cốt lõi của tính vô nhân. George Bernard Shaw
Thứ tư Tuần XII Tn
Người ta tính có khoảng ba ngàn giáo phái tại Hoa Kỳ và hai ngàn năm trăm tại Âu châu. Mỗi giáo phái tự cho mình độc quyền sở hữu sự thật, và do đó tìm cách thuyết phục bạn rằng ngoài giáo thuyết của họ, bạn đang mục nát trong sự sai lạc.
Thời gian qua có nhóm người theo phái Truyền Đạo trên hệ thống truyền hình Hoa Kỳ than phiền về sự giảm sút số lượng người xem, do một vài bài giảng của họ, hoặc do việc làm tai tiếng của họ. Mọi người đều nhớ James Jones, ở Guyana, bắt buộc chín trăm tín đồ của mình phải tự sát. Việc tẩy não không bao giờ làm biến đi được những mục tiêu trong đầu của ông.
Các thủ lãnh các giáo phái tự xem mình như được Thiên Chúa ủy thác một sứ mạng cứu độ đặc biệt. Họ xem mình là những người được tuyển chọn, thanh sạch, nên họ bị người khác hiểu lầm và bách hại. Họ có khả năng gây ra rối loạn, hoảng sợ và bất an cho các tín đồ của họ, làm cho họ thoái hóa cách nào đó, đến độ khiến các tín đồ ấy không còn khả năng ‘hiện hữu’ bên ngoài sự thao túng của giáo phái. Một vài thủ lãnh còn đạt đến độ đe dọa giết chết những ai dám từ chối ‘niềm tin của họ’.
Những người được cho là soi sáng này (hoặc những kẻ trục lợi này) rất biết cách vận dụng niềm tin của những người đạo đức, vừa dịu dàng vừa kiên quyết, cả một nghệ thuật. Họ dẫn dụ những người hâm mộ, và cuối cùng nhận chìm họ vào sự hoang tưởng. Mỗi lần mà niềm tin hoặc sự thực hành tôn giáo thụt lùi, các giáo phái phát triển.
Sự bất khoan dung của các nhà sáng lập giáo phái đối với những người không nghĩ giống như họ, thường dẫn đến sự hung bạo. Đáng tiếc, hình như đức ái không ở trong con tim của họ. Và không có đức ái, người ta chỉ là những tiên tri giả.
Một ngày nọ người ta hỏi một mục sư của một giáo phái về tình trạng giáo hội của ông. Ông trả lời: Không tốt đẹp lắm! Nhưng cám ơn Chúa những giáo hội khác cũng chẳng tốt gì hơn.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì sự thanh thản, bình an mà Giáo hội Chúa ban cho con.
+++
Nghe những lời ghi chép trong sách Luật, vua xé áo mình ra
Việc tuyển chọn Giosia lên làm vua đánh dấu một thời đại phục hưng tôn giáo. Đền thờ, tượng trưng toàn thể quốc gia, được xem như là dân của Đức Chúa, đòi hỏi những việc tu bổ khẩn cấp để không phải bị sụp đổ. Hình ảnh tiêu biểu của việc suy thoái là Israel tuột dốc. Việc tìm thấy một quyển sách luật chỉ cho thấy sự hờ hững đáng trách và từ đó sự tẻ nhạt trong tương quan của dân chúng đối với Thiên Chúa. Người ta đề ra một công việc phục hồi (vượt trên các bức tường của thánh điện): là đền thờ của tâm hồn cần phải được sửa chữa, là sự gắn kết yêu thương với Lời hằng sống của Thiên Chúa, là giao ước với Thiên Chúa. Và lịch sử đã minh chứng cho thấy một thời đại mới.
Những trang sách cuộc đời được sao chép lại nơi mỗi thời đại, khi mà hình như chân trời bị che tối. Sự hưng phấn của cái mới, của điều chưa công bố, mang đến cho những giá trị vững chắc và vượt qua những con đường mà đôi lúc xem như là những ngõ cụt. Thật vậy, ngay cả một sự cứng nhắc bất di bất dịch của việc ‘trước sao sau vậy’ cho thấy mình đang thụt lùi! Không phải là thay thế những đền thờ cũ bằng những đền thờ mới, nhưng là nhẫn nại phục hồi đền thờ duy nhất có giá trị muôn đời: đền thờ của tâm hồn. Và đây là việc, giữa những nếp gấp của cuộc đời, tìm thấy quyển sách mà ta nhận thấy cách ngạc nhiên những trang sách đã được viết bằng chính máu của Con Thiên Chúa và nói về chúng ta, là những trang của chính cuộc sống của chúng ta được tìm thấy và được phục hồi trong dấu chỉ của tình yêu.
Trong phút hồi tâm, tôi suy nghĩ điều trên, loại bỏ cám dỗ của việc than khóc vô ích về thời đại của mình.
Lạy Chúa, xin hãy sửa chữa cùng với sự hiện diện sống động của Thần Khí Ngài, những rạn nứt trong đền thờ nội tâm của con.
Thứ Năm Tuần XII Tn
Chúa Giêsu ngỏ lời với những người cho mình có đức tin. Ngài nói cho họ biết nếu họ không mang ra thực hành đức tin đó, họ sẽ không thể vào Nước trời.
Đức Kitô thực rõ ràng. Những ai tưởng nắm giữ Nước trời bằng những lời tuyên bố, bằng những kinh nguyện, mà không có xác tín trong lòng và không nắn đúc đời sống theo niềm tin của họ, họ lầm lẫn lớn. Đức tin không có việc làm là đức tin chết (thánh Giacôbê).
Tôi là người tin nhưng không phải là người thực hành, quá nhiều kitô hữu tuyên bố như thế. Phải trả lời thế nào cho điều đó: Đức tin của bạn vô ích. Điều gì cho bạn làm nền tảng? Điều gì làm biến đổi bạn?
Các bạn nói: ‘Mặt trời chiếu sáng’. Và thật đẹp. Nhưng nếu các bạn cứ bướng bĩnh nhắm mắt lại, hoặc nếu các bạn không mở cửa chính và cửa sổ cho các tia nắng chiếu vào, các bạn sẽ ở trong tối tăm.
Các bạn còn nói tiếp: ‘Lửa cháy’. Nhưng nếu bạn đứng cách xa, các bạn tiếp tục run cầm cập. Ích lợi chi khi nói rằng mặt trời và lửa hiện hữu?
Tin vào Đức Giêsu Kitô hoặc sống vì Đức Giêsu Kitô, sự khác biệt hệ tại chính điều này. Từ tầm xa, một bông hoa giả có thể đánh lừa con mắt ta. Khi đến gần người ta sẽ thấy ngay nó thiếu một cái gì dịu dàng, duyên dáng, tinh khiết. Ân sủng của Đức Giêsu Kitô là chính cái hương thơm, cái dịu dàng, duyên dáng tinh khiết ấy được biểu lộ nơi chính chúng ta.
Một người dân miền núi lần đầu tiên đến thành phố. Buổi sáng, theo thói quen quê nhà, anh không ngớt chào hỏi mọi người mà anh gặp gỡ. Anh chào luôn cả những hình mẫu trong các cửa hàng và lấy làm ngạc nhiên về sự im lặng và cứng đờ của chúng.
Không thực hành đức tin chúng ta chẳng khác nào những hình nộm.
Thi hành ý Cha
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Là sẽ vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời’. Những đòi hỏi của Đức Giêsu thật quyết liệt, hầu như khó có thể chịu nỗi đối với chúng ta, là những kẻ yếu đuối và mỏng giòn. Bài giảng trên núi, là một lời mời gọi mạnh mẽ cho việc thi hành ý Thiên Chúa với tất cả sự trong sáng, quảng đại, hoàn hảo, và chúng ta biết rõ chúng ta có là chi đâu. Nhưng khi trình bày các đòi hỏi ấy, Đức Giêsu đặt vào trong lòng chúng ta niềm ao ước đáp trả và đó chính là cách thức và sức mạnh Ngài ban cho ta.
Một cách thức: ‘Vậy ai nghe những lời Ta nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá’. Lời của Đức Giêsu cho ta biết ý của Chúa Cha; nếu ta lắng nghe, chúng ta sẽ không còn phải sợ xa cách Ngài: chúng ta được dìm trong Lời và trong ngày ấy Đức Giêsu sẽ nhận biết chúng ta giữa những người được Cha Ngài chúc phúc.
Sức mạnh: Đức Giêsu ban cho chúng ta một quả tim mới, cho chúng ta quả tim của Ngài, bởi lẽ duy chỉ với quả tim vâng phục của Ngài chúng ta mới có thể thi hành ý của Chúa Cha, cho dù trong đời ta có gặp phải mưa sa, nước cuốn hay bão táp thử thách ập vào, vì chúng ta được xây trên nền đá. Với sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn, chúng ta có sức mạnh của Ngài, niềm vui của Ngài, chúng ta sống như trên thiên đàng rồi.
Thứ sáu Tuần XII Tn
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Nghệ thuật kitô giáo trình bày Đức Giêsu như người chăn chiên trẻ nhẹ nhàng mang trên vai một con chiên. Hình ảnh ấy cảm hứng từ dụ ngôn về lòng thương xót mà ta nghe trong đoạn tin mừng hôm nay. Sự quan tâm chăm sóc của Chúa dành cho con chiên lạc được nhắc đến trong phụng vụ ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Người mục tử nhân lành quan tâm đến các con chiên chứ không phải đến chính mình. Ngài cung cấp cho nhu cầu của chiên, chữa lành các con chiên bị thương tích, bảo vệ chúng khỏi thú dữ. Ngài biết tên từng con một và khi đưa chúng đến đồng cỏ, Ngài gọi tên từng con một. Nhưng cách riêng Ngài quan tâm đến con chiên lạc đàn, không quản khó nhọc để có được niềm vui tìm gặp lại. Một con chiên lạc hoàn toàn không được bảo vệ, có thể bị rơi xuống hố sâu hoặc mắc kẹt giữa bụi gai. Chính lúc này đây, trong cơn nguy khốn, nó mới khám phá ra giá trị của chủ chiên: sau khi tìm gặp, người ấy vác nó lên vai vui mừng mang về đàn chiên. Nếu chó sói có lại gần, người chăn chiên tốt lành không bỏ trốn, nhưng sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống vì con chiên. Đây chính là lúc mà người ta thấy được tấm lòng của người mục tử nhân lành.
‘Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức kitô đã thí mạng vì anh em’ (1Ga 3,16).
+++
Tôi muốn, anh hãy được sạch
Toàn bộ Kinh Thánh nói về mầu nhiệm của Đức Kitô, về sự khổ nạn và sống lại của Ngài. Hiến chế tín lý về mạc Khải số 16 nói rằng ‘Thiên Chúa đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước…Các sách Cựu Ước vẫn được xử dụng trọn vẹn trong sứ điệp phúc âm, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước. Tân ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước’.
Như vậy trong bài đọc 1 hôm nay đề cập về việc sống lại. Thánh Phaolô trong thư gởi Rôma giải thích rằng Ápram, qua việc tin vào lời loan báo việc Isaac sinh hạ, ông đã tin vào sự phục sinh của Đức Kitô mà không hề biết, bởi vì ông và Sara đã già rồi, ‘đã gần đất’ rồi; ông tin rằng Thiên Chúa, từ hai con người đã gần đất xa trời, có thể làm phát sinh một người con, Isaac: là sấm ngôn và lời hứa về sự sống lại.
Tin mừng cũng là lời loan báo về sự sống lại. Đức Giêsu chạm đến một người phong hủi và chữa lành anh ta: ‘Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh…và lập tức, anh được sạch bệnh phong’. Cái chạm đến người bệnh phong mà người thời ấy xem như là kẻ tội lỗi, ô uế, là biểu tượng lòng thương xót của Chúa Giêsu. Đức Giêsu, là con người, đã chạm đến bệnh phong hủi của chúng ta; chính ngài trong cuộc khổ nạn, bị xem như đồ phong hủi, tội nhân vì chúng ta, và ngược lại, cùng với cái chết và sự sống lại của Ngài, suối nguồn sự sống, Ngài đã chữa lành chúng ta.
Hãy đến bên Thánh Thể với lòng tin tưởng cùng với những chứng bệnh phong hủi của chúng ta, cùng với cái chết của ta, để Đức Giêsu làm cho ta được sống lại. Mỗi thánh lễ cần phải chuẩn bị chúng ta sẵn sàng đi phục vụ anh em, nhờ sự sống lại của Đức Giêsu.
Thứ bảy Tuần XII Tn
Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ
Để hiểu được tác động và toàn bộ vẻ đẹp của bài tường thật tin mừng, cần phải biết bối cảnh địa lý của nó. Vùng Xêdarê Philiphê trải dọc theo chân núi Ermon. Một trong những hang động được dành cho thần Pan và các trinh nữ [theo thần thoại Hy-lạp, Pan là vị thần, yêu thích cả phái nữ và phái nam. Khi không thành công trong việc đeo đuổi đối tượng đam mê của mình, Pan sẽ buông thả theo những trò dâm dật]. Trên đỉnh núi đá, Hêrôđê đã cho xây một đền thờ để kính Hoàng Đế Xêdarê Augustô, sau đó Philíphê, con trai ông, đã mở rộng thêm và đặt tên là Xêdarê. Tôn thờ một ngẫu thần hay một con người, đối với dân Do thái, được xem là một việc làm ma quỷ, cho nên hang động đó cũng được xem như là cửa dẫn vào vương quốc Satan: hoả ngục. Người ta mong đợi, một ngày nào đó, các vực thẳm âm phủ sẽ làm rung chuyển núi đá và sẽ nuốt chửng ngôi đền phạm thánh đó.
Chính tại nơi đáng sợ ấy lại diễn ra cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống và Simon, con ông Giona. Đức Giêsu nói đến một đá tảng khác, trên đó Ngài sẽ xây một đền thờ khác, Hội Thánh của Thiên Chúa. Không một quyền lực hỏa ngục nào có thể thắng nó được. Simon, trong cương vị người có trách nhiệm bảo vệ, đã nhận lãnh chìa khóa, và như thế có quyền cầm buộc cũng như tháo cởi, nghĩa là quyền dạy dỗ và quản trị Hội Thánh. Nhờ đó, Simon trở thành đá tảng hữu hình, bảo đảm trật tự, đoàn kết và sức mạnh của Hội Thánh. Satan và tử thần không thể thắng được Hội Thánh, bởi lẽ chính Đức Kitô sống và hoạt động trong Hội Thánh. Mỗi vị Giáo Hoàng là Phêrô cho thời đại của mình.
+++
Khách đến, Đức Kitô đến
Bài đọc 1 phụng vụ trình bày cho ta hôm nay là một bài học về lòng hiếu khách và nêu rõ Thiên Chúa chứng nhận giá trị.
Abraham, ‘vào lúc nóng nực nhất trong ngày’ ngồi nghỉ nơi cửa lều. Chắc chắn ông không muốn bị quấy rầy. Sách thánh nói: vừa thấy ba người khách đến gần ông một cách lạ lùng, ông chạy ra đón họ, sụp xuống đất lạy… và xin họ dừng chân nơi nhà ông và mời các vị một ít bánh. Đối với ông thật là một vinh hạnh được đón tiếp các vị khách mà ông chưa hề gặp lần nào, và ông bảo bà Sara lo chuẩn bị cho họ một bữa ăn thịnh soạn. Quả là một lòng hiếu khách đáng quý: dễ mến, nhã nhặn và quảng đại. Tường thuật nói rằng chính Chúa mà Abraham đón nhận và tiếp đãi và trước khi rời nhà ông, Ngài đã hứa cho ông một con trai, ngược lại mọi suy tư của con người. Nhưng ‘nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Thiên Chúa’ đâu?
Lòng hiếu khách, giá trị đặc biệt của người phương đông, nơi Abraham đã mặc lấy một tính cách tôn giáo và trở thành, trong Tân Ước, một giá trị kitô, mà Đức Giêsu hứa khen thưởng: ‘Ai tiếp đón người công chính sẽ được phần thưởng của người công chính’.
Tác giả thư do thái khuyến khích các tín hữu: ‘Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết’ (Dt 13,2). Và thánh Benêdictô đã ghi trong luật dòng ngài: Khách đến, Đức Kitô đến (Hospes venit, Christus venit).
Đón tiếp người khác cho ta cơ hội đón tiếp chính Đức Kitô. Như thế là cuộc đón tiếp long trọng nhất: đón tiếp Đức Giêsu, như chính Ngài muốn được đón tiếp. Matta đã chuẩn bị nhiều việc để đón Ngài, nhưng chính Maria đã tiếp Ngài như Ngài muốn: bà ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài.
Đức Giêsu cũng muốn được tiếp đón một cách ‘sâu xa’ hơn: bằng cách đón nhận trong thân xác của ta những đau khổ của Ngài, vì lợi ích của giáo hội Ngài, để hoàn tất công trình cứu độ của Ngài, như thánh Phaolô viết cho tín hữu Côlossê.
Cầu xin cho chúng ta được ơn sẵn sàng tiếp đón Chúa như ngài muốn, với cả lòng tri ân và khiêm nhuợng. Lúc đó Ngài sẽ ăn tối với ta và ta với Ngài.
+++
Người đã mang lấy trên mình mọi tật bệnh của chúng ta.
Pascal đã đặt trên miệng Đức Giêsu những lời này: ‘Các thầy thuốc không chữa lành bệnh cho ngươi đâu! Chính Ta mới chữa lành và làm cho thân xác nên bất tử!’
Đức Giêsu mang trên mình mọi bệnh tật thể lý và luân lý của chúng ta. Đừng e ngại nói cho Ngài biết! Hãy biết thưa với ngài bằng đức tin của viên đại đội trưởng, của bà nhạc mẫu thánh Phêrô, của cha mẹ những kẻ bị quỷ ám, của những bệnh nhân.
Ngài sẽ nói với ta như với viên đại đội trưởng: ‘Ông cứ về đi! Ông tin thế nào, sẽ được như vậy!’ Ngài sẽ nắm lấy tay ta, như đã làm với bà nhạc mẫu thánh Phêrô. Ngài có thể dùng lời quyền năng mà xua trừ ma quỷ ra khỏi chúng ta.
‘Lạy Chúa Giêsu, các thầy thuốc không chữa khỏi con, nhưng Chúa chữa lành con! Xin ban cho con đức tin của viên đại đội trưởng, của bà nhạc mẫu thánh Phêrô. Xin chữa lành con, xin xua trừ ma quỷ ra khỏi con. Xin chạm đến con. Xin hãy phán một lời, thì con sẽ lành mạnh!
+++
Ngôn sứ của ngươi tỏ cho người thấy toàn điều hư ảo, toàn chuyện khói mây, còn lỗi lần ngươi, chúng không vạch rõ để đảo ngược vận số của ngươi. Điều chúng thấy là điều huyền hoặc, chỉ đưa ngươi vào ảo tưởng mà thôi.
Vị ngôn sứ vẽ nên tình cảnh bi thảm của Giêrusalem, thành thánh, đối tượng tình yêu của Thiên Chúa, đã lánh xa Chúa. Cảnh tượng: người già, người trẻ ngồi câm lặng trong khi nạn đói đang hoành hành, ngay cả trẻ thơ cũng chết trong vòng tay bất lực của mẹ chúng.
Ai sẽ mở mắt cho ta đúng lúc bằng cách cảnh báo cho ta biết ta đang gặp nguy hiểm? Họ không chỉ thinh lặng, nhưng còn bảo ta những lời huyền hoặc ảo tưởng.
Người kitô hữu, nhờ bí tích thanh tẩy, đảm nhận chức năng ngôn sứ. Không được liên kết với kẻ khác để đọc cách sai lạc những biến cố xảy ra do sự hời hợt, cho rằng ‘mọi người đều làm thế’ hoặc ‘có ích gì phải đứng vào một tư thế khác’.
Như một công dân, như một người có đức tin, cần phải là người cổ xúy cho những lựa chọn đảm bảo cho một tương lai tốt đẹp hơn và mở ra những chân trời hy vọng, không bao giờ là hoa quả của sự dễ dãi.
Trong phút hồi tâm tôi suy nghĩ đến chức năng ngôn sứ của mình. Lạy Chúa, xin mở cho con đối mắt để chúng nhìn thấy vượt qua cái tức thời và bề ngoài mà thấu hiểu ý nghĩa thâm sâu của những gì chúng con đang sống và biết chỉ, nhất là cho giới trẻ, những nẻo đường hy vọng.
Chú gà trống cùng với tiếng gáy là mẫu hình của những ai có sứ mạng đánh thức anh chị em xung quanh mình: nó cất tiếng gáy khi hừng đông ló dạng, khi mặt trời xuất hiện ở chân trời; nó làm cách trung thành công việc của nó! Những ai có bổn phận đánh thức lương tâm con người, các dân tộc cũng phải trung thành như chú gà kia vậy. Hèlder Camara
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh Irênê
Lời nguyện nhập lễ: Lạy Thiên Chúa, Chúa đã ban ơn cho thánh Giám Mục Irênê củng cố Giáo hội Chúa trong chân lý và bình an…’ bằng cách chỉ rõ công việc mà thánh nhân đã thực hiện, trong cương vị là Giám mục Giáo hội tại Lyon vào thế kỷ thứ II.
Vào thời đó giáo lý kitô giáo bị đe dọa bởi thuyết ngộ đạo, biến tất cả thành trừu tượng; Irênê, qua việc rao giảng và các công việc của mình, đã bảo vệ tính vẹn toàn của giáo lý kitô giáo bằng cách đào sâu việc hiểu biết Kinh Thánh và những mầu nhiệm đức tin: Ba Ngôi, Đức Kitô trung tâm của lịch sử, Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình Máu thánh Đức Kitô ‘làm cho xác thịt của ta làm vui lòng của Thiên Chúa’.
Irênê là một vị thánh hết sức lạc quan. Lời tuyên bố của Ngài: Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động’. Có nghĩa là gì?
Tin mừng hôm nay nói về vinh quang: ‘Vinh quang mà Cha đã ban cho con, con đã ban cho chúng, để chúng nên một như chúng ta là một. Vinh quang là sự hiệp nhất mọi người trong tình yêu, phản ánh sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhân tính, trở nên hoàn hảo trong sự hiệp nhất’, là vinh quang của Thiên Chúa, gương phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Cổ xúy cho chân lý, Irênê còn là người đề xướng cho hòa bình trong Giáo hội, tự mình làm trung gian hòa giải trong tranh luận về ngày mừng lễ Phục Sinh, là việc chẳng có gì quan trọng, nhưng lại đe dọa tính hiệp nhất và hòa bình của các kitô hữu vào thế kỷ ấy.
Ta hãy cầu xin, nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, cho Giáo hội hôm nay: Lạy Thiên Chúa, Chúa đã ban ơn cho thánh Giám Mục Irênê củng cố Giáo hội Chúa trong chân lý và bình an, xin ban cho chúng con biết đổi mới trong đức tin và trong tình yêu và luôn tìm kiếm điều cổ xúy sự hiệp nhất và hòa thuận.