Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Bữa ăn chung - Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
Thứ sáu - 21/06/2019 23:19
944
LỄ MÌNH MÁU CHÚA : Bữa ăn chung
Tối thứ bảy, 2-6-2012, 350 ngàn người thuộc các gia đình năm châu đã tham dự lễ hội chứng từ do ĐTC Benedicto chủ tọa bắt đầu từ lúc 8 giờ rưỡi tại Công viên Bresso ở mạn bắc Milano, Italia.
Trong lễ hội này, dưới bầu trời dịu mát, đã có phần trình bày chứng từ, xen lẫn 5 câu hỏi được nêu lên với các câu trả lời ứng khẩu của ĐTC và các bài ca điệu vũ được trình diễn.
Mở đầu, bé gái Cát Tiên 7 tuổi, trong chiếc áo dài màu đỏ, đầu đội khăn đóng, cầm bó hoa đến cắm trước ảnh Thánh Gia, và em tiến đến trước ĐTC để chào ngài và nói (bằng tiếng Anh):
”Con chào Đức Giáo Hoàng, con là Cát Tiên, con đến từ Việt Nam. Năm nay con 7 tuổi và con muốn giới thiệu với Đức Giáo Hoàng gia đình con: đó là ba con tên là Đang, và mẹ con tên là Thảo, và đó là em con tên là Bình. Con rất muốn biết về gia đình Đức Giáo Hoàng và hồi đức thánh cha còn bé như con..
”Cám ơn con rất yêu quí, và cha mẹ con.. Cha chân thành cám ơn. Con hỏi cha kỷ niệm về gia đình cha như thế nào: có nhiều lắm. Cha chỉ muốn nói ít điều. Đối với gia đình cha, điều rất quan trọng là Chúa nhật, và Chúa nhật thì bắt đầu ngay từ chiều thứ bẩy. Ba của cha vẫn đọc cho con cái các bài đọc của ngày lễ Chúa nhật, rút từ cuốn sách rất phổ biến bấy giờ ở Đức, trong đó cũng có những giải thích về các bài đọc. Và thế là Chúa nhật bắt đầu: gia đình cha đã bước vào phụng vụ trong một bầu không khí vui mừng. Ngày hôm sau, cả gia đình cha đi lễ.
“Và trong gia đình thì dĩ nhiên điều quan trọng là dùng bữa chung với nhau. Trong gia đình cha vẫn thường ca hát nhiều: anh của cha là một nhạc sĩ giỏi, sáng tác nhạc ngay từ nhỏ cho cả gia đình, và cả nhà cha đều hát.
“Và dĩ nhiên là gia đình cha cũng đi chung với nhau, đi bộ; nhà cha gần một khu rừng và vì thế đi bộ trong rừng là điều rất tốt: có những cuộc phiêu lưu và các trò chơi nữa, cùng những thứ khác.
“Thú thực là khi cha tìm cách tưởng tượng xem thiên đàng như thế nào, cha luôn hình dung ra thời cha còn trẻ, thời niên thiếu của cha. Trong khung cảnh tín thác, vui mừng và yêu thương như thế, gia đình cha thật là hạnh phúc và cha nghĩ rằng thiên đàng cũng giống như trong thời niên thiếu của cha. Theo nghĩa đó, cha hy vọng được ‘đi về nhà’, đi sang phần bên kia của thế giới.”
Trong 4 điểm trên ta sẽ nhắc lại 2 điểm và dừng lại chỉ 1 điểm thôi, phù hợp với lễ Mình Máu Chúa hôm nay.
Điểm 1 là cầu nguyện chung. Linh mục Pê-tanh đã nói: “Gia đình nào cầu nguyện chung với nhau thì sẽ sống hợp nhất với nhau”. Việc cầu nguyện chung trong gia đình sẽ củng cố mối dây hợp nhất mọi thành phần với nhau mỗi ngày một thêm bền chặt. Đi lễ chung cũng là một cách cầu nguyện chung.
2. Ngoài việc cầu nguyện chung trong gia đình, cha Gioan Tô-mát, dòng Tên đã nhấn mạnh một khía cạnh khác, cũng quan trọng không kém, đó là việc dùng cơm chung với nhau thì sẽ sống hợp nhất với nhau.
Bữa ăn chung trong gia đình có một tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của nó mà ngày nay nhiều người đã bỏ quên hoặc không quan tâm cho đủ. Bữa ăn chung trong gia đình làm cho mọi thành phần vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em được hợp nhất với nhau, được dịp chia sẻ những niềm vui, những quan tâm lo lắng của nhau.
“Một gia đình dùng bữa chung với nhau sẽ sống hợp nhất với nhau”, lý tưởng là như thế, nhưng không phải tất cả mọi người, mọi gia đình ngày nay đều có thể thực hiện được lý tưởng cao đẹp này. Nhiều gia đình đã bỏ mất dịp tốt này, mỗi người vội vàng lo cho mình có chút gì vào bụng rồi mau chóng đi lo công việc riêng, mỗi người không còn xếp đặt công việc để có thể tham dự bữa cơm chung trong gia đình nữa
Cha mẹ lo làm việc, xếp đặt đời sống chạy theo công việc nên không còn quan tâm đến việc ăn cơm chung với con cái; phần con cái bận việc với bạn bè hay công việc riêng của mình nên cũng chẳng màng chi đến bữa cơm chung. Mỗi người trong gia đình đều có lý do riêng để không ăn cơm chung với nhau, nhiều gia đình ngày nay tan vỡ có lẽ vì hai lý do: không cầu nguyện chung với nhau và không ăn cơm chung với nhau (ít là 1 bữa trong ngày). Chúng ta hãy nhìn lại gia đình mình và kiểm điểm theo hai nguyên tắc căn bản trên: cầu nguyện chung và dùng cơm chung.
Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn chung. Chắc chắn Ngài đã từng ăn chung nhiều lần với các môn đệ : những lúc đó đủ diễn tả tình bằng hữu rồi ; giây phút cuối tại sao Ngài không lên đền thờ hoặc đến núi cao để lập bí tích Thánh Thể, mà lại cũng là trong một bữa ăn chung.
Chính vì thế thánh Gioan đã viết: “Ngài đã yêu thương các môn đệ của Ngài và đã yêu thương họ đến cùng”. Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu thương đến tột bực. Tột bực tình yêu của Ngài ở đây là việc lập Thánh Thể. Thực vậy, Chúa Giêsu đã ghi dấu đặc biệt của Ngài nơi bữa tiệc này, để từ nay Ngài trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa chúng ta với Ngài và giữa chúng ta với nhau.
Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Chúa Giêsu vừa báo trước cho các môn đệ là Ngài sẽ giã từ thế gian để về cùng Cha. Ngài sẽ phải xa cách họ luôn sao? Không, trong tình yêu thương, Ngài đã tìm ra một phương thế để ở lại với các môn đệ và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Phương thế tuyệt diệu đó là Bí tích Thánh Thể, nhờ đó Ngài hiện diện thực sự và trải dài sự hiện diện đó đến tận cùng thời gian qua mọi người để ban cho họ những điều tốt lành.
Con người ta ai lại chẳng cần ăn để sống, và khi ăn, ta nhớ tới Chúa Kitô hiện diện, bởi Ngài trở thành của ăn cho chúng ta.
Ta nhớ là khi sống lại, Chúa vẫn ăn : “Có gì ăn không,” họ đưa cho Ngài khúc cá nướng, Ngài ăn trước mặt họ.
Chính trong bữa ăn mà 2 môn đồ trên đường Emmaus nhận ra Chúa. Lúc hiện ra trên bờ hồ Tiberiad, Chúa cũng dọn sẵn bữa ăn cho các ông.
Trong một gia đình kia, vào mỗi chiều thứ tư sau khi người mẹ đi vắng nhà một chút trở về thì đứa con trai được mẹ đem về cho một cái bánh. Đây là chuyện bình thường đối với em trong vài lần đầu. Nhưng qua nhiều lần như thế em lấy làm lạ. Em quyết định tìm hiểu. Chiều thứ tư nọ, sau khi mẹ ra khỏi nhà, em liền lén đi theo sau. Thì ra mẹ đến Nhà thờ để họp mặt các bà mẹ Công giáo trong họ đạo. Quan sát từ xa, em thấy đến giờ giải lao mỗi bà mẹ được phát cho một cái bánh và một chai nước. Các bà mẹ khác thì vô tư thưởng thức phần của mình. Chỉ riêng mẹ của em sau khi nhìn qua nhìn lại bà vội để cái bánh vào giỏ và chỉ ngồi uống nước.
Lúc ấy, em đã hiểu vì sao mình có được cái bánh vào mỗi chiều thứ tư. Em quay về nhà và cũng như bao ngày khác ngồi chờ mẹ về. Tuy nhiên, tâm trạng của em không còn như trước nữa. Càng nghĩ đến hình ảnh thấy về mẹ bao nhiêu thì em càng cảm thấy thương mẹ bấy nhiêu.
Và người mẹ cũng đã trở về. Em cũng vui vẻ nhận bánh như bao ngày thứ tư khác. Đưa bánh cho con, người mẹ vào nhà tiếp tục công việc của mình. Bà đâu hay biết chuyện gì đã xảy ra với con mình. Em cầm cái bánh hết sức nâng niu và ra góc nhà đứng ăn trong nước mắt vì cảm thấy quá hạnh phúc.
Phải chăng hình ảnh người mẹ này phần nào giúp ta hiểu sâu hơn về tình thương mà Chúa Giêsu muốn dành cho chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích cao quý này, Người muốn ở lại với chúng ta một cách trọn vẹn và lâu bền hơn.
Bí tích Thánh Thể là một Hy Tế và là một bữa ăn. Trong chuỗi ba năm về chủ đề gia đình của Hội Thánh Việt Nam, chúng ta đang sống “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn” : Ước gì các gia đình, nhất là các gia đình gặp khó khăn biết tái lập lại việc đi lễ Chúa nhật chung với nhau để dự “Bữa ăn của Chúa”; và về gia đình, có những bữa ăn chung với nhau, không hằng ngày được, thì chí ít, hằng tuần. Được như thế, chắc chắn gia đình sẽ bớt và hết khó khăn để được sống hạnh phúc trong bàn tiệc Nước Chúa. Amen
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
(góp nhặt và biên tập)
bé Cát Tiên đang giới thiệu cha mẹ và em
Cha, mẹ và em của Cát Tiên