Suy Niệm Thánh Vịnh 8 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thứ năm - 13/06/2019 04:49
1231
Suy Niệm Thánh Vịnh 8
1 Phần nhạc trưởng. Có hoạ đàn thành Gát. Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
Uy phong Ngài vượt quá trời cao.
3 Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân :
8 Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
9 nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
10 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
Cùng Đọc Với Dân Ítraen
Bài tụng ca vương quyền của Giavê có lẽ được hát vào một đêm lễ hội, dưới bầu trời trong veo không gợn mây, đầy ánh sao lấp lánh của miền Đông phương. Thánh Vịnh này chỉ làm công việc là dệt thành bài ca, thành kinh nguyện những điều mà giáo lý sơ đẳng của Do thái giáo đã dạy. Sáng Tạo: Thiên Chúa sáng tạo vạn vật, trao quyền cho con người, đỉnh cao của mọi vật: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…Hãy thống trị mặt đất…Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ..”
Đáng chú ý là Thánh Vịnh tụng ca sự cao cả của Thiên Chúa lại xoay sang việc ca ngợi sự cao cả của con người. Nhưng chính Thiên Chúa là Đấng làm chủ tất cả, hãy để ý những đại từ như Danh Ngài, uy phong Ngài, tay Ngài, Ngài sáng tạo, Chúa nhớ đến, Ngài bận tâm... Như thế, trong một bài thơ trong đó con người được coi trọng đến thế, thật là trái ngược khi đọc ta thấy Thiên Chúa lại làm chủ từ tất cả các động từ!
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Đức Giêsu hẳn đã sử dụng Thánh Vịnh này, chống lại những người Biệt Phái và Ký Lục để bảo vệ những người bé nhỏ trong đám dân hoan hô Ngài vào ngày Lễ Lá: “Ông có nghe chúng nói gì không? – Đức Giêsu đáp: Có; nhưng còn lời này, các ông chưa bao giờ đọc sao: Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen” ? (Mat 21,16) Như vậy, đối với Đức Giêsu, sự cao cả của con người là ở bên những kẻ bé nhỏ, những người đón mở lòng đón nhận tất cả trong sự đơn thành. Và Đức Giêsu cũng còn nhấn mạnh thái độ cần thiết của lòng khiêm tốn: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Luc 10,21). Thánh Phaolô đã ba lần trích dẫn Thánh Vịnh này ( Dt 2,6-10 ; Ep 1,22 ; 1Co 15,25-17): “Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô”. Mỗi lần trích dẫn, Thánh Phaolô đều muốn qua đó diễn tả điều kỳ diệu của việc Đức Giêsu sống lại, chiến thắng dứt khoát trên sự chết. Cha Martelet giải thích: lời Thiên Chúa hứa đặt muôn loài dưới chân con người chỉ là một sự lừa bịp nếu con người bị đánh bại bởi sự chết… vì lúc đó, chính con người đang nằm dài dưới chân muôn vật. Nhưng, duy chỉ Ađam thứ hai mới thực hiện hoàn hảo lời hứa dành cho Ađam thứ nhất: Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người, là Đức Kitô. “Này là Người”, Philatô nói mà không hề hiểu thấu ý nghĩa sâu thẳm câu nói của mình.
Để trả lời cho câu hỏi căn bản mà bất cứ ai đặt ra: “Con người là gì? Sự mỏng giòn của con người trước sự vĩ đại kinh khủng của vũ trụ, có ý nghĩa gì? …ta chỉ có thể nói như thế này: con người chính là thân phận mà Con Thiên Chúa đã muốn mặc lấy.. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm…Thiên Chúa làm người”.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Khen ngợi. Khoa học càng cho ta khám phá những kỳ diệu trong vũ trụ, chúng ta càng chân thành hát lên Thánh Vịnh này “ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo…” Ngày nay ta biết rằng vũ trụ rất bao la, phải tính bằng hằng triệu năm ánh sáng, vậy tại sao ta lại không biết ngợi khen Thiên Chúa?
Trẻ Thơ. Đây là một trong những chủ đề của văn chương hiện đại. Người ta tái khám phá vẻ tươi mát và chân thật của những tiếng tại sao của con trẻ: Ba ơi, tại sao mặt trời chiếu sáng? –Vì nó đang bốc cháy – Tại sao nó cháy? …Có một vài người lớn có vẻ tự kiêu cứ cho mình tài giỏi, cuối cùng cũng đầu hàng trước những câu tại sao đơn sơ của con trẻ.
Bầu trời, Tinh Tú. Thật đẹp! Bạn hãy nằm dài trên thảm cỏ, ngước mắt nhìn lên trời vào một đêm hè đẹp trời. Điều hiển nhiên: không phải con người làm ra những cái kỳ diệu trên đó. Một đứa trẻ có khả năng hiểu được điều mà những kẻ kiêu căng không bao giờ hiểu được: bầu trời là ‘thành lũy’, rào cản ngăn kẻ thù địch của Thiên Chúa. Thiên Chúa Ngài không cần tự vệ.. không một kẻ thù nào chạm được Ngài. Vũ trụ với những định luật hài hòa đủ để khớp miệng những kẻ ranh mãnh dám tự phụ cho mình có khả năng tái tạo lại vũ trụ. Cha ông chúng ta đã hiểu được sự thật đó, họ nghe “các vì sao đang hòa tấu nhịp nhàng” (G 38,7).
Với kỹ thuật, con người thống trị. Không có gì trái ngược. Thiên Chúa đặt tất cả dưới chân người. Lần đầu tiên các phi hành gia đặt chân trên mặt trăng, tượng trưng sự vĩ đại của con người khoa học, làm chủ thiên nhiên. Tuy nhiên, chẳng thấy có thi sĩ nào, chẳng thấy có phóng viên nào, chẳng thấy có tường trình chính thức nào của cơ quan Nasa luôn đánh giá cao các chuyên viên kỹ thuật, đã dám nói lên điều mà từ rất lâu, dân Chúa đã hát lên trong Thánh Vịnh 8: Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo…. Trong thời của tác giả Thánh Vịnh, di chuyển bằng tàu, ngang dọc khắp trùng dương, con người xem như đã tuân lệnh Chúa thống trị trái đất. Ngày nay, với một chiếc phản lực tôi cất cánh và chỉ vài giờ sau tôi đã ở nơi phi trường của một châu lục khác, tôi hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa mà không một chút ý thức. Điều này cũng thật sự xảy ra cho một người nghiên cứu để làm khoa học tiến triển, cho một đứa trẻ đang nhìn bức tranh nó vừa vẽ xong, cho một cụ bà vừa đan xong chiếc áo, tấm thảm, cho người mẹ dạy dỗ con cái, cho người công nhân xây dựng nhà ở…cho mọi người bất cứ ai, bằng nghề nghiệp của mình, đã cộng tác một chút vào công trình sáng tạo.
Con người là gì? Ông Pascal đã lập lại câu hỏi này. Trước cái hùng vĩ của vũ trụ con người cảm thấy mình quá bé nhỏ: “Cái thinh lặng của những khoảng không vô tận làm tôi sợ”; “Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong vũ trụ; nhưng lại là một cây sậy biết suy tư… Khi vũ trụ đè ụp xuống con người, con người vẫn cao cả hơn bởi vì nó biết rằng mình chết, trong khi vũ trụ chẳng biết gì cả.
Sự cao cả của con người. Ở giữa vũ trụ bao la hùng vĩ này, con người vẫn vô cùng cao trọng hơn vũ trụ. Con người cao cả và quan trọng hơn mặt trời. Tại sao thế? Bởi vì con người là đối tượng Thiên Chúa không ngừng quan tâm đến, Thánh Vịnh trả lời: thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chỉ một người thôi cũng quan trọng và có giá trị trước mắt Thiên Chúa hơn cả vũ trụ. Thiên Chúa yêu con người. Danh Ngài thật lẫy lừng. “ Lạy Cha, Con đã tỏ cho chúng Danh Của Cha”. Lạy Cha, nguyện Danh Cha cả sáng.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch